Lục Châu sai nô tỳ đến Dương phủ, còn bản thân lượn như đèn cù trên cầu Thất Lí.
Mặt hồ kết băng, khói lạnh bốc lên.
Không bao lâu sau, nô tỳ kia quay lại, Lục Châu nhanh chóng lại gần: "Chỉ Lan, tình hình hiện tại của Dương phủ như thế nào?".
"Nô tỳ vừa đến liền thấy Trung thường thị thường trực hầu hạ quân vương đọc chiếu chỉ, nô tỳ nghe thấy từ lưu đày. Đại công tử và nhị công tử của Dương gia đều đang làm quan, con gái út đã xuất giá, không được tính là người của Dương gia, cho nên số người bị đưa đi lưu đày chỉ ba người, đó là Dương phụ, Dương mẫu và... Dương Dung Cơ của Dương gia."
Tay chân cô lạnh toát, Lục Châu sững người trong chốc lát, sau đó định bước về phía Dương phủ, Chỉ Lan giữ chặt cô lại: "Cô nương đừng đi, hiện giờ Dương gia gặp nạn, chẳng ai muốn dính dáng đến họ, một khi không cẩn thận sẽ phải chịu liên lụy".
Lục Châu dừng chân, lòng rối như tơ vò.
"Lưu đày đi đâu?"
"Vùng Tây Bắc xa xôi ạ."
Dương Dung Cơ và nữ đầu bếp dùng quả hồng làm mứt hồng và bánh hồng, nàng đặt chúng lên khay, tính đưa cho Dương thị nếm thử.
Vừa đi được một đoạn, nàng bỗng nghe thấy tiếng bước chân vội vã của Y nhi. Nàng ấy tiếp lấy cái khay trên tay Dương Dung Cơ, giọng điệu nghiêm trọng: "Cô nương, vị Trung thường thị luôn đi theo thánh thượng đến, phu nhân đang tiếp thánh chỉ ở cửa".
Dương Dung Cơ biết bản thân cũng phải tiếp thánh chỉ, vì thế chậm rãi đi ra cửa.
Trung thường thị đứng ở cửa, nàng quỳ xuống theo mẫu thân, huynh tẩu.
Ông ấy bắt đầu đọc chiếu chỉ.
Dương Dung Cơ bỏ qua mấy câu từ hoa mỹ đậm chất cổ xưa, chỉ lọc ra mấy từ trọng điểm là "Chiến bại", "Thứ dân", "Lưu đày".
Đờ đẫn như người mất hồn, nàng ngộ ra.
Dương Triệu thua trận, bị giáng làm thứ dân, phu thê Dương Triệu và Dương Dung Cơ sẽ bị đày đến vùng Tây Bắc xa xôi.
Trung thường thị khép thánh chỉ lại, nhìn những người đang quỳ dưới đất với vẻ thương hại.
Lần này quả thật là chuyện bé xé ra to, vốn chỉ liên quan đến một mình Dương Triệu, tiếc rằng có người thêm mắm thêm muối, kéo theo cả phu nhân và con gái ông.
Lệnh của quân vương, ai dám phản kháng?
Biên giới Tây Bắc là nơi biển cát hoang vu, ngay cả tướng sĩ cũng khó mà chịu nổi, nói gì đến nữ nhi mới mười mấy tuổi.
Ông ấy nhìn về phía Dương Dung Cơ, đúng lúc Dương Dung Cơ ngẩng đầu. Những người khác đều cụp mắt, chỉ có nàng to gan lớn mật ngước mắt lên nhìn, ánh nắng chói lọi trên bầu trời đủ để khiến người ta thấy rõ lông tơ trên mặt nàng.
Trung thường thị đã gặp qua đủ kiểu nữ tử không khỏi ngây người, khẽ động lòng trắc ẩn.
Ông ấy nói với Dương thị: "Phu nhân, vài ngày nữa Dương lão gia sẽ trở về, thánh thượng cho phép các vị xuất phát vào năm sau. Nếu Dương cô nương xuất giá trước thời điểm đó, thánh thượng cũng sẽ không có ý kiến".
Dương thị khấu đầu: "Tạ quan gia".
Dương Đàm chọc vào eo Dương Dung Cơ, vì thế nàng cúi rạp xuống.
Trước khi đi, Trung thường thị bảo: "Tái Ông mất ngựa, biết đâu lại là phúc".
Dương thị suy sụp ngồi trước cửa sổ, tay vuốt ve một hộp phấn má, giọng nói vui vẻ của Dương Dung Cơ dường như vẫn còn vang vọng bên tai bà.
"Mẫu thân, từ bé đến giờ con chưa từng rời khỏi Trung Nguyên, bây giờ vừa hay có cơ hội đi đến Tây Bắc. Nghe nói ở đó băng tuyết phủ trắng đỉnh núi, núi Yên Chi có đồng cỏ tươi tốt, nguồn nước dồi dào, dê bò thành đàn, trái cây ngọt như mật trải dài chân dãy Thiên Sơn, phụ thân đã cống hiến nhiều năm cho triều đình, cũng đến thời điểm nên đi du ngoạn."
Đó chỉ là khung cảnh tốt đẹp trong tưởng tượng, nhưng trên thực tế, chiến tranh ở nơi nơi, biên cảnh không yên, lưu đày chính là quãng thời gian thập tử nhất sinh.
Ngoài cửa có người bẩm báo: "Phu nhân, gia chủ về rồi".
Vội vàng lau nước mắt ở khóe mắt, Dương thị gắng sức ra vẻ tươi cười, bước ra cổng.
Dương Triệu tắm rửa sạch sẽ rồi mới về nhà, ông mặc áo vải, búi tóc, tóc mai dường như đã điểm bạc, nhưng vẫn thong dong như xưa.
Mặt mày chả khác trước lúc ra đi là bao, không kiêu ngạo cũng chẳng siểm nịnh, ông khẽ hít một hơi rồi rảo bước vào trong phủ.
Như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra, cả nhà lặng lẽ chờ ông ở cổng.
Dương Triệu nhìn một vòng, phất tay: "Đừng lo, ta đã sống đến từng tuổi này, danh lợi chỉ là vật ngoài thân. Đều lui xuống đi, phu nhân, bà đi theo ta".
Dương thị đi theo Dương Triệu vào viện chính, vừa vào cửa, Dương Triệu đã ho dữ dội, máu bắn lên vạt áo, nhỏ xuống đất.
Dương thị luống cuống đỡ lấy Dương Triệu, giọng nói run rẩy: "Quý Sơ...".
Dương Triệu cầm chiếc khăn mà Dương thị đưa đến bên môi ông, lau vệt máu trên mặt đất, cố đứng thẳng người lên, chậm rãi đi vào phòng.
Ông ngồi lên ghế xếp vải, một lúc sau, nhẹ nhàng hỏi: "Sao Dương Nhứ lại ở nhà, sắp Tết đến nơi, đáng lẽ con bé phải ở Vương gia chuẩn bị đón năm mới mới đúng".
Lòng Dương thị quặn thắt, do dự một lát, trả lời: "Vì Vương lang dìu dắt con cháu nhà nghèo, động chạm đến lợi ích của tầng lớp quý tộc, Vương gia lập tức đá thằng bé ra khỏi gia tộc, cuối cùng thằng bé... thằng bé...".
Ban đầu tay ông hơi run rẩy, những con chữ đầu tiên méo mó, rồi sau đó lực tay dần vững vàng, từng chữ in ra mặt sau của giấy, cuối cùng đầu bút tòe ra, mực khô chữ nhạt...
Dòng chữ "Ô hô ai tai" cực kì rõ ràng.
Dương Triệu vứt bút, ngòi bút văng tứ tung, đã bị hỏng.
Dương thị nhìn điếu văn, nhớ tới phu quân Dương Nhứ, muốn rơi lệ, vội vàng thay đổi đề tài.
"Mấy tháng ông xuất chinh, Dung nhi làm mứt hồng và bánh hồng cho ông, ta kêu người mang lên để ông nếm thử."
Nhắc tới Dương Dung Cơ, sống mũi Dương Triệu hơi cay cay, ông thở hắt một cái, lên tiếng: "Phu nhân, bà lấy cái hộp gỗ trong cái rương dưới gầm giường ở phòng ngủ qua đây".
Dương thị nhìn chằm chằm vào ông, không nhúc nhích.
Dương Triệu không giải thích, nhắc lại: "Phu nhân, đem lại đây đi... Nên chấm dứt thôi...".
Dương thị chậm rãi xoay người, làm theo lời ông, khi trở về, tay cầm một cái hộp gỗ.
Hoa văn rõ nét, không dính tro bụi, chứng tỏ cái hộp gỗ này vẫn luôn được nâng niu.
Dương thị đưa cho Dương Triệu, cắt bấc nến, ánh nến nhún nhảy, càng sáng rõ hơn.
Ông mở hộp gỗ, bụi giấy bay lên.
Trên giấy có bốn từ.
Kết duyên Phan Dương.
"Phu nhân, bà cảm thấy Phan lang là người như thế nào?"
"Tuy hắn còn trẻ nhưng đã có tài hoa hơn người, danh chấn Lạc Dương, giao hảo với Thạch Sùng và Hạ Hầu Trạm, khuôn mặt tuấn tú, so với những nam tử mà ta từng gặp, duy hắn đẹp đến nao lòng."
Dương Triệu xem kỹ bức hôn thư, bảo: "Hồi ấy ta và Phan tỉ giao hảo, mà ta lại coi trọng Phan An, tờ hôn thư này được giữ gìn đến nay bởi ta ngóng trông kết duyên Phan Dương. Sang năm Dung nhi mười bảy tuổi, mấy hôm trước ta còn định tìm cơ hội để nói chuyện hôn ước cho con bé, nếu con bé không phản đối, ta sẽ đến Phan gia nhằm làm giấy má... Nhưng hôm nay...".
Dương Triệu để hôn thư trước mặt, tiếp tục nói: "Phan Nhạc có tham vọng ngút ngàn, không cam lòng làm con người tầm thường, hắn một lòng theo đuổi công danh, mới thấy bụi đã vái chào, chắc chắn sẽ dấn sâu vào triều đình. Tế tử của ta đã ra đi vì cuộc chiến chính trị, ta chưa kịp viếng thăm thằng bé, sự nghiệp của ta lại gặp rắc rối khiến phu nhân và Dung nhi bị lưu đày... Thúc Dạ đã chết, Nguyễn Tịch tránh họa, mà ta... chỉ là một thứ dân. Ta già rồi, ta không muốn con gái mình bị thói đời vấy bẩn, không muốn con bé vướng vào thị phi giới chính trị...".
Hôn thư được đặt trên ngọn nến, tức khắc hóa thành tro.
Dương thị kinh ngạc, biến sắc: "Quý Sơ... Dung nhi không thể đi theo chúng ta chịu khổ, chỉ đành mau chóng cho con bé xuất giá. Nếu ông đốt cháy tờ hôn thư, chúng ta đi đâu tìm chồng cho con?".
Dương Triệu nắm lấy tay Dương thị: "Ta sẽ nghĩ cách, chỉ là người đó không thể là quan lại".
Dương thị nhớ tới Phan An, nhớ tới vẻ mặt của chàng khi nhìn Dương Dung Cơ, không nói nên lời.
Dương Dung Cơ dẫn Y nhi đến cửa hàng son phấn ở chợ tây, Trương nương tử nhiệt tình chào đón họ.
Dương Dung Cơ đi vào cửa hàng, lấy tờ giấy trong tay áo ra, đây là tờ khế mà nàng từng ký kết với Trương nương tử.
Bỗng khựng lại, không biết nên nói tiếp như thế nào.
Nàng nhớ lại ngày ấy, nàng cầm bạc đến đây mua cửa hàng, rồi mua luôn gia trạch. Sau này, khi cửa hàng ăn nên làm ra, nàng nghĩ, hiện giờ nàng đã kiếm ra tiền, trong tương lai sẽ đưa Y nhi và Chu Uyển Nhi đi đất Ngô thưởng thức ẩm thực, ngắm nhìn mỹ nhân.
Khi đó hoa mơ tây trắng như tuyết, bây giờ tuyết trắng tựa hoa mơ tây.
Nàng mỉm cười: "Tôi sắp đi xa, đi núi Yên Chi xem dê bò thành đàn, xem thảo nguyên mênh mông bất tận, còn định đi cả Thiên Sơn, ngắm rừng trái cây trải dài, múa Hồ Toàn, thổi sáo Khương...".
Thực ra Trương nương tử đã biết hết chuyện của Dương gia, bà ấy cũng biết thân phận nữ tử trước mặt, và cả chuyện nàng sắp bị đày.
Vì thế bà ấy giả vờ vui vẻ: "Cô nương đi đến đấy cũng đừng quên phấn má của tôi, nghe nói trên núi Yên Chi có hoa cỏ rất hợp để làm phấn má... thậm chí còn tốt hơn cái mà tôi làm ra".
Dương Dung Cơ khom lưng với Trương nương tử, nở nụ cười, nói: "Dung Cơ vĩnh viễn sẽ không quên".
Trương nương tử vừa cười vừa dùng khăn che miệng, lén lau nước mắt.
Dương Dung Cơ rời đi, Trương nương tử dúi tờ khế cho Y nhi.
Trên đường về, đến cầu Thất Lí, Dương Dung Cơ đứng lại hồi lâu.
Nàng quay lại nhìn Y nhi, tuyết rơi trên người hai người, Y nhi chợt quỳ xuống, không cho Dương Dung Cơ mở lời.
"Nữ lang, từ năm năm tuổi Y nhi đã hầu hạ người, tuy là nô tỳ, nhưng vẫn vô cùng hạnh phúc. Nữ lang chưa bao giờ mắng nhiếc Y nhi, nữ lang cũng từng nói, Y nhi là tỷ muội của người, đã là tỷ muội thì sẽ luôn ở bên đối phương."
Nàng ấy ngẩng đầu: "Người chính là người thân của Y nhi".
Lục Châu nhìn tuyết rơi ngoài cửa sổ, nhíu mày, Lạc Dương đã có tuyết nhiều ngày, cứ thế thì đến khi nào Phan An mới quay trở lại?
Dù Phan An có về gấp, phải làm sao để cứu Dương gia đây?
Chàng vừa bị giáng chức, trầy trật mãi mới được hồi kinh, không thể để chàng bước vào vũng nước đục này được.
Cô đi tới cửa trong vô thức, Chỉ Lan hưng phấn chạy vào phòng.
"Cô nương, Phan lang về rồi."
Lục Châu vui mừng tiến lại gần, đột nhiên bị vấp ngã, quay đầu lại nhìn, thấy là dấu giày trên tuyết, hiểu ra.
Cô thả lỏng tinh thần, Chỉ Lan nghi hoặc, đỡ cô dậy, hỏi: "Cô nương có sao không?".
Lục Châu bật cười, nói: "Vương gia à...".
Tác giả có lời muốn nói:
Tâm trạng của Dương Triệu khó chịu quá nên vậy, không sao đâu, ông sẽ chứng kiến con gái mình xuất giá, kết mối lương duyên, như lời mà Bộ Xiển đã nói.