Đảo Thanh Mai

Chương 2



Edit: Nguyệt Mẫn

Beta: MissTony

"Mưa chiều vừa tạnh, núi vắng không,

Trời thu bảng lảng gợn mây hồng..."

Vụ tai nạn xảy ra vào năm tôi mười tuổi, tôi nhớ khi ấy cũng là mùa hè.

Ngày đó sau khi tan học tôi cứ men theo con đường thân thuộc để về nhà, qua một đoạn vắng vẻ, tôi chợt bị thu hút bởi một tiếng kêu yếu ớt. Lần theo tiếng kêu tôi phát hiện một chú chim chỉ nhỏ bằng nửa lòng bàn tay nằm ở bụi cây bên đường, lông còn mọc chưa đủ chỉ lưa thưa vài cọng rất đáng thương.

Tôi ngước đầu nhìn khắp nơi, cuối cùng phát hiện tổ của chú chim trọc này được giấu bên dưới một tán cây um tùm khó thấy. Chắc hẳn nó đã rơi từ trên kia xuống. May mà rơi vào chỗ đất bùn mềm mại lại được đệm bằng cỏ xanh nên may mắn thoát chết.

Bảo vệ động vật là trách nhiệm chung của mỗi người. Điều đó được giảng dạy ngay tại các bậc mầm non và năm tôi mười tuổi ngô nghê ấy đã tin tưởng mà chả nghi ngờ gì. Cũng chẳng nghĩ đến chuyện nhờ người lớn giúp đỡ, tôi tự tin thả chiếc cặp sách xuống, đỡ chú chim non đang líu ríu trên mặt đất và bắt đầu trèo lên cây.

Tôi và Tôn Nhụy chơi bời cả ngày trên đảo, lên núi xuống biển phá phách không ít thế nên cũng học được chút kỹ năng. Độ cao của cây cũng không làm khó được tôi, dù hơi mất công một tẹo nhưng cuối cùng tôi đã đưa chim nhỏ về tổ an toàn.

Ngay khi còn đang hăm hở leo xuống thì chuyện không may xảy ra.

Tôi trượt chân mất thăng bằng ngã từ trên cây xuống, đầu đập xuống đất bất tỉnh nhân sự.

Lúc tỉnh lại đã được đưa vào bệnh viện, bên cạnh chỉ có mỗi mình mẹ tôi trông nom.

Thấy tôi tỉnh lại thì bà mừng rỡ ôm chầm lấy tôi, lẩm bẩm câu cảm ơn ông trời phù hộ, sau lại trách tôi làm sao nghịch ngợm như thế, leo cây té bể cả đầu.

Tôi còn định giải thích thì đột nhiên nhìn thấy trên đỉnh đầu bà có bóng trắng của hai con số --- 86.

"Mẹ ơi, trên đầu mẹ có gì kia..."Tôi chỉ vào đầu mẹ mình, vừa tỉnh dậy nên đầu óc tôi còn hơi mơ màng.

Khi tôi vừa nói dứt câu thì con số màu trắng kia lập tức thay đổi thành một màu xám nhàn nhạt, tụt xuống số 5.

Mẹ tôi phủi tóc, kinh hãi nói: "Cái gì? Côn trùng hả?"

"Không phải, là số, có hai số màu trắng, còn đổi màu được nữa..."

Tôi thì trả lời thật thà mà con số thì đột nhiên tối hẳn đi, gần như đổi thành màu đen.

Bà sững sờ nhìn tôi, càng nhìn càng sợ: "Con nằm yên đây để mẹ đi gọi bác sĩ..."

Bà vội vàng chạy ra ngoài, chưa đầy năm phút đã có một số người mặc áo blouse trắng đi vào phòng bệnh, đỉnh đầu của người nào cũng có một con số giống mẹ tôi chỉ khác nhau về màu sắc.

Bọn họ vây quanh tôi kiểm tra đủ thứ, còn để y tá đẩy đi chụp CT bận rộn hơn nửa ngày thì kết quả đều rất tốt, mẹ tôi chỉ có thể tiếp tục trông nom xem ảo giác của tôi qua từng ngày có chuyển biến tốt hay không.

Bà lo lắng dắt tôi về nhà, lén gọi điện thoại cho cha tôi.

"Dư Miên bất cẩn ngã từ trên cây xuống vỡ đầu, em thấy nó không ổn, anh có thể về một chuyến được không?"

"Khám rồi, bác sĩ không thấy gì cả, nhưng... Không phải, thằng bé nói trên đầu em có... Chờ chút đã!"

Cha tôi luôn là một người bận rộn, những lúc bận bịu thì ông chẳng nói được mấy câu đã dập máy. Tôi là con ruột của ông nhưng với ông công việc mới là quan trọng nhất.

Mẹ tôi a lô mấy lần nhưng phát hiện điện thoại đã cúp, bao nỗi khó chịu bị dồn nén lâu nay phút chốc bộc phát, trong cơn tức giận bà quăng chiếc di động xuống đất.

Bà ôm mặt đứng ở nơi đó, con số trên đầu lúc thì đỏ lúc thì xanh, trị số từ hơn bảy mươi biến thành năm mươi mấy.

Khi đó tôi đã có một linh cảm rằng họ không thể cùng nhau sống đến khi đầu bạc.

Trẻ em luôn là những sinh vật thông minh, chỉ dựa vào tìm tòi của mình tôi đã nhanh chóng hiểu được quy luật của những con số đó.

Tôi dành một tuần để ghi chép kiến thức của mình, so sánh những màu sắc và con số không có chút quy luật nào. Một tuần sau mẹ đưa tôi đi tái khám, tôi đưa cuốn vở và nói cho bác sĩ biết tình huống của mình.

"Khi vui sẽ là màu trắng, bình thường mọi người đều màu trắng... Màu đen là sợ hãi, hơi sợ là màu xám, rất sợ sẽ biến thành màu đen... Màu đỏ là tức giận, màu xanh da trời là đau lòng... Những cái khác cháu còn chưa nghiên cứu ra..."

Bác sĩ kinh ngạc nhìn vào cuốn nhật ký của tôi rồi hỏi: "Trừ những con số trên đỉnh đầu cháu có thấy gì khác không? Những thứ mà trước đây cháu chưa từng thấy ấy?"

Tôi lắc đầu: "Không có ạ."

Ông ấy hỏi tôi rất nhiều vấn đề, trên hồ sơ bệnh án chi chít là chữ, trong phòng khám chỉ còn vang lên tiếng sột soạt của ngòi bút.

"Bác sĩ, rốt cuộc con tôi bị sao vậy?" Bà đặt hai tay lên vai tôi, giọng nói lộ ra sự lo âu.

"Có lẽ đã có tổn thương não khi ngã xuống ảnh hưởng đến hệ thống nhận thức của cháu bé..." Bác sĩ vội vàng trấn an khi thấy vẻ mặt không ổn của mẹ tôi, "Cô đừng quá lo, những ảnh hưởng này không nguy hiểm đến tính mạng. Cô cũng có thể tự tìm hiểu về hội chứng "Cảm giác kèm", ở nước ngoài chuẩn đoán về nó rất chính xác..."

Ông vừa nói vừa nghiêm túc viết dòng chữ "cảm giác kèm" to tướng lên giấy.

Ông kiên nhẫn giải thích cho chúng tôi, cảm giác kèm để chỉ một hiện tượng về cảm giác, một số người bệnh có sự cộng sinh của thính giác và thị giác, mỗi âm thanh họ nghe đều có mùi hương riêng.

Trường hợp của tôi thì đặc biệt hơn, khả năng đồng cảm về cảm xúc kết nối với thị giác giúp tôi có thể "nhìn" được vui buồn hờn giận của người khác.

Tóm lại đây chả phải đấng cứu thế được trao sứ mệnh cao cả gì hết. Tôi không có siêu năng lực lại càng không phải người biến dị, chỉ là đầu tôi hỏng mất rồi.

Trong hai năm đầu, giống như mẹ mình, tôi đã tin tưởng tuyệt đối lời giải thích của bác sĩ rằng tôi chỉ mắc một căn bệnh hiếm gặp mà thôi.

Nhưng thời gian dần dần trôi đi, tôi bắt đầu hiểu rõ ý nghĩa của những màu sắc và con số đó, và tôi bắt đầu hiểu được.

Ví như, cho dù cha mẹ cố gắng diễn vai vợ chồng đầm ấm trước mặt tôi nhưng thông qua những chỉ số giảm dần theo từng ngày tôi biết rằng họ căm ghét nhau, khó mà gắn bó lâu dài được.

Tôi cũng có thể dựa vào "cảm giác kèm" này mà biết được trong lớp có mấy đôi chim chuột, ai crush ai, nhưng mà tôi chả thèm quan tâm bọn họ yêu sớm từ khi nào.

Dường như khả năng đồng cảm của tôi đã mạnh đến mức có thể xuyên qua lớp da và nhìn sâu vào nội tâm họ. Chuyện này thật khó hiểu.

Nhưng chẳng để tôi kịp tìm hiểu kỹ hơn thì cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi đã đổ vỡ, sau đó mẹ đưa tôi đi, cắt đứt quan hệ với nhà họ Dư từ đó.

Sau này đến thời kỳ nổi loạn không mấy vui vẻ, tôi trở nên kỳ cục và khó gần. Càng gay go hơn là khi cơ thể trưởng thành ý thức về tình dục phát triển và tôi phát hiện ra rằng mình... thích đàn ông.

Cũng vì thế mà việc xác định liệu "Cảm giác kèm" là siêu năng lực hay đầu óc có vấn đề bị bỏ ngỏ. Đến khi mãn teen và có thể vô tư chấp nhận chuyện mình là người đồng tính, tôi cũng chả còn bận tâm việc năng lực vô hại của mình là gì nữa.

Một giây trước còn rất ổn, đèn và quạt điện vẫn chạy bình thường, một phút sau đã tối sầm lại, tất cả đồ điện đều dừng chuyển động, cúp điện cả căn nhà.

Tôi bỏ cuốn manga xuống, dò dẫm đứng lên trong bóng tối, mở chiếc đèn pin và men theo cầu thang cẩn thận xuống lầu.

"Ông ơi, cúp điện rồi, có phải đứt cầu dao không ạ?"

Đây là một căn nhà cũ xây từ khi ông tôi còn trẻ, nó đã sắp năm mươi nên điện đóm chẳng tránh khỏi hỏng hóc, lắm khi sử dụng nhiều thiết bị quá cũng làm mạch điện cáu tiết đứt chơi chơi.

Ông nội đang xem tivi ở lầu một, lúc này cũng đã tìm được đèn pin, đang thành thạo kiểm tra tủ điện phân phối.

"Để ông xem một chút nào..."" Ông mở tủ ra rồi đẩy công tắc nguồn điện lên.

Cảnh tượng sáng trưng chưa xuất hiện.

Ông lại thử hai lần nữa mới buồn bã xoay người: "Hình như đứt cầu chì rồi."

"Vậy làm sao bây giờ ạ? Có thể sửa được không ông?"

Dường như ông không nghe thấy tôi hỏi, ông tìm sang một ngăn kéo khác và miệng thì "chậc chậc" liên tục.

"Không có cầu chì." Ông khua chiếc đèn pin, ánh sáng chói lòa xoẹt qua mắt tôi một cái rồi chiếu ra ngoài cửa: "Dư Miên à, con sang nhà hàng xóm hỏi xem có cầu chì không, nhanh lên, bộ phim "Tình yêu trong cách mạng" của ông sắp chiếu rồi."

Ngoài sở thích bán trứng luộc nước trà ra thì ông còn thích theo dõi phim truyền hình, xem hết bộ này đến bộ khác, có thể xem cả đêm hệt như mấy thiếu niên nghiện net.

"Vậy ông cẩn thận một chút, con về liền đấy ạ." Cũng không biết ông có nghe thấy không, tôi giơ điện thoại lên rồi ra cửa chạy qua nhà hàng xóm.

Con đường ngoài cửa cứ mờ mờ tối, đèn đường cũng không quá sáng. Ngôi nhà bên phải thuộc về người hàng xóm quen thân nửa đời của ông tôi, tình cảm khá tốt nhưng tiếc là cửa đã đóng chặt, đèn lại chẳng sáng, dường như là không có nhà.

Tôi chỉ có thể qua nhà hàng xóm mới ở bên trái.

Lúc đi qua chiếc chuông gió treo trước mái hiên, tôi vô thức ngước lên nhìn. Dưới chiếc chuông thủy tinh hình chóp treo một mảnh giấy rộng cỡ hai ngón tay, trên giấy đó có dòng chữ đang tung bay --- Mưa chiều vừa tạnh, núi vắng không, trời thu bảng lảng gợn mây hồng.

Tôi chỉ nhìn lướt qua rồi ấn chuông cửa.

Có tiếng đi lại từ xa đến gần, khi cánh cửa trước mắt tôi mở ra, tôi đã hơi căng thẳng.

Tóc ngắn chỉnh tề, đường nét trên khuôn mặt rõ ràng. Người đàn ông mặc đồ ở nhà ra mở cửa, nhìn trong khoảng cách gần như thế vóc dáng của anh ta càng khiến người khác kinh ngạc hơn, có thể là do tập luyện nên bả vai rất rộng, dưới lớp vải còn lờ mờ thấy được đường nét của cơ ngực, anh ta còn lớn hơn tôi nữa.

Một bàn tay này thôi chắc chắn cũng đè chết tôi được...

"Xin, xin chào, em là hàng xóm bên cạnh." Mỗi lần căng thẳng tôi là lại nói lắp: "Nhà em bị đứt cầu dao, chắc là cầu chì bị cháy, nhà của anh...có dư cầu chì không ạ? Có thể cho em mượn được không?"

Cửa cũng không mở hết, người đàn ông chống một tay lên khung cửa, dường như là dùng góc độ này để nhìn tôi.

"Cầu chì? Để tôi tìm một chút, chắc là có dư." Anh ta buông tay rồi quay người vào nhà: "Em vào đi, đừng đứng ngoài cửa."

Cánh cửa từ từ được mở ra, tôi dè dặt bước vào.

Hai bên hành lang xếp rất nhiều sách, đủ thể loại, có cuốn nhìn mới nguyên cũng có cuốn cũ nát cực kỳ, trang sách rời ra khỏi gáy.

Một đống ngổn ngang chiếm hơn nửa lối đi xếp thành một đường dài và chiếm cả phòng khách, trèo lên cả cầu thang y hệt như cách mà chúng cố thủ trên lối đi vậy.

Phòng khách mở tivi, một cô bé mặc váy đỏ ngồi trên sàn, đôi mắt chăm chú vào màn hình lớn, tay thì bấm chiếc tay cầm game tạch tạch.

Tôi nhìn trên màn hình, hóa ra cô bé đang chơi Mario.

Đã bao nhiêu năm rồi mà sức cuốn hút của anh thợ sửa ống nước này vẫn chẳng giảm tẹo nào.

Và cũng từng ấy năm, anh ta vẫn khốn khổ đi giải cứu nàng công chúa.

Cô bé nhìn thấy tôi, đôi mắt với hàng lông mi dài mở to, khẽ lướt qua một cái rồi không để ý nữa, mau chóng chăm chú chơi trò chơi.

Tôi để ý dưới váy của cô bé chỉ có một cái chân, bên cạnh là một cái chân giả cao đến đầu gối nằm lăn lóc, hẳn là "một chân khác" của bé.

"A Sơn nhanh lên, con sắp chết rồi!"

Người đàn ông đi hơi xa nên hẳn không nghe tiếng gọi của cô bé.

Tôi đi qua nhìn, chỉ cho bé: "Em phải nhảy lên đầu mới đánh chết nó được..."

Cô bé hơi ngạc nhiên liếc nhìn tôi một cái, im lặng làm theo chỉ dẫn của tôi, qua được dễ dàng.

"Anh giỏi quá." trong lúc chuyển cảnh, cô bé bỏ tay cầm xuống thỏa mãn khen tôi một câu.

Chẳng giấu gì, tôi cũng là một fan cuồng của tựa game Mario này...

"Thu Thu, con chơi thêm một chút nữa rồi chuẩn bị lên giường đi ngủ nhé."

Tôi quay người lại, anh ta đã tìm được cầu chì và đi vào phòng khách.

"Cảm ơn..." tôi đứng lên đi về phía người đó, đưa tay lấy cục cầu chì.

Anh ta chợt giơ lên cao, tôi không thể với lấy được.

Tôi sững sờ, nhìn vào mắt anh.

"Biết dùng không?" Hẳn là anh ta hay hút thuốc lá, lúc thầm thì lại nghe được giọng khàn khàn đặc sệt.

Nếu không phải chỉ số trên đầu anh ấy vẫn trắng tinh thì tôi tự hỏi liệu có phải anh ấy đang thả thính tôi không.

Tôi rút tay lại, may là đèn trong phòng khá mờ nên anh ta không thấy tôi đang đỏ mặt.

"Em không biết nhưng ông nội em biết."

Người đàn ông nghĩ gì đó rồi nói với cô bé ngồi trên sàn: "Thu Thu, đi nào, dẫn con qua nhà ông trứng luộc nước trà chơi nhé."

Cô bé vừa nghe xong vẻ mặt như bừng sáng, mau chóng tự đeo chân giả cho mình.

"Dạ được, con thích ông trứng nhất!"

Người đàn ông lại quay sang nói với tôi: "Đi thôi, tôi qua nhà cậu xem sao."

Có lẽ đây là tiêu chuẩn của một người đàn ông trưởng thành nên có. Nghĩ những điều bạn chưa từng nghĩ đến, làm những việc bạn không dám làm, vô tình bộc lộ sự tin cậy khiến người ta tin tưởng vào anh ta.

Ngầu quá đi...

Tim tôi đập liên hồi, gật đầu nói: "Làm phiền anh vậy."

Anh ta ôm cô bé nên không cầm đèn pin được, tôi nhận trách nhiệm đi cạnh soi đèn cho anh.

"Em tên là Dư Miên, Miên trong cây bông vải, em gọi anh là gì được ạ?" Tôi đẩy cổng để anh ta vào trước.

Khi anh lướt qua tôi,giọng nói khàn khàn vang lên trong màn đêm yên tĩnh hệt như cây đàn Cello rung khẽ khàng. ngay cả rung động cũng mang theo sự mềm mại cao cấp.

"Nhạn Không Sơn."

Nếu hội chứng của tôi là liên kết của thính giác và vị giác, thì giọng nói của anh chắc chắn là rượu mạnh, càng nghe càng ngây ngất.

"Nhạn Vãn Thu." Cô bé nhỏ tựa đầu vào vai người đàn ông, tự giác đến lượt giới thiệu bản thân.

Mưa chiều vừa tạnh, núi vắng không, trời thu bảng lảng gợn mây hồng.

Hóa ra ý nghĩa câu thơ trên chuông gió là như vậy.

Lúc đó tôi còn chưa biết được, nhà họ Nhạn này còn có người thứ ba lấy tên theo câu thơ năm chữ này---- Tân Vũ, Nhạn Tân Vũ.

Cô ấy là chị của Nhạn Không Sơn, cũng là mẹ ruột của Nhạn Vãn Thu.

- ------

Bài thơ: Sơn cư thu minh

Không sơn tân vũ hậu,

Thiên khí vãn lai thu.

Minh nguyệt tùng gian chiếu,

Thanh tuyền thạch thượng lưu.

Trúc huyên quy hoán nữ,

Liên động há ngư chu.

Tuỳ ý xuân phương yết,

Vương tôn tự khả lưu.

Dịch nghĩa (theo Phụng Hà)

Mưa chiều vừa tạnh, núi vắng không,

Trời thu bảng lảng gợn mây hồng.

Dòng suối trong veo luồn vách đá,

Vầng trăng sáng rỡ chiếu rừng thông.

Giặt về, thôn nữ reo ngõ trúc,

Lưới xong, ngư thuyền khuấy sen sông.

Cỏ xuân dù đã nhạt thanh sắc,

Vương tôn rời bước chẳng đành lòng.

Không Sơn và Tân Vũ tương ứng với câu thơ đầu tiên của bài là "Không sơn tân vũ hậu" tức "Mưa chiều vừa tạnh, núi vắng không". Vãn Thu tương ứng với câu thứ hai là "Thiên khí vãn lai thu" tức "Trời thu bảng lảng gợn mây hồng".
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.