Cho Anh Nhìn Về Phía Em Tập 2

Chương 10



Cát Niên biết ơn Đường Nghiệp đã cho cô một cơ hội trả nợ, giả như không có cơ hội này, bất kể thiếu hụt bao nhiêu, cái gọi là bồi thường chỉ có thể là gánh nặng của đối phương. Cô trả được là một điều may mắn.

.

Dường như có tiếng chuông điện thoại trong phòng khách, một lát sau, tiếng nói chuyện điện thoại khẽ vọng trong gian phòng Cát Niên đang làm việc, loáng thoáng không rõ ràng. Cát Niên chỉ muốn nhanh chóng thoát khỏi nơi khó xử này, cố gắng đặt hết tâm sức vào công việc đang làm, có lẽ chuyên tâm hơn một chút, tâm trí cô sẽ bớt nghĩ về hậu quả việc vô cớ đi hại người ngay của mình. Công việc vừa hoàn thành liền thấy Đường Nghiệp sắc mặt lo lắng bước nhanh vào phòng.

“Cô phải đi ngay.”

Cát Niên nghe xong, chớp chớp mắt không nói thêm gì, vội vàng thu dọn đồ đạc theo bản năng. Cô đoán, có lẽ do vị chủ nhân còn lại của căn nhà sắp trở về, cô phải lập tức rời khỏi đây ngay. Còn về việc người đó là nam hay nữ, vì sao cô phải tránh, cô không muốn biết.

Trong lúc gấp gáp, Cát Niên vội vàng gom mấy mảnh bìa rơi trên sàn nhà, mở vải vụn còn thừa cùng đồ nghề nhét hết thảy vào chiếc túi lớn đem theo bên người, lúc này, Đường Nghiệp vừa quay ra khỏi phòng dường như lại nghe thấy ngoài cửa có tiếng động, thấy cô đang định lao ra khỏi cửa bèn chặn ngay lại.

Anh nói: “Từ từ, người đã ở bên ngoài rồi, lúc này cô không thể đi ra cửa chính được…”

Cô nghe xong, lập tức thấy rối mù, do dự một hồi, cô nhẹ nhàng vén góc rèm cửa sổ, thò đầu ra xem xét bên ngoài. Trí nhớ của cô hoàn toàn chính xác, căn hộ này đích thực ở tầng 11. Hạ tấm rèm xuống, cô chỉ đành chọn bất động đứng nguyên tại vị trí cũ.

“Hừm!” Đường Nghiệp thở dài, tiếng chuông cửa không ngoài dự liệu bắt đầu vang lên, anh vội vàng chạy ra mở cửa, bỏ lại Cát Niên đờ đẫn đứng tại chỗ, thậm chí chẳng để lại một câu dặn dò, cô vốn không nên ở lại đây, nhưng trong hoàn cảnh này, còn cách nào tốt hơn được nữa.

Sau tiếng mở cửa rồi đóng cửa, Cát Niên nín thở, nghe thấy giọng Đường Nghiệp.

“Bà cũng thật là, bà đến sao không báo trước để cháu còn qua đón.” Giọng Đường Nghiệp tuy trách cứ, nhưng lúc này đã dịu dàng hơn hẳn.

“Giờ vẫn còn chưa cần, đợi đến khi bà thật đi không nổi nữa rồi, cháu có lấy xe lăn đẩy bà cũng không từ, hôm nay đưa cho cháu ít đồ, bố cháu đi rồi, nhà bên ấy cháu cũng không thèm về nữa.” Đó là giọng một người phụ nữ lớn tuổi, hãy còn mang chút âm điệu địa phương, “Không thích bà đến hả? Lẽ nào đúng như dì cháu nói, chỗ này của cháu là thôn độc thân, chỉ cho phép mình cháu ở, người khác đều không được qua lại? Bà nói với dì ấy à, bà không tin, cháu từ bé đã do bà nuôi lớn.”

Cát Niên không nghe thấy tiếng Đường Nghiệp trả lời, một lúc sau, anh mới nói: “Bà ngồi xuống đi ạ, để cháu đi pha trà.”

Người ngoài phòng khách hình như đã vào chỗ, Cát Niên đến thở cũng không dám thở lớn, thu tay thu chân gọn vào một góc khuất tránh xa tầm nhìn từ phía cửa.

“Nghiệp, vừa đổi bộ vỏ ghế mới à?” Bà lão đặt chiếc cốc xuống, lại hỏi.

“Không phải do cháu đặt.”

“Không phải cháu thì còn ai…” Bà nghi hoặc một hồi mới “ồ” lên một tiếng dài, “Bà hồ đồ quá, còn có thể là ai chứ? Là cô gái lần trước dì cháu giới thiệu phải không? Chung quy vẫn là người trẻ kỹ lưỡng, vải này nhã hơn hẳn.”

Dù không nhìn thấy, Cát Niên vẫn có thể tưởng tưởng ra nét mặt rạng rỡ của bà lão khi nói câu này. Dường như mọi bậc trưởng bối trên thế gian này không ai là không muốn con cháu đã đến tuổi kết hôn sớm thành lập gia nghiệp, nếu như số phận rẽ theo một ngã khác thì lúc này cô vẫn vui vẻ bên bố mẹ, có lẽ cũng sẽ có người ngày ngày quan tâm càm ràm như vậy – cô lại tự trào nghĩ, nếu thật có một con đường khác, cô vẫn không đến nỗi một thân một mình.

Đường Nghiệp không phủ nhận, nghĩ lại có lẽ người con gái đó chính là cô gái đến tiệm Cát Niên đặt hàng, Cát Niên lúc này dường như cũng có thể nhớ lại thêm vài tình tiết hôm ấy, niềm vui tinh tế, mong manh của cô gái khi chọn vải, đích thực chỉ những người đang đắm chìm trong tình yêu mới có được.

Giọng Đường Nghiệp đều đều nghe không rõ cảm xúc, “Bà, cháu cũng đã nói với dì không biết bao nhiêu lần rồi, một nam một nữ không phải chỉ vì môn đăng hộ đối mà bắt buộc phải thành đôi. Cháu gặp cô gái đó thực ra cũng chỉ vì không muốn làm dì mất hứng thôi, phụ ý tốt của dì, nhưng…”

Bà cắt ngang câu của Đường Nghiệp: “Cháu lại muốn nói với bà chuyện cảm xúc của mấy đứa trẻ nhà cháu à, tình yêu sét đánh à, mấy cái đó bà không hiểu, nhưng cô gái đó bà gặp rồi, nhan sắc cũng khá, có văn hóa, lại lễ phép, người ta cũng có ý với cháu. Nghiệp à, cháu đã ba mấy tuổi rồi, rốt cuộc muốn tìm thần tiên chốn nào mới xem như vừa ý đây, bố cháu bằng tuổi cháu đã… thôi, không nói nữa, dì cháu kêu bà khuyên cháu, nhưng bà có nói gì chắc cháu cũng bỏ ngoài tai… Nghiệp, cháu đừng trách bà nhiều lời, nhưng dì cháu lo lắng như vậy cũng là vì nghe được mấy tin đồn không ra gì, nói láo bên ngoài, cái gì mà đàn ông cặp đàn ông, điều kiện càng tốt lại càng…”

“Tầm bậy tầm bạ!” Giọng Đường Nghiệp trở nên cao vút, tiếp đó là tiếng ghế mây cọ sát vào mặt sàn gỗ. Cát Niên cũng sợ thót tim, dù cô không phải kẻ ưa quản chuyện người khác, nhưng vành tai vẫn bất giác dỏng lên.

“Bà, bà cũng giống như dì ấy, toàn nghe mấy lời bóng gió, làm gì có chuyện ấy.” Đường Nghiệp rõ ràng cũng hiểu mình thất thố, dù thế nào cũng không nên vô lễ trước mặt người lớn, lần này giọng nói có vẻ dịu đi ít nhiều, “Cháu không thích cô gái đó là vì chúa ghét nhất người khác can thiệp vào thói quen sống của cháu, cháu đi chơi với cô ta mấy lần, nhưng cũng không thân thiết đến mức cô ta tự coi chỗ cháu như địa bàn của mình, đặt đống ghế, đống gối này, đến hỏi cũng không thèm hỏi cháu một tiếng.”

“Người ta cũng là quan tâm đến cháu, Nghiệp à, con người sống trên đời phải có bầu có bạn, cháu lại chỉ có một mình, bản thân cô quạnh, không nói, nhưng người khác…”

“Ai nói cháu không có?” Câu này Đường Nghiệp nói rất nhanh, nói xong anh im lặng, dường như hối hận về lời biện bạch trong lúc xúc động của mình. Cát Niên bất giác nghĩ đến người đàn ông đeo kính tối hôm đó cứ đứng nguyên tại chỗ đưa mắt nhìn theo chiếc xe Đường Nghiệp rời đi, ánh mắt phẫn nộ của anh ta đến bây giờ vẫn còn khiến Cát Niên không ngăn nổi rùng mình.

“Tự cháu tìm được đối tượng rồi?” Giọng bà lão trở nên vui vẻ, “Con bé làm gì? Nhà ở đâu? Sao cháu không dắt đến cho bà với dì xem, làm hai người bọn ta suốt ngày lo hão cho cháu!”

Đường Nghiệp không trả lời ngay, anh đã quên mất một lời nói dối bắt buộc phải dùng vô số lời nói dối khác để hoàn thiện, bà đã già rồi, nhưng cũng như dì anh. Đều là những người có con mắt tinh đời, mà đối tượng anh vừa buột miệng nói ra ấy vẫn chưa được thiết kế hoàn hảo, người con gái ấy phải như thế nào đây? Đối diện với vấn đề này, anh nhất thời không biết nên nói thế nào mới phải.

“Ờm, cũng không quá đẹp.” Anh nói bừa.

“Nhà họ Đường chúng ta cũng không thể chọn một người quá xấu xí chứ.”

“Đương nhiên cũng không xấu.” Lời anh nói trở nên chậm chạp.

“Vậy cô ấy làm gì? Nhà ở đây hả? Là đồng nghiệp trong cục của cháu hay do ai giới thiệu? Bao tuổi? Tính tình thế nào?”

Câu hỏi dồn dập như súng liên thanh rõ ràng lập tức làm khó Đường Nghiệp, Cát Niên thầm nghĩ, Hàn Thuật bảo cô nói dối dễ như ăn cơm cũng không sai, ít nhất không phải ai cũng có thể nói dối mặt không biến sắc được như cô, Đường Nghiệp hẳn là người không quen những chuyện này.

“Cái thằng này, trước mặt bà còn xấu hổ nỗi gì, cháu mau nói xem, cô gái đó bao tuổi, làm nghề gì?” Bà lão lặp lại hai câu hỏi trọng tâm.

“Ờm, cô ấy làm ở tiệm đồ vải, kém cháu vài tuổi.”

Cát Niên đứng thu lu trong góc phòng chớp chớp mắt, đến khi não bộ kịp phản ứng lại, cô lập tức kinh ngạc như nghe sét đánh bên tai, dù cảnh giới cao nhất của nói dối là mười câu thật xen lẫn một câu giả then chốt nhất, nhưng…

“Để bà gọi cho dì cháu, vừa hay hai hôm nay là cuối tuần, cháu đem bạn gái đến ra mắt, không dì cháu với bà sốt ruột chết mất.”

Đường Nghiệp im lặng, lần trầm ngâm này của anh khiến tim Cát Niên đập thình thịch, dường như dự liệu được khả năng xấu nhất, trong cơn hoảng loạn, cô lại không kìm nổi vén rèm cửa sổ.

Tầng 11 vẫn quá cao.

Cô đã có kinh nghiệm từ lâu, trong cuộc sống của cô có dự đoán nào xấu nhất chắc chắn sẽ trở thành sự thật. Quả nhiên, sau giây lát, Đường Ngiệp dường như đã hạ quyết tâm, chỉ nghe tiếng anh nói: “Ờm, bà ạ, cô ấy, cô ấy bây giờ đang ở trong phòng.”

Cát Niên đau khổ nhắm nghiền mắt.

“Sao cơ?”

Cát Niên đã kịp thay đổi sắc mặt vừa đúng lúc bà lão đẩy cửa bước vào, cô nở một nụ cười e lệ, “Bà… cháu chào bà.”

Lúc nói câu này, cô nhận thấy khuôn mặt căng thẳng tái mét của Đường Nghiệp đang theo sát phía sau khẽ dãn ra. Có lẽ anh cũng không chắc về phản ứng của Cát Niên, nhưng lần này anh đã đặt cược đúng, Cát Niên nợ anh.

“Đây… đây là bà anh, là cô của bố anh, bà trước nay đều sống cùng bố con anh, anh cũng do bà nuôi dạy cả.” Đường Nghiệp cố che giấu sự gượng gạo của mình.

Cát Niên vội vàng nói: “Thưa bà, cháu tên là Tạ Cát Niên.” Đây vừa là tự giới thiệu với người lớn, cũng là tự giới thiệu với người đàn ông đã tạo ra cú lừa ngoạn mục này trong khi còn chẳng biết tên cô. Cô nói xong, nhân lúc bà lão hết quan sát cô từ trên xuống dưới lại quay sang quan sát sơ hở phía Đường Nghiệp, nhanh tay nhét chiếc áo gilê màu cam – đồng phục cửa hàng vải cô vừa kịp cởi ra một giây trước vào sau tấm rèm cửa sổ.

Tiếp đó, bà lão dắt tay Cát Niên tới ngồi trên sofa hồ hởi nói chuyện dài dòng một hồi, từ đầu tới cuối, Đường Nghiệp chỉ ngồi yên lặng bên chiếc ghế mây, nghe hai người phụ nữ một già một trẻ nói chuyện qua lại.

Cát Niên chốc chốc lại mỉm cười đáp lại câu chuyện của bà lão, cô trước nay vẫn là người động lòng còn nhanh hơn mở miệng, và trong lúc chưa rõ tình hình thế nào, đối diện với sự truy hỏi của bà lão hiền lành, cô hiểu càng nói nhiều ắt càng sai nhiều. May sao trong lòng cô thực sự căng thẳng, hai vành tai từ đầu tới cuối cứ đỏ ửng, những hạt mồ hôi lấm tấm cũng bắt đầu xuất hiện, dáng vẻ này lại vừa vặn đúng với hình tượng cô cháu dâu rụt rè ăn nói nhỏ nhẹ, gượng gạo kiệm lời, dịu dàng đôn hậu lần đầu gặp người lớn trong lòng bà cụ.

Cát Niên tuy thấp thỏm không yên, nhưng bà lão cuối cùng cũng gặp được cô gái xinh đẹp ngời ngời mà thằng cháu trai vốn không thích giao tiếp với người lạ giấu trong nhà, đương nhiên vui mừng không nói hết lời, càng nói càng thấy cao hứng, thời gian trôi qua lúc nào không biết, thoắt chốc đã tới giờ cơm trưa. Bà cụ chủ động đề xuất sẽ đích thân vào bếp làm cơm, vừa ăn vừa trò chuyện với “hai đứa nhỏ”, đồng thời khăng khăng từ chối đề nghị giúp đỡ của hai người trẻ tuổi.

Đường Nghiệp bất lực nhìn theo bà cụ lật đật đi vào bếp, bên cạnh, dáng vẻ Cát Niên chốc chốc lại nhìn lén chiếc đồng hồ cổ treo tường xem giờ cũng không lọt khỏi mắt anh.

“Nhờ… em có được không…” trong câu nói của anh ngụ ý lời thỉnh cầu. Nhưng mới đây không lâu, trước mắt anh Cát Niên vẫn là một cô “gái điếm” bỉ ổi, gian xảo, giờ bắt anh đột ngột thay đổi đột ngột cũng không phải chuyện dễ. Hơn nữa, gian bếp mở thông với phòng khách, âm thanh chỉ cần hơi lớn một chút e rằng khó tránh khỏi kích động đến bà cụ đang vui vẻ, bận rộn bên trong.

Ở cửa hàng vẫn còn công việc đang chờ Cát Niên, nhưng chuyện đã đến nước này… cô thở dài, cười trả lời Đường Nghiệp: “Nghề tay trái của tôi không phải rất nhiều sao?”

Cô phần nào đoán được lý do Đường Nhiệp làm vậy, có lẽ cũng chính vì thân phận “gái điếm”của cô, vì tiền, có diễn thế nào mà chẳng được. Vậy nên lời nói dối của anh mới có thể nói nhẹ nhàng đến vậy. Cô đứng dậy gọi điện thoại về cửa hàng, nói nhà có việc, giao xong hàng đã về nhà luôn.

Lúc này, bà lão vẫn không quên ló người ra nhắc, “Nghiệp à, con cũng thật là, đến cả cốc nước cũng không rót cho Cát Niên, có thân quen đến đâu cũng không thể xuề xòa thế được.”

Đường Nghiệp khó xử đứng dậy pha trà cho Cát Niên, cô vội vàng đỡ lấy, chiếc cốc gốm vỏ trứng màu trắng, sắc trà trong veo. Người pha trà có vẻ hướng nội, nhạy cảm, thanh cao, nhưng cũng là người đàn ông lương thiện, hiểu cách sống. Những ưu điểm này có lẽ phải là một người đàn ông khác mới hiểu cách tôn trọng. Cũng như Chu Tiểu Bắc đã nói, do ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính, từ trường trái đất thay đổi, những người đàn ông tốt đều đồng tính tương tích, dị tính tương xích cả rồi.

Cát Niên và Đường Nghiệp vốn chẳng quen thân, huống hồ giữa hai người còn xảy ra bao chuyện không vui, nhưng bà cụ vẫn đang trong bếp, màn kịch bọn họ vẫn phải tiếp diễn. Hai người cùng hướng nội, người nào người nấy ngồi ngây ra như khúc gỗ, không tránh khỏi có chút cứng nhắc, kỳ lạ.

“Em xem tivi không?” Giọng Đường Nghiệp khàn khàn hỏi.

“Vâng, tùy anh.” Cát Niên trả lời, đứng lên đặt cốc trà xuống bàn, tiện tay lấy quyển sách duy nhất trên giá sách đặt bên bàn trà rồi ngồi xuống, định đọc giết thời gian.

Đó là một quyển Tây Du Ký bìa mềm, đã được lật giở tới mức mép giấy đều hơi cong lại. Cát Niên đọc sách hầu như không có lựa chọn gì, hồi cấp ba say sưa kiếm hiệp không nói, ba năm trong tù cô làm quản lý thư viện, tiếp xúc với sách tuy nói là nhiều hơn các phạm nhân khác nhưng sách báo trong ấy không phong phú, từ mấy quyển triết học tối nghĩa, truyện tranh đến tuyển tập đan áo len, cô đều không từ chối quyển nào.

Lần này, Cát Niên ngồi xuống là vùi đầu vào sách, Đường Nghiệp lúc đầu vẫn còn phòng bị quan sát, sợ cô nhân cơ hội có hành động gì đó, nhưng cô chỉ chốc chốc lật trang sách, mái tóc ngắn ngang vai che nửa khuôn mặt.

Đường Nghiệp khẽ động đậy cẳng chân tê cứng, vẻ ung dung, khoan thai của cô ở một mức độ nào đó cũng làm dịu bớt cảm xác căng thẳng của anh, uống một ngụm trà đã lạnh ngắt, người con gái ấy giờ trầm tĩnh như một đầm nước xanh biếc, tưởng như có thể nhìn xuyên thấu nhưng lại không sao nhìn thấy đáy.

“Chuẩn bị ăn cơm thôi.” Bà cụ từ trong bếp bưng ra đĩa thức ăn đầu tiên, Cát Niên vội gấp sách để lại chỗ cũ, đứng dậy định giúp bà sắp bát đũa. Đường Nghiệp cũng đứng dậy, nhân lúc bà quay đi lấy món khác, anh lướt mắt qua cuốn “Tây Du Ký” đã được trả về vị trí cũ.

“Nó có thể khiến em nhập tâm đến vậy?”

Cát Niên cắn môi: “Việc đọc sách đối với bất kỳ ngành nghề nào cũng hữu dụng cả.”

“Vậy quyển sách này giúp em thu hoạch được điều gì? ‘Thánh Thần có phép còn chưa giỏi, nước lửa Không Linh rước uổng công’ (1)?”

Cát Niên không trả lời, bước lên đỡ lấy bát canh bà cụ đang bưng, đặt ngay ngắn chính giữa bàn ăn xong mới quay đầu lại cười, “Không phải hồi đó, em đang đọc đến ‘Mười mấy năm trời qua Cực lạc, tám ngày phép phật tới Trường An’(2).”

(1). Tên hồi thứ 51 trong truyện Tây Du Ký - bản dịch của Thụy Đình.

(2). Tên hồi thứ 99 trong truyện Tây Du Ký - bản dịch của Thụy Đình.

Tủ lạnh nhà Đường Nghiệp vẫn còn trữ ít thức ăn, bà cụ có vẻ là người đã quen với việc nội trợ, chỉ sau một tiếng đồng hồ, trên bàn đã có ba món mặn một món canh, chất tanh chất thanh đều đủ cả, nhìn cũng rất phong phú. Ba người cùng quây quần bên bàn ăn, bà cụ vừa tiếp tục hỏi han gia cảnh nhà Cát Niên, vừa liên tục gắp thức ăn vào bát cô. Cát Niên chỉ nói bố chạy xe, mẹ ở nhà nội trợ, nhà còn có một cậu em, những lời này cũng đều là nói thực. Còn chuyện cô và bố mẹ đã mười một năm nay ít qua lại hẳn không cần nhắc đến trước mặt người già làm gì.

Vừa ăn vừa nói chuyện, những điều cần hỏi bà cụ đã hỏi hết, xới thêm bát cơm cho Đường Nghiệp xong, bà đột nhiên hỏi: “Đúng rồi Nghiệp, trí nhớ của bà càng ngày càng kém quá, lần trước dì con có hỏi bà, có phải sắp đến sinh nhật con rồi không, bà đúng là lú lẫn tuổi già rồi, có nghĩ nát óc cũng không nhớ nổi, con là sinh vào tháng Năm hay tháng Bảy nhỉ?”

Bà cụ tuy có vẻ như đang hỏi Đường Nghiệp, nhưng ánh mắt lại nhìn sang Cát Niên. Đường Nghiệp đang bưng bát, ngón tay cầm đũa nắm chặt không hạ.

Cát Niên trong lòng hiểu rõ, bậc lão niên đã sống ngần ấy năm, kinh nghiệm nhìn người nhìn việc từng trải hơn bọn họ biết bao nhiêu, tự nhiên từ trên trời xuống một cô cháu dâu tương lai, tuy là thỏa tâm nguyện bao lâu nay của bà cụ, nhưng chuyện này đến quá đột ngột, trong lòng bà chắc cũng có vài phần hồ nghi. Bà không tiện truy hỏi thẳng mà chọn cách đi đường vòng thế này, có lẽ cũng thấu hiểu nếu như hai người thực sự muốn lừa bà, có hỏi thế nào cũng không ra kết quả. Nếu như Cát Niên thật sự là người bạn gái thân thiết với Đường Nghiệp đến mức có thể dẫn về nhà giấu trong phòng, thì chí ít cũng nên biết sinh nhật của Đường Nghiệp là ngày nào.

Cát Niên chầm chậm nuốt miếng cơm trong miệng, câu hỏi này thực sự làm khó cho cô, cô sao biết được Đường Nghiệp sinh ngày nào tháng nào, ngoài một cái tên và địa chỉ, cô hoàn toàn không biết chút gì về người đàn ông này.

“Bà, trước nay cháu đều không tổ chức sinh nhật, bà cũng biết mà.” Giả như Đường Nghiệp trực tiếp nói thẳng ngày tháng năm sinh của mình khác nào càng khiến bà cụ khẳng định Cát Niên thật sự không biết, coi như có thể giải thích là quên mất cũng khó tránh khỏi việc lộ ra hai người quá xa lạ. Anh chỉ còn biết vòng vo đáp lại.

Bà cụ đang định đáp lời, Cát Niên liền nghiêng người mỉm cười với Đường Nghiệp, “Anh Nghiệp, em nhớ không nhầm anh từng nói với em anh sinh vào mùa hè phải không, hình như là 23, 24 tháng Bảy gì đó, em không nhớ rõ lắm.”

Đường Nghiệp lặng người, vẻ ngạc nhiên hiện rõ trong ánh mắt, nhưng bà cụ không nhìn anh, mặt mày rạng rỡ quay sang Cát Niên nói: “Đúng rồi đúng rồi, là 24 tháng Bảy, con xem, vẫn là Cát Niên nhớ được.”

Cát Niên cười cúi đầu ăn cơm, lúc này trái tim đang treo lơ lửng mới dám thở phào nhẹ nhõm, cô cũng chỉ là đoán thế, khả năng chính xác không quá hai phần, cảm ơn trời đất, nhưng dù có sai, cô cũng có thể tìm đề tài nói cho qua chuyện.

Ăn xong cơm trưa, dọn dẹp xong xuôi, bà cụ lại cùng Cát Niên ra sofa ngồi xem tivi.

“Nghiệp, cháu cũng ngồi xuống đi.” Bà cụ đã không còn nghi ngờ gì về “đôi trẻ”, Cát Niên tuy trông vẫn còn chút ngượng ngùng, nhưng bà hỏi câu nào cũng đều trả lời lưu loát đâu ra đấy.

Cô gái này gia cảnh tuy bình thường, nhưng xem ra không tì vết gì, bà rất hài lòng.

Đường Nghiệp không ngồi xuống, “Cháu không thích mấy vở kịch cổ Quảng Đông này, bà và Cát Niên cứ nói chuyện đi.”

Anh chỉ nói vậy rồi đi vào thư phòng, mở mấy bưu phẩm bà vừa đem đến cho anh hôm nay, ánh mắt lặng lẽ quan sát người con gái ngoài phòng khách qua khe cửa.

Bà nói: “Cát Niên à, cháu cũng thấy chán phải không, bọn trẻ các cháu đều không thích xem mấy thứ này nữa rồi.”

Cô gái tên Tạ Cát Niên đáp: “Cũng không phải ạ, hồi nhỏ cháu cũng nghe qua vài vở, đến giờ vẫn nhớ một chút.”

“Thật ư?” Bà rõ ràng vừa ngạc nhiên vừa vui mừng.

“Cháu nhớ rõ nhất là vở ‘Tiếng chuông thiền viện’…”

“Ờ ờ, vở đó bà biết, bà biết!” Bà cụ khẽ đấm chân.

.

…Hoang sơn tĩnh lặng văng vẳng tiếng chuông đêm, chuông ngân xa mộng càng khó thành, là ai khiến thiếp sầu trống rỗng, than ôi bi ai hãy còn đây…

.

Đường Nghiệp yên lặng nghe cô khẽ ngâm nga theo bà, điệu hát đìu hiu lạnh lẽo ấy, qua chất giọng chẳng lấy làm ngọt ngào của cô lại mang vẻ quang đãng, yên lành.

.

…Tình như bong bóng vỡ tan, giấc mộng uyên ương, ước hẹn tam kiếp, làm sao có thể theo chàng…

.

Hai tay Đường Nghiệp nắm chặt gói bưu phẩm đã mở.

Rốt cuộc cô là người thế nào.

Sau bữa cơm, bà cụ định về căn nhà cũ nghỉ ngơi, Đường Nghiệp có ý đưa bà về, Cát Niên nói mình phải qua chỗ khác có chút việc, không thuận đường, chỉ đưa bà xuống tầng rồi vẫy tay từ biệt.

Cát Niên đợi bà cụ ngồi vào chiếc Passat đen của Đường Nghiệp mới định đi.

“Cát Niên à, lần sao lại cùng ăn cơm nhé. Thằng Nghiệp nói không thích kịch Quảng Đông chứ hồi nhỏ cũng thích nghe lắm, có vài đoạn hát cũng hay, đến lúc đó, bà bảo nó hát cho cháu nghe.” Bà cụ xem ra rất tâm đầu ý hợp với cô.

“Vâng ạ, lần sau ạ.” Cát Niên đứng ngoài xe cúi người cười cười gật đầu.

Đường Nghiệp nhìn trân trân cô một hồi rồi quay sang nói với bà: “Bà đợi cháu một lát, cháu nói với cô ấy vài câu.”

Bà cụ cười, “Bọn trẻ này thật là, còn chưa xa nhau, lưu luyến thế rồi.”

Đường Nghiệp xuống xe, kéo Cát Niên bước ra xa vài bước, Cát Niên rõ ràng cũng thuận theo, không phản ứng gì nhiều.

“Tiền trong bưu phẩm bà tôi mang đến là của cô phải không?” Ban đầu anh sợ hai cô gái này gây phiền nhiễu nên trong biên bản lập với cảnh sát giao thông hay trên mẩu giấy đưa cho cô đều chỉ để lại địa chỉ ngôi nhà cũ của bố. Bố anh đã mất từ lâu, chỉ còn bà sống ở đó, anh cũng chỉ thỉnh thoảng ghé qua xem thế nào. Gói bưu phẩm màu da bò hôm nay bà mang đến, không ít không nhiều vừa vặn năm nghìn tệ.

“Tiền không phải của tôi mà là của anh. Chuyện hôm đó bất đắc dĩ, thật sự xin lỗi anh.” Cát Niên nói tự đáy lòng.

Đường Nghiệp khựng lại một lúc, lại hỏi: “Vậy hôm nay tôi phải trả cô bao nhiêu, cô nói đi.” Anh cũng là người không muốn nợ nần ai.

Cát Niên như nghĩ ngợi hồi lâu mới nói: “Anh phải trả tôi một nghìn bốn trăm năm mươi tệ.”

Đường Nghiệp sững người, nhưng vẫn cúi đầu rút ví tiền.

Cát Niên cầm một nghìn bốn trăm năm mươi tệ trong tay, cười nói: “Tiền vỏ gối sofa đã thanh toán xong, hàng đã giao xin miễn trả lại.”

Hai người họ đã hết nợ. Cát Niên biết ơn Đường Nghiệp đã cho cô một cơ hội trả nợ, giả như không có cơ hội này, bất kể thiếu hụt bao nhiêu, cái gọi là bồi thường chỉ có thể là gánh nặng của đối phương. Cô trả được đã là một điều may mắn.

“Tạm biệt.” Cát Niên nói với Đường Nghiệp.

Tạm biệt, tạm biệt chính là về sau biệt tăm, mãi không gặp lại.

“Đợi đã.” Đường Nghiệp gọi giật cô lại, đưa ra nghi vấn đã đeo bám mình cả buổi hôm nay, “Sao cô biết sinh nhật tôi?”

Cát Niên cười: “Tôi đoán.”

Thấy Đường Nghiệp không tin cô bổ sung thêm điểm mấu chốt nhất.

“Vọng Hà đình Đại Thử đối phong miên.”

Tiết Đại Thử rơi vào ngày 23 hoặc 24 tháng 7, là một ngày nóng nhất trong năm.

Dù cô không biết ngày sinh nhật hôm đó người ấy có ký ức gì, nhưng cô nhớ mình đã vừa khóc vừa khắc lên thân cây lựu thế nào. Có lẽ cô cũng như người đàn ông này, có cùng một sở thích, bọn họ đều thích khắc sâu lên những đồ mình trân trọng. Giá như có một ngày, già đến nỗi mọi ký ức đều trở nên mơ hồ, vẫn còn vết khắc ấy thay bọn họ ghi nhớ.

.

— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.