Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 107: chiến dịch salzburg (4)









Salzburg. Hohensalzburg thành bảo.



Hohensalzburg trong tiếng Đức có nghĩa là ‘Salzburg cao’ (High Salzburg). Hohensalzburg thành bảo (Hohensalzburg Castle) nằm trên đỉnh Festungsberg, với chiều dài 250 mét và chiều rộng 150 mét, là một trong những thành bảo lớn nhất Âu châu thời Trung Cổ (đến nay vẫn còn di tích ở Salzburg, Áo; năm 1977, nhân kỷ niệm 900 năm Hohensalzburg, Áo có phát hành đồng tiền xu in hình Hohensalzburg thành bảo). Ngay cả Tử Cấm Thành Bắc Kinh cũng chỉ dài 961 mét, rộng 753 mét, trong khi Salzburg chỉ là một lĩnh địa nhỏ phụ thuộc vào đại lĩnh địa Bavaria thuộc Đế quốc La – Đức (tính ra Salzburg chỉ tương đương châu phủ ở Trung Hoa, dưới cả cấp tỉnh), bởi vậy mà Hohensalzburg thành bảo có diện tích như thế đã là rất rộng lớn. Đây cũng chính là nơi đóng trụ sở của chính quyền lĩnh địa Salzburg, là nơi ở của các quan chức quý tộc Salzburg và quý tộc tướng lĩnh do Bavaria phái đến, đồng thời cũng là nơi cố thủ cuối cùng của bọn họ. Bên ngoài, đại quân đối phương tràn ngập khắp nơi. Vì vậy mà liên quân Áo – Bohemia đã rút về đây cố thủ chờ viện binh. Đạo quân Bavaria đã bị đánh bại, đầu hàng mất rồi, nên giờ đây liên quân Áo – Bavaria – Bohemia thiếu mất quân đội Bavaria.



Liên quân Áo - Bohemia có 3 vạn người, chỉ là đạo tiên phong, có nhiệm vụ làm chậm bước tiến của đối phương, để các vị Công tước có thời gian chinh binh. Tất cả mọi người, không ai dám tin rằng chỉ sử dụng vài vạn quân có thể chống nổi liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento. Ngay cả tạm thời ngăn chặn cũng không thể nào ! Các vị Công tước chỉ hy vọng đạo tiên phong có thể làm chậm bước tiến của đối phương mà thôi.



Trong Hohensalzburg thành bảo, những người lĩnh đạo liên quân gồm quý tộc, quan chức, tướng lĩnh, Hiệp sĩ thủ lĩnh, … đã hội họp bàn bạc kế sách. Nhiệm vụ của bọn họ là làm chậm bước tiến của đối phương. Nhưng trước tình hình hiện tại, bọn họ đã bị buộc phải cố thủ ở đây, đối phương chỉ cần để lại vài vạn quân bao vây thành bảo, rồi vẫn có thể tiếp tục tiến quân. Đó là chưa nói đến việc đối phương đại cử tấn công, bọn họ cũng không tin rằng có thể cố thủ thành công. Nếu thế thì nhiệm vụ của bọn họ xem như đã thất bại rồi. Nghĩ đến tính cách tàn bạo, nóng giận thất thường của Công tước Ernest de Autriche Intérre, Hầu tước Kultur de Klagenfurt chỉ huy đạo quân Áo không khỏi rùng mình lo lắng nói :



- Chúng ta phải làm sao để buộc địch quân tạm hoãn công thành. Mọi người có chủ ý gì không ?



Công tước Ernest de Autriche Intérre (tiếng Đức : Ernst der Eiserne, tức Ernest xứ Nội Áo) là nhiếp chính cho Công tước Albert IV de Habsbourg của công quốc Áo (lúc này đã 20 tuổi). Công quốc Áo bấy giờ bao gồm các lĩnh địa Autriche (tức Austria hay Áo), Styria, Carinthia, Carniola và Tyrol; trong đó các xứ Styria, Carinthia và Carniola gọi chung là Nội Áo. Các lĩnh địa của Công tước Ernest de Autriche Intérre chiếm đến hơn một nửa lĩnh thổ của công quốc Áo, do đó mà Công tước Ernest de Autriche Intérre quyền khuynh cả nước, vẫn giữ quyền nhiếp chính mặc dù Công tước Albert IV de Habsbourg đã lớn.



Lo lắng của Hầu tước Kultur de Klagenfurt cũng là lo lắng chung của mọi người, bởi một khi thành bảo thất thủ thì số phận những người ở đây đều như nhau cả, không tử trận cũng sẽ trở thành tù binh. Bá tước Bände de München của quân Bohemia nói :




- Ta nghĩ ... chúng ta nên phái những tiểu đội cảm tử đi quấy nhiễu địch quân, đốt phá doanh trại, chặn đường cướp lương chẳng hạn !



Bá tước Geschichte de Regensbg thuộc Bavaria tán thành :



- Phải đó. Địch quân quá đông, mỗi ngày tiêu hao rất nhiều lương thực. Chỉ cần chúng ta cắt đứt, à không, chỉ cần phá hoại đường vận lương của địch quân, khiến địch quân thiếu lương, sẽ không còn khả năng công thành nữa.



Hầu tước Kultur de Klagenfurt khen phải nói :



- Đúng. Chúng ta chỉ cần phái các tiểu đội cảm tử xuất thành, đối chúng ta không ảnh hưởng nhiều đến khả năng thủ thành, nhưng lại gây khó khăn cho địch quân, thật là phương pháp hay.



Bá tước Geschichte de Regensbg nói thêm :



- Chỉ cần nửa tháng, chỉ cần nửa tháng thôi thì viện quân sẽ đến.



Bá tước Bände de München lại nói :



- Ta còn có ý này ... không biết ...



Mọi người chụm đầu lại, nghe Bá tước Bände de München thì thầm một hồi, rồi Hầu tước Kultur de Klagenfurt vỗ bàn nói :



- Hay. Cứ làm như thế.



Những người khác cũng đồng thanh tán thành. Tiếp đó, mọi người lập tức trở về nơi đóng quân, khẩn trương tuyển mộ cảm tử quân để thi hành kế hoạch.







Doanh trại của liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento. Soái trướng.



Đinh An Bình nghe viên tùy tướng của mình là Lý Tuấn Thuần bẩm báo xong, ngạc nhiên nói :



- Bị cướp lương ? Có kẻ dám chặn đường cướp lương ?




Lý Tuấn Thuần cung kính đáp :



- Vâng ạ. Chỉ trong một ngày đã xảy ra liên tiếp ba vụ.



George I de Trento lo lắng hỏi :



- Có thiệt hại gì không ?



Lý Tuấn Thuần nói :



- Đại vương rất coi trọng lương thảo, phái đại quân hộ lương, làm sao xảy ra chuyện được. Hơn nữa, đối phương mỗi nhóm chỉ có vài trăm người, tiểu đả tiểu náo thì được, đối diện 1 vạn quân tinh nhuệ, trong đó có đến 3.000 kỵ binh, thì còn làm nên việc gì !



Đinh An Bình nói :



- Xem ra đối phương định quấy nhiễu quân ta, để quân ta không còn rảnh rang công thành đây mà. Thật ra thì bọn chúng không làm thế, bản vương cũng chưa có ý định công thành lúc này.



George I de Trento hỏi :



- Đại vương cho rằng do quân Áo làm ?



Đinh An Bình nói :



- Đương nhiên. Bọn chúng không tự tin có thể cố thủ thành công, nên bày ra trò này đây mà.



Lý Tuấn Thuần lại nói :



- Khải bẩm đại vương. Địch quân sau khi cướp lương thất bại, bị truy sát, không chạy về phía Salzburg mà chạy về phía nam. Kỵ binh của quân ta đuổi đến biên giới với Venice rồi thôi. Chưa có lệnh của đại vương, kỵ binh không dám tiến vào Venice.



Đinh An Bình hỏi :




- Bọn chúng chạy vào bên trong lĩnh thổ Venice ?



Lý Tuấn Thuần đáp :



- Vâng ạ. Địch quân có 3 đội thì 1 đội bị tiêu diệt hoàn toàn, còn lại tàn binh của 2 đội kia chạy thoát được vào lĩnh thổ Venice.



Đinh An Bình hai mắt sáng lên, đột nhiên vỗ bàn, ra vẻ tức giận nói :



- Bọn Venice này thật to gan mà. Bản vương đã định tha cho bọn chúng. Nào ngờ bọn chúng còn dám cấu kết với quân Áo, cướp lương của quân ta. Thật là đáng chết !



George I de Trento ngạc nhiên hỏi :



- Đại vương cho rằng Venice và Áo có cấu kết ?



Đinh An Bình nhìn lão, mỉm cười nói :



- Bọn chúng thật sự có cấu kết hay không thì không quan trọng, miễn là có chứng cứ chứng minh bọn chúng có cấu kết là được rồi.



Đinh An Bình còn không nói thêm câu nữa : “Chỉ cần bản vương bảo có cấu kết tức là có cấu kết, còn chứng cứ, muốn có bao nhiêu mà chẳng được”. Thời buổi này, phần đúng luôn luôn nằm trong tay kẻ mạnh hơn. Giống như các trận quyết đấu giữa các Hiệp sĩ ở thời này, bất kể ai đúng ai sai, sau khi quyết đấu xong, phần đúng luôn luôn thuộc về kẻ thắng. Đó cũng là một trong những ảnh hưởng của phong khí Hiệp sĩ thời Trung cổ.



George I de Trento nghe nói, gật gù tỏ ý hiểu. Lão dù sao cũng là một Giám mục, từng đi nhiều nơi truyền giáo, tiếp xúc với nhiều hạng người, kiến thức không hạn hẹp như những quý tộc bình thường. Đinh An Bình lại bảo :



- Ngươi thông tri cho phía Venice biết, hạn trong ba ngày phải giao nộp nghịch tặc và tuyên bố tuyệt giao với Đế quốc La – Đức. Nếu không, bản vương sẽ phái quân vào Venice bắt giặc. Lời lẽ phải thật cứng rắn.



George I de Trento vâng dạ, lập tức đi lo việc tiếp xúc với phía Venice. Lão biết Đinh An Bình cần có cớ để phái quân tiến vào Venice, nên cần phải tiến hành các động tác cần thiết để giành phần phải về phía mình, ít ra cũng trên danh nghĩa. Bản thân George I de Trento cũng không ưa gì Venice. Lĩnh địa Trento nằm ngay bên cạnh nước cộng hòa Venice, có ba mặt bị Venice bao bọc, chỉ có phía bắc giáp với Tyrol. Hai nơi lại thuộc về hai chính thể khác nhau : Trento – phong kiến giáo quyền và Venice – cộng hòa nghị viện. Venice lại luôn tìm cách thôn tính Trento giống như Áo vậy. Venice lại là cường quốc hải quân ở Âu châu (trước khi Thần Thánh Đế quốc đến đây), nên người Venice rất kiêu ngạo, bình thường chẳng xem người Trento vào đâu, còn khó ưa hơn cả Áo. Do đó, sớm giải quyết Venice thì cũng như giúp Trento giải quyết một mối tâm phúc đại họa. Còn việc Venice bị sát nhập vào Latium, Latium còn hùng mạnh hơn Venice nhiều, George I lại không sợ. Thứ nhất, Latium bản thân đã rất hùng mạnh, có hay không có thêm Venice cũng vậy. Thứ hai, George I de Trento và Long nhi rất thân thiết, từng cùng nhau đi đến Gia Định kia mà. Thứ ba, và quan trọng nhất, George I de Trento đã từng đi đến Gia Định, là vị quân chủ Âu châu đầu tiên đến Gia Định, và địa vị đã được Giang Phong công nhận. George I de Trento tin rằng chỉ cần thân cận Thần Thánh Đế quốc, thân cận bọn Đinh An Bình, địa vị của mình sẽ vững như bàn thạch. Lão còn cảm thấy cư xử với Đinh An Bình, với Thần Thánh Đế quốc còn dễ chịu hơn với Hoàng đế và các Công tước của Đế quốc La – Đức (vốn có hiềm khích với giáo hội).


— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.