Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 40: Kế Hoạch Mắm Tôm



Ở cái xứ đồng ruộng này tắt lửa tối đèn có nhau, nói vui là có ăn gì ngon hàng xóm cũng biết, muốn giấu chả được, đây chính là tiền đề đỉnh cao để sau này người ta phát triển thành các camera thôn, xóm.

Mắm tôm có mùi thì ai cũng biết, nhất là cái loại đậm đặc gần như kiểu nguyên chất thì mùi hẳn là còn "dịu nhẹ" và bền bỉ gấp vạn lần cái chai nước hoa gì đấy của Pháp. Tôi tính rồi, phải mua mắm tôm ở nơi khác, chứ đi xin ở trong làng người ta sẽ hỏi xin về làm gì, nhiều hay ít... như thế thì phải khai ra, nói dối dễ lộ, nếu bà Già biết được tôi xin mắm tôm nhất định sẽ tra hỏi cặn kẽ, vậy nên tôi quyết định đi mua mắm tôm ở bên chợ xã, ở đấy mặt tôi lạ, người ta sẽ chả bao giờ biết, mà bán hàng nên họ cũng sẽ không hỏi lý do khách mua về làm gì, mua về thì chỉ để ăn thôi chứ làm gì nữa.

Tôi mua một cái chai thủy tinh màu trắng, có lẽ là vỏ chai rượu Vodka Hà Nội, nhìn giống như vậy, nó hình tròn, hay dùng để đựng rượu, tôi mua ở cửa hàng bán đồ sành sứ gần chợ, một cái chai có nắp đàng hoàng. Tính ra ban đầu tôi định mua chai nhựa, một số quán người ta đóng chai nhựa mắm tôm nhỏ nhưng tôi cho là chai thủy tinh sẽ bền hơn, chỗ đấy có thể có rắn rết, cá... Chai thủy tinh lại nặng và dày, sẽ an toàn hơn.

Một chai mắm tôm đầy ứ được tôi treo vào xe rồi đạp về, trời ban trưa không có nắng, cũng chả ai chú ý nhưng về gần đến làng thì tôi cho vào cặp, phải thật cẩn thận nhỡ đâu ma nó thấy. Chai mắm tôm được tôi giấu phía sau vườn, dúi vào mấy bụi dứa dại sát mép bờ ao không cho bà Già biết.

Chiều hôm ấy, tôi đạp xe lượn lờ ra cầu Đình, dừng ngay trên cầu, gần một cái cây, một chân đạp lên lan can làm chỗ dựa để quan sát địa thế một hồi nhưng không tìm được chỗ nào để đổ mắm tôm, cũng phải xem cả hướng gió nữa. Mùa này gió Đông Bắc thổi thì nếu có mùi hẳn là sẽ bay theo hướng Tây Nam, phía hướng ấy có mấy căn nhà cũng của người làng ở, men theo đường Quốc lộ.

Nghĩ một hồi, tôi đạp xe chầm chậm qua khúc cua, đạp đi qua một đoạn nữa, phía bên trái đường là nhà tang lễ, trong đó để cái xe tang bằng sắt, một đoạn nữa thì tới gốc cây đa cổ thụ, tôi rẽ vào rồi dựng xe ở gốc cây, nơi được quét vôi trắng và còn chỏng chơ mấy cái bình đựng vôi ăn trầu các cụ vứt ở đây. Từ gốc đa này nếu đi thẳng thêm chừng hơn ba trăm mét sẽ tới cái cây ở cổng nghĩa địa Cầu Khoai. Tôi lặng lẽ trèo lên cây đa, việc ở xứ đồng rừng giúp tôi có kinh nghiệm rằng muốn quan sát tốt thì cần có vị trí cao, càng cao càng tốt, thậm chí trong việc đánh nhau thì chiếm vị trí cao cũng có lợi thế, cái này học trong lịch sử Điện Biên Phủ rồi, không có gì là sáng kiến, tôi đã áp dụng vào những trận chiến của trẻ con sau này, rất hữu ích. Cây đa này rất cao, gốc to, tôi không biết có từ khi nào, khoảng cuối năm học trước tôi thấy có quả nhưng vì đi Hà Nội nên tôi chưa có dịp ăn thử.

Đứng từ trên cao, tôi có thể thấp thoáng thấy cầu Đình, hơi bị che khuất bởi mấy ngọn tre ngả ra con mương, chỗ đoạn khúc cua. Tôi nhìn thấy nóc ngôi đình ở chếch hướng bên trái khoảng góc mười giờ, vậy là nhà bà ngoại thằng R9 cũng khuất đâu đó sau rặng tre xanh ngát kia.

- Ừ nhỉ, nhà bà thằng Ronaldo, thế mà không nghĩ ra.

Tôi tụt xuống rất nhanh, thấp bé còi cọc cũng có cái lợi thế riêng của thấp bé còi cọc. Bây giờ, thi thoảng khi lái xe, các chị “Ninja Lead” đầu trùm khăn xe hai gương nhưng không biết nhìn cứ rẽ dọc ngang theo sở thích, ép tôi phải phanh dúi dụi, tôi hay nói với vợ.

- Yên tâm, anh thấp bé nhẹ cân nên thời gian truyền tín hiệu từ não xuống chân nhanh hơn nên không sao.

Tôi nói linh tinh thế nhiều lần, vợ tôi tưởng thật, tôi cũng cho là thật vì lính Mỹ to cao như vậy rất là ngại cận chiến với bộ đội Việt Nam đó thôi.
Trở về nhà ăn cơm tối xong, nằm trên giường tôi nghĩ đến việc sẽ làm cách nào đó để treo cái chai mắm tôm vào một cây tre trong bụi hoặc một cái cây nào đó nằm ở mép con mương, phải thật khéo léo và nhất định phải làm vào buổi trưa, và vào buổi trưa lúc khoảng "giờ Ngọ ba khắc" là tốt nhất.

- Tại sao phải là cái lúc ấy? Trưa nắng lắm ạ!

Tôi đã hỏi chị Ma như vậy.

- Đấy là lúc "dương khí" mạnh, làm giờ đó không ai thấy!

- Ơ thế ba khắc là lúc nào chị ơi?

- Có thế mà cũng không biết nữa, một ngày có bách khắc, em phải tự tính chứ, sao em lại không biết tính giờ?

Tôi đã lấy giấy bút ra làm phép tính, tôi quy đổi hai mươi bốn giờ ra thành khoảng một nghìn bốn trăm bốn mươi phút, sau đó chia cho một trăm. Tính đi tính lại không làm tròn được nên tôi ước lượng đó khoảng mười hai giờ kém mười sáu phút, khoảng đó là được.

- Thời nay người ta dùng đồng hồ chị ơi!

Tôi vừa ngồi tính toán vừa lẩm bẩm một mình. Sau này tôi chú ý thấy trên phim Tàu, mấy cảnh chém đầu toàn vào ban ngày lúc mặt trời lên cao, chắc có lí do nào đó, có lẽ mục đích chính là chờ đợi "dương khí" mạnh để át đi phần "âm khí" do người chết mang lại. Nhưng trong lịch sử tôi đọc thì thấy quân Pháp thường xử bắn đối phương lúc bình minh, sau này Việt Nam mình xử tử tù cũng vậy.

Buổi trưa thì chỉ có Chủ nhật được nghỉ học nên tôi cũng có thời gian chuẩn bị nào là dây nilon loại màu xanh đỏ, rồi chơi sang mua hẳn một cái túi vải mới loại nhỏ màu nâu, tôi không nhớ rõ lắm, mua túi vải về tôi phải tìm cách làm cho nó cũ đi, bùn thì không thiếu, ngâm trong bùn một ngày là bẩn lắm rồi. Thật ra mọi việc có thể dễ hơn nếu tôi biết bơi, nếu biết bơi chỉ cần đi ra đường cái, bơi qua con mương rộng chừng năm mét là tới gần bụi tre rồi, tìm chỗ treo vào đó là xong.

Sáng Chủ nhật tôi dậy sớm như đi học, ăn xôi mà bà Già để sẵn trên bàn xong xuôi thì tôi đi lấy “đồ chơi” của mình, bọc thêm một cái túi nilon cho chắc, sau đó cho vào cặp sách rỗng chỉ có vài ba quyển truyện, đạp xe đi chơi. Dĩ nhiên là xuống nhà R9, thằng này tính dễ bị dụ, rủ đi đâu là hay ừ, kiểu như tính nửa ham vui, nửa ba phải.

- Đi chơi không?

Tôi cất tiếng hỏi nó khi vừa đạp xe vào đến sân.

- Đi đâu?

- Tao cũng chưa nghĩ ra, ở nhà chán quá, quên hôm nay cứ tưởng phải đi học.

- Tao ăn bát cơm rang đã, mới dậy chưa ăn.

- Thế mày đi sau nhá, tao ra quán nước ở cầu Đình đợi, không thì ra ngồi uống nước cũng được, tao mới mua được quyển Bảy viên ngọc rồng tập mới ra hôm thứ Sáu đây!

- Vậy chờ tao một tí!

Biết ngay thằng này cắn câu mà, kế hoạch của mình quá đỉnh cao, nó bỏ cả ăn sáng chở tôi ra quán nước đầu làng. Cái cảm giác vừa ăn kẹo, vừa có nước uống lại có truyện đọc tôi thấy thật thú vị, đến giờ tôi vẫn có cái thú vui tao nhã ấy, có gì đọc là phải có gì đó ăn vặt và nước ngọt nhấp môi như uống rượu, lớn lên may lấy được cô vợ hay chiều chồng, đồ ăn vặt lúc nào cũng có.

Khoảng mười một giờ rưỡi tôi kêu đau bụng, muốn đi vệ sinh gấp, nhờ R9 chở về bà ngoại nó gần đấy đi vệ sinh ké. Tôi trả tiền nước với kẹo (sau này toàn tôi trả, mấy chục năm luôn, tôi vẫn chửi nó là thằng ăn chực, đứa không có liêm sỉ... nhưng nó còn bị điếc nặng hơn tôi) rồi nó chở tôi về nhà bà ngoại nó, khi đứng lên tôi vẫn không quên mua thêm một gói kẹo vừng. Đến sân nhà bà nó, tôi chào hỏi rồi đưa cho bác ấy gói kẹo vừng, R9 thì thong thả vào nhà nằm thẳng cẳng trên tràng kỷ đọc truyện tiếp.

- Thế hai cậu cháu đã ăn gì chưa?

- Bọn cháu ăn sáng muộn, chưa đói, bác cứ kệ bọn cháu.

Sau khi được chỉ, tôi cầm cặp đi ra nhà vệ sinh, được xây bằng gạch thô ráp như tổ ong màu sáng, tất nhiên tôi không đi vệ sinh rồi. Lặng lẽ luồn trong vườn cây mít, chanh, nhãn, vải thiều... sum suê, tôi đi sát ra bờ mương, đoạn này lũy tre mọc dày, thêm cả mấy bụi cây um tùm được trồng lên như bức tường ngăn khu vườn với con mương.

Nhìn kỹ thì thấy việc bò ra sát mép nước rất khó, lại bẩn quần áo nên tôi lấy dây nilon ra quấn mấy vòng thật chắc sau đó buộc vào miệng cái túi vải đã được đục nhiều lỗ và nhìn cũ kỹ đầy vết bùn bẩn, mở nắp chai mắm tôm ra, một mùi đặc trưng xộc lên làm tôi nhăn mũi. Tôi buộc thêm mấy vòng dây ngoài túi vải cho chắc chắn, tránh để cái chai nghiêng ngả đổ mắm tôm ra ngoài, sau đó từ từ thả dây để cái túi vải đựng chai mắm tôm rơi chầm chậm xuống mép nước, áng chừng chai đã chạm mặt nước thì tôi buộc đầu dây vào một gốc cây nhỏ trong bụi rậm. Công việc hoàn thành, tôi nhanh chóng luồn ngược lại, ra khỏi vườn cây và đi vào lại sân nhà.

- Mày có về luôn không H.?

- Thôi mày về đi, tí tao ăn cơm ở đây rồi chiều tao về, cho tao mượn mấy quyển này chiều tao trả luôn.

- Thế tao về trước đây!

Tôi không về ngay mà lại đánh xe ngược ra cầu Đình rồi đi vòng ra đường Quốc lộ, tôi muốn xem thành quả của mình. Đứng từ ngoài đường, cái túi vải màu nâu đen ấy bị lẫn trong đám bèo tây và cây cối lúp xúp nên phải nhìn kỹ mới có thể thấy mấy sợi dây nilon màu xanh đỏ kia được. Tôi thấy mãn nguyện, đạp xe về nhà mà tự cười một mình vì thành quả đã làm, quả này cái đám ma da ở đây sẽ căm tức mãi không thôi, chúng nó sẽ rủa sả tổ tông ba đời nhà tôi nhưng không sao, chúng nó chả thể biết tôi làm nên chửi chán mỏi mồm, khi nào có cách thì phải đuổi tiệt bọn này đi mới được.
Tết cũng đến gần rồi.

---
***

Quỷ là gì , quỷ là đồ chơi là vật buôn bán của ta mà thôi
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.