Lần đó hắn bỏ đi, trọn vẹn sáu ngày sau mới trở về.
Hắn từ trong lòng lấy ra một túi bạc vụn, trừ bỏ phần để dành lo thuốc thang cho mẹ còn lại đều đổ vào lòng bàn tay ta, hỏi ta đủ chưa.
Ta khi ấy hỏi ngược lại hắn: "Đủ để làm gì?"
Vẻ mặt còn mang nét ngây ngô của thiếu niên, hắn quả quyết đáp: "Cưới nàng."
Ta thoạt đầu sững sờ, rồi cố ý cười khinh miệt: "Cưới về rồi còn phải nuôi, huynh thấy đủ không?"
Thiệu Chu ngẩn người một lát, siết chặt chiếc túi rỗng, quay đầu đi ra sau vườn lặng lẽ giặt áo.
Mấy ngày hắn ra ngoài, đều mặc trường sam màu đen, nhìn không ra dơ bẩn.
Cho đến khi hắn thay ba chậu nước giặt, mặt nước vẫn còn loang lổ màu máu.
Ta đứng sau lưng hắn, bạc vụn cấn vào tay đến đau lòng, nhịn không được hỏi: "Thiệu Chu, huynh làm nghề g.i.ế.c người rồi sao?"
Cái lưng thẳng tắp của hắn bỗng cứng đờ, Thiệu Chu khựng tay lại, nói: "Không tính. Ta chỉ giúp người ta truyền tin tức, canh cửa trông chừng, không đích thân ra tay. Những thứ này là lúc bọn họ g.i.ế.c người, m.á.u b.ắ.n lên người ta."
Ta khi đó nào biết, hắn lúc ấy đã tiếp xúc với người của Vô Lượng Vệ rồi.
Ta hỏi hắn: "Như vậy thật sự tốt sao?"
Hắn hung hăng chà xát y phục: "Bọn họ cho tiền thưởng rất hào phóng. Có thể mua thuốc cho mẹ ta, còn có thể giúp đỡ nàng."
Hai đấu gạo tuy không nặng, nhưng cũng đủ đè gãy lưng người nghèo khổ.
Về sau, năm ta mười bảy tuổi, Thiệu Chu càng ngày càng hay ra ngoài.
Lúc bấy giờ, ba người mẹ của ta, có hai người đã trở thành thiếp của các vị quan lớn, rời khỏi lầu xanh.
Chỉ còn lại Yến Ca mắt kém, cùng ta nương tựa vào nhau mà sống.
Ta vẫn gọi ba người mẹ theo thứ tự tuổi tác: Mẹ cả, mẹ hai, mẹ ba.
Người còn lại là mẹ hai, thổi sáo rất hay, âm thanh ngọt ngào như tiếng chim yến, vì thế tú bà đã đặt cho bà cái tên "Yến Ca."
Người ta vẫn nói "gái lầu xanh vô tình, kép hát vô nghĩa", vậy mà mẹ hai của ta lại phạm vào điều cấm kỵ.
Bà vì một nam tử mà động chân tình, lại còn giữ lòng chung thủy, lạnh lùng từ chối không biết bao nhiêu khách làng chơi, nên mới lưu lạc đến tận bây giờ.
Mẹ cả và mẹ ba những ngày tháng làm thiếp cho người ta cũng không dễ chịu gì. Qua vài năm, tuổi già sắc tàn, nhan sắc phai nhạt thì tình yêu cũng vơi dần, chẳng qua là tranh thủ lúc còn có thể lấy lòng gia chủ, tích cóp thêm chút tiền dưỡng lão mà thôi.
Tuy nhiên, mặc dù miệng luôn mắng chửi mẹ hai si ngốc, nhưng hai người họ vẫn thường xuyên giúp đỡ chúng ta, lại còn khuyến khích người trong lòng mẹ hai thường xuyên đến thăm bà.
Người trong lòng bà, là một vị quan nhàn tản ở bộ Hộ, họ Trương, tuổi cũng đã cao, thường đến nghe khúc uống trà.
Ta thương mẹ hai một lòng si tình, bèn đánh liều đến cầu xin vị Trương đại nhân kia: "Trương gia gia, nghĩa mẫu của con bao nhiêu năm chỉ vì ngài mà thổi sáo, ai đến cũng không động lòng, huống chi năm xưa ngài đi thi, cũng từng nhận sự giúp đỡ của người. Chỉ xin ngài chuộc thân cho người, để người làm thiếp thất, cũng coi như thành toàn cho tấm chân tình này..."
Trương đại nhân thong thả uống trà, dưới hàng lông mày hoa râm, đôi mắt nheo thành một đường chỉ, nhìn ta từ trên xuống dưới: "Không phải lão phu không muốn, chỉ là con trai ta vừa mới thi đỗ cử nhân, được phong quan trước điện, ta già rồi, sao có thể gây ra chuyện thất đức bại hoại gia phong, để ngự sử dâng tấu hạch tội nó chứ?"
Lời này nói nghe hay đấy, kỳ thực chính là nói cho ta biết, bảo mẹ hai cả đời này đừng mơ tưởng nữa.
Ta nhịn không được sa sầm mặt, đem ấm trà nặng nề đặt lên bàn.
"Năm đó Trương gia gia bảo nghĩa mẫu của con chờ ngài, bản thân cũng chỉ là một thư sinh đi thi. Về sau thì sao? Đỗ đạt rồi, lại bảo nghĩa mẫu chờ ngài đứng vững gót chân rồi hãy nói, đứng mãi đến khi con trai ngài cũng đỗ đạt rồi. Sao ngài không nói rõ sớm một chút, để người dứt khoát đoạn tuyệt ý niệm chứ?"
Nói càng nhiều, ta càng thấy cay mũi.
Chỉ có chân tình mới bị phụ bạc, những kẻ giả dối này, vĩnh viễn sẽ không bị tổn thương.
Nước mắt trào ra, hốc mắt đau nhức, ta thật sự thấy uất ức thay mẹ hai: "Trương gia gia, mỗi lần đến ngài đều nói, chỉ có Yến Ca chân thành với ngài, ngài đã biết người chân thành, thì đừng nên vừa dỗ vừa lừa kéo dài người bao nhiêu năm nay! Xuất thân như chúng ta, có thể trì hoãn bao nhiêu năm? Ngài dù cho có coi chúng ta là người—"
"Ngươi cũng biết xuất thân của ngươi là gì sao!"
Bị một nha hoàn bưng trà rót nước ở thanh lâu như ta chất vấn, Trương đại nhân cũng không còn vẻ nho nhã ngày thường, ngồi thẳng dậy, chỉ vào mũi ta, trừng mắt.
"Lão phu hiện giờ dù có thật sự nạp thiếp, cũng phải nạp một cô nương trong sạch, thanh bạch!"
Ông ta đứng dậy, vừa chửi rủa vừa đi ra ngoài: "Phì! Cái gì mà Yến Ca Yến Vũ! Bao nhiêu tuổi rồi, còn mặt mũi gọi cái tên này? Nên chết sớm đi cho rồi!"
Lệ trào khóe mi, ta buông tay xuống, lỡ tay làm đổ ấm trà.
Nước nóng bỏng rát dội lên mu bàn tay, vậy mà chẳng đau bằng nỗi xót xa trong lòng.
Thế nào mới gọi là trong sạch?
Thế nào mới gọi là thanh khiết?
Thế nào mới gọi là khuê nữ đoan trang?
Tấm chân tình của mẹ hai ta, một lòng một dạ hướng về người, chẳng cầu mong điều chi, lẽ nào lại không bằng cái gọi là trinh tiết kia sao?
Hồng nhan nơi lầu xanh, kẻ vì cha mẹ bần hàn, người bị lũ buôn người đày đọa, nào có ai cam tâm tình nguyện mà vui cười mua bán nhan sắc?