Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 356: Cướp trên đê



Chương 356: Cướp trên đê

Trở lại việc học hành của tôi, một việc mà theo tôi là nhàm chán. Tôi nghĩ rằng mình đang mất động lực để học hành một cách nghiêm túc bởi những dự định cũng như mong muốn của tôi đã không thành hiện thực. Phải nói thật rằng ngồi học trong một lớp mà cơ sở vật chất còn kém cả trường cấp 2 trước đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tôi cảm thấy chán nản. Bên cạnh đó, trong con mắt của những bạn học cùng trường thì những thành viên trong lớp B8 được xếp vào dạng cá biệt, học sinh mà, học dốt hoặc xếp vào lớp học dốt sẽ bị coi thường, điều này chẳng thể trách các bạn ấy được. Cũng giống như tôi hồi học cấp 2 vậy, trong con mắt của tôi thì những đứa học lớp D đều học kém và nghịch ngợm, tất nhiên không phải tất cả các bạn trong lớp đó đều như vậy nhưng sự thật là nhiều bạn nam nghịch hơn lớp của tôi thật.

Không chỉ riêng tôi mà một vài đứa khác trong lớp cũng có cảm giác tương tự, nhất là thằng Long Nghiện, nó cảm thấy tự ti khi học ở lớp bét nhất khối. Có lần tôi đã nói với nó:

-Thôi mày ạ, mình là thằng dốt trong những đứa giỏi và là thẳng giỏi trong những đứa dốt, nghĩ vậy cho lạc quan.

-Nhưng mày đéo hiểu đâu, ở xã tao bọn nó học hệ A nhiều, nó coi thường tao ra mặt.

-Mày nghĩ nhiều làm gì. Tao cũng là thằng hay nghĩ nhưng tao nghĩ theo kiểu khác. Đời học sinh bọn mình hơn thua điểm số nhưng sau này ra đời điểm số chắc gì đã đổi được nhiều tiền. Bố tao chỉ học hết lớp 7 đây nhưng nhân viên còn có người học hẳn Đại học Bách Khoa đấy.

-Ờ thì bố tao cũng chỉ học hết lớp 7.

-Nghĩ thoáng đi. Một là mình phải tận hưởng khoảng thời gian này, học được cái gì thì học, học không giỏi, điểm không cao được thì học thứ khác, biết thứ khác cũng tốt đấy.

-Đm mày nói chuyện cứ như ông cụ non.

-Đám bạn cấp 2 bảo tao già trước tuổi chắc là vì thế. Tao cũng chán nhưng tao sẽ nghĩ đến tương lai, học hết lớp 12 sẽ thi đại học.

-Thì sao?

-Mấy tháng trước tao thi tốt nghiệp điểm cũng cao nhưng bây giờ học ở lớp bét nhất trường, từ điều này tao nhận ra rằng thành công chỉ là tạm thời thôi. Nếu mình học ở lớp bết nhất khối nhưng mình đỗ đại học thì mày nghĩ sao? Mày có cười vào mặt những đứa bây giờ coi thường mày không?

-Bọn nó học giỏi kiểu gì chẳng đỗ đại học.

-Mày nói cũng đúng như chưa đủ. Mười đứa thi chỉ có chừng ba đứa đỗ, lớp mình bốn mươi đứa nếu bèo nhèo cũng phải có vài đứa đỗ chứ. Hệ A thì cũng vậy thôi, chẳng khác gì mình, có khi chúng nó còn áp lực hơn.

-Ờ. Lớp mình cũng có mấy đứa học khá còn tao với mày thì phọt phẹt, mới nửa học kỳ tao đã nhận ra rồi.

-Tao không quan tâm việc ấy, tao chỉ quan tâm đến tao muốn gì thôi. Mấy đứa học khá nhưng tao thấy bọn nó không có mục tiêu cụ thể, mục tiêu của tao là tập trung học Văn – Sử - Anh – Địa.

-Đm cái môn tiếng Anh học như cứt.

-Môn này dễ mà, mày tập trung học một vài môn mày thích đi, mình không giỏi toàn diện thì giỏi một vài thứ cũng tốt đấy.

Tiếng Anh là một môn học mới với hầu hết chúng tôi, tôi thuộc một số ít bạn được tiếp xúc với môn học này sớm, bản thân tôi cũng rất yêu thích vì sự mới lạ của những cái tên trong sách. Nói một cách đơn giản là khi chúng tôi vào lớp 10 thì tất cả đều cào bằng khi cùng bắt đầu học môn tiếng Anh, tôi học rất khá môn học này, nếu không nói là đứng nhất lớp trong ba năm liên tiếp. Ngay từ thời điểm này, tôi đã xác định mình sẽ thi vào một trường đại học nào đó bằng bốn môn học: Văn, Sử, Địa, Anh. Điều đáng tiếc nhất hoặc là định mệnh của riêng tôi, ấy là vào năm 2000 đột nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ khối G với ba môn thi Văn, Sử và tiếng Anh. Tôi bơ vơ mất một thời gian trước khi lấy thăng bằng trở lại để ôn tập môn Địa lý. Cuộc đời tôi cứ hay trớ trêu như vậy nhưng kinh nghiệm trước đó đã chỉ cho tôi biết rằng thay vì ngồi than trách cho sự “nhọ” của mình thì bắt buộc phải chấp nhận và lựa chọn một mục tiêu khác.

Vào một buổi chiều cuối tháng Mười, trên đường đi học về R9 nói với tôi nó muốn đi Hà Nội và muốn tôi đi cùng. Chắc Gạo lúc này đang học lớp 9, để rủ thằng này đạp xe đạp ra Hà Nội là điều bất khả thi nên R9 đã rủ tôi vì nó biết tôi đã từng lóc cóc đạp xe một mình ra Hà Nội vào những năm trước.

-Đi thì đi. – Tôi trả lời – Nhưng mày có việc gì ở ngoài ấy mà gấp thế? Cuối tuần này đi luôn à?

-Bố mẹ tao mới chuyển từ trong Nam ra Hà Nội, tao muốn ra thăm.

-Ơ! Bố mẹ mày ra ngoài này từ bao giờ sao tao không nghe nói gì nhỉ?

-Mới!

-Thế bố mẹ mày giờ ở đâu?

-Hôm qua bố mẹ tao gọi về bảo là đã thuê được nhà ở Định Công nên tao muốn cuối tuần này ra thăm.

-Mày nói với bố mẹ mày chưa?

R9 lắc đầu, nó im lặng đạp xe không nói gì thêm. Tôi cũng im lặng vì tôi chợt nhớ ra nó đã mấy năm không gặp bố mẹ nó, có lẽ là ba năm. Chỉ những đứa sống xa bố mẹ mới thực sự hiểu những đứa sống xa bố mẹ nghĩ gì mà thôi.

-Mày có địa chỉ chỗ bố mẹ mày thuê nhà chưa?

R9 lại lắc đầu. Thằng này lúc nào nó buồn tôi cũng chẳng thể biết được vì nó vốn là đứa ít nói.

-Nhưng tao nghĩ là... có thể tìm được.

-Mày muốn dành cho bố mẹ mày sự bất ngờ hay sao?

-Cũng không hẳn như thế. – R9 quay sang nhìn tôi nói – Đêm qua tao trằn trọc mãi, tao cũng muốn hỏi địa chỉ nhưng chẳng biết hỏi ai, bố mẹ tao làm gì có điện thoại.

-Mày không phải lo! – Tôi an ủi – Từ giờ đến cuối tuần nếu bố mẹ mày không gọi về thì mình vẫn cứ đi. Đường ở trong trong đầu tao và địa chỉ trên miệng mày.

-Tao cũng nghĩ như thế nên mới rủ mày.

-Ơ thế ra mày đã tính cả rồi à?

-Tính rồi. Nếu... nếu không tìm được chỗ bố mẹ tao thuê thì tao... tao ngủ ké ở nhà mày cũng được nhỉ, liệu có được không?

-Vô tư mà. – Tôi cười nhìn thằng bạn – Vậy ra mày đã có sẵn kế hoạch, sao mày không nói luôn từ lúc trưa?

-Tao còn băn khoăn, thứ nữa... thứ nữa tao cũng hết tiền rồi.

-Da mặt mày dày thế lại còn ngại. Tao còn. Chuyến này đi tao bao mày, sau này khi nào mày giàu có thì nhớ cho tao chân kẻ hầu là được.

Tôi không hỏi thêm R9 bất kỳ thông tin gì về chuyến đi. Chuyến đi Hà Nội lần này là chuyến đi đầu tiên của nó, tôi đoán rằng nó cũng có những cảm xúc giống như tôi mấy năm trước. Tôi khi ấy mới học lớp 7 còn tôi của bây giờ đã học lớp 10, việc đạp xe ra Hà Nội đối với tôi đã không còn cảm xúc gì nữa, thích thì đi, thi thoảng đổi gió vào cuối tuần cũng tốt. R9 cần một người có kinh nghiệm, đáng tin cậy, trong túi có tiền, nhà cũng ở Hà Nội... tôi đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn ấy. Chỉ có một điều tôi phải tính toán lại nhưng không nói với R9 ấy chính là thời gian khởi hành. Tôi không muốn nó có chút băn khoăn nào, hãy cứ để nó tận hưởng cảm giác chờ đợi gặp được bố mẹ nó sau mấy năm xa cách.

Cả hai chúng tôi đều học buổi chiều, tiết học cuối cùng của ngày thứ Bảy thường sẽ được nghỉ nên cả hai sẽ bắt đầu đi Hà Nội từ khoảng 4 giờ chiều. Tôi nhẩm tính với tốc độ đạp xe như mỗi ngày hai chúng tôi đi học, khoảng hai mươi lăm phút cho đoạn đường năm cây số, tính bình quân là cứ năm phút đi được một cây số, đạp không vội vã. Từ trường tôi đến nhà tôi chỉ còn ba mươi ba cây, theo toán học thì hai chúng tôi sẽ đến đích sau một trăm sáu mươi lăm phút đồng hồ. Nếu tính thêm cả thời gian như nghỉ uống nước, đi vệ sinh... thì chúng tôi sẽ đến đích đầu tiên là nhà tôi lúc 7 giờ tối. Tuy nhiên còn có một trở ngại khác đó là hiện tại đã cuối tháng Chín âm lịch, trời sẽ tối sớm hơn thường lệ, khoảng 6 giờ chiều đã nhọ mặt người.

Bà Già không lấy gì làm lạ đối với việc tôi đạp xe đi Hà Nội, dường như trong gia đình tôi, mọi người rất hiếm khi phải lo lắng mỗi khi tôi đi đâu đó xa, tôi nghĩ rằng sở dĩ có được điều này là bởi ai cũng nhận định tôi là một đứa tinh ranh, sẽ chẳng ai bắt tôi bán sang Tàu khi còn nhỏ hoặc có một cô nào đó mồi chài tôi khi tôi sắp già. Buổi trưa thứ Bảy đi học, R9 nói với tôi rằng nó muốn tạt qua nhà bác nó ở Gia Lâm, gần nhà máy Diêm Thống Nhất.

-Để làm gì? – Tôi hỏi.

-Tao nghĩ bác tao sẽ biết chỗ bố mẹ tao thuê. Bố mẹ tao ở trong kia ra kiểu gì cũng sẽ qua chỗ bác tao chơi, bởi thế...

-Hà Nội đúng là lớn thật nhưng tìm người làng mình có gì là khó đâu. Bọn mình có thể hỏi bố mẹ tao về khu ấy, làng mình chắc chắn có người làm ở khu Định Công mà.

-Nhưng như vậy tốn thời gian lắm.

-Chậc, mày muốn qua thăm bác mày chứ gì?

-Ừ thì...

-Thế thì nói rõ luôn đi, cứ lòng vòng. Đến nhà bác mày ăn tối luôn, ăn tối xong từ nhà bác mày thong thả đạp về nhà tao là được, hay mày tính ngủ lại?

-Tao tính ngủ lại ở nhà mày.

-Được. Cứ thống nhất như thế.

R9 có lẽ nôn nóng với chuyến đi nên tôi đã thấy nó thập thò bên cửa sổ lớp tôi lúc tiết học cuối cùng còn chưa kết thúc. Tôi không hiểu nó đã chuồn ra khỏi lớp bằng cách nào nhưng tôi thì không thể, mãi đến hơn bốn giờ tôi mới học xong, tiết sinh hoạt cuối cùng có cũng như không nên tôi dễ dàng chuồn về. Dù sao thầy Chung cũng chỉ ngồi lại khoảng năm phút, nếu không có vấn đề gì nổi cộm sau đó cũng ra về sớm mà thôi. Tôi nghĩ ở trường nào cũng như trường tôi cả.

Tôi và R9 mỗi thằng một xe, tôi đi xe địa hình nên đường dài rất tiện, nếu tôi đạp nhanh thì R9 sẽ phải cong mông trên chiếc mini Nhật màu đỏ đuổi theo tôi, chiếc mini này là phần thưởng của bố mẹ nó dành cho nó khi nó vào lớp 10. Còn chiếc xe đạp địa hình của tôi, tôi mua vì tôi thấy phù hợp, bố mẹ tôi chẳng thưởng cho tôi cái gì khi vào lớp 10, thậm chí kể cả khi tôi đỗ đại học làm rạng danh cho gia đình. Thật ra tôi cũng hờ hững với các phần thưởng là do tôi có thừa tiền để mua những phần thưởng đó thì tại sao tôi phải cố gắng hoặc đòi hỏi cơ chứ? Thứ tôi ao ước nhất là chiếc xe Dream II màu mận chín, ngoài ra không có thứ gì khác.

Đoạn đường từ cổng trường của chúng tôi đến chỗ nghỉ dừng chân, chính là quán nước mà tôi đã nghỉ chân trong lần đầu tiên đạp xe một mình ra Hà Nội. Tôi nhận ra rằng hai chúng tôi cùng đi, cứ đuổi lẫn nhau nên cảm giác đoạn đường gần hơn rất nhiều, mười hai ki – lô – mét chúng tôi đạp chỉ mất khoảng bốn mươi phút. Thời gian nghỉ xả hơi dự kiến là mười lăm phút sau đó chúng tôi sẽ rẽ phải ở ngã ba Sủi.

Nhà bác của R9 rất gần nhà máy Diêm Thống Nhất, bởi vậy từ ngã ba Sủi rẽ phải đi gần hai cây số thì lên đê sông Đuống, sau đó cứ men theo đường đê này là đến. R9 biết đường bởi vì nó đã vài lần từ nhà bác nó về quê cũng như ngược lại, tuy những lần trước đó nó đi bằng xe máy với người lớn nhưng theo mô tả của nó thì đường đê cũng gần. Chỉ đến khi đạp xe trên đê tôi mới phát hiện ra là không gần do đường đê không thẳng mà hay uốn lượn, theo tính toán của tôi có lẽ xa hơn so với đi theo hướng Quốc lộ 5 đến cầu Chui rồi rẽ phải về hướng cầu Đuống. Khi tôi lớn hơn, đã có xe máy riêng thì tôi đã thử đo bằng công – tơ – mét, tôi nhớ rằng đi đường đê vào nhà bác R9 xa hơn gần năm cây số. Tuy đường đê xa hơn nhưng có cái lợi là vắng, không phải lo xe cộ đông đúc, thậm chí còn thong dong ngắm cảnh làng mạc bên triền đê cũng thú vị.

Phải đi đường dài mới biết là chiếc mini Nhật màu đỏ của R9 không phù hợp, thấy nó phải đạp nhiều hơn nên khi lên được đê sông Đuống thì tôi đề nghị nó đổi xe. Tôi biết R9 không thích cái xe địa hình của tôi, tôi nghĩ bản thân mình là một thằng sống đơn giản, đôi khi hơi bảo thủ nhưng R9 thậm chí còn bảo thủ hơn tôi. Ban đầu nó không chịu đổi xe nhưng tôi nhất quyết nên nó cũng đành chịu, phải công nhận rằng tôi có thằng bạn tương đối chiều theo ý muốn của tôi, đôi khi ý muốn của tôi vô lý nó cũng chỉ làu bàu vài câu sau đó vẫn làm theo.

Đây là lần đầu tiên tôi đi xe của R9, một chiếc xe nhỏ nhắn, đạp rất nhẹ. Nói chung tôi cảm thấy rằng chiếc xe này thật sự phù hợp với vóc người nhỏ bé của tôi hơn là chiếc xe địa hình hầm hố. Cuộc đời ai mà biết được chữ ngờ khi chỉ một thời gian sau đó tôi... chiếm đoạt cái xe của R9 làm của riêng rồi đổi cho nó một cái mini của tàu màu xanh ngọc, đó là cái xe đạp tôi mua mới nhưng tôi bắt nó phải đổi chỉ vì tôi cảm thấy màu đỏ hợp với tôi hơn. Ai bảo nó hay bị tôi bắt nạt làm gì, chuyện vô lý như thế nhưng nó chẳng bao giờ phàn nàn lấy một câu. Tôi thay xe đạp như thay áo, xe máy cũng vậy. R9 thì ngược lại, nó có xu hướng trung thành với một cái xe cho đến khi xe ấy chẳng đi được nữa thì thôi. Nhưng đối với tôi, chiếc xe mini Nhật màu đỏ của R9 là một chiếc xe gắn với nhiều kỷ niệm, trong nhiều năm sau này thi thoảng nhắc chuyện cũ, nếu có nhắc tới cái xe màu đỏ kỷ niệm ấy R9 nói rất ngắn gọn:

-Mày là một thằng ngu, đáng ra mày nên đòi cái xe lại cho bố!

Thật sự thì tôi, R9 và cả Chắc Gạo mỗi khi có dịp lên lớp thì nhất định câu đầu tiên phải khẳng định mình khôn hơn hai thằng còn lại, dĩ nhiên cách đơn giản nhất chính là khẳng định bạn mình... ngu! Tôi cũng có nhiều lần ngu thật, tôi cũng chẳng hiểu tại sao, có đôi khi chính tôi cũng không thể hiểu tại sao mình lại ngu như thế. Khi con tim và lý trí đấu tranh, lý trí của tôi thường thua, tôi nghĩ thời trẻ phần lớn mọi người đều như thế cả.

Đoạn đường trước mặt chúng tôi xuất hiện hai người thanh niên khoảng mười tám tuổi, hai người này ngồi xổm trên bờ đê. Đường đê uốn lượn như một con rắn đang trườn, phía bên tay phải theo chiều di chuyển cao hơn bên trái nên tôi không thể nhìn được sông Đuống. Nhờ đường đê uốn lượn như vậy nên tôi nhìn thấy hai thanh niên từ rất xa, một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu, tôi lập tức thò tay vào túi quần bò lấy tiền ra nhét vào sau lưng, chỉ còn khoảng ba chục nghìn tiền lẻ mà chị chủ quán trả lại ban nãy. Trực giác của tôi không sai, khi hai chúng tôi đạp xe đến gần thì hai người thanh niên này đi bộ ra giữa đường chặn R9, tôi cũng dừng lại ngay bên cạnh.

-Hai thằng em đi đâu đấy?

Một người lên tiếng hỏi R9. R9 lắp bắp trả lời, tôi đoán là nó cũng đã biết có chuyện gì sắp xảy ra rồi.

-Bọn... bọn em sang nhà bác em chơi.

-Thế hả? Cho bọn anh đi nhờ với.

-Nhưng mà...

-Không sao, nhà anh cũng gần đây ý mà. Xe của mày không chở được thì thằng bạn anh đứng phía sau.

R9 quay sang nhìn tôi, tôi nhận ra mặt nó trắng bệch. Tôi chẳng biết mặt mình có trắng hay tím nhưng tim tôi cũng đập nhanh hơn.

-Các anh ấy đi nhờ thì tiện đường mình chở cũng được, có sao đâu mà.

Tôi nói với R9 với giọng cố tỏ ra bình thường, lúc này trời chưa tối hẳn nhưng đường vắng, lác đác có một vài xe đạp đi qua, đi lại, muốn thoát khỏi tình huống này thì phải tìm chỗ đông người hoặc có người lớn. R9 và tôi miễn cưỡng phải chở hai người thanh niên lạ mặt, người ngồi sau tôi chính là gã vừa nãy đã bắt chuyện với R9. Tôi vừa đạp xe vừa nghĩ ngợi, một điều làm tôi thắc mắc là nếu hai người này muốn trấn tiền của bọn tôi thì tại sao không làm luôn khi nãy mà lại đi nhờ xe, đường thì chỗ nào cũng vắng cả.

Hai người này đi nhờ khoảng một cây số - tôi áng chừng như vậy – thì tôi cảm nhận rõ có một vật sắc lạnh dí vào mạng sườn bên phải của tôi, ngay sau đó là giọng nói của người thanh niên:

-Dừng lại!

R9 đi trước tôi khoảng một mét cũng dừng lại ngay sau đó, diễn biến tiếp theo đúng như tôi nghĩ, hai chúng tôi bị cướp thật.

-Hai đứa mày có bao nhiêu thì nôn hết ra đây, đừng để anh phải ra tay.

Đừng nói là tôi không sợ khi nhìn thấy con dao găm, tuy nhiên tôi diễn hơi quá đà, chỉ thiếu điều quỳ gối xuống đê hoặc đái ra quần nữa thôi thì tôi sẽ trở thành một diễn viên chuyên nghiệp, không, còn hơn cả diễn viên chuyên nghiệp ấy chứ. Mặt tôi mếu máo, nước mắt trào ra, tay run run móc túi quần những tờ Năm nghìn, Hai nghìn...

-Các anh ơi, bọn... bọn em là học sinh nên không có tiền ạ. Em... em chỉ còn từng này.

-Tao biết chúng mày là học sinh nhưng có bao nhiêu đưa hết ra đây.

-Vâng! Anh... anh tha cho bọn em ạ.
Tôi nghĩ rằng điệu bộ hèn mọn và đáng thương của hai chúng tôi phần nào đã làm hai thanh niên kia mủi lòng – tôi nghĩ trong đầu như thế - Đến khi hai người này chạy xuống triền đê và biến mất sau vài ngôi nhà phía dưới thì hai chúng tôi mới thở phào.

-Đm hai thằng này chó cậy gần nhà rồi, bọn nó người làng này.

Tôi bực dọc nói ra miệng, R9 vẫn chưa hoàn hồn lắp bắp hỏi tôi:

-Sao... sao mày biết?

-Bọn nó chỉ là tiện tay thôi, nếu không tiện tay thì nhất định cái xe đạp của tao sẽ bị bọn nó lấy mất, thậm chí cả hai xe đạp luôn.

-Ờ... ờ nhỉ!

-Mày mất bao nhiêu?

-Tao mất... mất bốn nghìn.

-Hả? Bao nhiêu?

-Bốn nghìn!

-Đm! Có bốn nghìn bọ mà mày làm như mất tiền tấn ấy, tiền ấy chả mua nổi chai Coca.

-Thì tao còn đâu, mày... mày mất nhiều không?

-Mất chỗ tiền thừa ban nãy uống nước người ta trả lại.

-Ơ! Tiền mày để đâu? Nãy trả tiền nước tao thấy mày cầm mấy trăm mà?

-Tao nhét vào đít rồi.

-Từ lúc nào?

-Trước lúc bọn nó chặn xe tao đã cảnh giác.

-Ui đm! Mới... mới đi xa một tí đã thế này rồi, thế này thì...

-Thôi im! Đi ra khỏi làng thì những chuyện này bình thường, mày phải quen đi. Mấy thằng du côn ở trường mình kể ra cũng làm chuyện có ích đấy, nhờ bọn nó huấn luyện hai tháng qua mà tao gặp mấy thằng này cũng không sợ mấy.

-Vừa rồi bố thấy mày khóc bù lu bù loa.

-Mày ngu, nhìn tao cái đấm thì thiếu, cái đá thì thừa, khóc lóc trông bộ dạng thảm hại nên nó chả thèm để mắt đến. Mày mà cương với bọn nó là dễ ăn dao ngập bụng đấy con ạ, phải biết liệu cơm gắp mắm chớ.

-Ờ ờ! Đm may thế mất có bốn nghìn.

-Bố lạy mày, đi từ quê ra Hà Nội mà mang theo có bốn nghìn.

-Thì mày có tiền rồi còn lo gì.

Nhưng đây không phải lần duy nhất tôi gặp hai thanh niên lạ mặt bởi trong tương lai hai chúng tôi còn rất nhiều lần đi qua con đê này.

Tôi chợt nhớ lưỡi lê AK mà tôi mua hơn hai trăm nghìn vẫn chưa được dùng lần nào.
---
***




Quỷ là gì , quỷ là đồ chơi là vật buôn bán của ta mà thôi
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.