*** Chị Ma tạm biệt tôi ở giữa đường, chị ấy rẽ phải đi ra đầu làng còn tôi đi thẳng vào ngõ để trở về nhà. Tôi biết chị ấy đi gặp Xã Thần và sau đó là gặp cả quan tri huyện họ Đặng. Bởi vì đã quen biết chị Ma ngót năm năm nên tôi phần nào hiểu được, chị ấy cũng giống tôi – là người ngại phải nói hoặc nghe những lời mùi mẫn vì dễ mủi lòng nên hay gạt đi nhưng trong thâm tâm vẫn sẽ lưu ý giúp đỡ. Tôi trở về nhà chưa đến nửa đêm, đồng hồ mới chỉ hơn 11 giờ đêm. Bà Già chỉ trở mình và dậy đi vệ sinh khi tôi mở cửa, bà không mắng hay hỏi han gì vì đã quen với việc thằng cháu đi đêm về hôm. Bà vẫn đinh ninh tôi ở chơi nhà thằng R9 hoặc đi đâu đó cùng với nó, hoặc đơn giản hơn là tôi chỉ chơi một mình vì xe đạp tôi cũng không dùng, miễn sao không phá làng phá xóm là được. Nghỉ hè mà... Tôi ngủ một giấc ngon lành cho đến khi nắng đã bắt đầu lên cao, ăn sáng xong thì tôi khoác ba lô mới đạp xuống nhà R9 rủ nó lên Hồ, thằng này rất ít khi từ chối lời rủ rê, rủ một trăm lần thì sẽ có đến chín mươi chín lần nó đi cùng, một lần còn lại kiểu gì cũng suy nghĩ, cân nhắc thiệt hơn vì có việc bận nhưng rồi cũng đi luôn. Đi lên Hồ cũng vui, ngoài việc la cà ở cửa hàng Tụ Sâm hay lượn lờ trong khu cửa hàng bách hóa thì còn có nhiều thứ ăn vặt, thứ hai đứa bọn tôi hay ăn là món chè đỗ xanh, tôi không còn nhớ món ăn ấy gọi là gì nhưng cả hai cùng thích. Tôi mua sách cho chị Đẹp, vài cuốn sách lớp 1, vài quyển vở và cả mấy cái bút chì. -Mày mua cho ai thế? – R9 ngạc nhiên nhìn tôi hỏi, nó thừa biết tôi làm gì có anh chị em họ hàng gì với đứa nào lớp 1. -À, mua về để đi dạy học. -Vãi mày, lên làm thầy giáo từ bao giờ? Dạy ai? -Dạy ma! – Tôi đáp ngắn gọn. -Ôi, đm! Mày điên con mẹ nó rồi, thật đấy à? -Chậc, hôm nay mày hỏi nhiều thế. Tao dạy cho ma thật. -Ở đâu? -Có dịp tao giới thiệu cho, xinh lắm. -Thôi, bố mày xin mày, đm, lạnh lắm. Bất đắc dĩ thì không nói làm gì, đằng này mày như nhởn nhơ có ngày ma nó rủ mày làm bạn dưới âm ty đấy con ạ. -Cần gì phải xuống âm ty, giờ tao đầy bạn. – Tôi nhe răng cười. – Hôm nào mày thích tao giới thiệu cho, nhiều người vui tính lắm. -Thôi, tao lạy mày, mày để tao yên, tao yếu bóng vía lắm. -Thế thì đừng hỏi nhiều, hỏi nhiều đêm người ta đến thăm mày không chừng. Để R9 lại cửa hàng văn phòng phẩm, tôi đạp xe đi tìm mua bát hương, không khó để tìm mua một bát hương giống y hệt như cái đang để ở trong miếu của chị Đẹp - một bát hương màu trắng, không to không nhỏ, trên đó có những hoa văn màu xanh sậm. Tôi bỏ bát hương vào trong ba lô và mua thêm mấy thẻ hương, mấy thẻ hương này tôi sẽ mang về, bẻ đi phần lớn rồi mới đốt. Tôi muốn bà ngoại khi ra thắp hương sẽ khó nhận ra đây là một bát hương mới thay và vì thế cần phải có chân hương cắm sẵn, đã xác định xóa dấu vết thì phải làm cho giống nhất có thể. Hai đứa trở về làng lúc gần trưa, trời nắng gắt. Tôi đạp xe thẳng lên trên chùa tìm gặp sư thầy bởi vì việc bốc bát hương không phải là việc trong một sớm một chiều là xong. Dựng xe vào gốc cây xoài ngay góc sân chùa, tôi đi thẳng xuống ngôi nhà nhỏ nằm cạnh đầu hồi ngôi chùa làng, sư thầy đang ăn cơm. Bữa cơm đạm bạc trên cái mâm bằng gỗ, một đĩa rau muống luộc, một bát cà pháo, một bát nước canh rau muống màu xanh nhạt cùng một bát nước chấm từ muối có ớt, đều là những thứ có sẵn trong vườn chùa. -Gặp bữa, cháu ăn cơm với ta luôn chứ? -Cháu mới ăn chè khi nãy ạ. -Đừng khách sáo như thế, hay là chê cơm của nhà chùa? -Không, sao lại chê ạ. Ở nhà bà cháu cũng hay ăn như thế này mà. Sư thầy đứng lên đi lấy cho tôi một cái bát và đôi đũa, tôi không biết chạn bát nằm ở đâu nên đành ngồi chờ. Người già ngồi ăn cơm một mình kể ra là cũng buồn, đưa hai tay nhận bát cơm nóng mà sư thầy đưa cho, mời sư thầy ăn cơm xong thì tôi chan luôn nước rau vào bát và ăn cà pháo chấm nước muối ớt. Cà pháo thì ngon rồi, có điều có nước mắm ớt thì tuyệt vời luôn, nhưng không thể đòi hỏi ở chùa có nước mắm được. -Không quen chấm nước muối hả? -Nhập gia tùy tục ông ơi, bởi thế nên cháu không muốn trở thành nhà sư như ông. -Ha ha ha! – Sư thầy cười. – Thẳng thắn, rất thẳng thắn. Nhưng làm nhà sư và ăn giống như nhà sư cũng không có gì là khổ đâu cháu, cái gì ăn mãi rồi cũng sẽ quen. Có điều người ngoài nhìn vào thì lại cho rằng nhà sư khổ, ta lại thấy rất bình thường. -Cháu cũng thấy làm nhà sư khổ, phải kiêng khem đủ thứ. Cháu không nhịn ăn như thế được đâu. – Tôi vừa nói vừa cười, gắp thêm một quả cà pháo cho vào miệng nhai rau ráu. -Thế hôm nay lên gặp ta có chuyện gì nào? Cháu chẳng mấy khi tự nhiên đến chùa mà không có mục đích gì cả, ta nói có đúng không? -Dạ thì... -Ta lại đoán đúng hả? Thôi ăn mau đi. Ăn xong thì nói cho ta nghe, mà thi cử đã có kết quả hay chưa? Tôi lại kể cho sư thầy về việc thi cử của mình, từ hôm thi xong tôi chưa lên chùa, sư thầy vừa nghe vừa gật đầu, ra vẻ hài lòng. Người lớn nói chung luôn hài lòng với việc trẻ nhỏ ngoan và học giỏi, tôi luôn cho rằng như vậy. Có lẽ đã rất lâu sư thầy không có người ăn cơm cùng nên suốt bữa tôi thấy ông cười suốt, mặc dù chuyện tôi kể cũng không có gì hấp dẫn nhưng tôi nghĩ nội dung câu chuyện không quan trọng, quan trọng là nó được kể từ những người bạn quý mến. Tôi là một thằng bé được sư thầy quý mến - tôi tin là như vậy – nên hết lần này đến lần khác ông đều giúp tôi những việc khó cũng như giải đáp cho tôi những thứ hay. -Như cháu nói thì người ta lại nhắm đến cái miếu ấy à? Sư thầy hỏi tôi rồi đưa chén nước chè nóng lên miệng uống một ngụm nhỏ, tôi gật đầu thay cho lời đáp. -Như thế thì nguy đấy, điều ấy chứng tỏ rằng những người xấu đã xác định được thứ họ cần và sẽ làm đến cùng. -Ông có nghĩ ngôi miếu có giữ vàng bạc gì hay không? -Qua lời kể của các bà, các cụ hay lên chùa thì ta thấy làng mình đây có rất nhiều miếu nhỏ từ thời xa xưa lúc mới lập làng. Cũng có nhà đã từng mời thầy về xem vào đào thử nhưng có thấy cái gì đâu, chỉ đất là đất. -Nếu miếu ấy không có gì quý giá thì không lý nào bọn họ lại hết lần này đến lần khác nhắm đến ông ạ. Sư thầy thở dài một hồi rồi nói: -Ta hiểu chứ, nếu không có gì đó thì những người ấy không kiên trì đến vậy. Nhưng theo lẽ đó mà nói thì cháu hẳn phải là người rõ nhất có hay không, cháu có từng nghĩ đến việc thử đào hay không? -Cháu không! – Tôi trả lời dứt khoát. – Những thứ ấy không phải của cháu, nếu như có thì cháu lấy rồi thì biết làm gì? -Đấy, cuộc đời nó cứ tréo ngoe như vậy. Kẻ hữu duyên thì lại không cần, kẻ vô duyên lại cứ cố giành. -Cháu chưa hiểu ạ. -Nếu vô duyên mà cứ cố làm cho bằng được thì hậu quả sẽ nặng lắm, khó mà lường trước được. Kết cục của những kẻ đi tìm kho báu xưa nay chưa bao giờ tốt đẹp, của thiên lại trả địa. -Ông có quan tâm đến những thứ ấy không? Ý cháu nói là vàng bạc ấy ạ. -Ta hả? – Sư thầy lại cười. – Cháu nghĩ thử xem, ta đã làm nhà sư bao nhiêu năm nên vật chất không màng, lợi danh ta cũng không theo đuổi vậy thì ta cần vàng bạc đó để làm gì? -Nhưng nhà chùa cũng cần tiền chứ ạ? -Nhà chùa cần tiền, ai sống cũng cần tiền chứ không riêng gì nhà chùa cháu ạ. Nhưng Thần, Phật liệu có nhận những thứ bất minh đó hay không là một lẽ khác. Bao đời nay nhà chùa vẫn như vậy, chùa làng này cũng thế, như ta đây sống cũng cần phải có tiền nhưng dân làng lo cho ta rồi thì ta còn cần gì vàng bạc. -Nhà sư thật là phức tạp. Ông biết bao nhiêu thứ mà lại không dùng để kiếm ra tiền, những người kia cũng biết nhiều như ông và họ dùng vào việc bất lương. -Thiện và ác phân biệt bởi mục đích mà mỗi con người chúng ta theo đuổi. Ta đây thời còn trẻ cũng chọc trời khuấy nước, ngang dọc bốn phương nhưng khi gặp cơ duyên và có người giác ngộ ta đã từ bỏ tất cả để theo Phật. -Là... là ông trước đây cũng từng đi ăn trộm ạ? Câu hỏi của tôi làm sư thầy sặc nước, tôi nghệt mặt ra nhìn. Sư thầy dùng vạt áo lau miệng, nước mắt chảy ra không biết là vì cười hay vì sặc. -Sao... sao cháu lại nghĩ thế? Ta có nói ta từng đi ăn trộm bao giờ? -Ơ... tại ông bảo là ông từng chọc trời khuấy nước nên cháu tưởng... -Chậc, không phải như thế. Sư thầy giải thích cho tôi và kể ngắn gọn tiểu sử của ông, cũng không thể gọi là tiểu sử, chỉ là một mẩu chuyện nhỏ khi ông còn trẻ. Sư thầy quê ở một tỉnh trên mạn ngược, là con thứ tư trong gia đình có bảy anh chị em. Ông sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, xóm làng in dấu giày của giặc Pháp, cha của ông giúp đỡ những người làm cách mạng và sau đó theo lời kêu gọi của cụ Hồ chính thức đứng vào hàng ngũ Việt Minh chống Pháp. Lúc cha ông đi đánh giặc thì ông lên mười, hai anh chị lớn của ông cũng rời làng đi theo Việt Minh, ông còn nhỏ nên phải ở nhà. Một lần vô tình ông vào rừng đào củ thì gặp một ông lão bị thương do dính bẫy thú, ông đưa ông lão ấy về nhà và cùng gia đình giúp đỡ trị thương, trong quá trình nằm trị thương ở nhà ông, ông lão muốn cảm tạ ơn cứu giúp nên đã dạy võ nghệ cho mấy anh chị em của ông sư, trong số mấy anh chị em thì chỉ có ông sư là chịu học nên dần dà được ông lão chỉ bảo tận tình. Đến khi ông lão được chữa trị khỏi thì ông sư theo ông lão này bôn ba khắp nơi khi mới mười ba tuổi, dấu chân của ông đã đặt đến đất Lào và một số vùng ở Tây Nam Trung Quốc thời ấy. Trong suốt quá trình đi theo sự phụ, ông cũng được chỉ dạy tận tình, năm ông mười sáu tuổi thì sư phụ của ông qua đời ở nơi đất khách quê người. Chôn cất sư phụ xong thì ông tay nải trở về quê hương khi đó vẫn còn trong khói lửa của chiến tranh, tìm lại về làng cũ thì gia đình đã sơ tán đi nơi khác, nhắn nhủ vài lời với người ở địa phương rồi ông cũng rời đi. Ông sư không tham gia Việt Minh nhưng trên đường ngang dọc khắp vùng Tây Bắc, ông cũng giúp nhiều dân lành chữa bệnh, giúp cả bộ đội nếu có cơ hội. Trong một trận càn của giặc vào khoảng giữa năm 1953 – khi ấy ông mười bảy tuổi – ông đã ra tay cứu giúp, giải thoát một số người bị giặc áp giải trên đường, đó là lần đầu tiên tay ông vấy máu bốn mạng người, gồm một gã Tây mũi lõ cùng ba người cùng dòng máu, nhưng đấy là việc chẳng đặng đừng. Sau lần ấy, ông cũng tham gia đánh tập kích một số giặc đi lẻ để lấy vũ khí của địch trang bị cho đồng bào dân tộc, ông cũng hạ sát nhiều người hơn nhưng không cảm thấy áy náy bởi vì việc ông làm là góp phần đánh đuổi giặc ngoại xâm. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, sư thầy lúc này mười tám tuổi và lại tiếp tục rong ruổi, tuổi trẻ cộng với võ nghệ vốn có khiến ông thay đổi tính nết, có chút ngang tàng khi đánh bại nhiều người, tuy nhiên ông chưa hại đến dân lành, ông vẫn phân biệt được ranh giới thiện – ác. Một lần, ông gặp một nhà sư già trong một ngôi chùa nhỏ bên núi, nhà sư già ấy muốn ông ở lại canh chùa, thờ phật nhưng đời nào ông chịu. Trớ trêu thay, ông lại buông lời thách đấu với nhà sư nhà, nếu nhà sư già đánh bại được ông thì ông sẽ cạo đầu làm sư. -Cao nhân tắc hữu cao nhân trị! Ông sư lại cười và đưa chén nước chè lên miệng uống. -Ông không thắng được ông sư già ấy à? -Ban đầu ta nghĩ ta dư sức vì nhà sư cũng phải đến tám mươi rồi. -Ông mới chưa đến hai mươi mà không thắng được ông già tám mươi ư? -Ta còn chẳng có cơ hội chạm được đến vạt áo của ông ấy, đánh ra chiêu nào thì đều bị hóa giải, hết ngã sấp lại nằm ngửa, thua lấm lưng trắng bụng, chẳng còn mặt mũi nào. -Thế là ông phải làm sư? -À, thì ban đầu ta cũng chỉ nghĩ là làm sư canh chùa, tiện thể học võ nghệ của nhà sư già ấy, ông ấy già rồi sẽ mau đi gặp Phật Tổ, lúc ấy ta cũng mặc kệ ngôi chùa. -Ui... Cháu cũng nghĩ như thế. -Nhưng nhà sư già ấy sống lâu quá, ông cụ sống thêm đến mười năm nữa, gần chín mươi tuổi mới viên tịch. Ta ở mười năm trong núi mãi thành quen mà cũng chẳng hiểu mình ngấm Phật pháp từ bao giờ, âu cũng là số mệnh của ta. -Vậy trong mười năm ấy ông hẳn là học được rất nhiều thứ hay ông nhỉ? -À, ngoài việc tụng kinh niệm phật thì cũng học được vài thứ, gạo rang ta cho cháu cũng là một thứ ta học được từ sư phụ của ta. -Cháu nhớ... hình như lần trước cháu có chở một ông sư cũng già đến đây thăm ông... -À, đó là sư huynh của ta. Mà cháu cũng đang cầm một thứ của sư phụ ta đấy. -Cái gì ạ? Cháu... cháu cầm bao giờ? -Chính là thanh kiếm gỗ trừ tà! -Thanh... thanh kiếm? – Tôi há hốc mồm ngạc nhiên. – Thanh kiếm gỗ giống... giống đồ chơi ấy ạ? -Nó được gọt đẽo bằng tay nên không thể đẹp được nhưng nó là vật mà sư phụ ta đã truyền cho ta. -Ây ây! Cháu không làm sư đâu, cháu... cháu... để cháu về lấy trả ông. -Ha ha ha! – Sư thầy cười vang. – Ta có đòi đâu, ta cho cháu mượn, dùng chán thì trả lại ta, ta đâu có thu nhận đồ đệ. -Vâ... vâng! Thế thì được ạ! – Tôi toát mồ hôi hột. -Mà nhìn cháu cũng chẳng có thiên bẩm võ học, nếu có thì ta đã nhận từ lâu rồi chứ đâu đợi được. -Đúng... đúng! Cháu không có thiên bẩm võ học đâu. – Tôi quệt mồ hôi trên trán. – Vậy là... vậy là thanh kiếm gỗ ấy đã có từ rất lâu đời rồi ạ? -Chắc cũng không dưới trăm năm, thậm chí còn lâu hơn thế nữa. Sư phụ của sư phụ ta đã truyền lại thì ta nghĩ nó đã có từ rất lâu rồi. Đến đời ta chắc là thất truyền, ta không có đệ tử nào để truyền lại. -Ơ, ông có sư huynh, là ông sư già lần trước cháu gặp, ông ấy cũng không có học trò hay sao ạ? -Ta là học trò cuối cùng của sư phụ nên được truyền lại nhiều thứ tuyệt học, ta được dặn là chỉ được truyền lại cho người ta muốn nhận làm đệ tử chứ không được cho đệ tử của các sư huynh. -Nghĩa là... -Cháu không có thiên bẩm võ học nhưng nhìn sáng dạ lắm. Thế thời giờ đã đổi thay nhiều, võ học không còn được chú trọng nữa, người ta chú ý vào văn hơn võ, cũng không có gì là lạ cả. Thanh kiếm gỗ ấy từ khi nhận ta cũng chưa dùng mấy khi, đúng hơn là chẳng biết dùng nó vào việc gì, thi thoảng lấy cái... gãi lưng. Tôi nhăn mặt cười, thứ mà ma quỷ chào thua mà sư thầy lại dùng làm que gãi lưng. -Nhưng với một người giỏi mồm miệng và tư duy như cháu, thanh kiếm ấy có khi lại có tác dụng đấy. Ta cũng tò mò xem tác dụng thật sự của nó đến đâu mà sư phụ ta nói rằng nó là Cuồng Phong kiếm, ta thấy nó chẳng tạo ra cuồng phong bao giờ, sợ rằng sư phụ ta phút lâm chung già cả nên lẫn không chừng. Tôi gật gật cái đầu, hai mắt mở to. Tôi đã từng thử múa thanh kiếm gỗ loạn xạ rồi, quả thật là nó tạo ra gió bão thật, chả lẽ sư thầy lại không dùng được. -Cháu cứ để cái bát hương ở đây, tối thì lên mà lấy. -Tối nay ạ? -Ừ! -Sao nhanh thế ông? Cháu tưởng... -Có gì mà nhanh. -Nhưng... lần trước ông viết toàn chữ Hán giống như làm thơ phải không ông? -À đúng, hôm đó đột nhiên ta có hứng. -Lần này ông... ông đừng viết thơ nhé, chỉ bốc bát hương bình thường thôi ạ. -Sao nào? Vậy là có ai đó đọc được thơ của ta sao? -Điều này... -Thôi được rồi, ta hiểu, thơ của ta viết chỉ có vong mới hiểu, thế mà có người hiểu được cơ à? Sư thầy nhìn tôi tủm tỉm cười và đứng lên đi rót thêm nước nóng từ phích Rạng Đông vào ấm chè, tôi đáp lại bằng nụ cười ngượng nghịu. --- ***