Đợi Người Nói Yêu Tôi

Chương 3



Ngày đó, sau khi ăn trưa xong, Nhậm Kha đi dạo công viên với ông nội Nhậm, tình cờ gặp vài người bạn cờ của ông, thế là ông cụ nhất thời muốn chơi vài ván giết thời gian. Nhậm Kha chẳng có việc gì làm bèn vừa xem mấy ông cụ đánh cờ vừa tiện tay làm kiểm tra thính lực đơn giản cho những người đang rảnh.

Ông nội Nhậm rất hưởng thụ ánh mắt hâm mộ của mấy người bạn thân, nghe họ thật lòng khen ngợi cháu gái nhà mình vừa xinh đẹp vừa giỏi giang mà vui tươi hớn hở thể hiện rõ ra mặt.

Nhậm Kha nhìn gương mặt vui vẻ như đứa con nít của ông nội nhà mình, chỉ biết bất lực thở dài.

Thẹn thùng ấy hả?

Không có đâu.

Cứ hai tháng một lần sẽ diễn ra một cuộc đối thoại thế này, Nhậm Kha có thể đọc làu làu ra câu tiếp theo mà những người bạn của ông nội sẽ nói tiếp theo.

Ví dụ như ông Bạch mà cô đang kiểm tra thính lực cho này vậy, cứ luôn hỏi cô trước một câu thế này: “Kha Kha à, công việc ở bệnh viện có bận rộn không?”

“Vẫn ổn ạ.” Nhậm Kha luôn trả lời như vậy: “Cháu thích nghi được.”

Tiếp sau đó, ông Bạch sẽ nói: “Thích nghi được là tốt, thanh niên trẻ trung hăng hái là chuyện tốt đó!”

Nhưng Nhậm Kha không ngờ hôm nay ông Bạch lại không nói những lời thường ngày như trước.

Sau khi Nhậm Kha trả lời ông rằng mình có thể thích nghi, đột nhiên ông hỏi cô: “Năm nay Kha Kha bao tuổi rồi? Có bạn trai chưa?”

Câu hỏi thay đổi đột ngột một cách thần kỳ khác với cuộc hội thoại mọi khi của ông Bạch khiến Nhậm Kha ngơ cả ra, mãi mới cất tiếng đáp: “Chưa ạ.”

Vừa dứt lời, hai mắt của bà Bạch ngồi bên cạnh ông Bạch lập tức sáng rực lên: “Ai dô, con gái thì phải tính toán từ sớm chứ!”

Nói rồi không chờ Nhậm Kha trả lời, bà ấy quay đầu nhìn về phía ông Nhậm và tiếp tục nói: “Thằng cháu nhà tôi mới từ Anh về tháng trước, từ ngoại hình đến tính cách đều tốt cả, bọn chúng đều là thanh niên đi du học về chắc chắn sẽ có nhiều chủ đề chung. Lão Nhậm à, hay là dành chút thời gian cho hai đứa nhỏ gặp nhau thử xem?”

Nhậm Kha: “…”

Đây là giới thiệu xem mắt trong truyền thuyết đây sao?

Nhậm Kha thầm thấy buồn cười nhưng cô chưa kịp đáp thì ông nội đã từ chối thay cô.

“Kha Kha nhà tôi còn nhỏ mà, không vội.” Ông nội Nhậm đùng một tiếng, một con cờ hạ xuống bàn cờ: “Chiếu tướng!”

“Nhỏ gì chứ!” Bà Bạch khuyên răn hết sức: “Con gái chỉ có vài năm này là thời gian tốt nhất thôi, không chờ được đâu! Chờ lâu là thành bà cô già đấy…”

Bà ấy còn chưa dứt câu đã bị ông nội Nhậm trừng mắt cắt ngang: “Bà nói thế tôi không thích nghe đâu! Kha Kha nhà tôi không lo chuyện cưới xin! Con bé muốn yêu thì yêu, không muốn thì không muốn! Cháu gái tôi thì tôi nuôi, có ăn cơm nhà bà đâu?”

Nói xong ông mặc kệ người bên cạnh khuyên can, thở phì phì đứng dậy kéo Nhậm Kha về thẳng nhà.

Hai người đã đi rồi nhưng Nhậm Kha vẫn còn nghe tiếng bất bình của bà Bạch và tiếng ông Bạch trách bà ấy nóng vội.

Nhậm Kha cười cười, chớp mắt đã quên béng chuyện này.

Nhưng những lời ông nội bảo vệ cô, từng câu từng chữ, tất cả cô đều ghi nhớ trong lòng.

Ừm, tôi ăn cơm nhà ông nội, chỉ nghe lời ông nội thôi là được rồi.

Hai ông cháu ăn cơm tối xong, trước sự thúc giục của ông nội Nhậm, Nhậm Kha chuẩn bị lái xe quay về.

Ông nội Nhậm một mực tiễn cô tới cửa, thấy Nhậm Kha cứ đứng ngoài không chịu đi bèn cười bảo: “Được rồi mà, ông không xuống đâu, cháu tự xuống đi nhé.”

Nhậm Kha mỉm cười đáp “vâng”, xách theo cặp lồng đựng thịt viên đầy ắp mà ông nội đưa cho xoay người định đi.

“Kha Kha.”

Giọng ông nội Nhậm chợt vang lên làm đèn tự động theo âm thanh trong hành lang sáng lên.

“Dạ?” Nhậm Kha dừng bước ở bậc thang thứ hai, quay đầu hỏi: “Sao vậy ông?”

“Đừng làm khó mình nhé Kha Kha.” Ông nội Nhậm thương yêu nhìn cháu gái: “Tâm nguyện lớn nhất của ông và bà nội đó là mong cháu khỏe mạnh vui vẻ. Nhớ chứ?”

Cảm xúc cay xè trong mắt lập tức trào lên, Nhậm Kha nhanh chóng chớp mắt vài cái mới kìm được cảm giác muốn khóc.

“Vâng!” Cô gật mạnh đầu: “Cháu nhớ! Ông mau về đi, ông nội, nghỉ ngơi sớm đi đó.”

Gần tám giờ mười phút, Nhậm Kha mới tới bên ngoài căn hộ mình. Lúc đi ngang qua siêu thị, cô đã dừng xe mua vài túi bánh mỳ sandwich cho cả tuần, thành ra thời gian về nhà tối nay muộn hơn bình thường 20 phút.

Vừa bước vào thang máy thì điện thoại nhận được cuộc gọi từ ông nội.

“Ông nội ạ?”

“Kha Kha, cháu ở đâu vậy?” Giọng ông nội Nhậm có phần cuống quýt: “Về đến nhà chưa?”

“Vừa vào thang máy ạ.” Nhậm Kha ngẩng đầu nhìn màn hình nhảy số tầng: “Cháu đi ngang siêu thị nên ghé mua ít đồ.”

“Vậy à.” Ông nội đã yên tâm hơn: “Không sao là tốt rồi.”

Nhậm Kha híp mắt cười cười, thấy số tầng ngày càng chuyển động cao hơn, khi thang máy sắp đến tầng của cô, trong điện thoại lại vang lên tiếng ông nội.

Trong không gian kín mít ấy, giọng nói quen thuộc chậm rãi và rõ ràng truyền vào tai Nhậm Kha, sau đó trên vách thang máy bóng loáng phản chiếu khuôn mặt trắng nõn của cô gái, sau vài giây trố mắt, vẻ mặt cô trở nên ngạc nhiên: “Dạ?”

Giây tiếp theo, cửa thang máy mở ra.

Một tay cô cầm điện thoại đứng dưới chùm ánh sáng bên trong hướng mắt nhìn người đàn ông đang cong chân, cúi đầu ngồi dưới chùm ánh sáng bên ngoài trước cửa nhà mình.

Bên tai là tiếng hối thúc của ông nội: “Kha Kha? Đẳng Đẳng quên mang chìa khóa nên không vào nhà được, chừng nào về nhà cháu tìm chìa khóa dự phòng của thằng bé bên chỗ mình cho nó nhé, có nghe không?”

Đẳng Đẳng, không nghe tiếng Nhậm Kha đáp lại, ông nội Nhậm lặp lại lần nữa: “Kha Kha? Cháu có nghe không?”

Nhậm Kha chớp mắt mấy cái, hoàn hồn nói: “Cháu thấy anh ấy rồi, ông yên tâm, ngủ sớm đi ạ.”

Sau khi cúp máy, Nhậm Kha sải bước đi ra ngoài, cửa thang máy sau lưng phát ra tiếng đóng lại, tất cả ánh sáng cùng nhau biến mất.

Nhậm Kha chờ giây lát, chủ động phá vỡ sự yên tĩnh: “Còn sống hay chết rồi vậy, kêu một tiếng xem nào.”

“Ha.” Người đàn ông cười khẽ, âm thanh vang lên từ góc tối.

Nghe qua tiếng cười có vẻ như vị trí của anh không thay đổi mà vẫn ngồi ngay trước cửa nhà cô.

Sự yên tĩnh lại lan tràn một lần nữa, chỉ là lần này Trình Đẳng lên tiếng trước.

“A Kha.”

Hình như đây là lần đầu tiên Trình Đẳng gọi tên cô sau khi Nhậm Kha về nước.

Trong một năm này, hai người rất ít khi gặp nhau, dù có gặp nhau thì ở trước mặt người khác anh sẽ vừa khách sáo vừa không thân thiết gọi cô là “bác sĩ Nhậm”, lúc không có người khác anh cũng sẽ không mở miệng gọi tên cô.

“A Kha.”

Anh gọi tên cô lần nữa, trong giọng nói đã nhuốm chút run rẩy khó phát hiện.

“Cuối cùng, cậu cũng về rồi.”

A Kha, A Kha của anh.

Cuối cùng, em cũng về rồi.

__

Trình Đẳng bị sốt.

Đây là phản ứng đầu tiên sau khi Nhậm Kha chạm phải đầu ngón tay nóng hôi hổi của anh.

Cô chỉ hoảng hốt nửa giây, nhưng tay chân đã hành động trước não bộ.

Nhậm Kha rụt tay lại, nắm chặt chiếc chìa khóa dự phòng mà cô vốn chuẩn bị đưa cho Trình Đẳng.

“Cậu đang sốt đó.” Cô nói một cách chắc nịch.

Trình Đẳng không mấy ngạc nhiên, chỉ hơi mệt nhọc giải thích: “Không sao, tớ ngủ một giấc là ổn rồi.”

“Bị sốt thế này sẽ tổn thương rất lớn đến sức khỏe của cậu.” Nhậm Kha không dễ gì mà bỏ qua: “Nếu cứ phớt lờ không quan tâm đến, đúng rồi… Cũng sẽ không tốt cho tai cậu nữa.”

Lần này Trình Đẳng không phản bác ngay nữa, song anh vẫn kiên trì: “Thật sự không sao mà, tớ ra mồ hôi chút là được rồi.”

Dứt lời, trước khi Nhậm Kha mở miệng lần nữa anh đã nói trước: “Tớ rất mệt, muốn ngủ.”

Một tháng qua, Trình Đẳng vẫn luôn ở quay phim không ngừng nghỉ ở đoàn, mãi đến ba ngày trước mới bay sang Mỹ tham dự một buổi lễ trao thưởng, trên đường về có đi ngang thành phố B nên mới miễn cưỡng được nghỉ ngơi hai ba ngày, theo kế hoạch thì trước tối mai anh sẽ về đoàn tiếp tục quay phim.

Anh biết cơ thể mình không thoải mái, thậm chí là đang sốt nhưng bây giờ anh gần như không có tinh lực dư thừa để để ý đến nó.

Anh buồn ngủ, chỉ muốn ngủ mà thôi.

Đương nhiên Nhậm Kha có thể nhận thấy sự mệt mỏi của Trình Đẳng, nhưng anh…

“Cậu luôn như vậy sao?”

Khi thấy Trình Đẳng rút chìa khóa từ tay mình và xoay người định đi, Nhậm Kha bật thốt lên: “Cứ luôn không thương xót bản thân mình như thế sao?”

Tiếng nói vang lên, không gian tĩnh lặng.

Trong một tích tắc, Nhậm Kha không chớp mắt nhìn bóng lưng gầy gò của người trước mặt, vài lần cô hé miệng nhưng không phát ra được câu nào.

Nói cái gì đây?

Cô có thể nói gì được?

Mà điều khiến Nhậm Kha không ngờ đến là câu chất vấn không chút tư cách cuối cùng của đêm đó lại là âm thanh cuối cùng giữa hai người.

Khi Trình Đẳng đột ngột ngất xỉu trước mặt mình, cô theo bản năng nâng tay đỡ lấy cơ thể gầy yếu của anh, đầu óc thoáng chốc trở nên trống rỗng.

Sau đó cô phải cứng rắn dựa vào tố chất tâm lý nghề y nhiều năm nay của mình mới khiến bản thân không quá luống cuống chân tay.

Nhưng lúc Nhậm Kha đã dìu Trình Đẳng lên giường của mình, đút thuốc và đắp chăn cho anh xong xuôi, cô nhìn hai bàn tay đang run rẩy của mình. Cuối cùng không thể không thừa nhận vào khoảnh khắc anh ngất xỉu ấy, cô thực sự sợ hãi.

Cô rất rất sợ.

Sợ bản thân vốn dĩ là một bác sĩ nhưng ngay cả những bước hộ lý cơ bản nhất cho bệnh nhân cũng quên sạch sành sanh.

Nhậm Kha liên tục hít thở sâu, muốn đưa tay phải nắm chặt tay trái để dừng cơn run ấy lại nhưng chẳng có tác dụng gì, thậm chí là cả người cô cũng đang run lên.

Thoáng chốc một giọt nước mắt chợt thình lình rơi xuống mu bàn tay để bên ngoài chăn của Trình Đẳng. Giây tiếp theo, bàn tay thon dài với khớp xương rõ ràng kia bỗng nhiên nắm chặt bàn tay đang run rẩy không ngừng của Nhậm Kha.

Nhiệt độ lòng bàn tay anh nóng vô cùng, khiến người ta lo lắng nhưng cũng khiến họ an tâm hơn.

Dường như là sự ăn ý ẩn nấp trong xương máu vậy, cơn hốt hoảng trong lòng dịu đi từng chút từng chút.

Nhậm Kha không còn run rẩy nữa.

Cô im lặng trầm mặc ngồi bên mép giường, mắt tuy đỏ hoe nhưng cũng không khóc nữa.

Cô cứ vậy mà ngắm nhìn người đàn ông ngủ say trên giường không chớp mắt suốt cả đêm.

__

Hôm sau, khi Trình Đẳng tỉnh giấc cũng đã gần giữa trưa.

Cả người anh toàn mồ hôi, mặc dù vẫn còn hơi yếu nhưng đã hạ sốt.

Nhậm Kha không ở nhà, trên đầu giường có để lại cho anh một tờ ghi chú và cả một hộp thuốc.

Trình Đẳng vén chăn xuống giường, cầm tờ ghi chú và hộp thuốc trong tay đi đến phòng bếp ăn bữa sáng mà Nhậm Kha để lại cho anh. Sau khi rửa chén đũa sạch sẽ và đặt về chỗ cũ, anh lại kiểm tra khắp nơi một lần rồi mới khóa cửa rời đi.

Anh về nhà của mình, tắm rửa thay quần áo, uống thuốc và đi ngủ, đánh một giấc liền đến bốn giờ chiều.

Đinh Thành gọi tới.

“Cậu còn ngủ à? Chúng ta nên về đoàn phim rồi.”

“Có thể nghỉ thêm một ngày không?” Trình Đẳng mệt mỏi dựa lên thành giường.

Vừa nghe giọng anh, Đinh Thành đã cảm thấy không ổn: “Giọng cậu sao vậy? Cơn cảm nặng hơn rồi à?”

“Vô tình hứng gió thôi, không sao.” Trình Đẳng nắm tóc, lúc này đã hoàn toàn tỉnh táo: “Anh chờ em khoảng mười phút, em sẽ xuống ngay.”

“Hay để anh lên cho, không khỏe thì cứ nghỉ ngơi thêm một đêm.”

Dứt lời, Đinh Thành không đợi Trình Đẳng đáp lại mà cúp điện thoại ngay.

Trình Đẳng chui lại vào chăn, một tay đè trán, mở mắt ngẩn ngơ nhìn trần nhà cho đến khi Đinh Thành quen cửa quen nẻo đẩy cửa đi vào.

Ánh mắt anh chợt trở nên sâu thẳm, nhìn thẳng vào chìa khóa trong tay Đinh Thành: “Anh Đinh, chìa khóa dự phòng nhà em anh đừng mang đi nữa.”

“Tại sao vậy?” Đinh Thành khó hiểu: “Cậu suốt ngày vứt bừa bãi lung tung, anh không mang chìa dự phòng cho cậu nhỡ cậu vứt luôn chìa khóa nhà mình bên ngoài thì sao? Nửa đêm gọi công ty phá khóa đến đổi khóa hả?”

Về vấn đề này thì trước khi chuyển đến đây, hai người cũng đã thảo luận qua vài lần. Nhưng lần này thái độ Trình Đẳng kiên quyết một cách dị thường, mà lại chẳng có lý do gì cụ thể.

Chỉ có một câu: “Không tiện.”

Không tiện?

Đinh Thành tức giận trợn trắng mắt.

Cậu ế chỏng ế chơ đấy ông lớn ạ! Ông đây là người đại diện của cậu, giữ một chiếc chìa khóa dự phòng cho cậu sao lại không tiện hả!

Nhà cậu cũng là ông đây hỗ trợ mua đấy!

__

Lời tác giả:

Đinh Thành: Đều là người ế cả! Ông lớn ạ! Có cái gì mà không tiện! Kiểu cách!

Trình Đẳng: Ai đều với anh hả?

Đinh Thành: …
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.