Qua ngày nghỉ lễ, mọi người đều đi học với tâm thái uể oải và mệt nhọc. Phải đi học lại ai cũng tỏ ra vô cùng tiếc nuối. Tuy mỗi tuần được nghỉ chủ nhật nhưng nghỉ lễ sẽ đặc biệt hơn. Không khí náo nhiệt mọi người thoải mái vui chơi, còn là dịp để tụ tập ăn liên hoan.
Trên lớp học, các bạn trong lớp tôi đang vui vẻ kể lại cho nhau những trải nghiệm của ngày nghỉ. Nhóm ở nhà ăn liên hoan lại liên tục trách cứ nhau chuẩn bị không chu đáo, trách bạn về quá sớm nhưng sự thật là họ muốn cho mọi người biết ngày hôm đó đã làm những gì.
Nhìn cả lớp kể chuyện cho nhau nghe, cảm thấy không liên quan đến mình nên tôi buồn chán nhắm mắt lại và nằm đè lên cánh tay. Nghĩ rằng sẽ không ai để ý nhưng sau đó một bạn ngồi ở bàn trên quay xuống lay lay cánh tay của tôi. Thấy có người gọi mình, tưởng đã trống nên tôi rũ mình ngồi thẳng dậy. Do áp sát đôi mắt vào cánh tay nên khi mở mắt ra nhìn xung quanh đều có màu vàng nhạt, tôi lại nhắm mắt lắc nhẹ đầu của mình. Lần nữa mở mắt ra, không còn màu vàng nữa nhưng nhìn xung quanh thấy cả lớp đang nhìn chằm chằm vào tôi. Tôi khó hiểu nhìn Yến Thảo đang ngồi ở bàn trên.
Không để tôi thắc mắc lâu, Yến Thảo ngay lập tức hỏi tôi "Mày đi chơi với thầy Khang à? Hôm qua lúc đi ngang qua sân chơi ở trên thị trấn, tao thấy mày với thầy đi với nhau."
Ra là chuyện này, hôm đó tôi đã cẩn thận tìm kiếm xung chắc chắn không có ai học cùng lớp ở đó thì tôi mới thoải mái đi dạo. Vậy mà vẫn có người nhìn thấy, nếu tôi thừa nhận chắc chắn sẽ gây ra hiểu lầm không đáng có.
Tôi nhanh chóng nghĩ ra một lý do hợp lý "Tao đi cùng em họ mà. Lúc đang chờ nó đi gửi xe thì tao gặp thầy. Nên nói chuyện vài câu thôi."
"Đấy tao bảo rồi, làm gì có chuyện thầy lại đi chơi với nó." Văn Hoàng ngay lập tức nhìn sang một người bên cạnh mà nói.
"Xời, làm tao tưởng bở." Một người khác lại lên tiếng.
Không còn chuyện gì nữa nên mọi người dần tản ra, ai kể chuyện tiếp tục kể. Mỗi người đều quay trở lại làm việc riêng của mình. Lúc này tôi mới thấy nhẹ nhõm hơn, có lẽ tôi cần phải nói trước với Ánh Ngọc. Nếu có ai hỏi thì em ấy còn biết đường mà trả lời.
Rất nhanh đã trống vào lớp, tiết đầu là môn giáo dục công dân. Hầu như cả lớp đều rất thích tiết này là vì giáo viên môn này giảng bài dễ hiểu và thú vị nên khiến họ thích ư? Không, không bao giờ có chuyện như vậy. Lý do vô cùng đơn giản là vì cô ấy rất hiền, vô cùng hiền lành. Trong tiết này mọi người có thể tùy ý làm những điều mình thích, nói chuyện trong giờ, ăn đồ vặt hay đuổi nhau trong lớp. Phần lớn các bạn học sinh lớp tôi đều không để cô vào mắt, chỉ có vài bạn là chịu nghe giảng và chép bài đầy đủ.
Dù đã cố gắng nhưng không ai có thể nghe thấy cô giảng bài. Bởi tiếng ồn ào trong lớp đã lấn át hoàn toàn giọng nói của cô, nếu so lớp học của bây giờ với cái chợ thì phải nói ngay cả chợ còn thua xa. Đến cả tiếng ve sầu đinh tai nhức óc ngoài kia cũng đang so tài với lớp, tiếng ve sầu lớn bao nhiêu thì lớp tôi lại tăng âm thanh lên bấy nhiêu. Tới mức làm giáo viên lớp bên cạnh không chịu được mà phải sang mắng mỏ một trận. Đợi giáo viên đó rồi đi, lớp lại tiếp tục ồn ào.
Có một bạn ngồi bàn đầu lại không nghe thấy gì nên đã đứng dậy nói thẳng với cô "Cô ơi, cô nói to một chút được không ạ? Bọn em không nghe thấy."
"Em không thấy à, để cô viết lên bảng." Cô Ngọc Dung không tỏ ra khó chịu mà dịu dàng trả lời bạn ấy. Nhưng thấy lớp cứ tiếp tục ồn ào như vậy cũng không hay nên cô bối rối lớn tiếng nói "Cả lớp trật tự, các em không học thì cũng nên để cho các bạn khác học nữa chứ."
Đáp lại cô vẫn là tiếng ồn ào không dứt, cô ấy đã từng rất nhiều lần hét lên yêu cầu cả lớp im lặng. Đến cuối lại ấm ức không nói nên lời mà rơi nước mắt ngay tại lớp học. Khi đó tiếng ồn trong lớp giảm đi phân nửa và mấy phút sau lại như cũ.
"Chúng mày có im đi không? Chúng mày không học thì nghỉ hết đi, đừng có suốt ngày đến trường rồi làm loạn lớp học..." Lúc này lớp trưởng không giữ được bình tĩnh mà đứng dậy tức giận quát lớn. Ngay cả những lời thô tục nhất cũng được buông ra.
Thế nhưng phía cuối lớp, Văn Hoàng lại ngang ngược đáp trả lớp trưởng "Ờ, tao thích thế đấy."
"Mày thích thì mày cút về nhà mày mà chơi."
Văn Hoàng chửi tục một tiếng rồi thôi, trước nay tôi không thấy cậu ta đánh con gái trong lớp... uhm, ngoại trừ tôi. Nên có lẽ mọi chuyện cứ như vậy mà cho qua. Dù sao lớp trưởng có đứng lên nói cũng không thay đổi được gì, chắc là ngoại trừ bố mẹ mình thì họ không e ngại bất kì ai cả.
Nhưng nếu thầy ấy có ở đây, không biết cả lớp có vì thế mà im lặng hay không?
Nhìn thấy cô Ngọc Dung với gương mặt vừa tức giận vừa khó xử, tôi bất lực thở dài. Những người có bản tính hiền lành luôn luôn thiệt thòi, không được xem trọng. Dù họ có thật thà tốt bụng thế nào thì cũng không bằng một người mạnh mẽ hay một người khéo miệng. Thế giới này luôn là vậy, luôn không có công bằng.
Tôi nhìn ra ngoài cửa với hy vọng thầy sẽ đứng đó và nhìn thấy cả lớp đã náo loạn như thế nào.
Vốn nghĩ cánh cửa đó sẽ không có ai, vậy mà tôi lại nhìn thấy có một người đang đứng trước cửa. Trên người mặc sơ mi đen cùng với quần âu đồng màu, tay áo xắn lên quá khuỷu tay. Cầm một chiếc thước gỗ, lãnh đạm âm trầm đứng trước cửa ra vào. Không cần nói, ai cũng biết người đó là thầy chủ nhiệm. Thầy vừa đứng đó, cả lớp liền im bặt không phát ra lấy một tiếng. Thầy ấy thản nhiên đi vào trong, gương mặt không thể hiện một tia cảm xúc nào.
Cô Ngọc Dung nhìn thấy thầy cũng nhẹ nhàng gật đầu một cái xem như chào hỏi.
Thầy ấy đứng trên bục giảng, nhìn xuống lớp học và lạnh lẽo nói "Các em là đang muốn họp chợ sao?"
Cả lớp vừa mới mấy phút trước còn hùng hùng hổ hổ mà hiện tại một câu cũng không dám nói. Họ chỉ sợ làm thầy tức giận là lại bị phạt.
Một khi thầy đưa ra hình phạt thì chưa từng kiêng rè bất kỳ ai. Vì vậy mà các hình phạt thường xuyên xảy ra ở lớp tôi như mất trật tự đi nhổ cỏ, không chép bài thì quét sân... Tuy những hình phạt này khá phổ biến nhưng nhờ có lớp tôi mà những buổi lao động nhà tổ chức giảm đi đáng kể.
"Nói!" Thầy không nhịn được quát lớn một tiếng.
Mọi người giả bộ mắt điếc tai ngơ cúi gằm mặt xuống mặt bàn, khi này chỉ còn lớp trưởng là quay lại nhìn cả lớp. Tuy bạn ấy vẫn còn giữ y nguyên vẻ tức giận nhưng không thể giấu được sự hả dạ ẩn hiện trên khuôn mặt. Đến cùng chỉ có thầy với ánh mắt lạnh lẽo mới có thể áp chế lớp học.
Thấy cả lớp đều im lặng, thầy lại âm trầm nói "Tất cả đứng dậy, di chuyển ra sân sau."
Cả lớp bối rối nhìn nhau, không có ai dám chủ động dứng dậy đi trước. Chỉ có lớp trưởng vốn đã quen thuộc không nghĩ nhiều liền đứng dậy đi ra ngoài, những bạn khác thấy thế cũng lần lượt đi theo. Ngay cả cô Ngọc Dung cũng theo sau. Lần này không còn một vài bạn bị phạt nữa mà tất cả đều phải chịu hình phạt. Có lẽ thầy lại phạt cả lớp quét sân hoặc nhổ cỏ.
Trên đường ra sân sau, có bạn buông lời oán trách. Có bạn lại dửng dưng như không nhưng tất cả đều tỏ ra vô cùng khó chịu. Phía sân sau không có mái che, thầy lại không cho lớp vào nhà giáo dục thể chất. Mà bắt lớp xếp thành bốn hàng đứng sát vào dãy nhà bên cạnh, mượn bóng dâm từ dãy nhà đó để che nắng.
Mọi người đều không hiểu thầy đang muốn làm gì, cho đến khi...
"Tất cả đứng lên ngồi xuống."
Tất cả đều tỏ ra lưỡng lự, ngay cả lớp trưởng hiện tại cũng có chút do dự. Thầy bắt cả lớp đứng lên ngồi xuống lại không nói bao nhiêu lần.
Cái đáng sợ nhất không phải bị phạt mà là không biết hình phạt đó sẽ kéo dài đến bao giờ.
Không ai dám lên tiếng phản đối, lần lượt thực thi hình phạt mà thầy đưa ra. Trời càng ngày càng nắng gắt, cả lớp ai cũng đều ra mồ hôi ướt đẫm áo. Không ai biết đã phải đứng lên ngồi xuống bao nhiêu lâu chỉ đồng lòng thắc mắc một tiết này tại sao lại dài đến vậy. Có mấy bạn mệt lả không chịu được mà ngồi bệt xuống đất, đều bị thầy bắt đứng lên tiếp tục. Ngay cả những bạn chăm chỉ chép bài cũng không tránh khỏi.
Tôi cũng rất mệt, chỉ muốn nằm xuống dưới đất mà ngủ một giấc. Trong lòng oán trách thầy không phân phải trái đúng sai, trước khi thầy phạt ít ra cũng nên kiểm tra vở viết của cả lớp rồi mới lọc những người đó ra chứ. Thầy phạt tất cả như vậy làm tôi cảm thấy thật oan ức, tôi chép bài và làm bài đầy đủ mà cũng bị phạt nữa là sao?
Nhân lúc thầy không nhìn về hướng này tôi không nhịn được mà dùng ánh căm giận nhìn thầy nhưng đột nhiên thầy ấy nhìn qua chỗ tôi. Tôi vội vàng thu lại ánh mắt của mình, lo lắng bị thầy nhìn thấy.
Một lúc sau, ai cũng mệt lả không còn chút sức lực nào mà ngồi bệt xuống đất. Thầy không bắt cả lớp đứng lên nên tất cả cứ ngồi như vậy.
Nói thật, bây giờ ngay cả tôi cũng muốn đứng dậy mà hét thẳng vào mặt thầy ấy rằng "Ác ma, thầy làm người đúng là lãng phí cuộc đời."
Nhưng làm gì có ai dám chống đối lại, lần này không ai im lặng nữa mà thay nhau nói.
"Thưa thầy, bọn em mệt lắm rồi."
"Em bây giờ không đứng dậy nổi nữa."
"Thầy ơi, thầy tha cho bọn em đi."
Đợi cả lớp nói xong thầy lại tiếp tục hỏi "Các em cảm thấy việc im lặng ngồi trong lớp mệt hơn hay ngoài này mệt hơn?"
"Ở đây mệt hơn ạ." Tất cả nói gần như là đồng thanh, chỉ sợ làm phật ý thầy lại bị phạt lần nữa.
"Biết vậy là tốt." Dứt lời, thầy quay sang bên cạnh nói với cô Ngọc Dung "Sau này lớp tôi còn ồn ào nữa, phiền cô quay video lại gửi cho tôi."
"À, vâng." Cô ấy không biết là đang suy nghĩ gì mà đột nhiên lại bị giật mình.
Thầy để cả lớp ngồi nghỉ một lúc rồi mới cho phép mọi người về lớp. Nhưng không có ai về lớp luôn mà lập tức chạy về phía phòng hội đồng, nơi mà nhà trường để nước uống cho toàn tập thể. Ở đó chỉ có hai bình nước lại không còn nhiều, mọi người phải tranh giành nhau để được uống nước, có bạn không chờ được mà chạy đến căn tin của bác bảo vệ mua nước mát uống. Vì căn tin bán nước uống đắt hơn ở ngoài nên chỉ có số ít bạn đến đó mua.
Tôi cố gắng chen lên đến gần bình nước để lấy cốc trước nhưng lần nào cũng bị đẩy ra ngoài, thấy có bạn uống xong tôi đang định lấy cốc thì bạn ấy giật lại và đưa cho người khác. Mãi sau mọi người đều tản ra vì không còn bình nào còn nước, một bạn cáu giận oán thán vì chỉ uống được một cốc vẫn chưa hết khát. Tôi cầm cốc nước đứng nhìn hai bình nước trống không, vừa tức vừa tủi thân. Để cốc về chỗ cũ xong, chuẩn bị lên lớp thì vô tình nhìn thấy thầy từ phòng hội đồng đi ra. Trên tay cầm mấy chai lavie nhỏ, thầy ấy bước đến chỗ tôi, lấy một chai đưa cho tôi rồi nói.
"Chai nước này cho em, uống xong rồi hãy về lớp học."
"Em cảm ơn thầy." Tôi nhận lấy chai nước mà đôi mắt đã chứa đầy sự cảm kích. Là một người dễ bị mua chuộc nỗi căm tức mấy phút trước đó đã hoàn toàn biến mất.
Mọi người thấy thầy cho tôi nước uống nên cũng chạy lại bu quanh thầy. Lấy hết những chai nước còn lại trên tay thầy rồi mới thực sự về lớp.