Hoàng Quý Phi

Chương 13: Hạnh ngộ



* Hạnh ngộ: may mắn mà gặp gỡ (từ điển Nguyễn Quốc Hùng)

Khi Lâu Nguyệt Dao rời khỏi cung Vĩnh Ninh, tuyết đang bay lưa thưa trên đỉnh đầu. Thời tiết càng lúc càng lạnh. Sáng sớm hôm nay, Nhâm Hòa tới đánh thức nàng cho kịp đi hầu bệnh, mới báo cho nàng hay tuyết đã rơi rồi.

Chỉ sau một đêm trời đổ tuyết, trên mái ngói lưu ly vàng óng của trùng trùng lớp lớp những tòa cung điện nối dài đều trắng xóa. Vườn tược, cỏ cây, núi giả được bao phủ bởi không khí tiêu điều, ảm đạm của tháng trọng đông*. Bước chân các cung nhân mặc cung trang mùa đông dày, ấm cũng bất giác mau lẹ hơn.

Có lẽ Hoàng thái phi cũng biết chuyện xảy ra ở cung Vĩnh Ninh đã khiến phi tần hậu cung sinh lòng oán thán. Bà không để bọn họ ba quỳ chín lạy mình như mọi khi nữa mà bảo thị nữ Tố Thiến thay mình truyền lời miễn tất thảy nghi lễ. Cung tỳ trong cung Vĩnh Ninh đã chuẩn bị sẵn điểm tâm, trà nóng, đốt sẵn lò hương. Hoàng thái phi ngồi tựa lưng vào gối dựa trên trường kỷ làm bằng gỗ tử đàn. Khuôn mặt bà nhợt nhạt, tinh thần sút kém, không giống như đang giả bệnh.

Mang tiếng là đi hầu bệnh, song Hoàng thái phi nào có thiếu người hầu kẻ hạ, các phi tần đành vâng mệnh ngồi trò chuyện với bà trong chính điện ấm áp, sực nức hương thơm. Cả một sảnh đường đông nghịt người, đâu đâu cũng toàn nữ nhân, quần là áo lượt, trâm cài trang sức lóa mắt. Độ này, hoa cỏ trong vườn ngự uyển ngủ đông chờ sang xuân chứ hoa cỏ trong hậu cung bao giờ cũng phô sắc.

Thấy cung tỳ bưng thuốc vào, Trinh phi theo thường lệ đứng dậy đón lấy chén thuốc, tính tới trước trường kỷ bón cho Hoàng thái phi dùng. Song, Đoan phi nào chịu để yên.

- Trinh phi tỷ tỷ thật là hiếu thuận. Cung Vĩnh Ninh đâu có thiếu người mà đích thân tỷ tỷ phải tự tay bưng chén thuốc nóng như vầy. Hay là tỷ tỷ nhường cho bọn muội cơ hội hầu hạ Hoàng thái phi nương nương với. Kẻo bệ hạ lại trách chúng thiếp hời hợt, không biết noi gương Trinh phi.

Tống Phương Hoa nói giọng ngọt xớt, tỏ ý muốn học theo Trinh phi. Nhưng nàng vẫn cứ ngồi yên trên chiếc đôn lót đệm mềm, đến động tác giả bộ đứng lên cũng chẳng buồn làm.

Đoan phi khơi mào trận chiến. Đám phi tần phẩm cấp thấp hơn vốn đã mang lòng oán trách chẳng ai buồn giải vây thay. Tất cả đều dõi theo hai phi tần đứng đầu hậu cung đương triều với ánh mắt chờ xem trò hay.

- Hiếu thuận với Hoàng thái phi nương nương đương nhiên là bổn phận của phi tần chúng ta. Đi hầu bệnh mà chỉ ngồi im một chỗ, ta không làm được. Muội tâng bốc ta quá đà rồi, người có thể làm tấm gương mẫu mực cho phi tần hậu cung noi theo chỉ có thể là bậc mẫu nghi thiên hạ mà thôi.

Trinh phi biết Đoan phi đang móc mỉa mình và Hoàng thái phi, lại trông thấy vẻ mặt hào hứng của đám phi tần bên dưới, nàng vừa mệt mỏi vừa bực dọc. Nàng cũng thừa biết vào lúc này mình cần hạ thấp tư thái để những lời dị nghị sau lưng lắng xuống, dẹp yên tin đồn hai dì cháu bọn họ bày mưu tính kế khiến Hoàng đế trút giận lên hậu cung.

Nhưng Trinh phi không muốn chịu thua Đoan phi sớm trước mặt chúng phi tần. Thành thử, lời bật thốt khỏi miệng Trinh phi chứa đầy gai nhọn.

Đoan phi bật cười, tảng lờ đi câu đá xoáy của Trinh phi, chỉ tập trung vào câu cuối của nàng ta.

- Nếu xét về tư cách, thử hỏi trong những phi tần đương triều đang có mặt ở đây, còn ai hơn được Trinh phi tỷ tỷ nữa chứ! Tỷ tỷ khiêm tốn quá rồi.

Quả thật, sau Hoàng hậu Nhân Cung Vương thị, Trinh phi Tạ thị là người tiếp theo vào tiềm để*. Đoan phi nói thế không sai, nhưng dạo này Trinh phi phải lo lắng, buồn phiền quá nhiều, đâm ra mẫn cảm, tự ái. Nàng nghe Đoan phi nói câu nào cũng thâm thúy như thể quyết chí đá xoáy mình tới cùng, càng nghĩ càng thấy bực. Trinh phi vừa định đốp chát lại thì Hoàng thái phi đã kịp thời ngăn cản.

- Kiều nhi, con cứ ngồi đó đi. Đoan phi nói đúng lắm, có Tô Thiến ở đây, ta không thiếu người bón thuốc cho đâu mà lo.



Hoàng thái phi chống tay lên trán, ánh nhìn mơ hồ, xa xăm. Cứ độ đông đến, thân thể của bà lại sút kém đi nhiều. Hoàng thái phi đã mệt nhọc, lại phải đi phân xử chuyện tranh cãi cỏn con. Thành ra, bà không còn kiên nhẫn nổi nữa.

Vốn dĩ, Hoàng thái phi chỉ định "ngã bệnh" để làm nền, tôn lên tính tình dịu dàng, cẩn thận của Trinh phi, khiến Hoàng đế yên lòng giao Vĩnh Xuân cho Trinh phi nuôi nấng. Chứ bà đâu thể ngờ, Hoàng đế lại mượn thời cơ này trở tay châm ngòi hiềm khích giữa phe cánh cung Vĩnh Ninh với toàn thể lục cung. Mà chính bà muốn giả bệnh lại sinh bệnh thật.

Trinh phi mím môi, siết chặt bàn tay nõn nà ẩn dưới ống tay áo rộng. Nàng chẳng dám cãi lại, đành ngậm ngùi vâng theo.

Sau đó, buổi hầu bệnh chẳng còn dậy nổi sóng gió. Chuyện trò độ chừng hai khắc*, Hoàng thái phi cho tất cả lui.

Lâu Nguyệt Dao bỗng hứng lên muốn đi dạo vườn ngự uyển. Do thường ngày nàng chỉ đi lòng vòng quanh khu phía tây của ngự uyển - nơi gần cung Phồn Dương nhất để tránh chạm mặt những người khác. Song, hôm nay trời đổ tuyết, mọi người đều ở lì trong cung điện ấm áp tránh rét, thế thì nàng có thể an tâm đi dạo, ngắm cảnh rồi.

Nghĩ là làm, Lâu Nguyệt Dao báo cho hai tỷ muội Tôn Mộng, Liễu Thanh Thanh về cung Phồn Dương trước khỏi cần đợi mình. Nàng khoác áo choàng màu thanh thiên có vòng lông thỏ mềm mại quanh cổ dạo bước giữa trời băng đất tuyết. Nhâm Hòa theo sau cũng bận cung trang mùa đông màu xanh nhạt.

Nhâm Hòa nhìn bông tuyết bay lơ thơ dưới nền trời xám xịt, thở dài cảm thán:

- Giữa cái thời tiết mà mọi người đều trốn tránh, nương nương lại có hứng thú ra ngoài ngắm cảnh. Đúng là đặc biệt thật đấy!

Lâu Nguyệt Dao thảnh thơi giang hai tay, ngoảnh đầu lại cười với thị nữ của mình. Tư thái yểu điệu, thướt tha và nụ cười bừng nở giữa trời băng đất tuyết ấy quả thật không phụ tiếng thơm quốc sắc thiên hương mà người kinh thành khen tặng.

- Mùa đông dẫu tiêu điều, ảm đạm cách mấy thì cũng có nét đẹp riêng của nó. Muội chiều theo ý ta đi mà! - Nàng nũng nịu.

- Vâng! Vâng! Nương nương của nô tỳ là nhất. Mọi việc đều nghe theo phân phó của nương nương. - Nhâm Hòa biết nàng đang có hứng, cũng hùa theo.

Tiếng cười đùa của hai người văng vẳng khắp khu Tây vườn ngự uyển.

Bỗng, từ đâu truyền đến tiếng khóc thút thít kéo dài của trẻ con. Lâu Nguyệt Dao bị kinh động, bèn thôi không cười đùa nữa. Nàng lắng tai nghe, phát hiện tiếng khóc truyền từ một nơi không xa. Lâu Nguyệt Dao vừa định tránh đi thì đã chạm mắt với một cung nhân bận áo váy màu nâu hổ phách.

Thấy nàng nhìn sang, cung nhân nọ cúi chào rất quy củ, song không có ý định tới bái kiến. Lâu Nguyệt Dao xem cách thị kia ăn bận, vấn tóc thì biết người đó là nhũ mẫu - loại cung nhân rất được kính trọng trong cung. Vì nhũ mẫu chính là người trực tiếp cho hoàng tử, công chúa bú mớm, chăm sóc gần gũi họ tới khi họ trưởng thành, được phong vương hoặc hạ giá*.

Lâu Nguyệt Dao đứng đó không được mà bỏ đi cũng không xong. Nàng bèn dẫn Nhâm Hòa lại xem thử chuyện gì đang xảy ra.



Ven đường, cây cối mùa đông uể oải thu mình. Cỏ dại bừng bừng sức sống, bò tràn lan trên đất, đương đầu với thời tiết khắc nghiệt.

Dưới tòa núi giả nọ có đám đông người đang đứng. Một trong số là nhũ mẫu bận cung trang màu nâu hổ phách và một đám cung tỳ áo xanh, hình thức tương tự cung trang Nhâm Hòa đang mặc. Người còn lại là một cô bé con độ chừng sáu, bảy tuổi, để kiểu tóc song bình, khoác áo váy màu thạch lựu. Dải lụa buộc quanh hai búi tóc cô bé khảm vàng, đính đá mắt mèo đủ màu sắc. Lông cáo trắng viền quanh cổ áo và hai bên cổ tay áo bông xù, mềm mại.

Chỉ trong ánh nhìn đầu tiên, Lâu Nguyệt Dao đã biết cô bé con xinh xắn như ngọc nữ bên cạnh tòa sen của Quan Thế Âm Bồ Tát này chính là công chúa Vĩnh Xuân - cô con gái được Hoàng đế Nguyên Hựu yêu chiều bậc nhất.

Nàng bèn đến gần chào hỏi. Công chúa hãy còn đang sụt sùi, nhưng thấy nàng tới cũng tạm dừng cơn thút thít mà hỏi:

- Người là?

- Thiếp là Lâu ngự thị ở cung Phồn Dương.

Nghe thế, công chúa bèn làm lễ vạn phúc.

- Vĩnh Xuân xin bái kiến Lâu nương nương.

Nhũ mẫu và bọn cung tỳ cũng nhất loạt bái kiến theo. Nhâm Hòa cũng quỳ lạy công chúa Vĩnh Xuân. Chẳng đợi công chúa hoàn tất lễ, Lâu Nguyệt Dao đã đỡ lấy cô bé.

- Công chúa đa lễ rồi.

Trước nay, Vĩnh Xuân được phụ hoàng yêu chiều, các nương nương trong cung cũng đều ưu ái cô bé. Cô bé thản nhiên đón nhận sự ưu ái của bọn họ, song chẳng quên giữ lễ tiết chừng mực.

* Tháng trọng đông: cách gọi cũ, chỉ tháng mười một

Tiềm để: nơi hoàng đế từng ở trước khi đăng cơ. Nếu hoàng đế trước đó là hoàng thái tử thì tiềm để là Đông cung.

Hai khắc: 30 phút

Hạ giá: Công chúa xuất thân cao quý, đi lấy chồng gọi là hạ giá. Vì trong thiên hạ không có nhà nào môn đăng hộ đối với nhà đế vương nên mới gọi là hạ giá. Tương tự, phò mã cưới công chúa gọi là thượng chúa. Đọc truyện lấy bối cảnh phong kiến sẽ xuất hiện vài từ ngữ: hàng giá, giáng giá,... đều có ý nghĩa tương đương với hạ giá.

Trong vườn ngự uyển vẫn có cây hoa khác nhưng nó được trồng ở các khu khác. Khu tây thì ít hơn nên trong chương, vườn ngự uyển hơi bị vắng chứ không có loài hoa nào hết thì không đúng nha.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.