Đường Chuyên

Chương 870: Thiên đường vị đạo



Trương Gián Chi ăn xong điểm tâm thì vào phòng ngủ, trên giường gỗ đơn sơ có một bộ áo dài màu xanh gấp chỉnh tề đặt đó, đây là bộ đồ hôm qua mẫu thân đã giặt giũ cẩn thận, các y phục khác có thể dùng chày đập, nhưng riêng bộ này thì lấy tay vò cẩn thận, bởi trong mắt bà, bộ y phục này cũng như nhi tử, đều là niềm kiêu ngạo của bà.

Thấy nhi tử mặc y bào, mẫu thân Trương Gián Chi ngồi xuống vuốt lại những nếp gấp cho phẳng. Hôm nay nhi tử tới hầu phủ làm khách, chúc tết tiên sinh, cần phải chỉnh tề một chút.

Nhìn nhi tử anh khí bừng bừng, lão phụ nhân thật không dám nghĩ mình cũng có ngày được nở mày nở mặt như này. Nhi tử ở trong thư viện theo các bậc đại nho học tập, rất nhiều nhà phú quý trong thành Trường An còn không được như vậy. Thế nhưng nhi tử của bà, một nhi tử của một ca kỹ lại có thể có được vinh hạnh lớn lao này. Một mặt vừa có thể an tâm dưỡng già, lại vừa có thể khiến cho đám phú thương nam thành vốn trước đây khinh thường nhi tử bà ngày trước phải ước ao đỏ mắt, nhất là nhà mà trước kia nhi tử bà làm ở đó, giờ gia chủ gặp nhi tử đều phải gọi một tiếng Trương thế huynh, nên nhớ xưng hô này trước đây chỉ để dành cho quan lại.

Tới làm khách Hầu gia là vinh quang, chỉ là lễ vật hơi ít ỏi một tí, chỉ là ma bố (vải gai) bà tự dệt lấy mà thôi. Có điều ma bố này là bà dùng tâm để dệt, dệt rất chặt, đầu sợi tiếp cũng ít, ai cũng nói là một tấm vải đẹp, nhưng không biết Hầu gia có coi trọng hay không. Trước đây khi bà còn làm ca kỹ, nhà phú quý nào tới mà chẳng lụa là đầy người?

- Con à, hay là con mang thêm chút điểm tâm?

Lão phụ nhân thấp thỏm hỏi nhi tử.

Trương Gián Chi mỉm cười, cầm tay thô ráp của mẫu thân nói:

- Mẫu thân, mẫu thân không biết, tài nghệ điểm tâm của tiên sinh trong thành Trường An, không, phải là toàn Đại Đường là đệ nhất. Học sinh đi gặp tiên sinh mang theo thủ tín, không phải đi khoe khoang, tiên sinh cũng nhìn trúng tâm ý, nếu như hài nhi mang toàn bộ gia sản mua lễ vật tới thì mới bị tiên sinh khinh thường. Ma bố của mẫu thân dệt rất vất vả, tiên sinh sẽ rất thích, đợi khi hài nhi về sẽ mang điểm tâm Vân phủ cho mẫu thân, thực sự rất ngon.

Lão phụ nhân cười mắng nhi tử:

- Nào có học sinh đi chúc tết tiên sinh còn mang đồ ăn về, không biết xấu hổ.

Trương Gián Chi nhìn sắc trời, ôm lấy ma bố rồi vừa đi vừa nói:

- Đấy là do các học trưởng bảo con, tới nhà tiên sinh nghìn vạn lần đừng khách khí, chỉ mong lần này bọn họ không lừa con nữa.

Vừa mới ra khỏi cửa, đã thấy xe ngựa đứng trước cửa nhà. Một tên mập nhô đầu ra gọi to:

- Gián Chi huynh, mau một chút, muộn tí nữa không kịp về Trường An đâu.

Trương Gián Chi đáp to rồi chạy ra ngoài, mẫu thân hắn cũng theo tới, khi thấy chiếc xe ngựa xa hoa này thì có chút ngây người, tên béo kia đã thi triển thân thủ mạnh mẽ nhảy xuống chào lão phụ nhân. Lão phụ nhân tay chân luống cuống vội vàng đỡ tên mập dậy, mắt thì đánh về phía nhi tử.

- Mẫu thân, đây là Lôi Đồng, bình thường con vẫn nói với mẫu thân đấy. Hài nhi và hắn đã hẹn nhau cùng tới Ngọc Sơn từ trước, hài nhi đi đây.

Nói xong thì cùng Lôi Đồng chui vào xe ngựa, mã phu quát một tiếng, chiếc xe xa hoa chạy vọt ra đi, rất nhanh đã chạy khỏi ngõ rẽ vào Chu Tước đại nhai.

Hoa gia nương tử buồn bực hỏi lão phụ nhân:

- Trương nương tử, vừa rồi người lên xe ngựa chính là Gián Chi?

- Đúng vậy, nó muốn đi Ngọc Sơn chúc tết tiên sinh, đồng song (bạn học) tới đón nó. Cũng không biết cơm canh Hầu gia ngon thế nào mà hai đứa không đợi được, ngươi xem bộ dạng cuống cuồng của chúng kìa.

Lão phụ nhân tràn đầy kiêu hãnh nói.

Có xe ngựa tới Ngọc Sơn cũng rất khoái, chỉ hơn một canh giờ sau đã đến Vân gia thôn trang. Lôi Đồng cho mã phu vài đồng để hắn tự đi ăn uống, còn mình mang theo hai lễ hạp (hộp quà) đi cùng với Trương Gián Chi bước vào Vân phủ.

Trong phủ đã đông vui náo nhiệt, rất nhiều học trưởng đã ngồi trong phòng khách uống trà đợi tiên sinh ra. Quản gia đăng ký lễ vật và kế toán đứng chờ ở cửa sương phòng cười híp mắt, thấy Lôi Đồng và Trương Gián Chi được phó dịch dẫn tới, nhị quản gia lão Triệu liền bước lên hành lễ, cảm tạ bọn họ đã đến Hầu gia chúc tết.

Lễ vật của Lôi Đồng không tầm thường, chính là một quyển cổ họa, mới chỉ nhìn tư thái của thớt ngựa trong bức họa đã chắc đến tám phần mười là chân tích của Triển Tử Kiền. Lão Triệu vốn là tay lão luyện sao có thể không nhìn ra, cẩn thận cuộn bức cổ họa rồi đặt lại hộp, nói với Lôi Đồng:

- Thiếu lang quân có lòng, nhưng tính tình tiên sinh ngươi cũng biết, tặng lễ vật thế này khó tránh khỏi ăn mắng, xin mời mau thu lại, đừng để tiên sinh thấy.

Lôi Đồng thấy quản gia thái độ kiên quyết, không thể làm gì khác hơn đành thu hồi họa trục, mang lễ hạp còn lại ra. Quản gia vừa mở thì liền vui vẻ, chỉ thấy bên trong chứa một búp bê đất to, dáng điệu thơ ngây, thì vui mừng thu lễ vật vào. Lôi Đồng thấy lễ vật mình chọn lựa cẩn thận được chủ nhân thích thì rất vui sướng.

Lão Triệu tiếp nhận tấm ma bố của Trương Gián Chi, lấy tay vuốt một lượt rồi giơ ngón tay cái nói:

- Thật là tốt, mặt vải trơn nhẵn, hầu như không có đầu ghép, dày mà mềm mại, lão nãi nãi vẫn muốn tìm một tấm ma bố tốt để làm áo lót cho hai vị tiểu thiếu gia, giờ thì có rồi. Trong nhà thiếu lang quân có xảo thủ như vậy thật là hiếm có.

Đăng ký xong danh mục quà tặng, Trương Gián Chi và Lôi Đồng cùng đi vào viện, dạo xong một vòng Hạ huynh, Dương huynh, Văn huynh... các loại thì cũng đã đến buổi trưa.

Lão Tiền sớm đã chuẩn bị xong yến hội, nói Hầu gia được bệ hạ lưu trong cung chưa ra được, cho nên sẽ do lão tiếp khách, chư vị và Hầu gia đều là sư đồ thân thiết cho nên cũng không lấy làm phiền lòng, cứ ăn cho khỏe, uống cho say, năm nay cố gắng học hành tốt hơn nữa.

Ai cũng biết tiên sinh là cận thần của thiên tử, nếu đã được lưu lại trong cung thì không thể trong một giờ nửa khắc là có thể về được, cho nên mọi người cứ thả ga chén thả phanh một bữa no đủ.

Trương Gián Chi cho rằng mình ăn uống rất không có phong độ, nhưng không ngờ Lôi Đồng bên cạnh còn không có phong độ hơn, trong tay đang cầm giò heo đã đánh mắt sang khúc cá to bên cạnh.

- Tiểu Lôi, nhà ngươi không thiếu thịt để ăn, sao ăn uống liều mạng như vậy?

Trương Gián Chi ngượng ngùng huých Lôi Đồng, Lôi Đồng còn không cả ngẩng đầu lên nói:

- Thịt nhà ta có thể ăn sao? Ngay cả so với cơm canh của thư viện cũng không bằng. Ta về nhà bảo đầu bếp làm hồng thiêu nhục(thịt kho tàu) cho ta, kết quả làm ra cái gì? Ta thấy thế liền rượt hắn chạy trối chết. Cha ta còn không tin cơm canh thư viện lại ngon hơn so với ở nhà nấu, nên khi nghỉ ta mang một phần hồng thiêu nhục về cho cha ta ăn thử, chưa kịp chớp mắt cha ta đã ăn xong rồi, còn nói thịt này mới là thịt, đầu bếp bị đuổi không oan. Ngươi nếm thử xem, đây mới là móng heo chính hiệu.

Nói xong liền vặt nửa cái móng heo đặt trước mặt Trương Gián Chi, đều là tiểu thiếu niên 15, 16 tuổi, với rất nhiều người, đây là lần đầu tiên tham gia buổi tiệc nhiều người đến vậy, dù lúc đầu còn có chút câu thúc, nhưng khi thấy có người mở đầu thì liền không chịu thua thiệt, bởi ở thư viện không phải chưa từng cướp đoạt đồ ăn, cho nên chỉ chốc lát sau đã cắm mặt ăn không còn nhìn thấy người khác.

Lão Tiền thích nhất thấy cảnh này, Vân Diệp nhìn thấy thì không nỡ, nhưng lão Tiền khăng khăng cho rằng, khách nhân ăn sảng khoái chính là cho gia chủ mặt mũi lớn nhất, cho thấy danh tiếng thức ăn ngon của Vân phủ không phải giả, lão Tiền cầm bầu rượu không ngừng đi tiếp, cười chẳng khác nào phật Di Lặc.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.