Họa Mục

Chương 142



Tông tộc hoàng thất Điệp Cách cực kỳ coi trọng huyết thống thuần khiết, không được phép pha lẫn với ngoại tộc, giai cấp thấp kém, dân đen, nô ɭệ... Vương thành tôn kính trước hết là Tư tế rồi đến Chế ti, Giáo phụ, sau mới tới Vu sư, Tướng lĩnh, tầng lớp thấp hèn nhất là Công thương*. Vì tư tưởng nghiêm ngặt về huyết thống đó nên suốt mấy trăm năm dâu bể, toàn bộ quyền hành của Địa thành bị tóm gọn trong tay năm tông tộc lớn: hoàng thất Ô thị, đại tư tế Nạp Lan thị, chế pháp Sài thị, thuần vu Tát Lãng thị và cai thành Cao Yên thị. Tiếng nói của thường dân gần như không có trọng lượng, bọn họ giống bầy cừu ngoan ngoãn được các bề trên chăn nuôi. May mắn là qua thời gian, tục lệ này dần dần phai nhạt.

* Trước hết là tín ngưỡng (hệ tư tưởng), rồi đến tộc pháp (tục lệ) với thầy dạy (giáo dục), tiếp theo là y tế và quân đội, công thương xếp cuối cùng.

Chế pháp buông lỏng, các tầng lớp khác nhau, dù là ở trong hay ngoài tộc đều có thể thoải mái giao lưu gần gũi, từ đó phát sinh một vấn đề - con lai. Từng có một thời gian con lai tràn lan ở vương thành, khiến tông tộc Nạp Lan lo ngại về sự hỗn tạp nòi giống Điệp Cách thuần khiết, họ trình với vương: "Dân tộc ta vốn đã thiểu số mà tộc nhân còn thi nhau học thói đua đòi, phóng đãng của ngoại tộc thì liệu hai mươi năm sau sẽ còn ai gìn giữ truyền thống quý báu của cha ông ta?"

Vương hoàng đương thời nghe vậy, cho là rất đúng, liền thực hiện một cuộc đàn áp dữ dội, bắt bớ, truy lùng đánh đuổi con lai cút khỏi vương thành, gặp kẻ không nghe lời thì sẵn gươm chém gϊếŧ. Đường đường là đồng bào tộc nhân mà lại bị truy sát như kẻ thù bởi chính tay đồng bào của mình, những người con lai phải trốn chạy khỏi thân nhân, khỏi quê nhà, đau khổ xiết bao khi bị quê hương chối bỏ. Bọn họ bơ vơ, vất vưởng trên sa mạc, dần dần tụ họp trên một ốc đảo hoang sơ và xây dựng nên Hoan Lạc cốc.

Đánh đuổi hết con lai, vương hoàng còn ra lệnh bế quan tỏa cảng nghiêm ngặt, chỉ có những ai được phép của chế pháp (quản lý tộc pháp) Sài thị và cai thành (quản lý cổng thành và lính canh) Cao Yên thị mới hòng giao du với bên ngoài. Nhờ vậy, hai tông tộc này ngày càng trở nên lớn mạnh, có khuynh hướng lấn lướt quyền hạn. Sài thị nặng giáo điều, mồm mép là giỏi, có thể xem như không có dã tâm với hoàng thất Ô thị nhưng Cao Yên thị thì khác: chúng có quân đội.

Sở dĩ Ô Na Kháp Hiên ngu dại, đau bệnh triền miên ngồi lên được ngai vàng đều nhờ Thái hoàng mẫu, mẹ ngài xuất thân từ dòng dõi Nạp Lan thị. Kết hôn với Tiên vương vì mục đích chính trị, tính cách bà ta cực kỳ quyết đoán tàn nhẫn, một tay quét sạch tất cả chướng ngại, dìu con lên ngôi. Đến tận lúc hấp hối, bà còn liên lỉ dặn dò Ô Hiên phải treo cổ hai mươi viên quan đối nghịch, bắt ngài thề với trời rồi mới chịu xuôi tay. Đây là người đàn bà làm chao đảo Địa thành chẳng kém gì Cửu công chúa, vài lần suýt khơi dậy bạo loạn và đàn áp chống đối cũng hết sức manh tay. Nhờ vậy ngai vàng của Ô Hiên vững chắc không thể suy suyển.

Cao Yên thị hận người đàn bà này tới nghiến răng nghiến lợi, lúc Thái hoàng mẫu qua đời, chúng tiếc là không thể mở tiệc ăn mừng. Dã tâm vừa mới nhen nhóm lại thì bên cạnh Ô Hiên chợt xuất hiện một Cửu A Hoan làm thuyết khanh*.

* Thuyết: phát ngôn, khanh: bề tôi.

Vương nữ Ô Cách Lệ A Hoan là con của Tam vương thúc của Ô Hiên, trong hoàng tộc xếp hàng thứ chín, từ bé vương phụ mất sớm, được mẹ ôm về nhà ngoại Tát Lãng thị nuôi dưỡng, mỗi năm chỉ vào cung vỏn vẹn hai, ba lần tham dự các lễ lớn. Nào đâu lọt vào mắt xanh của Thái hoàng mẫu, được bà đón vào cung học tập. Mẹ nàng mới nài xin cho con gái dẫn theo chị em bầu bạn - cô bé này chính là Tát Lãng Minh Âm, là chị họ đằng xa của A Hoan, theo hầu nàng học tập, song chỉ sau ba năm thì Minh Âm được gia tộc đón về. Duyên cớ là vì Thái hoàng mẫu thấy Ô Hiên hơi thân thiết quá với cô bé.

Sau khi Thái hoàng mẫu mất, Cửu vương nữ lại đón Minh Âm vào cung, ý đồ xe lại duyên xưa giữa anh họ và chị họ, chẳng ngờ Minh Âm liền quỳ xuống vái lạy vương nữ, cầu xin nàng thu hồi ý định. Ô Hiên lánh sau tấm trướng nghe vậy thì tái xanh mặt mày, giận đến ngất xỉu. Trên đời này ấy thế cũng có người lạy lục xin khước vị trí tôn quý nhất mà bao người thèm khát, quả là khôi hài!

Minh Âm thẳng thừng từ chối khiến Tát Lãng thị không thể rớ tay vào Hậu vị nữa. Sài thị chủ yếu làm quan nên cũng không thể mơ tưởng đến cả Hậu vị, vậy là Cao Yên thị thuận gió đẩy thuyền, đưa con gái chễm chệ trên ghế vương hậu. Đáng nói là: từ đầu đến cuối quá trình tranh đoạt Hậu vị, tông tộc Nạp Lan hoàn toàn yên lặng. Có người nói là vì bọn họ hổ thẹn về Thái hoàng mẫu.

Số là năm xưa Nạp Lan thị đã từng năm lần bảy lượt can gián Thái hoàng mẫu mà không được; họ trách cứ bà lộng quyền lạm sát, thủ đoạn tàn nhẫn, vi phạm tông quy của Nạp Lan thị nên tộc trưởng mặt đối mặt cắt đứt quan hệ tông tộc với bà - từ ngày đó, trong lòng Ô Hiên luôn có khúc mắc với Nạp Lan thị nên mới lưỡng lự, nhu nhược cưới vương hậu Cao Yên thị, rồi đẩy vương thành vào cảnh "Hậu Hoàng phân tranh".

Mãi cho đến mai này Ô Hiên mới biết nguyên do Nạp Lan thị án binh bất động khi xưa: Nạp Lan thị ngấm ngầm đẩy Cao Yên thị lên đầu ngọn gió là để mượn tay tộc Cao Yên thay thế bọn họ đối phó với Cửu A Hoan. Nhờ vậy dẫu Hậu thắng hay Hoàng thắng thì cuối cùng tộc Nạp Lan vẫn như mặt trời ban trưa, không đắc tội với phe nào, vả lại được tiếng thơm là chí công vô tư.

Tuy nhiên, Cửu vương nữ nào dễ cho Nạp Lan thị đắc lợi như vậy. Nàng không bị Cao Yên thị dẫm dưới chân, lại còn được tấn tước lên công chúa, mở phủ thu nhận học trò, truyền đạt tư tưởng Tân chính dựa trên lý luận của Nạp Lan Đại tư tế khi xưa bị khai trừ khỏi dân tộc. Trước tình cảnh đó, dẫu Nạp Lan thị có muốn không tranh thì cũng bị buộc phải đứng ra tranh. Nạp Lan Đại tư tế đương thời - và đến hiện tại - là người khôn khéo, tuy tranh đoạt mà vẫn trung dung, ông không trực tiếp đối đầu với Cửu công chúa mà đi bái phỏng Quốc sư đương triều là Sài Chinh, kính rượu cười rằng: "Năm xưa bổn tế từng dạy dỗ cho công chúa song mắt mũi hạn hẹp, không nhìn ra công chúa tài học uyên bác, tri thức cao xa vượt khỏi địa giới tộc ta. Nghĩ là công chúa thân thiết với bệ hạ nên bổn tế cho rằng điện hạ ắt là trộm học hỏi từ Quốc sư rồi."

Quả nhiên Sài Chinh nghe vậy liền giật thột, nghiêm trang đi cầu kiến vương hoàng, tấu xin bệ hạ đóng học phủ của công chúa và cấm nàng tổ chức thuyết giảng, kiên quyết quỳ trước đại điện ép buộc Hoàng gật đầu mới thôi. Ai bảo Quốc sư là thầy ngài, học trò nào có thể bình chân như vại kệ thầy mình dập đầu vỡ trán được.

Vốn Sài thị luôn mắt nhắm mắt mở với Cửu công chúa được bệ hạ tin yêu, song chỉ vì một đứa con gái mà đối nghịch với Đại tư tế thì không đáng. Bọn họ gánh cả một dòng tộc trên vai, một đứa con gái thì đáng giá gì? Một đứa con gái có thể làm được gì?

Ấy vậy, đứa con gái đó đã thay đổi cả vương cung triều đình. Từ giây phút nghe Thủy phu nhân Minh Âm nói ra chân tướng về Thủy Kính trang, Sài Chinh đã cảm thấy sự đáng giá của người con gái năm đó. Ông khép hờ mắt xoa đầu đứa cháu đang quỳ dưới ghế đấm chân cho mình, hỏi: "Bệ hạ nói như vậy sao?"

"Vâng." Quốc sư đương nhiệm ngồi phía đối diện đặt quân cờ trắng xuống.

"Trông con không hề lo lắng."

"Thầy cảm thấy con nên lo lắng sao?"

Sài Chinh mở đôi mắt mờ đục nhìn học trò, vươn tay nâng Sài Lệ đứng dậy đi rót trà: "Thủy Nguyện, con quá thực dụng mà quên mất bản chất của vấn đề. Nạp Lan thị có thể không làm vừa lòng bệ hạ nhưng bọn họ vẫn là Tư tế của dân ta. Tưởng tượng xem nếu ở một thời điểm thích hợp, Đại tư tế đột ngột mở miệng nói ra một tiên đoán và sau đó sự xảy ra đúng như vậy thì sẽ thế nào?"

"Ý thầy là..."

"Đổi trắng thay đen chỉ là trở bàn tay một cái." Ông thổi vào chén trà cho hơi trắng lững lờ trôi: "Thủy Nguyện, con giống như chén trà này, lúc nắm giữ quyền lực thì rất nóng, kẻ khác chỉ có thể cẩn thận thổi nhẹ để khỏi bị hơi nước làm cay mắt. Nhưng rồi nước trà sẽ nguội, cũng như chính những đồn thổi đàm tiếu vụn vặt đó sẽ hủy diệt con. Nạp Lan thị là cổ thụ, rễ đâm sâu vào đất, dù cành lá bị chặt bớt thì bóng râm vẫn tỏa rợp vương thành. Chuyện Thánh tử con phải xem xét lại."

Ngày hôm qua, sau khi bị Quốc sư can gián về chuyện Hoan Lạc cốc thì vương hoàng bệ hạ quay ngoắt giận cá chém thớt lôi lại việc Thánh tử hạ giáng ra xả tức, ngài nói: Gả thì cũng đã gả ra ngoài, nếu Ô Khê không còn khả năng thì đổi Thánh tử đi thôi!

Quốc sư trầm ngâm nhìn thế cờ, đáp: "Con hiểu ý thầy muốn thuận theo dòng nước, ứng kế tạm thời lấy lòng bệ hạ nhưng hễ nghĩ đến Thánh tử điện hạ cô độc nơi đất khách, nhỡ đâu hiểu nhầm mình bị tộc nhân vứt bỏ mà nản lòng thoái chí thì con lại chẳng đặng."

Năm ngoái Ô Khê hạ giáng gả đến Tây Minh để kết hiệp ước giữa Thương Vũ vương và Địa thành*, nay Thánh tử trên danh nghĩa vẫn là Thương Vũ vương phi, nếu như lập một Thánh tử mới thì Thương Vũ vương sẽ nghĩ thế nào, Ô Khê sẽ nghĩ thế nào đều cần phải cân nhắc kỹ.

* Chương 73.

"Con lo xa quá, Thương Vũ vương là người có mắt nhìn, miễn con không phế tước Thánh tử và vẫn tuân giữ hiệp ước thì gã cũng chẳng rỗi hơi kiếm chuyện với chúng ta."

"Thầy à, thầy chưa đủ hiểu Thánh tử, thực ra trong lòng thầy vẫn luôn không hài lòng với Ô Khê, con đều biết. Trong mắt thầy Khê vương tử chỉ là một thiếu niên lầm lì, dù có sáng dạ hơn các vương tử khác song lại trầm mặc, kiệm lời, không có phong thái bễ nghễ của người cầm đầu dân ta." Quốc sư vân vê quân cờ giữa hai ngón tay: "Thầy nói con lo xa, vậy thì con đành là mình lo xa, để con kể thầy nghe một chuyện hồi con mới gặp Khê vương tử. Hồi đó Khê vương tử được nuôi nấng ở Tát Lãng thị, hoàn cảnh ngặt nghèo, chỉ có một bà vú bị lòa hầu hạ, chăm sóc. Có lần vào cung bà vú cầm nhầm giày của Thập Tam vương tử đem cho Khê vương tử, Thập Tam vương tử phát giác, không thèm nghe giải thích liền cho đánh gãy hai tay bà vú, vả miệng và chế giễu Khê vương tử là 'đồ con hoang khố rách áo ôm'. Ba tháng sau thì hai vương tử đột ngột cùng trượt chân ngã xuống hồ, Ô Khê gãy một chân suýt đuối nước, Thập Tam vương tử thì bị sốt cao tới điếc tai. Thầy nghĩ thế nào?"

"Ý con là chuyện đó do Khê vương tử trả thù?" Sài Chinh cau mày: "Xuẩn ngốc." Để tổn thương kẻ khác mà tổn thương cả chính mình thì thật ngu ngốc.

"Con đã chứng kiến cảnh đó."

Cựu quốc sư giật thột nắm tay vịn nhìn nét mặt bình thản của học trò, nghe hắn nói tiếp, "Và Khê vương tử cũng trông thấy con."

Thủy Nguyện nhớ như in hình ảnh thiếu niên đẹp như búp bê ấy tự tay đập gãy chân mình mà lông mày không nhíu lấy một cái.

Sài Chinh bóp trán, biểu cảm dần trở nên trầm trọng: "Sài Lệ, ra ngoài cho ông và Quốc sư đại nhân bàn chuyện."

Sài Lệ liền cúi lưng đáp dạ rồi nhanh chân đi ra.

Thủy Nguyện nhìn vào mắt thầy: "Con chắc chắn không phải Tát Lãng thị giật dây."

"Ta cũng nghĩ vậy. Từ khi phe phái của Cửu công chúa tưởng như tan rã, đứa trẻ Khê vương tử trở thành một sự tồn tại khó xử trước toàn thể tông tộc hoàng thất, Hoàng vì quá buồn bã nên cũng không quan tâm đến nó. Tát Lãng thị đành phải bế Ô Khê về nuôi nấng, song lại không thể quá xem trọng trước mặt vương hậu, kết quả là ỡm ờ mặc nó tự sinh tự diệt trong biệt viện. Tát Lãng thị không có lý do gì để sắp đặt Ô Khê thu hút sự chú ý của con, huống hồ..."

"Huống hồ lúc đó con chỉ là một Hạ chế ti quyền hành ít ỏi." Quốc sư tiếp lời, "Mẹ con từng bất chấp phản đối của gia tộc mà gả cho cha con. Từ sau khi xuất giá, bà không còn qua lại với Tát Lãng thị nên cũng không thể là do mẹ con."

"Dựa theo lập luận loại suy của con," Sài Chinh chậm rãi hỏi, "thì có thể là do ta không?"

"Không thưa thầy." Thủy Nguyện khẽ mỉm cười: "Thầy không rảnh rỗi để làm chuyện vô ích, nếu thầy muốn nâng đỡ người nào thì ai dám ngăn cản thầy?"

"Vậy thì con nghĩ là ai?" Ông tiếp tục hạ cờ.

"Tát Phục." Thủy Nguyện cũng cầm lấy một quân trắng: "Con đã suy nghĩ kỹ, cuộc cờ của Cửu công chúa đánh lớn như vậy thì nhân vật tham gia tất nhiên cũng không tầm thường. Thời điểm đó chỉ có mẹ con và thầy biết về chân tướng Thủy Kính trang che chở cho phái Tân chính. Nếu như có ai muốn nâng đỡ Khê vương tử thì đó ắt phải là người bên phe công chúa, mà ngoài Tân chính ra thì chỉ còn lại Tát Phục."

Sài Chinh vuốt mắt lẩm bẩm: "Tay của Hoan Lạc cốc chủ làm sao có thể với xa đến vậy?"

Có thể chứ. Quốc sư hạ mắt, thầm nghĩ: chỉ cần có người mở hé cửa cho họ với tay.

"Ta hiểu được mối lo xa của con rồi. Con lo ngại Thánh tử nghĩ mình bị bỏ rơi thì sẽ đối nghịch với Thương Vũ vương để gây khó khăn cho vương thành."

Thủy Nguyện bất đắc dĩ cười ruồi. Là vậy, Ô Khê đã hạ giáng vì con dân Điệp Cách, nếu bọn họ bỏ rơi cậu thì với tính cách quyết liệt sẵn sàng tự tổn thương mình hòng tổn thương đối phương, ai biết cậu có thể đi xiên chết Thương Vũ vương để lôi cả vương thành xuống nước hay không.

"Thôi vậy, ta đã là lão già về hưu. Con là Quốc sư, quyết định của con lão già này không nhúng tay vào được, nhưng ta vẫn muốn nói với con lời này: trừ khi Nạp Lan thị chủ động phạm lỗi thì ý nghĩ đánh đổ bọn họ là bất khả thi."

"Con hiểu." Quốc sư đặt xuống quân cờ kết thúc.

Thủy Nguyện châm trà, Sài Chinh ngả lưng trên ghế, điệu bộ già cả nhàn hạ vung vẩy nắp chén trà: "Thủy Nguyện, con chỉ mới hai mươi sáu, có nghĩ tới việc tái hôn không? Dù sao con cũng là độc đinh của Thủy gia, cũng nên sinh vài đứa trẻ cho tổ tiên dưới suối an lòng. Nếu con quá bận rộn thì có thể gửi đám nhỏ cho ta, già này thích nghe tiếng trẻ con nói nói cười cười lắm. Có vừa ý ai thì đánh tiếng với già này..."

"Thầy ơi, thầy..." Quốc sư nhắm mắt lại, cười nhạt nhòa: "Con không có ý định tái hôn."

"Tại sao? Nhan sắc, học vấn, chức quyền, của cải... cái gì con cũng có, tại sao con không thể tìm một người bạn đời để sớt chia ngọt bùi?"

"Con chỉ là..." Thủy Nguyện xoa lòng bàn tay lên đầu gối đau nhức, ánh mắt tĩnh lặng xa xôi, nắm chặt quyền trượng, "cảm thấy mình không thể làm một người chồng tốt."

Sau khi Quốc sư đã rời khỏi, Sài Chinh im lặng tự mình châm trà, cạn ấm mới đứng dậy lệnh đứa hầu: "Chuẩn bị xe, ta ghé thăm Đại tư tế."

.

Trong kiệu, Sài Lệ ngồi dưới đệm lót bóp chân cho thầy, chợt góc rèm vén lên, có thân tín nói thầm với thầy gì đó mà 'thăm Đại tư tế'. Quốc sư chỉ gật nhẹ đầu ra chiều đã biết rồi nhắm mắt dưỡng thần, về tới vương cung, đầu gối hắn vẫn còn đau nên phải nhờ đứa học trò kề bên dìu lên tháp Ngài.

"Về rồi à?" Cái thân xác to lớn của Sầm Canh lọt vào ghế thái sư lót đệm mềm, mí mắt không thèm nhấc, thản nhiên lật tấu của quan viên triều đình. Quốc sư nhíu mày, gõ quyền trượng, đẩy vai Sài Lệ bước đến giật sớ khỏi tay gã, vuốt phẳng đặt xuống bàn.

"Làm gì dữ thế?" Sầm Canh nhả nhớt nhếch mép: "Ta đọc tại đây thì lũ mọt sách kia cũng có biết gì đâu?"

Thủy Nguyện lười đôi co với gã, bảo đứa học trò: "Con đi nói Thi Tỷ đem đồ cho thầy."

Sài Lệ vâng lời làm ngay, dạ bảo lạ ghê, vừa rồi thầy còn mệt tới tái cả mặt mà vừa nhìn thấy Sầm phu trưởng là bước chân thoăn thoắt hẳn. Thi Tỷ nhanh chóng mang đến một cái hộp gỗ dài, lúi húi hành lễ rồi mở ra. Lòng hộp lót vải bông, trong đó là một cánh tay giả.

Thi Tỷ vâng lệnh Quốc sư cẩn thận gắn cánh tay giả cho Sầm Canh, thuyết minh: "Bẩm quốc sư và phu trưởng, cánh tay này từ bên kia biển vận chuyển đến, được làm từ vật liệu đặc biệt chỉ tìm thấy ở hải ngoại - bền, chắc, dẻo, có thể điều chỉnh các khớp để cầm nắm. Ngoài ra món đồ này đã được cải tiến, nếu vặn mở khuỷu tay thì xuất hiện chỗ để giấu binh khí."

Trong mắt Sầm Canh lóe lên tia kinh ngạc khi Thi Tỷ rút khuỷu tay giả ra, bên trong cất giấu một lưỡi dao sắc bén. Quốc sư chống cằm nhìn ngắm cánh tay giả một lúc rồi ra bề hài lòng gật đầu: "Ban thưởng."

Thi Tỷ đang thấp thỏm nãy giờ liền vui mừng vái tạ hai người, lanh lẹ lui xuống. Sầm Canh hứng thú vung vẩy, bẻ khớp làm quen với cánh tay giả, bước chân sắt vang lên 'lịch kịch, lịch kịch' quấy nhiễu sự tập trung của Thủy Nguyện với tấu sớ. Gã đứng trước mặt hắn, trong mắt đã tan biến mọi hứng khởi mà chỉ còn màu sắc ảm đạm, âm u như phủ bụi trần, nhếch mép cười như không cười hỏi: "Ngươi tốn bao nhiêu tâm sức vì thứ từ bên kia biển này chắc không phải do đột ngột động lòng trắc ẩn với ta đâu nhỉ? Sắp tới lại muốn ta làm gì đây?"

Quốc sư không trả lời cũng không nhìn gã, chợt nâng tay đặt lên cánh tay giả. Làm ra cánh tay này xác thực tốn nhiều tâm tư, từ kích thước, hình dáng bên ngoài đã tốn bao nhiêu sức lực để sao cho nó tương xứng với cánh tay vạm vỡ kia của gã ta. Đồ giả nhìn tinh tế nhưng cũng chỉ là đồ giả. Thật lạnh lẽo, vô hồn.

"Mười hai ngày sau ngươi sẽ làm thống lĩnh hộ tống sứ đoàn của chúng ta đến Yên Hoa. Yên Hoa quốc xem trọng phụ nữ, non nửa quan chức là nữ giới. Nữ vương Yên Hoa nổi tiếng yêu thích đồ ngà voi mài giũa tinh xảo. Hình dạng ngươi đã xấu xí lại còn cụt tay, cụt chân, không nên xúc phạm đôi mắt nữ vương một nước."

Sầm Canh hạ mắt nhìn hắn, lông mày như dãy núi xa, hàng mi dày rợp bóng trên sống mũi cao thẳng, môi mỏng mà mọng. Lại nhìn sang năm ngón tay thon dài, trắng nõn, chai sạn bút tích đặt trên cánh tay giả, gã trầm trầm giọng: "Ngươi muốn liên minh với Yên Hoa?"

Thủy Nguyện hấp háy bờ mi, có vẻ cố chấp không ngước lên nhìn gã: "Bốn tháng trước hòa ước Đông đế - Tây vương kết thúc, Minh quốc chìm trong nội chiến, có nguồn tin cho biết Đông đế rục rịch động quân sự về hướng Tây Vực. Trước thời gian qua thì Hoan Lạc cốc liên tục gặp ngoại tộc khiêu khích gần biên cương Tây Minh, mỗi lần như vậy Tây Minh hầu như không phản ứng*. Ngươi nghĩ là vì sao?"

* Chương 136.

Sầm Canh đáp: "Là do Dương Duệ đế (Đông Minh) cho gián điệp cải trang, hoặc là những kẻ dị tộc, hoặc là thương nhân giả vờ thông qua Hoan Lạc cốc mà trà trộn vào Tây Minh."

"Đúng vậy, đó chính là lý do Mạc Tử Liên chưa có hành động phản ứng lại với chuyện này, tạm thời nhẫn nhịn quan sát tình hình." Quốc sư thoáng ngừng: "Lễ đính hôn kia... cũng chứa thâm ý."

Sớm không làm, muộn không làm, Mạc Tử Liên lại cố ý làm lễ đính hôn vào thời điểm này thật sự khiến người khác phải suy nghĩ sâu xa.

Tây Vực này sắp không còn bình yên nữa rồi.

— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.