Bình thường anh không hay về nhà vào giờ này, nhưng giờ đột nhiên trông thấy anh xuất hiện ở đây, tôi giống như một con chim ướt mưa và lạc đường bỗng dưng nhìn thấy chiếc tổ ấm, nỗi uất ức và tủi thân trong lòng phút chốc trào dâng như vỡ đê, muốn bật tung ra. Thế nhưng, vì không muốn để anh thấy mình yếu đuối nên tôi đành cắn chặt răng không rơi nước mắt, chỉ ngước đôi mắt đỏ quạch nhìn anh. Còn chị chồng tôi thì đang chửi hăng, thấy Thành về thì lật mặt ngay tức thì: – Thành, em về rồi đấy à? – … – Đấy em về mà xem, vợ em đang đòi đưa chị với Su Su ra công an kia kìa. Mà có chuyện gì to tát đâu, Su Su nó lên phòng chơi, thấy sợi dây chuyền đẹp nên cầm chơi tý thôi mà. Chị đã bảo trả lại rồi nhưng Quỳnh Chi cứ nổi đ.iê.n lên, đòi đưa chị với Su Su đến đồn công an. Chị nói đền rồi nhưng nó không nghe. Anh liếc sợi dây chuyền bị bóp chặt trên tay tôi rồi lại dời mắt nhìn sang tấm ảnh ướt nhòe nước của bố mẹ tôi, trầm giọng nói: – Nếu sợi dây chuyền đó là bản chế tác riêng, không sửa được cũng không mua mới thứ khác giống được thì chị định đền kiểu gì? – Chị… Chị ta thấy em trai không bênh mình thì bắt đầu ấp úng, nhưng vẫn cứng mồm cứng miệng nói: – Thì… chị sẽ đền tiền cho Quỳnh Chi. Su Su nó là trẻ con mà, nó không cố ý, chỉ định chơi một tý thôi. Không ngờ lại ra thế. Thôi để chị đền tiền. – Em không nói đến vấn đề tiền. Anh khẽ nhíu mày, thái độ vẫn điềm đạm trầm mặc như cũ nhưng lời nói lại vô cùng sắc bén, khiến người ta có cảm giác nể sợ: – Trên đời này có những thứ tiền nhiều đến mấy cũng không thể mua được, cũng như những thứ Su Su đã làm hỏng, chị có thay mặt nó xin lỗi cả trăm lần thì cũng không thể biến nó nguyên vẹn lại được. – Nhưng mà Su Su nó còn nhỏ, nó có cố ý đâu. Em là cậu nó, em phải bảo vệ cháu mình chứ. Có mỗi một món đồ thôi mà. Bây giờ không mua lại được thì chỉ có cách đền tiền thôi, em hỏi Quỳnh Chi xem lúc mua cái dây chuyền đó bao nhiêu tiền để chị đền. – Con chị làm sai, chị là mẹ lẽ ra phải xin lỗi và tìm cách sửa sai thay cho con, nhưng chị chỉ nói đền tiền. Em không rõ phải đền bao nhiêu, nên thôi tốt nhất là hai người ra công an giải quyết đi. Ra đó xem công an bảo đền bao nhiêu là đủ. Cả tôi và chị chồng đều không nghĩ Thành sẽ ủng hộ việc ra công an nên ai cũng tròn mắt nhìn, nhất là chị chồng tôi, bà ấy sợ xanh mét mặt mày, vội vàng bảo: – Thành, em nói gì thế? Em là em trai của chị, mình là ruột thịt cơ mà. Sao em lại bênh người ngoài rồi còn đòi đưa chị ra công an? Chị mới là chị gái em, còn Quỳnh Chi nó là cháu gái của người bắt cóc em kia kìa, sao em lại bênh người ngoài? – Ai nói với chị Quỳnh Chi là người ngoài? Chị ta há miệng, còn chưa kịp trả lời thì Thành đã nói: – Cô ấy là vợ em, không phải người ngoài. – À thì…biết thế, nhưng nếu đã đến đây ở thì cũng phải xông xênh thoải mái tý chứ, cháu nó chơi một tý rồi không may hỏng thì thông cảm, làm gì mà phải cạn tàu ráo máng như thế. – Chị nói sai rồi. Cô ấy đến đây làm con dâu trong nhà chứ không phải đến ăn bám, đồ riêng của cô ấy không ai được phép tự tiện động vào. Làm hỏng thì phải xin lỗi và chịu trách nhiệm. Khi nói những lời này, thái độ của anh vô cùng kiên quyết và cứng rắn, không hề ép uổng nhưng lại có cảm giác buộc người khác phải nghe. Chị chồng tôi biết không lay chuyển được anh, vả lại, có lẽ cũng sợ bị lôi ra công an thật nên sau đó cũng đành hạ giọng: – Chị biết rồi, chị sẽ về dạy lại Su Su. Từ sau không động đến đồ đạc của vợ em nữa. Đã là người nhà cả thì chuyện này bỏ qua đi, đừng kéo nhau ra công an nữa, nhé? Chuyện chẳng hay ho gì, lôi ra đó mang tiếng nhà mình ra. – Em thấy chị nên hỏi Quỳnh Chi ấy. Nếu xin lỗi mà cô ấy chấp nhận bỏ qua thì tốt, còn nếu cô ấy không bỏ qua thì em cũng chịu thôi. Việc này em muốn bênh chị cũng không bênh nổi. Tất nhiên, chị chồng không muốn xin lỗi một kẻ như tôi nên cứ lưỡng lự mãi không chịu nói. Nhưng không xin lỗi thì lại càng rắc rối hơn nên cuối cùng đành kéo tay Su Su. – Mày xin lỗi đi. Thằng nhóc Su Su sợ Thành nên im re nãy giờ, giờ bị mẹ kéo ra thì không dám cãi, chỉ len lén nhìn trộm anh. Bắt gặp ánh mắt nghiêm khắc của chồng tôi, nó mới lí nhí nói ra hai chữ: – Xin lỗi. Anh lập tức chấn chỉnh: – Xin lỗi cho đàng hoàng. Thằng nhóc Su Su bình thường ngỗ ngược như thế mà giờ nghe anh quát cũng sợ đến giật bắn cả mình, cả người co rúm, cuống cuồng nói với tôi: – Su Su xin lỗi mợ. Lần sau Su Su không dám nữa. Su Su xin lỗi mợ Quỳnh Chi ạ. Tôi không chấp đứa trẻ con, nhưng nó làm sai có mẹ dung túng như vậy thì có bị ép buộc xin lỗi cũng chẳng nghĩa lý gì. Thành thấy tôi không nói mới khẽ nhíu mày: – Vào trong nhà úp mặt vào tường 2 tiếng, tự kiểm điểm đi, lúc nào biết sai ở đâu thì ra nhận lỗi tiếp. Chị chồng tôi xót con nên ngay lập tức kháng nghị: – Thành, Su Su nó còn nhỏ. Nó không cố ý, nó xin lỗi là được rồi, em đừng phạt Su Su nữa. – Chị cũng không định xin lỗi à? – À thì… Chị ta ậm ừ vài giây, sau đó cũng không chịu nổi ánh mắt sắc lạnh của em trai mình nên phải miễn cưỡng nói: – Xin lỗi. Hai mắt tôi ráo hoảnh nhìn chị ta: – Vì chuyện gì? Chị ta nghiến răng: – Vì đã để Su Su tự tiện lục lọi đồ của mợ. Về sau tôi sẽ dạy dỗ nó cẩn thận, lần này mong mợ bỏ qua cho nó. Mặc dù những lời này không thể xoa dịu được tôi, vả lại cũng như anh nói, chị ta có xin lỗi trăm nghìn lần cũng không thể trả lại kỷ vật nguyên vẹn cho tôi được. Nhưng tôi không muốn chấp nhặt nữa, cứ coi như bị c.h.ó cắn một lần đi cho xong. Cuối cùng, tôi chỉ nói: – Tôi sẽ bỏ qua, nhưng đây là lần cuối cùng. Nếu còn lần sau nữa, chắc chắn sẽ không chỉ xin lỗi thế này là xong đâu. Chị chồng thấy tôi không giả vờ nhẫn nhịn mà đe dọa chị ta ngay trước mặt Thành như thế thì nhảy dựng lên, quay sang bảo anh: – Đấy, chị đã xin lỗi rồi mà vợ em vẫn dọa chị kia kìa. Em xem xem. Vợ em cũng ghê gớm chứ không vừa đâu. Chị thấy có khi cô ta cố tình tỏ vẻ nghiêm trọng để em hiểu lầm chị với Su Su, mục đích là chia rẽ gia đình mình ấy. Thành có vẻ cũng đau đầu vì chuyện chị chồng em dâu cãi nhau thế này nên không muốn tiếp tục nữa, anh ngán ngẩm đáp: – Lần này cô ấy bỏ qua cho chị, lần sau em có giúp chị như hôm nay cũng không được đâu. Mà với cả nếu chị có thời gian rảnh thì đến gian hàng triển lãm phụ bố đi, mấy hôm em thấy bố cứ bảo muốn tìm người đấy. Không được ai bênh, chị ta đang từ bắt nạt chửi bới tôi tự nhiên thất thế, cuối cùng không nói gì nữa, xấu hổ kéo tay hai đứa con đi vào trong nhà. Khi chỉ còn hai chúng tôi ở ngoài sân, tôi cũng không có tâm trạng nói chuyện với anh nên chỉ nhìn một cái rồi lẳng lặng quay người đi lên phòng. Vào lúc này, tôi cảm thấy không có gì quan trọng với tôi ngoài kỷ vật cả, tôi muốn lau sạch lại ảnh như cũ, sửa lại dây chuyền của bà nội tôi, nhưng chắc vì tôi vô dụng quá nên mãi vẫn không làm được. Tôi quỳ xuống sàn nhà, lần mò nhặt từng viên kim cương nhỏ bị rơi ra rồi cố gắn vào dây chuyền nhưng cứ đính vào lại rơi ra, cứ đính vào lại rơi ra, tôi nắm chặt trong lòng bàn tay rồi nhưng cứ có cảm giác không sao giữ được, tựa như tấm di ảnh cũ đã hỏng của bố mẹ tôi vậy. Bỗng dưng, có một bóng người ngồi xổm ngay trước mắt tôi. Anh rất cao, khi ngồi xuống cơ thể cũng vẫn rất cao lớn, có thể chắn được toàn bộ ánh chiều tà đang chiếu đầy lên tóc tôi. Thành cẩn thận nhặt những viên kim cương nhỏ vương vãi dưới đất, nhặt cả những viên kẹo socola đến chiếc bánh quy rồi cất gọn gàng vào trong hộp. Suốt cả quá trình anh chẳng nói gì cả, chỉ im lặng nhặt thôi, đến khi xong xuôi rồi, anh mới lại gần, nhẹ nhàng cầm lấy sợi dây chuyền chẳng còn ra hình thù gì trên tay tôi. Anh nói: – Quỳnh Chi. Không sao rồi. Tôi vô hồn nhìn từng hạt kim cương, đáp một cách máy móc: – Có sửa được nữa không? Hỏng thế này chắc không sửa được nữa rồi nhỉ? Hay là xếp gọn lại rồi bỏ vào trong hộp, khi nào có thời gian lôi ra ngắm cũng được. Dù sao cũng không dùng nữa, để vào hộp để ngắm thôi. – Tôi hứa với em, tôi sẽ sửa được cho em như cũ. Quỳnh Chi, đừng khóc. Lúc này, tôi mới phát hiện ra mình đã rơi nước mắt từ khi nào. Mà một khi đã bị phát hiện, tôi không thể tiếp tục giả vờ được nữa, sự nhẫn nhịn cùng uất ức như bị đứt tung, tôi ngước lên nhìn anh, òa khóc như một đứa trẻ: – Dây chuyền đó là của ông nội tặng bà nội, ông nói bây giờ bà mất rồi, dây chuyền mang cho em. Dặn em giữ cẩn thận. Nhưng tại em hậu đậu, làm cái gì cũng không nên hồn. Có người nào đó lặng lẽ hít vào một hơi, sau đó chầm chậm vươn tay đến ôm lấy tôi vào lòng. Lồng ngực anh vô cùng ấm nóng, nhưng lời nói lại nặng trĩu nhiều ưu tư: – Không phải tại em, là vì tôi không tốt. Tôi không quan tâm em. Lỗi tại tôi. Nghe anh nhận lỗi về mình như thế tôi càng khóc tợn, lúc nãy thì khóc vì ức, nhưng bây giờ lại khóc vì tủi thân và cảm động. Hôm nay anh không những bênh vực “người ngoài” như tôi mà còn hứa sửa đồ cho tôi và ôm tôi thế này, tôi cảm động không chịu được. Muốn nói cảm ơn nhưng cứ mở miệng ra là òa lên khóc, cuối cùng, anh phải tự tay lau nước mắt dỗ tôi: – Được rồi, nín đi. Tối nay tôi đưa em ra ngoài ăn cơm. Em muốn ăn gì tôi đưa em đi ăn. Đúng là chỉ có anh hiểu tôi, mỗi lần nghe đến ăn, hai mắt tôi sáng lên ngay tức thì. Nhưng cứ nghĩ đến đống đồ bị hỏng tôi lại buồn, với cả còn phải ở nhà cơm nước cho bố mẹ chồng nên tôi đành tiu nghỉu bảo: – Thôi, ở nhà nấu cơm ăn cũng được mà. Không cần đưa em đi ăn đâu. – Tối nay bố mẹ đi gặp khách hàng không về, mình tôi với em ở nhà, không cần nấu cơm. – Thật ạ? – Ừ. Anh hơi buồn cười, kéo tay tôi đứng dậy: – Đi rửa mặt thay đồ đi rồi đi ăn. Thấy anh cười mình, tự nhiên tôi đang từ khóc lóc sụt sùi chuyển sang xấu hổ. Muốn đi rồi nhưng nghĩ đi nghĩ lại, lại ngoái đầu hỏi anh: – Trông em kinh dị lắm à? – Hơi hơi. Không rửa mặt là ra con mèo ngao bây giờ. Mau dậy đi. Tôi gật đầu, chạy biến vào trong nhà tắm, lúc soi gương mới thấy không phải tôi hơi hơi giống mèo ngao đâu, mà là giống y hệt, nước mắt nước mũi tèm lem, hai mắt sưng húp như hai quả mận, trông vừa thảm vừa bẩn, kinh dị vô cùng. Sợ anh chê mình nên tôi ra sức tát nước rửa mặt, tắm rửa xong xuôi còn trang điểm thật đẹp, mặc một bộ váy xinh nhất của tôi rồi mới cùng anh ra khỏi nhà. Lúc ấy chị chồng cùng mấy đứa cháu đã về rồi, chỉ có mỗi cô giúp việc đang quét lá cây trong sân. Khi chúng tôi đi ngang qua, anh còn dặn dò cô ấy nếu bố mẹ về thì cứ nói chúng tôi ra ngoài ăn cơm rồi, sau đó mới lái xe đưa tôi đến một tiệm cháo hến ở cách nhà chúng tôi hơn 10km. Đây là nơi mà hồi còn nhỏ, mỗi lần khó chịu chuyện gì tôi vẫn thường hay chạy đến. Kỷ niệm rõ nhất mà tôi nhớ ở đây chính là có một lần bị mấy thằng nhóc nghịch ngợm trong lớp bắt nạt, tôi đánh không lại nên khóc bù lu bù loa một trận, kết quả là Thành phải chạy đến, không những cho lũ con trai kia một trận mà còn dắt tôi đi ăn cháo quẩy để dỗ dành tôi. Nhiều năm rồi, từ khi tôi đi du học thì không tới đây nữa, nhưng có lẽ vì ngày xưa đến nhiều quá nên cô bán hàng vẫn nhận ra: – Thành với Quỳnh Chi đến đấy à? Ôi, lâu quá rồi nhỉ? Lâu rồi sao không thấy hai đứa đến? – Cháu đi du học mới về cô ạ. Mãi mới tốt nghiệp được nên giờ mới về ăn cháo của cô đây này. Cô đã dọn hàng rồi ạ? – Đang dọn đồ thôi, nhưng vẫn còn cháo. Hai đứa vào ngồi đi, cô lấy cháo cho. – Vâng ạ. Chúng tôi chọn một bàn ở tít trong góc, ngồi im lặng chờ đợi. Thời điểm này đã gần 25/12, không khí của Noel rộn ràng khắp mọi nơi, ở chỗ chúng tôi đang ngồi có một cây thông nhỏ bằng đèn led, ánh sáng nhẹ nhàng soi lên nửa sườn mặt nghiêng nghiêng của anh, tự nhiên tôi lại có cảm giác chàng thiếu niên năm xưa chạy theo tôi tới đây vẫn y hệt như thế, vẫn dịu dàng ở bên tôi, chăm sóc tôi, chưa từng thay đổi. Cảm nhận được ánh mắt của tôi, anh mới nhìn sang: – Sao thế? – Mùi cháo vẫn thơm như ngày trước anh nhỉ? – Ừ. Cùng là một người nấu, hương vị chắc sẽ không thay đổi. – Vâng. Tôi mỉm cười, nhìn tô cháo nóng cùng với một đĩa quẩy được cắt mang ra, dù chưa nếm thử nhưng chắc hẳn hương vị sẽ vẫn thế, giống như anh, vĩnh viễn che chở cho tôi như một người anh trai bảo vệ em gái. Tôi hiểu rõ bản thân mình sẽ không cưỡng cầu được, cũng không muốn mất đi chút tình cảm quý giá này nên sau rất nhiều năm thầm lặng yêu anh, đến khi kết hôn tôi cũng chấp nhận sự thật này. Lúc nếm thìa cháo đầu tiên, tôi nói: – Cảm ơn anh. Anh hơi hé miệng, có lẽ định bảo tôi “không cần nói những lời khách sáo như thế”, nhưng tôi không đợi anh nói đã cướp lời trước: – Vì bữa cháo này này. Đúng thứ em thích. Chẳng khác ngày xưa tý nào, ngon ơi là ngon. Ánh mắt anh bất chợt trở nên sâu thẳm, anh yên lặng nhìn tôi, rất lâu rất lâu sau đó mới nặng nề thở ra một tiếng. Anh múc rất nhiều quẩy bỏ vào bát tôi, khẽ nói: – Ngon thì ăn nhiều vào. – Vâng. Tối hôm đó, bởi vì được ăn tận hai tô cháo quẩy mà lòng tôi nhẹ nhàng hơn rất nhiều, lúc trèo lên giường chỉ buồn thêm một chút thôi, nhưng khi nghe được nhịp thở đều đều của anh dưới thảm, tôi cũng vứt sạch muộn phiền rồi chìm vào trong giấc ngủ. Mỗi tội, ngày hôm sau sáng dậy thì lại được mẹ chồng hỏi tội ngay tức thì. Vừa thấy mặt tôi đi xuống, bà đã nói mát: – Tôi mới đi vắng có một hôm mà ở nhà gà đã mọc đuôi tôm rồi à? Tôi hiểu ý bà muốn nói đến chuyện tôi bắt chị chồng xin lỗi hôm qua nhưng vẫn giả ngu hỏi: – Là sao hả mẹ? – Thôi, cô đừng giả vờ giả vịt, tôi nghe nói rồi. Thằng Su Su nó nghịch đồ của cô rồi cô làm um lên, hết mách thằng Thành rồi đòi mang mẹ con nó ra công an chứ gì. – À… Biết ngay khi vào miệng chị chồng thì câu chuyện sẽ từ trắng thành đen mà, tôi không bất ngờ, chỉ bình tĩnh hỏi ngược lại: – Mẹ, nếu con vào phòng mẹ, bẻ khóa hộp đồ trang sức của mẹ rồi lấy toàn bộ đồ trong đó mang đi ném khắp mọi nơi, mẹ sẽ thế nào? Mẹ chồng tôi có vẻ cũng hơi đuối lý nên cau mày suy nghĩ mất một lúc, lát sau mới nói: – Sao cô lại so sánh cô với một đứa con nít. Su Su nó là trẻ con, nó hành động không suy nghĩ, nhưng cô là người lớn, cô có suy nghĩ thì phải hành động khác chứ? – Vâng, đúng thế mẹ ạ. Con chưa bao giờ trách Su Su hay bảo nó xin lỗi. Con chỉ bảo chị Thúy xin lỗi con, Su Su nó là trẻ con nên hành động không suy nghĩ, nhưng chị Thúy là mẹ nó, chị ấy thấy con mình lục đồ của con, thậm chí biết Su Su dẫm và đổ nước lên di ảnh của bố mẹ con nhưng lại không ngăn cản nó. Chị ấy có suy nghĩ thì lẽ ra hành động phải khác, đúng không mẹ? – Cô nói gì? Su Su làm gì cơ? Tôi mỉm cười, không muốn nhắc lại những chuyện làm mình đau lòng nên chỉ bảo: – Qua rồi mẹ ạ. Anh Thành nói sẽ tìm cách phục hồi ảnh, không biết có được không, nhưng con mong là sẽ được. Nếu không được, con sẽ tìm người vẽ lại sau ạ. Có lẽ mẹ chồng không nghĩ tôi sẽ nói chuyện một cách ngắn gọn và không thêm bớt đổ tội cho chị chồng như vậy, nên mới kinh ngạc nhìn tôi. Bà nhìn nhìn một hồi, chắc cũng hiểu chuyện dẫm và đổ nước vào di ảnh của người quá cố là không thể tha thứ được nên bảo: – Thế… thằng Thành nói sẽ tìm chỗ phục hồi ảnh à? – Vâng. – Ừ. Thế thì bảo nó tìm chỗ tốt tốt vào. Nếu không được, tôi sẽ tìm người vẽ lại cho cô. Bà hắng giọng, hơi mất tự nhiên quay đi chỗ khác: – Con tôi, cháu tôi làm sai, tôi cũng nên có trách nhiệm. – Không cần đâu mẹ ạ. Chị Thúy đã xin lỗi rồi, anh Thành cũng phạt Su Su rồi. – Cứ biết thế đi. Thôi, lại đây chuẩn bị cơm nước cho bố con nó ăn rồi đi làm. – Vâng ạ. Sau hôm đó, tôi không thấy chị chồng dẫn theo hai đứa con đến nữa, mà không có bọn họ thì nhà cửa đúng là yên bình hẳn, không có ai chọc phá tôi, mẹ chồng cũng đỡ cay nghiệt khó chịu. Mỗi tội, thời điểm cuối năm nên công ty nào cũng bận, tôi đã bù đầu bù óc rồi mà Thành còn bận hơn gấp trăm lần. Trời còn chưa sáng thì anh đã ra khỏi nhà, khi trở về cũng đã quá nửa đêm. Mẹ chồng tôi xót con trai nhưng không làm gì được, thế là lại càm ràm tôi: – Cô phải xem thế nào đi chứ, thằng Thành đi tiếp khách không ăn gì, chỉ uống mỗi rượu, thì tối nó về cô cũng phải chuẩn bị đồ ăn cho nó ăn chứ. Nó gầy sọp cả người đi rồi, đến lúc nó đau dạ dày thì cô có chịu trách nhiệm được không? – Tối nào anh ấy về cũng say rồi, con bảo làm đồ ăn nhưng anh ấy không ăn mẹ ạ. Anh ấy nói mệt, chỉ muốn ngủ thôi. – Thế thì c.hế.t. Mẹ chồng tôi rát ruột nên cứ xuýt xoa mãi, còn bảo: – Nó không chịu ăn thì cô bắt nó ăn, hoặc mua thuốc bổ gì cho nó uống. Tôi nấu đồ bổ nó không chịu, cô là vợ thì phải khác chứ. Cô ép được nó ăn chứ tôi làm sao ép được. Con tôi nó lăn ra làm việc vì công ty nhà cô đấy, cô tự biết đấy mà sống sao cho xứng với nó. – Vâng, con biết rồi. Để tối nay con nấu cho anh ấy. – Chăm chồng cho tốt, có sức khỏe thì mới đẻ con ra khỏe mạnh được. Sau hơn 4 tháng đến đây ở, lần đầu tiên mẹ chồng nhắc đến chuyện con cái khiến tôi hơi ngạc nhiên. Tôi cứ nghĩ gia đình chồng ghét tôi nên mới không giục chuyện mang thai, nhưng giờ bà tự nhiên bảo đẻ con nên tôi thấy lạ. Mẹ chồng thấy tôi không đáp lại thở dài: – Thằng Thành cũng lớn tuổi rồi, biết là nó bận, nhưng cũng phải cố mà kiếm lấy đứa con. Đẻ con trước 35 tuổi là tốt nhất. Giờ vô sinh hiếm muộn đầy ra đấy, tôi không biết vợ chồng cô định kế hoạch hay thế nào, nhưng mà tôi với bố chồng cô không chờ được đâu, đẻ thì đẻ đi. – À… vâng. Con biết rồi ạ. Để tối nay con về bàn với anh Thành ạ. – Bàn gì mà bàn, đẻ hay không là do cô quyết định, nó đàn ông thì nó biết cái gì. Nhắc đến mấy chuyện tế nhị này là tôi thấy nóng hết cả tai, bọn tôi cưới nhau đến bây giờ đã chạm vào nhau lần nào đâu mà đòi có con. Nhưng chuyện này không thể để mẹ chồng biết được nên tôi chỉ đành gật đầu: – Vâng, con biết rồi ạ. Nói là nói thế chứ đến tối là tôi quên luôn, trèo lên giường là lăn ra ngủ như c.hó con say sữa, cũng chẳng biết Thành về lúc nào, chỉ biết đến 2h sáng thì tự nhiên tôi mơ ác mộng nên giật mình tỉnh giấc, theo thói quen lại nhìn về phía thảm anh nằm. May sao bóng lưng anh vẫn yên lặng ở đó, vẫn vững chãi và rộng lớn như thế, nhưng tôi nhìn một hồi mới phát hiện ra có gì đó sai sai. Hình như Thành khó chịu ở đâu đó nên cả người co quắp như con tôm, bờ vai không ngừng run rẩy. Sợ anh có chuyện gì nên tôi vội vàng lật chăn chạy xuống, không dám chạm vào anh, chỉ ngồi xổm bên cạnh khẽ gọi: – Anh ơi… Anh không đáp, nhưng nhìn gần mới thấy cơ thể anh đúng là đang run lên từng chập. Tôi gọi ba tiếng không được mới dám khẽ lay anh, có điều, tay vừa chạm đến đã bị nóng đến mức suýt nữa rụt lại. Tôi buột miệng nói: – Anh sốt à? Anh ơi. Anh sao thế? Lúc này, anh mới mệt mỏi mở mắt nhìn tôi, nhưng có lẽ vì sốt cao quá nên tinh thần không tỉnh táo. Giọng anh khàn khàn: – Quỳnh Chi. – Anh làm sao thế? Em lấy thuốc hạ sốt cho anh nhé? Anh đau ở chỗ nào? – Quỳnh Chi, anh lạnh. – Hả? Tôi ngẩn ra mấy giây mới chợt hiểu ra là người ốm sẽ lạnh, mà để anh nằm dưới thảm thế này có khi còn nặng hơn. Thành mà làm sao thì mẹ chồng sẽ g.i.ết. tôi, thế nên sau một hồi bảo anh tự lên giường nằm nhưng không ăn thua, tôi đành vừa lôi vừa kéo anh lên giường. Mỗi tội, anh cao hơn tôi hẳn một cái đầu, lại nặng, tôi chật vật mãi mới lôi lên được, lúc vừa buông tay xuống là cả người tôi cũng đổ nhào xuống người anh luôn. Cơ thể anh nóng ran như lửa, cách hai lớp quần áo vẫn truyền nhiệt sang người tôi. Hình như anh rất lạnh nên đột nhiên thấy tôi đè lên, anh lập tức quờ quạng ôm chặt tôi trong lòng, tham lam lưu luyến hơi ấm từ cơ thể tôi. Tôi giãy giụa van nài: – Bỏ em ra, em đi lấy thuốc cho anh uống. – … – Thành, uống thuốc xong là đỡ thôi. Ngoan, bỏ em ra, em đi lấy thuốc, uống rồi ngủ được không? Mặc tôi nói gì, anh vẫn cứ ôm chặt tôi như vậy. Anh lạnh, người cứ run mãi, cuối cùng tôi vùng vẫy mãi không được cũng không nỡ dậy nữa, đành ôm chặt lấy bờ vai rộng lớn của anh, nằm lên ngực anh, cố bao bọc anh trong vòng tay của mình. Tôi học theo cách dỗ dành của anh, vừa vỗ vai anh vừa thì thầm: – Được rồi, được rồi. Ngoan nào, ngủ đi. Ngủ một giấc là khỏe thôi.