Cuộc Sống Ở Nhà Máy Những Năm 80

Chương 2



Biên tập: Sabi

Beta: Qin Zồ

Trong quyển nhật ký này ghi chép toàn bộ ký ức từ kiếp trước của Tôn Biền. Đúng thế, chính là kiếp trước. Trước giờ cô cũng chưa từng nghĩ đến việc có một ngày tỉnh dậy, mình lại xuất hiện trong một chiều không gian khác, trở thành con gái của một gia đình khác. Sở dĩ cô quả quyết mình đã đi đến không gian song song, chứ không phải quay ngược thời gian sống lại là bởi nhà và nước vẫn còn đó, chỉ có con người thì khác biệt.

Cô, người thuộc thế hệ sau năm 95 tiêu chuẩn, đã biến thành một đứa bé ra đời vào cuối thập niên sáu mươi tại không gian song song này. Chẳng ngạc nhiên vui vẻ gì cho cam, mà chỉ thấy kinh hãi tột độ. Đến nỗi trước khi đầy tuổi, Tôn Biền vẫn luôn khóc lóc ầm ĩ, không chỉ khiến bố mẹ sứt đầu mẻ trán, mà còn vang danh “con bé khóc đêm” khắp ký túc xá các hộ gia đình nhà máy điện.

Thật lòng thì với Tôn Biền, chuyện đi ngược thời gian hay xuyên qua không gian song song chẳng mấy khác biệt. Bởi lấy tư cách là một người thuộc thế hệ sau năm 95 từng trải, cuộc sống trước những năm 90 đều là lịch sử đã qua, cô cũng chỉ bắt gặp được trong các tác phẩm văn học và phim truyện.

Ra đời vào thời kỳ khốn khó, lớn lên trong những năm tháng rối ren. Đối với việc càn quét yêu ma quỷ quái1 lúc xem phim truyền hình, Tôn Biền cứ cảm thấy trong đó toàn là thời đại của “người điên”. Cô cũng chẳng dám biểu hiện bất cứ điều gì khác biệt với mọi người xung quanh, cẩn trọng từng li từng tí mà trưởng thành.

Đến độ tới bây giờ mỗi khi tình cờ nhớ lại, Tôn Biền vẫn nghĩ liệu mình có phải người chuyển kiếp vô dụng nhất trong lịch sử? Cô luôn không dằn nổi lòng mà hoài nghi thứ gọi là “ký ức đời trước” trong đầu mình rốt cuộc có chân thực không? Xã hội mấy chục năm sau sẽ giống như những điều mà cô biết sao?

Để tạo ra phương phảp giải tỏa cho thế giới nội tâm quá phong phú của bản thân, từ khi còn rất nhỏ, Tôn Biền đã hình thành nên thói quen viết nhật ký, ghi chép trong đó những sự việc từ kiếp trước. Cô hiểu những việc mình đã trải qua làm người khác sợ đến mức nào, nên quyển nhật ký này trước nay luôn được cất giấu cẩn thận. Đến cả những thành viên khác trong nhà còn không biết cô có một quyển sổ như vậy.

Mà Tôn Biền, người hiện tại đã hoàn toàn hòa nhập vào thế giới này đang vuốt ve nhật ký. Suy tư một hồi lâu, cuối cùng cô ôm nó đứng dậy, mang theo hộp diêm đi vào nhà vệ sinh. Cô không bật đèn, đầu tiên là ánh lửa lập lòe không ngừng nhảy múa xuất hiện đến mười mấy phút sau mới lụi tàn, rồi có tiếng nước xả từ trong nhà vệ sinh truyền ra. Tiếp theo, Tôn Biền hai tay trống không đi ra ngoài.

Cả người nhẹ nhõm, về phòng đặt lưng xuống là cô ngủ ngay. Cho dù là “giấc mộng Trang Chu” hay bất cứ chuyên ngành khoa học nào thì cũng không thể giải thích rõ ràng hiện tượng siêu nhiên này được. Tóm lại, làm người thì phải sống ở hiện tại, thế nên trước mắt cứ để cô ngủ trưa một giấc thật ngon đã.

Nói cô tỉnh táo hay thần kinh thô cũng được, nhìn chung Tôn Biền rất cảm tạ tính cách dễ dàng thích ứng trong mọi hoàn cảnh của mình. Đời trước và cả đời này cô đều ghét nhất việc biến cuộc sống đơn giản trở nên phức tạp hơn. Nhưng dễ thỏa mãn cũng không có nghĩa là chẳng có mục đích.

Trước tiên xác định mục tiêu cho bản thân chính là thi đại học. Đây là thời đại mà kỳ thi đại học thực sự được tính là cột mốc cá chép vượt long môn hóa rồng. Tôn Biền hy vọng mình có thể vượt qua cây cầu độc mộc kia để thành công.

Cô ngủ giấc này vô cùng yên ổn, nếu không phải tiếng ve kêu bên ngoài cửa sổ râm ran ầm ĩ thì phỏng chừng còn ngủ được thêm rất lâu nữa.

Dùng tay chải gọn lại cái đầu học sinh1 của mình, ở kiếp này chất tóc của Tôn Biền giống bố, vừa đen vừa chắc chứ không mềm mại chút nào. Nhưng may mắn là mặt mũi lại giống mẹ, nếu không thì khéo Tôn Biền phải sầu não cả đời vì gương mặt chữ điền mất.

Tóc tai còn chưa vào nếp, cô đã nghe thấy tiếng lục lạc vang vọng truyền đến tai từ phía xa xa dưới đường cái. Nghe âm thanh quen thuộc kia, Tôn Biền lập tức kéo rèm cửa thò người nhìn từ trên lầu xuống dưới. Gia đình cô ngụ ở lầu năm, với độ cao có thể quan sát được rất xa. Từ trên đây, Tôn Biền thấy một cỗ xe lừa kéo ở chỗ rẽ lên dốc. Bởi thị lực cực kỳ tốt nên vừa nhìn là cô đã nhận ra đó chính là xe lừa nhà ông ngoại. Khỏi phải nói, những người ngồi trên xe kia chắc chắn là người nhà ông, bà ngoại đang đến.

Tôn Biền xác nhận mục tiêu, đeo chìa khóa lên cổ, đến phòng bếp lấy một chiếc chậu sắt nhỏ rồi chạy xuống dưới lầu. Cách dưới lầu nhà cô không xa có một cửa hàng thanh niên – hưởng phúc lợi cực tốt của nhà máy điện lớn. Sản phẩm của cửa hàng tại đây chẳng kém cạnh gì so với trên thành phố.

Người bán hàng trung niên cũng là người nhà của nhân viên nhà máy, nhìn thấy Tôn Biền thở hồng hộc chạy vào hơi kinh ngạc. Dì bán hàng tự nhủ, không phải bình thường con bé này rất điềm đạm à? Hôm nay làm sao vậy nhỉ?

Rồi lại thấy trong tay Tôn Biền bưng chậu sắt nhỏ, chưa cần mở miệng là dì bán đã biết cô bé muốn mua đồ gì. Dù sao thì, ở cửa hàng bọn họ cũng chẳng có nhiều món phải dùng chậu đựng để mua.

“Tiểu Biền, con muốn mua kem hả? Kem tuyết hay kem đá? Sáng nay hàng vừa đến luôn này, đầy đủ đồ lắm, không việc gì phải gấp gáp cả.”

Nói xong, bà buông khăn quàng cổ mới đan len được một nửa trên tay xuống, đứng dậy đi tới chỗ tủ lạnh lấy đồ cho Tôn Biền. Nếu đổi lại người khác, người bán hàng sẽ không nhiệt tình đến vậy. Nhưng Tôn Biền là bạn học của con gái bà, hai đứa rất thân thiết. Gia đình hai bên lại ở cùng tòa nhà, bản thân bà cũng cực kỳ thích cô bé.

Tôn Biền thấy vậy, lập tức cầm chậu đi theo tới chỗ tủ lạnh rồi nói: “Dì Hứa ơi, cho con mười cây kem đá đường trắng, với sáu phần kem tuyết bơ nữa.”

Nghe thế, bà vừa mở tủ lạnh lấy đồ cho Tôn Biền vừa hỏi: “Con cần nhiều vậy à? Trong nhà có người tới chơi hả?”

“Dạ, là bà ngoại, ông ngoại với dì cậu con tới.”

Sau khi hỏi han đơn giản vài câu, bởi còn nhớ mình phải ra ngoài đón người nên Tôn Biền không nói gì thêm, lấy đồ xong thì sảng khoái trả tiền. Nhưng tới khi cầm tiền thối thì cô lấy làm ngạc nhiên, bởi vì dì Hứa thối nhầm, cho cô thêm năm đồng xu.

“Dì Hứa…”

Không đợi Tôn Biền nói hết câu, dì bán đã phất phất tay bảo: “Mấy loại kem này lại chả yêu cầu phiếu, đâu ai biết một ngày bán được bao nhiêu phần? Cho dù có số lượng nhập hàng, thì chẳng may hao hụt vào những ngày trời quá nóng không phải cũng rất bình thường à. Kem đã chảy nhất định phải hạ giá để xử lý, đây chính là quy định. Xem như dì nhờ con, giúp dì xử lý mấy món thứ phẩm bị chảy nha.”

Nghe thế, Tôn Biền cũng không còn gì để nói, trong lòng tự nhủ, chẳng trách bây giờ nhân viên bán hàng là nghề rất hấp dẫn. So với những nghề khác, vừa sống vô lo mà lại nhiều lợi ích, nói ra cũng rất có thể diện.

“Tiểu Biền, xe lừa kia có phải người nhà ông ngoại con không vậy? Dì thấy người đánh xe sao mà giống cậu cả con quá kìa?”

Tôn Biền vội quay đầu sang nhìn, quả nhiên là xe lừa nhà ông ngoại đang đến gần. Cô vội nói với dì bán hàng: “Con cám ơn dì.” Sau đó bưng chậu sắt đựng kem tuyết và kem đá ra đón mọi người.

Chiếc lục lạc đồng thắt ở dưới cổ con lừa kêu leng keng không ngừng, Điền Canh Địa ngồi ngoài cùng bên trái xe lừa phụ trách đánh xe, nhìn thấy Tôn Biền đứng ở bên đường thì cẩn thận đẩy eo mẹ, rồi vui vẻ chỉ về bên kia bảo: “Mẹ nhìn kìa, con bé Tiểu Biền ra đón chúng ta đấy.”

Người ông gọi mẹ chính là một cụ bà có tuổi ngồi xếp bằng trên xe lừa, dưới người là chiếc đệm cói. Tuy bà cụ không cao nhưng trông rất có tinh thần, mặc áo ngắn màu xanh lam, quần vải bông màu đen, sạch sẽ tươm tất. Trên tai bà đeo một đôi khuyên kiểu cũ làm bằng bạc, mái tóc dài cũng được chải gọn gàng, cuốn thành búi tóc cố định chắc chắn sau gáy.

Lúc xe lừa chạy ngang Tôn Biền cũng không dừng lại. Bởi vì dốc rất nghiêng nên dừng xe khó ổn định, không cẩn thận sẽ bị tụt xuống dốc ngay. Tôn Biền cũng hiểu rõ điều này nên trực tiếp đi theo. Dù sao thì hiện tại tốc độ xe cũng không nhanh, chỉ cần đi là có thể đuổi kịp.

Điền Lai Phúc mặc đồng phục công nhân màu xám ngồi trên xe, đón lấy chậu sắt cháu gái bưng trong tay, định bụng cho cháu có chỗ thuận tiện leo lên. Lấy tốc độ xe lừa bây giờ so với đi bộ cũng chẳng nhanh hơn được bao nhiêu. Chỉ cần không phải người đi đứng khó khăn thì đều có thể dễ dàng leo lên leo xuống thoải mái.

Thấy ông cậu nhường chỗ cho mình, Tôn Biền vội xua tay tỏ vẻ không cần. Từ chỗ này đến dưới lầu nhà cô tổng cộng chỉ mất một lần lên dốc nữa, đoạn đường cũng không là bao nên chẳng phải làm khó thêm. Nhìn thoáng qua mọi người ngồi trên xe, Tôn Biền có hơi bất ngờ, thế mà ông ngoại cô lại không đến.

Có điều ngẫm lại cũng đúng, dì nhỏ nhà ông chú hai đầu tháng sau phải đi lấy chồng. Tôn Biền đoán, có lẽ giờ ông ngoại đang bận rộn ở nhà ông hai giúp lắp đồ nội thất làm của hồi môn cho dì. Nhưng mà không ngờ cậu cả lại đến, chẳng phải bình thường những lúc như thế này, cậu luôn làm trợ thủ cho ông ngoại sao?

Điền Canh Địa thuần thục đánh xe lừa lên dốc, vẫn như mọi khi điều khiển xe đi tới chỗ bóng râm cây liễu lớn, cách dưới nhà em rể không xa. Sau khi dừng xe ổn định thì ông lại ngó ngàng đến gia súc. Còn chị ba cắp chiếc giỏ liễu nhảy xuống, sau đó xoay người đỡ bà mẹ bó chân xuống xe.

Điền Canh Địa buộc lừa bên cây liễu, chuẩn bị đồ ăn và đeo túi phân cho nó xong thì đẩy xe vào phía trong, không gây vướng víu là được. Nhiều gia đình trong nhà máy có người thân dưới nông thôn, ai đánh xe gia súc tới đây thì lần nào cũng sắp xếp như vậy, chắc chắn không mất được.

Lúc ông còn đang loay hoay chuyện xe cộ thì Điền Lai Phúc đã vác một chiếc bao tải to lên lưng, theo mẹ, cháu gái và chị cùng nhau lên lầu. Điền Canh Địa thấy thế, sờ đầu con lừa xám nhà mình một lần, cho nó nắm cỏ gia súc rồi cũng vội đi theo.

Tôn Biền mở cửa mời cả nhà bà ngoại vào, vừa giúp đỡ các cậu và dì hai đem trái cây vào trong bếp, vừa mang chè đậu xanh đã nấu trong lúc quét dọn phòng buổi sáng ra cho mọi người dùng giải nhiệt. Kem đá bên trong chậu sắt cũng đã được bưng lên bàn. Tôn Biền lại lấy mười quả mận và thanh hạnh2 từ trong giỏ liễu mà dì mang đến ra, đem đi rửa sạch mang lên.

Dì hai Điền đang nhâm nhi kem bơ tuyết, thấy cháu gái bận rộn qua lại thì cũng muốn đứng dậy giúp một tay, nhưng Tôn Biền vội tỏ ý không cần. Cậu nhỏ bảo trong bao bố trên lưng cậu có hai trái dưa hấu, bảo cô dùng nước ướp lạnh một lúc ăn càng ngon hơn. Tôn Biền nghe lời đi xuống nhà bếp, tìm chiếc khăn lau chặn lỗ thoát nước của bồn rửa chén lại rồi đổ nước ướp lạnh dưa hấu.

Khi đi ra, quả nhiên gặp hai cậu đang cắn kem đá răng rắc, vờ như không thấy kem bơ tuyết trong chậu sắt. Đồ ăn ưa thích của đàn ông họ Điền với họ Tôn rất giống nhau, chưa từng thích ăn kem mềm. Kem càng ngọt càng mềm càng không ưng. Ngược lại, chỉ là que kem đá bình thường làm từ đường trắng và nước, tuy cứng nhưng lại hợp ý bọn họ nhất.

Bà ngoại Điền nãy giờ ngồi ngay ngắn trên ghế, thấy cháu gái đi ra liền yêu thương vẫy tay. Gọi Tôn Biền đến bên cạnh mình rồi vỗ đầu vỗ vai, nhìn vóc dáng yểu điệu và nước da trắng trẻo mịn màng của cháu gái, bà vừa lòng gật đầu, sau đó nhỏ giọng nói với cô:

“Trong giỏ liễu dì con mang đến có một hũ kem chăm sóc da nhỏ, đựng bột dưỡng da bà đặc biệt điều chế cho con, mỗi tuần dùng mấy lần là được. Đừng có cho mẹ con dùng, nó không hợp, mấy thứ bột dưỡng da kia là đồ chỉ dành cho con gái.”

Nói xong, bà nâng tách trà lên nhẹ nhàng nhấp một ngụm. Bà không biết ăn đá, cách giải nóng mùa hè từ thời còn trẻ đến giờ luôn là uống nước chè các loại. Theo lời bà vẫn nói thì cái này gọi là thuận theo thời tiết, đá là thứ mùa hè không có, nên không nên ăn.

Tôn Biền rất vâng lời bà ngoại, bởi khi còn bé cô từng sống bên bà một khoảng thời gian. Cô biết rõ bà không phải là một cụ bà nông thôn bình thường. Nếu chẳng phải sinh thời gặp nhau đương lúc loạn lạc, ý trời trêu ngươi, ông ngoại cô chắc chắn không thể lấy được bà. Nói thế này không có ý nâng hay dìm ai cả, chẳng qua Tôn Biền từng nghe phong thanh rằng, ngày xưa ông ngoại làm thợ cho tiệm đồ nội thất nhà bà ngoại mở.

Sau này làm thế nào ông cưới được bà thì cô không rõ lắm. Chỉ biết mỗi lần nhắc đến chuyện cưới bà vào cửa, trông ông lại hệt như con gấu đen sa tổ mật vậy. Khuôn mặt tươi cười kia khiến Tôn Biền không nỡ nhìn thẳng.

Đừng thấy ông ngoại cô là người đứng đầu gia đình mà nhầm. Trên thực tế người quản lý cả nhà chính là bà ngoại, việc nhỏ trước nay bà đều thuận theo ông, nhưng hễ là chuyện liên quan đến gia đình, con cái thì ông ngoại nhất định sẽ để bà ngoại quyết định.

Tôn Biền cảm thấy cả bốn chị em nhà mẹ nên cảm ơn bà ngoại, bởi bà đã nhất quyết phải cho con cái biết chữ nghĩa, biết tính toán. Vào cái thời đại đến cơm ăn còn không đủ no, thì kiểu “rách cho thơm” này của bà rất dễ khiến mọi người châm biếm. Tuy nhiên, sự thật đã chứng minh bà ngoại đúng, bởi dù sao con đường của những người có hiểu biết bước đi cũng rộng mở hơn nhiều.

Chẳng nói đâu xa, chỉ riêng dì hai cô vì biết chữ lại còn xinh xắn mà từ nông thôn gả đến nội thành, còn có công việc ổn định. Mà mẹ cô sau khi lấy bố, trực tiếp được nhà máy cử đi học ở trường trung cấp Y dược, hai năm sau tốt nghiệp quay về làm y tá thuộc bệnh viện công nhân viên trong xưởng. Cứ duy trì mười mấy năm như thế thì thăng tiến đến chức vụ y tá trưởng nội khoa.

Từ cuộc sống của những người xung quanh mà Tôn Biền biết được rằng, gần một nửa số phụ nữ trung niên cỡ tuổi mẹ và dì có thể coi là không biết chữ.

Dù đã trải qua quá trình xóa nạn mù chữ quy mô lớn, thì các cô các bác vẫn chỉ học được một ít chữ số đơn giản. Thậm chí có vài người ngay đến tên mình còn không biết viết, thế nên họ chỉ có thể xử lý được một số công việc đơn giản nhất, hoặc dứt khoát ở nhà làm nội trợ.

Đó là chỉ tính nhà máy tại đây thôi, còn nông thôn thì càng không phải nói. Có thể xem như nếu không biết chữ, thì mẹ và dì tuyệt đối không thể trải qua được những tháng ngày hiện tại.

Tới tận bây giờ, Tôn Biền vẫn còn nhớ như in cái cảm giác bà ngoại ôm mình trên chiếc giường sưởi4 ấm áp, vừa cho cô ăn táo ngọt vừa nghiêm túc bảo: “Cháu ngoan, con phải biết rằng học thức rất quan trọng, càng đặc biệt quan trọng hơn với con gái.”

Hết chương 2.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.