Đi Qua Hoa Cúc

Chương 5



Tôi cầm lá thư anh Ðiền chui vào đống rơm sau hè nằm ủ rũ. Ðến lúc này, tôi mới thấy tôi ngu. Trước đây, tôi tưởng đem ông tôi ra dọa, anh Ðiền sẽ vỡ mật, không còn dám theo đuổi chị Ngà nữa. Nào ngờ thấy ông tôi chẳng mắng mỏi gì, anh càng lì lợm. Không những không thối lui, anh còn ngang nhiên gửi thư tỏ tình với chị Ngà. Nếu biết vậy, tôi đã chẳng phịa ra câu chuyện hôm nọ. Cứ để anh Ðiền nghi ngờ chị Ngà là thủ phạm có khi lại hay hơn. Tuởng chị Ngà xé nát những bông hoa, hẳn không bao giờ anh dám nghĩ đến chuyện viết thư cho chị.

Càng nghĩ tôi càng tức anh ách. Lật tới lật lui phong thư đã được dán kín trên tay, tôi tò mò những muốn xé ra xem anh Ðiền viết nhăn viết cuội những gì. Nhưng không hiểu sao tôi lại cảm thấy sờ sợ. Ngần ngừ một hồi, tôi nhét phong thư vào giữa đụn rơm và bần thần bỏ đi.

Sáng sớm hôm sau, tôi đang đứng súc miệng bên cạnh lu nước đằng sau nhà bếp, anh Ðiền tò tò ra theo. Anh nhìn tôi, cười cầu tài:

- Trường đưa cái đó giùm anh chưa?

- Chưa! – Tôi lấy bàn chải ra khỏi miệng.

- Sao vậy? Anh tưởng Trường đưa rồi chứ.

Tôi gãi đầu:

- Em sợ ông thấy! - Rồi thấy anh Ðiền xụ mặt, tôi lật đật nói tiếp – Nhưng từ giờ đến chiều em sẽ có cách.

Nghe tôi hứa hẹn, bộ mặt anh Ðiền tươi lên:

- Ừ, Trường ráng giúp anh nhé!

Trưa đó, chờ mọi người đi ngủ hết, tôi một mình lẻn ra đống rơm. Lá thư vẫn còn nguyên chỗ cũ. Ðã hứa giúp anh Ðiền, nhưng mân mê lá thư một hồi, tôi bỗng phân vân quá thể. Tôi sợ tôi đưa lá thư ra, chị Ngà sẽ mắng tôi. Chị sẽ bảo tôi là con nít quỷ, chuyên nghe lời xúi bậy của người khác. Nhưng nếu chị không mắng, nếu chị vui vẻ nhận thư và cám ơn tôi, tôi càng lo hơn.

Do dự mãi, cuối cùng tôi quyết định hỏi ý kiến thằng Chửng anh. Nhét lá thư vào lưng quần, tôi lần về phía cuối vườn, vẹt hàng rào chui qua.

Nhà anh em thằng Chửng không có vườn sau như nhà ông tôi. Bên hông nhà tụi nó là đám khoai mì rậm rạp, còn phía sau hè chỉ có một cái mương rộng ngăn không cho rễ tre xoi thủng nền nhà. Ðằng trước là một sân phơi lát gạch lún phún cỏ nhoi lên từ những kẽ nứt.

Khi tôi qua, Chửng anh tót đi đâu mất biến. Chỉ có thằng Chửng em đang ngồi trên chiếc chõng tre, tay ôm con mèo tam thể. Chắc nó cùng con mèo vừa tắm táp xong, giờ bước ra trước hiên ngồi hóng nắng hóng gió.

Vừa thò đầu ra khỏi tấm phên đã đụng ngay Chửng em, tôi giật thót người toan tháo lui. Nhưng tôi chưa kịp trở gót, Chửng em đà trông thấy. Nó kêu ông ổng:

- Ê, Trường! Ði đâu đó?

- Ờ, ờ... tao đi chơi! – Tôi ấp úng.

- Xạo đi mày! - Chửng em cười hềnh hệch – Ði chơi sao vừa thấy tao mày lại bỏ về?

Nó bắt bẻ kiểu đó tôi hết đường nói dóc, đành nhe răng cười trừ.

- Mày đi kiếm thằng Chửng anh phải không? - Chửng em lại hỏi.

- Ừ! – Tôi bất đắc dĩ phải gật đầu.

Chửng em nhìn tôi dò xét:

- Mày kiếm nó chi vậy?

Tôi lấp lửng:

- Có chuyện.

- Chuyện gì?

- Chuyện... riêng.

Thái độ úp úp mở mở của tôi khiến Chửng em nghi ngờ. Nó xuống đất, tiến lại gần tôi:

- Mày không nói tao nghe được hả?

- Không! – Tôi mím môi.

Chửng em không thèm hỏi nữa. Nó đứng dạng chân, tay chống ngang hông và láo liên đảo mắt khắp người tôi. Ánh mắt xoi mói của nó làm tôi muốn nín thở. Nhưng tôi cố gồng mình, không dám thóp bụng lại. Thóp bụng nhiều quá, lá thư lỡ tuột khỏi lưng quần thì khốn. Không hiểu Chửng em có đọc được nỗi lo trong mắt tôi không mà nó bỗng xòe tay ra:

- Ðưa đây!

Tôi tái mặt:

- Ðưa cái gì?

Chửng em hất hàm:

- Ðưa cái gì may đang lận trong người đó.

- Tao có lận cái gì đâu! – Tôi cố chối.

- Mày đừng hòng qua mặt tao! - Chửng em hừ mũi – Không có gì thì mày lén lút tìm thằng Chửng anh làm chi!

Tôi đắn đo xem có nên thú thật mọi chuyện với Chửng em hay không thì nó bất thần hỏi:

- Thuốc lá phải không?

Tôi lắc đầu, cố nén một tiếng thở phào. Hóa ra thằng Chửng em chưa đánh hơi được điều gì.

- Hay là kẹo đậu phọng? - Chửng em lại đoán mò.

Tôi lại lắc đầu.

- Vậy chắc là khoai nướng?

Sự thắc mắc dai dẳng của Chửng em khiến tôi phát bực. Tôi cau mặt:

- Tao đã bảo là không có gì mà. Sao mày hỏi dai như đỉa vậy?

Chửng em không tin tôi. Nó hất đầu:

- Vậy mày để tao khám coi!

Tôi chìa cái cùi chỏ:

- Khám cái này nè!

Tôi chưa kịp rút tay về thì Chửng em bỗng cười khì một cái và bất thần nắm chặt lấy tay tôi, tay kia nó lẹ làng lật áo tôi lên.

Chửng em ra tay nhanh như chớp và đột ngột đến mức khi tôi hốt hoảng lùi lại thì nó đã nhảy tót ra xa và hí hửng huơ qua huơ lại lá thư trước mặt tôi:

- Cái gì đây?

- Cái gì kệ tao! – Tôi nổi dóa - Trả đây!

Chửng em phồng má:

- Không trả! Thư mày viết gửi cho chị Ngà của mày phải không?

- Nói bậy! – Tôi đỏ mặt quát.

Chửng em chun mũi:

- Ðể tao mở ra coi là biết liền!

Vừa nói Chửng em vừa lăm le xé phong thư. Tôi điếng hồn:

- Không được xé! Ðây đâu phải là thư của tao.

Tôi hét lên và chồm người tới giật lá thư nhưng Chửng em nhanh như sóc. Nó lạng tuốt ra xa, nấp sau gốc cột và thò đầu ra hỏi:

- Không phải thư của mày, mày lận trong lưng quần làm chi?

Ðiệu bộ của Chửng em khiến tôi căm gan. Nhưng tôi biết trong lúc này tôi chẳng thể làm gì được nó, đành mím môi lặng thinh, đầu loay hoay nghĩ kế.

Trong khi đó Chửng em không để tôi yên. Miệng nó cứ ra rả:

- Xé ra coi nghen! Xé ra coi nghen!

Vừa hò hét nó vừa ra bộ dọa dẫm làm tôi muốn đứng tim. Ðúng vào lúc tôi đang bối rối cùng cực, cứu tinh bỗng xuất hiện. Chửng anh một tay cầm rựa, tay kia ôm một bó măng tre, từ ngoài cổng lù lù đi vô.

- Gì vậy tụi mày? – Chưa vào tới đầu sân, Chửng anh đã vọt miệng hỏi.

Chỉ đợi có vậy, Chửng em ngoác mồm bô bô:

- Thằng Trường gửi thư cho chị Ngà bị tao bắt được.

Tôi đỏ mặt:

- Ðồ láo toét! Ðừng tin nó!

Chửng anh khẽ liếc tôi rồi lại đưa mắt nhìn lá thư đang phe phẩy trên tay Chửng em, giọng nghi hoặc:

- Mày cầm cái gì vậy?

- Thì lá thư của thằng Trường chứ cái gì! - Chửng em đáp bằng giọng đắc thắng.

Chửng anh lại quay sang tôi:

- Lá thư này của mày hả?

- Ừ! - Tôi đáp xụi lơ.

Chửng anh liếm môi:

- Bộ mày tính gửi cho chị Ngà thật hả?

Tôi lại “ừ”. Thấy tôi nhận tội, Chửng em khoái lắm. Nó khoa tay, nhảy cỡn:

- Lêu lêu! Vậy mà nãy giờ cứ chối leo lẻo!

Tôi sầm mặt:

- Nhưng mà thư này không phải do tao viết.

Chửng anh ngơ ngác nhìn tôi:

- Chứ ai viết?

- Anh Ðiền! - Tôi chớp mắt - Ảnh nhờ tao đưa cho chị Ngà.

- À, tao hiểu rồi! - Chửng anh gục gặc đầu – Nghĩa là ảnh nhờ mày làm liên lạc?

- Ừ! – Tôi nuốt nước bọt – Nhưng tao không biết có nên đưa hay không. Tao định qua đây hỏi mày.

Chửng anh nhún vai:

- Người ta nhờ đưa thì mày cứ đưa, việc quái gì phải hỏi!

- Nhưng tao sợ! - Giọng tôi lúng túng.

- Mày sợ chị Ngà mắng chứ gì?

Tôi chưa kịp đáp thì Chửng em đã cười hô hố:

- Nó chẳng sợ chị Ngà mắng đâu. Nó chỉ sợ chị Ngà nhận thư của anh Ðiền thôi!

Chửng em phán một câu khiến tôi chết đứng, mặt đỏ tới mang tai. Chửng anh nhìn vào mắt tôi:

- Ðúng không mày?

- Còn đúng với không gì nữa! - Chững em lại vọt miệng, giọng đểu cáng không chịu được – Anh Ðiền đưa thư cho nó cả mười ngày nay, nó nhét rong quần đi tới đi lui chứ có chịu giao cho chị Ngà đâu!

- Mười ngày đâu mà mười ngày! – Tôi tức tối cãi – Anh Ðiền chỉ mới nhờ tao hôm qua!

- Thì hôm nào cũng vậy thôi! - Chửng em rụt cổ - Rốt cuộc mày vẫn giấu nhẹm chứ có chịu thòi ra đâu!

Miệng mồm thằng Chửng em nhanh nhẩu phát khiếp. Nhưng khổ nỗi, những điều nó nói lại không sai chệch là bao. Vừa tức giận vừa xấu hổ, mặt tôi mỗi lúc một chín nhừ như đang hơ trên lửa, tay chân thừa thãi và lóng ngóng trông đến tội nghiệp.

Bộ tịch của tôi đã tố cáo tất cả. Ngó tôi một hồi, Chửng anh bất giác động lòng. Nó vứt bó măng xuống đất và dịu dàng đặt tay lên vai tôi, nhỏ nhẹ hỏi:

- Mày không muốn đưa lá thư này cho chị Ngà phải không?

Tôi không bảo phải cũng chẳng bảo không, chỉ cắm cúi miết những ngón chân lên nền gạch nhờ nhờ rêu.

Chửng anh liếm môi:

- Không đưa thì xé quách, việc quái gì phải băn khoăn!

Rồi thấy mặt tôi vẫn ngây ra như mụ điên ngoài chợ huyện, nó khịt mũi nói thêm:

- Gặp tao, tao đã vứt quách lá thư này từ lâu rồi. Tội gì làm việc không công cho người khác.

Thực ra anh Ðiền có trả công cho tôi đàng hoàng. Anh đãi tôi ăn mì bà Sáu Dứa. Ăn mệt nghỉ. Anh còn bảo sau khi tôi đưa thư cho chị Ngà, anh sẽ dẫn tôi lên “thăm” bà Sáu Dứa một lần nữa. Nhưng tôi không đính chính. Tôi biết thằng Chửng anh nói vậy là vì lòng tốt. Nó sợ tôi xấu hổ nên cố ý hùa theo tôi. Trong khi tôi đang thầm cảm ơn Chửng anh thì Chửng em bất ngờ làm tôi cảm động đến suýt khóc. Nó đột ngột hét toáng:

- Tao cũng vậy. Tao ghét cha Ðiền tóc quăn này kinh khủng.

Chửng anh liền chìa tay ra:

- Vậy thì đưa lá thư đây.

- Chi vậy? - Chửng em trố mắt.

- Trả cho thằng Trường.

- Trả cho nó làm gì! Ðể tao lấy tao nhóm bếp.

Vừa nói Chửng em vừa giấu lá thư ra sau lưng khiến tôi lo sốt vó.

- Trả lá thư cho tao! – Tôi kêu lên.

Chửng em nheo mắt:

- Mày lấy lại làm gì?

- Tao... cất.

Chửng em cười hì hì:

- Mày cất trong nhà, rủi ông mày hoặc dì Miên mày bắt được thì tha hồ quỳ gối, sướng hén?

Câu nói độc mồm độc miệng của Chửng em khiến tôi bất giác thần người ra. Nhưng loay hoay một hồi, tôi vẫn chưa nghĩ ra cách nào giấu lá thư một cách an toàn. Thấy tôi lộ vẻ hoang mang. Chửng anh liền hiến kế:

- Nếu mày sợ thì để tao cất giùm cho. Tao nhét trong mái tranh, chẳng ai biết đâu!

- Chuột biết! - Chửng em thình lình phá bĩnh – Nó tha mất cho coi!

- Có mày tha thì có! - Chửng anh sầm mặt – Ðưa lá thư đây!

Lần này Chửng em không buồn giành giật nữa. Nó Ném lá thư về phía Chửng anh và bĩu môi “xì” một tiếng:

- Ai thèm giành ba thứ quỷ này!

Chửng anh không nói gì. Nó lẳng lặng nhét lá thư vào túi áo rồi quay sang tôi, nháy mắt:

- Tao cất hén?

Dĩ nhiên là tôi gật đầu ngay. Từ nãy đến giờ, tôi cũng chỉ mong có thế.

*****

Tối đó, anh Ðiền lại hỏi tôi về số phận của lá thư. Lần này anh chận tôi ngoài cổng, lúc tôi vừa đi nhong nhong với anh em thằng Chửng về.

- Trường đã đưa thư cho chị Ngà chưa? - Giọng anh nôn nóng.

- Rồi! – tôi đáp, cố giữ vẻ thản nhiên.

Mắt anh sáng lên:

- Chỉ có nhận không?

- Nhận.

Anh lại liếm môi:

- Chỉ có nói gì không?

- Không! – Tôi lắc đầu – Nhưng chỉ cười!

- Cười sao? – Anh Ðiền không giấu vẻ phấp phỏng. 

- Cười thế này nè!

Nói xong, tôi nhe răng “hì” một tiếng.

Anh Ðiền nhăn mặt:

- Cười gì kỳ vậy?

 

Tôi khịt mũi:

- Ừ, chỉ cười vậy đó! Anh không tin thì thôi!

 

Thấy tôi tỏ vẻ hờn giận, anh Ðiền lật đật nắm tay tôi:

- Tin! Anh tin! nhưng chỉ có vậy thôi hả?

- Chỉ vậy thôi! – Tôi thở dài.

Anh Ðiền cũng thở dài. Nhưng tiếng thở của anh ra chiều nhẹ nhõm. Dưới ánh sao mờ, tôi vẫn nhìn rõ vẻ long lanh trong mắt anh.

Ðôi mắt đó nhình tôi, rủ:

- Bây giờ anh với Trường đi ăn mì hén?

- Em no lắm! – Tôi từ chối.

Anh Ðiền ngạc nhiên:

- Trường đã ăn tối đâu mà no?

- Khi nãy em ăn khoai chà bên nhà thằng Chửng.

- Vậy thì sáng mai! – Anh Ðiền lại nói.

- Sáng mai em phải vô Bãi Cháy!

Nói xong, tôi phóc một bước tới gốc me đầu sân và chạy tọt vào nhà, bỏ mặt anh Ðiền đứng ngẩn ngơ với vô vàn thắc mắc. Chắc anh không hiểu tại sao một đứa tham ăn tham uống như tôi bữa nay được rủ đi ăn mì lại bày đặt chê ỏng chê eo.

Nhưng anh Ðiền chắc không có thì giờ để bận tâm nhiều về tôi. Anh còn mải mơ tưởng về chị Ngà. Anh còn mải nghỉ xem chị có bị những lời tỏ tình ngọt ngào của anh làm cho mê mẩn hay không và sau đó chị sẽ làm thế nào để tỏ cho anh biết rằng chị rất nóng lòng muốn đáp trả tình cảm của anh.

Trong nhiều ngày, anh Ðiền đắm chìm trong nỗi chờ đợi miên man mà không biết lá thư của mình đang mắt kẹt dưới gốc kèo nhà thằng Chửng. Trong những bữa cơm, anh thường tìm cách ngồi đối diện với chị Ngà để chờ đợi chị thỉnh thoảng nhìn lên, anh lại đảo mắt dọ xem tình ý. Thái độ thản nhiên của chị Ngà thường làm anh cụt hứng. Những lúc đó, anh giả vờ tằng hắng để che dấu sự bối rối và nỗi thất vọng sâu xa của mình.

Trong khi anh Ðiền theo dõi chị Ngà thì tôi theo dõi anh. Cái cảnh tượng rình rập đầy vẻ hoạt kê này cứ âm thầm kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Với vẻ uể oải của một chú mèo ngái ngủ, tôi hoàn toàn thành công khi tỏ ra vô hại dưới mắt anh Ðiền. Và chú mèo ngây ngô đó đã tìm đủ mọi cách và nghĩ ra đủ mọi lý do để có mặt bên cạnh anh, để sung sướng chứng kến sự dọ dẫm vô vọng của anh về thái độ của chị Ngà và nhất là để nở từng khúc ruột khi nghe thấy anh đôi lần tuyệt vọng kêu lên:

- Chị Ngà xé nát trái tim anh rồi, Trường ơi!

Khi than thở, bao giờ anh Ðiền cũng có vẻ tội nghiệp. Giọng anh buồn thảm, đứt khúc và càng về cuối càng vo ve, nghe như tiếng sáo muỗi. Nhưng nhìn ánh mắt lấp lánh và bình thản của anh, tôi biết anh không buồn như cái vẻ anh tạo ra. Thậm chí, có đôi lúc, tôi ngờ rằng anh cố ý khôi hài khi cường điệu nỗi thất vọng của mình.

Nếu quả mọi sự đúng như anh nói thì trái tim anh hiện nay đã rách bươm như tàu lá chuối sau mùa gió dữ, chẳng mong gì chắp vá. Nhưng cứ mỗi lần nghe anh rên rỉ như thế, sau đó tôi lại thấy anh dường như nhanh nhẹn và bạo dạn hơn.

Lần này cũng vậy, sau những ngày mệt mỏi vì chờ đợi, anh lại tìm đến tôi với một phong thư trên tay.

- Trường ơi! – Anh bắt đầu bằng một giọng cầu khẩn êm ái.

- Gì vậy? – Tôi liếc phong thư trên tay anh.

- Trường giúp anh lần nữa đi!

- Giúp cách sao? – Tôi giả bộ khù khờ.

Anh chìa lá thư ra:

- Trường đưa cái thư này cho chị Ngà.

Tôi nhăn nhó:

- Ðưa gì đưa hoài vậy?

- Ừ!

Câu trả lời cụt ngủn của anh Ðiền chẳng nhằm giải thích điều gì. Nhưng tôi không buồn hỏi vặn. Lòng tôi đang dậy lên một nỗi lo âu mơ hồ. Tôi sợ một ngày nào đó anh Ðiền sẽ khám phá ra âm mưu của tôi. Nếu bây giờ tôi vui vẻ xòe tay nhận lá thư của anh, chắc chắn tôi sẽ không đưa cho chị Ngà, mà ba chân bốn cẳng chạy đi tìm anh em thằng Chửng. Tôi sẽ đưa lá thư cho Chửng anh và nó sẽ tiếp tục nhét lá thư vào dưới mái tranh một cách khoái trá.

Thấy tôi chưa chịu cầm lấy lá thư, anh Ðiền sốt ruột nhắc:

- Trường giúp giùm anh nghen?

Tôi ngần ngừ:

- Lần này nữa thôi hén?

- Anh không biết! – Anh Ðiền đưa tay vò mái tóc quăn - Nếu chị Ngà vẫn không chịu trả lời anh lại phải viết thư tiếp!

Sự quyết tâm của anh Ðiền khiến tôi đâm chột dạ. Chứ cái đà này thì trước sau gì mọi chuyện cũng sẽ vỡ lở, tôi hoang mang nhủ bụng, nhưng rồi chẳng nghĩ ra cách nào thoái thác, tôi đành phải thẫn thờ cầm lấy phong thư.

Anh Ðiền vỗ vai tôi:

- Trường đừng lo! Xem xong lá thư này, thế nào chị Ngà cũng phải trả lời!

- Anh viết gì trong đó vậy? – Tôi hỏi không nén được tò mò.

Anh Ðiền nheo mắt:

- Trường còn nhỏ hỏi làm gì chuyện đó!

Câu nói của anh Ðiền khiến tôi nhăn mặt. Trước đây chị Ngà cũng từng bảo tôi như vậy. Mười sáu tuổi, tôi vẫn bị coi là trẻ con, vẫn không được ai đoái hoài tới. Chị Ngà chỉ nhớ đến tôi khi cần sai vặt. Khi nồi bâng khuâng trước dãy hoa cúc dưới bóng chiều chập choạng, hẳn chị chỉ nghĩ đến anh Ðiền, đến ánh mắt lanh lợi và nụ cười tươi tắn của anh. Hoa cúc đem lại niềm vui cho tâm hồn, ý nghĩ đó hẳn ngày càng rõ ràng hơn trong lòng chị.

Dì Miên có lẽ nhận ra lòng yêu mến của tôi dành cho chị Ngà. Dì nhận ra điều đó một cách tự nhiên, dễ dàng nhưng lại coi đó là trò vớ vẩn. Thỉnh thoảng dì có nhắc đến là để cợt đùa, chòng ghẹo. Giữa những giờ học thi căng thẳng, riết róng, dì Miên giải lao bằng cách trêu cho tôi đỏ mặt và chọc cho chị Ngà la lên “oai oái” và rượt dì chạy quanh gốc cột. Chỉ vậy thôi. Sau đó, dì lại quên ngay mọi chuyện để tiếp tục chúi mũi vào những bài ôn thì dài dặc chiếm hết thời gian biểu trong ngày của dì.

Rốt lại,chỉ có anh em thằng Chửng là những người duy nhất hiểu được tâm sự u uẩn của tôi. Nhưng tụi nó lại chẳng giúp gì cho tôi được ngoài chuyện nhét những lá thư của anh Ðiền nằm sâu hơn dưới mái tranh ám khói. Hơn nữa, anh em thằng Chửng về hùa với tôi phần lớn là do mối căm ghét kỳ lại đối với anh Ðiền chứ không phải vì thấu hiểu được nỗi lòng ray rứt và ngổn ngang của một đứa con trai mới lớn.

Say mê không dứt trò vật nhau và ném đất, cũng như bỏ hàng buổi trời ngồi nghịch nhau với bầy ruồi đang bu quanh mụn ghẻ trên đầu gối, anh em thằng Chửng vẫn là những đứa trẻ hồn nhiên to xác so với mối bận tâm mới mẻ của tôi hiện nay, vì vậy chúng chẳng bao giờ cảm nhận được một cách chính xác niềm vui và nỗi buồn trong lòng người bạn khốn khổ của chúng, cũng như chẳng bao giờ nhìn thấy hoặc sẻ chia được những hình ảnh rực rỡ và đầy xao xuyến trong những giấc mơ tôi vào lúc nửa đêm. Và như vậy, tôi đâu còn nhỏ dại. Anh Ðiền chỉ tưởng thế thôi.

*****

Thấy tôi chìa lá thư ra, Chửng anh trố mắt:

- Lại thư?

- Ừ! – Tôi xụi lơ.

- Tao lại cất giùm mày?

- Ừ! – Tôi tặc lưỡi – Nhưng tao lo quá!

- Mày sợ anh Ðiền biết chứ gì?

Tôi thở dài:

- Nếu cứ như thế này thì trước sau gì ảnh cũng sẽ biết!

- Làm sao ảnh biết được? - Chửng anh trấn an tôi.

Tôi chép miệng:

- Tao không rõ. Nhưng tao thấy lo lo.

Chửng anh nhếch mép:

- Mấy hôm nay ảnh có nghi ngờ gì mày không?

- Không!

- Vậy thì việc quái gì phải lo! - Chửng anh nhún vai - Ảnh sẽ không tài nào biết được, trừ phi ảnh hỏi chị Ngà!

Tôi xám mặt:

- Nhỡ ảnh hỏi thì sao?

Tới đây, Chửng anh im lặng. Có lẽ nó cũng không biết phải trả lời như thế nào. Hai đứa cứ đứng đực ra nhìn nhau. Cuối cùng tôi nói, giọng không được quả quyết lắm:

- Chắc ảnh không dám hỏi đâu!

Chỉ đợi có vậy, Chửng anh gật đầu ngay:

- Ừ, tao cũng nghĩ vậy.

Tôi chia tay Chửng anh trong một tâm trạng thấp thỏm. Lóng ngóng thế nào, khi chui qua rào tôi lại để lưng áo bị gai móc toạc một đường dài. Ðã vậy, vừa vào tới gốc mít, tôi lại đụng đầu ngay anh Ðiền.

Vừa thấy tôi, anh hỏi liền:

- Trường đã đưa thư cho chị Ngà chưa?

- Rồi! – Tôi đáp và lấm lét nhìn anh, bụng thót lại.

Nhưng anh Ðiền không nhìn thấy vẻ bối rối của tôi. Anh tặc lưỡi, vẻ thất vọng:

- Tiếc quá! Vậy mà anh định gặp Trường mượn lại lá thư!

Anh Ðiền làm tôi nổi gai ốc. May mà tôi bảo là đã đưa rồi. Nếu tôi thú thật rằng chưa, anh Ðiền đòi lại lá thư, tôi chẳng biết đào đâu ra lúc đó.

- Anh lấy lại chi vậy? – Tôi hỏi, sau khi đã trấn tĩnh.

- Anh định viết thêm vài dòng! – Anh Ðiền đáp giọng hờ hững.

Nói xong, anh trở gót vào nhà, không buồn rủ tôi đi ăn mì như lần trước. Chắc đầu óc anh mải nghĩ ngợi tận đâu đâu.

Còn lại một mình, tôi áp tay lên ngực một hồi cho trái tim dịu xuống rồi mới rón rén vào theo ngõ bếp.

Khi bước lên nhà trên, tôi thấy anh Ðiền đang hì hục vật nhau với chiếc mobylette cọc cạch của ông tôi đằng trước sân. Xe của ông tôi có lẽ là chiếc xe còn sót lại từ thời Bảo Ðại, lần nào đề-pa, anh Ðiền cũng đạp vã mồ hôi.

Mái tóc quăn của anh Ðiền rũ xuống trán hệt như bờm ngựa. Mặt anh trông dàu dàu, chẳng rõ vì mệt hay vì không thể điền thêm đôi lời tình tứ vào lá thư gửi chị Ngà.

Ông tôi nai nịt gọn gàng đang ôm tráp thuốc đứng trước hiên nhìn ra. Chắc anh Ðiền lại sắp chở ông đi thăm bệnh.

Tôi nhón gót đi vòng sau lưng ông, định lướt về phía cửa ngách đầu nhà với ý định liếc xem ông có đánh rơi điếu thuốc Bastos nào trên đầu giường ngủ hay không. Nhưng tôi mới lách qua được hai gốc cột, dì Miên đã trông thấy.

- Trường! – Dì Miên gọi giật.

- Dạ!

Tôi lên tiếng nhưng vẫn đứng yên tại chỗ.

- Lại đây bảo!

Ngần ngừ một thoáng, tôi thận trọng tiến từng bước về phía bàn học của dì, lòng lo âu không hiểu anh Ðiền đã nói gì với chị Ngà hay chưa.

Chị Ngà ngồi cạnh dì Miên, đang cắn bút giữa hai hàm răng trắng nõn và cười với tôi bằng mắt. Vẻ tươi tỉnh của chị khiến tôi an tâm. Chắc là chị chưa biết gì về trò tinh quái của tôi, nếu không chị đã chẳng tỏ ra thản nhiên như vậy.

Dì Miên đảo mắt khắp người tôi một hồi rồi đằng hắng:

- Sao Trường cứ chạy nhong nhong suốt, chẳng chịu ôn tập gì hết vậy?

Hóa ra dì Miên kêu tôi lại là để hạch chuyện học tập. Như trút được một gánh nặng, tôi ưỡn ngực phân bua:

- Cháu có học mà!

- Trường có học lúc nào sao dì không thấy?

Tôi chớp mắt:

- Cháu ngồi học ngoài... hè!

- Xạo đi! - Dì Miên hừ mũi - Trường chỉ chạy chơi với tụi thằng Chửng thì có!

Tôi chưa kịp nói gì thì dì đã trách tiếp:

- Trường không được chơi với tụi nó nữa! Tụi nó hư lắm!

- Tụi nó hiền khô à! - Bất giác tôi buột miệng.

Dì Miên gõ cán viết xuống bàn:

- Trường còn bên tụi nó nữa hả! Hôm qua tụi nó lượm đất chọi anh Ðiền tối tăm mày mặt mà Trường bảo hiền!

Lời tố cáo của dì Miên khiến tôi điến người. Hóa ra hai tên yêu quái này đã giở trò mà không báo cho tôi biết. Khi nãy tôi gặp Chửng anh, chẳng nghe nó nói gì. Tự dưng tôi bỗng đâm lo. Nếu anh em thằng Chửng cứ tiếp tục “ủng hộ” tôi theo kiểu này sẽ có ngày ông tôi lôi tôi ra đánh cho bét đít.

Tôi vừa sợ lại vừa ngạc nhiên. Tôi không ưa anh Ðiền đã đành, còn tụi thằng Chửng chẳng có lý do gì sao cũng ghét anh quá thể! Nghĩ ngợi một thoáng, tôi nói:

- Chắc anh Ðiền làm gì tụi nó!

Nhưng lời bào chữa của tôi bị gạt phắt. Lần này người lên tiếng là chị Ngà. Chị nhìn tôi, lúc lắc mái tóc:

- Anh Ðiền chẳng gây sự gì hết! Chính mắt chị thấy nè! Anh Ðiền ở Bãi Cháy về, vừa băng qua rẫy mì là bị ném đất tơi bời.

Dì Miên trách móc hàng buổi trời, tôi vẫn thản nhiên nhưng chị Ngà vừa mở miệng bênh vực anh Ðiền mấy câu, tôi đã nghe máu nóng dồn lên ngực. Lòng tức uất nhưng chẳng biết làm sao phát tiết, tôi đành lỏ mắt đứng im, môi mím chặt.

Dì Miên mỉm cười đắc thắng:

- Sao? Bây giờ Trường có định nghỉ chơi vơi tụi nó ra chưa?

Tôi không trả lời dì Miên mà đưa mắt liếc về phía chị Ngà. Gương mặt chị thật xinh đẹp, cứ sáng hồng. Ðôi mắt chị nhìn tôi long lanh, nhưng chị không nói gì. Trước đây, mỗi lần dì Miên quở trách tôi, chị bênh tôi chằm chặp. Và khi chị nói “Mày đừng có ỷ lớn ăn hiếp Trường!”, dì Miên liền cười hì hì. Nhưng hôm nay, chị Ngà không nói câu nói đó nữa. Bây giờ, chị chẳng buồn bênh tôi. Chị chỉ bênh anh Ðiền.

Càng nghĩ, tôi càng thấy trời đất tối sầm. Một nỗi buồn mênh mông kéo theo nỗi cô đơn hờn tủi lướt ngang trái tim tôi. Và sau cùng là cơn thịnh nộ vô cớ ngập lòng. Tôi nghe tiếng tôi hét lên, hung hãn nhưng yếu ớt:

- Không! Dì cấm mặc dì, cháu cứ chơi!

- Này, này...

Dì Miên sửng sốt buột miệng và chồm người tới nhưng dì chưa kilp tóm lấy vạt áo tôi thì tôi đã ở ngoài hè và sải nhanh về phía cuối vườn. Lát sau, tôi đã nằm bó gối trong đụn rơm và ngủ ngon lành với cọng cỏ trên môi và vệt nước mắt chưa kịp khô trên má. Hệt như một đứa trẻ bị bỏ rơi.

— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.