Đường Xưa Mây Trắng

Chương 31: Sang Xuân Ta Sẽ Trở Về





Ngay ngày hôm sau, Bụt và các vị trưởng thượng trong giáo đoàn đi thăm viếng Trúc Lâm.

Thật là một nơi cư trú lý tưởng cho giáo đoàn khất sĩ.

Khu vườn rộng vào khoảng bốn chục mẫu.

Tre mọc xanh tốt, đủ cả các loại.

Hồ Kalandaka tọa lạc ở giữa rừng tre là một nơi rất thuận lợi để các vị khất sĩ tắm giặt và đi kinh hành.

Tre rất nhiều, những chiếc thảo am có thể được dựng lên rải rác để làm chỗ cư trú cho các vị đại đức lớn tuổi.

Các vị đệ tử lớn như Kondanna, Kassapa, Sariputta v.v… đều rất hoan hỷ.

Họ họp nhau lại và hoạch định cách tổ chức Trúc Lâm thành một tu viện có quy củ.

Bụt dạy:– Mùa mưa không tiện lợi cho sự du hành.

Các vị khất sĩ cần có nơi an cư trong mùa mưa để cùng tu học với nhau.

Như vậy họ tránh được sự ướt át và dẫm đạp lên trên các loại côn trùng thường bò ra đầy dẫy.

Tôi muốn mỗi năm cứ vào đầu mùa mưa, các vị khất sĩ phải tìm nơi an cư tu học với nhau, khỏi phải đi du hành đây đó.

Trong ba tháng ấy, thiện nam và tín nữ có thể mang thực phẩm tới cúng dường tại các trung tâm an cư, và mỗi ngày, họ sẽ được các vị xuất gia chỉ dạy về đạo lý tỉnh thức.Truyền thống an cư được thiết lập, chỉ còn mười lăm hôm nữa, mùa an cư được bắt đầu.Dưới sự điều khiển của đại đức Moggallana, các vị khất sĩ trẻ tuổi đã dựng lên một tịnh xá nhỏ cho Bụt và nhiều tịnh xá nhỏ khác cho các vị khất sĩ trưởng thượng hoặc lớn tuổi.

Tất cả đều được làm bằng tre, tranh, và bùn đất.

Tịnh xá của Bụt tuy nhỏ nhưng rất xinh xắn.

Phía sau tịnh xá có một bụi tre vàng rất đẹp.

Bên trái tịnh xá cũng có một bụi tre thật xanh tươi và cao.

Bụi tre này cho Bụt rất nhiều bóng mát.

Thầy Nagasamala đã đóng cho Bụt một cái chõng tre để người nằm nghỉ.

Người cũng ngồi thiền trên đó.

Thầy lại còn kê cho Bụt một vại nước ở phía sau tịnh xá để người có chỗ rửa mặt và tay chân.

Thầy Nagasamala là một vị khất sĩ trẻ.

Trước đây thầy đã từng là đệ tử của đại đức Uruvela Kassapa, khi đại đức còn chưa xuất gia theo Bụt.

Từ ngày dọn về tu viện Trúc Lâm, thầy Nagasamala được đại đức Kassapa tiến cử lên Bụt để làm thị giả cho người.Đại đức Sariputta đã tiếp xúc với một vị cư sĩ ở thành Vương Xá và vị cư sĩ này đã đem cúng dường tu viện Trúc Lâm một chiếc chuông đồng.


Đại đức đã cho treo chuông gần hồ Kalandaka dưới một cành cổ thụ.

Tiếng chuông báo hiệu giờ giấc tu học trong tu viện, và trở thành hiệu lệnh cho tất cả tăng đoàn.

Bụt dạy mỗi khi nghe tiếng chuông, tất cả mọi người đều phải theo dõi hơi thở và thực tập chánh niệm.

Tiếng chuông như vậy không chỉ có tác dụng thông báo giờ giấc mà còn có tác dụng nhắc nhở mọi người trở về với chánh niệm nữa.Các vị đệ tử cư sĩ của Bụt ngày nào cũng có lui tới Trúc Lâm để giúp đỡ công trình kiến thiết tu viện.

Họ được đại đức Kassapa cho biết là ngày trăng tròn sắp đến, tăng đoàn sẽ bắt đầu an cư tu học tại Trúc Lâm.

Đại đức nói:– Đây là một dịp để các vị khất sĩ được thực tập đạo giải thoát trực tiếp dưới sự hướng dẫn của Bụt.

Họ sẽ có nhiều thì giờ học hỏi và thực tập hơn trong mùa an cư.

Đồng thời họ cũng tránh được sự dẫm đạp lên các loại côn trùng thường xuất hiện rất nhiều vào mùa mưa trên các con đường, nhất là những con đường thôn dã.

Trong thời gian ba tháng an cư của các thầy, quý vị có thể đem thức ăn tới cúng dường Bụt và tăng đoàn.

Quý vị có thể họp nhau để tổ chức việc cung cấp thực phẩm cho tăng đoàn, như thế thì sẽ không có ngày nào thức ăn bị dư hoặc bị thiếu.

Tất cả các vị thí chủ, dù là người nghèo khổ nhất và chỉ có thể cúng dường một vài chiếc bánh chappati, cũng đều được mời ở lại để nghe Bụt hoặc một vị cao đệ của người thuyết pháp.

Mùa an cư sẽ đem lại nhiều tiến bộ cho sự tu học của tăng đoàn cũng như là của các vị đệ tử tại gia.Đại đức Kassapa lãnh đạo tăng đoàn rất giỏi mà tổ chức giới cư sĩ cũng giỏi.

Thầy đã hội họp với những vị thí chủ của tu viện và đã giúp cho họ điều hợp việc cúng dường và hỗ trợ tu viện.

Các vị khất sĩ, ngoài áo cà sa, bình bát và nệm ngồi thiền, còn được cúng dường một chiếc khăn lau mặt và một chiếc lọc để lọc nước uống nữa.Ngày an cư đã đến, và thời khóa tu học do các vị trưởng thượng ấn định, đã được tăng đoàn chấp hành theo một cách nghiêm chỉnh.

Buổi sáng vào lúc đầu canh tư đã có chuông báo thức.

Sau khi rửa mặt, các vị khất sĩ bắt đầu thiền tập ngay tại chỗ của mình.

Mọi người thực tập thiền tọa và kinh hành nhiều lần cho đến khi mặt trời đã lên tới đầu ngọn tre.

Sau đó là giờ đi khất thực.

Đại chúng chỉ nghỉ đi khất thực vào những ngày có thí chủ cúng dường thực phẩm đầy đủ cho tu viện.

Vào những ngày này, các vị khất sĩ có thể sử dụng thì giờ buổi sáng để đi tìm y chỉ sư của mình mà học hỏi thêm giáo lý và tham vấn về những điều mình chưa nắm vững trong lãnh vực giáo nghĩa cũng như trong lãnh vực thực tập.Y chỉ sư là một vị khất sĩ đã đạt tới nhiều tiến bộ trên con đường học hỏi và hành trì.

Các vị đại đức như Kondanna, Assaji, Kassapa, Sariputta, Moggallana, Bhaddhiya, Vappa, Mahanama v.v… đều là những vị y chỉ sư lớn, mỗi vị phụ trách hướng dẫn năm sáu mươi vị khất sĩ mới học.

Có những vị y chỉ sư hướng dẫn mười vị, có vị hướng dẫn hai mươi vị, có vị hướng dẫn ba mươi vị… Vị khất sĩ mới học nào cũng có y chỉ sư của mình.

Đó là người huynh trưởng trong đạo mà mình cần nương tựa vào để học hỏi.Đại đức Kassapa đã cùng với đại đức Sariputta làm công việc phân phối này rất kỹ lưỡng trước ngày an cư.Vào đầu giờ Ngọ, các vị khất sĩ đều đã có mặt tại tu viện.

Họ mang bát đứng thành từng hàng dài ở sân cỏ bờ hồ.Sau khi đã được cúng dường hoặc đã san sẻ thực phẩm xin được cho nhau, mọi người ngồi xuống bãi cỏ và bắt đầu thọ trai trong im lặng.Buổi trai phạn hoàn tất vào cuối Ngọ.


Mọi người quây quần bên Bụt.

Có khi người giảng dạy cho các vị khất sĩ và các vị cư sĩ được dự thính, có khi người giảng dạy cho các vị cư sĩ, và các vị khất sĩ dự thính.

Lại có những buổi giảng dạy cho thiếu nhi và tất cả những người lớn tuổi của cả hai giới xuất gia và tại gia dự thính.

Thường thường trong các buổi giảng cho trẻ em, Bụt hay dùng những truyện tiền thân.Có khi các đại đức cao đệ của Bụt đứng ra giảng dạy thay Bụt.

Những lúc ấy, Bụt ngồi nghe, và người thường mở lời khen ngợi khi đạo lý giải thoát được diễn bày một cách đúng mức và thông minh.Sau buổi thuyết pháp, giới đệ tử tại gia ra về.

Mọi người có được một thời gian nghỉ ngơi.Sau đó chuông lại báo hiệu giờ thiền tọa và thiền hành.Các thầy thực tập tham vấn và học hỏi cho đến đầu giờ Hợi mới đi nghỉ.Bụt thường thiền tọa cho đến nửa đêm.

Người hay bắc chiếc chõng tre ra trước tịnh xá ngồi cho mát, nhất là vào những đêm có trăng.

Mỗi buổi sáng khi thức dậy, người ưa đi thiền hành, người không cần ngủ nhiều giờ như các vị khất sĩ trẻ tuổi.

Đại đức Kassapa cũng thức rất khuya để thiền tập.Vua Bimbisara rất siêng năng đến Trúc Lâm để thăm Bụt và tăng đoàn.

Vua không đem theo hàng trăm người như lần đầu đi gặp Bụt ở Rừng Kè.

Những lần đi thăm Bụt ở Trúc Lâm, vua chỉ đem theo hoàng hậu Vaidehi và thái tử Ajatasattu.

Có khi vua đến một mình.

Để xe tứ mã và quân hầu phía ngoài tu viện, vua đi bộ vào tịnh xá của vị đại sa môn.Có một hôm thấy các vị khất sĩ ngồi trong mưa để nghe giảng, vua bạch với Bụt xin xây cất một Pháp đường trong đó chư vị xuất gia có thể thọ trai và nghe Pháp.

Được sự chấp thuận của Bụt, Pháp đường được xây dựng ngay sau cuộc viếng thăm của vua.

Pháp đường không những che mưa nắng cho trên một ngàn vị xuất gia mà còn che mưa nắng được cho khoảng một ngàn vị đệ tử cư sĩ nữa.Từ hôm Pháp đường được xây dựng xong, đời sống của tu viện đã bắt đầu có đủ tiện nghi.Bụt đưa vua vào thăm tịnh xá bằng tre của mình và mời vua ngồi thử trên chiếc chõng tre của Bụt.

Thầy thị giả của Bụt cũng đã đóng cho Bụt hai chiếc ghế bằng tre để Bụt tiếp khách.

Một hôm Bụt mời vua ngồi chơi với Bụt trên những chiếc ghế tre đặt trước tịnh xá.

Sau một hồi đàm đạo, vua tâm sự:Trẫm có một đứa con trai khác mà Bụt chưa gặp.

Trẫm rất muốn nó và mẹ nó tới thăm ngài.

Thưa Thế Tôn, mẹ nó không phải là hoàng hậu Vaidehi.

Mẹ nó tên là Ambapali, nó tên là Jivaka, năm nay mười sáu tuổi.

Mẹ nó cư trú tại Vesali, phía Bắc thành phố Pataliputta.

Ambapali không ưa đời sống chật hẹp trong cung cấm.


Ambapali không màng chức tước và địa vị.

Nàng chỉ thích tự do.

Trẫm đã ban cho hai mẹ con mấy cơ sở tự túc kinh tế, trong đó có một vườn xoài rất đẹp.

Jivaka rất thông minh và đôn hậu.

Jivaka cũng không thích chính trị và quyền binh.

Hiện nó đang ở gần thủ đô và đang học nghề y sĩ.Trẫm thương nó lắm, cầu xin Bụt thương nó như trẫm đã thương.

Nếu được đức Từ Bi chấp nhận, trẫm sẽ bảo nó về đây thăm ngài và để được học hỏi với ngài.Bụt mỉm cười lặng thinh, đó là dấu hiệu người ưng thuận.

Vua chắp tay chào Bụt và từ giã.Một buổi chiều hôm nọ, có hai người khách đặc biệt tới viếng Bụt ở tu viện Trúc Lâm.

Hai người ấy đến từ quê hương của Bụt, kinh đô Kapilavatthu.

Đó là Kaludayi và Channa.

Kaludayi là bạn học từ thuở bé của Bụt, và Channa là người ngày xưa thường đánh xe đưa Bụt đi.

Cuộc gặp gỡ này làm ấm cả Trúc Lâm tịnh xá.Bụt xa nhà đã bảy năm, và người rất muốn được nghe tin tức nhà.

Người hỏi thăm Kaludayi về phụ vương, hoàng hậu, Yasodhara, Nanda, Sundari Nanda, Rahula và tất cả những người thân thuộc.Kaludayi tuy còn rất khỏe nhưng nét mặt đã dạn dày gió bụi.

Channa thì đã già hẳn đi.Hai người được Bụt tiếp chuyện rất lâu trước túp lều tranh của người.Kaludayi đã có chức tước quan trọng trong triều và đã trở nên một trong những người phụ tá thân tín của vua Sudhodana.

Ông nói là tin Bụt thành đạo và đang hằng hóa ở vương quốc Magadha đã được chuyển về Kapilavatthu liên tiếp từ hai tháng nay.

Ai nghe tin này cũng mừng rỡ.

Mừng rỡ nhất là vua, hoàng hậu, và Gopa.

Khi nguồn tin đã được liên tiếp xác nhận, vua đã ủy thác cho Kaludayi đi mời Bụt trở về quê hương.Kaludayi rất sung sướng được vua giao cho trách vụ này.

Ông để ra ba hôm để chuẩn bị chuyến đi, và suốt cả mấy đêm ông không ngủ được vì náo nức trong dạ.

Ông đã qua thăm Yasodhara để trình bày với phu nhân về chuyến đi.

Phu nhân mừng rỡ và đề nghị cho Channa đi theo.

Khi được báo tin là sẽ được cùng thượng quan Kaludayi đi mời Bụt, Channa đã mừng rơi nước mắt.

Hai thầy tớ đã đi gần một tháng mới tới được tu viện Trúc Lâm.Theo lời Kaludayi thì sức khỏe vua Sudhodana đã có phần suy giảm.

Ngài vẫn còn sáng suốt, và hiện nay ngài có đủ người phụ tá giỏi trong công việc triều chính.

Hoàng hậu Gotami vẫn còn rất tráng kiện.

Hoàng tử Nanda đã lớn và đã đính ước với một tiểu thư con nhà dòng dõi tên là Kalyani.

Nanda rất đẹp trai và rất ưa chưng diện, nhưng tính tình không được cương nghị cho mấy.

Sundari Nanda em gái Bụt đã trở nên một cô thiếu nữ kiều diễm.Phu nhân Yasodhara thì từ ngày Bụt đi đã bỏ hết mọi đồ trang sức.


Bà ăn mặc rất giản dị, bao nhiêu vật quý giá trong cung bà đã cho đem bán hết để lấy tiền giúp vốn cho những gia đình túng quẫn nhất ở các xóm nghèo.

Nghe nói Bụt mỗi ngày chỉ ăn một bữa, bà cũng bắt đầu mỗi ngày chỉ ăn một bữa.

Bà vẫn còn làm việc từ thiện xã hội như xưa với sự góp sức của hoàng hậu Gotami.

Rahula đã trở thành một cậu bé bảy tuổi xinh đẹp, mạnh khỏe, hai mắt đen láy, thông minh và quả cảm.

Rahula rất được ông nội và bà nội cưng quý, cưng quý không khác gì cưng quý Siddhatta ngày xưa.Những điều Kaludayi đã nói được người đánh xe Channa xác định.

Bụt ngồi nghe và cảm thấy rất ấm lòng.

Cuối cùng, Kaludayi hỏi Bụt chừng nào người có thể lên đường trở lại quê hương, Bụt nói:– Đầu mùa Xuân, tôi sẽ về.

Bây giờ là đang là mùa mưa, việc du hành đã trở nên không thuận lợi.

Với lại trong số một ngàn hai trăm năm mươi vị khất sĩ, có rất nhiều vị còn non yếu trên con đường thực tập.

Sau mùa an cư này họ sẽ vững vàng hơn, và tôi có thể an tâm hơn để ra đi.

Kaludayi! Bạn hãy ở lại đây chơi một tháng, Channa cũng vậy.

Sau đó các vị có thể về nước và báo tin cho phụ vương ta hay là đầu mùa Xuân ta sẽ lên đường trở lại quê hương.Kaludayi và Channa lưu lại tu viện Trúc Lâm như người khách.

Họ làm quen với các vị khất sĩ.

Họ thấy được nếp sống thanh tịnh an lạc của người xuất gia.

Họ thấy được ảnh hưởng của đạo giải thoát trên tâm hồn và trong nếp sống hàng ngày của người xuất gia.

Kaludayi ngày nào cũng được gần Bụt.

Ông quán sát Bụt rất kỹ.

Ông thấy được sự thảnh thơi mầu nhiệm của Bụt.

Con người này đã đạt tới chỗ không còn mong muốn hay tìm cầu một cái gì khác nữa.Bụt như một con cá thảnh thơi trong nước, như một đám mây thảnh thơi trên trời.

Người hoàn toàn an trú trong hiện tại.

Cái nhìn và nụ cười của Bụt chứng minh rằng Bụt đã đạt tới tự do tuyệt đối của tâm linh.

Không còn gì có thể ràng buộc được con người này, nhưng cũng không ai có được sự hiểu biết và lòng thương yêu rộng lớn và không điều kiện của người.

Kaludayi thấy người bạn học năm xưa đã bỏ mình xa quá trên con đường tâm linh.

Ông bỗng ao ước được sống đời sống tịnh lạc của một kẻ xuất gia dưới sự hướng dẫn của Bụt.

Ông muốn bỏ hết địa vị, chức tước và những lo lắng phiền muộn của cuộc sống lợi danh.

Sau ngày thứ bảy cư trú tại Trúc Lâm, ông ngỏ ý xin Bụt xuất gia.Bụt hơi tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng người đã gật đầu ưng thuận.Channa là một người hầu cận rất trung thành.

Thấy Kaludayi được xuất gia, ông cũng muốn được xuất gia.Nhưng ông nghĩ rằng ông không thể xuất gia nếu không được phép lệnh bà Yasodhara trước.Vì vậy ông tự bảo phải chờ đến khi Bụt trở về Kapilavatthu..


— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.