Hai Vạn Dặm Dưới Biển

Chương 18: Bốn ngàn dặm dưới thái bình dương



Sáng 18 tháng 11, tôi thức dậy, người khoan khoái. Tôi lên boong tàu và lại thấy viên thuyền phó đang nói câu mà tôi đã nghe được nhiều lần. Tôi bỗng hiểu nghĩa câu nói đó. Đúng là ông ta nói rằng "biển bình yên vô sự". Biển bát ngát, mênh mông, chẳng thấy một cánh buồm, cũng chẳng thấy những mỏm đá của đảo Crét-xpô! Biển đã nuốt tất cả màu sắc của quang phổ mặt trời, chỉ còn lại một màu xanh ngắt! Tôi đang mải ngắm cảnh đẹp của đại dương thì thuyền trưởng Nê-mô lên boong và bắt đầu quan sát thiên văn. Hình như ông ta không để ý gì đến tôi. Sau đó, Nê-mô tì tay lên buồng lái và đăm đăm nhìn về phía xa khơi. Lúc này độ hai mươi thủy thủ bước lên boong. Họ kéo lưới mà họ đã quăng đêm trước. Đó là những người khỏe mạnh, lực lưỡng, thuộc nhiều dân tộc khác nhau nhưng đều gốc châu Œu. Tôi dễ dàng nhận ra một người Ai-len, mấy người Pháp, mấy người Xla-vơ, một người Hy Lạp. Họ rất ít lời và nói với nhau bằng một thứ thổ ngữ chẳng rõ nguồn gốc từ đâu. Vì vậy tôi không thể chuyện trò với họ được. Họ kéo lưới lên tàu. Sáng hôm đó nhiều động vật kỳ lạ của biển đã lọt vào lưới. Tôi ước lượng họ đánh được ít nhất bốn trăm ki-lô-gam cá! Một mẻ lưới rất đạt nhưng cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên! Lưới mắc phía sau tàu và trong mấy tiếng đồng hồ đã cuốn theo tất cả những động vật gặp ở đường. Từ nay về sau, chúng tôi chẳng sợ thiếu cá ngon vì tàu chạy rất nhanh và chiếc đèn pha có sức hấp dẫn lớn. Cá đánh được liền đưa xuống bếp, một phần để dự trữ, một phần để ăn ngay. Mẻ lưới kết thúc. Không khí lại được dự trữ đầy các bể chứa. Tôi đinh ninh là tàu sắp lặn, nên muốn trở về phòng. Nhưng lúc đó thuyền trưởng Nê-mô quay về phía tôi và nói:

-Thưa ngài giáo sư, ngài hãy nhìn xem biển có phải là một sinh vật không? Biển lúc thì giận dữ, khi thì dịu hiền. Ban đêm biển cũng ngủ như chúng ta và giờ đây đang tỉnh dậy, khoan khoái sau một giấc ngủ ngon! Nê-mô chẳng chào hỏi gì. Hình như con người bí hiểm này đang tiếp tục một câu chuyện bị bỏ dở. ông ta nói:

-Giáo sư nhìn xem: đại dương tỉnh giấc dưới ánh nắng dịu hiền. Nó bắt đầu cuộc sống ban ngày. Thật kỳ thú khi quan sát những biểu hiện đầy sức sống của cơ thể nó! Biển có tim, có mạch máu, và tôi hoàn toàn đồng ý với nhà bác học Mô-ri, người đã phát hiện ra rằng nước ở đại dương cũng tuần hoàn, hệt như sự tuần hoàn của máu trong cơ thể sống. Nê-mô chẳng đợi trả lời, và tôi cũng thấy nếu ngắt lời ông ta bằng nhiều câu "vâng", "tất nhiên", "rất đúng" trống rỗng thì thật là thừa. ông ta như tự nói với mình và sau mỗi câu lại im lặng hồi lâu.

-Đúng, nước ở đại dương tuần hoàn không ngừng. Sự tuần hoàn đó sở dĩ có là do nhiệt độ thay đổi, do muối và các vi sinh vật trong nước biển. Nhiệt độ thay đổi làm thay đổi tỷ trọng của nước, do đó tạo nên những luồng nước chảy ngược nhau. Nước biển bốc hơi rất ít ở hai cực, nhưng bốc hơi rất nhiều ở vùng xích đạo. Hiện tượng này tạo ra sự giao lưu thường xuyên qua các vùng biển đó. Ngoài ra, tôi còn phát hiện được sự tuần hoàn theo chiều thẳng đứng từ mặt biển xuống dưới sâu và ngược lại. Hiện tượng đó đúng là sự hô hấp của biển! Trong các vùng biển ấm, nước đại dương bị đốt nóng ở lớp trên chảy đến các vùng biển lạnh, nhờ bị lạnh đi nên đậm đặc hơn, nặng hơn và chìm xuống dưới. Sau đó càng gần vùng xích đạo nó càng bị hun nóng và nổi dần lên trên, rồi lại chảy về vùng biển lạnh. Đến hai cực, giáo sư sẽ thấy rõ kết quả của hiện tượng này và sẽ đánh giá được sự nhìn xa của thiên nhiên, vì nhờ quy luật này mà nước biển chỉ đóng băng ở lớp trên! Khi Nê-mô nói đến câu cuối cùng, tôi nghĩ bụng:

“Chẳng lẽ con người liều lĩnh này lại định cho tàu chạy tới hai cực?". Nê-mô im lặng và chăm chú nhìn biển cả, môi trường mà ông ta đang cố sức nghiên cứu cặn kẽ. Một lát sau, ông ta nói:

-Biển chứa một lượng muối đáng kể. Nếu như có thể tập trung tất cả muối bị hòa tan trong đại dương lại thì nó sẽ chất thành một khối bằng bốn triệu rưởi dặm khối. Và nếu trải đều trên mặt đất thì nó sẽ tạo thành một lớp dày hơn mười mét. Nhưng ngài chớ tưởng rằng muối chứa trong nước biển là do sự trái tính của thiên nhiên. Không phải đâu! Muối làm giảm sự bốc hơi của nước biển và giúp các miền khí hậu ôn hòa tránh được mưa nhiều. Vai trò làm cân đối hoạt động của thiên nhiên trên trái đất thật quan trọng, thật vinh quang! Nê-mô im lặng. ông ta đứng thẳng lên, đi mấy bước trên boong rồi lại bước về phía tôi:

-Còn hàng tỷ sinh vật có trong mỗi giọt nước cũng có vai trò không kém quan trọng. Chúng hấp thụ muối biển và chất vôi hòa tan trong nước. Khi chết đi, chúng lại trả lại cho nước những chất khoáng khác nhau, một phần dưới dạng xương dưới đáy biển. Thế là có một sự tuần hoàn mãi mãi, một cuộc sống vĩnh cửu! Cuộc sống ở biển khẩn trương hơn, thuận lợi hơn, vô cùng vô tận hơn trên đất liền. Nó nằm ngay trong mỗi giọt nước của biển cả trong môi trường rất nguy hại cho tính mạng con người nhưng rất có lợi cho hàng tỷ sinh vật khác, cho cả tôi nữa! Nói những lời đó, con người Nê-mô khác lạ hẳn đi và gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ. ông ta nói tiếp:

-Và cuộc sống thật sự là ở đây, chỉ ở đây thôi! Tôi tin là có khả năng xây dựng những thành phố ngầm, những tòa nhà ngầm dưới biển cứ mỗi sáng lại nổi lên mặt nước để dự trữ không khí trong lành giống như tàu Nau-ti-lúx. Những thành phố độc lập, những thành phố tự do. Và nếu một tên bạo chúa nào đó... Thuyền trưởng Nê-mô ngắt câu nói bằng một cử chỉ đe dọa. Rồi ông ta hỏi tôi dường như muốn xua đuổi những ý nghĩ đen tối:

-Giáo sư có biết đại dương sâu bao nhiêu không?

-Thưa thuyền trưởng, tôi có biết những kết quả đo đạc.

-Kết quả cụ thể ra sao? Khi có dịp, tôi có thể kiểm tra lại.

-Nếu tôi không lầm thì độ sâu trung bình ở phía bắc Đại Tây Dương là tám ngàn hai trăm mét, còn ở Địa Trung Hải là hai ngàn năm trăm mét. Những cuộc đo đạc có kết quả nhất đã được tiến hành ở phía nam Đại Tây Dương. Kết quả: một vạn hai ngàn mét, một vạn bốn ngàn chín trăm linh một mét, một vạn năm ngàn một trăm bốn chín mét. Tóm lại, nếu đáy đại dương được san bằng thì độ sâu trung bình là khoảng bảy ki-lô-mét.

-Tốt lắm!

-Nê-mô trả lời.

-Tôi hy vọng sẽ cung cấp cho ngài những số liệu chính xác hơn. Về độ sâu trung bình ở vùng biển này của Thái Bình Dương, tôi có thể thông báo rằng nó không quá bốn ngàn mét. Nói đến đây, thuyền trưởng Nê-mô đi về phía nắp tàu rồi theo bậc thang sắt bước xuống dưới. Tôi đi theo ông ta. Ngay lúc đó chân vịt bắt đầu ngay, đồng hồ chỉ tốc độ hai mươi hải lý một giờ... Những ngày sau đó, thuyền trưởng Nê-mô rất ít đến thăm hỏi. Họa hoằn lắm tôi mới thấy ông ta. Còn viên thuyền phó thì cứ sáng sáng lại ghi đường đi của con tàu trên bản đồ rất cẩn thận giúp tôi xác định vị trí con tàu một cách chính xác. Công-xây và Nét Len ở bên tôi hàng tiếng đồng hồ. Công-xây thuật lại cho Nét nghe chuyện anh ta đã được thấy những kỳ quan gì trong chuyến dạo chơi ngầm dưới biển. Nét hối tiếc là đã không cùng đi. Tôi an ủi Nét rồi sẽ tổ chức xuống biển chơi một lần nữa. Hầu như ngày nào tấm cửa sắt ở phòng khách cũng mở ra mấy tiếng đồng hồ, và chúng tôi lại được đi sâu vào những bí mật của thế giới ngầm dưới biển. Tàu Nau-ti-lúx chạy theo hướng đông nam ở độ sâu một trăm -một trăm năm mươi mét. Nhưng có lần thuyền trưởng Nê-mô hứng lên cho tàu lặn sâu xuống hai ngàn mét. Nhiệt kế chỉ 4,25 độ, một nhiệt độ hình như chung cho độ sâu này ở mọi vĩ độ. Ba giờ sáng ngày 26 tháng 11 tàu Nau-ti-lúx qua bắc chí tuyến 172 độ kinh. Ngày 27 tháng 11 tàu ngang qua quần đảo Xan-uýt, nơi thuyền trưởng Cúc nổi tiếng hy sinh ngày 14 tháng 2 năm 1779. Thế là chúng tôi đã đi được bốn ngàn tám trăm sáu mươi dặm kể từ ngày bắt đầu cuộc hành trình. Buổi sáng, khi lên boong, tôi nhìn thấy đảo Ha-oai cách tàu hai hải lý. Đó là đảo lớn nhất trong số bảy hòn đảo của quần đảo Ha-oai. Tôi thấy rõ những cánh đồng trồng trọt, vùng đồi và những dãy núi dọc bờ biển, những núi lửa trong đó sừng sững ngọn Mu-na Rê-a cao năm ngàn mét.

Tàu Nau-ti-lúx vẫn chạy theo hướng đông nam. Ngày mùng 1 tháng 12, nó vượt qua xích đạo ở 142 độ kinh. Ngày 4 tháng 12, sau khi chạy khá nhanh và không xảy ra sự việc gì đặc biệt, tàu tới gần quần đảo Mác-ki-dơ. Qua quần đảo đẹp tuyệt vời ấy, từ mùng 4 tới 11 tháng 12 tàu đi được khoảng hai ngàn hải lý. Đêm mùng 9 rạng ngày 10 tháng 12 tàu gặp hàng đàn nhuyễn thể. Ban đêm chúng từ dưới biển sâu bơi lên các lớp nước trên rồi theo con đường di cư của cá trích và cá xác-đin mà bỏ sang vùng nước ấm hơn. Đây là cuộc di cư bình thường của hàng triệu tấn sinh vật biển!... Biển cả đang phô bày ra những bức tranh hết sức kỳ thú và muôn màu muôn vẻ. Biển cả chẳng những làm chúng tôi vui mắt, cho chúng tôi quan sát những sinh vật trong môi trường tự nhiên của chúng mà còn mở ra trước chúng tôi những bí mật thầm kín nhất. Ngày 11 tháng 12 tôi ngồi ở phòng khách và đọc một cuốn sách lấy ở thư viện của thuyền trưởng. Nét và Công-xây thì mải ngắm nước biển được chiếu sáng. Tàu Nau-ti-lúx đang dừng. Tàu cho nước vào đầy các bể chứa và đỗ ở độ sâu một ngàn mét, nơi rất ít sinh vật, rất ít cá to.

Tôi đang đọc cuốn sách tuyệt vời của Giăng Ma-xê thì Công-xây gọi tôi:

-Thưa giáo sư, ngài có thể lại đây một phút không ạ?

-Anh ta nói bằng một giọng khác lạ.

-Có việc gì thế, Công-xây? Tôi đứng dậy, bước tới cửa sổ và nhìn ra ngoài. Trong khoảng nước được đèn pha trên tàu rọi sáng, có một khối lớn màu đen đang lơ lửng. Tôi chú ý nhìn xem đó là gì. Trong óc tôi bỗng lóe lên một ý nghĩ.

-Tàu biển!

-Tôi kêu lên.

-Đúng, -Nét trả lời, -một chiếc tàu biển bị gãy cột buồm! Nét Len đã không lầm. Trước mắt chúng tôi là một chiếc tàu bị đắm. Vỏ tàu còn tốt. Hình như nó mới bị đắm cách đây mấy tiếng đồng hồ... Chiếc tàu gây một ấn tượng rất đáng buồn! Nhưng khi thấy những xác người bị trói chặt bằng dây cáp trên boong thì còn thê thảm hơn nhiều!... Chúng tôi lặng im và hết sức xúc động nhìn cảnh tàu đắm. Những con cá mập háu đói đã ngửi thấy mùi thịt người và xông đến. Khi tàu Nau-ti-lúx chạy vòng quanh chiếc tàu đắm, tôi thấy ở phía lái có dòng chữ đề:

“FLORIDA" SUNDERLAND
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.