Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 346: Bài học đầu tiên



***
Tôi tự bắt xe khách từ Bến Nứa về quê, khoảng một tuần sau chuyến thăm bất ngờ của hai chị ma trong đêm. Chị Hiền – người chị họ học cùng lớp của tôi – gọi điện báo tin để tôi về nộp hồ sơ dự thi vào trường Thuận Thành 1. Ký ức của tôi về chuyện này không còn nhiều. Tôi chỉ còn nhớ được vài điều ấn tượng hoặc một số chuyện nhỏ nhỏ có liên quan đến quãng thời gian sau này của tôi.

Tôi ngủ ở nhà một đêm với bà Già, bữa cơm tối nếu tôi nhớ không nhầm thì trên mâm cơm có một bát trám, một đĩa rau muống luộc cùng một bát nước rau màu xanh nhạt và một bát nước mắm. Thức ăn thì đạm bạc nhưng không khí rất vui mặc dù chỉ có hai bà cháu. Tôi kể cho bà nghe vài điều về công việc của gia đình ở Hà Nội mà trong ba tuần qua tôi đã chứng kiến, đã nghe hoặc đã làm. Đối với một người mẹ thì chẳng có gì vui hơn khi nghe con trai mình làm ăn thuận lợi và khỏe mạnh. Tôi có thể cảm nhận rõ niềm vui trong ánh mắt của bà Già, một người mà sau này tôi mới biết là khó tính, bà khó tính với nhiều người trừ bố tôi và tôi.

Sau ba tuần rời quê thì đêm nay tôi lại ngủ một mình trên tấm phản gỗ truyền thừa nhưng có cảm giác gì đó cứ trống rỗng. Mấy lần tôi ngồi dậy nhìn quanh, lắng tai nghe rồi lại nằm xuống cố nén tiếng thở dài, hai mắt nhìn lên nóc nhà. Sau cùng tôi mang luôn tích nước vối của bà ra ngồi ở bồn hoa. Trời đêm gió thổi từ ngoài cánh đồng vào mát rượi, trăng lên muộn và bầu trời nhưng cao hơn. Tiếng côn trùng, đặc biệt là tiếng chão chuộc kêu tứ phía làm tôi cảm giác như đêm bớt cô đơn. Nhiều lần tôi ngó nhìn ụ rơm xem có bóng dáng của chị Ma đột nhiên xuất hiện hay không nhưng rồi tôi nhận ra mình hơi ích kỷ. Hai chị giờ này có lẽ đang tung tăng nơi nào đó rất xa ngôi làng này, nếu tôi lại thắp hương khấn gọi về thì thật không phải. Thêm nữa chắc gì hai chị đã về được.

Cây vối trong vườn nhẹ đung đưa những cành lá theo những cơn gió. Chị Ma không ở nhà thì lá vối cũng chỉ là lá vối chứ không có gì đặc biệt. Tôi đứng gần gốc cây duối đưa tay vuốt nhẹ vài cái lá, xung quanh gió thổi qua như lạnh hơn. Điều này không lạ khi ở rìa bụi tre đằng kia có đến hơn chai mươi tượng đất sét được tôi chôn giấu khoảng hai tháng trước, giờ này có khi họ đang tổ chức tiệc tùng và kiểu gì cũng có mặt mấy ông Tam. Làng nếu yên bình thì họ còn biết làm gì ngoài việc ngồi chè chén thâu đêm.

Mãi rồi tôi cũng dỗ dành được bản thân mình chìm vào giấc ngủ. Tôi nhận ra rằng nhiều đêm trước đó mình ngủ trên tấm phản này trong tâm thế sẵn sàng đi đâu đó đã thành thói quen, tự nhiên đêm nay cảm giác yên bình quá, nhất thời tôi chưa thể quen.

Tôi đi bộ qua cổng ngôi trường khang trang trong một buổi sáng mùa hè đầy nắng cùng với R9, nó đã chở tôi đến cổng trường rồi biến mất cùng lũ bạn lớp cũ của nó. Đúng như tôi đã nghĩ trước đó, trừ một số bạn đã nộp hồ sơ vào trường Thuận Thành 2 còn đâu đều tập trung hết vào trường số 1 này. Tôi cũng vui mừng khi gặp lại một số bạn trong lớp của mình, chúng nó cũng đi nộp hồ sơ mặc dù biết thừa rằng khả năng trượt rất cao, nhiều đứa cho biết sẽ theo học tại trường dân lập mới mở ở thị trấn Hồ. Chị Hiền tôi và một số bạn nữ khác cũng nộp hồ sơ, ai cũng có quyền mong muốn những điều tốt nhất sẽ đến với mình. Có thể nói rằng ngày đi nộp hồ sơ thi và ngày thi vào trường này không khác gì một kỳ thi đại học quy mô nhỏ ở huyện của tôi. Bởi vậy nếu bạn nào vượt qua kỳ thi tuyển chọn đầu vào, trở thành học sinh của ngôi trường này hoàn toàn có quyền tự hào về bản thân cũng như xứng đáng nhận được sự nể trọng của bạn bè.

Chúng tôi là những đứa trẻ sắp lớn, chẳng ai mang gia cảnh ra để khoe với chúng bạn nên cái mác con ngoan trò giỏi là thứ danh hiệu đáng giá nhất khi ở tuổi cắp sách đến trường.

Tôi ngạc nhiên khi vô tình nhìn thấy một bóng dáng quen thuộc, tuy đã mấy năm không gặp nhưng tôi không thể quên bởi vì trí nhớ tôi cũng không tệ.

- Này! Chị gì ơi! Chị kẹo kéo!

Tôi vừa rảo bước thật nhanh vừa gọi nhưng đứa con gái mà tôi đang gọi như cố bước nhanh chân hơn, tôi phải kéo áo nó lại.

- Này! Đừng có giả vờ không quen biết. Đứng lại xem nào.

Đứa con gái láu cá từng bán kẹo kéo cho tôi đứng lại thật, nó quay ngoắt lại nhìn tôi với vẻ mặt không khác gì đàn chị mà tôi từng gặp mấy năm về trước.

- Có chuyện gì? Mày muốn làm gì tao?
- Làm gì? Người quen cũ gặp lại sao đi nhanh thế?

Con bé kẹo kéo trước đây tôi biết bây giờ vẫn cao hơn tôi một tí, nước da bánh mật, vẻ đẹp trên mức phổ thông. Tôi nghe nói bọn con gái ở tầm tuổi này đã dậy thì rồi, chẳng biết nó có dậy thì thành công hay không.

- Tao quen biết gì mày?

Nó vừa hỏi vừa nhìn tôi từ đầu đến chân một lượt. Tôi thầm nghĩ con bé này trí nhớ kém, hồi trước nó nhìn tôi những ba lượt mà giờ này trong ký ức nó không lưu lại cái gì hay sao.

- Gọi là bạn nhỉ? Đứa nào mấy năm trước xưng chị ngọt sớt sao hôm nay cũng đi nộp hồ sơ thi vào lớp 10?

Câu nói của tôi làm nó ngẩn người ra trong chốc lát, trán nó hơi nheo lại như đang cố suy nghĩ xem tôi là ai, cuối cùng nó vẫn không phải là một đứa khờ khạo. Sau tiếng “A” là một cái vỗ vai đầy mạnh mẽ:

- Tao nhớ ra rồi! Mày chính là thằng còi còi ở làng Bưởi Cuốc hồi xưa đi mua kẹo kéo ở nhà tao.
- Đúng, đúng! – Tôi nhe răng cười tít mắt.
- Tao không nhận ra là bởi vì bây giờ nhìn mày không còi như hồi trước, nhìn cũng đẹp trai ra nữa.
- Hả? Bây giờ mình có buôn bán gì đâu, cần gì phải khen xã giao.
- Thế thằng em cũng thi vào lớp 10 trường này hả?
- Đúng rồi, thi vào lớp 10. Thế bà chị ở đây làm gì?
- Tao cũng nộp hồ sơ như mày.
- Ơ! Thế là bà chị học dốt nên bị đúp à?
- Không! Tao học bình thường sao mà đúp được, mày hỏi thế là có ý gì?
- Thế cùng thi vào lớp 10 sao lại cứ xưng chị như thế?
- Ai bảo mày ngu mày khai lớp trước làm gì.
- Cũng đúng! Quả nhiên mồm miệng con buôn rất khéo bắt bẻ.
- Tao thấy mồm miệng mày cũng chả vừa đâu, đừng có nói người khác. Mà nhà mày đói ăn hay gì? Sao bây giờ vẫn thấp hơn tao?
- Thế thì bà chị không biết rồi, những người thông mình đều thấp cả vì ăn bao nhiêu đều nuôi bộ não. Con gái như bà chị đây chỉ cần đẹp là được, không cần thông minh.

Tiếng mấy đứa bạn của con bé kẹo kéo gọi nó nên nó vội chạy đi chẳng thèm chào tạm biệt tôi lấy một tiếng. Cái huyện này cũng không quá lớn, có duyên ắt sẽ gặp lại. Tôi cũng quá quen với việc học chung với những bạn hơn tuổi mình nên việc gọi ai đó là chị cũng không khó khăn. Tuy nhiên tôi không gọi đứa con trai nào trong lớp là anh, trừ khi tuổi giữa hai chúng tôi cách biệt quá nhiều vì có đứa hơn tôi đến tận ba tuổi. Tôi thấy rằng mình vẫn có chút thiên vị cho phái nữ.

- Thằng Nam khá nhỉ, mới lên đây đã quen được em nào xinh thế?

Đám bạn học cùng lớp của tôi sau khi không chen lấn để nộp hồ sơ qua cái cửa sổ nhỏ cũng đã đi ra chỗ tôi đang đứng. Chúng nó đã kịp thấy phần sau của câu chuyện. Người vừa hỏi tôi là Phú, một thằng hiền lành và cao ráo, nước da ngăm đen. Thằng Phú là người ở thôn yên Ngô, sau này nó theo học trường dân lập ở thị trấn Hồ. Vợ thằng Phú có tên là Nhớ. Tôi không lạ gì cái Nhớ vì nó học cùng lớp cấp 2, đến cấp 3 nó cũng học hệ A của trường Thuận Thành 1. Cái Nhớ cũng là dân của thôn Yên Ngô, hồi biết tin hai đứa nó lấy nhau tôi cũng ngạc nhiên mãi bởi vì trong trí nhớ của tôi lúc học chung lớp với hai đứa này thì chúng nó chẳng có tình ý gì. Người báo tin cho tôi là cô bạn lớp phó, cô ấy giải thích rằng chúng nó cùng thôn, từng học cùng lớp nên yêu rồi lấy nhau là chuyện bình thường. Tôi có hỏi lại:

- Thế sao tôi với thủ trưởng học cùng lớp, người cùng xã lại không thành đôi?
- Tại vì ông học dốt, ông làm tôi thất vọng.
- Nhưng tôi cao hơn thủ trưởng.
- Thế hồi trước đứa nào hay nói là người thấp hơn thường thông minh hơn?
- À! Cái đấy chỉ áp dụng cho cánh đàn ông thôi. Hề hề hề...

Nhưng đấy là những chuyện của sau này. Còn hiện tại thì mấy thằng như thằng Phú, thằng Luyến, thằng Tiến... (con bác cựu trưởng CAX, cựu chủ tịch xã... thằng này bây giờ làm chỉ huy trưởng BCH quân sự của xã, cũng là một tay ngang dọc.) đang dõi mắt theo cái bóng của con bé kẹo kéo vừa mới rời đi.

- Con đấy người ở đâu? – Thằng Tiến hỏi tôi.
- Mão Điền đấy. – Tôi trả lời.
- Mày ngon! Tao thấy mày đứng nói chuyện với nó một lúc lâu, sao nó lại vội vã chạy đi như thế?
- À! Nó tỏ tình với tao nhưng tao từ chối. – Tôi nói tỉnh bơ.
- Thôi bố mày lạy mày! – Thằng Phú vỗ vai tôi rồi nói to. – Trong cả đám ở đây mày thấp bé nhẹ cân nhất, tao thấy mày còn lùn hơn cả con kia thì đời nào có chuyện ấy. Bốc phét thì cũng phải có căn cứ mày ơi.
- Mẹ cái thằng mồm mép tép nhảy, nói láo không chớp mắt kìa. – Thằng Luyến cười khểnh.
- Chúng mày to đầu nhưng tồ lắm. – Tôi nói – Một số đứa con gái nó thích kiểu lạ. Nãy tao từ chối nó nên nó xấu hổ bỏ đi ngay.
- Thế nó tên là gì? – Thằng Tiến hỏi tôi.
- Thôi bỏ đi, tao ít khi quan tâm đến những đứa con gái không thích. So với cái Chúc thì con bé này cũng bình thường.

Tôi vừa nói vừa ra hiệu cả bọn đi ra cổng trường ngồi uống nước. Mới buổi sáng như thế này thì ngồi chờ cho vãn rồi nộp cũng chẳng muộn, dù sao thì nhà trường cũng nhận hồ sơ đến tận 4 giờ chiều.

- Tốt nhất mày nên từ bỏ nhớ nhung cái Chúc đi. – Thằng Phú khuyên tôi - Nó bây giờ lên tỉnh học rồi. Tao nghe nói nó đã thi đỗ vào trường Hàn Thuyên, cái trường số 1 này chẳng là cái đinh gì.
- Quên thì cũng phải từ từ chứ.
- Tao thấy vào học trường này toàn đứa giỏi, bọn con gái học giỏi lại toàn đứa xinh. Bất công xã hội quá. – Thằng Tiến phàn nàn.
Chúng tôi đi qua bên đường chọn một quán nước rồi gọi những thứ nước ngọt phù hợp, chủ yếu vẫn là Coca. Thằng Luyến chọn uống sữa đậu nành 113 của nhà tôi. Nhiều bạn trong lớp cũ mặc nhiên nghĩ rằng nhà tôi làm đậu giống như bao nhà khác ở làng Bưởi Cuốc. Tôi cũng chẳng bao giờ nói rõ về việc này với chúng nó.
- Chẳng mấy chốc mà học xong cấp 3. – Tôi vừa bật nắp chai Coca vừa nói – Trong bọn mình đây kiểu gì cũng có thằng lấy vợ sớm hoặc đi bộ đội. Nếu lấy vợ thì chúng mày nên chọn những đứa con gái học giỏi, thông minh chứ đừng chọn đứa đẹp. Đẹp xếp hàng thứ hai thôi.
- Mày ở Hà Nội có mấy tháng mà tỏ ra già đời nhỉ? – Thằng Luyến tỏ ra ngạc nhiên.
- Chúng mày biết thất tình là gì không?

Tôi vừa hỏi vừa nhìn mấy thằng bạn học, chúng nó nhìn nhau rồi lắc đầu. Tôi nói tiếp:

- Thất tình sẽ làm con người ta trở nên thông thái, trải đời hơn. Chúng mày nghĩ mà xem, lấy vợ đẹp thì phải chiều bọn nó. Chiều bọn con gái rất là mệt, tốt nhất lấy vợ thông minh, tài giỏi sau này còn giúp chúng mày được ối thứ.
- Cái này thì ai chả biết nhưng tao thích lớn lên lấy vợ vừa đẹp vừa thông minh. – Thằng Tiến nói với giọng đầy tự tin.
- Tao ạ mày! Lấy vợ vừa đẹp vừa thông mình thì một là mày phải có tài năng xuất chúng hoặc nhà mày giàu nứt đố đổ tường. – Tôi nói đến đây thì nhớ ra thân thế của thằng Tiến nên bổ sung thêm – À, mà mày thì có thể đấy, tao nhìn mày tướng lông bông hay cười kiểu này thì lớn lên nhất định sẽ được ưng ý. Còn tao, tao sẽ chọn vợ thông minh là được rồi.

Tôi chỉ còn nhớ mang máng những câu chuyện mà đám con trai mới lớn ngồi tán gẫu trong quán nước gần hai tiếng đồng hồ. Sau hai mươi ba năm chúng tôi chưa có dịp tề tựu đông đủ để xem tiêu chuẩn chọn vợ thời đó với thực tế bây giờ ra sao.

Trong đám bạn cùng lớp ngồi ở quán nước ngày hôm đó không có thằng Hiếu. Thằng Hiếu là em họ, học cùng lớp, người cùng làng tôi. Nó đã trượt tốt nghiệp nên nộp hồ sơ thẳng vào trường dân lập. Cũng rất lâu rồi tôi chưa có dịp gặp lại nó, có lẽ là mười ba năm lẻ. Lần nói chuyện ngắn ngủi của tôi với thằng Hiếu là vào đêm hôm qua - ngày 16 tháng 10 năm 2021 – khi có người bạn nhắn tin hỏi tôi rằng trên trang Bắc Ninh 24h có người đăng tin tìm người rơi giấy tờ và bạn ấy đọc được tên tuổi, năm sinh có ghi trên đó nên nhắn hỏi tôi xem có đúng không? Tôi dĩ nhiên là nhận ra ngay bởi vì ở làng tôi lứa tuổi từ 1981 – 1986 chỉ duy nhất có nó tên là Hiếu, lại họ Đào.

Tôi gọi cho thằng Hiếu, ban đầu nó không nhận ra tôi và nghĩ rằng tôi đang lừa đào nó mặc dù tôi mấy lần nhắc đi nhắc lại tên mình, làng mình... nhưng cũng chẳng trách được, không phải ai cũng có trí nhớ tốt như tôi. Đến khi tôi đọc biển số xe ghi trên giấy tờ hỏi:

- Có phải của chú không?
- À... à phải.
- Thế giấy tờ ấy đâu?
- Để trong cốp xe.
- Ờ! Vậy mở trong cốp xe ra xem còn không nhé.

Tôi cúp máy, hai phút sau nó gọi lại bằng một số khác, dường như đã nhận ra tôi. Hôm nay tôi nghe báo lại là nó đã nhận được giấy tờ từ người đàn ông tốt bụng kia, thật là may.

Tôi cũng nộp được hồ sơ dự thi, tôi nhớ là không có số báo danh. Số báo danh sẽ có trước khi thi vài ngày, chẳng khác gì đi thi đại học cả. Lần đầu tiên tôi đến một nơi đông người, toàn những người giống như mình, tầm tuổi mình. Nộp hồ sơ xong tôi tranh thủ đi xung quanh khuôn viên của trường một vòng để xem nơi sắp tới có thể mình sẽ theo học mấy năm như thế nào.

Thuận Thành 1 là một ngôi trường lâu đời, tôi không nhớ lịch sử của trường bởi vì trong suốt những năm học chẳng có thông tin nào về việc trường thành lập năm bao nhiêu, đã đào tạo ra những nhân tài nào cho đất nước... Nhưng tôi tự kết luận rằng những nhân tài của huyện nhà hẳn là đều tốt nghiệp từ ngôi trường này. Trường Thuận Thành 1 thời điểm này có một dãy nhà ba tầng hình chữ L, ngoài dãy nhà ba tầng này còn có thêm một dãy nhà hai tầng cùng mấy dãy nhà cấp bốn thấp lè tè, cũ kỹ. Trên những bức tường của những dãy nhà này đã in dấu thời gian, tôi thậm chí còn sợ chúng sẽ bất ngờ bị sập. Tôi đi gần hết một vòng thì gặp một nhà vệ sinh cũ nên tranh thủ giải quyết nỗi buồn. Gần nhà vệ sinh cũ này có một dãy nhà cấp bốn gồm ba phòng học khóa cửa im lìm. Tôi đứng dưới gốc một cây mít nhỏ - cây này mọc ngay trước cửa một phòng học – nhìn trước ngó sau một hồi tôi dùng tay nạy cửa sổ để hé mắt nhìn vào bên trong. Trong căn phòng thiếu ánh sáng có thể nhìn thấy rất nhiều bàn ghế ngổn ngang.

- “Đây là kho của nhà trường.”

Đằng trước dãy nhà cấp bốn cũ kỹ được xây từ những năm 1970s này là một bức tường màu xám cũng cũ giống như dãy nhà và cỏ dại mọc um tùm. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ bắt đầu đời học sinh cấp 3 của mình ở chính dãy nhà cấp bốn này, lại đúng cái phòng học mà tôi đã nghĩ là nhà kho và ở cửa lớp có cây mít nhỏ. Tôi đã rất thất vọng khi phải bắt đầu học lớp 10 trong một phòng học tồi tàn nhưng tôi cũng chỉ buồn một thời gian ngắn bởi vì tôi vốn là người lạc quan, luôn cố tìm ra niềm vui trong nỗi buồn. Dãy phòng học này chỉ cách Quốc lộ 17 một bức tường, đi học muộn hay muốn trốn học thì chỉ cần vượt tường là xong. Bên kia đường có cửa hàng điện tử, có quán nước... đời học sinh không trốn học sẽ nhàm chán lắm.

- Này thằng kia!

Tôi quay lại hướng vừa có tiếng người gọi mình. Tôi nhìn thấy có ba người lớn hơn tôi, người đứng giữa thấp hơn hai người còn lại, mái tóc rẽ ngôi giữa.

- Lại anh bảo!

Anh thanh niên đứng giữa vẫy tay ra hiệu cho tôi. Tôi đi lại gần thì anh ta hất hàm hỏi:

- Lên nhập học đúng không?
- Vâng ạ.
- Chú mày có tiền chứ?
- Em không có! – Tôi trả lời rất nhanh.
- Nãy tao thấy mày ngồi cùng đám bạn của mày. Mày trả tiền cho cả đám sao lại không có?
- Em không có thật mà.

Ba người này tôi nhìn bộ dạng chắc chắn là học lớp 11 hoặc 12. Ngay khi tôi vừa nói dứt lời thì ba người sấn tới, tôi bước lùi đến khi lưng tôi chạm vào cột xi măng.

- Tạch!

Một tiếng động nhỏ, khô khốc vang lên, tôi nhìn thấy một con dao bấm đang vung vẩy trên tay của anh chàng có mái tóc rẽ ngôi giữa. Anh ta đặt con dao lên cổ tôi và hỏi:

- Mày có muốn tao rạch một vệt trên mặt không?
- Em không!
- Vậy thì nôn tiền ra cho bố!

Tôi không hề sợ khi bị dí dao vào cổ. Đầu tiên là bởi vì tôi nghĩ bọn họ chỉ dọa, thứ hai đây là khuôn viên trường và thứ ba chính là tôi cũng ít nhiều từng trải rồi nên cũng bình tĩnh hơn.

- Các anh cần bao nhiêu?

Tôi hỏi với giọng hờ hững có chút khinh thường nhưng cố giấu đi. Ba người bọn họ nhìn nhau rồi một người nói:

- Năm chục!
- Muốn tiền thì các anh bỏ con dao ra đã.
- Thằng ôn này trông loắt choắt mà mặt lại già như trái cà, có vẻ từng trải đấy nhỉ?

Tôi không nói gì thò tay vào túi quần lấy năm chục nghìn đưa cho một người. Nhìn thấy trên tay tôi vẫn còn thêm nên một người khác hất hàm nói:

- Đưa nốt chỗ kia!
- Nãy các anh xin có năm chục, giờ lại muốn xin hết à?
- Bọn bố mày không xin, bọn bố trấn của mày đấy, ý kiến gì?
- Thế các anh phải nói rõ từ đầu là trấn tiền chứ.

Tôi làu bàu rồi đưa nốt số tiền còn lại cho ba người với đôi mắt đang sáng rỡ. Tổng cộng tôi đã bị trấn lột khoảng một trăm ba chục nghìn đồng. Tôi lặng lẽ quay lưng bỏ đi khi ba người cầm tiền đếm, tôi muốn nhanh chóng rời khỏi chỗ vắng vẻ này bởi vì ở túi quần sau của tôi còn toàn tiền chẵn.
Bài học đầu tiên của tôi khi mới đi nộp hồ sơ thi cấp 3 là không được mang theo nhiều tiền trong túi khi đi học, đây không còn là xã tôi nữa mà đã là huyện. Tôi chẳng thể hiểu được ba gã du côn ít tuổi này từ đâu chui ra nhưng tôi sẽ biết họ nhanh thôi.

- Này thằng kia đứng lại đã!

Dĩ nhiên tôi nghe như vậy thì bước chân nhanh hơn, vừa khuất khỏi bức tường thì tôi co giò chạy thật nhanh để lẫn vào đám đông trước mặt.
---
***

vô địch lưu , hài hước đọc giải trí
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.