Giấc Mộng Thanh Xuân

Chương 48: Món quà tết



Sinh nhật thầy qua đi là đến với chuỗi ngày sắm sửa đón tết, tôi thường xuyên cùng mẹ đi chợ mua cái này mua cái kia. Vào mấy ngày cuối năm như thế này từ vỉa hè cho đến vào chợ chỗ nào cũng nhộn nhịp đông vui. Từ câu đối, đèn lồng, bao lì xì đỏ rồi đến hoa và giỏ quà bày bán khắp nơi. Trên vỉa hè là những nhà buôn bán hoa đào hay cây quất để trưng ngày tết. Ở Việt Nam, người miền Bắc quan niệm rằng cây hoa đào đại diện cho sự đổi mới và sức sinh sản dồi dào. Còn cây quất mang ý nghĩa gặp nhiều tài lộc, may mắn và phước lành. Riêng miền Nam lại dùng hoa mai để trang trí tết, do khí hậu ba miền khác nhau nên loại cây dùng trang trí ngày tết cũng không giống nhau. Tuy nhiên ý nghĩa mà chúng mang đến thì vẫn tương tự như nhau. Nhưng dù là loại cây gì thì chỉ cần được trưng ngay ngoài phòng khách là thấy có không khí tết liền. Như mọi năm, nhà tôi không trang trí gì nhiều. Chỉ có một cây đào, thêm vài dây đèn led và mấy sợi dây kim tuyến quấn quanh cành đào.

Thế nhưng trong không khí tết đến xuân về, nhà nhà háo hức thì tôi buộc phải đi học thêm. Thầy ấy không tha cho tôi dù chỉ là một ngày, buổi sáng đi chợ với mẹ buổi chiều thì sang nhà thầy học. Căn nhà đó tôi đã sang mấy ngày nay nhưng nó vẫn không có gì thay đổi. Hoa đào, cây quất, bánh kẹo không xuất hiện trong nhà thầy. Vào nhà thầy ấy thì không khí vui vẻ náo nhiệt của ngày tết cũng tắt bụp. Dù là ở ngoài đường hay đầu ngõ cũng đều treo những dây cờ tam giác nhiều màu sắc và cờ đỏ sao vàng trước cổng của mỗi nhà. Còn nhà thầy, ngay cả một lá cờ cũng không có. Tôi vừa làm xong bài tập mà thầy giao, trong lúc đợi thầy chấm điểm tôi buồn chán nằm bò ra bàn. Dùng một tay làm gối đầu còn tay kia nhẹ nhàng gõ trên mặt bàn theo từng nhịp.

"Tạm ổn rồi, em làm nốt bài số ba trong sách giáo khoa đi." Thầy đẩy quyển vở đã chấm điểm sang cho tôi.

Tôi ngồi thẳng dậy, nhìn trong vở dấu gạch đỏ đã giảm dần. Số điểm mà thầy chấm cho tôi luôn dừng lại ở số bảy, không thể cao hơn được. Nhưng đó là sự công nhận mà thầy dành cho tôi sau bao nhiêu ngày nỗ lực luyện chữ và ghi nhớ nội dung.

Tôi cầm bút lên rồi nhìn thầy, đôi mắt rưng rưng như sắp khóc đến nơi "Thầy còn bài tập nào thì liệt kê nốt ra đi ạ? Em làm xong còn về nhà đón tết nữa."

Tôi cứ nghĩ làm xong số bài tập trước đó là được nghỉ, thế mà thầy lại bắt tôi làm thêm một bài nữa.

"Còn hai ngày nữa mới đến tết, em lo cái gì?" Thầy thở dài một tiếng rồi gõ nhẹ lên trán của tôi.

"Lo chứ, em chưa mua quần áo tết. Mai nhà em còn phải gói bánh chưng nữa. Em còn lo không biết có thời gian cho em đi mua nữa không." Nghĩ đến ngày kia là giao thừa, tôi không thể nén nổi sự tò mò mà hỏi thầy "Nhưng mà sắp đến tết rồi sao thầy vẫn chưa sắm sửa gì thế ạ? Hay là thầy định về quê ngoại ăn tết?"

"Tôi không về quê, tôi chỉ sống một mình nên thấy không cần thiết."

"Sao thế được? Năm nào mẹ em cũng phải sắp cúng nhiều lắm nào là cúng tất niên, cúng giao thừa rồi lại cúng mùng một, mùng hai, mùng ba tết. Xong đến mùng sáu lại sắp cúng hóa vàng nữa mà."

Còn có ngày 23 tháng chạp cúng ông công ông táo. Ngày hôm đó tôi cùng với Ánh Ngọc mang ba con cá ra sông ngay đầu làng để phóng sinh, có rất nhiều người cũng đang thả cá ở đó. Với niềm tin từ xưa rằng những con cá đó sẽ là phương tiện đưa ông công ông táo lên chầu trời. Từ bé tôi đã tin như thế, luôn tin rằng những con cá đang tung tăng bơi lội dưới sông có thể bay lên trời nên trong lúc thả cá cũng thầm gửi gắm điều ước mà bản thân không làm được cho những con cá.

"Em hiểu biết khá nhiều." Thầy ngồi chống cằm nói với tôi.

"Cái này không tính là em hiểu biết đâu. Phong tục truyền thống lâu năm của Việt Nam, mỗi năm đều làm một lần nên em mới nhớ thôi ạ."

Nhìn thầy ấy đang chăm chú nghe mình nói, tôi được dịp mà hào hứng nói tiếp.

"Mẹ em cũng nói với em rằng không có nhiều thì ít, việc thắp nhang cúng cụ không chỉ đơn giản là phong tục mà còn thể hiện lòng thành kính của con cháu đời sau với ông bà tổ tiên. Cho nên ngày tết dù có thiếu thốn thế nào cũng phải cúng được một miếng bánh chưng."

"Nghe em nói xong, tôi lại thấy hình như mình có chút cẩu thả." Nhìn cách thầy nghiêm túc nói làm tôi thấy hơi chột dạ, tôi chỉ là tiện miệng nói ra suy nghĩ của mình về ngày tết. Nhưng trông thầy bây giờ khá là để tâm.

Tôi vội đính chính lại lời mình nói "Thầy đừng để ý mà, em không có ý nói thầy cẩu thả đâu."

"Tôi biết, tôi chỉ đang nghĩ là có lẽ mình nên đi mua bánh kẹo để lên bàn thờ. Đây cũng là nhà ông nội của tôi. Nếu ông biết tôi để bàn thờ trống trơn chắc sẽ tức giận lắm."

"Hì, em cũng nghĩ vậy."

Thầy ấy bỗng nhiên đứng dậy và đi vào trong nhà, nhìn thầy đi vào phòng ngủ tôi chỉ biết ngơ ngác ngồi tại bàn học đợi. Đến lúc thầy ấy đi ra thì trên người đã mặc bộ vest đen tuyền, lâu rồi tôi mới thấy thầy mặc lại bộ này. Có lẽ vì ở nông thôn ăn mặc thoải mái hơn nên thầy ấy cũng thay đổi theo, bình thường dạy học thầy chỉ mặc sơ mi với quần âu. Còn hôm nào lạnh thì thầy ấy khoác thêm lớp áo khoác ở bên ngoài. Tôi tròn xoe đôi mắt ngồi nhìn thầy lịch lãm đứng trước mặt mình, thầy không nói nên tôi cũng không hiểu được thầy đang tính làm gì.

"Thầy chuẩn bị đi đâu ạ?"

"Tôi chuẩn bị đi siêu thị mua đồ, em có muốn đi cùng không?" Thầy vừa trả lời vừa chỉnh trang lại bộ quần áo đang mặc trên người.

"Dạ?" Tôi thảng thốt đánh rơi cây bút cầm trên tay. Thầy ấy chưa từng nói đùa nhưng mà chỉ qua vài câu nói của tôi mà sao thầy đã quyết định nhanh như thế rồi.

"Em không muốn đi cũng không sao."

"Dạ! Không...  À không, ý em là bài tập. Mà cũng không phải, bây giờ mới hơn ba giờ em sợ đi bây giờ hơi sớm đó." Tôi bị thầy làm cho kinh ngạc tới mức nói năng cũng không còn rõ ràng. Nhưng nhắc đến bài tập tôi phải chuyển chủ đề ngay lập tức, có lẽ thầy đã quên rằng tôi vẫn chưa làm bài.

Nghe xong, thầy ấy chống một tay vào bàn học cúi người thấp xuống để nói với tôi "Em không cần đánh trống lảng, tôi vẫn nhớ vụ bài tập. Dù sao thì ngày kia là giao thừa, đi luôn bây giờ cũng không tính là sớm."

Ừm... tôi cảm thấy thầy nói rất có lý. Và thế là sau hai mươi phút thì tôi và thầy đã đứng trước cửa siêu thị. Rất nhanh gọn, nhưng đến nơi tôi vẫn không hiểu được lý do mình lại đồng ý đi cùng thầy. Tôi còn không nhớ mình đã đồng ý như thế nào, chẳng khác gì bị thầy ấy điều khiển. Tôi đi vào trong cùng thầy, ngắm nhìn siêu thị với rất nhiều gian hàng không giống nhau như đang bị lạc vào mê cung rộng lớn. Lại thêm dòng người ra vào tấp nập, đông đúc tới mức làm tôi cảm thấy bức bối trong người. Tôi vô thức bám sát đằng sau thầy đi đến quầy hàng bánh kẹo. Trước mắt trải dài những gian bánh kẹo, vô số các loại bánh và hạt chất đầy trên từng kệ. Từ hạt điều cho đến hạt giẻ cười rồi hạnh nhân đều không thiếu. Những loại hạt này thường được đặt trên bàn uống nước để mời khách trong mấy ngày tết nhưng chỉ có gia đình nào khá giả mới mua còn đa số mọi người đều chỉ mua hạt hướng dương và hạt bí.

"Em thấy cái nào ngon hơn?" Thầy cầm hai hộp bánh ngay đầu kệ lên hỏi tôi.

"Dạ, cái bên trái ạ."

Tôi vừa dứt lời thì thầy ấy thả luôn hộp bánh bên trái vào trong xe đẩy. Theo lý thường thì thầy phải thăm dò ý kiến xung quanh sau đó đứng suy tư một hồi rồi mới quyết định. Nhưng mà thầy ấy không đi theo lẽ thường, thầy dứt khoát chọn loại bánh mà tôi nói nó ngon. Làm cho tôi có cảm giác như tết năm nay lượng bánh kẹo mà mình được ăn sẽ tăng lên gấp đôi.

Nhìn phía đối diện, là khu quầy hàng với những vật dụng cho ngày tết. Tôi đi ra đó nhặt một bao lì xì lên xem, mấy năm gần đây lì xì không chỉ có một màu đỏ mà có nhiều màu sắc và mẫu mã khác nhau. Mặc dù tôi chưa đến độ tuổi mừng tuổi cho người khác nhưng nhìn những bao lì xì thiết kế đẹp mắt làm tôi chỉ muốn mua về. Tôi nhặt vội vài món và cầm ra cho thầy xem.

"Thầy ơi, thầy có lấy mấy cái này không?" Trên tay của tôi đang cầm phong bao lì xì màu đỏ. Thêm hai quyển sách có tên là tuyển tập văn khấn cổ truyền Việt Nam và lịch vạn niên. Ba món đồ này tôi thấy có rất nhiều người mua, chắc chắn phải cần thiết thì họ mới chọn mua.

"Tôi chỉ lấy quyển này thôi." Thầy chọn lấy quyển sổ ở chính giữa. Là quyển tuyển tập văn khấn.

Tôi có hơi thất vọng khi thầy ấy không mua bao lì xì nhưng dù sao thì thầy có mua về cũng chưa chắc sẽ dùng đến. Được một lúc, tôi và thầy tách nhau ra. Thầy ấy vẫn quanh quẩn bên quầy hàng bán đồ ăn, đến tết là siêu thị và các cửa hàng sẽ đóng cửa nên có lẽ thầy mua nhiều đồ ăn để dự trữ trong mấy ngày tết. Còn tôi thì chỉ đi dạo xung quanh, đến những quầy hàng khác ngắm nhìn những món đồ mà tôi đã thích từ lâu nhưng chẳng bao giờ mua được.

Trong đó có bộ áo dài cách tân làm tôi phải nhìn đi nhìn lại rất nhiều lần. Tôi đứng ngắm nhìn và vuốt ve chiếc áo dài trắng với tay áo voan dạng lửng. Cũng bởi tôi thích cái họa tiết thêu cành đào dập nổi trên nền vải tơ óng. Bên trong còn lót lụa trắng cùng tà áo dài chạm gối. Cộng thêm chân váy xòe lơ lửng ngang đầu gối. Trông trẻ trung năng động nhưng lại mang nhiều nét truyền thống.

"Nếu em thích thì lấy đi." Thầy ấy xuất hiện bất thình lình sau lưng tôi khi mà tôi vẫn còn chưa kịp thu lại ánh mắt đang ao ước được mặc thử nó một lần.

"Dạ không cần ạ, em thấy cũng đẹp nhưng mà không hợp với em." Tôi quay lại đối diện là đôi mắt của thầy, khi nói dối tôi sẽ không lựa chọn trốn tránh. Bởi vì càng trốn sẽ càng dễ bị phát hiện. Chiếc áo dài này với tôi không hề rẻ, tôi không có dũng khí để tiêu nhiều tiền của thầy tới vậy.

"Em không thử thì làm sao biết được nó có hợp hay không?"

"Em... thấy không cần lắm."

"Em nói em chưa mua quần áo tết mà, mặc thử đi." Thầy ấy lấy bộ áo dài đang treo trên giá rồi đưa cho tôi.

"Em không mặc đâu ạ."

Tôi giấu hai tay của mình ra sau, để tránh bị thầy nhét bộ đồ đó vào trong tay của mình. Thế nhưng thầy không làm vậy mà lại đi nhờ một chị nhân viên siêu thị đến hướng dẫn cho tôi. Bị cả thầy và chị nhân viên kia thúc giục, tôi chỉ đành hít sâu một hơi rồi theo chị đó đến phòng thay đồ. Phòng thay đồ nằm ngay trong góc nhà, tuy rằng là địa điểm dễ trông thấy nhưng cũng không quá lộ liễu. Cửa được chốt khóa đàng hoàng nhưng tôi vẫn thấy khá quan ngại, có cảm giác như đang thay đồ trước mặt nhiều người vậy. Có chiếc gương toàn thân ngay trên cánh cửa của phòng nên thay đồ xong thì tôi đứng ngắm mình qua gương. Chợt nhận ra rằng, bản thân đã lớn hơn rồi. Trong bộ trang phục này tôi thấy mình trở nên thanh lịch và dịu dàng hơn, mặc dù bình thường tôi cũng không phải là một người năng động. Mường tượng ra cảnh thầy sẽ ngắm nhìn mình trong phong cách khác hoàn toàn, không phải sự giản dị thường ngày. Mà là theo nét thanh lịch truyền thống xen lẫn hiện đại, làm mặt của tôi lại đỏ bừng lên thấy rõ. Nói thật là rất mong chờ. Và tôi không thể nói dối trong chính suy nghĩ của mình. Tôi e dè mở cánh cửa ra, thầy ấy vẫn đang đứng phía xa chờ tôi. Thấy tôi đi ra thầy bước nhanh đến chỗ tôi.

"Đẹp lắm!" Câu nói của thầy khiến tôi càng thêm ngượng ngùng mà quay mặt đi hướng khác. Thầy sợ tôi không tin nên lại nói "Tôi sẽ không khen em nếu tôi cảm thấy nó xấu. Tôi nói thật lòng, em mặc bộ này rất đẹp."

"Nhưng mà nó rất đắt tiền." Trước những lời nói thật lòng của thầy, tôi không biết phải nói gì hơn ngoài nói ra sự thật. Nó rất đắt, đắt hơn những bộ đồ mà mẹ có thể mua cho tôi bên trong khu chợ nhộn nhịp đầy rẫy những loại quần áo hạ giá vào dịp cuối năm.

"Em hãy xem như là món quà mừng tết của tôi dành cho em có được không?" Thấy tôi vẫn còn do dự, thầy lại gần bất lực mỉm cười với tôi "Sao tôi muốn mua đồ cho em mà lại khó tới vậy? Em đã tặng quà sinh nhật cho tôi rồi mà, còn tôi thì chưa tặng cái gì cho em."

"Dạ có mà, thầy tặng em cái chuông gió vào ngày Quốc khánh rồi." Vừa dứt lời, tôi quay lưng đi lại vào phòng thay đồ. Bộ áo dài này tôi không thể mặc lâu hơn được.

Bất ngờ là thầy lại nắm lấy cánh tay của tôi, kéo tôi quay lại. Thầy ấy cau mày không vui vẻ nói với tôi "Em không thể nhận nó được sao?"

"Dạ, em không được mặc như thế này ra quầy thu ngân." Tôi đã nhận lấy nó rồi, thật tâm thật ý nhận lấy món quà này.

Thầy buông tôi ra và lùi lại vài bước. Tôi im lặng quay lại phòng thay đồ. Vào bên trong tôi mới bắt đầu thở gấp, cái cách thầy nắm lấy cánh tay tôi rồi giọng nói như đang năn nỉ đó khiến cho tôi không tài nào thở nổi. Thầy đã không biết được rằng lúc thầy giữ tôi lại thì trong đầu tôi đã có bao nhiêu rối rắm, bao nhiêu tơ tưởng. Nhưng lần nữa nhìn lại mình trong gương, tôi bất giác bật cười. Thì ra cũng có lúc tôi được thầy khen đẹp, nhưng liệu tôi có đẹp như thầy nói. Với mái tóc dài xõa đến ngang hông, hình ảnh một người con gái bình dị nhưng nhợt nhạt hiện lên trong gương. Tôi chẳng bao giờ đánh son nên dù có mặc đẹp cũng bị đôi môi nhợt nhạt tới khô khốc làm cho bộ đồ dù đẹp cũng xuống sắc theo.

Đến quầy thu ngân, lúc thầy mở ví ra thanh toán là chiếc ví mà tôi đã tặng thầy. Tôi thầm thấy vui và hạnh phúc khi thầy coi trọng và sử dụng món quà của mình. Mang bộ đồ về tới nhà, lúc đó mẹ tôi đang ngồi ngoài sân chẻ lạt để chuẩn bị cho ngày mai gói bánh chưng. Tôi khoe mẹ bộ áo dài thầy mua cho mình, trông mẹ còn vui hơn cả tôi nữa. Mẹ bảo tôi mặc thử, rồi đứng đó tấm tắc khen thầy có mắt nhìn. Trong khi đó thì tôi mới là người chọn nhưng mà thôi, nếu thầy mà chê xấu thì chắc tôi cũng sẽ bỏ nó lại.

Tôi dành ra cả buổi tối chỉ để ngắm bộ áo dài này, không nỡ cất nó vào trong tủ quần áo. Treo ngay ngoài cửa tủ, cứ nằm trên giường nhìn rồi nhoẻn miệng cười trong vô thức.

"Lách cách, lách cách"

Một cơn gió vô tình thổi vào trong phòng ngủ của tôi. Phòng ngoài vẫn chưa đóng cửa nên chiếc chuông gió treo trên kệ tủ ngày ngày lặng im bỗng phát ra âm thanh, chỉ có hai tiếng giản đơn rồi vụt tắt. Chuông gió vẫn in đậm ngày sinh nhật của thầy bên trong nó, món quà cho chiếc chuông gió tôi đã tặng được rồi. Không biết món quà thay cho lời cảm ơn vì bộ áo dài thì bao giờ tôi mới trả lại đây.

— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.