Khai giảng năm học mới ở trường cấp 3 của tôi cũng giống như bao ngôi trường khác trên cả nước. Tôi cho rằng trong cả triệu học sinh đến trường trong ngày khai giảng cũng có một số ít bạn sẽ giống như tôi, ấy là đến trường với tâm trạng nửa háo hức, nửa buồn man mác. Khối 10 của chúng tôi có 18 lớp với khoảng 900 học sinh. Khối 11 và 12 ít lớp hơn, tính chung trên sân trường ngày hôm đó có ít nhất 2200 học sinh của ba khối lớp. Làng tôi có hai anh học lớp 11 cộng thêm tôi và R9, như thế là được bốn thanh niên choai choai. Trong năm học này khối 10 được bố trí học vào buổi chiều, đây có lẽ là điều tôi cảm thấy thích nhất bởi vì có thể tránh được mùa đông sắp đến. Mùa đông mà được ngủ nướng trong chăn thì chẳng còn gì bằng.
Chủ nhiệm lớp tôi là thầy giáo, thầy ấy tên là Chung. Thầy Chung là một người có vẻ bề ngoài hiền lành, phúc hậu. Tôi không biết vì sao thầy lại được phân công chủ nhiệm một lớp giống như lớp tôi. Tại sao tôi lại nghĩ như thế? Đó là vì thầy hiền lành, hiền đến nỗi nhiều khi tôi phát cáu. Lớp tôi có 44 học sinh trong đó hai phần ba là nữ. Đám con trai chỉ vỏn vẹn 14 đứa đến từ nhiều xã khác nhau, trong đó nhiều nhất thuộc xã Mão Điền. Tôi phải thừa nhận rằng Mão Điền là đất học, bằng chứng là hiện nay nơi đó phát triển rất nhanh, những người thuộc thế hệ của tôi hoặc kém tôi vài tuổi đều đỗ đạt, trong đó rất nhiều người làm bác sỹ, kỹ sư ở các bệnh viện, nhà máy... Trong đám bạn học có hộ khẩu tại xã Mão Điền này thì tôi chơi thân với thằng Long tóc xoăn hơn cả vì nó hiền lành, tóc nó xoăn tự nhiên nhưng tôi gọi nó là Long Nghiện vì cái dáng cao người gầy gò, nước da đen nhẻm và cao lêu khêu của nó. Bố thằng Long Nghiện cũng đang làm việc ở Hà Nội, bởi thế ít nhiều chúng tôi cũng có điểm chung để nói chuyện. Thằng Long cũng như tôi, học hành làng nhàng, nó sau này học trường Học viện Kỹ thuật Quân sự rồi làm ở Viettel. Có thời gian tôi làm quân sư cho nó tán con gái thầy... hiệu trưởng. Tôi cũng muốn “trả thù” thầy nhưng không thành công, hình như chuẩn bị đến giai đoạn chung kết thì tôi... đang ở xa. Nước xa không cứu được lửa gần mà. Sau này nó lấy vợ cùng làng, học cùng khối với chúng tôi. Long Nghiện là một thằng dễ mến với nụ cười chứa đầy sự thật thà.
Lớp tôi là lớp bê bát, bê bát nghĩa là học dốt, con gái xấu, con trai nghịch ngợm, quậy phá! Điều này không hoàn toàn đúng nhưng tôi chẳng thể thay đổi được suy nghĩ của những người khác được.
Trong đám con trai có một thằng tên là Ly, nó thấp hơn tôi nên tôi gọi là Ly Lùn. Ly Lùn hơn tôi hai tuổi, da trắng và rất đẹp trai, nếu nó cao khoảng một mét bảy thì với nụ cười đó sẽ khiến trái tim của đám con gái loạn nhịp. Ly Lùn là một thằng nghịch, nó không đánh nhau bao giờ nhưng trong các giờ học Vật Lý của thầy Chung nó hay phá. Nhiều lần thầy giảng bài trên lớp thì nó đứng lên xin phép đi vệ sinh, điều này thì chẳng có gì lạ nhưng câu sau đó mới khiến nhiều người hoặc khiến tôi sốc.
-Huyền ơi! Đi đái không?
Hoặc:
-Huyền ơi! Đi *ả không?
Phản ứng duy nhất của thầy Chung là dừng việc giảng bài, ánh mắt không hài lòng rồi nói nhỏ nhẹ:
-Anh Ly không được nói bậy!
Chỉ có thế. Bởi thầy hiền nên một vài đứa khác nghịch tung trời. Tôi phải nói thật là đã không ít lần muốn tặng thằng Ly một nắm đấm vào miệng nhưng phải cố nén giận. Tôi cho rằng phải có ai đó ngăn việc đó lại, đó là sự xúc phạm đến những người khác nhưng tôi không thể. Thằng Ly chơi với hai đứa khác cùng làng nó là thằng Thế, thằng Miện. Đã vài lần ba thằng này định đánh nhau với mấy đứa ở Mão Điền song đều yên bởi đám con gái ngăn cản, những lần ấy tôi chỉ cầu cho hai bọn nó đánh nhau và tôi nhất định sẽ tham gia cùng mấy đứa Mão Điền.
Tôi cũng biết nắm đấm không giải quyết được tận gốc vấn đề nên nhiều lần vào các giờ thể dục tôi hay nháy thằng Ly Lùn vượt tường ra ngoài uống nước. Vài lần như thế rồi thân với nhau, tôi lựa lời khuyên bảo nó không nên ăn nói lỗ mãng và bất lịch sự như vậy với đám con gái. Mưa dầm thấm đất nên nó cũng thay đổi, và nó thật sự thay đổi khi lớp 12 nó có bạn gái. Chẳng hiểu nó đã kể với bạn gái nó những gì về tôi nhưng bạn gái nó rất quý mến tôi, đó là một con bé hiền lành, cao hơn nó hẳn một cái đầu. Tôi đã tưởng chúng nó thành đôi cho đến khi tôi gặp lại thằng Ly Lùn tại nhà của nó, khi nó đã trở thành một tay thầu xây dựng ở xã Ninh Xá. Bản thân Ly Lùn cũng tự trách bản thân vì đã để vuột mất một cô gái tốt, tôi nghe cũng chỉ biết thở dài. Ly Lùn là một thằng sống tình cảm, cái tính ngông nghênh chỉ là vỏ bọc bên ngoài của nó mà thôi. Thằng Thế hiện nay làm tài xế xe Buýt ở Hà Nội còn thằng Miện vắn số, nó mất khoảng năm 2007 vì tai nạn giao thông. Tôi biết tin muộn, đến nhà nó thì nó đã nằm sâu dưới ba tấc đất, chẳng thể nhìn mặt thằng bạn học lần cuối.
Lớp trưởng lớp tôi là thằng Thành, thằng này cũng là một đứa hiền lành nhưng tôi bực nó vì nhiều lẽ, mỗi lần tôi mắng hay chửi thì nó cũng chỉ cười. Thằng Thành là người thôn Đường Vĩ, bố nó hồi trước đi bộ đội phục viên làm trưởng thôn. Bố thằng Thành là một người đàn ông trẻ, đẹp trai không tưởng. Lần đầu đám con gái ở lớp đến chơi nhà, thấy bố nó đang ở trên mái bếp đảo ngói thì đồng loạt chào bằng anh rồi trách thằng Thành có anh trai đẹp trai như thế lại giấu. Chỉ có tôi đứng đó cố nhịn cười nhìn đi chỗ khác, tại tôi biết bố thằng Thành từ trước rồi, bố nó học cùng lớp với mẹ tôi hồi trước mà. Thằng Thành là con trai duy nhất, nó cũng là đứa lấy vợ sớm nhất lớp. Hồi nó lấy vợ đúng lúc tôi nghèo nhất nên chẳng mừng cưới được đồng nào, đổi lại tôi tất bật lo đám những việc trong khả năng cho đến khi xong xuôi mới rời đi. Họ hàng nhà nó bảo rằng có những thằng bạn như tôi thật tốt. Vợ thằng Thành là người thôn Kếp, cũng người trong xã cả. Tôi nhớ rõ đêm trước hôm cưới thì chú rể cùng bạn bè đến chơi ở nhà gái. Thằng Thành cưới đầu tiên nên bạn nam trong lớp đều đủ mặt, trong khi ngồi ở nhà gái tôi đã phát hiện ra nhiều dấu hiệu lạ khi thấp thoáng trong vườn hay trên tường có những bàn tay chỉ chỏ vào vài người bạn học của tôi, những đứa đến từ Ninh Xá, Trạm Lộ hay Ngọc Khám... Tôi đoán biết rằng sẽ có đánh nhau, mấy thanh niên thôn đang chỉ mặt để đón đường đánh ngay ngoài cổng. Tôi rỉ tai nói với bạn của mình để chúng nó đề phòng.
Tôi chở em họ thằng Thành, tôi lại phải thừa nhận là con bé này xinh và cao. Thằng Thành trước đó gán ghép tôi với con bé ấy, con gái mới 16, 17 tuổi nói chuyện với các anh dẻo miệng thì dĩ nhiên là có thiện cảm nhưng tôi không thích bọn trẻ con mặc dù lúc ấy tôi mới 21 tuổi. Tôi là người phi xe máy ra khỏi nhà cô dâu đầu tiên, quả nhiên tôi bị chặn xe lại, dưới ánh đèn đường cùng với đèn xe máy tôi có thể thấy những cây côn nhị khúc, gạch đá và vài cái gậy (thật may không có dao). Vài thanh niên mặt hằm hằm nhìn tôi chuẩn bị nện tôi ra bã, con bé em họ thằng Thành ngồi sau ôm cứng ngắc, sợ không nói thành lời. Tôi thì không sợ! Tại sao tôi không sợ thì ai ở quê sẽ hiểu, hoặc bạn là người trong làng, trong xã hoặc quen biết nhiều người thì không ai đụng đến bạn. Tôi tắt máy xe theo yêu cầu của mấy thanh niên choai choai, trước khi họ nện những cây côn vào mặt tôi thì có tiếng ai đó nói:
-Ơ Anh Nam! Không được đánh, người mình, người mình.
Tôi không biết ai đã lên tiếng vào lúc đó nhưng tôi không bị đánh thật, đổi lại cả đám gần hai chục thanh niên choai choai chặn những xe máy ở phía sau. Tôi nhảy xuống chạy lại nói, tôi không muốn bạn mình ở xã khác bị ăn đòn ở đây, nó như là danh dự của cá nhân mình vậy. Nếu bạn bè mình bị đánh thì mình sẽ mang tiếng. Trong ánh đèn nhá nhem, đám đông lộn xộn... tôi đã nhận ra vài khuôn mặt mà mình biết ở làng này và bảo chúng nó dừng tay. Tôi không phải là người có tầm ảnh hưởng, tôi cũng không phải là người có tiếng nói nhưng những ai biết tôi đều chịu nghe tôi nói, thật may là như vậy. Bạn bè ở xã khác - những đứa khi còn đi học cùng tôi nghịch ngợm – đều an toàn nhưng thằng Toàn - một đứa học cùng cấp 2 với tôi – người cùng thôn với thằng Thành lại ăn một viên gạch vỡ đầu. Tôi phải chở nó ra trạm y tế xã, máu chảy ướt áo của nó và dây sang cả áo của tôi. Sau vụ ấy thằng Thành cũng bị bạn bè phàn nàn về việc này, tôi phải nói đỡ cho. Cũng chẳng trách thằng Thành được, nó cũng chẳng muốn những chuyện như vậy xảy ra. Thằng Thành hiện nay có một siêu thị mini ở quê nhà, lần cập nhật thông tin gần nhất thì nó vẫn đang cố gắng tìm kiếm con trai vì có bốn cô công chúa rồi. Công chúa lớn của nó nay cũng đã 17 tuổi!
Tôi khi học cấp ba và tôi sau khi tốt nghiệp cấp 3 là hai hình ảnh trái ngược nhau gần như hoàn toàn. Khi tôi tròn mười tám tuổi đã có nhiều thứ thay đổi.
Trong đám con gái của lớp tôi, tôi chơi cùng tất cả, chẳng thích ai hơn hay không thích ai, đối với tôi tất cả các bạn ấy đều như nhau. Sau nhiều năm các bạn cấp 3 đều gọi tôi là “bạn Nam” chứ không ai gọi tôi là thằng, kể ra là cũng lạ. Tôi nghĩ đó là do từ trước đến nay dù có trêu các bạn nữ nhưng luôn có một giới hạn nào đó, tôi tôn trọng các bạn ấy và ngược lại, cuộc sống vốn là như thế. Có thể nhiều người không đồng tình nhưng nếu tinh ý thì mỗi khi chúng ta dùng từ sẽ thể hiện rõ ràng thái độ của chúng ta với ai đó, dĩ nhiên không có chuyện bạn bè thân gọi nhau là “thằng”, là “con” thì không tôn trọng nhau, ở đây tôi chỉ đề cập cụ thể đến những người bạn học chung và ít có cơ hội ngồi với nhau.
Trong lớp có một bạn nữ tên là Hưng, chắc do bố mẹ bạn ấy đặt tên trước khi đẻ nên vậy. Bạn Hưng này là mục tiêu theo đuổi của ít nhất năm đứa con trai hoặc nhiều hơn vì cao, mặt mũi ưa nhìn, tính cũng hiền lành. Tôi không nằm trong nhóm này không phải vì trong lòng tôi đã có ai đó mà bởi vì tôi thuộc tuýp người năng động, nhanh nhẹn nên tôi thích kiểu con gái hiền lành nhưng cũng phải nhanh nhẹn giống như tôi. Bạn Hưng này nói gì cũng nhỏ nhẹ, đi lại cũng vì thế mà... chậm. Người xưa có câu nhất dáng... bởi vì thế tôi không có tình cảm gì đặc biệt với bạn ấy. Đám con trai thì theo đuổi kể cả sau khi học xong cấp 3 nhưng chẳng thằng nào đoạt chức vô địch, tôi biết tại sao nhưng đời nào nói với chúng nó làm gì, đấy không phải việc của tôi. Nếu tôi muốn tán thì chắc chắn sẽ đổ mặc dù tôi chẳng đẹp trai gì cho cam, lại thấp hơn bạn ấy một tí. Theo quan điểm của tôi thì tán gái phải biết được mục tiêu muốn cái gì và tìm cách đáp ứng, thậm chí hơn cả mong đợi thì sẽ đổ. Tất nhiên sẽ có nhiều người bảo tôi bốc phét, chỉ nói là tài chứ làm không ra gì. Tôi thừa nhận mình thất bại với mối tình đầu của mình nhưng đó là thất bại duy nhất, sau này tôi đánh đâu thắng đó. Kể cả bạn bè tôi mà muốn đánh vào đồn có địch mà chịu nghe lời tôi thì cũng hạ được đồn. Bí quyết của tôi cũng không có gì cao siêu, chỉ cần điều tra thật kỹ mọi sở thích, thói quen... của mục tiêu ắt sẽ có kế hoạch phù hợp.
Nghĩ lại vẫn buồn cười là tất cả các bí kíp ấy tôi lại không dùng với mối tình đầu của mình mà những tinh hoa của việc tán gái tôi dồn hết vào mục tiêu mà sau này trở thành vợ của tôi. Vợ tôi hay nói với bạn bè rằng cô ấy đã bị lừa bởi vì tất cả những phản ứng của cô ấy đều nằm trong kế hoạch của tôi, duy chỉ có tình yêu của tôi là thật!
Việc học hành của tôi cứ thế êm đềm trôi qua trong tháng 9 của năm ấy đến khi tôi lại bị dí dao vào cổ, tôi chỉ mất có mười nghìn bởi vì tôi không ngu mang theo nhiều tiền trong người nữa. Trong một quyển sách nào đó trong cặp sẽ có ít nhất bốn tờ Năm mươi nghìn nhưng không ai biết được. Tuy nhiên tôi khôn lanh thì người khác cũng không có ngu! Tôi nhận ra rằng có ít nhất ba nhóm chuyên đi trấn lột tiền của học sinh, điều kỳ lạ là bọn họ không phải trấn lột của tất cả học sinh nam trong một lớp nào mà nhắm đến từng đối tượng cụ thể y như có người chỉ điểm. Tôi lúc này chưa bị lộ thân phận nhưng cũng bị cho vào tầm ngắm bởi vì đi học bằng xe đạp địa hình và đeo ba lô thay cho cặp sách. Một nhóm có người cầm đầu tên là Bình Xoăn tỏ ra láu cá nhất khi đi thu tô theo lượt, mỗi tháng một lần, một tháng là mười nghìn đồng tiền bảo kê. Tôi có thắc mắc rằng:
-Các anh bảo kê cho em khỏi ai?
Câu trả lời tôi nhận được là:
-Bảo kê mày khỏi hội khác nó không xin đểu nữa.
-Vậy nếu em muốn đánh ai khác có thể thuê các anh được không?
-Đm thằng này muốn ăn vả phải không? Bọn bố không phải là tay sai hiểu chưa?
-Vâng! Em chỉ hỏi vậy thôi mà.
Mười nghìn một tháng đối với tôi chả là cái đinh gì, sau đó bọn chúng tăng lên hai mươi nghìn cũng vậy. Chẳng lẽ tôi lại hỏi là đóng theo năm có được giảm giá hay không? Nhóm này bảo kê nhưng nhóm khác thi thoảng vẫn xin đểu ít tiền lẻ đi uống nước. Tôi cũng từng nghĩ đến việc đi hỏi xem thằng nào to đầu nhất ở cái trường tôi đang học và đưa ra một mức giá từ năm trăm đến một triệu để tôi đỡ bị làm phiền nhưng sau đó tôi lại thôi. Nếu tôi làm như thế đồng nghĩa với việc tự khai ra mình có tiền thì ngu hẳn.
Tôi tạm chấp nhận việc “được” nộp tiền để yên thân. Ngoài mấy nhóm chuyên xin đểu chuyên nghiệp ra còn có những nhóm nhỏ khác xin đểu theo thời vụ, chỉ là những đồng bạc lẻ mua gói thuốc lá nên tôi cũng chẳng tính toán làm gì. Trong số những đứa xin đểu thời vụ này thì tôi đặc biệt nhớ đến thằng Quang Xô. Quang Xô là đứa ít nói, diện mạo cũng gọi là đẹp trai. Thằng này học lớp B7 ngay bên cạnh lớp tôi, sở dĩ nó có cái biệt danh là Xô có lẽ vì bố nó làm việc ở Liên Xô cũ, đấy là tôi đoán như vậy chứ chưa có ai từng giải thích cho tôi về biệt danh này. Vào một ngày giữa tuần nắng không đẹp của tháng 10 năm ấy, khi tôi đang gục đầu xuống bàn đánh một giấc thì thằng Long Nghiện chạy vào báo một tin động trời:
-Đm mày còn ngủ nghê gì nữa, dậy mau, dậy mau!
Tôi ngẩng đầu hỏi lại nó với giọng ngái ngủ:
-Có chuyện gì?
-Thằng Quang Xô vừa bị đâm, mau ra xem!
-Hả? Sao lại bị đâm? Ai đâm nó?
Đối với tôi thì đây thực sự là một tin động trời. Thằng Quang Xô thì tôi không lạ, nhiều đứa dè chừng nó nhưng tôi lại thấy thằng này đàng hoàng nhất trong những đứa nghịch. Tôi gọi thằng này là anh theo những đứa khác, tôi không có ác cảm gì với nó nên khi nghe tin nó bị đâm thì tôi cũng giật mình. Suy nghĩ đầu tiên chạy qua trong đầu của tôi chính là bị đâm sẽ chết.
-Nó... nó có chết không?
Miệng hỏi nhưng tôi đã đứng bật dậy chạy theo Long Nghiện ra ngoài cửa lớp vừa lúc thằng Quang Xô tay ôm bụng đi ngang. Máu chảy loang áo đồng phục màu trắng của nó, đám bạn cùng lớp ngay lập tức đưa nó đi bệnh viện. Tôi không nhớ đứa nào đã đâm nó, chỉ biết rằng sự việc xảy ra trong tiết thể dục và nó đi xin đểu của đứa nào đó, hung thủ chắc đã bị o ép nhiều nên không nhịn được. Tôi có nghe nói sau sự việc đó người đã đùng dao lá lúa đâm thằng Quang Xô chuyển lên học trường dân lập để tránh việc bị đám bạn của Quang Xô trả thù. Chuyện thằng Quang Xô bị đâm làm xôn xao cả tuần trời, sự việc này chỉ là khởi đầu của những việc khác mà tôi nghe nói hoặc chứng kiến.
Tôi nghe nói nhà thằng Quang Xô ở gần ngã tư Đông Côi, Đông Côi là một cái tên đẹp nhưng không phải ai cũng biết. Đông Côi có nghĩa là viên ngọc quý ở phía Đông. Làng Đông Côi chính là quê mẹ của vua Lê Hy Tông – người đang chăn trâu ngoài đồng được kiệu rước về làm vua nhà Lê Trung hưng. Ngã tư Đông Côi này ngày nào tôi cũng đi qua, cạnh ngã tư có nghĩa trang liệt sỹ của huyện nhà. Tính từ làng Bưởi Cuốc của tôi thì đạp xe bốn cây số sẽ gặp ngã tư Đông Côi, đi thẳng sẽ ra Hà Nội, rẽ phải để đi lên thị trấn Hồ - nơi có phà Hồ, còn rẽ trái có thể đi về Hải Dương. Tôi phải giới thiệu sơ qua địa điểm này để sau này đỡ phải nhắc lại, tại tính tôi... hay quên.
-Mày có nghĩ trong lớp mày có chim lợn không?
R9 hỏi tôi khi hai thằng trên đường đi học về. Tôi lắc đầu. R9 nói tiếp:
-Lớp tao cũng có mấy thằng bị thu thuế hàng tháng, mấy thằng đó cũng cương nên ngoài việc mất tiền còn bị đánh.
-Như thế là dại. – Tôi nói – Hoặc chịu mất tiền hoặc chịu bị đánh, chỉ nên chọn một trong hai chứ ngu gì chọn cả hai, vừa tốn tiền lại thiệt thân. Mà mấy đứa ấy nhà ở đâu?
-Bọn nó đều ở những xã như Trí Quả, Đại Đồng Thành. Tao cũng chẳng biết tại sao mấy thằng du côn lại biết được hoàn cảnh gia đình của những đứa ấy.
-Bọn nó lọc lõi thì dựa vào xe đạp mình đi, quần áo mình mặc hay đôi dép. Đứa nào nhà có điều kiện nhìn là biết ngay thôi, bọn mình mới nhập học còn non và xanh lắm mày ạ.
-Đm, như thế thì mày đáp ứng đủ điều kiện để bọn nó xin đểu.
-Xem như bố thí cho bọn nó, nghĩ vậy đỡ bực mình. Tiền là thứ có thể kiếm ra được còn mạng thì không. Tao không đủ bản lĩnh để lụi con dao găm vào bụng người khác như thằng nào đó mới làm với thằng Quang Xô được.
-Mà mày cũng tem tém cái miệng lại, đm! Ăn mặc như tao thì đéo thằng nào nó soi đâu.
-Sao phải khổ thế! Tao đã nói với mày rồi, những thứ này chỉ là cơ bản thôi chứ có thuộc dạng ăn chơi gì cho cam.
-Cái xe của mày. Cả trường mình mày xem có thằng nào đi cái xe như mày không?
-Đấy là do nhà bọn nó nghèo hoặc bọn nó sợ. Tao đã tốn tiền nộp thuế thì tại sao tao không được đi cái xe này, nếu chúng nó làm quá thì tao báo công an gô cổ chúng nó lại vì tội trấn lột. Mày đừng lo, cái gì vẫn còn trong ranh giới chấp nhận được thì cứ chấp nhận, mình cũng chỉ học có ba năm ở đây trong khi cuộc đời còn dài. Chắc gì cái đám xin đểu đó sau này đã khá hơn bọn mình.
-Mày lúc nào cũng lạc quan quá mức.
-Như thế vẫn tốt hơn việc nghĩ quá nhiều về những thứ tiêu cực.
Xe đạp địa hình của tôi quả thật là thứ độc và lạ ở quê trong khi ở Hà Nội thì rất bình thường. Tôi không nhớ rõ nhãn hiệu nhưng đó là loại xe có giảm xóc ở phía trước cùng với một giảm xóc lò xo lớn ở phía sau. Xe cũng có bộ đề tăng giảm giống như chiếc Cá Vàng nhưng hiện đại hơn vì dùng núm xoay. Nhờ cái xe đạp này mà tôi tự học bốc đầu để đi một bánh mặc dù chẳng ai dạy, đoạn dài nhất mà tôi có thể đi được bằng bánh sau của xe vào lớp 10 là khoảng ba chục mét. Điều này chỉ có R9 biết. Tôi chỉ tự học bốc đầu khi đạp qua cầu Thường Vũ nhằm đảm bảo rằng không ai biết mình nghịch ngu đến độ nào, đặc biệt là đoạn đường trước đó tôi vẫn hay lẽo đẽo đạp theo sau cô bạn lớp phó. R9 cũng kiên nhẫn đạp chậm cùng tôi.
Đã hơn một tháng kể từ khi nhập học, tôi thường xuyên gặp cô bạn lớp phó của mình trên đường đi học hoặc trở về mỗi chiều nhưng tôi chỉ dám lặng lẽ đi phía sau. Cũng có vài lần gặp nhau ở bãi xe của trường nhưng chúng tôi không nói với nhau bất cứ câu nào. Trong suốt mấy năm cấp 3 chỉ có một lần gặp cũng tại bãi xe và cô bạn lớp phó chỉ nói vài câu, khi ấy tôi đang trong giai đoạn có đôi chút khủng hoảng tâm lý.
Hai chị ma đi công việc kết hợp ngao du quá lâu, nếu tính từ cái đêm gặp nhau trên nóc trạm bơm đến nay đã gần ba tháng trôi qua. Đã mấy lần ngày rằm và mùng Một tôi đều thắp hương, đốt vàng mã gửi cho chị Ma cầu mong cho chị ấy... bình an. --- ***
Quỷ là gì , quỷ là đồ chơi là vật buôn bán của ta mà thôi