Sau dịp Tết âm lịch, lớp 12 được sắp xếp lịch học dày đặc hơn, tôi và Huy Anh cũng bận tối mặt, tối mũi. Nhưng điều đó chưa là gì cho đến "tháng của deadline", đó chính là tháng ba, thời điểm mà học sinh vừa phải chuẩn bị thi giữa học kỳ 2 vừa có nhiệm vụ tham gia hoạt động nâng cao tinh thần, điển hình là những buổi thuyết trình về vấn đề thường gặp của giới trẻ hiện nay trong tiết chào cờ đầu tuần.
Ngày hôm nay, câu lạc bộ Khoa học xã hội đảm đương nhiệm vụ nâng cao kiến thức về vấn đề sức khỏe tâm thần, cụ thể là bệnh trầm cảm. Có lẽ đây là một chủ đề nhạy cảm, nên đám học sinh không dám thể hiện thái độ quá hời hợt, còn tôi thì yên lặng lắng nghe từng chút một. Dẫu sao, tôi cũng từng suýt chút nữa dính vào hai từ "trầm cảm" cơ mà.
Sau khi cô giáo dạy giáo dục công dân, một số bạn học sinh khối chuyên văn, chuyên anh giới thiệu nguyên nhân, đối tượng và cách điều trị thì chương trình chuyển sang phần hỏi – đáp, lần này người cầm mic là Phan Ngọc Thiên Di – ban chủ nhiệm câu lạc bộ Khoa học xã hội.
- Câu hỏi ban tổ chức đặt ra chính là hãy kể tên một số đối tượng dễ mắc rối loạn trầm cảm.
Một số em học sinh lớp 10 và 11 hăng hái giơ tay phát biểu.
- Theo em nghĩ là nhóm người bị sang chấn tâm lý; lứa tuổi học sinh, sinh viên; nhóm người gặp phải tai nạn hoặc tổn thương cơ thể.
- Em xin phép bổ sung là nhóm người lạm dụng bia rượu, chất kích thích và đối tượng gặp phải khó khăn trong cách giao tiếp, ứng phó với cuộc sống ạ.
Sau một tràng pháo tay khích lệ từ đám đông, Thiên Di lại cong môi cười, giơ cao mic hơn, ánh mắt có chút gì đó khác lạ, lướt nhẹ qua gương mặt tôi và sau đó dừng lại trên người Huy Anh, Thiên Di tiếp lời:
- Các bạn trả lời rất đúng, nhưng còn thiếu một nhóm người nữa, đó chính là phụ nữ sau sinh. Chắc các bạn cũng từng nghe rất nhiều bài báo viết về vụ việc đau lòng mẹ trầm cảm giết con...
Tôi giật mình, nhíu mày quan sát vẻ mặt tươi cười giả tạo của Thiên Di trên bục, lại lấm lét quay sang nhìn Huy Anh. Năm cấp hai, tôi từng kể cho Huy Anh nghe chuyện gia đình tôi rắc rối đến mức nào và anh cũng lặng lẽ tâm sự với tôi về người mẹ ruột đã đi nước ngoài khi anh mới tròn một tuổi.
Mẹ ruột của Huy Anh mắc chứng trầm cảm sau sinh và đã chán ghét con mình đến mức từng có ý định tự sát. Huy Anh luôn dùng chất giọng bình thường khi nói về chuyện ấy, cứ như thể anh không hề cảm thấy đau đớn khi mình là một đứa trẻ đáng thương đến thế. Song, tôi biết rõ lý do Huy Anh chuyển từ miền Bắc vào Nam học cũng chỉ bởi vì lời nói thương hại của đám người ngoài, từ câu đùa không có mẹ của lũ bạn.
Bao nhiêu năm qua, không ai nhắc về chuyện đau thương ấy, vì Huy Anh chẳng bao giờ bộc bạch về gia thế của mình, nhưng ngày hôm nay, mọi chuyện lại chệch hướng theo cách đầy tiêu cực.
- Vào mười bảy năm trước, từng có một bài báo về vụ việc một bà mẹ ở Hà Nội đã thực hiện hành động dùng gối dìm chết con do bé quấy khóc, được biết người phụ nữ này mắc chứng trầm cảm sau sinh dù gia đình chồng khá giả, kinh doanh tiệm vàng ở đất Hà thành. Thật may mắn, đứa bé vẫn được cứu sống, còn người mẹ thì sang nước ngoài điều trị tâm lí.
Màn hình máy chiếu hiện rõ bài báo đó, khiến một số bạn học sinh phải thốt lên câu "đáng thương quá", tôi đã dần mất bình tĩnh, bài báo này sao lại giống câu chuyện của Huy Anh hơn nửa vậy? Huy Anh cúi mặt xuống, làm tôi chẳng có cách nào biết được anh đang nghĩ gì.
- Dạ, cho em hỏi, nếu trong trường hợp ấy thì người mẹ giết con vì chứng trầm cảm có tội không ạ?
Thiên Di cầm mic, tự tin phát biểu, tôi lại càng ghét cay, ghét đắng vẻ thong thả ấy:
- Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Mình xin thay mặt câu lạc bộ trả lời câu hỏi như sau: hành vi giết con do trầm cảm sau sinh sẽ được xử lí dựa trên mức độ trầm cảm của người mẹ, độ tuổi của người con và các yếu tố khách quan khác. Tuy nhiên, mọi người đều biết rằng nếu chuyện thương tâm ấy xảy ra thì người mẹ sẽ mang trong mình tội lỗi khi đối diện với con của mình. Vì thế, ban tổ chức muốn đặt câu hỏi cuối cùng: liệu trong trường hợp đó, sau này đứa con lớn lên có tha thứ cho mẹ không?
Ngay khi Thiên Di dứt lời, tiếng xôn xao của đám đông ngày một lớn lên, người thì nói có, người lại không, đám học sinh tranh cãi sôi nổi đến mức tiếng trống đánh được hơn một phút, từng lớp mới mang ghế nhựa trở về lớp. Tôi ngó nghiêng tìm kiếm bóng dáng của Huy Anh, nhưng anh đã biến mất ngay khi tiếng trống trường dội lên từ góc sân.
Thông thường sau tiết chào cờ sẽ trống khoảng nửa tiếng, học sinh trường chuyên chúng tôi thoải mái đi xuống căn tin mua đồ ăn sáng hoặc ôn bài của tiết học tiếp theo, đáng lẽ Huy Anh sẽ đi ăn sáng cùng tôi, nhưng mà ngày hôm nay anh chỉ nằm dài trên bàn học, không có ý định nói chuyện với ai.
Thật ra đối với một thằng con trai, việc thể hiện nỗi buồn sẽ khó khăn hơn nhiều, không thể khóc cũng không thể tâm sự, thầm lặng ôm nỗi buồn vào trong lòng. Một người cao ngạo như Huy Anh lại càng bướng bỉnh trong việc này, tôi không biết mình nên dùng lời gì để an ủi anh, chỉ sợ làm không tốt, Huy Anh sẽ tổn thương hơn nữa.
- Có bạn Huy Anh ở trong lớp không ạ?
Tiếng gọi ngọt ngào của Thiên Di đã kéo tôi về thực tại, tôi ngẩng mặt dõi mắt nhìn theo người con gái trong bộ áo dài nền nã, mái tóc xoăn lơi buông xõa, Thiên Di cũng híp mắt cười nhẹ với tôi, sau đó nói tiếp:
- Câu lạc bộ Khoa học xã hội muốn mời bạn Huy Anh phỏng vấn, bạn sẽ không phiền chứ?
- Phiền.
Huy Anh bực dọc cất tiếng, khuôn mặt đã chán chường đến mức sợ rằng nếu Thiên Di còn nói một câu nữa, anh sẽ đóng sập cửa lớp lại. Thế nhưng mặt Thiên Di dày lắm, vẫn trưng nụ cười tươi tắn ở khóe môi, nói bằng chất giọng thản nhiên:
- Vì Huy Anh cũng từng trải qua chuyện ấy rồi, nên câu lạc bộ nghĩ bạn sẽ là người đưa ra câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi cuối chương trình.
Một số đứa đang ngồi học bài ở lớp tôi sửng sốt quay xuống nhìn Huy Anh, hình như tụi nó bắt đầu hiểu ra đứa trẻ đáng thương trong bài báo là ai, tiếng xì xầm to nhỏ không thể nào dừng lại được.
- Hèn chi thấy quen quen, thì ra Huy Anh có mẹ bị trầm cảm sau sinh á?
- Tao không biết gia cảnh Huy Anh thế luôn!
Khuôn mặt của Huy Anh cau có một hồi, ánh mắt lãnh đạm liếc nhìn cái người tên Thiên Di kia, tôi thở hắt một hơi, tự động đứng lên, đi đến gần Phan Ngọc Thiên Di.
- Ra đây nói chuyện với tôi.
Thiên Di vẫn cứ cong môi cười, sau đó đi theo sau tôi. Chúng tôi đi đến gần phòng dụng cụ thì dừng lại. Hình như cậu ta không thấy mình quá đáng chút nào, còn nhẹ giọng hỏi tôi:
- Miên có gì muốn nói với tớ à?
- Thôi ngay cái kiểu sống giả tạo ấy đi, tôi không biết tại sao cậu lại hành động như một kẻ đáng khinh thế này, nhưng mà đừng có đụng vào chuyện cá nhân của Huy Anh nữa.
- Thế nào là giả tạo? Thế nào là đáng khinh? Tớ chỉ đang làm tròn trách nhiệm của ban chủ nhiệm câu lạc bộ, việc phỏng vấn Huy Anh cũng là một trong những phần báo cáo nhiệm vụ đến nhà trường, tớ có làm gì sai sao?
Khóe miệng Thiên Di nhếch lên, khuôn miệng tròn, cậu ta nở một nụ cười ngả ngớn hệt như nữ phụ phản diện trong các bộ phim, sự tức giận trong tôi chạy từ đỉnh đầu đến các đốt ngón tay. Lần đầu tiên, tôi muốn tát một người đến thế, tát bay đi cái nét thảo mai, ác nhân, ác đức của Phan Ngọc Thiên Di.
- Cô dạy bộ môn giáo dục công dân đã cho phép tớ rồi, tớ nghĩ Huy Anh cũng nên hợp tác với câu lạc bộ thì tốt hơn.
- Người có ăn, có học đàng hoàng thì nên hành xử xứng đáng với số tiền bố mẹ bỏ ra và cậu nên nhớ đụng vào ai thì đụng, đừng có đụng vào Huy Anh của tôi.
Không để Thiên Di nói thêm lời nào, tôi bước về phía phòng học lớp 12 Lý. Thật ra chính tôi cũng không biết cách an ủi một người, tâm hồn tôi còn chưa được chữa lành nguyên vẹn, sao có thể mạnh miệng nói với thế giới mình sẽ bảo vệ anh trước mọi cám dỗ, bất hạnh mà dòng đời nghiệt ngã mang lại.
Huy Anh không nói chuyện với tôi nhiều như trước, mặc dù anh vẫn luôn dịu dàng đưa đón tôi hằng ngày. Lại nói về chuyện câu lạc bộ, ngay buổi tối hôm ấy, trên trang confession của trường hiện ra hàng loạt bài đăng về cậu bé xấu số trong vụ bà mẹ trầm cảm muốn giết con. Vì Huy Anh là một người có sức ảnh hưởng khá lớn trong trường tôi, mọi người đều bàn luận rất nhiệt tình, người thì nói lời thương hại, người lại trách móc bà mẹ kia. Nói chung, câu chuyện ấy cực kì phức tạp, ý kiến trái chiều thi nhau xuất hiện dưới phần bình luận.
Ngày qua ngày, người ta dùng ánh mắt thương hại nhìn Huy Anh nhiều hơn, không có thái độ ngưỡng mộ như trước nữa, một số lời nói qua đường nghe qua thì không có gì, nhưng chúng khiến người trong cuộc thực sự cảm thấy khó chịu:
- Tội nghiệp Huy Anh nhỉ? Nhà giàu cũng không để làm gì..
- Cuộc đời có ai hoàn hảo hết đâu, mà tao thấy Huy Anh như thế vẫn còn sướng chán, buồn trên sự giàu có, chứ có phải vui trên đống nợ đâu mà cần an ủi.
Tôi vặn chặt vòi nước, bực bội rời khỏi nhà vệ sinh, tôi ghét nghe hai từ "tội nghiệp", bọn họ rõ ràng chỉ khóc thay, lòng thương hại ấy xuất phát từ sự chế giễu và khinh thường, chứ không phải đến từ niềm cảm thông chân thành.
Một người như Huy Anh chắc chắn không muốn bản thân biến thành đối tượng "bị thương hại", đặc biệt với người quan trọng. Vậy nên tôi không thể trách cứ hành động ít nói chuyện, lẩn tránh và mất hút của anh, chúng tôi nên học cách đón nhận khó khăn cùng nhau. Thế nhưng đó chỉ là lý thuyết, còn ngoài đời lại rất khác, một mối quan hệ mà chỉ dùng sự im lặng để giải quyết thì mối quan hệ ấy sẽ không kéo dài được bao lâu, trong trường hợp của chúng tôi cũng không có ngoại lệ.
- Huy Anh, chúng mình nói chuyện với nhau nhé?
- Dạo gần đây, anh hơi bận, để hôm khác nhé Gạo.
Anh lạnh nhạt trả lời tôi, nói xong, anh cũng dọn dẹp sách vở rời đi trước. Đây đã là lần thứ ba Huy Anh từ chối nói chuyện rồi. Không hề có một lời nào nói chia tay, cũng không có câu chuyện cắm sừng phản bội, vậy mà dường như mọi thứ đang báo hiệu mối quan hệ này sắp đi đến hồi kết thúc.