Chuyện Xứ Lang Biang (Tập 4: Báu Vật Ở Lâu Đài K'rahlan)

Chương 28: Chương 19



Chương 19

Giáo sư lãng quên

Khi Nguyên và Kăply đặt chân vào văn phòng của thầy N’Trang Long, định hớn hở báo cho thầy biết là tụi nó đã tiến một bước dài trên con đường truy tìm báu vật gì gì đó, hai đứa bỗng khựng lại khi nhìn thấy cái báo động kế quen thuộc đang giãy giụa đùng đùng trên vách, ngay vị trí trước đây tụi nó thường nhìn thấy.

Đã một thời gian dài, kể từ ngày Buriam. – sứ giả thứ tư của phe Hắc Ám trong lốt giáo sư Hailixiro. – bị sa lưới, tụi nó không còn nhìn thấy cái báo động kế treo ở chỗ đó nữa. Dĩ nhiên là cả hai rất thắc mắc nhưng không nghe thấy thầy N’Trang Long đả động gì đến chuyện đó, tụi nó không dám hỏi, đành tự bằng lòng vơi cách giải thích rằng một khi mầm họa trong trường đã bị dập tắt, thầy không cần đến nó nữa nên đã cất đi.

Nguyên và Kăply gần như quên bẵng cái báo động kế đi rồi thì nó lại đột ngột xuất hiện ngay vào lúc không ngờ nhất. Hai đứa nhìn chằm chằm về phía cái báo động kế, ngạc nhiên tại sao bữa nay thầy N’Trang Long lại lôi nó ra, muốn lại gần xem nhưng không dám.

- Tụi con cứ bước lại xem đi.

Thầy N’Trang Long e hèm một tiếng, dễ dãi nói, ra vẻ nếu không đi guốc trong bụng học trò thì không xứng là hiệu trưởng.

Chỉ chờ có vậy, Nguyên và Kăply hối hả xán lại chỗ bức vách gần như bay ngang căn phòng.

Vừa nhìn thấy chất lỏng màu đỏ trong cái báo động kế sôi xèo xèo ở 95°, hai đứa giật bắn người, lật đật thả tay xuống, tụi nó lại vội vã xát tay lên mắt lần nữa, như thể không làm vậy thì con số 95° sẽ không chịu biến đi.

Đến khi biết chắc mình không trông lầm, cả hai bất giác run lên, mặt xám ngoét như vừa tròng lên chiếc mặt nạ màu tro.

Nguyên không ở trong số những đứa trẻ nhát gan nhưng lúc này cũng phải ngoảnh mặt về phía thầy N’Trang Long, lắp ba lắp bắp.

- Sao… sao nó… lên cao quá vậy thầy?

Kăply, như thường lệ, lại xì ra một câu chẳng ý tứ chút nào hết:

- Trường ta sắp banh ta lông rồi hả thầy?

- Chắc cũng sắp rồi. – Thầy N’Trang Long nghiêm nghị nói, bàn tay nhảy lên trán, thận trọng xoa quanh chỗ đó như đang trị chứng nhức đầu. – Nếu mà nó dâng thêm 5° nữa thì trường Đămri chắc biến thành cái nghĩa địa quá hà.

Kăply liếc cái báo động kế vừa sôi vừa giật ầm ầm và xẹt lửa tứ tung, bụng quặn lại:

- Lại có một con ma cà rồng trong trường mình hả thầy?

Thầy N’Trang Long lắc đầu và làm một động tác gì đó giống như là nhún vai:

- Có mười con ma cà rồng đi lại lơn tơn trong trường thì mực máu trong báo động kế cũng không dâng cao đến thế con à.

- Con đoán ra rồi. – Nguyên bất thần vọt miệng, và khi nó nói tiếp có thể thấy rõ là đôi môi nó không ngớt giần giật. – Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ lão Ôkô Na phải không thầy?

Như thể có một thế kỉ trôi qua sau câu nói của Nguyên. Trong bầu không khí lặng phắt, có thứ gì đó như là sự khắc khoải chạy quanh căn phòng và Kăply tin rằng mình có thể nghe rõ tiếng ruồi bay nếu thầy N’Trang Long nổi hứng thả ra một con ruồi.

Không biết là thời gian có ngừng lại hay không, nhưng khi thầy N’Trang Long “e hèm” một tiếng thì Kăply có cảm giác thời gian mới bắt đầu trôi.

Thầy nói, giọng rầu rầu:

- Rất tiếc là con đã suy nghĩ giống như ta, K’Brăk à.

Kăply chưa hiểu tại sao Nguyên nói đúng mà thầy lại bảo là “rất tiếc” thì thầy lại nói tiếp, như thể biết thừa một cái đầu như nó bao giờ cũng cần nghe tới câu thứ hai để có thể hiểu được câu thứ nhất:

- Kể từ khi cái báo động kế đột ngột vọt lên con số 95° rùng rợn kia, ta luôn luôn hướng suy nghĩ của mình về lão Ôkô Na và thiệt tình là ta luôn luôn hi vọng mình nghĩ sai.

Thầy chép miệng, nhìn thẳng vào hai đứa học trò đang nhấp nhổm trước mặt, đôi mắt to cồ cộ vụt long lanh:

- Nhưng ngoài lão Ôkô Na ra, thú thiệt là ta không nghĩ ra có ai khác có khả năng đặt trường Đămri vào tình trạng báo động cao như vậy.

Nguyên nuốt nước bọt:

- Nhưng cho đến nay, thầy và thầy Akô Nô vẫn khống chế và giám sát được lão Ôkô Na mà, thầy.

- Cho đến nay thì đúng là như vậy. Ban đêm lão già thổ tả đó vẫn ngáy khò khò trong chiếc cũi, như tụi con đã từng nhìn thấy. Nhưng ai mà biết được ngày mai, ngày kia chuyện gì sẽ xảy ra. Trong cuộc đời bấp bênh và đầy bất trắc này, không chuyện gì là không thể, tụi con à.

Thầy N’Trang Long đột ngột chuyển sang giọng triết lý, hoàn toàn không ý thức, nhưng vì thế càng làm cho câu chuyện trở nên nặng nề hơn.

Kăply hít vào một hơi thật sâu, nhăn nhó nói:

- Vậy hóa ra Cục trưởng Cục an ninh Ama Moto quyết định khai trừ thầy Akô Nô là quyết định đúng hả thầy?

- Đúng ư? – Thầy N’Trang Long mở to mắt, có vẻ hết sức ngạc nhiên, như thể Kăply vừa phun ra một con cóc. – Làm sao một quyết định thúi um như vậy mà đúng được kia chớ.

Thầy nhịp những ngón tay quả chuối xuống bàn, mặt nghiêm lại:

- Tụi con nghe đây nè. Thầy Akô Nô là thầy Akô Nô, còn lão Ôkô Na là lão Ôkô Na, không thể vì muốn sát hại người này mà cho mình quyền giết oan luôn người kia. Hừm, hành động như vậy thì có khác gì bọn người của phe Hắc Ám…

- Thế muốn không giống phe Hắc Ám thì phải làm sao hở thầy? – Kăply láu táu hỏi, nó sốt ruột đến mức không thể chờ thầy N’Trang Long nói hết câu.

- Phải nghĩ ra cách! Phải nghĩ ra một cách nào đó, con à. Một cách lưỡng toàn.

- Thế thầy đã nghĩ ra cách gì chưa?

- Ờ, ờ… chưa. – Thầy N’Trang Long cụp mắt xuống, vai thầy cũng trĩu xuống theo như thể thầy đang gánh một gánh đá trên vai.

- Thầy ơi. – Nguyên chợt kêu lên, vẻ mệt mỏi của thầy hiệu trưởng làm nó xúc động, vì nó chưa thấy thầy rơi vào tình trạng này bao giờ. – Thầy không nên lo lắng quá. Dù sao thì cho đến lúc này, lão Ôkô Na vẫn chưa có cách nào chống lại những lá bùa dán ở đền thờ phúc thần Kalăm

- Nhưng nếu trùm Bastu đột nhập vào đây thì hắn có thể cứu lão ra, K’Brăk. – Kăply phản bác. – Hôm trước hắn đã từng đánh tháo cho lão một lần rồi.

- Ờ. – Thầy N’Trang Long ưu phiền nói. – Thần chú kim cương có thể gỡ được những lá bùa mà ta đang dán trên chiếc cũi.

Như không muốn hai đứa học trò thêm hoảng sợ, thầy hắng giọng và lái câu chuyện sang phía khác:

- Ủa tụi con lên đây gặp ta không phải vì định chõ mũi vào chuyện của nhà trường đó chớ?

- Dạ không. – Nguyên gãi tai, ấp úng. – Tụi con định báo cho thầy là ngày mai tụi con sẽ đến làng Ea Tiêu…

- Ta biết rồi. – Thầy N’Trang Long ngắt lời. – Ở phía bắc làng Ea Tiêu có khu rừng thau lau…



Trong khi Nguyên há hốc miệng thì Kăply reo ầm:

- Sao thầy biết hay vậy thầy? Có đứa nào mách lẻo với thầy hả?

Giơ bàn tay to tướng lên như muốn chặn họng tên học trò nhí nhố, thầy N’Trang Long điềm nhiên nói:

- Nếu trực giác của ta không phản lại ta thì ta nghĩ tụi con đang đi đúng hướng.

Đôi mắt thầy nheo lại như có hạt bụi vừa rơi vô và hàng ria rậm khẽ nhúc nhích như thể thầy vẫn quen nói bằng ria:

- Nói thiệt với tụi con chứ cuốn Một trăm vụ án oan trong lịch sử của Đam San về mặt nội dung hổng có gì đáng để cấm đoán hết. Một trăm năm mươi năm trước sở dĩ nó bị Hội đồng tối cao xứ Lang Biang tịch thu chẳng qua vì nó chứa cái bí mật mà tụi con vừa khám phá ra.

Nguyên và Kăply buột miệng “à” lên một tiếng, nhưng trước khi tụi nó kịp thắc mắc về tác giả cuốn sách, thầy N’Trang Long đã nói luôn:

- Đam San dĩ nhiên không hay biết gì về bí mật chứa đựng trong cuốn sách của mình. Ông ta chỉ ghi chép các vụ án sai dưới cái nhìn khách quan của một nhà sử học.

- Thầy ơi, – Nguyên khẽ cựa quậy người. – nếu đúng như thầy nói thì tại sao Đam San lại phù phép dòng chữ nói về vị trí Y Conma bị treo cổ?

- Điều gì thì ta không dám chắc nhưng riêng chuyện này, ta có thể quả quyết Đam San không phải người phù phép dòng chữ đó.

Thầy N’Trang Long thong thả đáp và trước khi Kăply kịp bật ra câu hỏi “Thế thì ai hả thầy?”, thầy đã xua tay về phía cửa phòng không biết đã mở ra từ lúc nào, tỉnh queo nói:

- Ta sẽ rất vui nếu tụi con đủ thông minh để hiểu được tại sao cửa phòng ta tự dưng lại mở ra trong khi không có ai bước vào hết trọi.

Nguyên và Kăply bất đắc dĩ phải đứng lên trước lời đuổi khách, tức mình là tụi nó đã không cáo từ trước khi bị tống cổ như bao lần khác.

- Mày ngu quá. – Nguyên cáu kỉnh nói, khi cả hai lần mò leo xuống những bậc cấp. – Chính Hội đồng Lang Biang đã phù phép dòng chữ đó chứ ai. Có vậy mà cũng hỏi.

- Tao hỏi hồi nào? – Kăply cãi.

- Nếu thầy hiệu trưởng không thẳng tay đuổi tụi mình như đuổi ruồi, mày đã vo ve hỏi rồi. – Nguyên làu bàu. – Chính vì biết mày sắp sửa lằng nhằng, thầy mới tống khứ tụi mình đó.

Lần này thì Kăply nín thinh, vì thằng bạn đại ca của nó nói đúng quá.

Kăply cũng hiểu rằng cách tốt nhất để đừng chọc giận thằng Nguyên trong lúc này là tiếp tục dán miệng mình lại, lặng lẽ chui ra khỏi những căn nhà lá dưới chân tháp, lặng lẽ băng ngang sân trường đầy nhóc những con mắt ngó ra từ các cửa sổ mà không thèm ngọ nguậy đầu, đại khái phải cố ra vẻ ta đây là một đứa vừa câm vừa điếc.

Nhưng lúc lướt ngang qua phòng học có cửa kính tím, Kăply không thể nào ép mình làm thinh được nữa. Nó khẽ kêu lên, miếng băng keo vô hình dán ngang miệng rớt đâu mất.

- Ê, Yan Jik và anh em Pôcô – Pôca kìa.

Ba đứa nhóc cũng vừa nhìn thấy Nguyên và Kăply. Mặt tươi hơn hớn, Pôca bay vèo ra cửa như một làn khói.

- Hai anh đi đâu đây?

- Đi chơi.

Nguyên đáp và tò mò nhìn gương mặt rạng rỡ của Pôca, ngạc nhiên thấy thằng này hổng có vẻ gì là rầu rĩ khi bị nhét vô cái chỗ mà nó vẫn ghét cay ghét đắng.

- Vô lớp đi Pôca. Coi chừng bị thầy giáo phạt đó.

Kăply lên tiếng nhắc, vừa liếc mắt vào lớp Sơ cấp 1, hoang mang khi chẳng thấy thầy phụ trách lớp đâu hết. Chiếc bàn giáo viên vẫn trống trơn như lần nó và Nguyên lò dò vô đây theo lời dặn của thầy N’Trang Long.

- Dạy tụi em là cô giáo chứ không phải thầy giáo. – Pôca cười khì khì.

- Cô giáo? – Cả Nguyên lẫn Kăply cùng bật hỏi.

- Ờ, cô giáo. – Pôca nói tiếp với vẻ khoái trá. – Cô giáo đẹp lắm. Nhưng tụi học trò hổng đứa nào nhìn thấy cô hết. Đã vậy, vừa ôm cặp ra khỏi lớp là chẳng đứa nào nhớ ra cô giáo của mình là ai nữa.

Nguyên giật mình một cái, chột dạ hỏi, không còn bụng dạ đâu để nổi nóng trước lời nhận xét bừa bãi của thằng nhóc về học trò trường Đămri:

- Cô giáo em già hay trẻ?

- Trẻ măng à. – Pôca huơ tay, hào hứng. – Cô lớn hơn chị Êmê có vài tuổi hà.

Nguyên và Kăply bất giác quay sang nhìn nhau, đứa này đều đọc được trong mắt đứa kia cái tên mà tụi nó đang phân vân nghĩ đến: Păng Sur.

Hết sức thận trọng, Nguyên ngoắt Pôca lại chỗ khuất sau bờ tường, cúi đầu hỏi nhỏ:

- Cô giáo em tên gì?

- Em chẳng thấy ai gọi tên cô hết á. – Pôca chớp mắt. – Em hỏi bố Yan Dran, bố bảo thầy hiệu trưởng chỉ gọi cô là giáo sư Lãng Quên.

- Giáo sư Lãng Quên…

Nguyên thì thầm nhắc lại cái tên lạ lẫm đó, chợt hiểu ra tại sao từ khi đặt chân vô trường Đămri đến nay, nó không hề nghe đứa học trò nào thắc mắc về vị giáo viên đặc biệt này. Tụi học trò lớp Sơ cấp 1 chẳng tỏ vẻ gì ngạc nhiên về cô giáo vô hình của mình, có lẽ những băn khoăn của tụi nó đã bị một loại bùa phép nào đó gột sạch khỏi đầu óc. Ngay cả tụi Êmê, K’Tub, Păng Ting, Mua, Tam, Bolobala cũng không bao giờ bàn tán về người phụ trách lớp Sơ cấp 1. Đây chắc là một loại bùa có tác dụng như bùa Lú, nhưng hẳn là loại bùa cực mạnh, Nguyên nơm nớp nghĩ, nếu không thì tại sao cả đội ngũ giáo viên tài giỏi của trường Đămri lẫn đám phóng viên tọc mạch và ưa mách lẻo như Chor và Pôlôna xưa nay đều xem như không hề có vị giáo viên này trong bộ nhớ của mình.

- Thế Yan Jik…

- Yan Jik cũng như mấy đứa kia. – Pôca nhún vai cắt ngang câu hỏi của Nguyên. – Em kể cho nó nghe về cô giáo, một chốc nó lại quên ngay.

Kăply nheo mắt:

- Tóm lại, chỉ có hai đứa em là nhìn thấy cô giáo và luôn biết rằng có một cô giáo như thế trong trường mình, điều đó khiến em và Pôcô rất ư là khoái chí, đúng không?

- Dĩ nhiên rồi, anh K’Brêt. Nhưng có một chuyện tụi em không khoái lắm. – Bộ mặt tươi tỉnh của Pôca chùng xuống và khi nói tiếp ánh mắt nó chợt tối đi. – Không hiểu sao khi tụi em ngồi trong lớp, hai con thanh xà bạch xà cứ đờ ra như hai con rắn bằng gỗ, hổng nhúc nhích gì hết. Chỉ khi nào ra khỏi lớp, tụi nó mới bắt đầu trở lại trạng thái bình thường.

- Chuyện đó anh cũng không hiểu, Pôca. – Nguyên tặc lưỡi và hất đầu về phía cửa lớp. – Thôi, tụi anh về đây, em vô lớp đi.

Vừa chui ra khỏi cổng trường, Kăply đập mạnh vô lưng Nguyên, nói như xả ấm ức, trông bộ tịch thì có lẽ nãy giờ nó bị cả đống câu hỏi dày vò:

- Pôcô – Pôca là hai con ma, tụi nó biết trong trường có một vị giáo viên ở lớp Sơ cấp 1 đã đành, nhưng tại sao tao và mày cũng biết điều đó trong khi những đứa khác đều mù tịt hả Nguyên?

- Mày đừng quên là tụi mình đến từ một thế giới khác. Đừng bao giờ quên điều đó, Kăply.

Nguyên giải thích bằng giọng nghiêm nghị đến mức Kăply chỉ biết thốt lên hai tiếng “Ờ há” rồi lẳng lặng lê bước qua các quầy bánh giăng giăng hai bên đường, buồn bã nhận ra cái đầu mình lúc này đã tiến bộ khá nhiều nhưng chắc còn lâu lắm mới có thể gọi là thông minh.

oOo



Chiếc bàn ăn ở lâu đài K’Rahlan trưa hôm đó giống như một bãi chiến trường. Mé bên này ông K’Tul gân cổ nã đại liên bằng đủ thứ từ ngữ đao búa nhất mà ông có thể lôi ra từ cái đầu nóng hừng hực của mình. Ở phòng tuyến đối diện, bọn trẻ K’Rahlan hợp thành một đội quân mà hai chiến sĩ hăng hái nhất bao giờ cũng là hai tên lính xung kích K’Tub và Kăply, mặc dù để chống lại những đòn tấn công ồ ạt của ông K’Tul, hai đứa nó chỉ có thể dùng loại súng lục bắn từng phát một.

- Tụi bay chống mắt lên mà coi. – Ông K’Tul nhếch mép, cay độc. – Ngày tận thế đến thiệt rồi đó. Rồi sẽ chết tiệt hết cả lũ. Lão N’Trang Long của tụi bay là người tiêu tùng trước tiên. Kế đến là những thằng ngu xưa nay vẫn ủng hộ lão.

- Mắt ba bị làm sao rồi. – Thằng K’Tub tỉnh rụi. – Con chẳng thấy có dấu hiệu gì của ngày tận thế hết.

- Đồ ngu. – Ông K’Tul long mắt lên nhìn thằng con, có vẻ tiếc là đã trót đẻ ra nó. – Chính mày bị mù thì có. Hai hôm nay chim ruồi bay rợp trời mày không thấy sao?

Bọn trẻ tự nhiên nghe sống lưng lạnh ngắt khi nhớ đến lời Suku nói trong rừng bữa trước: chim ruồi cùng với chim đầu rìu và chim gõ kiến là ba loại chim có ma thuật. Chim ruồi từ các cánh rừng xa xôi bỗng nhiên kéo hết về đây hẳn không phải điềm lành.

Ông K’Tul có vẻ rất ư khoái chí khi ngắm vẻ sợ hãi trên mặt bọn trẻ. Ông hí hửng khạc thêm một tràng như muốn làm mấy đứa nhóc sụm luôn cho rồi.

- Tờ Tin nhanh N, S & D vừa phát hành cách đây nửa tiếng đồng hồ còn cho biết rạng sáng hôm nay, một phù thủy đi chợ sớm đã hết sức kinh hoàng khi trông thấy một bầy kền kền đông vô kể, có đến hàng trăm con, đang bu lúc nhúc trên các cành cây dọc hai bên hẻm Gieo sự chết.

Nói tới đây, hàng ria trên mặt ông cựa quậy một cách thích thú:

- Mà kền kền là loài chim gì thì tụi bay cũng được học rồi đó.

Êmê sợ hãi đến mức quên cả mình cùng phe với K’Tub và Kăply. Nó run run nói, mặt bệch ra như sắp bị bỏ vào vạc dầu sôi:

- Đó là loài chim ăn thịt xác chết phải không cậu?

- Ăn thịt xác chết chỉ là chuyện nhỏ. – Ông K’Tul chậm rãi nói, cố tình nhấn nhá từng từ để thưởng thức sự khiếp đảm đang ngấm dần vào bọn trẻ. – Trước đó, khi linh hồn người chết thoát qua miệng để ra ngoài, chim kền kền có nhiệm vụ dẫn linh hồn đó đi chỗ khác…

K’Tub hừ mũi:

- Ý ba muốn nói là chim kền kền về đông như thế thì xứ Lang Biang sắp ngủm củ tỏi hết chứ gì?

- Ta không thèm nói gì hết. Tự tụi bay hay cái đầu đần độn của tụi bay suy ra đi. – Ông K’Tul gầm gừ đáp, câu hỏi khiêu khích của thằng con làm ông cáu đến mức quên phắt vừa rồi chính ông đã quả quyết xứ Lang Biang “sẽ chết tiệt hết cả lũ”.

Kăply đã định không lên tiếng, mặc dù thái độ của ông K’Tul làm nó bất mãn hết sức. Nhưng đến khi ông nhắc tới cụm từ ”cái đầu đần độn” thì không hiểu sao nó thấy nhột nhạt quá mạng – chắc tại hồi sáng vẻ phật ý của thằng Nguyên làm nó khó chịu. Thế là nó bực bội vọt miệng:

- Nếu đúng như bố nói thì con thấy chẳng có gì đáng để bố hò reo như từ nãy đến giờ. Nếu xứ này chẳng may tanh banh hết thì nhà mình chắc cũng hổng còn một mống nào.

Y như bị kê một chiếc tủ vào giữa họng, ông K’Tul há hốc miệng, quai hàm đột nhiên cứng như gỗ. Ông nhìn trừng trừng Kăply, mắt rực lên nhưng không thốt được tiếng nào, đại khái trông ông giống hệt khẩu tiểu liên bị kẹt đạn.

- Này… này…

Mãi một lúc ông mới nấc được một hai tiếng, mặc dù ông không hề muốn nhưng rõ ràng sự ấp úng của ông khiến Nguyên và Kăply tự nhiên liên tưởng đến một quả pháo bị xì.

Đã vậy, thằng K’Tub còn toét miệng cười hì hì:

- Anh K’Brêt nói đúng quá hả ba?

Phải nói là K’Tub đã làm một trò đại ngu. Cái lối đổ dầu vô lửa đó lập tức thổi bùng cơn phẫn nộ trong lòng ông K’Tul, làm đứt tung hết những sợi dây vô hình đang trói chặt ông.

- Đúng cái đầu tụi bay! – Như sư tử sút chuồng, ông K’Tul thình lình đứng phắt lên khỏi ghế, mặt đỏ gay, ông nói như quát vào từng khuôn mặt, hàng ria rung bần bật như sắp văng ra khỏi mép. – Ta cảnh báo để tụi bay liệu hồn chứ ta hò reo cái con khỉ gì. Hừm, nếu thích thì lũ nhãi tụi bay cứ việc chết hết đi. Nhưng ta thì không. Không bao giờ!

Ông K’Tul thở phì phò, ngực áo phồng lên xẹp xuống, gấp rút như thể ông chỉ thở bằng một lá phổi. Ông ngửa mặt nhìn lên các tán lá trong vườn, giọng đột nhiên lảm nhảm, trông ông lúc này dường như không còn là ông nữa, mà như một người nào đó đang giả mạo chính ông:

- Chim ruồi. Chim kền kền. Ngày tận thế sắp đến. Ngài sắp quay lại. Tất cả chỉ là bắt đầu…

Nếu không có cái lưng ghế phía sau thì bọn trẻ, và cả bà Êmô nữa, đã ngã lăn ra trước thái độ giống như không còn thần trí của ông K’Tul, và nhất là những câu lầm bầm của ông. Cũng như mọi người, Kăply điếng hồn nhận ra đó là những câu mà tay chân của trùm Bastu đã quảng cáo trên chiếc đầu trọc của ông Pirama cách đây mấy hôm.

- Ba ơi ba. – Thằng K’Tub ré lên. – Ba nói cái gì vậy?

- Ta nói cái gì ư? – Ông K’Tul như người mộng du, vấp phải câu hỏi của thằng con, giật mình choàng tỉnh. – Ta có nói cái gì đâu.

K’Tub nhắc lại bằng giọng ngờ vực:

- Ba vừa nói: Ngày tận thế sắp đến. Ngài sắp quay lại. Tất cả chỉ là bắt đầu. Ba moi ở đâu ra mấy câu đó vậy?

- Ở đâu ra ư? – Ông K’Tul lúc lắc đầu như để sàng lọc lại trí nhớ. – Ta đọc thấy nó ở đâu đó. Ở ngoài đường…

- Trên một cái đầu… – Êmê mấp máy môi.

- Ờ, có thể là trên một cái đầu. – Đang lẩm bẩm, ông K’Tul vụt long lanh mắt, hét lớn. – Nhưng trên một cái gì thì đâu có quan trọng. Quan trọng là nó nói đúng. Đó là một lời cảnh báo nghiêm túc.

- Chẳng nghiêm túc chút nào hết. – K’Tub dài môi ra. – Cho dù chim ruồi và chim kền kền…

- K’Tub. – Bà Êmô kêu lên, vừa ngắt lời thằng nhóc bà vừa ve vẩy chiếc khăn tay không biết đã được rút ra từ khi nào, và vì bà luôn luôn đóng vai trò gìn giữ hòa bình trong cuộc chiến bất tận giữa ông K’Tul và bọn trẻ nên Nguyên có cảm giác cái đang phơ phất trên tay bà không phải là chiếc khăn để thỉnh thoảng xì mũi mà là lá cờ của Liên hiệp quốc.

Mặt quạu đeo, ông K’Tul giẫm mạnh đôi guốc gỗ lên lớp sỏi và bất thần rời khỏi bàn ăn nhân khoảnh khắc hưu chiến ngắn ngủi, không nói một tiếng nào. Chắc chắn không phải vì ông đã no bụng – bọn trẻ thấy từ khi bắt đầu bữa ăn, ông chỉ húp đúng hai muỗng canh, toàn bộ thời gian còn lại ông dành cho việc nói về chim chóc, về cái chết và chửi người khác ngu và đần độn.

- Thấy chưa. – Bà Êmô đưa đôi mắt ưu phiền nhìn K’Tub. – Ba con giận rồi đó.

K’Tub gừ gừ trong miệng, nó thấy mình không có lý do gì để gây gổ với bà Êmô mà nó rất yêu quý, phần khác lúc này miệng nó đang lèn chặt thức ăn.

- Những điều ba con nói không phải là không có lý. – Bà Êmô tiếp tục bằng giọng lo lắng, tay nắm chặt chiếc khăn như thể đó là lá bùa hộ mạng. – Một khi chim ruồi và chim kền kền đột ngột tập trung về đây, hiện tượng bất bình thường đó rất đáng để chúng ta lưu tâm đề phòng.

Có vẻ như bà đang muốn thay thế vai trò của ông K’Tul khi bắt đầu điểm báo:

- Theo tờ Tin nhanh N, S & D, sáng nay Cục an ninh vừa phát hiện năm xác hết ở khu vực chung quanh Hòn Đá Tảng. Các nạn nhân đã chết nhiều ngày trước, và căn cứ vào tình trạng thi thể bị vùi trong đất, rất có thể họ đã trúng phải lời nguyền Tan xác của Buriăk.

Hình ảnh cuộc chạm trán sinh tử giữa Mua, Păng Ting và Suku với sứ giả thứ năm của trùm Bastu tại hẻm Gieo Sự Chết hôm trước hiện về mồn một trong đầu khiến Nguyên và Kăply không hẹn mà cùng rên lên.

Rất may là những người ngồi quanh bàn ăn hiểu tiếng rên của hai đứa nó theo nghĩa khác.

- Chưa hết đâu, tụi con. – Bà Êmô nhìn Nguyên và Kăply bằng ánh mắt ngạc nhiên, ý chừng bà cho rằng nhát hít như thế làm sao mà làm chiến binh giữ đền cho nổi, rồi thắc thỏm nói tiếp. – Thông tin về những cái chết trên tờ báo của Ama Đliê dù sao cũng không kỳ lạ bằng tin tức mà tờ Lang Biang hằng ngày vừa tiết lộ sáng nay: Có những dấu hiệu cho thấy tiệm Những Dấu Hỏi sẽ đóng cửa vô thời hạn. Thời gian gần đây, nhiều người bắt gặp lão Luclac xuất hiện thường xuyên ở tiệm Cái Cốc vàng, say bét nhè và hầu như không nhớ chút xíu gì về cửa tiệm mà lão từng điều hành bao nhiêu năm nay.

Một lần nữa, Nguyên và Kăply đã rất muốn ợ lên một tiếng rên nhưng lần này tụi nó kềm lại được. Như vậy là trong cái ngày ông Pirama lên tiếng giải mã câu thơ của ông K’Tul, ngay cả lão chủ tiệm cũng trúng phải bùa Lú của thủ phạm chứ không chỉ các khách hàng. Thủ phạm chắc là ông K’Tul rồi. Nguyên nơm nớp nghĩ. Rõ ràng là cho đến nay, ông K’Tul chẳng hề tỏ ra hề hấn gì hết, và không cần phải thiệt là thông thái mới hiểu rằng người không trúng phải bùa Lú chính là người đã sử dụng bùa Lú trong ngày hôm đó.

Nguyên đưa đôi mắt hoang mang nhìn theo hướng ông K’Tul vừa bỏ đi như nhìn theo một dấu hỏi to tướng, giật mình thêm cái nữa khi sực nhớ ra ông không hề có bóng như mọi người.

Trong một thoáng, Nguyên có cảm giác nó đang ngâm mình trong hầm nước đá và kể từ lúc đó, những lời giáo huấn của bà Êmô trượt qua tai nó loáng thoáng như gió thoảng và nếu như lúc đó có ai phát hiện ra dáng ngồi bất động của nó và hét lên rằng có một con basilic đang bò loanh quanh trong vườn, chắc chắn những người khác sẽ lập tức tin ngay.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.