Còn Chút Gì Để Nhớ

Chương 3: Chương 05-06



Chương 5

 

Một buổi trưa, tôi đang nằm ngủ mơ mơ màng màng trên chiếc đi-văng trước nhà bỗng nghe có tiếng nói chuyện thì thầm sau lưng. Chả là tôi nằm quay mặt vào vách nên khi tôi giật mình mở mắt ra cũng chẳng ai hay biết.

Đó là hai đứa con gái đang "phân tích" tôi.

Một đứa hỏi:

- Ai nằm vậy cà?

Đứa kia trả lời:

- Anh Chương đó!

- Anh Chương nào?

- Anh Chương cháu dì Ba!

- Thằng chả ở đâu mọc ra vậy?

Con nhỏ tự nhiên đổi "tông" khiến tôi suýt chút nữa giật nảy người.

Đứa kia có vẻ như đã quen với kiểu ăn nói của đứa này nên nó chẳng bắt bẻ gì, chỉ nhẹ nhàng giải thích:

- Ảnh ở ngoài quê vô thi đại học.

- Thi đại học?

- Ừ, ảnh bằng tuổi với chị mà đã thi đại học rồi!

- Sao mày biết thằng chả bằng tuổi tao?

- Mẹ nói.

Nghe tới đây, tôi đã lờ mờ đoán ra hai nhân vật này là hai chị em, con của bác Tám nhà bên cạnh.

Đứa chị có vẻ không ưa cái chuyện tôi bằng tuổi nó mà dám thi đại học. Tôi nghe nó "xì" một tiếng:

- Thằng chả thi chắc gì đã đậu!

Tôi nằm nge, giận muốn ứa gan. Mới chân ướt chân ráo vô Sài Gòn, chưa kịp thi cử gì, đã bị con nhỏ "độc miệng" trù ẻo, không nổi điên sao được! Nhưng tôi cố ép mình nằm im để... nghiên cứu tình hình.

Trước thái độ khiêu khích của bà chị, đứa em vẫn nhỏ nhẹ:

- Em không biết! Nhưng em mong cho ảnh thi đậu! Đứa chị "đốp" lại ngay:

- Thằng chả dính gì tới mày mà mày mong! Bộ mày "mết" thằng chả rồi hả?

- Chị đừng có nói bậy! - Đứa em phản ứng - Ảnh ở ngoài quê lặn lội vô đây, nếu thi rớt khăn gói trở về, thấy tội tội làm sao!

- Học dở thì thi rớt, có gì đâu mà tội! - Đứa chị vẫn nói giọng ngang phè.

Đứa em chưa kịp đáp thì có tiếng kêu:

- Trâm ơi Trâm!

Đứa em nói:

- Mẹ kêu chị kì!

Đứa chị - bây giờ tức là Trâm - chạy về nhà. Còn đứa em thì đi ra sau nhà chơi với Lan Anh.

Đợi hai "người đẹp" đi khuất, tôi nhỏm mình ngồi dậy, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Hú vía, may mà bác Tám kêu về kịp thời chứ con nhỏ Trâm kia còn ngồi lại, không biết nó "trù" tôi tới những chuyện gì.

Ngồi nghĩ tới nghĩ lui một hồi, tôi quơ cái gối, leo lên gác. Nán lại ở đây, rủi lát nữa nhỏ Trâm qua cà khịa lôi thôi, tôi nóng tiết "choảng" lại, mất mặt cả đám.

Cầu thang lên gác nằm kế cái cửa thông ra nhà sau. Vừa leo lên bậc thang, tôi vừa liếc qua cánh cửa. Ngồi cạnh Lan Anh là một con nhỏ tóc dài dễ thương hết biết. Hai đứa đang lui cui lặt rau.

Thình lình con nhỏ quay lại và bắt gặp tôi đang nhìn trộm nó. Trong khi tôi đỏ mặt tía tai, chưa biết trốn đi đâu thì nó gật đầu chào tôi và nhoẻn miệng cười. Chưa bao giờ tôi thấy một nụ cười xinh như vậy. Tim tôi đập thon-thót trong lồng ngực, hai tay bấu chặt cầu thang, bởi trong những trường hợp đột xuất như thế này người ta té gãy cổ như chơi. Khi tôi kịp định thần trở lại, tính cười đáp lễ nó thì nó đã day mặt đi chỗ khác tự đời nà. Chẳng lẽ tụt xuống chạy lại khều nó, tôi đành mím môi leo thẳng lên gác, trong bụng giận cái thói "mềm yếu" của mình kinh khủng.

Tôi giở sách ra tính đọc nhưng không tài nào đọc được. Cái nụ cười xinh xắn, thân thiện và hồn nhiên kia cứa nhảy nhót trong đầu tôi.

Lát sau, đợi con nhỏ dễ thương đó về rồi, tôi lò mò ra nhà sau, "phỏng vấn" Lan Anh:

- Nè em, cô bé khi nãy là em chị Trâm phải không?

Lan Anh thè lưỡi:

- Hay qúa ta! Sao anh biết chị Trâm tài qúa vậỷ

Nghe nó khen "tài", tôi khoái chí phỗng mũi ba hoa:

- Sao không biết! Trâm là con đầu của bác Tám chứ gì?

Lan Anh cười khi dể:

- Biết vậy mà cũng biết! Chị Trâm là thứ bạ Trên chị Trâm còn có chị Kim nữa!

Tôi trợn mắt:

- Nhà gì mà toàn con gái không vậy!

- Còn thằng Tạo nữa chi! Thằng Tạo là em út.

Tôi nuốt nước bọt:

- Thế chị kế thằng Tạo tên gì?

Tôi tính đi đường vòng ai dè Lan Anh còn tinh quái hơn tôị Nó nhăn mũi:

- Anh muốn hỏi tên chị Quỳnh thì hỏi đại cho rồi, còn bày đặt hỏi chị kế thằng Tạo!

Bị Lan Anh nói trúng ngay tim đen, tôi đành cười khì. Té ra con nhỏ đó tên Quỳnh. Người dễ thương mà tên cũng dễ thương ác!

Qua Lan Anh, tôi biết gia đình bác Tám có ba người con gái và một đứa con trai. Quỳnh, mười lăm tuổi, học lớp chín, hết hè này lên lớp mười. Chị Kim lớn hơn tôi ba tuổi, nghỉ học mấy năm any, hiện đang bán ở tiệm thuốc tây, chung chỗ với dì tôi. Thằng Tạo, tám tuổi, học lớp ba. Còn nhỏ Trâm, cùng tuổi tôi, học lớp mười một. Trâm học trễ vì bị nghỉ học mấy năm trong thời gian bác Tám trai đi tù. Sau này, hỏi dượng Ba, tôi mới biết bác Tám trai hoạt động cách mạng bị bắt, ở tù mấy năm rồi được thả ra, bây giờ làm nghề mộc kiếm sống qua ngày.

Nói chung, gia đình bác Tám sống tương đối khó khăn. Bác Tám gái đi buôn hột vịt, mỗi tuần về miền Tây một lần. Hột vịt nửa bỏ sỉ, nửa bán lẻ. Phần bán lẻ do Trâm và Quỳnh phụ trách. Hàng ngày, hai chị em đi học một buổi, một buổi đẩy xe ra chợ ngồi bán hột vịt.

Nhớ lại chuyện khi nãy, tôi hỏi Lan Anh:

- Bộ chị Trâm ghét anh lắm hả?

- Ai nói anh vậy?

- Khi nãy anh ngủ anh nghe hai chị em nói chuyện.

- Ngủ mà nghe?

- Anh ngủ mơ mơ màng màng.

Tôi không dám nói là tôi thức, nằm dỏng tai nghe trộm. Lan Anh hỏi :

- Chị Trâm nói sao?

Tôi "méc":

- Chỉ tù anh thi rớt đại học.

- Trù saỏ - Nó lại hỏi.

- Chỉ nói chắc gì anh thi đậu!

- Nói vậy mà trù!

Thấy không ăn thu, tôi "méc" thêm:

- Chỉ còn kêu anh là "thằng chả".

Lan Anh cười :

- Tính chỉ vậy đó! Ở nhà kêu chỉ là con trai! Ngó vậy chứ chỉ tốt lắm!

Tôi hừ mũi?

- "Thằng chả" mà tốt!

Lan Anh lườm tôi :

- Em méc chị Trâm cho coi!

Tôi nghinh mặt:

- Cho méc!

Tự nhiên nó reo lên:

- A, em biết rồi!

Tôi ngơ ngác:

- Biết cái gì?

- Biết anh chẳng khờ chút nào! Anh chỉ giả bộ khờ thôi!

Tôi cười hì hì. Thật ra tôi đâu có giả bộ khờ. Tôi khờ thật đấy chứ. Nhưng từ khi gặp Quỳnh, hình như đầu óc tôi sáng sủa ra được một chút.

 

Chương 6

 

Tối hôm sau, tôi định qua nhà bác Tám chơi. Tôi vào ở nhà dì Ba đã gần một tuần mà chưa qua thăm hàng xóm, kể cũng tệ. Nhất là quan hệ giữa gia đình bác Tám với dì dượng tôi rất thân thiết. Hai bên chạy qua chạy lại như trong một nhà.

 

Nhà bác Tám kế vách nhà dì tôi. Nhưng cửa nhà thì thụt vào sâu hơn, muốn vào nhà phải qua một khoảnh sân hẹp có cửa lưới. Căn gác tôi ở nằm kế ngay trên khoảnh sân đó. Trước khi căn gác thuộc về tôi, tấm vách tiếp giáp với khoảnh sân đã bị thủng một lỗ to tướng, đủ để thò lọt hai đầu. Tôi phải nói rõ điều đó để đừng bạn nào nghĩ rằng tôi cố tình tạo ra lỗ thủng "kỳ diệu" đó. Dì tôi có dùng một tấm vải bạc để che chỗ đó nhưng chẳng ăn thua gì. Mỗi khi trời mưa gió, tấm vải bay phấp phới để lộ cả khoảng trời. Tất nhiên tôi không dại gì mà không khai thác... tiềm năng của cái lỗ thủng đó. Trong thời gian sau này, thỉnh thoảng tôi vẫn thò đầu (nói chính xác là một phần tư cái đầu) qua cứ điểm chiến lược đó để...quan sát đối phương.

 

Thật ra, sỡ dĩ tôi chưa qua thăm gia đình bác Tám một phần cũng vì tôi bận rộn. Hai ngày nay, dượng tôi phải nghỉ làm để chở tôi đến trường đại học xem thông báo tuyển sinh và chuẩn bị hồ sơ. Thời gian còn lại, tôi vùi đầu lo ôn thi. Tôi cứ nghĩ, chuyện gì chứ chuyện qua chơi nhà bác Tám để chậm vài ngày cũng chẳng muộn. Nhưng kể từ trưa nay, tôi mới vỡ lẽ ra rằng đến nay mà chưa qua nhà bác Tám thì đã quá muộn rồi.

 

Tôi định tối hôm sau qua chơi thì trưa hôm sau lại xảy ra một biến cố khiến cuộc viếng thăm dự định đó bị dời bến vô thời hạn.

 

Số là ăn cơm trưa xong, tôi rút lên gác, thay vì nằm ngủ ở đi-văng như thường lệ.

 

Lan Anh kêu tôi:

- Sao anh không nằm ngủ dưới này cho mát?

Tôi ấp úng:

- À...anh phải sắp xếp đồ đạc lại một chút.

- Xì! Đồ đạc chẳng có bao nhiêu mà sắp xếp hoài!

May mà Lan Anh chỉ nói vậy thôi chứ không hỏi tiếp. Nó hỏi tới chắc tôi hết đường trả lời.

 

Thật ra tôi cũng muốn nghỉ trưa dưới nhà để mong gặp Quỳnh. Nhưng rủi Quỳnh không qua mà Trâm qua một mình chắc tôi chết. Tôi làm bộ làm tịch với Lan Anh vậy thôi chứ nói chuyện tay đôi với Trâm, chắc Trâm sẽ ăn thịt tôi mất.

 

Tôi ngồi trên gác, vừa thủ thế vừa lắng tai nghe động tĩnh. Giờ này nghĩ trưa, biết đâu Quỳnh chẳng qua chơi với Lan Anh. Nếu Quỳnh qua, tôi sẽ nhanh chóng tụt xuống khỏi gác chạy tới gật đầu chào Quỳnh hai cái, bù thêm cái thiếu sót hôm qua.

 

Nhưng tôi đợi dài cả cổ mà chẳng thấy gì. Hay là Quỳnh giận tôi hôm qua đã không đáp lại nụ cười làm quen của Quỳnh. Nếu quả vậy, thật đáng đời cho tôi, một tên vừa khờ vừa bất lịch sự hết chỗ nói.

 

Nghĩ ngợi lan man một hồi, tôi buồn tình đem đàn ra gảy. Cây đàn mới tinh, mới mua mấy ngày, mấy hôm nay bận học tôi đâu có thèm rớ. Bữa nay tôi nhờ nó nói lên tiếng lòng của tôi.

 

Tôi ư ử hát bài "Cô Láng Giềng" của Hoàng Quí. Tôi phục ông Hoàng Quí này quá xá. Làm sao ông ta biết được ngày hôm nay tôi ở kế nhà Quỳnh mà lại viết bản nhạc độc địa vậy không biết.

 

Để ngồi cho thoải mái hầu đem hết năng lực phục vụ nghệ thuật, tôi thõng hai chân xuống gác, đu đưa trong không khí. Giờ này dì dượng tôi đã đi làm, Lan Anh còn nhỏ, chưa đủ chiều cao, tôi khỏi phải sợ đạp trúng đầu ai.

 

Tôi đang lim dim mắt, rống hết cỡ:

- Cô láng giềng ơi, không biết còn nhớ đến tôi.....

 

Thì bỗng có ai đánh "bốp" một cái vào chân tôi khiến tôi giật nẩy người.

 

Tôi chưa kịp định thần xem thử có phải Quỳnh hay không thì một tiếng nói dõng dạc đã vang lên:

_Này, anh kia!

 

Tôi run bắn người, tưởng cảnh sát đi bắt quân dịch. Dòm lại, hóa ra Trâm.

 

Thấy nó đứng dưới đất chống nạnh dòm lên, tôi ơn ớn:

- Dạ, có gì không... chị?

- Bộ anh điên hả?

 

Nó hỏi xách mé khiến tôi ngớ người ra, không biết đường nào trả lời.

Thấy tôi lúng túng, nó làm tới :

_Tại sao giữa trưa anh hò hét om sòm không cho ai ngủ hết vậy?

 

Tôi hát mà nó dám kêu tôi hò hét, đúng là đồ... con trai! Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng tôi đành phải buông cây đàn xuống, miệng ấp úng :

- Tôi... xin lỗi...

Thấy tôi có vẻ... dễ dạy, Trâm cười cười bỏ đi.

Ra tới cửa, nó còn đứng lại hỏi:

- Nhà tôi có tới ba chị em gái, anh hát cô láng giềng là anh hát cho cô nào vậy?

- Đâu có! Tôi hát chơi vậy thôi!

Tôi trả lời mà mặt đỏ rần tới mang tai. May mà tôi ngồi trên gác nên Trâm không nhìn thấy. Thật là xui tận mạng, tôi đã trốn lên gác rồi mà vẫn bị "sao quả tạ" chiếu!

 

Tôi chưa kịp hoàn hồn đã nghe tiếng Lan Anh cười hí hí dưới nhà. Tôi biết nó cười chọc quê tôi, nhưng đang ở thế hạ phong, tôi không dám gây sự với nó.

 

Nhưng, đúng như ông bà nói, hết cơn bĩ cực đến hồi thới lai! Tôi đang ngồi ủ rủ, đầu gục trên gối, thì bỗng nghe một tiếng gọi dịu dàng bên tai:

- Anh Chương!

Vừa quay mặt lại, tim tôi bỗng nhói lên một cái: Quỳnh.

Đúng là Quỳnh! Cô bé dễ thương đang đứng ở lưng chừng cầu thang, thò đầu lên gác và nhìn tôi bằng đôi mắt sâu thẳm, nửa bối rối nửa ái ngại.

Dường như sự mừng rỡ của tôi toát ra một cách lộ liễu trong ánh mắt nên bất giác Quỳnh cúi mặt xuống.

_Có chuyện gì vậy, Quỳnh? - Tôi hỏi.

- Khi nãy chị Trâm nói gì anh vậy? - Giọng Quỳnh buồn buồn.

Tôi chối phắt:

- Chị Trâm có nói gì đâu!

Nhưng Quỳnh thừa biết tôi nói dối. Cô bé không hỏi nữa mà chỉ nói:

- Anh đừng giận chị Trâm nghen! Tính chỉ bộp bộp như vậy nhưng chẳng có ác ý gì đâu!

Tự nhiên tôi thấy thương Quỳnh quá. Tôi quả quyết:

- Anh không giận chị Trâm đâu, Quỳnh đừng lo! Trước nay anh chưa biết giận ai bao giờ!

Nói xong, tôi toát mồ hôi hột. Câu đầu thì có thể đúng nhưng câu sau rõ ràng là tôi nói dóc. Trước nay, tôi giận hàng tỉ người.

Nhưng Quỳnh không để ý tôi tới điều đó. Cô bé nhìn tôi bằng ánh mắt tin cậy:

- Anh nói thật chứ?

Tôi gật đầu đại:

- Thật mà!

Sau khi được tôi bảo đảm, trước khi tụt xuống gác, Quỳnh còn cười với tôi một cái, dễ thương không thua gì hôm qua. Nhưng lần này rút kinh nghiệm, trước khi Quỳnh kịp cười thì tôi đã cười trước, sợ khi Quỳnh cười xong, tôi chưa kịp cười đáp lễ, Quỳnh đã tụt xuống đất mất tiêu.

 

Chính vì sự kiện tồi tệ đó mà mặc dù hứa với Quỳnh là không giận Trâm, tối đó tôi buộc phải hoãn lại chuyến viếng thăm gia đình bác Tám cho đến khi có... quyết định mới.

— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.