Hai “tên tư bản đáng ghét” lại một lần nữa vung cao lưỡi hái.
“Anh cũng thấy lạ, sao mấy hôm nay nhóm câu cá chả nhộn nhịp gì cả? Trước kia sôi nổi biết bao, giờ lên đăng bài chẳng ai thèm ngó đến.”
Bao nhiêu ngày rồi, mười người cứ qua lại chỉ toàn mấy gương mặt đó, chín người ngồi câu, còn một người làm việc. Cỏ trong vườn đào đã nhổ sạch trơn mà vẫn chẳng thấy người mới nào đến.
Hồi trước, ngày nào cũng phải hẹn trước để giữ chỗ, giờ thì khỏi cần, vì chẳng có ai khác.
Tống Đàm chau mày suy nghĩ, nghiêm túc nói:
“Có phải vì họ không câu được cá nên lén vào diễn đàn nói xấu chúng ta không nhỉ?”
“Không thể nào…”
Miệng thì nói vậy, nhưng Trương Yến Bình lại phấn chấn hẳn lên:
“Cũng có khi là thế thật đấy!”
Nghĩ vậy, anh ta mở điện thoại, lôi ra một bức ảnh chụp từ xa. Trong ảnh là một cái ao xanh mướt, liễu rủ đung đưa trong gió xuân, xung quanh có chín ông chú già ngồi đều tăm tắp.
Trương Yến Bình liền đăng ảnh lên diễn đàn, lần này không phải là mấy bài quảng cáo nhàm chán nữa, mà kèm thêm một câu than thở:
“Các ông anh này ngồi câu mấy ngày rồi, đừng nói cá lớn, ngay cả cá diếc nặng hai lạng cũng chưa câu được đến ba con. Kỹ thuật kém quá đấy!”
Ai cũng biết, dân câu cá ngoài cá ra thì cái gì cũng có thể “câu” lên được, nhưng cũng rất dễ “trắng tay” trở về.
Nhưng vấn đề là, câu chuyện này chỉ có họ tự nhận, người khác thì không được nói.
Quả nhiên, dưới bài viết nhanh chóng xuất hiện bình luận:
“Định gây chiến à? Một người không câu được gọi là ‘trắng tay’, mười người ngồi kín cả ao còn không câu được thì có khi nào cái ao này chẳng có cá không?”
Trương Yến Bình mỉm cười, liền đăng tiếp tấm hình Tống Đàm chụp hôm trước, trong đó là chiếc lồng bắt cá đầy ắp.
Hay rồi nhé!
Diễn đàn lập tức nổ tung!
Lúc này, một dân “dự bị” lại tinh mắt phát hiện điểm lạ:
“Khoan đã, mọi người nhìn người mặc áo trắng ở đầu hàng xem, có phải là anh XX nổi tiếng trên diễn đàn chúng ta không?”
Trương Yến Bình rất biết cách tự “hâm nóng” không khí, liền đáp ngay:
“Cậu nói anh chàng ‘Cá Chạch đại ca’ phải không? Ối chà, anh ấy đến đây mấy ngày rồi, ngoài cá chạch ra thì chẳng câu được gì cả, giờ đến cả cá chạch cũng không thèm đụng mồi câu của anh ấy.”
Trời đất ơi!
Đây quả thật là một sự sỉ nhục không thể chịu nổi.
Bình luận bên dưới nhanh chóng bùng nổ, trở thành một màn cãi nhau kịch liệt.
Lúc này, người bình luận đầu tiên lại phát hiện thêm một điều thú vị:
“Bảo sao mấy hôm nay mấy ông này không thấy lên diễn đàn phát biểu gì nữa. Đúng là âm hiểm! Hóa ra họ tự trốn đi câu cá, còn tìm được chỗ ‘địa linh nhân kiệt’ mà giấu biệt không hé lộ chút tin tức nào.”
…
Thấy thời cơ đã chín muồi, Trương Yến Bình lập tức đăng lại bài quảng cáo của mình.
Mười ông chú kia vốn là những nhân vật nổi tiếng trên diễn đàn, chỉ cần lộ bóng lưng và một vài đặc điểm nhận dạng, dân mạng đã nhanh chóng nhận ra từng người.
Mọi người ai nấy đều sôi sục, phẫn nộ vì bị lừa dối, hóa ra những tay “lão làng” câu cá đã phát hiện ra điểm câu “cá thần” nhưng lại lặng lẽ giấu đi!
“Tít tít tít…”
Chưa đầy ba phút, hộp tin nhắn riêng của Trương Yến Bình đã chật kín tin nhắn đăng ký tham gia.
Tống Đàm cầm điện thoại, xem hết màn kịch này, trong lòng tràn đầy mãn nguyện.
“Được, cứ quyết định như vậy đi.”
“Nhưng mà, anh Yến Bình, anh thử thêm một quy định nữa xem: một người chỉ được câu cá tối đa ba ngày liên tục.”
Ba ngày là vừa đủ để họ quyết tâm móc tiền ra mua đồ. Nếu qua ba ngày mà vẫn không mua, thì sau này có chèo kéo thêm cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Trương Yến Bình gật đầu: “Đàm Đàm à, chúng ta đúng là anh em ruột, xem đi, đúng là giỏi làm ăn!”
“Anh nói thêm một quy định nữa: sau khi hết ba ngày câu cá, phải cách một tháng mới được đăng ký lại.”
Đồ tốt thì cũng phải để cho người ta có thời gian thưởng thức, chứ mua liên tục, ai mà có đủ tiền đây?
Hai anh em nhìn nhau, lúc này đều cảm thấy cái ví sắp phồng to rồi.
Tống Đàm càng lớn giọng: “Kiều Kiều, chiều tan học nhớ đi thu mật ong đấy!”
Phải chuẩn bị hàng dự trữ thật nhiều, để bày tỏ sự tôn trọng đối với khách hàng mới.
Đám người đang ngồi câu cá bên hồ thì lại cực kỳ bình thản.
Mấy ngày trời không câu được cá, mọi người trong lòng vừa bình tĩnh, vừa không cam tâm, lại tiếc rẻ.
Đủ mọi cảm xúc trộn lẫn thành một thứ hương vị rối bời, khiến họ ngồi lì một chỗ hết ngày này qua ngày khác.
Chẳng nói đâu xa, bây giờ đến cá hoàng phi họ cũng chẳng chê.
Loại cá này mà tẩm bột rồi cho vào chảo chiên, ôi trời, ngon khỏi bàn cãi.
Ngay lúc này, “Cá Chạch đại ca” cảm thấy điện thoại trong túi rung lên.
Để tránh làm cá hoảng, ai nấy đều để điện thoại ở chế độ im lặng hoặc rung. Anh chàng đặt cần câu chắc chắn trên giá, rồi lấy điện thoại ra nghe.
“Alo, ông Triệu à… Hả? Tôi có làm gì đâu, chỉ ra ngoài đi dạo thôi mà… Thật sự đi dạo… Ai lừa ông chứ… Cái hồ nào? Tôi có câu cá đâu… Cái gì? Ảnh chụp gì cơ…”
Đang nói đến mồ hôi đầm đìa thì ở đầu bên kia hồ, một người khác cũng bắt máy:
“Alo, ông Từ hả… Ê, ông đừng nghe quảng cáo trên mạng, toàn là chiêu trò kiếm tiền thôi… Tôi nói thật! Lần đầu tôi đến đây, biết tốn bao nhiêu không? Hơn một vạn đấy! Chặt đẹp luôn!”
“Không lừa ông, thật sự không lừa mà…”
“Gì cơ? Nói tôi kén cá chọn canh, cái gì tốn tiền thì chắc chắn là đồ tốt? Ông này, ông có hiểu tiết kiệm là gì không?”
“Cá trong hồ này vốn dĩ chẳng chịu cắn câu, buồn chán cực kỳ. Tôi chỉ sợ ông bị lừa… Hả? Ông đã đăng ký rồi? Mai đến á? Không thể nào… Bọn tôi ngày nào cũng chiếm chỗ…”
Hai lão câu cá nghe điện thoại xong, ngẩng đầu nhìn nhau, ánh mắt trao đổi hết những điều không nói.
Giây tiếp theo, họ lập tức lôi danh bạ ra, tìm số của Trương Yến Bình mà bấm ngay:
“Đăng ký, nhanh nhanh đăng ký!”
Chẳng cần biết là khi nào, trước tiên phải giữ chỗ ngày mai đã!
Nếu để đám “cao thủ ẩm thực” kia mò đến ăn thử món ăn nông thôn này, dám chắc là họ sẽ chẳng muốn rời đi.
Nhưng tin nhắn còn chưa kịp gửi, bên này đã nhận được thông báo từ Trương Yến Bình:
“Xin lỗi anh, chỗ câu cá ngày mai đã bị người khác đăng ký hết rồi…”
Những người ví rỗng đứng hình.
Gác điện thoại, Trương Yến Bình nhướng mày nhìn Tống Đàm: “Sao, thấy anh làm dịch vụ chăm sóc khách hàng ổn chưa? Không có anh xử lý đống lặt vặt này, ngày nào em cũng phát rồ vì mệt.”
“Vậy mà em chỉ trả anh một ngàn năm trăm đồng lương, anh còn chẳng nỡ nói ra nữa. Giờ làm gì mà kiếm không được ngàn rưỡi?”
Tống Đàm liếc anh một cái: “Thế anh làm không?”
Trương Yến Bình…
“Làm! Làm! Tình thân ruột t.hịt còn đáng giá có chừng này…”
Miệng thì trách móc mà lòng thì mừng.
Tống Đàm cười giả lả: “Tình thân ruột thịt, anh Yến Bình à. Nếu không thì em trả anh ba ngàn rưỡi, nhưng phần chia từ câu cá và bán đồ ăn thì anh không được lấy nữa.”
Trương Yến Bình lập tức im bặt.
Bây giờ mười người ăn một bữa ba mươi phần cơm, trả tiền hai mươi phần, chia cho Tống Đàm hai trăm đồng, còn lại thì anh ta và ông chú Bảy mỗi người được ba trăm đồng.