Đường Xưa Mây Trắng

Chương 2: Nghệ Thuật Chăn Trâu





Hôm nay trời mát, sau bữa cơm trưa ăn trong quán niệm, các vị khất sĩ lặng lẽ đi rửa bát của mình và đem trải tọa cụ ngoài trời ngồi quây quần quanh Bụt.

Tu viện Trúc Lâm có rất nhiều sóc.

Chúng quanh quẩn bên các thầy, không có vẻ gì sợ hãi.

Nhiều con sóc leo lên trên các thân tre, đưa mắt nhìn xuống.Svastika đưa mắt tìm Rahula.

Chú thấy Rahula ngồi ngay trước mặt Bụt.

Chú rón rén đến trải tọa cụ bên cạnh Rahula và nghiêm chỉnh ngồi xuống trong tư thế hoa sen.

Không khí thật trang nghiêm.

Không ai nói với ai lời nào, nhưng Svastika biết rằng ai cũng đang theo dõi hơi thở trong khi chờ đợi Bụt mở lời chỉ dạy.Bụt ngồi trên một chiếc chõng tre, cao hơn mọi người chừng vài gang tay để mọi người có thể nhìn thấy.

Người ngồi ung dung và uy nghiêm như một con sư tử chúa ngồi giữa bầy sư tử.

Người đưa mắt nhìn đại chúng một cách từ hòa.

Rồi cái nhìn của người dừng lại nơi Svastika và Rahula.

Bỗng nhiên, Bụt mỉm cười.

Người cất tiếng:– Hôm nay tôi muốn nói chuyện với đại chúng về việc chăn trâu, và thế nào là một em bé chăn trâu giỏi.

Một em bé chăn trâu giỏi là một em bé có thể dễ dàng nhận ra được trâu của mình, biết hình tướng của mỗi con, biết cách cọ xát tắm rửa cho trâu, biết thương yêu trâu, biết tìm bến tốt để cho trâu qua sông, biết tìm chỗ có cỏ non và nước uống cho trâu, biết bảo trì những vùng thả trâu và cuối cùng là biết để cho những con trâu lớn làm gương cho những con trâu nhỏ.Ngưng một lát, Bụt tiếp:– Này các vị khất sĩ! Một vị khất sĩ giỏi cũng phải làm tương tự như một em bé chăn trâu.

Nếu em bé chăn trâu biết nhận ra được trâu của mình, thì người xuất gia cũng phải biết nhận ra được những yếu tố tạo nên sắc thân của mình.

Nếu em bé chăn trâu biết được hình tướng của mỗi con trâu trong đàn trâu của mình, thì người xuất gia cũng phải thấy được những hành động nào của thân, của miệng, và của ý là những hành động đáng làm, và những hành động nào là những hành động không đáng làm.

Nếu một em bé chăn trâu biết cách cọ xát tắm rửa cho trâu, thì người xuất gia cũng phải biết buông xả và gột rửa khỏi thân tâm những tham dục, si mê và hờn oán…Trong khi Bụt nói những lời trên, mắt Bụt không rời Svastika, Svastika có cảm tưởng rằng chú là nguồn cảm hứng cho những lời mà Bụt đang nói.

Chú nhớ rằng ngày xưa chú đã được ngồi bên Bụt hàng giờ, và Bụt đã từng hỏi chuyện chú một cách tỉ mỉ về công việc chăn trâu và cắt cỏ.

Vốn là một vị hoàng thái tử xuất thân, làm sao Bụt có thể hiểu rõ như thế về nghề chăn trâu, nếu chính chú đã không kể hết những chuyện đó cho người nghe?Bụt vẫn nói.

Tiếng nói người vừa rõ vừa trong.Tuy người chỉ nói giọng bình thường, tiếng của người vẫn vọng ra rành mạch từng âm, không ai là không nghe thấy:– Nếu em bé chăn trâu biết chăm sóc các vết thương của trâu,thì người xuất gia cũng phải biết hộ trì sáu căn của mình là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, và để cho sáu đối tượng, tức là sáu trần không thể lung lạc được mình.Nếu em bé chăn trâu biết cách đốt khói un trâu để trâu khỏi bị muỗi đốt, thì người xuất gia cũng phải đem đạo lý giải thoát để dạy cho người chung quanh, để họ tránh được những khổ đau dằn vặt trong thân tâm họ.Nếu em bé chăn trâu biết tìm đường đi an toàn cho trâu, thì người xuất gia cũng phải biết tránh những con đường đưa tới danh lợi, sắc dục, quán rượu và hí trường.

Nếu em bé chăn trâu biết thương yêu trâu, thì người xuất gia cũng phải biết quý trọng những niềm an vui do thiền tập đưa tới.

Nếu em bé chăn trâu biết tìm bến tốt cho trâu qua sông, thì người xuất gia cũng phải biết nương vào diệu lý bốn sự thật để biết đến bến bờ.


Nếu em bé chăn trâu biết tìm chỗ có cỏ non và nước uống cho trâu, thì người xuất gia cũng phải biết rằng bốn lãnh vực quán niệm là mảnh đất tốt nhất để làm phát sinh giải thoát.

Nếu em bé chăn trâu biết bảo trì những vùng thả trâu, không tàn hại phá phách môi trường nuôi trâu, thì người xuất gia cũng phải cẩn thận và dè dặt trong việc tiếp xúc với quần chúng, và thu nhận của cúng dường.

Nếu em bé chăn trâu biết dùng những con trâu lớn làm gương cho những con trâu con, thì người xuất gia cũng phải biết nương vào đức hạnh và kinh nghiệm của các bậc thầy đi trước… Một vị khất sĩ biết làm đúng theo mười một điều vừa nói, thì có thể đạt đến quả vị A La hán trong vòng sáu năm tu học.Vị khất sĩ trẻ tuổi Svastika lấy làm kỳ lạ.

Những điều chú nói với Bụt cách đây mười năm, Bụt còn nhớ hết.

Người đã nhắc lại tất cả những chi tiết, và còn đem áp dụng vào việc tu học của người khất sĩ.

Tuy Bụt đang dạy giáo lý chung cho đại chúng, nhưng chú có cảm tưởng là Bụt đang dạy riêng cho một mình chú.

Chú nhìn đăm đăm vào mặt Bụt, hai mắt không rời khỏi người.Những lời Bụt dạy thật hàm súc.

Những danh từ như “sáu căn”, “sáu trần”, “bốn sự thật”, “bốn lãnh vực quán niệm”… mà Bụt đã sử dụng trong bài pháp thoại, Svastika chưa hiểu được tường tận.

Chú tự bảo là sẽ nhờ chú Rahula giảng giải cho.

Nhưng chú có cảm tưởng là dù sao chú cũng hiểu được khái quát những lời Bụt dạy.

Chú sẽ ôn lại những điều học hôm nay với chú Rahula.

Nhưng Bụt đã lại lên tiếng, người giải thích thêm về việc chọn con đường an toàn cho trâu đi.

Nếu con đường có quá nhiều gai góc, trâu có thể sẽ bị thương, và những vết thương có thể bị nhiễm độc.

Nếu em bé chăn trâu không biết cách trị thương cho trâu thì trâu có thể lên cơn sốt và lăn ra chết.

Sự tu học cũng giống như thế.

Không tìm chánh đạo mà đi thì sẽ bị mang thương tích trong thân thể và tâm hồn.

Những vết thương do các độc tố tham sân si làm cho ung thối sẽ có thể làm hư hỏng cả sự nghiệp giác ngộ.Bụt ngừng nói.

Người ra dấu cho Svastika lại gần người.

Svastika vâng lời, đến đứng chắp tay búp sen bên Bụt.

Bụt tươi cười giới thiệu chú với đại chúng.

Người nói:– Mười năm trước, tôi đã được gặp chú Svastika tại rừng Gaya, trước ngày thành đạo.

Chính chú Svastika đã cho tôi những nắm cỏ kusa để trải làm tọa cụ mà ngồi dưới gốc cây Bồ Đề.


Hồi đó chú mới mười một tuổi.

Những điều mà tôi biết về nghệ thuật chăn trâu là do chú dạy tôi hồi đó.

Tôi biết Svastika là một em bé chăn trâu giỏi.

Và tôi tin tưởng rằng vị khất sĩ Svastika hôm nay cũng sẽ là một vị khất sĩ giỏi trong ngày mai.Mọi con mắt đổ dồn về phía Svastika.

Chú biết là hai tai và hai má chú đang đỏ bừng.Mọi người chắp tay búp sen để chào chú.

Chú cúi đầu chắp tay đáp lễ.Bụt kết thúc buổi pháp thoại bằng cách yêu cầu chú Rahula lặp lại những phép quán niệm hơi thở.

Chú Rahula đứng dậy chắp tay.

Chú đọc rành mạch từng phép.

Giọng chú sang sảng như tiếng chuông đồng.

Đọc xong, chú lại chắp tay cung kính xá đại chúng.

Bụt đứng dậy.

Người trở về am tranh.

Đại chúng giải tán.

Mọi người thu xếp tọa cụ và trở về vị trí mình.

Tại tu viện Trúc Lâm không phải ai cũng cư trú trong các tịnh xá.

Có nhiều vị khất sĩ ngồi thiền và ngủ ngay dưới các bụi tre.

Chỉ khi nào trời mưa các vị mới xếp tọa cụ và tìm vào ẩn mưa ở các tăng xá hoặc ở giảng đường.Svastika được thầy Sariputta cho phép ở chung một liêu với chú Rahula.

Năm nay chú Rahula đã chững chạc rồi nên không còn phải ngủ chung một liêu với thầy y chỉ sư như những năm còn bé.

Svastika rất sung sướng được thân cận với Rahula.

Chú thầm cảm ơn vị y chỉ sư.


Thầy Sariputta hiểu chú không kém gì Bụt.

Hèn gì ai cũng nói thầy là học trò lớn của người.Chiều nay sau giờ thiền tọa, Svastika tập đi kinh hành một mình.

Chú chọn một con đường vắng trong tu viện để khỏi phải gặp nhiều người.

Trong lúc kinh hành, chú không được nhất tâm cho lắm, bởi vì chú đã bắt đầu cảm thấy nhớ nhà và nhớ các em.

Hình bóng con đường làng dẫn ra bờ sông hiện rõ trong trí.

Hình bóng của bé Bhima đang cúi mặt xuống gần như khóc.

Hình bóng của thằng Rupak một mình chăm sóc đàn trâu đông đảo của ông Rambhul.

Chú cố xua đuổi những hình ảnh ấy đi để chú tâm vào bước chân và hơi thở, nhưng thỉnh thoảng các hình bóng ấy lại lảng vảng về.Chú hơi giận chú là đã không hết lòng tu học, đã không xứng đáng với lòng tin cậy của Bụt.

Chú định bụng sau giờ thiền hành sẽ đi tìm chú Rahula để hỏi thêm về phương pháp nhiếp tâm.

Với lại còn có mấy điều Bụt dạy hồi trưa mà chú ghi nhận chưa được kỹ càng.

Rahula chắc chắn là có thể giúp chú.

Nghĩ đến Rahula, chú thấy vững tâm hơn và tự nhiên tâm trí chú trở nên định tĩnh.

Giờ đây chú có thể tập trung được tâm ý vào hơi thở và bước chân một cách dễ dàng hơn trong việc thực tập thiền hành.Svastika chưa kịp đi tìm Rahula thì Rahula đã tìm đến chú, Rahula kéo chú ngồi xuống bên một gốc tre.– Hồi xế trưa tôi có gặp thầy Ananda.

Thầy đã được nghe Bụt giới thiệu về chú và thầy muốn gặp chú để được nghe chú kể chuyện ngày xưa, hồi chú còn bé và chú đã được gặp Bụt như thế nào.– Thầy Ananda là ai vậy hả chú?– Thầy là một vị vương tử dòng họ Sakya, và là em chúbác của Bụt.

Thầy xuất gia đã bảy năm nay.

Thầy học giỏi lắm và rất được Bụt thương, thầy thường để tâm săn sóc đến sức khỏe của Bụt.

Hồi xế trưa thầy mời anh em mình chiều mai đến thảo am của thầy đàm đạo.

Tôi cũng rất muốn được nghe chú kể chuyện Bụt hồi người còn tu ở rừng Gaya.– Thế Bụt chưa kể cho chú nghe sao?– Có chứ, nhưng người chỉ kể sơ lược thôi.

Tôi tin chắc là chú có rất nhiều chuyện hay để kể lại.– Chuyện thì cũng không có gì nhiều đâu, nhưng nhớ được điều gì tôi sẽ kể lại điều ấy.

Này chú, thầy Ananda có dễ thương không? Tôi ngại quá.– Dễ thương lắm, và hiền lắm.

Tôi đã có nói sơ lược về chú và về gia đình chú cho thầy ấy nghe, thầy ấy tỏ vẻ ưa thích lắm.

Thôi nhé, chúng ta sẽ gặp lại nhau ngày mai vào giờ đi khất thực.

Tôi sẽ đi giặt y cho kịp khô.Rahula đứng dậy, Svastika kéo áo bạn:– Chú ngồi chơi thêm chút nữa, tôi có mấy điều muốn hỏi chú.Hồi sáng Bụt dạy rất rõ về mười một điều mà một vị khất sĩ cần phải làm theo.

Tôi đã không ghi nhớ hết mười một điều.

Vậy nhờ chú chỉ bảo lại tôi.– Hồi chiều tôi cũng có nhẩm lại mười một điều ấy nhưng tôi cũng chỉ nhớ được có chín điều.


Thôi thế này nhé, ngày mai gặp thầy Ananda chúng ta sẽ nhờ thầy nhắc lại.– Có chắc thầy Ananda nhớ được hết không?– Chắc chứ! Ai chứ thầy Ananda thì một trăm mười một điều thầy cũng nhớ được chứ đừng nói mười một điều.

Chú mới tới thành ra không biết thầy Ananda đấy thôi.

Thầy có một trí nhớ kinh khiếp lắm; ở đây không có người nào là không phục.

Những điều Bụt nói, thầy ấy có thể trùng tuyên lại vanh vách không sót một chi tiết nào.

Ai cũng xưng tụng thầy là “đệ nhất đa văn” đấy.

Hễ ai quên một điều gì Bụt đã dạy thì người ấy lại tìm đến thầy Ananda.

Ở đây lâu lâu đại chúng lại tổ chức một buổi học ôn lại và mời thầy trùng tuyên những bài dạy căn bản của Bụt.– Vậy thì chúng ta may mắn quá.

Chúng ta đợi đến chiều mai vậy.

À mà quên, tôi lại định hỏi chú: làm thế nào để nhiếp tâm trong khi đi kinh hành?– Chú muốn nói là khi đi kinh hành chú cứ nghĩ đến những chuyện khác phải không? Hẳn là chú nhớ tới các em chú ở nhà?Svastika nắm tay bạn:– Sao chú thông minh quá! Quả thật tôi có nghĩ đến các em ở nhà.

Chiều hôm nay sao tôi thấy nhớ nhà thế.

Tôi rất hối hận đã không nhất tâm với việc tu học.

Tôi cảm thấy xấu hổ với Bụt và với chú lắm.Rahula cười:– Chú đừng cảm thấy xấu hổ.

Hồi tôi mới đi theo Bụt tôi cũng nhớ mẹ, ông nội và bà dì của tôi lắm.

Có nhiều đêm tôi nằm úp mặt vào vách mà khóc một mình.

Tôi biết mẹ tôi, ông nội và bà dì tôi cũng nhớ tôi lắm.

Nhưng mà lâu ngày thì quen đi.Rahula kéo Svastika đứng dậy.

Chú ôm ngang hông Svastika một cách thân ái:– Các em chú dễ thương lắm.

Chú nhớ nhà là phải.

Nhưng rồi chú cũng sẽ quen đi như tôi.

Ở đây chúng ta có nhiều chuyện phải làm lắm.

Phải tu và phải học.

Có dịp tôi sẽ kể chuyện mẹ tôi, ông nội tôi và bà dì tôi cho chú nghe.

Chú có muốn nghe không?Svastika nắm chặt bàn tay của Rahula trong hai tay mình.

Chú gật đầu.Hai bạn chia tay.

Rahula đi giặt y.Svastika đi tìm chổi quét lá tre xung quanh các tịnh xá và gom lá tre lại thành từng đống..


— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.