Cho Anh Nhìn Về Phía Em Tập 2

Chương 1



Rất nhiều thứ có thể lặp lại, lá cây khô héo vẫn có thể xanh lại, những thứ quên rồi có thể nhớ lại, nhưng người chết rồi không thể sống lại, tuổi thanh xuân qua rồi thì không thể trở lại lần nữa.

.

Tạ Cát Niên kể xong câu chuyện, trong quán mì bò chật hẹp chỉ còn chiếc quạt điện vẫn còn cót két thổi về phía họ. Chu Tiểu Bắc hoàn toàn không phải một người trầm lặng, nhưng dưới sự dẫn dắt của Cát Niên, cô dường như đã thực sự đắm chìm trong những năm tháng xưa cũ đó. Những con người ấy, những câu chuyện ấy, những khuôn mặt sống động rõ mồn một trước mắt, cô hoàn toàn có thể nhắm mắt hình dung trong đầu từng biến đổi nhỏ trên khuôn mặt người thiếu nữ khi đó… Cô cảm thấy mọi chuyện không nên kết thúc như vậy, nhưng câu chuyện của Cát Niên thực sự đã kể xong.

Lúc này hai người mới nhận ra trời đã tối hẳn, giờ ăn tối đã qua từ lâu, quán mì lúc nãy còn kín mít người giờ vắng tanh, ngoài bà chủ quán đang ngồi tính tiền dưới ánh đèn mờ ảo và cô nhân viên bận bịu thu dọn bát đĩa, chỉ còn lại hai người bọn họ. Trước mặt họ là hai bát mì bò đã lạnh ngắt kết váng mỡ đỏ, Chu Tiểu Bắc thấy dường như tim mình cũng đang phủ một lớp váng mỡ dày nặng, sau khi nguội nhìn càng chán ngấy.

“Vu Vũ… chết như vậy? Cậu cũng vậy mà ngồi tù?” Hồi lâu, Chu Tiểu Bắc mới thốt lên nổi câu hỏi này, tuy chuyện Cát Niên có tiền án cô đã biết từ lâu, và từ những tình tiết cô được biết cũng không còn tìm ra khả năng nào khác, nhưng cô vẫn cảm thấy, chuyện không nên là như vậy, không nên! Hai đứa trẻ cùng nắm tay chạy nhảy dưới ánh mặt trời, một cô gái và một chàng trai thuần khiết dưới cành hoa lựu, họ đẹp là thế, lương thiện là thế, thế giới nhỏ của riêng họ không tranh giành gì với bên ngoài, vì cớ gì quay đầu lại đã rơi vào cảnh kẻ chết trẻ, người tù đày?

Khóe miệng Cát Niên phảng phất nét cười, mái tóc ngắn phủ bóng xuống mắt cô, “Tiểu Bắc, cậu cũng đọc tiểu thuyết kiếm hiệp phải không. Trong tiểu thuyết, tất cả những nhân vật chính lỡ chân rơi xuống vực đều gặp được cao nhân cứu giúp, hoặc cơ duyên trùng hợp, học được một chiêu thức võ công tuyệt thế, từ đó thay hình đổi dạng. Nhưng trong thế giới thực tại, hầu hết người ta đều không có được cái may mắn ấy, đã rơi xuống, thì thực sự chết rồi.”

Chu Tiểu Bắc vẫn thẫn thờ, Cát Niên vẫy cô nhân viên lại tính tiền, “Đã nói bữa này mình mời rồi nhé.”

Trước nụ cười của cô, Chu Tiểu Bắc thấy từ chối là một việc cực kỳ vô nghĩa, bèn cười đẩy bát mì sang một bên, nói: “Bà chủ này không đuổi chúng ta, cũng coi như một người kỳ lạ. Cát Niên, bữa này, coi như là tiễn mình lên đường vậy!”

“Phải đi thật ư?”

“Đương nhiên.”

“Vậy ở đây…”

“Cậu định nói đến Hàn Thuật phải không?” Chu Tiểu Bắc nhanh chóng hiểu ý. “Giờ tốt nhất đừng để mình nhìn thấy anh ta, con người đấy còn dám xuất hiện, mình chỉ hận không thể đấm cho anh ta một cú bay khỏi trái đất luôn.”

Cát Niên mỉm cười, nghĩ một lúc, nói: “Tiểu Bắc, đó chỉ là anh ấy ở một câu chuyện khác, vả lại cũng là chuyện đã qua, anh ấy không phải người xấu, cậu…”

“Cậu đừng nói nữa, mình hiểu ý cậu. Trước khi nghe chuyện của cậu, mình vẫn luôn cho rằng, giữa cậu và anh ta trước đây nhất định đã có chuyện gì đó, và anh ta hẳn phải là nam chính trong những câu chuyện của cậu, đáng cười nhất là, hình như anh ta cũng tự cho là như thế. Sặc! Thực ra anh ta chỉ là người qua đường. Phải vậy không, Cát Niên, vì thế cậu mới có thể dễ dàng tha thứ cho anh ta như thế. Mình cũng vậy, mình đối với Hàn Thuật chỉ giống người qua đường, giống như một gánh hát anh ấy nửa đường rẽ vào, tan rồi thì cứ vậy đi. Tìm người tốt rồi cưới thôi, haha, cũng như mua vé số vậy, vừa mua đã trúng rồi thì không bị trời đày mới lạ.” Cô nửa đùa nửa thật xòe lòng bàn tay ra trước mặt Cát Niên, “Tạ đại sư, xem chỉ tay giùm mình, xem xem nhân duyên mình như thế nào, có phải thật sự đợi đến lúc nghỉ hưu mới có nổi đêm động phòng ở tuổi 55 không?”

Cát Niên gập tay Tiểu Bắc lại, “Mệnh càng xem càng bạc.” Cô bật cười, an ủi. “Tiểu Bắc, cậu nhất định có phúc, lúc nào thật sự buồn không chịu nổi nữa, chỉ cần nghĩ đến những người kém may mắn hơn cậu là được rồi, ví dụ như mình đây.”

“Mình không so sánh nổi với cậu, thật đấy, nếu mình là cậu, không biết đã chết bao lần rồi.” Những lời Chu Tiểu Bắc nói là thật lòng.

Cát Niên nói: “Chết nói khó thì không khó, nhưng nói dễ cũng chẳng dễ. Chết không nổi, vậy chỉ còn cách sống lại.”

Chết không nổi, thì đành sống lại.

Những năm trong tù, Cát Niên cũng đã bao lần nhắc đi nhắc lại với mình câu này.

Rời khỏi quán mì bò, Cát Niên và Chu Tiểu Bắc chia tay ở một ngã rẽ cách đấy không xa. Cát Niên nhìn theo bóng Tiểu Bắc đổ dài dưới ánh đèn đường, cô gái thường ngày vui vẻ nhanh nhẹn, chẳng kiêng nể gì, vậy mà cũng có vài phút thê lương như thế này. Cát Niên biết, có thể mục đích ra đi lần này của Tiểu Bắc không gì ngoài tìm được một cái kết, nhưng Tiểu Bắc rốt cuộc vẫn là một người khoáng đạt, rồi sẽ có một ngày cô ấy trở lại, tất cả những gì cô ấy cần chỉ là thời gian.

Chỉ có thời gian mới là vô địch.

Vậy mà, Cát Niên năm đó lại không nhận được sự khoan dung của thời gian, chỉ trách mọi chuyện xảy ra quá đột ngột, Tiểu hòa thượng của cô cứ vậy mà ra đi, để lại cho cô một khoảng trống mênh mông. Dường như mới chỉ một giây trước đó, anh vẫn còn dịu dàng nói “Trước nay cậu chưa từng nói đến”, một giây sau biển máu đã lênh láng trùm lên người anh. Cô không kịp phòng bị gì, giống như nước hụt trên con đường bằng phẳng, mọi thứ không một dấu tích cứ thế sụp đổ, sụp xuống… cho đến khi vĩnh viễn không thể phục hồi. Những cơn ác mộng cứ tới, dồn dập nối tiếp, cô không khóc nổi, cũng chẳng thể hồi tỉnh, bởi vì cô còn chưa kịp tỉnh lại. Anh đi rồi, chỉ còn mình cô, cũng phải quay về hiện thực này thôi.

Cát Niên rất ít khi nhắc đến những năm tháng lao tù, ngay cả trong câu chuyện kể với Chu Tiểu Bắc cô cũng chỉ chọn lọc tình tiết mà kể qua loa. Có rất nhiều chuyện cô không muốn nhắc lại, là vì không mong có ai hiểu được, cũng giống như bạn hoàn toàn không nên cố gắng bảo một người khỏe mạnh đi thấu hiểu nỗi tuyệt vọng cùng cực của một người trên giường bệnh, người khỏe mạnh luôn miệng nói “Sức khỏe thực sự rất quan trọng”, nhưng thực chất luôn phung phí sức khỏe, không thể hiểu được nỗi khổ của người bệnh tật.

Ngay cả Cát Niên cũng hiếm khi nhớ lại quãng thời gian đó, cô chỉ biết một chuyện – trên đời có hai thứ vĩnh viễn không bao giờ nghịch chuyển, một là sinh mệnh, hai là tuổi thanh xuân. Rất nhiều thứ có thể lặp lại, lá cây khô héo vẫn có thể xanh lại, những thứ quên rồi có thể nhớ lại, nhưng người chết rồi không thể sống lại, tuổi xuân qua rồi vĩnh viễn không thể trở lại lần nữa. Vu Vũ không còn nữa, tuổi xuân của Tạ Cát Niên cũng đã chết từ mười một năm trước. Giờ được ra tù, cô chỉ như một người phụ nữ độc thân 29 tuổi bình thường, sống một cuộc sống bình thường, những cơn sóng gió trong quá khứ, những tháng ngày đằng sau song sắt dường như không in dấu rõ rệt lên cô. Chỉ có điều, mỗi buổi sớm tỉnh dậy, nhìn làn da vẫn mịn màng qua tấm gương trong phòng tắm lạnh lẽo, đôi mắt ấy nói với cô rằng, cô giờ đã không còn là cô gái năm nào nữa.

Có một câu cách ngôn về cuộc đời thế này: Thượng đế đóng một cánh cửa trước mặt bạn thì sẽ mở cho bạn một cánh cửa sổ. Lúc còn trong tù, mỗi lần nhớ đến câu nói này, Cát Niên đều bật cười. Cánh cửa phòng giam đóng im lìm, chỉ hở ra một ô cửa sắt hình vuông chừng một tấc, đây chẳng phải đang chứng minh tính hài hước của Thượng đế hay sao?

Trong tù, những phạm nhân vừa được chuyển đến được gọi là “phạm mới.” Đây là nhóm người thấp cổ bé họng nhất trong cái thế giới kín mít này, ngoài việc phải trải qua huấn luyện nhập trại, chịu “giáo dục” từ những phạm nhân cũ, điều khó vượt qua nhất vẫn là bản thân. Không có ai vốn được tự do mà lại không cảm thấy nỗi tuyệt vọng như đất trời sụp đổ ấy sau khi vào tù, mình đã không còn là người bình thường nữa, không còn là một người được tôn trọng nữa, thậm chí, không còn là một con người nữa. Mười hai con người bị nhét chung vào một phòng giam chật hẹp, ngày nào cũng là những chỉ tiêu lao động nhiều đến đứt hơi, cuộc sống khó thấy mặt trời, bạn tù nham hiểm, quản giáo hà khắc… “phạm mới” vừa nhập trại đã rửa mặt bằng nước mắt, thậm chí không ít người tìm đến cái chết.

Trước khi gặp Chu Tiểu Bắc trong quán mì bò, Cát Niên ngồi cùng Bình Phượng, một bạn tù vào cùng đợt với cô. Năm đó, Cát Niên chỉ mới tròn 18 tuổi, là một trong những phạm nhân trẻ nhất trong nhà tù, nhưng Bình Phượng còn nhỏ hơn cô một tháng, gầy gò như đứa trẻ 15, 16. Khi ấy, hai người được phân vào cùng một buồng giam, tối nào Cát Niên cũng nghe thấy tiếng Bình Phượng khóc.

Cát Niên rất ít khóc, cô chỉ không ngủ được.

Đêm trong nhà tù tối đen như mực, không có nổi một ánh sáng le lói. Cát Niên ngủ ở chỗ gần cửa sổ nhất, cũng không nhìn ra chỗ nào là cửa sổ. Cô luôn ngồi hướng về phía có lẽ là cửa sổ, thẫn thờ đờ đẫn nghe tiếng Bình Phượng nuốt nước mắt. Thời gian một đêm có lúc trôi rất nhanh, có lúc lại rất chậm, thời gian dường như chẳng hề có ý nghĩa gì. Do hàng loạt các trình tự tố tụng hình sự phức tạp, đến khi phán quyết của tòa chính thức ban xuống, Cát Niên đã ngồi tù được gần ba tuần, tiếp theo, cô vẫn còn ít nhất hơn 1800 đêm phải trải qua như vậy nữa.

Tối hôm đó, Bình Phượng khóc mệt cũng dần dần chìm vào giấc ngủ, Cát Niên bỗng nghe thấy từ phía cửa sổ truyền lại tiếng đập cánh nhè nhẹ. Cô biết, đó là tiếng côn trùng đập cánh. Trong tù có ruồi, có muỗi, có bọ chó, nhưng đều chỉ là những loài côn trùng nhỏ, những con to hơn một chút khó có thể bay vào. Âm thanh này, yếu hơn chuồn chuồn, cánh cam… nhưng lại có lực hơn côn trùng, giãy giụa hồi lâu mà vẫn không tìm được đường ra. Cát Niên không nhìn thấy, nhưng cô nghĩ, đó có thể là một con bướm. Một con bướm hóa thân từ con sâu bướm vượt qua bao khó khăn mới thoát khỏi kén, sao không dạo chơi nơi hoa thơm cỏ lạ, mà lại sa vào góc tối này?

Vu Vũ, là anh sao?

Lòng Cát Niên trĩu xuống. Là anh, anh cuốii cùng cũng chui khỏi kén, vẫn còn lưu luyến em nên quay lại xem em ra sao đấy ư?

Cả đêm, Cát Niên cứ vịn vào thành giường như vậy mà nghe tiếng đôi cánh ấy vỗ, trong lòng không biết vui hay buồn. Cô mong bướm nhỏ ở lại bên cô thêm lúc nữa, lại mong nó có thể bay đi, bay về nơi vốn là của nó, không bao giờ trở lại nơi này… trời cứ thế dần sáng.

Nhà tù quy định, mùa hè sáng sớm 5 giờ dậy, mùa đông mới đổi thành 6 giờ. Sau khi ngủ dậy phải gấp chăn màn ngay ngắn như quân nhân, rồi lại ngay ngắn ngồi ở mép giường đợi quản giáo tới mở cửa buồng giam – họ gọi đó là “khai phong.” Tiếp đó lần lượt các buồng giam được cho ra ngoài làm vệ sinh cá nhân, xong lại quay về buồng ăn sáng. Tất cả các buồng giam đều không có nhà vệ sinh, mỗi tầng chỉ có nhà vệ sinh chung ở cuối hành lang, bình thường đều bị khóa chặt, và chỉ được mở vào giờ quy định, sáng tối hai lần. Tia nắng đầu tiên của buổi sớm rọi vào buồng giam của Cát Niên, cả trại giam lục đục dậy, chỉ là vẫn chưa đến lượt buồng cô được “khai phong.” Cát Niên vội vàng lần theo chút ánh sáng ít ỏi tìm dấu vết chú bướm đêm qua, quả nhiên ở ngay bên cửa sổ, cô đã tìm được nó.

Đây nào phải bướm gì, có chăng chỉ là một con thiêu thân màu xám.

Nó xấu xí, bẩn thỉu, phì nộn, nhưng khiến người ta tuyệt vọng nhất là đôi cánh dị dạng của nó. Con thiêu thân rõ ràng chỉ vừa chui khỏi kén nhộng chưa được bao lâu, không biết vì sao lại sa vào đây, chắc chắn là không bay nổi nữa.

Cát Niên nhớ lại câu chuyện về con sâu bướm Vu Vũ từng kể. Anh nói đúng, mọi con bướm đều do những con sâu bướm biến thành, nhưng, anh cũng quên rằng, không phải con sâu bướm nào cũng có thể biến thành bướm. Có thể nó sẽ chết ở trong kén, mãi mãi không nhìn thấy mặt trời, hoặc giãy giụa thừa sống thiếu chết hồi lâu mới biết mình thực ra chỉ là một con thiêu thân xấu xí, ngay cả cánh cũng mọc không tử tế.

Cát Niên buồn bã nhận ra cô đã hiểu ý Vu Vũ muốn nói với mình, nhưng, nếu như anh biết trước kết cục sẽ thế này, liệu có cam lòng bầu bạn cùng con sâu bướm khác nơi lòng đất sâu hút kia, nhẹ nhàng cẩn trọng cùng chia sẻ chút ánh sáng đáng thương? Hay anh đã chủ động muốn đi, bất kể kết cục có tàn nhẫn thế nào, cũng đều là lựa chọn của anh.

Nhưng, câu chuyện của Vu Vũ vẫn chưa kể hết, anh vẫn chưa kể đến, nếu như anh không thể biến thành bướm thì con bướm sặc sỡ đợi anh ở phía trước liệu có bay mất. Anh không thể kề cánh bay lượn cùng nó, cũng không thể trở về làm kiếp sâu bướm, nhưng con sâu bướm ấy vẫn có thể tự do ngao du. Anh cũng không nói đến, không còn con sâu bướm ấy, con sâu bướm bị bỏ lại cô độc trong bóng tối sẽ phải sống những tháng ngày tiếp theo như thế nào.

Cát Niên không đành lòng nhìn con thiêu thân ra sức giãy giụa bất lực, cô nhẹ nhàng giơ ngón tay, định đẩy nó một cái, nhưng cũng không tác dụng gì, ngón tay cô vừa chạm vào, nó đã liền rơi từ bậu cửa sổ xuống sàn nhà, cô còn chưa kịp phản ứng, một bàn chân mang giày đã ngang tàng hạ xuống, lập tức giẫm bẹp con thiêu thân trên đất. Khi bàn chân ấy nhấc lên, Cát Niên chỉ còn thấy một vũng dịch thể sền sệt phát buồn nôn, cùng nửa đôi cánh dị dạng. Con thiêu thân sống khó khăn là vậy, mà chết sao quá dễ dàng, thậm chí không có nổi một cơ hội giãy giụa. Đây chính là sự bi ai của kiếp côn trùng.

Cát Niên lòng xót xa, ngẩng đầu nhìn người vừa hạ thủ.

“Sao, không vui à?” Người kia hỏi cô.

Cát Niên cúi xuống, chầm chậm lắc đầu, “Không có”

Cô đấu lại không nổi và cũng không muốn đấu với con người này, giả như không có bàn chân ấy thì con thiêu thân sớm muộn cũng sẽ chết. Nó là loài quái vật dị dạng, nhưng ánh nắng cũng đã chiếu lên nó, như vậy, có chết cũng không đáng tiếc.

Người giẫm chết con thiêu thân tên là Thích Kiến Anh, là phạm nhân có “tư cách” lão làng nhất trong buồng giam của các cô. Thích Kiến Anh người cao lại rất to béo, nghe nói, thời trẻ chị ta cũng là một người có nhan sắc, thắt đáy lưng ong. Tám năm trước, Thích Kiến Anh vẫn là một bà nội trợ trói gà không chặt, sau khi nghe tin người chồng làm kinh doanh của mình sa đọa, liền cầm con dao gọt hoa quả mũi nhọn tìm đến tổ ấm của đôi gian phu dâm phụ, đẩy cửa xông vào, không màng có thể bị người chồng khỏe hơn gấp mấy lần đánh chết, bất chấp mọi ngón đòn của tên đàn ông xấu xa, cầm dao đâm từng nhát từng nhát vào cơ thể hai con người mà chị ta hận thấu xương. Đến khi đôi nam nữ ấy gục xuống, Thích Kiến Anh cũng rã rời phủ phục xuống giữa vũng máu gọi điện báo cảnh sát. Nghe kể, khi cảnh sát đến, chị ta vẫn cầm chắc con dao, nét mặt còn thoáng nụ cười.

Ả tình nhân chết, nhưng tên đàn ông đó lại được bác sĩ cứu sống. Thích Kiến Anh bị bắt, tòa án xét đến trước khi xảy ra vụ án người chồng đã nhiều lần gây bạo lực gia đình, cho hoãn án tử hình. Vào tù ba năm, Kiến Anh mới được giảm án từ tử hình xuống án tù chung thân, cứ cho còn có thể nhận một cơ hội giảm án nữa thì đợi chị ta ở phía trước vẫn là quãng thời gian giam cầm dài đằng đẵng. Chị ta giờ đã hơn 40 tuổi, dù cho 20 năm sau ra tù thì cũng đã là một bà lão gần đất xa trời, đời này coi như đã bị chôn vùi.

Thích Kiến Anh sau khi vào tù tâm tình cũng thay đổi, cổ quái bạo ngược, ai cũng phải sợ chị ta vài phần.

Cùng là phạm nhân, nhưng trong tù cũng phân tam lục cửu phẩm, ngoài khác biệt hạn tù, tội danh và cảnh ngộ cũng khác biệt. Trong trại giam nữ, khiến người ta e sợ nhất thường là tội phạm giết người, như Thích Kiến Anh chẳng hạn, tâm đủ ác, có gì mà chị ta không dám làm, án đủ dài, có ai mà chị ta sợ, trước mặt chị ta, những người khác đều không nửa lời chống đối. Xếp sau tội phạm giết người là tội phạm cướp giật, buôn bán ma túy, buôn người, về độ độc ác cũng tương đối, sau nữa là hạng tội phạm kinh tế, trộm cắp, xếp dưới đáy cùng nhất, bị người ta ức hiếp coi khinh nhất chính là mại dâm. Bình Phượng vì bán dâm mà bị bắt vào đây, chịu khổ nhiều hơn ai hết, Cát Niên tuy cũng là “phạm mới”, nhìn cũng nhẹ nhàng có học, nhưng mọi người đều biết cô bị bắt vì tội cướp giật, trước khi biết rõ đầu đuôi ít nhiều cũng có chút kiêng dè, ức hiếp cũng không đến nỗi quá đáng, vẫn còn dễ sống hơn Bình Phượng một chút.

Có những phạm nhân cũ phàm chuyện gì cũng muốn kiếm lợi, công việc nặng nhọc, bẩn thỉu đều giao cho phạm nhân mới làm, đó chỉ là chuyện quá đỗi bình thường, còn rất nhiều việc bẩn thỉu ngoài sức chịu đựng khiến hầu hết những người sau khi ra tù đều khó hé răng – trong tù không có đàn ông, có người nói, con muỗi bay qua cũng đều là con cái. Những người phụ nữ ở tuổi ấy, đặc biệt là những người có án tù dài, phải chịu hai tầng cô đơn về cả sinh lý lẫn tâm lý, đương nhiên khó lòng kiềm chế. Có những cặp nữ phạm giả phượng giả hoàng bập vào nhau, đi đâu cũng kè kè, cũng có những trường hợp không đồng ý, nhưng người mới đến yếu thế khó tránh khỏi bị làm nhục. Có những đêm không ngủ được, mắt mở thao láo nhìn vào không gian đen quạch, trong tiếng khóc thút thít của Bình Phượng, Cát Niên có thể nghe thấy cả tiếng Thích Kiến Anh thở hồng hộc, tiếng bạt tai, tiếng da thịt cọ sát, và còn có cả tiếng Bình Phượng nghẹn ngào kìm nén nỗi uất giận.

Quãng thời gian đó, lúc nào mặt mũi Bình Phượng cũng sưng húp, chỗ ngủ cũng bị bắt phải đổi sang dưới chỗ nằm của Thích Kiến Anh – chỉ có những phạm nhân mới vào hoặc địa vị thấp kém mới phải ngủ ở tầng dưới, vì trong buồng giam khoảng đi lại rất hẹp, những việc như ăn cơm, ngủ, làm đồ thủ công đều phải làm trên giường, tầng dưới bao giờ cũng bừa bãi, lộn xộn nhất. Cát Niên biết, hàng đêm không chỉ có mình cô tỉnh giấc, các bạn tù khác cũng đều nhìn thấy chuyện xảy ra, nhưng phần lớn đều e sợ, chỉ biết phẫn nộ trong lòng mà không dám nói ra, hoặc đơn giản là vô cảm nằm trong bóng tối xem kịch hay.

Cát Niên thương cảm cho Bình Phượng, nhưng đến bản thân cô còn cứu không nổi, thì có thể cứu vớt nổi ai? Vào tù một thời gian, rất nhiều người bắt đầu nhận ra cái danh “tội phạm cướp giật” của cô chỉ là hữu danh vô thực, chẳng có gì kinh khủng, liền đua nhau chà đạp cô, số lần ăn bạt tai của cô càng ngày càng nhiều, lúc ấy lấy ai thương cảm cô? Nữ giới và nam giới không giống nhau, hiếm lắm mới gặp một người phụ nữ sinh ra đã hung bạo, những phạm nhân trong trại giam nữ, có người vì tình, có người vì tiền, hoặc giả bị dồn vào đường cùng, phần lớn đều đã trải qua những nỗi khổ khó lòng tưởng tượng.

Cát Niên nghĩ, rồi cũng sẽ có một ngày cô trở nên chai sạn trước mọi thứ như thế. Đối với một người con gái 18 tuổi, ba năm còn dài hơn cả đời người. Một buổi tối sau hai tháng cô vào tù, cô lại nghe tiếng Thích Kiến Anh làm nhục và đánh đập Bình Phượng trong bóng tối, lần này chị ta ra tay độc ác hơn bao giờ hết. Có lẽ Thích Kiến Anh đã chán ngán Bình Phượng, hoặc cũng có thể sự “hầu hạ” của Bình Phượng không thỏa mãn nổi chị ta. Trong tĩnh lặng từng tiếng thình thịch của nắm đấm giáng xuống da thịt người khiến người ta thót tim run sợ. Tiếp đó, Cát Niên nghe tiếng Thích Kiến Anh dội đầu Bình Phượng vào tường. Cô hiểu mình không nên nhiều chuyện, nhưng nhắm mắt bịt tai được chưa đầy một phút, cô vẫn không kìm nổi xông ra trước giường, kêu đau bụng ầm ĩ đòi đi vệ sinh, cuối cùng cũng gọi được quản giáo trực ban.

Mạng Bình Phượng coi như được cứu, trên trán chỉ lưu lại một vết sẹo hồng hồng. Hành động của Cát Niên không chỉ vi phạm nội quy quản lý trại giam mà còn làm phiền đến giấc ngủ của các phạm nhân khác nên đã đắc tội với không ít người, đặc biệt là Thích Kiến Anh. Những nỗi đau khổ sau đó cô ít khi nhớ lại, cô không biết giới hạn của bản thân là ở đâu, chỉ biết nhắm mắt lại, vẫn còn có ngày mai, cô vẫn phải đối diện với những công việc miên man không hồi kết. Cô trẻ như Bình Phượng, lại thanh tú sạch sẽ hơn Bình Phượng nên sớm đã là đối tượng để ý của nhiều phạm nhân, nhưng vẻ trầm ngâm trước tuổi của cô vẫn chỉ khiến bọn họ chỉ dám đứng nhìn từ xa. Cuối cùng, Thích Kiến Anh cũng đã nhìn ra cô thực sự chỉ là loại người có đánh cho gãy răng cũng chỉ dám nuốt xuống bụng, một ngày sau khi kết thúc công việc lao động, chị ta trèo lên giường Cát Niên.

Cát Niên giãy giụa dưới thân hình phì nộn của Thích Kiến Anh, mỗi cử động đều bị đổi lại bằng một cú tát ong đầu nhức óc. Mọi người trong buồng giam đều giả vờ ngáy, sự phản kháng của cô giống như vùng vẫy lúc sắp chết đuối, càng lúc càng yếu ớt. Từ Lâm Hằng Quý đến Hàn Thuật, giờ lại đến Thích Kiến Anh, lẽ nào cô mãi không thoát khỏi cơn ác mộng này ư?

Đêm hôm đó, toàn bộ giám thị lẫn phạm nhân trại giam đều nghe thấy một tiếng hét xé tai. Khi cán bộ trực ban điên cuồng thổi còi, nhanh chóng rọi đèn pin chạy lại, mở cửa buồng giam của cô, chỉ thấy Thích Kiến Anh mặt mũi máu me đầm đìa điên loạn đấm đá lên người Cát Niên, Cát Niên người nhũn như sợi mì tôm co rúm lại một đống, không kêu một tiếng, trong miệng vẫn sống chết ngoạm lấy một vật máu me không rõ hình thù – đó là toàn bộ tai trái của Thích Kiến Anh.

Quản giáo tách hai người họ dẫn đi, trên nền buồng giam vẫn còn hai vũng máu to.

Cát Niên nằm trên giường bệnh gần ba tháng, cô cũng không rõ chính xác là bao lâu. Những ngày ở giữa ranh giới giữa tỉnh và mê, cô lờ mờ biết nhà tù đã thông báo cho người nhà biết về tình hình của cô, nhưng không hề có ai tới thăm, cô cũng không chờ đợi bất kỳ ai tới. Có lẽ lần này chết cũng được rồi, con sâu bướm bị bỏ lại cô đơn, không chừng chết rồi lại có thể hạnh phúc hội ngộ cùng Vu Vũ ở một thế giới khác.

Nhưng cô chết không nổi, bệnh viện trại giam với những điều kiện chữa trị thô sơ là thế cuối cùng vẫn cứu được mạng cô. Hai tháng sau vào một buổi sáng, cô tỉnh táo nhìn ánh nắng chiếu bên mép gối.

Vu Vũ, đến giờ mà anh vẫn không muốn gặp em sao?

Chết không nổi, vậy thì cố sống cho tốt. Cô nghe tiếng Vu Vũ từ xa xăm vọng lại.

Cát Niên một lần nữa thuyết phục bản thân bắt tay làm hòa với số phận, có lẽ số mệnh cô vẫn còn dài, so với cả đời người, năm năm cũng đâu có có gì khó chịu đựng, hơn nữa thời gian ngồi tù của cô còn có thể ngắn đi một chút. Cô hộ lý đưa thuốc buổi sáng đẩy cửa bước vào, thấy Cát Niên yếu ớt lấy tay đùa bắt ánh sáng, nằm trên giường bệnh mỉm cười, “Chị hộ lý, tóc chị đẹp quá.”

Vì lý do đặc biệt nào đó, bệnh tình của Cát Niên chỉ được ghi một cách mơ hồ trong bệnh án. Cát Niên phục hồi trở lại buồng giam, Thích Kiến Anh bị cô ngoạm mất một tai trái đã bị điều khỏi buồng giam của các cô. Cát Niên trước và sau khi bị bệnh bỗng trở thành hai con người hoàn toàn khác nhau, dù cô vẫn trầm tĩnh như cũ, nhưng mọi người đều nhớ đến cảnh tượng cô mặt không biến sắc ngoạm tai Thích Kiến Anh máu chảy đầm đìa, ít nhiều cũng có chút dè chừng. Còn cô lại trở nên càng cởi mở, rộng rãi, cô tha thứ cho bản thân mình, và cũng đối xử tốt với tất cả mọi người xung quanh.

Công việc trong trại giam chủ yếu là may gia công. Trại giam nhận việc từ các xưởng bên ngoài về giao cho các phạm nhân hoàn thành, nào là thêu hoa, đính ngọc, đan áo… hầu hết đều do từng buồng nhận về hoàn thành chỉ tiêu trong ngày. Dựa vào năng suất mà tính điểm cải tạo. Cát Niên thích ứng rất nhanh với hoàn cảnh, từ một người mới đầu đơm khuy còn bị kim đâm vào tay, dần dần cô hoàn thành chỉ tiêu của mình xong còn giúp những người khác trong phòng. Sau này trại giam cải tiến “trang thiết bị” thành máy may, cô đạp máy may cũng rất nhanh, đồ làm ra vừa đều lại vừa đẹp. Sau này cô nghĩ, đây cũng coi như một kỹ năng trại giam dạy để cô mưu sinh.

Vì Cát Niên quan hệ xã giao tốt, lại cũng coi như có chút văn hóa, đầu óc nhanh nhẹn, không chỉ các bạn tù mà cả quản giáo cũng đều yêu mến cô. Cô làm buồng trưởng, hộ lý, quản lý thư viện, lại ghi danh tham gia lớp học từ xa, đại diện trại giam đi thi các chương trình kiến thức đều được giải…

Sau khi tai Thích Kiến Anh bị thương, qua xét nghiệm thường quý của bệnh viện bất ngờ phát hiện chị ta bị xơ gan, tin này nhanh chóng khiến chị ta suy sụp, từ đó sức khỏe ngày một đi xuống. Cát Niên ở tù được nửa năm, Thích Kiến Anh đã nằm liệt giường. Vì chuyện trước đây, Cát Niên và chị ta coi như cũng có thù cũ, giờ Thích Kiến Anh ốm lừ đừ cũng chẳng có bản lĩnh gây sự với ai, là phạm nhân hộ lý, Cát Niên có nhiệm vụ chăm sóc cho tất cả các bệnh nhân bị bệnh. Xét đến quan hệ giữa hai người, quản giáo có ý để Cát Niên không phải làm nhiệm vụ này, nhưng cô từ chối, cho rằng không nhất thiết phải như vậy. Cô bình tĩnh chăm sóc Thích Kiến Anh đang ngày một ốm yếu, thậm chí chị ta thâm thù cắn một vết thật đau trên tay cô, cô cũng không kêu một tiếng. Cuống cùng vào một ngày, khi Cát Niên đang cẩn thận lau người cho Thích Kiến Anh, người phụ nữ đã đâm chồng và kẻ thứ ba tổng cộng 31 nhát dao, người đàn bà trong trại giam không ai là không kinh sợ ấy, đã khóc trước mặt Cát Niên như một đứa trẻ.

“Trước đây anh ta rất yêu tôi, tôi đã cùng anh ta đi qua những thời khắc đẹp đẽ nhất, khi lập nghiệp cũng cùng anh ta chịu biết bao khổ cực, vì anh ta tôi phải vay khắp lượt bên nhà ngoại, anh ta thành công rồi, lại nói không cần tôi nữa… hu hu, anh ta không cần tôi nữa… con trai tôi nói tôi là con rắn độc.”

Đây là lần đầu tiên Cát Niên nghe kể những chuyện trước đây từ miệng Thích Kiến Anh, chị ta trong giây phút này chẳng qua cũng chỉ là một người đàn bà đáng thương.

Thích Kiến Anh vừa khóc vừa hỏi: “Vì sao cô không hận tôi? Tạ Cát Niên, cô là do ông trời cử xuống ư?”

Bình Phượng cũng từng nói như vậy.

Cát Niên cười, cô không trả lời. Cô không phải là thiên thần gì, cô cũng đã từng hận rất nhiều người, chỉ là hận rồi cuối cùng quên mất. Vì hận cũng chẳng được việc gì, vì đời người được tạo thành bởi bao tình tiết không theo ý mình, khó mà tính được, có những chuyện, có những kết cục, cô cũng không biết là do ai gây ra, do người cô hận, hay do chính bản thân cô, cô không hiểu, vì vậy tha cho người khác, cũng là tha cho chính mình. Những việc cô làm trong trại giam, không phải hy vọng được đánh giá đạo đức tốt, cũng không mong được ai cảm kích, cô chỉ muốn cho thời gian trôi qua nhanh một chút, nhanh thêm một chút.

Cô phải ra ngoài. Cô vẫn chưa biết câu chuyện đằng sau Vu Vũ kết thúc như thế nào, không ai nói cho cô biết. Mấy năm nay, chỉ có một người vào thăm cô một lần, nhưng người đó cũng hoàn toàn không biết gì. Cô mong chờ sau khi được tự do có thể đi tới nơi chôn cất anh nhìn một lần, một lần là đủ.

Hai năm sau, Cát Niên được ân xá, mọi người đều cho là việc thích đáng.

Sau này, cô vẫn thường xuyên có một giấc mơ, mơ thấy buồng giam tối đến nghẹt thở, tiếng thở hổn hển, con bướm cô nhìn không thấy cứ đập cánh bên cửa sổ, tiếng giày của quản giáo bước trên hành lang, tiếng còi đầu tiên truyền đến trong buổi sáng sớm, “Khai phong” rồi, sau đó cô cảm nhận được ánh sáng của buổi sớm, con thiêu thân bị giẫm bẹp trong ánh sáng… lần nào đến đây cô cũng dần dần tỉnh dậy.

Tỉnh giấc, cô đã cùng cô bé tên Minh Phi sống một cuộc sống thanh bình trong khu vườn có cây tỳ bà này được tám năm.

.

— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.