Em Gái Nhà Rimbaud

Chương 1



Cuối tháng 2 năm 1871;

Charleville, Ardennes, nước Pháp.

Chiến tranh Pháp – Phổ – cuộc chiến được người Pháp gọi là “chiến tranh 1870” đã kết thúc vào cuối tháng trước, khi quân Phổ kéo vào tấn công thủ đô Paris.

Quận Charleville là tỉnh lỵ của tỉnh Ardennes ở đông bắc nước Pháp, giáp biên giới với Bỉ, trận Sedan mang tính quyết định trong chiến tranh Pháp-Phổ diễn ra ngay gần Charleville, cách chỉ khoảng 20 km.

Mà khoảng cách từ Charleville đến Paris là 240 km.

***

Số 5A phố duyên hà Madeleine, nhà Rimbaud.

Vì chiến tranh, ngôi trường Charleville mà hai cậu con trai trong nhà – Frederic 17 tuổi rưỡi và Arthur 16 tuổi rưỡi – đang theo học đã biến thành bệnh viện dã chiến, đến giờ vẫn chưa dạy học lại bình thường, các chàng trai đành ở nhà suốt.

Hai bé gái – Vitalie Rimbaud 12 tuổi rưỡi và Isabelle 10 tuổi rưỡi – cũng đành phải quay về từ trường nữ sinh nội trú của trường dòng, học việc nội trợ với mẹ là bà Rimbaud.

Tối ngày hôm nay, khi đêm khuya sắp đến.

Jeanne Rosalie Vitalie Rimbaud đang say giấc thì bỗng bị người ta lay dậy.

Cô mơ màng mở mắt, phát hiện mình bị bịt miệng, giọng thiếu niên thì thầm với vẻ vội vã bên tai cô: “Vitalie, em còn tiền không?”

Quấy rối giấc ngủ của người khác là không nên, cô tức giận há miệng cắn tay chàng trai.

Chàng trai *ối* lên một tiếng, “Làm gì cắn người ta như cún thế?”

“Thích cắn anh đó.”

“Suỵt!” Chàng trai vội bịt miệng cô lại, “Chớ đánh thức mẹ.”

“Anh muốn gì? Em không có tiền.” Vitalie trừng mắt cảnh giác nhìn anh.

Mà thực tình nào có thấy gì, đêm đã khuya, cửa sổ đã đóng, trong phòng không bật đèn cũng chẳng châm nến, giơ tay ra còn không thấy được năm ngón.

“Anh biết em tích cóp được không ít tiền, mấy tháng này em không đi thăm cậu Felix à?”

“Tiền của em là của em, không phải của anh, anh đừng có mà lần nào muốn lẻn ra khỏi nhà là lại lấy tiền của em.” Vitalie tức gần chết.

“Mẹ không cho anh tiền, anh tiết kiệm cũng không đủ. Hầy! Mẹ không cho anh đi xa, mà anh lại muốn ra ngoài.”

“Anh muốn đi đâu? Paris?”

“Đúng.” Chàng trai ôm ấp hy vọng, “Anh chỉ muốn tiền vé tàu và tiền cơm hai ngày là đủ. 100 đồng franc? 90 đồng franc? Không thể ít hơn được.”

Đúng là trơ tráo! Nếu trong phòng mà có đèn thì nhất định cô sẽ trợn mắt với anh, trợn một cách thật dữ, để xem anh có còn xấu hổ tới xin tiền em gái lẻn đi chơi không!

“Không cho. Không có. Một đồng franc cũng không có! Một centime cũng không!”

Chàng trai quàng vai cô, nịnh nọt: “Coi như anh mượn của em đi, sau này trả lại em 200 đồng franc, không, trả lại em 500 đồng franc!”

Vitalie hơi động lòng, “ ‘Sau này’ là lúc nào? Vài năm sau?”

Chàng trai suy nghĩ, “Ba năm nữa?”

Vitalie xem thường, “Bây giờ anh không có tiền, đến ba năm sau cũng sẽ không có tiền.”

Chàng trai ảo não, “Biết sớm thì anh đã tiết kiệm tiền rồi.”

Vitalie không tiếp lời.

Một lúc sau, chàng trai hỏi dò: “Không cho anh mượn thật?”

“Không phải em không cho anh mượn, mà là mẹ, mẹ muốn em để mắt đến anh, không cho anh lén rời nhà nữa. Nếu… Nếu lần này anh lại lẻn đi, mẹ không cho anh vào nhà thì anh phải làm sao?”

Chàng trai vô cùng tự tin, “Không đâu, mẹ bao giờ chẳng thế. Đợi tới khi anh xuất bản tập thơ của mình rồi, chắc chắn mẹ sẽ vui lắm cho coi, đến lúc đó mẹ sẽ không so đo chuyện anh lén chạy đến Paris nữa.”

Vitalie ôm trán: Ông anh này! Đúng là khờ khạo!

Cô rất phân vân, một mặt cô muốn nghe theo lời dặn của mẹ, để mắt tới anh hai đang trong thời kỳ phản nghịch; mặt khác, ông anh này quả thực không phải là người có thể ở nhà, tối nay mà anh không đi được thì cũng sẽ có ngày khác lén đi.

Vì sao bảo là “lại” ư? Vì Jean Nicolas Arthur Rimbaud từng lẻn đi một lần rồi.

Vitalie Rimbaud cho rằng hai anh trai nhà mình đều là kẻ ngốc!

Đầu tiên là anh cả Frederic, tháng 8 năm ngoái tự dưng theo một toán quân đi ngang qua Charleville, ra mặt trận tiền tuyến, rời nhà khoảng ba tháng, đến giữa tháng 11 năm ngoái mới về Charleville.

Thế nên mẹ rất tức giận, ra lệnh cấm cửa phòng Frederic, chép lại Kinh Thánh, thậm chí còn không được xuống lầu ăn cơm.

Frederic sinh tháng 9 năm 1853, tháng 8 năm ngoái còn chưa đủ 17 tuổi mà đã dám rời khỏi nhà!

Anh hai Arthur lại càng to gan hơn! Còn dám chạy đến Paris!

Vitalie đoán, hành động cả gan của anh cả đã cổ vũ cho anh hai lúc ấy còn chưa đến 16 tuổi. “Con nhà người ta”, học sinh xuất sắc nhất của trường Charleville bỗng biến thành “đứa trẻ hư đốn” kiêu căng ảo tưởng, cũng rất hay “trốn nhà đi chơi”.

Arthur có trí thông minh mà đứa trẻ 15 tuổi không có, nhưng vẫn chưa đủ nhìn nhận thực tế. Lúc ấy, khi trận Sedan còn đang nổ ra kịch liệt, tuyến tàu hỏa từ Charleville đến Paris đã bị dừng. Arthur phải đi đường vòng, đầu tiên là đến Charleroi ở nước Bỉ láng giềng, sau đó từ Charleroi đến Paris – anh tất phải đổi tàu giữa chặng đi, mà số franc ít ỏi mang theo đã được tiêu hết nửa.

Arthur Rimbaud mới đến Paris thì đã bị bắt ngay khi vừa xuống tàu – vì chiến tranh nên cảnh sát Paris rất cảnh giác với những người đến từ biên giới, sợ có gián điệp trà trộn vào thủ đô của đế quốc.

Thế là, chàng trai Arthur liều lĩnh bị tống vào ngục.

Sự việc này đã bị mẹ xem là vết nhơ, không chỉ là vết nhơ trong cuộc đời Arthur mà còn là vết nhơ trong gia đình Rimbaud.

***

Ngược lại với người em từ nhỏ đã có vẻ thông minh, Frederic là một cậu bé vụng về, năng lực bình thường, diện mạo cũng không bằng em trai, là một cậu bé không xuất sắc về mặt nào cả. Việc Arthur trở thành con cưng của mẹ, ngoài trí thông minh từ nhỏ ra thì còn nhờ vào gương mặt bé nhỏ kháu khỉnh đó.

Frederic không nói nhiều về quãng thời gian 3 tháng ở trong quân đội, nhưng qua việc anh ngoan ngoãn ngồi trong phòng chép Kinh Thánh thì có thể thấy, anh đã không còn nhiệt huyết tuổi trẻ nữa rồi.

Còn về Arthur – bà Rimbaud giao cho trưởng nữ thêm một nhiệm vụ là để mắt tới Arthur, không được để anh lén trốn nhà đi nữa.

Trời muốn đổ mưa, nhóc con muốn trốn nhà, trên thực tế chẳng hề ngăn cản nổi.

Vitalie cực kỳ ảo não.

***

Đêm hôm qua không thành công trốn đi, Arthur ủ rũ ở lại trong nhà.

Nhà không cho phép tụi nhỏ khóa cửa phòng, Vitalie bưng một chiếc mâm bằng hai tay, nhẹ nhàng đá mở cửa phòng Arthur.

Arthur không ngẩng đầu lên, nhưng vẫn nhanh nhảu rút một tờ giấy trắng che đậy tập vở trên bàn.

Chàng trai 16 tuổi rưỡi có nước da sáng màu, mái tóc màu vàng đã dài đến quá tai, có đôi mắt xanh sáng ngời.

Những người con nhà Rimbaud đều có đôi mắt xanh xinh xắn giống cha.

Vitalie nhìn anh, “Ăn cơm thôi.”

Arthur vội dọn chỗ trên bàn để đặt mâm. “Cám ơn.” Anh nhìn tóc em gái, lại nịnh nọt hỏi: “Sao em không buộc dây buộc tóc anh tặng em?”

“Cất rồi.”

“Dây cũ của em đã bị phai, xấu lắm. Mau lấy dây buộc tóc anh tặng em ra đeo đi, sau này anh sẽ mua rất nhiều buộc tóc mới ở Paris cho em.”

Vitalie buồn cười nói: “Số tiền em đưa anh hẳn cũng đủ mua rất nhiều buộc tóc mới.” Nhưng rồi lại nghĩ cảm thấy không đúng, “Khoan, anh vẫn chưa từ bỏ?”

Arthur vội bịt miệng của cô, “Suỵtttt! Nhỏ tiếng thôi, đừng để mẹ nghe thấy.”

Vitalie gỡ tay anh ra, trợn trừng mắt, “Anh mà còn dám lén bỏ nhà đi nữa là mẹ sẽ nổi giận cho xem!”

Arthur cười xảo trá: “Em còn nhỏ quá, nếu không thì anh đã đưa em đi cùng rồi.”

“Thôi đi. Một mình anh trốn nhà đi chơi, mẹ thấy vì anh là con trai nên không quá sốt ruột, nhưng em mà làm bậy theo anh thì mẹ sẽ điên mất.” Một mình bà Rimbaud nuôi dưỡng bốn đứa con rất vất vả, bà chỉ có thể và cũng chỉ biết nghiêm khắc quản thúc các con, nhưng vì Arthur luôn là con cưng của mẹ, nên cùng là bỏ nhà đi xa, Frederic bị phạt chép Kinh Thánh, còn Arthur thì không bị phạt nặng gì cả.

Đúng là không công bằng chút nào!

***

Trong chiến tranh, giá cả tăng vọt, vật tư cũng không phong phú, bữa tối toàn là thịt bò hầm với khoai tây, khoai tây nhiều còn thịt bò ít, băm nhỏ, thêm nhiều nước, đun lửa nhỏ nấu thành canh thịt, thêm hai chiếc bánh mì tròn có mùi vị bình thường. Đối với một đứa trẻ đang trong giai đoạn trưởng thành thì thực sự không đủ dinh dưỡng cũng như lấp bụng.

Nếu muốn nói lần trước trốn nhà đi xa có ảnh hưởng tích cực gì, thì có lẽ là yêu cầu về thức ăn của Arthur đã được giảm xuống.

Vì mới đi được nửa lộ trình mà đã tiêu hết tiền bạc, bình sinh Arthur lần đầu hiểu được “đói khổ” là gì.

Sau khi nghe được chuyện này, Vitalie cười thẳng vào mũi đến mức lạc giọng.

Bà Rimbaud không quá giàu, nhưng chưa bao giờ để các con thiếu ăn thiếu mặc. Họ thời con gái của bà là Cuif, tuy bà là con gái nông thôn, nhưng gia đình Cuif đã là địa chủ từ thời ông cố của bà. Bà Rimbaud cũng tên là Vitalie, Vitalie cùng tên với mẹ.

Hồi mới cưới Vitalie có đến 30.000 franc của hồi môn, trong giai đoạn giữa thế kỷ 19 này thì đúng là có tiền, nên tuy cha là đại úy Rimbaud không có nhà, bình thường cũng không đưa sinh hoạt phí, thì một mình bà vẫn duy trì được gia đình có bốn người con này. Chỉ là, Vitalie không khỏi cảm thấy xót cho mẹ.

***

Arthur xì xụp húp canh thịt, tranh thủ hỏi: “Em ăn chưa?”

“Ăn rồi.”

“Có no không?”

“No.”

Arthur lại trưng ra vẻ mặt đáng thương, “Có chút bánh mì đó, anh ăn chưa no.”

Vitalie cười nham hiểm, “Mẹ nói không thể để anh ăn no quá được, để anh không có sức lẻn đi.”

Arthur bất đắc dĩ, “Em đúng là cái đồ gián điệp!”

Không có tiền thì đến nửa bước cũng khó đi, lần trước trốn nhà đi xa anh đã thấu hiểu triệt để về chân lý này. Bà Rimbaud quản tiền rất nghiêm, ngoài đồ dùng học tập tất yếu ra thì anh gần như không có tiền tiêu vặt. Còn Vitalie học ở trường nội trú bên ngoài, nên trong tay cô vẫn có sinh hoạt phí.

Chính vì thế, Vitalie là người có tiền nhất trong bốn anh em.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.