Sau bữa trưa, Phó Dư Dã bảo quản gia tìm người sửa chữa lò sưởi.
Lâm Lễ bọc kín người trong chiếc áo khoác, nằm trên ghế, thật giống một ông cụ. Nhưng cậu ta lại có một gương mặt rất ưa nhìn, chọc cho người giúp việc có nhiệm vụ chăm sóc cho cậu ta phải đỏ mặt xấu hổ.
Cậu ta nằm trên ghế một lúc, Phó Dư Dã nói: "Đứng dậy đi làm gì đi."
Lâm Lễ trưng ra bộ mặt đau khổ, than vãn: "Tớ là công cụ kiếm tiền của cậu à? Hả cậu Phó Dư Dã?"
Phó Dư Dã cười lạnh một tiếng: "Xem ra cậu cũng tự biết thân."
Lâm Lễ: "Tớ nhất định phải nói với cậu câu xxx."
...
Cuối cùng thì cậu ta quấn áo khoác run rẩy đi đến phòng làm việc với Phó Dư Dã
Quản gia đi vào đưa trà rồi đi ra. Ông nhìn thấy tôi trong phòng khách thì đi đến nói với tôi rằng có một phòng sinh hoạt ở trên lầu, tôi có thể đưa Tiểu Sư lên đó.
Tôi nhìn xung quanh một lượt rồi mới phát hiện không nhìn thấy khuôn mặt quen thuộc kia, tôi hỏi tại sao tôi không thấy dì Hương, ông ấy nói với tôi rằng dì Hương đã từ chức và về quê hai ngày trước để chăm sóc cho con dâu đang ở cữ.
Quản gia đưa chúng tôi đến phòng sinh hoạt.
Phòng sinh hoạt là một căn phòng lớn với đầy những món đồ chơi tinh xảo bắt mắt, thậm chí còn có cả một con ngựa gỗ nhỏ.
Tiểu Sư muốn cưỡi, quản gia tốt bụng nói với tôi rằng mọi thứ ở bên trong phòng đều có thể sử dụng được.
Tiểu Sư hào hứng ngồi lên, quản gia cẩn thận đỡ thằng bé, thấy thằng bé ngồi vững rồi mới buông ra, trong nháy mắt, trong mắt ông hiện lên một tia sáng. Tôi không hiểu ông ấy đang vui vẻ vì chuyện gì thì ông lấy trong tủ ra một khung ảnh đưa cho tôi.
Trên đó là hình một cậu bé tóc xoăn trong bộ quần yếm ngồi trên một con ngựa gỗ nhỏ.
Cậu bé ấy đeo nơ, thật giống một thân sĩ.
"Đây là thiếu gia năm bốn tuổi, khi đó phu nhân vẫn còn..."
Giọng của ông nghẹn ngào chút cảm xúc, một cảm xúc pha giữa sự tôn trọng và kính trọng, ông ấy hỏi tôi: "Cậu Tiểu Sư và cậu chủ, họ có phải là..."
Tôi không thể gạt được đôi mắt hơi vẩn đục nhưng đầy khao khát đó.
Chỉ có thể im lặng.
Ông ấy coi sự im lặng của tôi như một lời khẳng định, ông vừa kích động vừa cố gắng kiềm chế vuốt v e khung ảnh, trông ông như sắp khóc. Trước mặt Phó Dư Dã ông ấy luôn luôn lễ độ nhã nhặn, thậm chí còn có chút hình tượng lão thân sĩ có chút nghiêm khắc, nhưng giờ phút này ông ấy lại hoàn toàn mất đi vẻ uy nghiêm thường ngày.
Ông chậm rãi nói, như một ông lão cô đơn đang ngắm nhìn hoàng hôn ngoài sân.
"Khi phu nhân còn sống, cô ấy luôn lo lắng sau này cậu sẽ sống trong cô độc, cô ấy nói ông chủ hoàn toàn không chăm sóc con cái, mà lão gia lại nuôi dạy thiếu gia trở thành người kế thừa của mình. Phu nhân lúc nào cũng lo lắng, lo rằng cậu chủ sẽ trở thành một cái máy máu lạnh trong tương lai."
Vẻ vui mừng xen lẫn tiếc nuối hiện rõ trên khuôn mặt đầy nết nhăn của ông.
"Nếu phu nhân mà biết, nhất định sẽ rất vui vì cậu chủ."
Tôi nhìn ông, cuối cùng cũng hiểu hết ý nghĩa của sự lo lắng
Cảm tình thật sự là thứ khó hiểu nhất trên đời.
Tôi đã nghĩ Phó Dư Đường thương Tiểu Dã, mọi thứ ông ấy dành cho Tiểu Dã đều thể hiện địa vị của Tiểu Dã trong lòng ông, nhưng trong mắt ông ấy chưa từng hiện lên cảm xúc như vậy.
Tôi hỏi: "Ảnh của Tiểu Dã khi còn nhỏ, ông còn giữ không?"
Ông gật đầu, mở tủ lấy ra hai album ảnh dày cộm.
"Trước khi phu nhân qua đời, cô ấy rất thích chụp ảnh cậu chủ, nhưng sau khi phu nhân qua đời, hình chụp của cậu chủ cũng ít đi, những bức ảnh này đều do phu nhân chụp, phía sau mỗi tấm hình đều có ghi chép."
Một người phụ nữ xinh đẹp và trang nghiêm, bà đội mũ Beret màu xám, ngồi bên chiếc bàn nhỏ, giống như một quý cô quý tộc trong bức tranh sơn dầu thời Trung cổ.
Đôi mắt và khuôn mặt của Tiểu Dã thật giống bà.
Bà dịu dàng cười trước ống kính.
Tôi lật ra mặt sau của bức ảnh, thấy trên đó có vài dòng chữ, "Con trai bốn tuổi, cuộc sống hằng ngày."
Nhưng sau khi lật đến phía cuối của hai cuốn album, phần bìa sau và vài tấm ảnh trong đó đã bị cháy xém, vài bức còn được kẹp đằng sau bức ảnh của Tiểu Dã, như thể nó được giấu đi một cách có chủ ý.
Tiểu Sư leo khỏi ngựa gỗ, chạy đến xem ảnh.
Thằng bé trừng to mắt nhìn mấy tấm ảnh, kinh ngạc xen lẫn nghi ngờ nói: "Là Tiểu Sư!"
Thằng bé chỉ chỉ vào mình.
Tôi cười nói: "Không phải Tiểu Sư."
Thằng bé nhìn lại lần nữa, dường như nhận ra đó thực sự không phải là mình, thằng bé lật đến bức ảnh tốt nghiệp trung học của Phó Dư Dã
Sau đó thằng bé mới nhận ra và nói: "Ba Tiểu Dã!"
Trong ảnh, Tiểu Dã đang mặc đồng phục, đứng dưới một tác phẩm điêu khắc với hai bạn học người nước ngoài, lạnh lùng nhìn vào ống kính, nhưng khuôn mặt vẫn còn mang chút non nớt nên trông cậu ấy lại có chút dễ thương.
Tiểu Sư lật xem một hồi, lại đi xếp gỗ.
Thằng bé ngồi trên tấm thảm, nhìn vào hướng dẫn xây lâu đài.
Trước khi kịp nhận ra, thời gian đã qua đi mất. Trong không gian thoải mái dễ chịu như vậy, thời gian lặng lẽ trôi đi nhanh hơn nữa, tựa hồ chỉ cần nhắm mắt lại, liền có cảm giác hơn mười năm đã trôi qua.
Thời thơ ấu của Tiểu Dã, đã nằm lại trong căn phòng trang nhã nhưng khép kín này.
Tôi chạm vào bìa album ảnh, kết cấu nặng nề khiến tôi cảm thấy cô đơn khôn tả, nếu căn phòng không có ai ở, cho dù mỗi ngày đều được quét dọn sạch sẽ không chút bụi bặm, thì nó vẫn bị phủ một lớp màn màu xám. Chạm vào không được, bóc ra cũng không xong, nó là dấu vết bị thời gian phong toả.
Có tiếng bước chân nhẹ ở cửa, một lúc sau, cửa mở ra.
Phó Dư Dã nhìn thấy album ảnh trong tay tôi, đôi mắt cậu ấy dừng lại một lúc, sau đó lại tự nhiên nhìn về phía Tiểu Sư.
"Ngôn nhi đi rồi."
Cậu ấy bước đến gần tôi, liếc nhìn khung ảnh rồi nói: "Quản gia đưa anh đến đây sao?"
"Ông ấy sợ Tiểu Sư bị chán nên mới dẫn bọn anh tới đây."
Tôi đóng cuốn album lại, cất vào tủ.
"Khi còn bé em thường chơi ở đây sao?"
"Hiếm khi."
Tôi không hiểu ý nghĩa trong lời nói của cậu ấy.
"Chính xác mà nói thì đó là căn phòng mà mẹ em thích nhất."
Giọng nói của cậu ấy cuối cùng cũng nhuốm chút dịu dàng, đôi mắt cậu ấy phảng phất như có lông vũ rơi xuống, u ám và tĩnh lặng.
"Mẹ cảm thấy em cần một không gian như thế này."
Cậu ấy xoay bức tượng đuôi cá, sau đó giá sách bỗng di chuyển, để lộ một căn phòng trống khác.
Khác với vẻ cổ kính bên ngoài, trần nhà bên trong được làm bằng những hình khối nhiều màu sắc, trên đó có treo những chiếc quạt thủ công, một bên tường được thiết kế để trở thành trò leo núi, sàn trải thảm chống rơi. Trên bức tường leo núi có một ngôi nhà gỗ nhỏ với những chiếc thang để leo lên, sau đó ở bên cạnh là chiếc cầu trượt để đi xuống.
Ở phía bên kia của căn phòng, có hai chiếc ghế sofa đơn trông rất mềm mại, còn có một tấm bản đồ thế giới được đặt dựa vào tường.
"Woaa!"Tiểu Sư kinh ngạc cảm thán.
"Có lần em ngủ quên trên đó, người hầu không biết chỗ này nên không tìm được em. Ông nội giận đến mức suýt chút nữa đã phá huỷ nơi này."
Trong lời nói của cậu ấy ẩn ẩn chút cười lạnh.
"Về sau em rất ít khi đến đây, ông nội cũng không tức giận nữa."
Cậu ấy thoải mái nhìn tôi nói: "Quản gia đang chuẩn bị bữa tối, anh có muốn ở lại không?"
Tôi ở lại, vì có một số chuyện tôi muốn được biết.
Bữa tối còn phong phú hơn cả bữa trưa, Tiểu Sư ăn no căng.
Thằng bé xây lâu đài gỗ cả một buổi trưa cũng không xong, vì vậy thằng bé kéo Phó Dư Dã vào cùng.
Tôi cầm ly nước đứng ở cửa, nhìn hai người bọn họ ngồi ở đó, quản gia cũng đi theo, hiền từ nhìn cảnh "tình phụ tử" này mà lòng đầy cảm khái.
Tôi bước qua những ô cửa sổ kiểu Pháp ở tầng dưới, không có ai trong phòng khách, dường như quản gia cũng nhìn ra tâm tư của tôi.
Nói: "Cậu Đặng có chuyện gì muốn hỏi sao?"
"Ông có thể nói cho tôi về tuổi thơ của Tiểu Dã không?"
"Nói về chuyện gì cũng được."
Người quản gia im lặng nhìn tôi rồi hỏi: "Cậu Đặng có muốn uống trà không?"
"Không cần đâu, tôi uống nước là được rồi."
Nhưng ông vẫn đi mang trà cho tôi.
Động tác pha trà của ông chậm rãi mà vững vàng.
Tôi nâng tách lên nhấp một ngụm, là hồng trà.
"Phu nhân thích nhất là hồng trà Đại Cát Lĩnh." Quản gia nói.
Tôi ngay lập tức cảm thấy hương vị của loại trà trở nên phức tạp.
Tôi cầm tách, không biết nên nói gì.
Quản gia ngồi đối diện với tôi, chậm rãi nói: "Lão gia có ba người con, đứa được ông thương nhất chính là đại thiếu gia. Cậu ấy tính tình hướng ngoại, năng động, từ nhỏ đã có niềm yêu thích vói hàng hải, lão gia chưa từng cấm cản cậu ấy. Mãi đến khi cậu trưởng thành, bí mật ra khơi với một đội tàu mới khiến cho lão gia tức giận, đưa cậu sang Đức du học. Sau khi cậu du học Đức về thì gặp gỡ phu nhân, hai người tình đầu ý hợp, sau khi kết hôn liền có cậu chủ. Đại thiếu gia tính tình phóng khoáng, thường đi theo đội tàu, một khi đi thì cả năm cũng không về. Lão gia biết mình không quản được cậu ấy, ông đành dành hết tâm tư cho cậu chủ. Sức khỏe phu nhân không được tốt, lại luôn nhớ nhung đại thiếu gia, năm cậu chủ mới năm tuổi thì cô ấy qua đời. Sau đó lão gia đưa cậu chủ ra nước ngoài học, mãi đến khi cậu chủ mười sáu tuổi mới trở về."
"Vậy... cha của Tiểu Dã đâu?"
"Trong một lần đội tàu đi đến phía tây Thái Bình Dương thì gặp phải một trận cuồng phong, toàn bộ con tàu bị nhấn chìm. Tàu cứu hộ đến đó sau đó chỉ vớt được một phần thủy thủ đoàn, trong số những người mất tích, có đại thiếu gia..."
Tôi chợt nhớ đến tấm bản đồ các tuyến đường hàng hải trên thế giới mà tôi đã nhìn thấy ở trong phòng của Tiểu Dã.
Quản gia im lặng một hồi lâu, lúc sau có một người hầu đi tới nhờ quản gia xử lý một số chuyện.
Chỉ còn một mình tôi ngồi ở đó, tôi uống cạn tách trà mới lên lầu.
Lâu đài của họ đã lắp ráp xong xuôi. Tiểu Sư nhìn thấy tôi, lập tức khoe: "Ba ơi, ba nhìn nè!"
Tôi cười nói: "Không tệ nha, trông rất giống bản hướng dẫn."
Tiểu Sư ngượng ngùng nói: "Ba Tiểu Dã đã lắp với con đó."
Tôi bế Tiểu Sư đi tắm rửa, người hầu đưa đến đồ ngủ cho tôi.
Thoạt nhìn trông mới tinh, nhưng đã được giặt giũ sạch sẽ.
Tiểu Sư chơi trong bồn tắm một lúc lâu, bị tôi đánh mông hai cái mới thút thít mà đi ra.
Gần đây hình như thằng bé được chiều hư, thằng bé lại quay về lúc nó ba tuổi, nước mắt ngắn nước mắt dài mà nhõng nhẽo, mọi tật xấu đều lộ ra hết.
Được tôi bế, thằng bé còn khóc lóc: "Ba là người xấu."
Tôi nói, "Vậy tối nay ba cho con ngủ trong phòng tắn luôn, nhé?"
Thằng bé nghe thế, xụt xịt một lúc rồi thành thật lắc đầu.
Thằng bé ngồi trên giường, ôm bình sữa, nhìn tôi với đôi mắt đỏ hoe.
"Ba Tiểu Dã có tốt không?" Tôi hỏi thằng bé.
Thằng bé gật đầu.
"Ông quản gia cũng rất tốt, đúng không?"
Thằng bé cũng gật đầu. Sau đó lập tức nói thêm: "Nhưng ba tốt nhất."
"Ba đánh mông con mà tốt nhất sao?" Tôi hỏi.
"Ba pha sữa cho Tiểu Sư." Thằng bé nói.
Tôi bật cười, "Người khác pha, không phải ba."
Thằng bé nhíu mày nói: "Nhưng ba thương con nhất, con cũng muốn thương ba nhất."
Tôi hỏi: "Làm sao con biết ba thương con nhất? Biết đâu ba còn thương bạn nào khác thì sao..."
"Hổng phải đâu, nếu ba hổng thương con thì đã hổng sinh ra con đâu!" Thằng bé tự tin nói.