Hồi Cao Yến học lớp Mười, Cao Trình và Nghiêm Dụ Hoa ầm ĩ đòi ly hôn với lý do cũ rích là ả đàn bà Cao Trình lang chạ bên ngoài chạy tới nhà gây chuyện.
Đó không phải là lần đầu tiên. Kể từ khi Cao Yến có ký ức tới nay, Cao Trình luôn vẫn la cà ong bướm, điểm khác nhau là có cô chịu an phận thủ thường, có ả nuôi lòng tham vô đáy.
Từ nhỏ Cao Lam đã lớn lên trong hoàn cảnh ấy nên chị am hiểu tất thảy mánh khoé điều tra hệt như một thám tử thực thụ, từ giả làm người đưa sữa hoặc giao báo để tới nhà bắt chuyện, tạo mối quan hệ thân thiết với hàng xóm láng giềng của mục tiêu để dò la tin tức cho đến thu mua lời khai của tài xế Cao Trình…
Bất kể cô ả nào ở thành phố F bị Cao Lam biết có dính dáng tới Cao Trình thì đều bị Cao Lam điều tra tường tận gốc rễ trong vòng chưa đầy một tháng.
Nhưng có ích gì chứ? Nghiêm Dụ Hoa hoàn toàn không quan tâm.
Trước khi Nghiêm Dụ Hoa chưa được chẩn đoán mắc bệnh ung thư thì bà chính là một người đàn bà thép không gì uy hiếp nổi. Chỉ cần Cao Trình không gây phiền phức cho bà trong chuyện làm ăn thì bà hoàn toàn không quan tâm ông ta có ai bên ngoài không, và có bao nhiêu người.
Thậm chí chỉ cần ả nhân tình không tới nhà khiêu khích thì khi chạm mặt bà còn có thể bình thản mỉm cười với ả ta.
Cao Trình từng oán trách Nghiêm Dụ Hoa vô số lần lúc ông ta say, bảo bà giống như cái gối không lõi, dù bề ngoài xinh đẹp dịu dàng nhưng chưa từng cho ông ta chút ấm áp nào.
Những lúc như vậy, Nghiêm Dụ Hoa lại cười khẩy: Nếu đám đàn bà bên ngoài của ông đều thật lòng thật dạ thì sao ông không đi tìm họ đi?
Cao Trình câm miệng ngay lập tức.
Phải, khác với những gì người ngoài nghĩ, người vẫn luôn muốn ly hôn trong nhà họ lại là Nghiêm Dụ Hoa, còn kẻ bám riết không buông chính là Cao Trình.
Dù có đầy rẫy nhân tình bên ngoài nhưng Cao Trình chưa từng nghĩ tới chuyện ly hôn, cứ như thể chỉ cần giữ rịt Nghiêm Dụ Hoa thì ông ta vẫn được tính là một người đàn ông thành công trên cả hai phương diện sự nghiệp và gia đình, còn nhân tình thì thỉnh thoảng đổi người mới là được.
Hai người họ, một chuyên tâm lo chuyện làm ăn, một trăng hoa thành tính mười năm như một ngày.
Thi thoảng, Cao Yến lại thắc mắc rằng hai người họ từng yêu nhau thật ư?
Nếu không yêu nhau thì sao họ vượt qua những tháng ngày nếm mật nằm gai, động viên nhau làm ăn lớn mạnh được?
Song nếu yêu nhau thì sao họ lại đến nông nỗi xem thường lẫn nhau, ghét nhau như chó với mèo, tuy sống chung một mái nhà nhưng hễ mở miệng là lại trào phúng xỉ vả đối phương?
Tóm lại, nhà chẳng phải là tổ ấm, đi học còn đỡ, nhưng ngày nghỉ đúng là thảm họa.
Cao Lam chắc chắn sẽ về nhà.
Chị nói rất dễ nghe, bảo gì mà bố mẹ bất hòa nên người làm chị như chị phải quan tâm đến anh, song chẳng qua là vì chị có bản lĩnh thám tử cao cường lại bất hạnh lấy phải một ông chồng ngoan hết chỗ chê thành ra không có đất dụng võ. Vì thế dù đã lập gia đình, chị vẫn tận lực điều tra nhân tình của Cao Trình, hễ có cơ hội là lại chia sẻ thành quả với anh.
Hễ Cao Lam tới thì Thẩm Dật Lâm tất nhiên cũng tới theo.
Từ nhỏ cậu ta đã lớn lên trong gia đình có mẹ là trụ cột nên tính tình ỏn ẻn y như con gái, vừa lễ phép vừa nghe lời.
Nhưng khuyết điểm cũng là ngoan ngoãn, õng ẹo, động chuyện là co rúm, hoàn toàn không có sự cứng rắn của đấng mày râu. Hơn nữa, cậu ta còn kế thừa cái tật hóng hớt của mẹ mình, thích bám dính lấy người khác như sam. Lần nào Cao Yến trông cậu ta cũng thấy mệt rã rời.
Ngoài Cao Lam và Thẩm Dật Lâm thì ông bà ngoại cũng tới, bảo thời cấp Ba rất quan trọng, sợ anh gặp chuyện không như ý mà ảnh hưởng đến việc thi Đại học.
Trong lúc đó thể nào cũng gặp cảnh Cao Trình và Nghiêm Dụ Hoa cãi vã, hoặc là nhân tình của Cao Trình tới nhà gây hấn.
Độ máu chó đúng là trên cả phim truyền hình, mới nghĩ thôi mà Cao Yến đã đau đầu.
Đến ngày nghỉ, nếu Cao Yến hẹn được bạn là hẹn ngay, nếu không hẹn được bèn lấy cớ bận học để rúc trong trường cho yên thân.
Bên ngoài thư viện trường có một hồ sen, bên hồ có một cái đình hóng mát trông yên ắng lạ thường giữa rừng cây cối xanh um ngày hè.
Một hôm nọ, Cao Yến ở nhà xem tuồng đến phát bực bèn trốn tới trường, thấy đình hóng mát bốn bề vắng lặng bèn nằm đó ngủ trưa luôn.
Lúc tỉnh lại thì nghe thấy có người đọc sách bên hồ.
Người nọ chính là Dư Hoan.
Cao Yến từng gặp cô trong văn phòng thầy Toán. Cô là một cô gái gầy yếu, nhưng lại cực giỏi Toán, nhiều lúc thầy Toán gặp đề bí không giải được toàn bảo Dư Hoan làm trước.
Cao Yến còn thấy cô chấm bài giúp thầy Toán, còn thầy Toán cứ ở bên ra rả bảo cô phải cố gắng hơn, vì học bổng của trường chỉ phát cho tám người đứng đầu khối, mà bất hạnh thay Dư Hoan lại là người đứng thứ chín.
Có lẽ sự xui xẻo của cô tạo ấn tượng sâu đậm với anh, nên anh đứng ngoài cửa lập tức nhớ rõ tên cô.
Lúc Cao Yến trông thấy Dư Hoan bên hồ sen, cô đang ngồi trên tảng đá ven hồ, tay cầm cuốn Tuyển tập tác phẩm văn học Mỹ bằng tiếng Anh.
Thầy giáo bảo tiếng Anh của cô không tốt, đây là điểm chính yếu làm cô vụt mất học bổng, thế nên cô liều chết chiến đấu với tiếng Anh.
Phát âm tiếng Anh của cô không chuẩn lắm, khẩu âm rất nặng, nhưng giọng đọc truyện cực kỳ diễn cảm.
Ma xui quỷ khiến thế nào mà Cao Yến lại ngồi trong đình hóng mát, lẳng lặng nghe cô đọc những hai truyện mà không hề thấy khó chịu, ngược lại còn bất giác thấy buồn cười.
Cứ như nghe tấu nói vậy.
Những chuyện khiến anh phiền muộn cũng tạm thời biến mất khỏi tâm trí anh.
Về sau, hễ rảnh rỗi là Cao Yến lại tới đình hóng mát.
Dư Hoan luôn có ý thức sửa đúng tiếng Anh của mình, mới đầu rất gượng gạo mất tự nhiên nghe cực kỳ buồn cười, càng về sau càng chuẩn mực lưu loát.
Bất kể thế nào cũng có thể khiến anh tạm quên đi những chuyện phiền muộn và sốt ruột.
Anh càng nghe nhiều lại càng có thiện cảm với cô, bỗng xem cô như một người bạn mà anh quen biết từ lâu.
Nhất là sau hôm mưa tầm tã đưa cô về nhà, qua lời kể của thầy Toán, anh mới biết là cô đang sống nhờ nhà bác, mà trong nhà bác cô còn hai đứa con nhỏ nữa.
Vì cứ đến cuối tuần là cô lại vạ vật ở trường như anh, anh lại càng cảm thấy hai người đồng bệnh tương liên với nhau.
Nhưng anh chưa từng chủ động bắt chuyện với cô.
Biết nói gì đây? Trừ những điểm chung đó ra, về bản chất thì họ là hai loại người khác nhau, đeo đuổi lý tưởng khác nhau, nuôi giấu phiền não khác nhau.
Nếu anh than thở với cô, có lẽ cô sẽ bỉ bai anh là người no chẳng thấu nỗi khổ của kẻ đói.
Vì thế anh chưa từng muốn thay đổi điều gì, cho đến khi trông thấy bức thư tình kia.
Tuy bức thư tình ấy không ký tên, nhưng anh nhận ra chữ viết của cô.
Anh chắc chắn cô đã viết nó, ngoài chữ viết ra thì còn bởi anh từng mục kích sở thị cả quá trình cô sáng tác ra nó bên hồ sen.
Cô đã đọc thơ Jorge Luis Borges bên hồ sen.
Em lấy gì níu giữ anh đây?
Là đường phố không người qua lại,
Là ráng chiều tuyệt vọng thê thiết,
Là ánh trăng rọi vùng hoang dã.
Hay nỗi sầu miên man bất tận,
Của một người cô độc ngắm trăng.
…
So với màn diễn thuyết tiếng Anh buồn cười của cô thì câu từ tiếng Trung rất rành mạch, phối hợp với giọng nói lành lạnh của cô tạo nên sức cuốn hút khó tả, cứ như lập tức dẫn người ta vào thế giới nào đó.
Hôm ấy, anh đã nghe cô đọc vô số bài thơ tình: khuôn sáo có, nồng nhiệt có, độc đáo có, cao vời có…
Đương lúc anh tò mò rốt cuộc chàng trai nào mà tài giỏi đến mức có thể khiến cô phải vắt hết óc để giãi bày tình yêu thì…