Tôi đã rất nhiều lần nghe đồng bọn của người đàn ông này nói về việc ở vùng này, mà cụ thể là xã này không có thầy phù thủy nào nhưng những trận thua liểng xiểng của họ cùng với hao tổn về nhân mạng đã khiến nhóm người này luôn tò mò và thắc mắc. Tôi có thể là một đứa bé thông minh nhưng nếu không phải chính tôi đã từng đi thám thính hoặc đối mặt với vài thầy phù thủy trước đó thì không thể đoán trước được câu hỏi này. - Thầy phù thủy là gì ạ? – Tôi tròn mắt nhìn người đàn ông và hỏi ngược lại. - À, thầy phù thủy có thể hô mưa gọi gió, có thể đoán trước được tương lai, kiểu như vậy, thậm chí có thể là thầy bói. - Thầy phù thủy thì làng cháu không có đâu, làng cháu toàn người già với trẻ con là nhiều. Thầy phù thủy thì cháu không thấy nói tới bao giờ nhưng cháu có biết một thầy pháp. - Thầy pháp à? Ông ta là ai? – Người đàn ông vội đứng dậy khỏi cái ghế đang ngồi. - Nhưng câu vừa rồi có được một trăm nghìn không hả chú? Tôi chớp chớp đôi mắt ngay thơ hỏi lại, phải tỏ vẻ rằng mình rất thèm tiền. Người đàn ông vội vàng ra hiệu cho đồng bọn đưa cho tôi hai tờ năm mươi nghìn, tôi cầm lấy rất nhanh. - Ông ấy là người làng cháu, tên là Tr. đó chú. - Ồ, vậy là có thầy pháp nhỉ, nhà ông ta ở đâu? - Nhà ông ấy ở khu Si chú ơi. - Sao chú mày biết ông ấy là thầy pháp? - Câu này nữa là hai câu chú nhé? - Ừ, trả lời xong thì lấy hai lần tiền. - Ở làng cháu ai cũng biết ông ấy có thể sai được ma đi làm đồng, tát nước. Tôi trả lời xong thì cầm hai trăm nghìn, thế là đã được ba trăm rồi, lúc này càng láu cá thì càng có nhiều tiền. - Thảo nào, sai được cả âm binh đi tát nước thì không vừa, quả nhiên chân nhân bất lộ tướng. – Người đàn ông lẩm bẩm nói một mình. – Ngoài ra ông ta còn biết làm những gì nữa? - Cái này là cháu nghe nói thôi, ông ấy có thể tìm được mộ, người ta nói thi thoảng còn thấy ông ấy vung cái gì đấy ra ngoài sân. Cháu nhớ là gạo, bỏng ngô và cả vàng mã nữa thì phải. - Chú mày chắc chứ? - Ông ấy người làng cháu mà, cái này chú phải hỏi các cụ sẽ biết rõ hơn cháu nhiều. Tôi đưa hai tay lấy thêm hai tờ tiền màu xanh nữa, thế là được bốn trăm. Chả hiểu người lớn cứ bảo là tiền kiếm khó khăn mà sao tôi thấy kiếm tiền dễ ợt, chỉ cần khéo miệng một tí thôi là đã có cả chỉ vàng chứ ít gì. - Ông ta bao nhiêu tuổi rồi? Có chịu giúp người làng khác không? - Cái này là tính hai câu hay là một câu hỏi ạ? - Mày đưa luôn cho nó năm trăm, rách việc. – Ông ta nói với người đàn ông đang cầm tiền. – Tính cho mày hai câu luôn. - Ông ấy hơn bà cháu năm tuổi, như vậy là bảy mươi mốt tuổi, kể cả tuổi mụ. Cháu không thấy ông ấy giúp ai bao giờ vì cũng kín tiếng lắm, cổng nhà lúc nào cũng đóng, trẻ con không được bén mảng vào nhà ông ấy. - Tôi trả lời hai câu hỏi và đưa ra một gợi ý khác. - Ông ấy hay đi đêm. - Hả? đêm ông ấy đi đâu? - Cũng lâu rồi, có một lần cháu đi xem văn nghệ ở bên xã về. – Tôi nhăn mặt nhìn lên trần nhà cố nhớ. – Đúng rồi, đợt ấy là 20 – 11 năm cháu học lớp 7 ấy. Khoảng hơn chín giờ tối cháu đạp xe về qua nghĩa địa chỉ thấy ông ấy đi bộ vào. Cháu thấy lạ nên có quay lại xem thử. - Chú mày còn bé chả lẽ lại không sợ ma, thế chú mày nhìn thấy cái gì? - Ông ấy ngồi gần cái điếm trong bãi rồi thắp hương khấn vái gì đấy cháu không biết, còn múa nữa, như này này. Tôi đưa hai tay làm điệu bộ như múa, tuy chả đâu vào đâu nhưng có vẻ rất thuyết phục những người đang xem. Ngay cả bốn người đàn ông ngồi dưới chiếu cũng đã ngưng việc chơi bài và nhìn tôi không chớp mắt, tôi cũng chú ý thấy họ giao tiếp với nhau bằng ánh mắt rất nhanh, chỉ như vậy thôi là tôi đoán biết rằng câu chuyện của mình đang rất thu hút rồi. - Chú mày có thấy cái gì lạ không? - Câu này không tính là câu hỏi chú nhé. – Tôi đưa tay phải lên cằm ra điều đang nhớ lại. - Cháu thấy có gió, nhưng mà gió chỉ ở đoạn đấy thôi chứ cháu đứng ở gốc cây ngoài nghĩa địa thì chẳng thấy có cơn gió nào, cây cối vẫn im phăng phắc mà. - Còn chuyện gì liên quan đến ông ấy mà chú mày biết? - Cháu thì biết ít thôi mà, câu này là câu cuối chú nhé. – Tôi nói dứt câu thì nhìn ra cổng, nhìn ra sau lưng rồi nói nhỏ. – Có lần dân quân làng cháu phát hiện ở ngoài nghĩa trang có rất nhiều vàng mã rải lung tung nên tăng tường tuần tra, một đêm còn nổ súng chỉ thiên ở ngoài bãi tha mà chẳng bắt được ai. Những người khác nghe tiếng súng thì từ làng chạy ra thấy mấy anh dân quân cứ đứng im như tượng, ngây ngô đến mãi trưa hôm sau mới tỉnh. Cả làng cháu người ta kháo nhau là bị ma che mắt hay gì đấy. - Chú mày chắc chứ? - Cái này thì cháu chắc, thằng bạn cháu cũng biết kìa, cháu nhớ hôm ấy là Chủ nhật, dân làng bu đen ở cổng hội trường. Chú không tin thì cứ tiện miệng hỏi ai người ta cũng biết việc này, sau đợt ấy mấy anh dân quân bị khiển trách vì nổ súng bừa bãi. Có một lần cháu đi cùng với các anh ấy đi tuần vì có anh họ cháu làm dân quân, lại thêm một lần nổ súng nữa bắn hụt một bóng người chạy nhanh như gió. - Chú mày lại thêu dệt rồi, người già làm sao mà chạy nhanh được như thế. - Cháu biết đâu đấy, hôm sau loa truyền thanh của thôn còn phát thông báo cho dân trong làng đi kiểm tra mồ mả tổ tiên đấy chú ạ, không đùa được đâu. Mấy anh dân quân làng cháu bây giờ cứ nghe đến thầy pháp là cay cú vì bị khiển trách mấy lần vì bắn súng bừa bãi. Anh họ cháu còn bảo là nếu gặp nữa thì bắn thẳng luôn chứ không bắn chỉ thiên nữa. - Phải bắn ba phát chỉ thiên mới được bắn thẳng, mày trẻ con biết cái gì. - Chú này, đêm hôm ai biết phát nào là chỉ thiên, phát nào là bắn thẳng? Anh cháu nói là nếu vô tình một viên bắn được thì nổ thêm vài viên khác nữa, chả có nhân chứng thì chả sao. Các chú có biết là làm dân quân cả năm được bao nhiêu thóc không? Mấy người đàn ông đồng loạt lắc đầu. - Hình như được một tạ, được mỗi chừng ấy mà làm kiểm điểm thì sẽ bị trừ đi, ai chả tức. Cháu lớn lên sẽ không làm dân quân đâu. Người đàn ông đặt câu hỏi với tôi từ nãy đến giờ đưa một điếu thuốc lên miệng và bật lửa, ông ta hít vài hơi, khói mù mịt. Một tay đút túi quần, một tay cầm điếu thuốc, ông ta đứng ở gần cửa ra vào nhìn ra ngoài đường im lặng suy nghĩ, những người khác cũng không nói gì thêm. Tôi chả quan tâm, tôi lấy bốn trăm nghìn ra gộp với số năm trăm nghìn đang cầm, tổng cộng là chín trăm nghìn tất cả, hai chỉ vàng đấy, nói láo mà có hai chỉ vàng. - Chú mày còn biết thêm chuyện gì nữa? Kể bọn tao nghe thêm đi, xem như khuyến mãi cho bọn tao xem nào. Ông ta vứt điếu thuốc đang cháy dở ra ngoài sân rồi quay lại nói với tôi, tôi kể vu vơ thêm vài chuyện không đầu không cuối, toàn kiểu nghe nói, nghe kể. Hàng khuyến mãi thì làm sao mà hấp dẫn được, người đàn ông cũng là một tay ranh ma, ông ta nhếch mép cười và bảo đồng bọn đưa thêm cho tôi một trăm nghìn nữa. - Chú mày có vẻ thích tiền, tiền bọn tao không thiếu, cái bọn tao cần là những thông tin giá trị, chú mày cầm tiền cũng không nên bép xép làm gì, cẩn thận mang họa vào thân đấy. - Cháu chả biết gì, từ nãy các chú hỏi cái gì cháu cũng không biết luôn. – Tôi vừa nói vừa gật đầu ra vẻ sợ sệt. - Câu hỏi cuối, tại sao trước nay không nghe ai nói về ông này? - Dạ, ông ấy ban ngày ở trong buồng, bà cháu bảo là phải đến hơn hai mươi năm rồi chưa thấy ông ấy ra đường vào ban ngày chú ạ. Buổi tối thì có đi chơi chỗ nọ chỗ kia, đám cưới hay đám ma ông ấy cũng chả đi mấy khi đâu, dần dần người làng cũng quên luôn, y như ông ấy chết rồi ấy. - Thế sao chú mày biết về ông ta, ngoài việc bà chú mày kể? - Nhà bạn cháu có một đứa ở gần sát vách mà, thằng đấy nó sợ ma lắm. Nó học dưới cháu một lớp mà tuần trước đã đi Hà Nội với bố mẹ nó rồi chứ không hôm nay cháu cũng rủ nó đi cùng. - Nãy chú mày bảo là nhà ông ấy ở khu Si nhỉ? - Vâng! - Rồi, tạm thế, hôm nay chú mày thu hoạch cũng khá rồi, cảm ơn chú mày đã kể. Về đi, thằng bạn chú mày đang chờ ở ngoài kia kìa. - Các chú có muốn biết thêm thì gọi nó vào hỏi, có khi nó lại biết những chuyện khác ấy chứ. - Thôi, bọn ta biết vậy là đủ rồi, có gì ta sẽ vào gặp ông ấy để nhờ tí việc. - Dạ, thế cháu xin phép, cháu chào các chú cháu về ạ. Tôi cúi đầu tươi cười chào từng người rồi lui ra cửa mới quay lưng đi, tôi phải có nhịn không bật cười. - “Các ông vào mà tìm, ông cụ ấy mất chắc cũng phải hơn hai mươi năm rồi chứ gì, phải té khỏi đây trước khi bị táng cho một trận.” - Mày cười cái gì thế? - Không có gì, té mau, lưng tao đang lạnh lắm. R9 không hiểu lời tôi nói nhưng cũng quay xe chở tôi về, tôi bảo nó đi đường trong làng thay vì đường cạnh con mương Khoai, tôi sợ họ ngồi trong nhà có thể nhìn thấy bọn tôi đạp xe đi ngang qua. R9 chở tôi về nhà, trên giỏ xe của nó đã có mấy chai Coca và đá cục, thêm cả gói bánh bích quy nữa, thằng như vậy là khá biết điều, nhưng mà hai trăm chưa to đâu. - Hè này mày ở nhà hay đi đâu? - Thì ở nhà thôi, xem tivi, vẽ vời các kiểu. R9 vừa nói vừa đưa lại cho tôi số tiền gần hai trăm nghìn, nó nói: - Hôm trước mượn mày chưa trả nay tao trả luôn, còn lại là phần của mày. - Thôi mày cầm lấy. – Tôi gạt tay nó ra. – Hè ở nhà còn có tiền mà tiêu. Tôi rút từ túi quần ra trước con mắt ngạc nhiên của R9, tôi đếm mười tờ rồi đưa cho nó: - Cầm lấy xài chơi, tiền ngu đấy! - Tiền... tiền ngu là như thế nào? - Là tiền của những người ngu cho tao nên tao gọi là tiền ngu, nó khác với tiền của tao là tiền khôn mày hiểu không? Tôi vừa nói vừa cười khoái trá trước con mắt ngơ ngác của thằng bạn, tôi bước vào nhà, nó vội dựng xe vào ụ rơm rồi chạy theo tôi như muốn hỏi, tôi phải nháy mắt ra hiệu vì bà tôi đang chờ cơm. - Mày ăn cơm luôn đi, ăn xong tao kể chuyện vui mà nghe. Dưới gốc cây vối cùng với mấy chai nước và gói bánh bích quy, tôi gác chân lên cái ghế nhỏ và kể lại cho R9 câu chuyện bạn nãy, nó cứ luôn miệng cảm thán. Dĩ nhiên, tôi cũng dặn nó cẩn thận tránh mặt những người ấy vì họ sẽ làm điều gì mờ ám ở làng chưa rõ, nếu gặp thì kiểu gì họ cũng truy tôi bằng được. Tiền đối với họ chả đáng là bao nhiêu nhưng cảm giác bị một thằng oắt con dắt mũi là rất khó chấp nhận. Kết thúc câu chuyện, R9 đi lấy cho tôi cái tượng đất sét, tôi vào nhà lấy rượu ra lau sạch những ký tự còn sót ở sau lưng. Trời nhá nhem tối thì tôi mang bức tượng ra chôn giấu cùng một chỗ với hai bức tượng trước đó, thế là có tới ba ông Tam, chả biết có còn thêm ông nào nữa hay không nhưng đặt tên cho ông này như thế nào thì tôi không có kinh nghiệm. Chị Ma là đại ca nên sẽ quyết định việc này. - Ta nghĩ ông mới này nên gọi là ông Ba Ba đi! Chị Ma phán một câu xanh rờn khi trời vừa tối, ba ông Lê Tam đứng thành một hàng ngang, thật khó mà phân biệt ông nào vào ông nào. - Ba ba là tên một con... – Ông Lê Tam nói. – Tiểu thư có thể đặt một tên khác được không? Dù sao đây cũng là ta. - Tam là ba mà ba cũng là tam. Bây giờ các ông có đủ cả ba luôn ta cũng không biết nên goi như nào cho hợp. Hay là Tam Tam? - “Tam Tam” cũng là “Ba Ba”, thưa tiểu thư! Mặt ông Lê Tam méo xệch, hai ông còn lại chắc cũng chẳng có thêm ý kiến nào khả thi hơn. - Thôi thế này nhé, ta sẽ gọi là Lê Tam, Lê Ba, Lê Tam Ba được chưa? Như thế là không giống con ba ba nữa. - Vâng, xin nghe theo tiểu thư. – Mặt ông Lê Tam giãn ra. - Liệu có còn ông nào là Lê Tam Tứ nữa không? – Chị Ma nhìn ba ông một lượt rồi hỏi. - Theo như ta biết thì chỉ có ba phần này do xương cốt phần lớn hóa thành đất cả rồi. – Ông Lê Ba giải thích. – Ta hận đám thầy phù thủy này đến tận xương tủy, nếu có cơ hội thì ta muốn phanh thây chúng ra thành trăm mảnh. - Nếu đã tìm được đủ ba phần của xương cốt thì các ông tính khi nào rời đây về lại “nhà”? - Thưa tiểu thư, chỉ cần mang ba bức tượng này chôn lại nơi mộ phần của ta là được. Chỉ có điều từ đây đến nơi đó không phải là gần. - Nơi đó ở đâu hả ông? Lúc này tôi mới lên tiếng hỏi ông Lê Tam, từ đầu câu chuyện tôi chỉ đứng để nghe. - Thăng Long thành! - Thế là ở Hà Nội ư? Như thế cũng không tính là xa đâu. - Ta sẽ tìm cách chỉ cho cháu nơi đó ngay khi có cơ hội, cháu có thể dựa vào đó mà tìm mộ phần nhưng ta nghĩ không đơn giản như vậy. - Cháu nghĩ cũng nên thử, đi mới biết được. Hà Nội tuy lớn nhưng dễ tìm địa chỉ hơn cả ở quê đấy ông ạ. - Được, chúng ta sẽ chỉ cho cháu khi nào cháu đi ra nơi ấy. Còn trước mắt, để tạ ơn đã cứu giúp thì bọn ta muốn ở lại đây chống lại những tên ác ôn kia. - À, nói mới nhớ. Cháu cũng đang tính ra thám thính thử xem tối nay cái người đầu trọc kia đã trở lại hay chưa, ông Ba biết mặt, ông Tam Ba chắc cũng biết mặt người đó. - Đúng, ta có biết mặt hắn. – Lê Tam Ba, vị tướng quân họ Lê cuối cùng cũng mở lời xác nhận điều tôi vừa nói. - Vậy chúng ta đi. Chị Ma khoát tay ra hiệu và quay người bước ra phía cổng nhà, tôi lật đật chạy theo gọi: - Chị đại ca, chị đại ca! - Em không còn từ nào khác để gọi cho hay hơn à? Cái gì mà “chị đại ca”? - Thi thoảng gọi thay đổi như thế cho có màu sắc thôi mà, Ngọc Hoa là tên húy em chả dám gọi, hì hì. - Lắm chuyện! Chị Ma đi đầu tiên, tôi đi giữa còn hồn ma của ba vị tướng dung mạo y hệt nhau đi sau cùng, thi thoảng tôi quay lại nhìn ba người và cười vì đây đúng là chuyện lạ, không phải là sinh ba mà là thuật phân thân như trong truyện tôi có đọc thấy, có dịp tôi sẽ rủ R9 xem thử cho nó ngạc nhiên chơi. - Bọn nó đang ngồi ăn cơm ở trong nhà. Tôi và mọi người đi gần đến cầu Đình thì ông Tam đuổi kịp thông báo tin tức vừa quan sát được. - Có ai đầu trọc không ông? - Vẫn là sáu đứa hôm qua, không thấy có ai đầu trọc. - Thế là ông ta chưa quay lại, tối nay lại không thu được gì hay ho rồi. - Nếu tên đầu sỏ chưa quay lại thì tiện tay tiễn bớt đám tượng đất sét. – Chị Ma quay sang hỏi ông Tam Ba. – Ông có chắc rằng những tượng khác đều là người Tàu? - Thưa tiểu thư, đúng là như vậy. – Ông Tam Ba đáp lời. – Không phải tất cả các vong hồn bị yểm đều quy phục thằng thầy đó nhưng chẳng thể làm gì được. Vong hồn người Tàu cũng là vong hồn, an nghỉ rồi thì không muốn làm những việc ám muội như này. Tiểu thư nghĩ mà xem, thân là võ tướng, có người chỉ huy thiên binh vạn mã mà bây giờ phải cúc cung tận tụy phục vụ cho một đứa đáng tuổi cháu chắt đi ăn trộm, thanh danh còn đâu nữa? - Ta cũng hiểu điều này nhưng ta không thể biết được ai ngay ai gian mà giúp, ông mới nhập hội nên chưa biết nhiều chuyện. Ta có thù với Minh triều, nếu là vong Minh triều thì ta diệt không tha. - Hay mình tìm cách giải thoát cho những vong linh đó hả chị? Tôi chạy lên trước, đi giật lùi và nói với chị Ma cũng như ba vị tướng cùng nghe. - Ý kiến này cũng không phải là tệ nhưng làm sao biết nên giúp ai và diệt ai? Chị Ma hỏi lại tôi, tôi dừng lại ven đường khi còn cách ngôi nhà cần thám thính một đoạn, bởi vậy ma cùng dừng lại gần chỗ tôi để cùng bàn luận trong bóng tối. Tôi cung cấp thông tin mình thu nhặt được đấy là có một thùng carton lớn đựng tượng, xếp cẩn thận theo hàng lối. Tổng số tượng có bao nhiêu thì tôi không biết nhưng tổng thiệt hại là sáu, bao gồm cả tượng ông Tam Ba mà tôi thó được vào sáng nay. Tiêu hao sinh lực đối phương, giảm số lượng âm binh võ tướng của đối phương xuống trong khi gã đầu sỏ vắng mặt là một kế hoạch rất hay. Sau cùng, chúng tôi quyết định rằng sẽ giải thoát hết các tượng đất, ai theo phe mình thì mang tượng đi giấu, vong nào không theo thì tiêu diệt tại chỗ. Những thông tin mà ông Tam Ba – người mới gia nhập hội những vong hồn làng Bưởi Cuốc – cung cấp mang lại nhiều giá trị, đặc biệt là số lượng âm binh võ tướng và khả năng, nguồn gốc... của từng vong. Bàn bạc xong xuôi, chúng tôi không đến ngôi nhà sáu người đàn ông đang ở mà quay ngược lại đi hướng Cầu Khoai, tất cả các lực lượng sẽ tập hợp tại nơi này. Chị Ma đi gặp ngài tuần đinh, ông Ba đi triệu tập nghĩa binh khăn trắng, ông Tam cưỡi ngựa lên huyện gọi thêm binh mã. Ông Tam Ba còn lạ nước lạ cái nên đi theo sau tôi, tôi phải đến Cầu Khoai để triệu tập đội Cầu Khoai thông báo tính hình, trên danh nghĩa tôi vẫn chỉ huy một đội toàn người già em nhỏ, không khác gì làng tôi trên dương thế. Người xưa có câu “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”, bây giờ tôi gần làng nên phải huy động tất cả nguồn lực có thể để đảm bảo một trận thắng. ---
Quỷ là gì , quỷ là đồ chơi là vật buôn bán của ta mà thôi