Chỉ Huy Việt Nam

Chương 36



“Tôi, Tổng thống chính quyền Hoa Sen, kêu gọi Quân lực hạ vũ khí, đầu hàng vô điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Hoa Sen, từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn… Từ trung ương đến địa phương… Trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.” 

Trích từ tuyên cáo khẩn cấp của vị nguyên thủ quốc gia Cộng Hòa đương nhiệm, ban hành lệnh đình chỉ chiến sự cho toàn bộ lực lượng vũ trang chính quyền.

Bi ai thay, Ánh Dương được hay nhiệm kỳ của vị tổng thống này chỉ kéo dài vẻn vẹn bốn mươi tám giờ đồng hồ. Thông điệp được truyền tải đến quần chúng qua đài phát thanh, cậu nghe văng vẳng lời thú nhận về chiến dịch tiến công “thần tốc, táo bạo” của quân Giải phóng đẩy họ vào thế cùng quẫn, không còn khả năng chống đỡ.

Vậy là hơn hai mươi năm xây dựng một chính thể non trẻ đã tan tành như bọt biển chỉ sau hai ngày, trước áp lực không thể cưỡng lại của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Với tư cách là một vị thủ lĩnh lụn bại, cũng may tổng thống ngoan ngoãn hợp tác, hô hào thần dân khắp vùng Nam kỳ răm rắp làm theo chỉ thị của các chiến sĩ cách mạng nhằm gìn giữ nền trật tự xã hội long lay, trong khi tiến hành ký kết bản hiệp ước hòa giải sâu rộng toàn dân tộc.

Giả sử nguyên thủ quốc gia không chịu quy hàng vô điều kiện, và hai phe phái cứ lao vào cuộc bắn phá tranh giành từng tấc đất tanh máu, e rằng chỉ đẩy muôn dân vào cảnh máu đổ đầu rơi.

Vào khắc Ngọ ngày ba mươi tháng Tư lịch sử, Hoa Sen - cái nôi chính trị, kinh tế và văn hóa của miền Nam nước Việt vẫn còn rực rỡ sắc màu muôn vẻ, song tạm thời chẳng còn là đô thị thanh bình thuở nào.

Thành phố hôm nay là nhân chứng của một cuộc duyệt binh chưa từng có tiền lệ. Đoàn thiết xa T-54 uy dũng dẫn đầu, bánh xích trầm trầm nghiến lên nền đường nhựa, để lại những vết hằn sâu hoắm tựa như thể muốn ghi dấu thời khắc định mệnh này vào lòng đất.

Theo sau là hàng loạt xe vận tải quân sự GAZ-69 chở đầy ắp chiến sĩ giải phóng, súng AK-47 lăm lăm trên tay, đôi mắt họ vừa ánh lên niềm tự hào ngút trời về chiến thắng vẻ vang, vừa đề cảnh giác cao độ trước bất trắc rình rập.

Dọc hai bên lề đường, quần chúng tụ tập chật ních. Người thì vẫy tay nhiệt liệt chào đón, kẻ lại âm thầm tuôn rơi giọt lệ cay đắng, còn số khác chỉ đơn giản đứng sững như hoá đá, chưa thể tin được vào chế độ cũ đang dần bị xoá sổ, nhường chỗ cho một trật tự mới.

Thì bởi lá cờ giải phóng phấp phới tung bay trên các tòa công sở, thay thế lá cờ vàng ba sọc đỏ vốn thân quen với họ bấy lâu nay kia mà. Tiếng hô “Hồ Chí Minh muôn năm”, hòa lẫn với động cơ thiết giáp ầm ĩ.

Giữa bầu trời xanh thẳm, vài chiếc trực thăng UH-1 Huey lượn vòng, không còn vác hỏa lực mà chỉ quan sát, loan tin về một thời kỳ mới bắt đầu, một trang sử hào hùng vừa được ghi dấu bằng xương máu. Tuy nhiên, đã là cuộc sống, mọi điều đều tồn tại dưới hai góc độ. Dọc theo lộ trình của đoàn quân, lòng Dương quặn đau khi chứng kiến không biết bao nhiêu là người bỏ lại sau lưng nhà cửa và tài sản bồi đắp suốt một đời.

Họ lủi thủi ôm chút hành trang ít ỏi dắt tay người thân, vẫn dám mơ tìm về một bến bờ yên ổn giữa phong ba chiến loạn. Khắp các nẻo đường, quân phục binh lính Cộng Hòa rải rác như lá mùa thu xác xơ. Hẳn là theo họ, một bộ rằn ri dã chiến lúc này tương đương một tấm bia tập bắn. Trên hè phố, từng đống quân dụng chất đống tua tủa. Mũ sắt, giày ủng, thắt lưng da, khăn quàng và cả tấm thẻ căn cước binh nhân cháy xém. 

Cảm thông với nỗi đoạn trường này, dân bản địa hối hả vứt quần áo họ mặc ra tạo cơ hội cho mấy anh lính kia ngụy trang, hòa vào dòng người tị nạn đang chảy xiết. 

Những chiếc sơ mi lấm lem, những chiếc quần kaki nhàu nát, những đôi giày vải lem luốc, dẫu xơ xác đến đâu cũng đáng giá hơn gấp bội. Ngồi chễm chệ trên nóc xe tăng cùng đồng đội, hạt mồ hôi lấm tấm trên trán Ánh Dương, quyện cùng bụi đường và khói thuốc, trang điểm một lớp theo phong cách không lẫn vào đâu của chiến trường.

Đoàn xe lăn bánh trên đại lộ thênh thang, tấm biển chỉ dẫn ghi rõ ‘Số 4 Thống Nhất’, đặt một tòa tổng lãnh sự quán lưu dấu ấn đậm nét kiến trúc Pháp cổ kính, sơn một màu trắng tinh khôi ngoài mặt tiền. Những hoa văn phù điêu chạm khắc công phu quấn quýt dọc theo các đường gờ trang trí và lan can ban công, cánh cổng dẫn họ vào khuôn viên với họa tiết chìm nổi mê hoặc, mở ra một vườn khóm hồng đỏ thắm được tỉa tót, chải chuốt trên nền xanh bạc hà của lá đang khoe sắc thắm, đối lập với bức tranh binh biến đầy tàn khốc bao quanh. 

“Trung tá Dương thấy đẹp không ạ?” - Tên chiến sĩ trẻ ngồi bên cạnh khẽ huých tay cậu, giọng điệu đầy phấn khích. “Em nghe phong phanh đây là tổng lãnh sự quán, nơi bọn Việt gian nhận viện trợ từ đế quốc Mỹ…”

“Thôi! Câm ngay! Họ cũng là đồng bào ruột thịt, phải biết thông cảm mới phải đạo làm người chứ đồng chí!” 

“Với tất cả sự kính trọng…” - Tên lính trẻ vẫn không buông tha. “Những kẻ nào chĩa họng súng vào quân ta, kẻ đó chính là kẻ thù của nhân dân!”

Hừm, phải đợi đến ngày “thắng lợi” thế này, bọn chúng mới dám cãi lại cấp trên đây mà. Ngán ngẩm lắc đầu, Ánh Dương chả buồn lãng phí hơi sức cho trò đấu khẩu trẻ con ấy.

Gương mặt chàng thiếu niên thoáng buồn bã khi bình thản ngoảnh đi, đôi mắt hờ hững hướng về phương trời vời vợi xa tít tắp, tâm tư miên man theo bầu trời đỏ rực chói chang dần nhạt sắc trong sương chiều mờ ảo.

Đã không quản ngày đêm truyền dạy cho thế hệ chiến sĩ trẻ này nghệ thuật du kích, một phương thức tác chiến của quân đội nhân dân nhằm gây tổn thất tối đa cho địch. Thế nhưng, cậu cũng chẳng khỏi ngậm ngùi, xót xa khi bắt gặp cái nhìn thèm thuồng của lớp tân binh ấy trước mấy cái đồng hồ Thụy Sĩ đeo trên cổ tay đồng bào miền Nam, một thứ xa hoa mà dưới con mắt chúng chỉ thuộc về giới quan liêu tư sản cao sang.

Có cách chi đây, khi điều kiện vật chất của quân giải phóng đang hãy còn trong cảnh túng thiếu trăm bề. Có những đêm xuất binh, cả tiểu đội phải chật vật chia nhau một mẩu đèn pin. Trong hoàn cảnh ấy, việc giáo dục tư tưởng cho thế hệ chiến sĩ trẻ về tình hình địa-chính trị toàn cầu quả là thách thức không nhỏ.

Nhất thời, hẳn là chỉ có mình chàng Ánh Dương mới thấu hiểu trọn vẹn với đồng bào miền Bắc, đây là ngày huy hoàng. Nhưng đối với bách tính Nam Kỳ, cột mốc thống nhất non sông này lại chính là sự khởi đầu cho những chuỗi ngày bất an u uẩn, sầu muộn. 

Xã hội đang lâm vào thời kỳ đại biến thiên, giữa bao đổi thay chóng vánh diễn ra không ngừng, chẳng ai dám chắc hướng đi tương lai sẽ đưa đất nước này đi về phương nào. Từ đây, liệu rằng những đêm dài trằn trọc sẽ đeo bám đời sống bao người dân Hoa Sen, vốn đã từng quen với cuộc sống sầm uất ngày trước?

Chưa hết đâu, cậu còn hay tin nội bộ rằng, ban lãnh đạo đang đau đáu trước chiến dịch tuyên truyền xảo quyệt của lũ báo chí ngụy quân. Chúng gieo rắc vào trí óc đám đông những điều dối trá, tựa phương Tây xa xôi vượt bên kia bờ đại dương mới là miền đất cơ hội, với muôn lời cam kết ngọt ngào về một cuộc sống thịnh vượng, sung túc.

Và vùng đất được ca ngợi hết lời ấy, chẳng đâu xa lạ, chính là cái nôi của chủ nghĩa tư bản - Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Họ ngẩng đầu nhìn lên bầu không nơi trực thăng lượn vòng, âm cánh quạt vo ve đinh tai nhức óc kéo theo gió lốc, dường như đang vội vã vớt vát chút tàn dư. Phía trước mắt bọn Ánh Dương, hiện lên bức tranh bi tráng của thời cuộc.

Trên mái sân thượng, đám đông hỗn loạn đang tranh giành nhau từng bậc thang, bám víu lên chiếc UH-1 Huey ấy. Mỗi bàn tay tuyệt vọng vươn lên là hàng trăm thân người chen chúc, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau.

Căn cứ vào nguồn tình báo cậu có được, các tàu sân bay của Đệ Thất Hạm đội Hoa Kỳ đang thả neo ngoài khơi, chính là chốn dừng chân sau cuối cho những kẻ đang liều mạng chạy trốn khỏi quê hương đã “rơi vào tay giặc” này.

Đăm đăm theo dõi bóng máy bay, mãi đến khi nó khuất dần vào màn mây xám xịt. Nỗi trăn trở chợt thoáng hiện, Dương đặt câu hỏi day dứt: Liệu sẽ còn bao nhiêu chuyến bay thế này nữa? Với danh nghĩa một người lính cách mạng, cậu tự hứa với lòng sẽ tạo điều kiện giúp họ rời đi bình an. Bởi, quyền được tự do định đoạt số phận của bản thân là ơn trời ban tặng cho mỗi sinh linh trên đời, dẫu là ai đi chăng nữa.

“Khà khà... Đúng rồi! Bay đi, bay đi, đồ hèn với nước! Lũ phản động ngu muội!”

“Này chính quyền Hoa Sen kia, các người đã chọn sai chiến tuyến rồi!” - Hai chiến sĩ trẻ hùa theo nhau, hả hê cười nhạo. “Báo cáo đồng chí trung tá! Mục tiêu đang nằm trong tầm ngắm, cho phép đệ tử khai hỏa không ạ?”

Trời đất, một tay súng non gan đang chĩa nòng khẩu Mosin-Nagant M91/30 lắp kính ngắm PU, thẳng vào phương tiện đang liều mạng tìm đường thoát thân. Không ngờ đám chiến sĩ dưới quyền lại có lúc thiếu bản lĩnh cách mạng đến thế. Những đồng bào trên kia, họ có bao giờ gây thù kết oán gì với anh em ta đâu?

“Thử động vào cò súng xem, tôi sẽ lấy danh dự đảng viên mà thề…” - Cậu ta bừng bừng lửa giận, tay siết chặt nòng súng như muốn bẻ gãy khẩu Mosin.

Với giọng sắc lạnh của một Chỉ huy quân đội nhân dân, đồng chí Ánh Dương gằn từng tiếng:

“...Tôi sẽ dùng hết thẩm quyền để đưa đồng chí ra tòa án binh, nghe rõ chưa!?”

Phải một hồi răn đe nghiêm khắc, chàng trai áo lính non gan kia mới miễn cưỡng nguôi ngoai, đeo lại súng lên vai.

“Rõ, thưa đồng chí chỉ huy!” - Giọng điệu anh ta đầy bất mãn, môi còn mấp máy lời căm giận: “Đ.m, đừng tưởng là Chỉ huy Việt Nam mà tao không dám đụng tới.”

“Các đồng chí chửi bới tôi thế nào cũng được, chỉ đừng hòng đem thân mẫu nhau ra làm trò hý lộng!”

Trung tá Dương đanh thép rít lên, đúng chất một sĩ quan cấp chỉ huy. Ôi thật bất hạnh cho lớp chiến sĩ thiếu kinh nghiệm này, rõ ràng cần một đợt chỉnh huấn tư tưởng để thấm nhuần đạo đức cách mạng và tư tưởng Bác Hồ về mục tiêu rèn giũa những công dân kiểu mẫu trong chế độ cộng sản.

Khó mà tin nổi chỉ mới sáng nay, cậu còn chiến đấu cạnh bên họ trên tuyến đầu, không ngần ngại xả thân che chắn đạn địch thay cho đồng đội. Phải chăng, tại cái tính Ánh Dương hiền hiền. Chính sự dung dưỡng trong chỉ đạo, quá dễ dàng thỏa hiệp nên mới dẫn đến tình trạng này?

Chúng đã quen thói tùy tiện dưới trướng vị Chỉ huy này, đâm ra khinh thường phép quân phép nước? Và khi những lời giáo huấn không còn mang lại trọng lượng với đám lính choai, cậu định thẳng tay trị tội làm gương, thì đột nhiên…

“Chỉ huy Việt Nam, nghe rõ trả lời! Mau báo cáo vị trí hiện tại, khẩn trương di chuyển về điểm tập kết ngay!!!”

Chiếc bộ đàm Motorola giắt sau thắt lưng Dương rè rè phát tín hiệu, là âm điệu quen thuộc của Tư lệnh Lữ đoàn 203 cất lên khá khẩn thiết.

“Vâng, tôi nghe rõ ạ!”

Dương hồi đáp, nỗi niềm cũng phần nào lắng dịu. ĐÙNG! Chợt, một tiếng nổ long trời từ xa vọng về, âm thanh đặc trưng của đạn pháo T-54 vang dội, chấn động cả vùng trời. 

Hướng phát ra từ phía Dinh, cũng chính là đích đến của đơn vị. Những tràng pháo rền vang kia, phải chăng là khúc tráng ca của chiến thắng? Dương trầm tư, tâm khắc ghi sâu sắc về trọng trách hệ trọng mà Bộ Chỉ huy giao phó trước giờ Tổng tấn công, thượng lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam lên đỉnh nóc.

“À, các chiến hữu đã hoàn tất ước nguyện rồi kìa!”

Loạt đạn pháo vừa rồi đâu chỉ là tràng báo hiệu vinh quang, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh. Thay vì sa đà vô ẩu đả, Tiểu đoàn 2 của họ còn một sứ mệnh cấp bách hơn cần hoàn thành.

“Đồng chí ạ, vừa rồi tôi có phần nóng vội. Hiểu hôm nay là ngày toàn thắng của chúng ta, nhưng đừng để niềm vui át đi tình nghĩa đồng bào. Dù họ từng là quân ngụy, thì cũng là con dân nước Việt, không nên lấy nỗi đau dân tộc làm trò đùa. Sau này nhìn lại, đồng chí sẽ thấy hổ thẹn với lương tâm cách mạng đấy.”

Dứt lời, Dương tự ý đưa bàn tay chai sần ra trước, ngụ ý khép lại mâu thuẫn. Những vấn đề liên quan đến kỷ cương binh lính sẽ được giải quyết thấu tình đạt lý, sau khi đơn vị hồi quân về Thủ đô Rùa Vàng.

Người lính non gan dẫu trong lòng còn canh cánh bao bất mãn, cũng đành gượng ép đáp lại cái bắt tay của vị chỉ huy trẻ măng nhằm thể hiện thiện ý hòa hoãn. Như thường lệ, họ giữ thái độ đúng mực, rồi lại tiếp tục con đường hành quân về điểm tập kết như đã định sẵn trong mưu lược quân sự.

Ôi sung sướng làm sao khi được ngả mình trên nóc tăng, gối đầu trên cánh tay và bình thản đón nhận nắng xuân chan hòa, một đặc quyền ít ai có được.

Dọc hành trình tiến quân xuyên qua cầu, Dương đã kết nghĩa vác ngàn cân với một đơn vị thuộc Lữ đoàn Tăng Thiết giáp, một công đôi việc, thừa dịp quá giang luôn.

Bởi lẽ “Đơn vị là nhà, đồng đội là anh em”, những người lính này đều cùng hướng về lý tưởng giải phóng trọn vẹn phương Nam cao thượng... Nói vui vậy thôi, chốn đi về cuối cùng vẫn là Dinh Độc Lập.

Sau mỗi bước tiến oai hùng của cỗ xe tăng T-55, từng mắt xích thép nối liền bởi những khớp răng cưa nhọn hoắt đang nghiến lên lớp nhựa đường, để lại những vết xước sâu hoắm.

Chưa kịp cống hiến đã làm tổn hại của công, cậu ta áy náy bèn lẩm nhẩm một mình:

“Bà con cô bác đừng nặng lòng, chúng cháu xin thề sẽ trùng tu, tái tạo lại đường sá sau ngày hòa bình lập lại…”

Làn gió mát rượi lùa qua mép vành mũ lá, Ánh Dương buông mình trôi theo từng dải mây bạch kim phiêu du trên bầu trời biêng biếc. Xét cho cùng, tất thảy đều là con cháu Lạc Hồng, máu đỏ da vàng... “Cán bộ là đầy tớ của nhân dân”, cậu tâm niệm rằng Quân đội nhân dân phải thể hiện rõ thiện chí hòa hợp dân tộc, xóa nhòa vạch phân chia vĩ tuyến do bọn xâm lược và đế quốc gieo rắc, chia rẽ đồng bào hai miền.

Cái ngày mà Nam-Bắc sum họp, trăm họ một nhà, triệu triệu cánh tay chung lòng gánh vác, phục hưng một nước Việt hùng cường, thịnh trị là chân trời mà Ánh Dương hướng tới.

“Thưa đồng chí trung tá, mời ngài xem kìa... Chúng ta đã lỡ mất giây phút lịch sử rồi ạ, cỗ tăng 390 đã phá tung tấm cổng gang kia…!”

Cậu lính hớn hở reo lên, tay chỉ hướng phía trước. Sau cơn chợp mắt ngắn ngủi trong chốc lát, cậu giật mình choàng tỉnh khi được bạn đồng hành thân tín lay gọi.

Trước mắt họ là biểu tượng thể chế Hoa Sen xưa, hiện ra giữa khoảng sân mênh mông bát ngát. Từ thời Pháp thuộc, nó cứ sừng sững đứng đó, uy nghiêm như một chứng nhân cho bao thăng trầm của dân tộc.

Và bây giờ, sẽ lại một lần nữa đóng dấu son cho ngày ngày non sông quy về một mối. Mặt tiền dinh thự tráng lệ với hàng cột trụ sừng sững vút cao, ốp đá cẩm thạch trắng tinh khiết đến nao lòng, phản quang dưới nắng, hợp thành tổng thể kiến trúc lộng lẫy mê hồn. 

Ngay khi đoàn thiết giáp chở các chiến hữu lướt qua, Dương bắt gặp ngay cánh cổng kiêu căng nằm dưới chân tòa Dinh, chỉ còn là tàn tích kim loại rỉ sét.

Ngưỡng mộ người đồng chí tiên phong lái xe tăng kia quá đi, tinh thần “thần tốc và quyết thắng” rõ không làm ai nhục chí. Kia kìa, thoáng liếc sơ sơ là cậu nhận diện ngay chiếc T-59 mang số hiệu 390 của Lữ đoàn Xe tăng 203.

Song hành cùng chiếc 843, bọn họ đã từng cùng đơn vị của Tuân và Ánh Dương xung trận, càn quét tan tành những ổ kháng cự của quân ngụy tại các thành trì Phượng Hoàng- Hương Long (Huế - Đà Nẵng) mới đây.

Có nghĩa là chiến xa T-55 cùng toàn bộ lực lượng cậu chỉ đóng vai trò yểm trợ?

Chà, tránh được đổ máu là điều đáng mừng. Dương thầm nhủ, trong lúc tụt xuống khỏi thân xe tăng. Đảo mắt quan sát bốn bề chợt thấy một điều kỳ quặc, dẫu cố công dò tìm, cậu vẫn chả thấy bóng dáng chiếc T-54B mang số hiệu 843 đâu cả.

Thuận tay vỗ vai một chiến sĩ đang rảo bước ngang qua để hỏi thăm, Dương hay tin rằng đội kỹ thuật đang cật lực sửa chữa cho cỗ xe xảy ra sự cố.

“Phá tung cổng hông của tòa Dinh thì động cơ xe ngừng hẳn ạ!”

Anh lính đưa tay lên vành mũ, nghiêm túc chào Chỉ huy Việt Nam. Thấy vậy cậu cũng gật đầu, bật đèn xanh cho vị đồng chí thiếu tá ôm hòm đồ nghề giải tán. Ý định rủ người lính kia dẫn đường tới địa điểm xe hư hỏng chợt nảy ra, nhưng rồi Dương lại thôi.

Là một kẻ mù mờ, ngu ngơ về các loại xe cộ, e rằng có cậu góp mặt chỉ gây cản trở, làm vướng chân anh em đang gấp rút hoàn thành bổn phận. Đoàn quân tinh nhuệ số 2, nòng cốt là Chỉ huy Việt Nam sau khi phân chia thành nhiều mũi tấn công nhỏ đã mưu trí vượt sông Hoa Sen, thọc sâu vào trọng địa nội đô.

Tại bến đò Cỏ May, cánh quân nhỏ của Dương đen đủi chạm trán một đơn vị thiết giáp dày dạn kinh nghiệm. Suốt hỏa chiến khốc liệt ấy, cỗ chiến xa 843 đã dũng cảm chống trả hẳn ba chiếc xe bọc thép M113 do bọn tay sai điều khiển.

Rốt cuộc, dưới sự yểm hộ tích cực từ bộ binh, T-54B đã buộc quân địch i bỏ chạy thục mạng, mở toang cửa cho họ tiến vô lòng thành phố. Giờ khắc này, chiếc xe tăng huyền thoại ấy làm tròn đầy trách nhiệm cách mạng rồi, an nghỉ thôi. Ít nhất là trước khi được vinh dự hồi về kinh đô Rùa Vàng, tham gia cuộc triển lãm mừng ngày thống nhất.

“Chà, mình đâu thể đứng đây nhàn du lúc này chứ.” - Dương giật mình tỉnh thức. 

Theo chỉ thị khẩn, toàn thể Ban Chỉ huy chiến dịch mang tên Bác phải tập hợp tại Phòng Hội nghị. Dự kiến sẽ có mặt đầy đủ các vị lãnh đạo cấp cao trong Bộ Tham mưu: Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn 4, đồng chí Chính ủy cùng các đại tá, trung tá chỉ huy các cánh quân.

Đây hứa hẹn sẽ là một phiên họp cực kỳ trọng đại để tổng kết, đánh giá và rút ra bài học từ chiến dịch lần này. Theo chương trình nghị sự, các ngài sẽ tề tựu bên bàn tiệc tròn, lắng nghe phúc trình về tổn thất nhân lực trên chặng đường bom đạn từ miền Trung thẳng tiến về Sài thành.

Song song với đó, các vị lãnh đạo sẽ bàn thảo sâu rộng về đường lối kế tiếp nhằm ổn định cục diện, kiến lập chính quyền nhân dân và chuẩn bị kỹ lưỡng cho tiến trình thống nhất giang sơn.

Dương dự đoán cuộc họp này sẽ diễn ra khá gọn gàng, bởi giống bao người, các đồng chí cấp cao cũng trông ngóng được xuống phố hòa cùng sự hân hoan đại thắng. Còn đại sự tổng tuyển chung hai miền chắc sẽ phải trì hoãn lại đến năm 1976, lúc non sông hùng cường đã bước vào thời kỳ thái bình thịnh trị.

Sắm vai hoạch định chiến lược từ hậu phương, các nhân vật quan trọng bậc nhất cỡ Đại tướng trở lên, buộc phải kiên nhẫn chờ đến khi trận mạc lắng dịu mới vào Nam chung hưởng niềm vui.

Nếu không xảy ra bất trắc nào thì chỉ độ nửa tháng nữa thôi, những chuyên cơ vận tải từ Thủ đô Rùa sẽ đưa các lãnh tụ của Đảng và Quân ủy Trung ương vào vùng giải phóng thôi.

Sau đòn tập kích của Quân đoàn 4 rạng sáng ngày hai mươi tám tháng tư, phi cảng không quân Tân Sơn Nhứt lớn nhất Đông Dương đã rơi vào tầm kiểm soát quân ta rồi.

Dưới cương vị một trung tá, lại được giao trọng trách Chỉ huy Việt Nam trên danh nghĩa, những nhận định và đề xuất của Ánh Dương trong hội nghị tổng kết là điều tối quan trọng. Cú điện thoại qua bộ đàm vừa rồi, chính là để giục giã đồng chí về dự họp chứ đâu.

Vậy phải lên đường ngay, cậu hăm hở bước đi, cũng nóng lòng được tận mục sở thị vẻ diễm lệ của tòa dinh kia lắm rồi. Nội ngắm từ ngoài thôi đã đủ để cảm nhận được tầm vóc nó, có thể sánh ngang với cái hội trường năm xưa cậu từng theo chân Đại tướng ký Hiệp ước trên đất Pháp.

Đấy là chuyến xuất ngoại đầu đời của Ánh Dương, được mở mang tầm mắt trước nền văn minh tiến bộ, và cậu tin rằng sẽ còn nhiều dịp như vậy nữa trong tương lai. Lướt bước trên băng qua một quãng đường rợp bóng cây, bất giác, Dương đưa mắt ngước nhìn đỉnh mái Dinh, nơi lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng đang dập dìu trong gió.

Vậy là các chiến sĩ trung dũng thuộc Lữ đoàn 203 đã cắm nó lên rồi. Dù nặng lòng muốn cống hiến chung, hỡi ơi cậu tới không kịp rồi. Mà chung quy… Phần trên lá cờ nhuộm màu đỏ thắm, biểu trưng cho miền Bắc đã thoát khỏi ách thống trị, giành lại nền độc lập.

Nửa dưới xanh biếc sắc trời, gợi nhớ về một miền Nam hãy còn chìm trong vòng nô lệ của lũ thực dân. Cậu hằng tin chẳng bao lâu nữa, một quốc kỳ mới sẽ sớm ra đời trên nền rực đỏ tươi. Với ngôi sao vàng năm cánh, tượng trưng cho liên minh của 5 giai tầng xã hội: công nhân, nông dân, trí thức, tư sản và quân nhân cách mạng.

“Đồng chí Chỉ huy cho phép đơn vị chúng tôi đi qua ạ?”

“Ồ, đừng bận tâm! Mời các đồng chí cứ tiến lên…”

Suýt nữa thì nhảy dựng lên, Dương ngỡ đâu là còi báo động không kích oanh tạc từ đâu vọng lại, nào hay chỉ là một ai đó cầm ống loa phóng thanh ra hiệu đánh thức binh lính dậy. Tháo chiếc mũ cối, cậu lịch sự mời họ vượt qua.

Mắt chữ O, mồm chữ A khi chạm mặt thần tượng, một người lính trẻ bèn lanh lẹ dịch sang bên, gõ gõ vào khoảng không bên cạnh nòng súng T-54, nói: “Này, tụi em đang sôi nổi thảo luận về mấy tập truyện tranh Chỉ huy Việt Nam cực hay đấy ạ! Trèo lên đây cùng anh em nào! Sao chúng tôi nỡ để ‘ngôi sao màn bạc’ lẻ loi độc hành bộ binh được cơ chứ?”

“Trời ơi, nghe vậy tôi lại càng muốn tránh xa.”

Dương hấp tấp quay mặt đi chỗ khác, ngượng ngùng dâng lên tận cổ họng.

“Thôi... điểm đến cũng chỉ cách vài bước chân, cứ để tôi ung dung tản bộ vậy…”

Mấy tập truyện tuyên truyền ấy chính là cái gai trong mắt, là vết nhơ lớn nhất trong đời cậu. Được vẽ theo phong cách comics kiểu Mỹ với gam màu chói chang, bố cục sinh động, trong đó, chân dung Ánh Dương bị bóp méo, phóng đại thành một siêu anh hùng vô song, không ai sánh bằng.

Nào là một mình đánh tan đại đội địch, nào là vượt sông Bến Hải trong đêm tối... Toàn những chi tiết quá đỗi hoang đường. Đám họa sĩ mặc sức bịa đặt, tùy tiện hư cấu rồi đem in ấn tràn lan, chẳng buồn xin ý kiến hay đối chiếu với nhân vật chính trong cuộc, tới nỗi cậu cũng không hay biết mình bị “thánh hóa” tới cỡ nào nữa.

Thế nhưng các chiến sĩ trẻ và thiếu nhi lại vô cùng hào hứng, có đồng chí còn khoác lác khoe khoang rằng mình đã góp nhặt sưu tầm đủ bộ, xếp cao thành chồng tận mây xanh, không hề bỏ sót số báo nào. Giá như chuỗi truyện đó xoay quanh, viết về toàn thể các thành viên trong nhóm Vệ Thần thì dễ chịu hơn hẳn, đằng này duy nhất Ánh Dương được ca tụng, suy tôn...

Khó xử cứ như thể đang khoe mẽ cái tôi vậy. Song khi suy xét kỹ càng, nếu mà những giai thoại ấy có thể khơi gợi lòng yêu nước và tinh thần cách mạng cho lớp lớp thiếu niên, thì hẳn là cũng đáng… Hơi ngao ngán vì bị nhân vật nổi tiếng từ chối lời mời, cậu lính chùng mặt xuống như trời sắp đổ mưa.

Song, vẫn nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh cấp trên. Không ai nói với nhau câu gì nữa, rồi chiếc thiết giáp chở trung đội đó xung kích tiếp tục tiến vào sân Dinh. Hàng dãy xe tăng khác nối đuôi nhau, cùng với đó là hàng trăm bộ binh dàn thành hàng sải bước đều đặn.

“Kính chào đồng chí Chỉ huy... Chúc đồng chí Chỉ huy mạnh khỏe... Chào ngài Chỉ huy ạ…”

Mỗi người lính lướt qua đều nghiêm trang đưa tay chạm vành mũ, chào theo đúng nghi lễ của quân đội. Họ dõi theo vị Chỉ huy Việt Nam với ánh mắt sùng bái, thán phục như đang chiêm ngưỡng một ngôi sao điện ảnh lẫy lừng.

“Chào đồng chí... Đừng câu nệ nghi thức quá... Các đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rồi…”

Hồi đáp từng người một bằng sự tôn trọng, Dương duy trì thế oai nghiêm cho đến tận khi đoàn quân khuất dạng mới dám thả lỏng đôi bờ vai căng cứng.

Cứ mỗi bước cậu chân tiến vào sâu trong tòa Dinh, bầu không gian càng trở nên khác thường. Bất chợt ý thức được ngoại trừ các tri kỷ trong tiểu đoàn, vào sinh ra tử suốt chiến dịch Tây Nguyên, thì tất cả đơn vị khác đều tỏ một sự cung kính, nể trọng Dương thái quá. Thật kỳ cục khi được đối đãi như bậc vĩ nhân trong khi với mình, ai ai cũng đều là người con của Tổ quốc.

“Kìa mày, ngài ấy khiêm nhường, chẳng khác nào tập hai trong truyện ha…”

Một chàng trai thì thào với cậu bạn kề bên, chỉ tổ khiến cậu thêm bấn loạn.

“Mấy đồng chí tha cho tôi đi, ngay cả Chỉ huy Việt Nam cũng phải có lúc nghỉ xả hơi chứ!" 

Thở dốc, Dương vừa thong thả dạo vào khu vườn thượng uyển, điểm tô bằng luống hoa đủ màu sắc, đối xứng dọc lối đi lát đá và đài phun nước róc rách giữa trung tâm.

Lúc cậu rẽ vào nền cỏ xanh ngát trước tiền sảnh thì đã ken cứng bộ đội, dàn hàng ngang khoanh tròn gối ngồi tựa lưng vào nhau thư giãn, hóng chuyện duyệt binh.

Sau bao nắng gió băng qua núi rừng hiểm trở, ai ai rốt cuộc cũng được thừa cơ trút bỏ chiến bào ướt sũng mồ hôi mặn mòi, phơi tấm lưng rám gió sương dưới khí hậu mùa xuân, đang choàng tỉnh sau giấc ngủ đông.

Dàn ủng da được chỉnh tề xếp sang bên, cạnh chỗ đó là hàng AK-47 bỗng trở thành vật thừa thãi, chẳng mấy cần thiết. Vài chiến sĩ hé gói lương khô thó được từ đơn vị, bẻ từng mẩu đạm bạc chuyền tay nhau.

Số khác thì lôi bi đông nước, rót ra nắp làm chén tạm, nâng ly chúc nhau ăn mừng. Một toán trai tráng mang theo cây đàn ghi ta chiến lợi phẩm, ngồi quây quần dưới tàng cây um tùm. Tiếng đàn réo rắt thánh thót hòa cùng ca từ ngân nga vang vọng khắp sân vườn.

Bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” được cất lên bằng chất giọng Nam Định đặc sệt, rồi được các anh chàng miền Bắc từ Thái Bình, Hải Phòng nối lời đệm. Bên đài phun nước là một đám không kham nổi khí nóng hầm hập của miền Nam đã vứt áo trận, nhảy ùm xuống mặt nước trong veo. Họ nô đùa, té tạt nước lẫn nhau tựa lũ trẻ ranh nghịch ngợm.

Dương sực nhớ, hồi bé cũng từng bị lũ bạn đầu xóm dụ dỗ ra cái đầm gần nhà, hay bơi lội ở khúc sông Hồng nước chảy hiền hòa. Một số đồng chí khác còn ngồi quanh bệ đài, chân đong đưa trong làn nước mát, miệng ê a vài câu dân ca quan họ.

Cậu cũng thoáng cảm thông vì càng xuôi Nam, nắng như thiêu đốt thịt da hơn nhiều so với quê xứ mà. Với các tốp người trầm tính hơn, họ quần tụ bên nhau, hoài niệm về những nẻo đường đã trải qua.

Tiếng cười sang sảng chợt thay bằng giọt lệ lầm lũi khi hồi ức chạm đến những đồng đội, những con em ưu tú đã ngã gục trên các cung đường Trường Sơn hiểm trở.

“Còn ai nhớ thằng Tráng không? Nó hẹn sau ngày thống nhất  sẽ đãi cả bầu đoàn về làng ăn cỗ cưới…” - Một lão binh già dặn nghèn nghẹn. “Giờ yên nghỉ mãi bên triền đồi A Lưới rồi!” T

Trông phiên hội ngộ như lễ tưởng niệm không cần lời ấy, sống mũi cậu cũng cay cay, mắt hoe hoe theo. Khi ranh giới quân hàm hóa vô nghĩa, là lúc viên thượng sĩ già ngồi cùng mâm với chú lính măng, ông đại úy chia điếu thuốc với tráng sĩ vừa lìa làng, chân ướt chân ráo lên đường tòng quân.

Những mẩu chuyện đời thường được kể lể, những giai thoại dân dã được ngợi ca, những nụ cười cộng hưởng sớt chia, và những mối tâm sự được cảm thông dưới nóc nhà đại đoàn này.

— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.