Mình có đôi lời muốn nói, mấy hôm nay mình rất vui vì truyện mình edit đã có thêm nhiều bạn biết đến, mình rất biết ơn từng lượt view, lượt vote của các bạn, cả bình luận mình cũng đọc được hết rồi và cảm ơn rất nhiều vì mọi người đã ủng hộ mình ^^
Sẵn đây thì mình xin báo lịch up truyện luôn, xin lỗi vì mình quên không thông báo ngay từ đầu nên có một số bạn đã hỏi, mình đã rep các bạn rồi tuy nhiên mình không thích bị hỏi vấn đề này lắm nên sẽ nói từ chương này nha, dìa sau bạn nào hỏi lại đừng trách sao mình block à 😎 còn nhắc nhở chính tả, câu cú hay gì đó thì cứ cmt cho mình biết để sửa nhưng hãy lịch sự giúp mình nhé!
➡️ Hiện tại mình đang edit đến chương 29 rồi, nếu mình vẫn giữ được tốc độ edit ổn định thì 1 ngày/chương, nếu không thì tầm 2-3 ngày/chương, còn hôm nào mà mình dui dẻ không quạo thì sẽ up một lần 2 chương luôn ạ hihi ^^
Thế thôi à, cảm ơn các bạn vì đã đọc hết mấy lời lê thê của mình, chúc mọi người đọc truyện vui vẻ!
Min.
==
Cuối tháng 7, dịch trạm Hoài Nam, Từ Châu.
Đêm khuya, có phòng vẫn còn sáng đèn, ở bên trong là Giám sát Ngự sử Chương Tòng Lộ trở về quê hương thăm người thân, lúc này đang cúi đầu trước bàn, tay viết thoăn thoắt: "Nghe tin An phủ sứ Hoài Nam – An Hoài Đức ưa thích vui chơi tiêu khiển, tụ tập tiệc tùng, bên trên sai thần theo dõi, thần kính cẩn nghe lệnh. Thần đã dò hỏi dân gian, tiểu thương tôi tớ ra vào, phát hiện bến tàu ở đây rất vắng vẻ, thuyền bè lui tới lác đác, lại nghe nói bên bờ đê hay phát ra tiếng leng keng, ngày đêm không ngừng nghỉ. Hỏi ngư dân bên sông, ngư dân bèn than thở, nói đây là ba dặm đê dài ngày sửa đêm dỡ, đang trong quá trình xây cất một ti phủ gạch vàng đá bạc đẹp đẽ. Hóa ra An phủ sứ Hoài Nam liên kết với Đô thủy giám lấy lý do tu sửa đê điều, chiếm riêng ngân lượng trị thủy được phân phát hàng năm, ban ngày sửa đê ban đêm lại dỡ ra, ngày qua ngày nối dài, tiêu phí ngân lượng dự trữ để tạo ra một Cung A Phòng (*)!"
(*) Cung A Phòng (阿房宫) (hay còn gọi là cung A Bàng) là một tổ hợp cung điện lớn do Tần Thủy Hoàng cho xây dựng vào năm 212 TCN. Cung điện này nằm ở phía nam sông Vị, cách thành cổ Trường An, nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, hơn 30 km về phía tây. Mục đích xây dựng cung A Phòng là vì "chỉ cung điện chính chưa đủ, cần có cung điện mới" và "cần biểu trưng sức mạnh sau khi sáu nước được thống nhất".
"An phủ sứ Hoài Nam – An Hoài Đức đã phụ Thánh ân, thần là đồng niên cảm thấy vô cùng hổ thẹn! Tài chính triều đình eo hẹp, thân là nhân thần, không nghĩ đến việc giúp quân phân ưu mà còn cậy quyền mưu lợi riêng, thần cảm thấy cực kì trơ tráo!"
Đầu tháng tư năm nay, có quan địa phương tố cáo An phủ sứ Hoài Nam – An Hoài Đức thích hưởng lạc, thường xuyên mở tiệc chiêu đãi tân khách, không quản quân vụ, vừa hay Giám sát Ngự sử Chương Tòng lộ xin nghỉ về quê, lộ trình phải đi qua Hoài Nam Từ Châu, Nguyên Thú đế liền lệnh cho ông tiện đường theo dõi điều tra An Hoài Đức.
Chương Tòng Lộ vốn chỉ định điều tra xem An Hoài Đức có phải là không làm tròn nhiệm vụ hay không, nào ngờ lại tra được cả tội tham ô đường sông.
Hàng năm triều đình chi ngàn vạn lượng dùng để quản lý Hoàng Hà, chi cho Hoài Nam ít nhất một hai thành (*), An Hoài Đức nhậm chức gần năm năm, nếu như năm nào gã cũng tham ô, có ít cũng phải đến sáu trăm vạn lượng.
(*) Một thành tương đương với 10%
Hoàng Hà chuyển dòng, đoạt Tứ nhập Hoài, đường sông mấu chốt ở Hoài Nam Từ Châu, Phi Châu to đến thế mà lại dễ dàng bị nhấn chìm, khó có thể nói không phải do An Hoài Đức tham ô ngân lượng, bỏ bê việc tu sửa đường sông và đê điều.
Tuy rằng lũ lụt là thiên tai nhưng cũng có một phần do người, Chương Tòng Lộ phát hiện ra sự thật bèn báo ngay cho Nguyên Thú đế, vì vậy vừa đặt chân đến dịch trạm liền viết ngay một phong thư, đóng gói kín lại rồi định gọi người ra roi thúc ngựa đưa về Kinh đô.
"Người đâu!"
Chương Tòng Lộ kêu lên, một lúc lâu cũng không thấy ai đáp lại, ông nảy lòng nghi ngờ, bước ra cửa thăm dò, kết quả vừa ra khỏi hành lang đã nhìn thấy người hầu bị sát hại.
Chương Tòng Lộ kinh hãi không thôi, dù có muốn hay không cũng quay đầu chạy trốn, nhưng sát thủ chờ ông đã lâu, hạ một nhát dao cứa đứt cổ, rút thư mật báo ra đốt cháy thành tro.
Chỉ trong khoảnh khắc, dịch trạm tiêu tan trong biển lửa, thi thể và bí mật cùng lúc bị tiêu hủy.
***
Chiết tử đưa tin dịch trạm Hoài Nam Từ Châu và Giám sát Ngự sử Chương Tòng Lộ chết cháy trong biển lửa đến trước án của Nguyên Thú đế đã là năm ngày sau. Nguyên Thú đế xem xong, đè chặt chiết tử xuống án, vô cùng thổn thức, cảm thán: "Chết trong biển lửa, hủy thi diệt tích, khá lắm An Hoài Đức!"
Đại thái giám tiến tới thêm trà, cẩn thận bẩm: "Bệ hạ, Khang vương cầu kiến."
Nguyên Thú đế: "Mau cho hắn vào."
Chỉ chốc lát sau, Khang vương vào điện hành lễ, quan sát vẻ mặt Nguyên Thú đế xong mới nói: "Sắc mặt bệ hạ không tốt, là vì mấy ngày gần đây gặp phải khó khăn vì trận lũ Hoàng Hà sao?
Nguyên Thú đế: "Lũ lụt Hoàng Hà là một chuyện, lòng người khó dò lại là chuyện khác."
Khang Vương: "Sao thế?"
Nguyên Thú đế đưa chiết tử cho ông xem: "Đệ xem thử đi."
Khang vương cầm chiết tử lên xem nhanh như gió, biểu cảm trở nên nghiêm túc, mày chau lại: "Là An Hoài Đức làm?"
Nguyên Thú đế: "Trẫm sai Chương Tòng Lộ bí mật điều tra An Hoài Đức, lại có chuyện trùng hợp như ông ấy sẽ chết trên đường đi hay dịch trạm bị cháy được sao?"
Khang vương: "Giết người diệt khẩu, xem ra Chương Tòng Lộ đã tra ra được gì rồi. Nếu không tìm cách triệu An Hoài Đức hồi kinh đi?"
Nguyên Thú đế: "Hoài Nam tổn thất nặng nề, nếu tùy tiện triệu hồi An Hoài Đức sẽ dễ dàng làm lòng người dao động. Trước tiên cứ để đó. Phái người đi quan sát, ta nhớ Chuyển vận sứ Hoài Nam là Tư Mã Kiêu phải không?"
Khang vương: "Vâng, là người nhà họ Tư Mã của Hoàng hậu. Thần đệ nghe nói Ngũ hoàng tử có quan hệ mật thiết với An Hoài Đức, An Hoài Đức từ lâu đã thuộc Thái tử đảng, hơn nữa Chuyển vận sử là người họ Tư Mã, có thể nói toàn bộ Hoài Nam đều nằm trong tay Thái tử."
Môn sinh của Tần vương phát triển nhiều tại Giang Nam, với độ sầm uất và sung túc đủ đầy của mình, Hoài Nam cũng có thể sánh ngang nó đã bị Thái tử thu về làm vật trong túi, phí tâm làm ăn và xem nơi này như một công cụ để chống lại sự phân bố quyền lực của Tần vương ở Giang Nam.
"Mấy đứa con trai của trẫm, bàn về kẻ có tài trị nước thì chẳng có ai, bàn đến bè lũ xu nịnh, kết bè kết phái thì đứa này thông minh hơn đứa nọ. Quốc gia còn chưa giao đến tay, chúng nó đã vội lôi kéo đại thần xếp thành hàng để diệt trừ phe đối lập, không thèm quan tâm sống chết của bách tính, trẫm thấy không cần chờ đến trăm năm đâu, cơ nghiệp Đại Cảnh sớm muộn gì cũng sẽ bị chúng gieo đầy tai họa thôi!"
Lời này nghiêm trọng, Khang vương không dám tiếp lời cũng không dám khuyên can, tạm thời giả điếc.
"Thái tử làm việc thế này, không thiếu công của Hoàng hậu và Tư Mã gia. Thế gia thanh quý... Hừ! Đến cả Cấm quân trong cung Hoàng hậu cũng dám nhúng tay, gánh nổi cái tiếng nữ tử thế gia thanh quý sao?
Khang vương chắp tay đáp: "Hiện tại trách cứ Thái tử cũng không làm nên chuyện gì, phải giải quyết nạn lụt ở Hoài Nam trước, sau đó hãy nghĩ cách làm tan rã thế lực bền chắc không thể phá được của Thái tử và Tư Mã gia ở Hoài Nam. Thần đệ nhớ Hình ngục sứ Hoài Nam là do thần đệ đích thân chọn ra trong kì thi Hội, cũng là môn sinh của thần đệ, có thể lệnh cho hắn để ý nhiều hơn, tìm cách điều tra cái chết của Chương Tòng Lộ."
"Cũng được." Nguyên Thú đế nói: "Trẫm còn phải ra lệnh Trịnh Sở Chi* tạm thời điều nhiệm Chuyển vận phó sứ Hoài Nam, Tri phủ Dương Châu – Tiêu Vấn Sách đề cử tạm thời kiêm nhiệm Thường bình sứ Hoài Nam!"
(*) Cho ai không nhớ thì Trịnh Sở Chi là cậu của Tần vương.
Khang vương kinh ngạc: "Trịnh Sở Chi, Tiêu Vấn Sách? Thần đệ nhớ không lầm, Tiêu Vấn Sách là tiến sĩ năm Nguyên Thú thứ mười một, lần đó Lô tri viện lại vừa vặn là chủ bút, ông ta cũng là cha của Thái tử phi... Đây chẳng phải là đưa người của bọn họ đến Hoài Nam rồi sao?"
Nguyên Thú đế: "Nhét người của chúng vào, để chúng tin rằng trẫm không hề hoài nghi mà vẫn ủy thác tín nhiệm chúng. Đề bạt Trịnh Sở Chi là để trấn an, cũng là để cảnh cáo, dù sao thì rồng khó thắng được rắn địa phương, huống chi chỉ là tạm thời điều nhiệm thành Chuyển vận phó sứ để gã có thể ở lại Hoài Nam, ở trong đại bản doanh của chúng thì có thể xảy ra sóng gió gì? Chỉ cần để cho bọn chúng tin rằng tình thế không thể bị lật ngược thôi là được."
Khang vương: "Nhưng Trịnh Sở Chi cũng không phải kẻ ngu, gã biết rõ vào đó chính là vào đầm rồng hang hổ, chẳng lẽ sẽ không bo bo giữ mình hay sao?"
Lúc này tâm tình của Nguyên Thú đế đã không quá tệ nữa, lão chắp tay sau lưng lắc đầu nói: "Ngược lại, Trịnh Sở Chi tuyệt đối sẽ không bo bo giữ mình, gã giống như con rắn độc vậy, đợi được thời cơ sẽ cắn chết cần cổ Hoài Nam. Tuy Tần vương không phải là trữ quân được chọn khiến cho bọn chúng hài lòng nhưng cũng là mối làm ăn mà chúng phí tâm phí sức, mối Giang Nam đã bị ta nhổ tận gốc, Trịnh Sở Chi làm sao nuốt trôi cục tức này được."
Khang vương như có điều suy nghĩ, mơ hồ hiểu ra gì đó, từ trong thâm tâm bội phục thủ đoạn mà Nguyên Thú đế đã mưu tính.
"Cứ để cho chúng đấu đi. Đấu cho đến khi một mất một còn mới được."
***
Phủ Ngũ hoàng tử.
Nhận được tin từ Hoài Nam, Ngũ hoàng tử xem xong thì không nói nên lời.
Sắc mặt Thái tử cực kì khó coi: "Đệ làm việc còn để lại cái đuôi, cũng may lần này phát hiện kịp thời, sớm giải quyết Chương Tòng Lộ, nếu không mối làm ăn ở hai tỉnh Hoài Nam, Kinh Đông hai ta khổ tâm đã uổng phí mất rồi!"
Ngũ hoàng tử có hơi hổ thẹn: "Đệ viết thư mắng cái tên An Hoài Đức, còn chẳng phải tại hắn bình thường lãng phí phô trương không biết tém lại, bị người ta vạch trần khiến phụ hoàng để ý sao."
"Đệ còn chưa nhận ra vấn đề à? Thử nhìn xem lần này lũ tràn Hoài Nam, biết bao nhiêu bờ đê bị nhấn chìm? Bốn kênh thủy vận phương Bắc đều nằm trong tay đệ còn chưa đủ cho đệ gom tiền hay sao mà phải đụng tới bạc dùng sửa đê!"
"Nhị ca, đệ, đệ cũng không ngờ cửa sông bị vỡ, năm trước lũ lên chỉ làm ngập đồng ruộng, không đến nỗi san bằng đất đai, ai biết năm nay lại Hoàng Hà lại đột nhiên chuyển dòng chứ!" Lòng Ngũ hoàng tử đã hoảng loạn, oán giận nói: "Chuyện này thật kì lạ, Hoàng Hà trăm năm không chuyển dòng đột nhiên lại thay đổi, Hoài Nam trước kia chưa từng ngập nước cũng bị ảnh hưởng, bằng không sao chuyện tham ô bạc sửa sông lại bị phát hiện được!"
"Đệ bớt nói vài câu đi!" Thái tử tiếc rèn sắt không thành thép, bất đắc dĩ nói: "Cũng may Hoài Nam là địa bàn của chúng ta, có An Hoài Đức ở đó, không xảy ra chuyện lớn đâu."
Ngũ hoàng tử hỏi: "Nhưng phụ hoàng cố tình phái Trịnh Sở Chi đến có phải là cố tình chỉnh đốn Hoài Nam không?"
Thái tử: "Là cảnh cáo, nhưng không thật sự muốn chỉnh đốn. Phụ hoàng còn phái cả Tiêu Vấn Sách, ông ta là môn sinh của Lô tri viện, cũng coi như là người của ta, đến lúc đó dặn Tư Mã Kiêu, An Hoài Đức mời gã đến tiệc rượu lôi kéo chút là được. Phụ hoàng phái gã tới là để khiến chúng ta an lòng, nói rõ rằng người còn tin tưởng chúng ta. Nhưng phái Trịnh Sở Chi vừa có trấn an cũng vừa để cảnh cáo. Dù sao cũng chỉ là điều nhiệm tạm thời, không có căn cơ gì, không gây ra sóng lớn được, nếu thật sự muốn chỉnh đốn Hoài Nam thì sẽ thẳng thắn nói cho chúng ta biết người phái một tên địch đến chỗ ta hay sao? Thuyên chuyển Trịnh Sở Chi cũng có ý nhắc nhở ta, rằng hắn nhất định sẽ nhân cơ hội này gây hấn nhưng không làm ầm lên được. Trịnh Sở Chi sẽ không dám một mình cắn chết Hoài Nam, hắn không dám."
Ngũ hoàng tử: "Phụ hoàng phái một lần hai người đến, nhiều ý đồ vậy sao?"
"Đây chính là cán cân quyền lực của đế vương!" Thái tử nói: "Đừng quên, Chương Tòng Lộ phát hiện tham ô đường sông, vạch tội An Hoài Đức trước, Hoàng Hà chuyển dòng sau, nếu không nhờ Hoàng Hà chuyển dòng, Hoài Nam mắc lũ, vụ việc Chương Tòng Lộ bị thiêu chết sẽ không dễ giải quyết như vậy, chắc chắn phụ hoàng sẽ triệu An Hoài Đức vào kinh."
Ngũ hoàng tử: "Vậy đệ còn phải cảm ơn Hoàng Hà chuyển dòng sao?"
Thái tử: "Có thể nói là vậy."
Ngũ hoàng tử ngẫm nghĩ lại, thấy đúng là vậy thì cười ha ha: "Đổi cũng tốt! Ngập cũng tốt! Bây giờ dù có kì lạ thì cũng hợp lí!"
Hoàng Hà chuyển dòng, đoạt Tứ nhập Hoài, thương vong nhiều vô kể, lời ra khỏi miệng hai vị dòng dõi Thiên hoàng quý tộc này thì trở thành chuyện tốt khó gặp, thật là khiến lòng người nguội lạnh.
***
Giữa tháng tám, tuy đã khống chế được lũ lụt sông Hoàng Hà, nhưng lại phải chuẩn bị nghênh đón lũ mùa thu, sợ là ngàn dặm lại sắp sửa mắc họa,
Điều lệnh ngoại phóng* của Kỷ tri phủ đã được đưa xuống như lời Triệu Bạch Ngư đoán từ trước, ông được chuyển đến tỉnh Giang Tây làm Chuyển vận sứ, trước khi đi cần phải bàn giao công việc với Tri phủ mới nhậm chức.
(*) Ngoại phóng: Thuyên chuyển đi nơi khác làm việc.
Vì thế nên Triệu Bạch Ngư cũng bận đến mức chân không chạm đất, trời còn chưa sáng đã phải chạy đến Nha môn làm việc, ngày nào cũng đến tận giờ Tý mới có thể trở về quận vương phủ
Hoắc Kinh Đường thấy y cực khổ, mỗi ngày đều đến đón y tan tầm, thỉnh thoảng ra tay trợ giúp hoặc chỉ điểm vài câu, có thể giải quyết được không ít vấn đề khó khăn làm khổ Triệu Bạch Ngư.
Đêm nay, như thường lệ, Hoắc Kinh Đường vẫn đến đón Triệu Bạch Ngư, gõ cửa phòng làm việc của y rồi đi thẳng vào, tìm một chỗ gần đó ngồi xuống: "Còn bận à?"
Triệu Bạch Ngư ngẩng đầu nhìn Hoắc Kinh Đường một cái rồi tiếp tục chỉnh sửa tài liệu giao nhận: "Hết cách rồi, Kỷ đại nhân đi Giang Tây, phải nhanh chóng sửa lại hồ sơ xuất Nha, sổ sách năm xưa, còn có các loại giấy nợ dân, nợ bộ Công bộ Hộ, với cả khoản dư đều phải xử lí hết, nhân lúc Kỷ đại nhân vẫn còn ở Kinh đô nên làm cho xong, nếu để nợ tồn đến nhiệm kỳ kế thì người nhức đầu chính là ta đây. Tân quan thượng nhâm tam bả hỏa*, một mồi lửa đốt sạch kẻ dưới, ta là trợ thủ đắc lực của Tri phủ còn chẳng phải đứng mũi chịu sào hay sao?"
(*) Lấy từ điển tích Gia Cát Lượng sau khi trở thành quân sư cho Lưu Bị, trong một thời gian rất ngắn đã ba lần hỏa công quân Tào: mang nghĩa quan viên mới nhậm chức cần phải làm những việc tỏ rõ tài cán, đánh đòn phủ đầu, khiến cho thủ hạ tâm phục khẩu phục.
Triệu Bạch Ngư nặng nề than thở: "Không sửa thì còn đỡ, sửa rồi mới phát hiện thiếu rất nhiều nợ, khoản dư bị thiếu hụt. Nha môn không có bao nhiêu bạc, Kỷ tri phủ lại chẳng phải tham quan, nhưng bạc phát xuống hàng năm lại chẳng biết dùng vào đâu rồi vậy nên thiếu không ít tiền, ta thật sự muốn từ quan, không làm nữa đâu."
Hoắc Kinh Đường: "Nha môn không có người tính sổ sao?"
"Cũng là câu này đây, tân tri phủ vừa gặp ta đã hỏi, rõ ràng là muốn bắt chẹt ta để ra oai."
"Tri phủ mới nhậm chức tên Phùng Xuân Sơn phải không?"
"Ngươi biết à?"
"Trước đây là Tri phủ Hàng Châu, không gây sự gì lớn, nhưng ông ta là anh trai của cố Trinh phi, cậu của Ngũ hoàng tử."
"Họ ngoại à. Lại là Ngũ hoàng tử, cuối cùng cũng hiểu tại sao lại ghim ta rồi." Triệu Bạch Ngư rõ ràng: "Tri phủ Kinh đô liên quan đến trị an kinh kỳ, sao bệ hạ lại đồng ý để cho một kẻ không có bản lĩnh gì đảm nhiệm vậy?"
"Không làm nổi được bao lâu."
Triệu Bạch Ngư nhíu mày, ít nhiều gì Hoắc Kinh Đường cũng biết nội tình, nhưng thấy hắn không muốn nói thêm nữa, y cũng chẳng hỏi nhiều.
Hoắc Kinh Đường: "Nha môn thiếu tiền là chuyện thường xảy ra, lửa không đốt lên đầu ngươi, ngươi cũng không ra tay giải quyết được."
Triệu Bạch Ngư đảm nhiệm chức Phán quan phủ Kinh đô rồi đến Thiếu doãn, tính tới tính lui cũng mới ba năm, lần đầu biết được chuyện Nha môn thiếu hụt là chuyện thường gặp, y bèn vội hỏi Hoắc Kinh Đường: "Nghĩa là sao?"
Hoắc Kinh Đường cúi đầu nghịch chiếc khăn tay cũ trên cổ tay: "Gần đây tiểu lang không đeo Phật châu ta tặng nữa, là vì không thích à?"
"Không phải, ta rất thích!" Triệu Bạch Ngư nhanh chân chạy đến ngồi cạnh bên Hoắc Kinh Đường, nắm bàn tay hắn dụ dỗ: "Nhưng ngày nào ta cũng phải thẩm vấn phạm nhân mà đúng không? Chỉ sợ máu me làm mất Phật tính, dù sao cũng là do ngươi tặng nên ta phải quý trọng chứ."
Hoắc Kinh Đường giương mắt nhìn y chằm chặp, sau đó móc một cái túi đựng vòng Phật giống hệt như vậy từ trong tay áo ra nói: "Ta sẽ làm một cái hộp."
Triệu Bạch Ngư: "..." Rốt cuộc ngươi yêu thích Phật học đến mức nào vậy?
Triệu Bạch Ngư nhận lấy Phật châu rồi quấn vòng lên cổ tay, y lẩm bẩm: "Thích Phật học thì không cần thanh tâm quả dục sao?"
Hoắc Kinh Đường vỗ lên mu bàn tay Triệu Bạch Ngư: "Phải thành tâm, đừng nói bậy."
Mê tín.
Triệu Bạch Ngư sờ tua rua trên Phật châu, hỏi: "Sau này ngày nào ta cũng đeo, bây giờ ngươi nói được chưa?"
Hoắc Kinh Đường: "Nha môn thiếu hụt là chuyện thường gặp, Nha môn phủ Kinh đô lại là một nơi tốt, dù gì cũng nằm ngay dưới chân Thiên tử, có thể tới bộ Hộ khóc nghèo, có thể mượn tiền trong kho, còn có thể thu quà biếu từ huyện nha bên dưới, bao nhiêu cũng có thể bù vào khoản dư khó coi đó. Còn mấy huyện nha ở dưới hay mấy nơi xa một chút, như huyện nha Tây Bắc kia kìa, nghèo đến mức cái trống nát ba năm cũng không có tiền mà sửa."
"Sao vậy?"
"Tồn lưu quá ít." Hoắc Kinh Đường nói: "Lúc Đại Cảnh khai quốc còn quá nghèo, cái gì cũng cần dùng tiền, vốn khích lệ buôn bán là để phát triển kinh tế, dù đã giao lưu buôn bán với một đám phú thương, bách tính mà triều đình nghèo vẫn hoàn nghèo. Không thì tiền từ đâu ra? Thu thuế. Nhưng thuế cũng không thể quy định quá cao, nếu không thì quá khắc nghiệt. Tóm lại, địa phương thu thuế xong phải đóng tám, chín thành, gọi là 'khởi vận', còn giữ lại một hai thành làm kinh phí sử dụng tại dịa phương, gọi là 'tồn lưu'."
Triệu Bạch Ngư đã nhận ra được vấn đề nằm ở chỗ: "Một hai thành thì cũng ít quá rồi."
Kinh phí cần dùng ở địa phương rất nhiều, ví dụ như tu sửa Nha môn, phát bổng lộc cho quan lại, người làm ở Nha môn, nếu gặp phải thiên tai nhân họa như sơn phỉ khởi nghĩa hay lũ lụt động đất, nạn châu chấu vân vân, thì đều cần chi tiền, một hai thành thuế tồn lưu căn bản chẳng đủ dùng.
"Cho nên chỉ có thể dùng tiền của công nộp thuế, vậy thì sẽ xuất hiện thiếu hụt. Ngươi xem thử ghi chép hạng mục thiếu hụt đi, rõ ràng dùng vào chuyện công, có thể giao cho Tam ty để bọn họ bồi hoàn cho ngươi. Có điều bộ Hộ do lão Ngũ quản lí, có thể sẽ đẩy chiết tử bồi hoàn của ngươi về."
"Không phải có thể, mà là chắc chắn." Triệu Bạch Ngư: "Lỗ bảy mươi ngàn lượng, lần trước chính miệng Ngũ hoàng tử đồng ý phát xuống năm mươi ngàn lượng, có thể miễn cưỡng bổ sung vào chỗ thiếu. Nhưng chỉ từng đó cũng không thể giải quyết sổ nợ của hai mốt huyện bên dưới."
Dừng một chút, Triệu Bạch Ngư lại hỏi: "Không đúng, ngươi nói thiếu hụt là chuyện thường... Chẳng lẽ quan ngoài tỉnh cũng nuốt riêng tiền chung? Nếu không vì lẽ gì lại không thanh toán?"
"Nuốt riêng cũng có, đa số là dùng vào việc công, nhưng bộ Hộ đều sẽ trả chiết tử của bọn họ về, từ xưa đến nay, bồi hoàn khoản ghi sổ sách là một vấn đề cực kì khó khăn, đến cả mấy người Triệu Bá Ung muốn làm cũng sẽ đau đầu thôi. Một là khi bồi hoàn Tam ty phải thu thêm tiền trà nước và phí vay tạm, cái này gọi là 'bộ phí', hai là quốc khố sẽ thiếu hụt nghiêm trọng."
Hoắc Kinh Đường lười biếng tựa vào ghế, hé lộ tường tận bí ẩn không được công khai của quan trường cho Triệu Bạch Ngư nghe: "Tài chính quốc gia vẫn luôn thiếu hụt, từ khi khai quốc đến nay, trong thì có thiên tai nhân họa, ngoài thì có cường địch, Đột Quyết, Đại Hạ và Nam Cương đều là kẻ thù đánh mãi không chết, dường như năm nào cũng chinh chiến, chi phí quân đội cũng căng thẳng. Phần lớn tiền bạc đều chi cho quân đội dẫn đến quốc khố hao hụt, cũng bởi vì thuế thu được nộp lên đến tám, chín thành, vậy nên bên dưới và các nhánh triều đình cũng thiếu, để giải quyết phần thiếu đó thì Thiên tử đã nhiều lần phải dùng đến tiền trong kho riêng của mình để bù vào, không nói là cho, chỉ nói cho 'mượn'."
"Ai mượn? Tể tướng tam ty lưỡng phủ đều mượn, bọn họ mượn dùng cho chuyện công, dùng để hỗ trợ thiên tai, làm nền móng thi công, dùng vào quân vụ, các nhánh cũng tới mượn, thành ra đến lượt Nha môn thiếu, các bộ thiếu, đến cùng quốc khố và kho riêng đều chẳng còn đồng nào."
"Không thể thay đổi sao?"
"Thể chế cồng kềnh phiền toái, nếu tìm cách thay đổi nhất định sẽ đụng vào lợi ích của một vài người, vẫn luôn có kẻ lợi dụng những sơ hở này để hốt bạc trắng trợn, tham ô vào các danh mục tiền công mà quốc gia dùng cho dân, cần có người đứng ra ngăn cản. Cắt bỏ bộ phí này là sẽ ngăn được đường tiền của một đám người. Bệ hạ mở cửa phát triển chợ đêm, cũng là gửi gắm hy vọng rằng khi hàng hóa, kinh tế phát đạt là có thể cải thiện được vấn đề tiền bạc."
Hoắc Kinh Đường chợt hỏi: "Ngươi bảo còn thiếu hai mươi ngàn lượng phải không?"
Triệu Bạch Ngư: "Hơn thế nữa. Mức thâm hụt của các huyện còn chưa tính đâu."
Hoắc Kinh Đường ngoắc ngoắc ngón tay: "Ta dạy ngươi cách đòi tiền."
Triệu Bạch Ngư kề tai lại gần nghe Hoắc Kinh Đường rỉ rả đôi câu, ánh mắt sáng lên: "Ngươi đúng là gian xảo." Y đẩy cánh tay Hoắc Kinh Đường, trêu chọc hắn: "Cả Kinh Đô này đều nghĩ ngươi chỉ nên đi đánh giặc, tính tình cũng hung ác ngang tàn đến thế, nào ngờ ngươi lại biết diễn như vậy?"
"Hàng năm nếu muốn đòi tiền, đòi lương, đòi quân tư đều phải giao thiệp với Tam ty, nếu không biết diễn thì đã chết sớm ở Tây Bắc rồi."
Thật ra thì Hoắc Kinh Đường cũng có tiền, tuy nhiên phân nửa đã tiêu hao cho quân Tây Bắc, chỉ còn dư lại một ít dùng để chi tiêu hằng ngày ở quận vương phủ, một ít dùng làm sính lễ, kho bạc nho nhỏ của Triệu Bạch Ngư cũng vì thế mà đầy thêm một chút, nhưng ở bên ngoài y cũng đã chi tiêu rất nhiều.
Hoắc Kinh Đường còn nuôi dưỡng một thôn lính giải ngũ đã già, Triệu Bạch Ngư thì cất một cái nhà dạy trẻ, thu nhận trẻ em mồ côi và tạo công ăn việc làm cho phụ nữ, chỉ có thể nói rằng hai nơi này như là thú nuốt vàng, vậy nên kho bạc trong phủ không thể tùy tiện đụng vào.
Huống chi cái chỗ rách của vấn đề Nha môn thiếu hụt, cần phải dùng bạc trong kho riêng để bù vào không thể để Triệu Bạch Ngư tự tay xé toạc ra, một khi xé to ra, đắc tội tất cả các quan trong lẫn ngoài kinh, thì đều sẽ không còn cách nào lăn lộn trong quan trường nữa.
Hoắc Kinh Đường: "Vi phu giúp ngươi giải quyết vấn đề khó, có phải tiểu lang cũng nên giúp ta giải quyết nỗi khốn khổ hay không?"
Triệu Bạch Ngư lườm hắn một cái: "Ngươi có thể nào học Bồ Tát tu thân dưỡng tính chút không, đừng có suốt ngày đòi làm chuyện người ta không thể nhìn."
Hoắc Kinh Đường nhìn y chằm chặp, tròng mắt lưu ly xinh đẹp trái lại biểu hiện một cảm xúc rất giả.
Triệu Bạch Ngư hơi căng thẳng: "Giận rồi à?"
Hoắc Kinh Đường chậm rãi đáp: "Ta đói rồi, chỉ mong ngươi nhanh lên một chút rồi cùng ta về nhà ăn cơm thôi. Nói thật xem nào, có phải vì thời gian này không thư thả, bức bối quá nên tiểu lang muốn làm không? Muốn thì cứ nói đi, vì đây là chức trách mà người làm chồng là ta đây không thể thoái thác."
"..." Triệu Bạch Ngư tiện tay cầm tập hồ sơ ném sang: "Xin ngài hãy im miệng đi!"
Yên lặng mấy giây, y mới nói tiếp: "Đợi ta chỉnh lý hồ sơ người cuối cùng này là xong rồi."
Da đầu y vì câu nói kia mà tê dại, gò má còn hơi nóng lên, Triệu Bạch Ngư ho khan hai tiếng, phải thừa nhận cơ thể của y thật sự hơi có cảm giác thực tủy tri vị.
Ổn định tinh thần một chút, Triệu Bạch Ngư lại nghiêm túc xem hồ sơ, đó là một vụ án vào nhà cướp bóc giết người ở huyện Giang Dương, Dương Châu, chủ mưu đã bị bắt, huyện địa phương, châu và tỉnh đều phán xử tử hình, án được trình lên bộ Hình và Đại lý tự để đưa ra phán quyết cuối cùng hoặc giữ nguyên án tử, bởi vì khoảng thời gian trước chấn chỉnh đại ngục, bộ Hình và Đại lý tự không có phòng giam trống, vậy nên đã đưa phạm nhân tới giam ở đại lao Kinh Đô, qua hai ngày nữa mới đưa đi xử chém.
Tam đường hội thẩm, kết quả vẫn không thay đổi, vụ án được giải quyết dứt khoát, Triệu Bạch Ngư tô một dấu đỏ ở cuối hồ sơ.
Triệu Bạch Ngư đi đến bên cạnh Hoắc Kinh Đường, hai tay rụt vào trong áo, cười dịu dàng, "Về nhà thôi." Dưới ánh đèn, làn da y trơn mịn, tựa như có thể phát sáng lên.
Hoắc Kinh Đường vươn tay nắm tay y, ống tay áo rộng phủ lên hai bàn tay đang nắm chặt lấy nhau.
***
Ngày hôm sau, Triệu Bạch Ngư liền kêu người triệu hai mươi mốt Huyện lệnh Kinh đô đến, lệnh cho bọn họ tính toán kĩ càng, báo toàn bộ tất cả các khoản thiếu hụt của năm trước lên, sau đó cho người gọi là toán phòng tiên sinh dò lại một lần nữa, bỏ đi một vài sổ sách dễ bị tra ra vấn đề, chỉ để lại những sổ có thể dùng để làm lớn chuyện trước.
Tri phủ vừa nhậm chức họ Phùng, lúc này đang tìm Triệu Bạch Ngư hỏi: "Sổ sách thế nào rồi?"
Triệu Bạch Ngư đem sổ sách đến giao cho Phùng tri phủ: "Mời ngài xem."
Phùng tri phủ liếc nhìn sư gia (*) sau lưng, sư gia nhận lấy sổ sách xem một lượt, cúi người nói nhỏ bên tai Phùng tri phủ mấy câu, mặt lão lập tức biến sắc, nổi giận với Triệu Bạch Ngư: "Triệu thiếu doãn, ngươi nói thử ta xem, Kỷ đại nhân nhậm chức cũng chỉ mới năm năm, sao sổ sách hụt mất hơn một trăm ba mươi ngàn lượng thế kia?"
(*) Sư gia: trợ lí mời làm riêng không có trong biên chế
Triệu Bạch Ngư: "Đại nhân có điều không biết." Y nói lý do ra.
Phùng tri phủ: "Vì sao lại không đến bộ Hộ thanh toán?"
Triệu Bạch Ngư tỏ vẻ khó xử: "Đại nhân, chuyện... Chuyện này thật sự rất khó khăn —— "
"Khó khăn cái gì?! Cả Kinh Đô này có Nha môn nào mà không theo nề nếp đến bộ Hộ thanh toán? Bộ Hộ không thanh toán cho chỗ nào? Đừng tưởng rằng ta không biết những mánh nhỏ này của các ngươi, chắc chắn là do lười biếng làm việc rồi! Triệu Bạch Ngư ta nói cho ngươi biết, thứ người như ngươi ta gặp nhiều rồi! Bây giờ ngươi hãy cầm những sổ sách này đến Tam ty, bộ Hộ báo tiêu đi, nếu không cân bằng sổ sách lại được thì khỏi về đây nữa!"
"Không được đâu —— đại nhân làm khó hạ quan rồi, ai ai cũng biết đến tìm bộ Hộ thanh toán khó không thua gì lên trời, đều là xí xóa khoản nợ mỗi năm một chút, ai mà chịu xóa một lần một khoản nợ bốn năm, một trăm ba mươi ngàn lượng trong nay mai? Chuyện này... Hạ quan thật sự không làm được, cầu xin đại nhân ngài đừng gây khó dễ cho hạ quan —— "
"Đại nhân ta nào có gây khó dễ cho ngươi." Phùng tri phủ nói: "Ngươi có biết trước đây ta ở đâu làm việc gì không?"
Triệu Bạch Ngư lắc đầu: "Không biết."
Phùng tri phủ: "Ta là Tri phủ Hàng Châu, làm việc rất tốt, chưa bao giờ để bị thiếu hụt khoản nào nên mới được triệu vào Kinh đảm đương chức vụ quyền Tri phủ mà cả kinh kỳ này ao ước!"
Triệu Bạch Ngư khen ngợi: "Đại nhân lợi hại."
Phùng tri phủ: "Bớt nịnh nọt! Ta nói cho ngươi biết, đại nhân của ngươi không có nói đùa, ta chẳng sợ Lâm An quận vương, cũng chẳng sợ Tế chấp đại nhân đâu, ta mặc kệ ngươi là quận vương phi hay con trai nhà Tế chấp gì đó, ở dưới trướng ta là phải làm việc đàng hoàng, bảo ngươi đi xóa nợ thì ngươi phải làm được, nếu không thì từ quan rồi cút đi!"
"Nhưng hạ quan làm gì có tư cách đi xóa nợ, dù sao cũng là công việc của đại nhân ngài, để cho hạ quan đi, người ta lại nói "Ngươi không được, gọi đại nhân nhà ngươi đến đi", thì ta phải làm sao?"
"Sao ngươi lại ngu xuẩn vậy? Hả? Ngươi nói do ta ra lệnh không được à? Thiệt thòi cho Kỷ đại nhân cứ khen ngợi ngươi thông minh ở bên tai ta, bây giờ xem đi, chẳng biết điều gì cả."
"Phải phải, hạ quan ngu dốt."
Phùng tri phủ không nhịn được mắng: "Biến đi!"
Triệu Bạch Ngư mất hết thể diện chỉ đành lui xuống.
Sư gia đứng bên cạnh Phùng tri phủ lập tức vẫy đuôi: "Đại nhân cao siêu thật, ai cũng biết Tam ty rất khó xóa nợ, để cho Triệu Bạch Ngư đi làm, y không làm được tức là không hoàn thành nhiệm vụ, đến lúc khảo hạch thành tích cuối năm chúng ta còn có lý do để kể tội y. Nếu như y đem tiền hối lộ Tam ty, ta có thể lấy danh Ngũ hoàng tử nói trước với bên đó một tiếng, sắp đặt sẵn một con đường cho Triệu Bạch Ngư đi, vậy là thêm một tội hối lộ. Trái phải đều sai, lúc này là có thể chỉnh chết y rồi."
Phùng tri phủ cười đắc ý: "Một mưu kế nhỏ thôi, phải giúp Ngũ hoàng tử trút giận chứ! Ta còn phải đến thăm Ngũ hoàng tử và ân sư Triệu tế chấp nữa, đồ kêu ngươi chuẩn bị đã xong xuôi hết chưa?"
Sư gia: "Đã chuẩn bị xong từ sớm rồi ạ!"
Sư gia thu nụ cười lại: "Có điều Triệu Bạch Ngư là con trai ân sư của ngài, chúng ta có thể nhằm vào y hay không..."
Phùng tri phủ: "Yên tâm đi, ân sư còn hận không muốn có đứa con này cơ mà, ta chỉ giúp Ngũ hoàng tử và ân sư hả giận một lần thôi!"
Sư gia: "Nhưng mà ta nghe nói Lâm An tiểu quận vương ngày nào cũng đến Nha môn đưa đón Triệu bạch Ngư..."
Phùng tri phủ giễu cợt: "Ngươi thật sự nghĩ Triệu Bạch Ngư được cưng chiều vậy sao? E là hắn mượn cớ làm vậy là để cho bệ hạ xem, cũng để nói cho bệ hạ biết Lâm An quận vương hắn thích nam nhân, sẽ không có uy hiếp mà thôi. Hừ! Mà cứ cho rằng Triệu Bạch Ngư được cưng chiều thì sao? Một nam nhân không thể sinh con thì tự hào được đến chừng nào? Đúng là một đôi hai ghế (*), bẩn thỉu không thể ngửi nổi."
(*) Hai ghế - 二椅子: Phương ngữ Đông Bắc, hai ghế đại diện cho hai giới tính nam – nữ, với người xưa, một người thuộc hai ghế có nghĩa là nam không ra nam, nữ không ra nữ.
Hai người đã đi xa, Triệu Bạch Ngư núp ở sau tường im lặng nghe toàn bộ cuộc hội thoại, trên mặt không có biểu cảm gì.
Mắng y thì không sao, nhưng Hoắc Kinh Đường đã đắc tội gì với lão ta rồi?
Hoắc Kinh Đường mười hai tuổi ra chiến trường, hắn đã chinh chiến biết bao nhiêu năm trời vì đất nước suýt chút nữa là bỏ mạng, tên rác rưởi dựa vào nhà ngoại để lên chức như Phùng Xuân Sơn làm sao xứng nhắc đến Hoắc Kinh Đường?