Đại Tấn Đẹp Đến Như Vậy (Đổi Nữ Thành Phượng)

Chương 74



Editor: Dứa

Beta: Hoàng Lan

Lữ Lãng choáng váng vì chính lời nói và việc làm của bản thân mình.

Ông cũng không hiểu, ma xui quỷ khiến vì sao mình lại nói dối, giết quan truyền lệnh. Vào khoảnh khắc đó, ông chỉ biết mình không thể trơ mắt nhìn Dương Hiến Dung nhảy khỏi tường thành, bà sẽ chết.

Một người đẹp khuynh quốc khuynh thành như vậy, không nên chết một cách mơ hồ.

Hành động này của Lữ Lãng vốn dĩ định đập nồi dìm thuyền, ngay cả Vương Duyệt xông vào thành Kim Dung cướp người cũng kinh ngạc không thôi. Hắn nói chiếu thư là giả, đó là nói hươu nói vượn, chẳng qua chỉ lấy cớ cho hành động dẫn theo tư binh cướp người sau đó, vì sao ngay cả Lữ Lãng cũng nói dối theo hắn?

Lữ Lãng công khai kháng chỉ, đây là phản bội Hà Gian vương ở Tây Đài Trường An.

Chiếu thư là thật hay giả, chẳng lẽ Hà Gian vương lại không biết? Tư Mã Ngung tức giận muốn bùng nổ, trực tiếp phái binh đi Lạc Dương bắt người, thành Lạc Dương lại bị đẩy đến bờ vực khủng hoảng một lần nữa.

Chuyện đã thế rồi, Lữ Lãng dứt khoát, hoặc là không làm, còn đã làm thì phải làm đến cùng, đầu quân theo Đông Hải vương Tư Mã Hoạt. Đông Hải vương phái binh ngăn chặn quân đội của Hà Gian vương, hai bên giao chiến, Hà Gian vương thất bại thảm hại. Lạc Dương đã chạm đến bờ vực khủng hoảng lại may mắn thoát khỏi cái chết.

Đông Hải vương thừa thắng xông lên, Hà Gian vương liên tục rút lui, binh bại như núi. Cuối cùng, Đông Hải vương công phá Tây Đài Trường An, Hà Gian vương một người một ngựa chạy trốn khỏi thành Trường An, ẩn náu trên núi Thái Hành.

Lư Chí, tâm phúc của cố Hoàng thái đệ Tư Mã Dĩnh đã tìm thấy Hà Gian vương, gi3t ch3t ông ta, báo thù cho Tư Mã Dĩnh.

Đại Tấn thời kỳ này, các phiên vương nội chiến tranh quyền đoạt lợi, lấy danh nghĩa của thiên tử ra lệnh cho thiên hạ, sử sách gọi là “Loạn bát vương” (*).

(*): Cuộc nổi dậy của tám vị vương gia.

Bắt đầu từ Nhữ Nam vương Tư Mã Lượng, Giả Nam Phong lợi dụng chiếu thư thật giả lừa gạt Sở vương Tư Mã Vĩ gi3t ch3t Nhữ Nam vương, sau đó qua cầu rút ván, nói Sở vương làm giả chiếu thư, gi3t ch3t Sở vương, hai mạng.

Triệu vương Tư Mã Luân xúi giục tiên Hoàng hậu Giả Nam Phong gi3t ch3t Thái tử Mẫn Hoài, sau đó lại giết Giả Nam Phong “báo thù”, kết quả bị Tề vương Tư Mã Quýnh triệu tập đại quân xử lý, ba mạng.

Về mặt chính trị, Tề vương Tư Mã Quýnh không quá tệ, được xem như một vị hiền vương nhưng lại bởi vì có ý đồ nhúng chàm Hoàng hậu Dương Hiến Dung mà bị Trường Sa vương Tư Mã Nghệ gi3t ch3t, bốn mạng.

Trường Sa vương Tư Mã Nghệ vừa hiền đức lại biết đánh giặc, tài năng chính trị quân sự đều nở rộ. Ông đã thắng lớn tại trận chiến ở khe Thất Lý, nhưng lại phải đầu hàng vì Thành Đô vương Tư Mã Dĩnh bao vây thành, dùng cực hình pháo lạc nướng thành tro, năm mạng.

Thành đô vương Tư Mã Dĩnh đánh thắng trận chiến ở Đãng Âm, nảy sinh ý định gi3t ch3t Hoàng đế để dễ dàng đăng cơ, kết quả bị Hà Gian vương Tư Mã Ngung siết cổ đến chết, sáu mạng.

Hà Gian vương Tư Mã Ngung muốn gi3t ch3t phế hậu Dương Hiến Dung cho xong hết mọi chuyện, điều này đã gây ra sự phẫn nộ trong công chúng, Lữ Lãng trông giữ thành Lạc Dương phản bội chiến tuyến, sau đó Hà Gian vương bị Đông Hải vương Tư Mã Hoạt gi3t ch3t, bảy mạng.

Cuối cùng, Đông Hải vương Tư Mã Hoạt trở thành người chiến thắng, người cười cuối cùng, trong cuộc nổi dậy của tám vị phiên vương kéo dài hơn hai mươi năm.

Sau khi Đông Hải vương công phá Tây Đài Trường An thì nắm quyền kiểm soát Hoàng đế bù nhìn, đưa ông về Lạc Dương.

Vì Hoàng đế sắp trở lại nên cần phải có người chăm sóc.

Đông Hải vương đón Dương Hiến Dung từ trong thành Kim Dung ra ngoài, khôi phục địa vị Hoàng hậu, nghênh đón Hoàng đế trở về.

Đây là lần lập hậu thứ năm của Dương Hiến Dung.

Từ Trường An đến Lạc Dương, Vương Nhung vẫn luôn ở bên cạnh Hoàng đế.

Kể từ lúc Hoàng đế đi theo Đông Hải vương Tư Mã Hoạt ngự giá thân chinh bị ngã rách mặt, trúng ba mũi tên, sau khi sốt cao, thân thể ngày một xuống dốc, nằm triền miên trên giường bệnh.

Thời điểm Đông Hải vương tấn công thành Trường An, đầu óc Hoàng đế đã không còn tỉnh táo, trí lực ít ỏi còn sót lại đã bị thoái hóa, ký ức cũng dần bị cắn nuốt, ông không còn nhớ bất kỳ ai, chỉ nhớ một mình Kê Hầu trung.

Bất kể Hoàng đế đi đến đâu, bộ y phục dính máu của Kê Hầu trung nhất định phải nằm trong tầm mắt của ông, nếu không ông sẽ gục ngã mất.

Lúc này, râu tóc của Vương Nhung còn trắng hơn cả tuyết lông ngỗng bên ngoài, già cả còn phải trải qua nhiều khúc chiết như vậy, thân thể đã sớm chịu không nổi, tất cả đều dựa vào sự phó thác của Kê Hầu trung trước lúc lâm chung để cố gắng chống đỡ mà thôi.

Trong những ngày tháng gần đất xa trời, Vương Nhung cảm giác được thời hạn của mình đang đến gần, ông viết thư muốn Vương Duyệt nửa đường đi tiếp ứng Hoàng đế, thay ông đảm nhiệm trọng trách này.

Vương Duyệt thúc ngựa, phi trong gió tuyết nghênh đón ngự giá.

Đi hơn nửa ngày, tới lúc hoàng hôn, cuối cùng hắn cũng gặp được ngự giá tại một huyện thành nhỏ trên đường từ Trường An tới Lạc Dương.

Thân thể của Hoàng đế và Vương Nhung đều không tốt nên ngự giá đã tìm một trạm dịch để nghỉ ngơi, cũng không sốt ruột lên đường.

Vương Nhung chống gậy, dẫn Vương Duyệt đi gặp Hoàng đế.

Hoàng đế đang ngủ, bên gối đặt một bộ y phục dính máu.

Hoàng đế thở yếu ớt, lông mày nhăn lại, giống như mơ thấy điều gì chẳng lành. Ông già và gầy yếu, hốc mắt trũng sâu, gương mặt bị bao phủ một luồng chết chóc, vết thương trên má đã khép lại nhưng vẫn còn để lại sẹo.

Vương Duyệt thấp giọng hỏi: “Hoàng Thượng trúng tên như thế nào?”

Thân thể vốn đã suy yếu, còn bị trúng ba mũi tên, cộng thêm bôn ba mệt mỏi, hiện giờ nhìn thấy dáng vẻ này của Hoàng đế, trong lòng Vương Duyệt có loại dự cảm không lành.

Vương Nhung thở dài: “Tất cả đều là vết thương ngoài da nhưng lại kéo dài tới ba tháng mới khỏi, ngoại thương thì dễ trị, nội thương lại rất khó. Ngày nào Hoàng thượng cũng phải uống thuốc, chưa từng dừng lại, một ngày ba chén, uống thuốc như ăn cơm. Tuy nhiên, Hoàng thượng cũng hồ đồ rồi, đút cho cái gì ăn cái đó, không kén chọn, cũng không biết đói no, nóng lạnh, không có phản ứng, chỉ ôm bộ y phục dính máu của Kê Hầu trung, hoặc là ngủ như thế này, hoặc ngây ngốc.”

Vương Duyệt ngửi thấy mùi thuốc nhàn nhạt từ hơi thở của Hoàng đế, uống thuốc ba tháng, cả người như tẩm ướp trong nước thuốc, cho dù Vương Nhung có chăm sóc cẩn thận, mỗi ngày đều súc miệng lau mình cho ông thì vẫn còn chút mùi hương.

Vương Duyệt nhìn dáng vẻ tiều tụy của Hoàng đế, không biết vì sao, trong lòng hắn lại dâng lên nỗi tiếc thương kỳ lạ đối với vị Hoàng đế đang hấp hối.

Hắn vươn tay, đặt trên cổ tay Hoàng đế, kiểm tra mạch đập.

Bỗng dưng, Hoàng đế đang ngủ lật bàn tay lại như phản xạ có điều kiện, nắm lấy tay Vương Duyệt.

Vương Duyệt sợ quấy nhiễu Hoàng đế, không giãy giụa, để mặc Hoàng đế nắm như vậy.

Hoàng đế nắm tay Vương Duyệt, đôi mày cau có dần thả lỏng, tựa như một cái bàn ủi bằng đồng, là phẳng các nếp gấp trên y phục, dựa vào hơi ấm bên dưới, là phẳng từng nếp gấp, giúp khôi phục lại kết cấu ban đầu của tấm vải.

Lúc này Vương Duyệt mới chú ý tới tay Hoàng đế, đó là một đôi tay xinh đẹp, xương ngón tay mảnh mai, thon dài, tựa như những khớp tre ngày xuân. Bởi vì hàng năm sống trong nhung lụa, ngón tay bảo dưỡng mượt mà, cứ thế nhẹ nhàng nắm tay hắn, mềm mại như bông, giống tay của Thanh Hà.

Vương Duyệt không biết vì sao đột nhiên Hoàng đế lại như vậy, hắn nhẹ nhàng nắm tay, tỏ vẻ đáp lại.

Hoàng đế nhận được phản hồi, khóe miệng hơi cong lên, hơi thở cũng dần chậm lại, dáng vẻ khi ngủ trở nên nhẹ nhàng êm ái hơn, cuối cùng, ông buông tay Vương Duyệt ra.

Hai người rời khỏi phòng ngủ, Vương Nhung nói: “Hoàng thượng không ổn lắm, mau chóng báo vào cung chuẩn bị trước.”

Vương Duyệt rầu rĩ đồng ý, dù Hoàng đế có ngốc nghếch, hoặc giống hẳn như người gỗ không có phản ứng với thế giới bên ngoài, nhưng chỉ cần ông còn sống thì ông chính là chỗ dựa vững chắc nhất của Thanh Hà.

Nếu Hoàng đế ra đi, chỗ dựa lớn nhất này không còn nữa, mẹ con Dương Hoàng hậu và Thanh Hà không phải sẽ mặc người xâu xé hay sao?

Không được, ta phải làm chỗ dựa cho bọn họ.

Đang lúc suy nghĩ, Vương Nhung khoác lên mình bộ lông chồn, ôm lò sưởi trên tay: “Ta muốn ra ngoài một chuyến.”

Vương Duyệt vội nói: “Bên ngoài gió to tuyết lớn, Huyện Hầu cẩn thận thân thể.”

Vương Nhung vẫn nhất quyết muốn ra ngoài: “Trên đường đi, ta nhìn thấy Hoàng Công Tửu Lư, không ngờ sau nhiều năm như vậy, quán rượu này vẫn còn mở cửa. Năm đó, khi còn trẻ tuổi, ta đã từng thoải mái chè chén, ăn uống vui vẻ cùng mấy người Nguyễn Tịch, Kê Khang, phụ thân của Kê Hầu trung ở Hoàng Công Tửu Lư. Chúng ta đã tới rừng trúc phía sau Tửu Lư, ngâm thơ, bàn luận về những chuyện huyền bí giữa trời đất, không giấu giếm nhau điều gì, đó là khoảng thời gian vui vẻ nhất trong cuộc đời ta. Ta muốn quay lại uống một chén.”

Vương Duyệt lo lắng cho sức khỏe của Vương Nhung nên đã đi cùng ông lão này.

Hoàng Công Tửu Lư.

Mặc dù vẫn treo biển hiệu cũ nhưng lại là một đôi vợ chồng trẻ tuổi đang bán rượu.

Vương Nhung đã bảy mươi ba tuổi, ông là người nhỏ tuổi nhất trong số bảy nhà hiền triết tại rừng trúc, cũng là người tài duy nhất còn sống. Hoàng Công, người bán rượu năm đó đã qua đời, hiện giờ chắt trai kế thừa gia nghiệp, vẫn bán rượu kiếm sống như trước.

Vương Nhung thở dài: “Thật ra, ta thường xuyên đi qua nơi này, nhưng vì mệt mỏi với thế tục, mỗi lần đều vội vội vàng vàng, không có thời gian tới nơi này uống một chén, Tửu Lư đã ở ngay trước mắt, rồi lại xa xôi như cách cả ngọn núi, thật là xa vời như núi sông!”

Từ đó về sau, lại xuất hiện một câu thành ngữ —— xa vời như núi sông, dùng để miêu tả khoảng cách xa xôi.

Một bình rượu vàng được trên hâm nóng trên bếp đất đỏ.

Vương Duyệt rót rượu cho Vương Nhung, Vương Nhung xuất thần nhìn đôi vợ chồng trẻ tuổi bận rộn: “Chúng ta đã từng uống rượu không biết bao nhiêu lần tại Hoàng Công Tửu Lư, năm đó ta là người nhỏ tuổi nhất, mỗi lần đi theo đều ngồi ghế cuối cùng, hơn nữa lại keo kiệt, dù sao thì ta cũng không trả tiền rượu, cho nên mỗi lần đều uống tận hứng. Tuy lần nào đi theo cũng phải ngồi ghế hạng bét, ta vẫn rất vui vẻ.”

Vương Duyệt: Hóa ra Nhung kẹt xỉ bủn xỉn từ khi còn trẻ chứ không phải già rồi mới keo, lần nào cũng uống chực rượu.

Vương Nhung nhấp một ngụm: “Ừm, vẫn là hương vị đó.” Ông gật đầu với Vương Duyệt: “Con cũng uống một ly đi.”

Vương Duyệt uống cùng Vương Nhung một ly, rượu vàng vào miệng, hương vị nhạt nhẽo, nói: “Chủ quán pha quá nhiều nước.”

Như thế còn có thể uống say, chứng tỏ mỗi người phải uống tới vài vò rượu!

Xem ra tửu lượng của bảy nhà hiền triết trong rừng trúc cũng chẳng ra gì.

Vương Nhung uống một hơi cạn sạch: “Con không hiểu những sở thích dân dã ở nông thôn, nếu ba ly đã gục, mọi người làm gì có tinh thần nói chuyện thơ ca, biện luận, tán gẫu trời đất? Chủ yếu là muốn uống tận hứng, nửa tỉnh nửa say, mỗi người đều rũ bỏ lớp ngụy trang, phát ra bản chất tự nhiên mới gọi là xuất sắc.”

Vương Nhung uống hết nửa bầu rượu, không thắng nổi sức rượu, rơi vào trạng thái hơi say. Ông xách nửa bầu rượu còn lại đi vào rừng trúc, nghiêng ngả lảo đảo, Vương Duyệt không thể thuyết phục được ông quay trở về, chỉ đành phải nơm nớp lo sợ đỡ Vương Nhung uống say nổi điên.

Vương Nhung thét dài, tay chân nhảy múa, còn nói quá nóng muốn cởi lông chồn ra, bị Vương Duyệt giữ chặt lại mới từ bỏ.

Vương Nhung cười nói: “Cởi áo ngoài thì có là gì, trước kia Nguyễn Tịch còn c0i sạch sẽ, không mặc gì cả, vừa chạy vừa la hét trong rừng trúc, có người giễu cợt hắn, hắn còn nói ta không sai, là ngươi đã xâm nhập vào bên trong qu4n lót của ta.”

Cảnh tượng đó, Vương Duyệt không dám tưởng tượng, hắn nói: “Huyện Hầu cũng noi theo Nguyễn Tịch… c0i đồ sao?”

Vương Nhung nói: “Sao có thể chưa từng chơi? Uống quá nhiều, chuyện hoang đường gì cũng từng làm, nhưng ta rất ít khi cởi —— bởi vì cởi lại không đẹp bằng Kê Khang, cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương.”

Hóa ra Vương Nhung không chỉ keo kiệt mà còn thích tự mãn, cảm thấy mình cởi ra sẽ không đẹp bằng trai đẹp số một thiên hạ Kê Khang thời kỳ ấy nên mới không cởi.

Trong lúc xuất thần, Vương Duyệt như nhìn thấy bảy người không manh áo che thân bay nhảy với gió tuyết ở trong rừng trúc, cả thân thể và linh hồn của bọn họ đều tự do, không bị ràng buộc.

“Phía trước nên có một mái nhà tranh.” Vương Nhung ngựa quen đường cũ chạy đến một mái nhà tranh hư hỏng lâu năm.

Nhà tranh đã sập một nửa, bị che phủ dưới lớp tuyết trắng, tựa như một ngôi mộ khổng lồ.

“Nơi này…” Vương Nhung khoa tay múa chân: “Kê Khang từng rèn sắt ở nơi này, cách con vung búa đập mạnh xuống thanh sắt để đúc kiếm, dáng vẻ có chút tương tự ông ấy. Năm đó mọi người đều tán thưởng phong thái hạc trong bầy gà của Kê Hầu trung, nhưng bọn họ chưa từng nhìn thấy dáng vẻ khi ấy của Kê Khang.”

Vương Nhung tấm tắc khen ngợi hồi lâu, sau đó rưới nửa bầu rượu trước mái nhà tranh lụp xụp: “Ta nhỏ tuổi nhất, chứng kiến đám người các huynh lần lượt rời đi, để lại một mình ta, hôm nay mang chút rượu ngon, tới chia sẻ cùng các huynh.”

Sau khi đã tận hứng, Vương Nhung lại che ngực nói mệt, không đi được nữa.

Vương Duyệt nhóm một đống lửa trong ngôi nhà tranh đã sụp quá nửa, hắn đỡ Vương Nhung ngồi xuống nghỉ ngơi sưởi ấm.

Vương Duyệt nói: “Huyện Hầu cứ ngồi đây đợi, đừng di chuyển, con đi dắt ngựa tới đưa Huyện Hầu trở về.”

Ánh lửa phản chiếu sắc mặt ửng hồng của Vương Nhung, ông xua tay: “Con nhỏ tuổi mà còn dong dài hơn cả thê tử của ta, con đi đi, ta ở lại đây tâm sự cùng mấy người bạn già.”

Vương Duyệt trở về Hoàng Công Tửu Lư, dắt ngựa quay lại ngôi nhà tranh bị sụp một nửa.

Ngọn lửa vẫn còn đó, Vương Nhung cũng ở đây, ông ngồi dựa vào vách tường, bầu rượu đặt bên người, nét mặt tươi cười, không còn hơi thở.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.