Tôi có ấn tượng sâu sắc với chiếc váy đỏ của Kha Ái, đẹp như một tấm lưới.
Khi đó tôi đi theo phía sau chị ấy, lớn tiếng gọi: “Ái Ái, Ái Ái!” Chị ấy sẽ dừng bước, cười nhìn tôi: “Em trai, đi theo phía sau chị nhé!”
Tôi ra sức gật đầu: “Vâng.”
Chúng tôi cùng lên núi bắt côn trùng, cùng trồng cây trước cửa nhà ông nội, cùng cắp sách đến trường. Bộ dáng của hai chúng tôi rất giống nhau, thỉnh thoảng tôi sẽ đóng giả thành chị gái tráo đổi một ngày, chị cũng thế. Nhưng ông nội chỉ cần liếc mắt một cái là phân biệt được, những người khác không để ý sẽ nhận sai.
Kha Ái là thần tượng của tôi. Chị ấy luôn hào phóng, lạc quan, nói rất nhiều. Chị ấy là lớp trưởng, là ủy viên học tập. Tất cả bạn học và thầy cô đều thích chị ấy.
Còn tôi giống như cái đuôi, cái bóng nhỏ theo phía sau chị ấy. Chỉ cần ở cạnh chị ấy là tốt rồi.
Cô giáo nói: “Kha Thiển giống như bé gái, Kha Ái mới giống bé trai chịu trách nhiệm cuộc sống của hai chị em, từ nhỏ đã vất vả rồi.” Tôi cảm thấy rất kiêu ngạo, tôi có một chị gái như vậy, ai bảo các người không có chứ?
Khi đó, còn chưa nghe thấy câu gọi là “Một tôi ở thế giới khác.”
Sau đó, lúc xem manga nhìn thấy. Tất cả mọi người đều hết sức chăm chú, còn tôi xem thì nước mắt cũng tuôn rơi.
Có lẽ là khi đó tôi đã tràn ngập tình yêu đối với những thứ huyền huyễn, xinh đẹp, ấm áp ấy.
Bởi vì tôi là diễn viên tuyệt thế, là vua trong thế giới đó.
Tôi cũng đánh mất phần nữ tính, mất đi chị gái Kha Ái.
Ngày đó người thân giàu có đến chọn người là khi học lớp năm. Lúc ấy tôi vẫn chưa biết, ý nghĩa của việc bọn họ đến. Tôi thấy bọn họ vây quanh chị gái nói chuyện, hỏi chị ấy có phải đội trưởng đội thiếu niên, có phải là người đứng nhất. Chị ấy sợ hãi gật đầu. Bọn họ bảo chị ấy biểu diễn tiết mục, chị ấy nhảy một điệu Tân Cương, bọn họ vui vẻ ra mặt.
Khi đó ông nội đã già rồi, híp mắt, ngồi ở bên cạnh hút thuốc, nói: “Mỗi đứa trẻ đều có số mệnh riêng của mình. Chỉ cần bọn chúng sống tốt là được rồi.” Nói xong còn liếc mắt sâu xa. Lúc ấy tôi không hiểu ánh mắt của ông, nhưng lại ghi tạc hình ảnh này trong lòng rất nhiều năm.
Sau đó bọn họ lại muốn nói chuyện với tôi. Tôi cảnh giác nhìn bọn họ, tránh ở phía sau chị gái. Khi tay bọn họ chạm vào góc áo tôi, tôi hét chói tai, chạy vào phòng, đóng cửa lại.
Sau đó tôi không biết bọn họ còn thương lượng gì đó.
Mấy buổi tối, tôi thấy chị gái một mình lén lau nước mắt. Tôi hỏi: “Chị ơi, chị khóc gì thế. Có phải bọn họ bắt nạt chị không?” Bởi vì mấy hôm nay bọn họ mang chị gái ra ngoài chơi, nhưng không mang theo tôi.
“Không…” Chị ấy nức nở, “Bọn họ đối xử với chị tốt lắm, mua cho chị rất nhiều thứ, cũng mua rất nhiều thuốc bổ cho ông nội. Mấy thứ kia đắt lắm.”
“Em không thèm.” Tôi nói thầm.
Chị gái nói tiếp: “Kha Thiển, nếu có một ngày chị rời đi, một mình em phải học tập tốt, chăm sóc ông nội, có biết không?”
Ngày chị ấy rời đi, tôi không hề biết. Chờ tôi đi mua gạo và dầu với ông nội trở về, đồ đạc trong nhà của chị ấy đã không còn. Chị gái để lại cho tôi một bức thư:
“Kha Thiển:
Chị không biết lựa chọn này có đúng hay không, nhưng trước khi mất mẹ nói với chị nhất định phải chăm sóc tốt hai chúng ta. Chú và dì có rất nhiều tiền, không có con. Bọn họ muốn có một đứa con.
Ông nội đã không còn nhiều tiền tiết kiệm, tiền cha mẹ để lại cũng không còn nhiều. Bọn họ nói ông nội không thể nuôi nổi cả hai chúng ta. Chị là chị sẽ giúp đỡ gia đình.
Nếu bọn họ chịu mang em đi Mỹ, chị sẽ càng vui hơn, nhưng hiện tại không có cách nào, bọn họ chỉ muốn mang mỗi chị.
Cha từng nói một câu gọi là “Kiếm báu từ mài giũa mà ra”. Tương lai chúng ta phải thi đại học thật tốt, kiếm được thật nhiều tiền, mới có thể khiến cho chúng ta và ông nội có cuộc sống hạnh phúc. Nước Mĩ có rất nhiều tiền.
Chị đi đây, đừng nhớ chị. Chị nhất định sẽ trở về, chị thề bằng sinh mệnh của mình.
Kha Ái.”
Đó là lần xa cách đầu tiên trong đời của tôi với Kha Ái. Lần đó, tôi rất tức giận, không ăn cơm, cũng không để ý đến ai, mấy ngày liên tiếp khiến ông nội tức giận đánh mắng: “Kha Ái có thể đi được Mĩ là do đã tu được ba kiếp. Nếu không dựa vào một ông lão như ta, nuôi hai đứa sao có tiền đồ gì!”
Tôi mặc kệ ông nội tiếp tục bật khóc.
Nhưng tôi có thể tức giận được bao lâu chứ.
Tôi lại bắt đầu hi vọng mỗi ngày, hi vọng chị ấy gọi điện thoại, hi vọng chị ấy viết thư.
Nhưng không hề có.
Chủ nhiệm lớp thấy tôi mỗi ngày chạy đến hộp thư ở trường, an ủi tôi: “Con à, chị con đi Mĩ rồi, sang đó không quen, còn nhỏ như vậy làm sao có thể tìm được nơi gửi thư, gọi điện cho con. Đừng chạy đi nữa.”
“Vâng.”
Nhưng khi đó tôi nào biết được lần tách ra này là đến tận mười năm.
Năm ấy thi xong đại học, ông nội qua đời. Tôi đeo một ba lô đơn giản, đến thành phố Bắc Kinh rộng lớn. Mọi chuyện không giống như những gì tôi tưởng tượng, khi tôi ngẩng đầu cười nhìn đám bạn trong phòng ngủ, bọn họ nhìn quần áo và ba lô đơn giản trên người tôi, đều chỉ cười, không nóng, không lạnh.
Biết không, lúc ấy tôi có cảm giác mình như một con sâu róm, cẩn thận bò dưới ánh mặt trời, nhưng người khác lại chán ghét né tránh. Vì thế tôi lại lập tức lùi về bóng râm dưới lá cây kia.
Bốn năm đại học, chưa từng tiếp xúc thân mật với bốn người cùng phòng ngủ. Cuối cùng tôi cảm thấy mình không hợp với bọn họ, không phải người chung đường. Thỉnh thoảng bọn họ đi uống bia, ăn đồ nướng, xem bóng đá, cũng chưa bao giờ mời tôi. Tôi ở trong phòng ngủ đọc sách, hoặc thử bộ đồ hóa trang, trang phục nữ mới.
Bọn họ không thích tôi, tôi cũng thế.
Nhưng tôi thực sự chán ghét cảm giác bị cô lập, tuy vẫn là bị cô lập. Mỗi buổi sáng tôi lấy nước ấm cho bốn người cùng phòng, mỗi ngày đều là tôi quét dọn phòng ngủ. Bọn họ trốn học thì điểm danh hộ, muốn mượn sách, kì thi chép bài của tôi, tôi đều cố gắng làm theo lời bọn họ. Tôi nghĩ như vậy có thể sống tốt ở phòng ngủ một chút, ít nhất cũng không bị coi thường.
Thành lập nhóm Nguyệt Ảnh là một lần cơ duyên. Là bạn học Tưởng Học Nhiễm chạy tới nói với tôi: “Kha Thiển, tôi đã xem cậu biểu diễn rất nhiều lần. Cậu là người tốt nhất tôi từng thấy. Chúng tôi muốn thành lập một nhóm, mời cậu cùng làm người sáng lập, có hứng thú tham gia không?”
Lúc ấy tôi thật sự không dám tin.
Được người tôn trọng và đề nghị như vậy.
“À, được chứ.” Tôi nói, “Tôi bằng lòng tham gia.”
“Vậy…” Tưởng Học Nhiễm hỏi, “Cậu có ý tưởng và yêu cầu nào không?”
Tôi lập tức đáp: “Tôi không có yêu cầu gì hết.”
Lúc ấy tôi dường như nhìn thấy có ánh sáng chợt lóe qua trong mắt Tưởng Học Nhiễm, nhưng tôi khi đó làm sao nhìn thấu được lòng người.
Nhóm hoàn toàn mới, tất cả mọi người đều có chung đam mê. Tôi còn là người sáng lập. Đối với tôi mà nói quả thực là mở ra một cánh cửa mới trước mắt tôi. Tôi dốc hết toàn bộ tinh lực vào nhóm Nguyệt Ảnh. Chúng tôi thuê căn phòng rẻ nhất, 24 giờ tôi đều ở trong đó, tìm cách trang trí thật tốt. Mỗi một bức tường đều là do tự tay tôi dán giấy lên. Một tuần tôi không ăn cơm, chỉ ăn mỳ ăn liền, đi mua vật trang trí tiểu hòa thượng tôi yêu nhất lại luyến tiếc nhất đặt trong phòng làm việc…
Tôi cho là cuối cùng mình đã có được tất cả, song không hề nghĩ rằng, bọn họ cũng không khác gì những người khác.
Bọn họ cũng lười nhác, ham món lợi nhỏ, vì một chút tiền thưởng mà tranh giành. Bọn họ dựa vào tôi mới đạt được thứ hạng, nhưng dường như lại không sẵn lòng thừa nhận điểm này.
Tôi vẫn cố gắng như trước, cố gắng chuẩn bị trang phục biểu diễn cho mỗi người, cố gắng tiết kiệm tiền mua đạo cụ mới, cố gắng quét dọn mỗi góc trong phòng làm việc. Thậm chí bọn họ còn sai tôi đi mua điểm tâm, chạy việc… tôi đều đi hết.
Tôi chỉ là muốn cố gắng duy trì nhóm này, không cần giải tán.
Nhưng có ích lợi gì chứ?
Dần dần, bọn họ càng ngày càng không còn hòa nhã với tôi.
Sau đó tôi cũng hiểu ra, vấn đề không phải nằm ở bọn họ mà là ở tôi.
Tất cả mọi người đều như vậy thì nhất định là tôi có vấn đề rồi. Đúng như Văn Hiểu Hoa nói, tôi không thực tế, trốn tránh trách nhiệm, quá khúm núm, không có cá tính, không đúng hay sao?
“Không phải, A Thiển, không phải vấn đề nằm ở em. Cho dù mọi người xung quanh đều làm như vậy, thì đó cũng là lỗi của bọn họ.”
Chị ấy nói với tôi như vậy, giọng nói dịu dàng lại kiên nhẫn: “Có ước mơ, nghiêm túc, cố gắng, đối xử tử tế với mọi người thì có gì sai chứ? Là bọn họ không biết quý trọng người tốt đẹp như em.”
Tôi ngẩng đầu nhìn chị ấy, suýt chút nữa rơi nước mắt.
Ngầy đầu gặp lại hai chúng tôi vẫn y như vậy.
Kha Ái xinh đẹp, vĩ đại như thế, áy náy dịu dàng nhìn tôi. Chị ấy thật sự ở ngay trước mắt tôi.
Chị ấy thật khờ, không ngừng nói xin lỗi. Sao tôi có thể trách chị ấy chứ? Ở trong lòng tôi, chị ấy và tôi chính là một người.
Ba tháng kia là khoảng thời gian tôi sống vui vẻ nhất. Kha Ái rất tốt bụng lại thông minh. Chị ấy lấy ra toàn bộ tiền tiết kiệm, trong đó phần lớn là tiền cha mẹ nuôi cho để ủng hộ tôi xây dựng công ty hoạt hình.
Tôi chỉ muốn ở bên chị ấy, nhìn chằm chằm chị ấy, xem mỗi cử động của chị ấy, xem chị ấy nói chuyện như thế nào. Chị ấy thực sự rất hoàn mỹ. Thậm chí buổi tối khi trở về ngôi nhà gỗ có một mình, tôi không kìm lòng được bắt chước chị ấy. Thỉnh thoảng tôi sẽ giống như trước đây, quấn lấy chị ấy đòi đổi quần áo, trao đổi thân phận, thậm chị còn đi học thay chị ấy. Tôi đeo chiếc khăn lụa, che hơn nửa mặt, bắt chước cách nói chuyện của chị ấy. Bạn học của chị ấy chưa từng nhận ra.
Thỉnh thoảng khi chị ấy đến ngôi nhà gỗ của tôi, tôi cũng sẽ thay quần áo, hóa trang cho chị ấy. Chị ấy còn đẹp hơn so với tôi.
Tôi sợ mọi người nghĩ nhiều, không nói phần tiền này là của chị tôi. Tôi nói là có nhà đầu tư nhìn trúng nhóm tôi, nhìn trúng tương lai của chúng tôi. Tôi nghĩ như vậy nhất định có thể làm cho mọi người thêm tin tưởng. Đêm đó hình như bọn họ cũng bị dao động với lời nói của tôi.
Tôi nghĩ tất cả mọi chuyện đều đang phát triển theo chiều hướng tốt.
Tôi nghĩ cuối cùng đã có thể sống vì lý tưởng.
Đêm đó tôi đứng ngoài cửa sổ không ngừng khóc. Tôi nhìn Kha Ái không nhúc nhích nằm trên mặt đất, nhìn thấy bọn họ đút chị ấy vào trong túi. Tôi cảm thấy hai mắt mình đã không còn nhìn rõ sao trên bầu trời, cũng không thấy rõ đất dưới chân. Sao cuộc sống lại như vậy, sao con người lại trở nên hoàn toàn thay đổi như vậy?
Kha Ái, Kha Ái, cô gái tốt đẹp trong sáng như vậy.
Sao chị ấy lại đánh mất sinh mạng trong một buổi đêm im lặng bình thường thế này?
Tôi cảm giác như mình đang nằm mơ.
Nhưng tôi là kẻ nhát gan như thế đấy. Tôi che miệng, không cho mình phát ra tiếng, đứng ngoài nhìn vào trong phòng, nhìn thấy bọn họ khiêng thi thể Kha Ái rời đi. Bởi vì tôi biết nếu mình xuất hiện lúc này, chờ đợi tôi cũng sẽ là cái chết.
Hóa ra chết là chuyện dễ dàng như vậy. Ngay ở bên cạnh, ngay trong sự xấu xí nhất của con người.
Tôi cọ rửa lại sàn nhà gỗ lần nữa, lại dùng cách đã học trên mạng, cọ rửa bằng máu heo, sốt cà chua, vân vân cho đến khi không còn máu của Kha Ái nữa. Tôi lại cắt ngón tay, lưu lại máu của mình ở rất nhiều nơi.
Sau đó tôi ngồi trước gương, đưa tóc cho thợ làm tóc.
Thợ làm tóc giật mình: “Làm gì thế?”
Tôi đáp: “Nối tóc.”
Sắc mặt thợ làm tóc hơi khó coi, nhưng sau khi tôi đưa tiền, im lặng, tỉ mỉ nối từng sợi một.
Tôi nhìn người trong gương, tóc dài đen như trong kí ức.
Tôi dùng bút kẻ lông mày và phấn vẽ lại hình dạng lông mày của chị ấy.
Tôi lấy son ra tô lên môi.
Tôi ngẩng đầu, khẽ cười với thợ làm tóc.
Thợ làm tóc ngây người.
Tôi xách túi, khoác thêm áo, đi ra ngoài trong cơn mưa phùn.
Tôi buộc khăn lụa, che cổ và nửa khuôn mặt.
Tiếng giày cao gót lanh lảnh, nước mưa như tụ thành dòng suối nhỏ bên chân tôi, nhin tôi bóng dáng thướt tha, nhìn tôi hồng nhan bạc phận, nhìn tôi hếch môi, nhìn tôi…
Cuối cùng đã không phải luồn cúi nữa, giấc mơ này đã sớm tan biến khỏi thế giới.
Tôi ngẩng đầu, nhìn mưa đã ngừng rơi, cuối cùng bầu trời đã trong xanh trở lại.