Bàn Có 5 Chỗ Ngồi

Chương 7



Từ hôm phát hiện ra Kim Hà là tác giả của hai bài thơ "hại" tôi, trong đầu tôi lúc nào cũng loay hoay những ý nghĩ trả đũa.

 

Nhưng tính tới tính lui hoài mà tôi vẫn chưa nghĩ ra cách trả đũa nào thích hợp. Nó là con gái, không thể dùng vũ lực với nó như đối với thằng Chí được. Nó lại là lớp phó trật tự, lơ tơ mơ một chút là chết với nó liền.

 

Rốt cuộc, tôi chọn phương pháp trả đũa an toàn nhất: dùng vũ khí của nó để đập lại nó. Cái gì chớ làm thơ đối với tôi là chuyện dễ như bỡn. Thuở nhỏ, tôi đã từng say mê đọc Lục Vân Tiên bỏ ăn bỏ uống đến nỗi má tôi phải lấy cuốn sách giấu đi. Đọc Truyện Kiều, tôi khoái Từ Hải:

 

Râu hùm, mày én, mày ngài

Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao

Đường đường một đấng anh hào

Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài

 

Mỗi khi đọc lên, tôi nghe "đã" hai cái lỗ tai làm sao ! Nhưng tôi thích nhất là Chinh Phụ Ngâm. Tôi khoái những câu thơ như:

 

Chín tầng gươm báu trao tay

Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.

 

hoặc:

 

Giã nhà đeo bức chiến bào

Thét roi cầu Vị ào ào gió thu.

 

Nhưng cái làm tôi mê Chinh Phụ Ngâm là thể thơ song thất lục bát. Tôi thấy thể thơ này nó hay hay, ngồ ngộ, đọc lên nghe êm tai làm sao. Tôi cũng đã từng làm cả chục bài theo thể thơ

này gởi báo Khăn Quàng Đỏ. Tuy báo Khăn Quàng Đỏ chưa đăng của tôi bài nào nhưng đã ghi tên tôi vô mục "Hộp thư nhận được" mấy lần rồi. Chỉ riêng cái khoản đó, tôi cũng đã ăn

đứt nhỏ Kim Hà. Nó làm gì mà được đăng tên lên báo! Đó là chưa kể nhà tôi còn có cả một tập Thơ Ca Cách Mạng dày cộm, rồi nguyên một tập Thơ Tố Hữu của Nhà xuất bản Giáo Dục, in giấy trắng đàng hoàng.

 

Với "vốn liếng" dồi dào đó, tôi thừa sức tính chuyện phục thù.

 

Nhỏ Kim Hà thuộc tổ bảy. Nó ngồi ở đầu bàn dãy thứ hai bên kia, đối diện với thằng Chí, tức là ngay trong tầm quan sát của tôi. Nhưng muốn làm thơ "đập " nó thì phải tìm ra khuyết điểm của nó.

 

Ngày nào tôi cũng chong mắt về phía tổ bảy rà qua rà lại như máy rà mìn mà chẳng phát hiện được một sơ hở nào ở Kim Hà. Về trật tự, đương nhiên nó là "số một" rồi. Về học tập, nó lại là học sinh giỏi ba năm liền. Ở các mặt khác cũng vậy. Nằm trong ban cán sự lớp và ban chỉ huy chi đội nên việc gì nó cũng gương mẫu đi đầu. Khó ai moi được khuyết điểm của nó. Trong suốt mười ngày liền, tôi chẳng tìm được một đề tài nào về đối thủ để làm thơ.

 

Trong lúc tôi hoàn toàn tuyệt vọng, định gạt phắt chuyện phục thù ra khỏi đầu óc để tập trung vô việc học tập, thì bỗng xảy ra một sự kiện đáng mừng.

 

"Đối thủ" của tôi, khi bước ra khỏi bàn lên trả bài sinh vật của thầy Hiển, không biết lóng ngóng làm sao mà vấp phải chân bàn ngã "oách" xuống đất khiến cả lớp cười rầm. Trong khi nó lóp ngóp bò dậy, mặt đỏ tới mang tai thì tôi sướng rơn trong bụng. Thế là tôi có ngay một đề tài: "Cô bé chụp ếch".

 

Ngay buổi học nhóm hôm sau, tôi lôi kéo Bảy và Quang vào âm mưu phục thù của tôi. Tôi đề nghị mỗi đứa sẽ lần lượt đặt một câu thơ cho bài "Cô bé chụp ếch".

 

Thoạt đầu Quang không chịu. Nó nói:

 

- Kim Hà đâu phải là đứa xấu mà đặt thơ châm chọc nó.

 

Tôi quắc mắt:

 

- Nhưng nó là Kiến Lửa. Nó đốt bậy!

 

Quang khăng khăng:

 

- Nhưng bài thơ đó đã xé bỏ rồi!

 

Cái thằng tự nhiên lại đâm ra cứng đầu! Tôi đành phải thuyết phục nó bằng cách khác:

 

- Thiệt ra chuyện châm chọc Kim Hà là chuyện phụ. Cái chính là mình tập làm thơ. Học sinh muốn giỏi văn phải tập làm thơ, mày hiểu chưa ?

 

Thằng Quang nghe nói đến "giỏi văn" y như con nít nghe đến kẹo. Nó xiêu liền:

 

- Vậy thì được!

 

Bảy thì đồng ý ngay từ đầu. Không phải nó ghét gì Kim Hà mà vì nó tò mò, muốn làm thơ thử một lần cho biết.

 

Muốn cho Bảy và Quang cộng tác, tôi lại phải giảng giải cho hai đứa biết thơ song thất lục bát là gì, câu nào bảy chữ, câu nào tám chữ, rồi chữ nào ăn vần với chữ nào, đủ cả đầu đuôi xuôi ngược.

 

Thấy nói đến ráo nước miếng mà hai đứa vẫn ngồi ngơ ngơ ngác ngác, tôi tức mình lấy cuốn Chinh Phục Ngâm ra đọc cho chúng nghe để dẫn chứng.

 

Tôi mới đọc được vài ba câu thì Bảy ngắt ngang:

 

- Thôi, mày cho tao mượn về nhà đọc đi!

 

Tôi cụt hứng, gắt:

 

- Mày nghe không lo nghe, cái gì cũng đòi mượn về nhà!

 

Bảy cười hì hì:

 

- Đem về nhà tao mới nghiền ngẫm kỹ được chớ nghe mày đọc loáng thoáng tao đâu có nhớ.

 

Quang sợ mất phần, hùa theo:

 

- Tao nữa! Thằng Bảy coi xong, mày cho tao mượn nghen!

 

Thấy hai đứa mỗi lúc một lạc đề, tôi vội gấp cuốn sách lại, tuyên bố:

 

- Khi nào làm xong bài thơ "Cô bé chụp ếch", tao sẽ cho tụi bây mượn.

 

Quang láu táu:

 

- Ừ, làm lẹ lẹ đi!

 

Thế là tôi biến buổi học văn thành buổi làm thơ đả kích nhỏ Kim Hà.

 

Tôi đằng hắng lấy giọng rồi đọc câu đầu:

 

- Có cô bé tính hay bộp chộp.

 

Quang vỗ tay khen:

 

- Hay quá!

 

Tôi cưới khoái chí:

 

- Hay gì mà hay! Tụi mày làm tiếp câu thứ hai đi!

 

Bảy và Quang thừ mặt ra nghĩ ngợi. Bảy thì nhăn mày nhíu trán y như đang làm hề trên sân khấu. Còn Quang thì hết gãi đầu đến gãi cổ làm như câu thơ nấp đâu chỗ đó vậy. Tôi ngồi chờ sốt cả ruột mà hai đứa vẫn chưa "rặn" ra được một chữ nào, trong khi trong đầu tôi nảy ra một lúc hai, ba câu, câu nào cũng hay.

 

Chờ thêm một lúc, chịu hết nổi, tôi liền thúc:

 

- Nghĩ lẹ lẹ lên chớ! Làm thơ mà như tụi mày thì một năm chưa được một bài.

 

Quang tặc lưỡi:

 

- Tao nghĩ ra lâu rồi nhưng không biết có đúng không nên tao chưa dám nói!

 

Tôi sáng mắt:

 

- Đâu ? Mày đọc thử nghe coi! Đọc cả câu đầu nữa!

 

Quang ngập ngừng một thoáng rồi đọc:

 

Có cô bé tính hay bộp chộp

Tự nhiên té nhủi giữa đường lăn quay.

 

Đọc xong, nó nhìn tôi với vẻ dò hỏi. Tôi nhăn nhó:

 

- Tao nói rồi mà mày không chịu hiểu gì hết. Thơ song thất lục bát là phải làm xong hai câu bảy chữ rồi mới tới hai câu sáu tám. Tao làm một câu bảy chữ thì mày phải làm tiếp một câu bảy chữ nữa mới đúng, sau đó mới tới một câu sáu, một câu tám. Ở đây, mới vô đề chưa chi hết mày đã nhảy phóc ngay xuống câu tám đâu có được!

 

Thấy tôi nổi nóng, nó liền đề nghị:

 

- Vậy thì mày bỏ bớt chữ cuối đi! Còn lại đúng bảy chữ.

 

Nó đề nghị mà y như chọc tức tôi. Tôi hét ầm lên:

 

- Thơ gì kỳ vậy ? Vậy là câu thơ thành "Tự nhiên té nhủi giữa đường lăn" hả ?

 

Biết mình sai, Quang ngồi im re. Tôi ngó Bảy:

 

- Sao, mày làm được câu nào chưa ?

 

Thấy tôi hét thằng Quang dữ quá, Bảy rụt rè:

 

- Rồi, nhưng... không biết đúng hay sai, để tao đọc thử mày nghe... À, à... nó như vầy... "Có cô bé tính hay bộp chộp. Vấp chân bàn, cô té thiệt đau".

 

Cũng như Quang, sau khi đọc xong câu thơ mình sáng tác, Bảy nhìn mặt tôi thăm dò phản ứng.

 

Thấy tôi ngồi im, nó mừng lắm, hỏi:

 

- Làm vậy đúng không, mày ?

 

- Đúng cái khỉ mốc!

 

Tôi bực mình "đốp" một phát khiến Bảy chưng hửng. Thực ra, câu thơ của Bảy có khá hơn của Quang chút xía, nhưng cũng không đạt yêu cầu. Thấy hai "học trò" của mình chậm hiểu quá xá, tôi đâm nản không thèm hò hét như khi nãy khiến Bảy tưởng bở.

 

- Tao đã nói là chữ cuối của câu bảy trên phải vần với chữ thứ năm của câu bảy dưới! - Tôi giải thích - Ở đây, chữ cuối câu bảy trên là "chộp" thì chữ thứ năm câu bảy dưới phải là chữ nào có vần "ộp" hay "ốp" mới được. Mày lại chơi chữ "té" nghe chẳng giống ai.

 

Bảy chừng như hiểu ra, nó gật gù:

 

- À, à, tao nhớ rồi. Mày có nói mà tao quên mất. Thôi để tao làm lại câu khác.

 

Tôi khoát tay:

 

- Thôi khỏi! Để mình tao làm được rồi!

 

Buổi "tập làm thơ" kết thúc một cách đáng buồn, thật chẳng bì với những buổi tập làm văn. Sau khi "đuổi" hai ông bạn quí ra về, tôi quay vô với bài thơ dang dở của tôi.

 

Nhẩm tới nhẩm lui, tẩy tẩy xóa xóa một hồi, tôi cũng làm xong bài thơ. Tôi đọc đi đọc lại một cách khoái trá:

 

Có cô bé tính hay bộp chộp

Vậy cho nên té độp giữa đường

Thật là một chuyện phi thường

Con gái mà té khó thương quá chừng

Cô bé đó tự xưng là kiến

Sẽ có ngày bị liệng xuống ao

Dù cho vùng vẫy thế nào

Con kiến cũng chết vì nào ai thương!

 

Ở hai câu chót, tôi biết lặp lại hai chữ "nào" là không hay lắm nhưng chẳng nghĩ ra được chữ nào hay hơn. Lúc đầu tôi định viết "Con kiến cũng chết vì ao nước đầy", nhưng câu này không "ác liệt" bằng câu kia. "Vì nào ai thương" nói lên được sự không ưa của cả lớp, hoặc ít ra là của tôi và thằng Chí, đối với "đối thủ".

 

Sau khi ngâm nga chán, tôi lại loay hoay vắt óc cố nghĩ một bút hiệu cho oai, không oai hơn thì ít ra cũng oai bằng Kiến Lửa. Lúc đầu, tôi định lấy bút hiệu là Ong Vò Vẽ. So với kiến lửa thì ong vò vẽ chích đau gấp triệu lần. Nhưng kẹt một nỗi, ong chích ai thì chích chứ không khi nào chích kiến. Như vậy thì Kiến Lửa đâu có ngán. Tôi định lấy bút hiệu là Ao Hồ, vì kiến rất sợ nước, bị liệng xuống ao thì chìm lỉm liền. Bút hiệu này còn có cái hay là ăn khớp với nội dung của bài thơ. Nhưng suy đi tính lại, tôi thấy chữ Ao Hồ không oai chút nào, lại có vẻ mất vệ sinh làm sao! Tưởng bí, không dè tôi sực nhớ ra kiến cũng kỵ lửa. Thế là ngay lập tức, tôi chọn bút hiệu Lửa Thần. Lửa thường mà đốt, kiến cũng chết trụi nữa là lửa thần!

 

Tôi hồ hởi mang bài thơ của Lửa Thần tới lớp đưa cho nhỏ Kim Liên, yêu cầu nó đăng ngay ngày mai. Tối đó, tôi trằn trọc hoài không sao ngủ được. Tôi cười thầm trong bụng khi nghĩ đến cảnh cả lớp xúm quanh bài thơ của tôi vừa đọc vừa cười ầm ĩ, còn nhỏ Kim Hà thì ngồi gục mặt xuống bàn khóc sưng cả mắt.

 

Ngày hôm sau, tôi tìm mỏi con mắt trên bản tin nhưng chẳng thấy bài thơ tôi đâu. Tôi bực lắm nhưng ráng nhịn. Bởi vì năm ngoái khi còn làm chủ bút bản tin, tôi cũng đã từng "ngâm" bài của tụi bạn đến ba, bốn ngày sau mới đăng, vì phải đăng lần lượt theo thứ tự ngày gởi.

 

Nhưng rồi ba, bốn ngày trôi qua, rồi một tuần lễ mà bài thơ của tôi vẫn mất tích một cách bí mật.

 

Không dằn lòng được nữa, tôi chạy đi tìm nhỏ Kim Liên, cự nự:

 

- Bạn bỏ bài thơ của tôi đâu rồi ? Sao chưa chịu đăng lên ?

 

Nó đáp tỉnh khô:

 

- Bài đó không đăng được!

 

Tôi giận tái cả mặt:

 

- Sao không đăng được? Bạn đừng ỷ mình phụ trách bản tin rồi muốn làm gì thì làm! Thơ của Kim Hà dở ẹc bạn cũng dán lên, còn thơ của tôi đúng vần đúng luật thì lại không đăng! Rõ ràng là bạn thiên vị!

 

Kim Liên phớt lờ sự kết tội của tôi, nó nói:

 

- Thơ của bạn đúng là hay hơn thơ của Kim Hà. Nhưng thơ của bạn đả kích cá nhân chớ không phê bình để tiến bộ, tôi nhất quyết không đăng!

 

Tôi tức nổ đom đóm mắt:

 

- Bạn không đăng thiệt phải không ?

 

- Thiệt!

 

- Được rồi! - Tôi gầm ghè - Tôi sẽ báo với thầy Dân!

 

Kim Liên nghinh mặt:

 

- Thách bạn báo thầy Dân đó!

 

Tôi chìa tay ra:

 

- Vậy bạn trả bài thơ cho tôi đi!

 

Kim Liên chạy vô chỗ ngồi lục cặp một hồi rồi lấy bài thơ ra trả tôi:

 

- Đây nè! Tôi cóc thèm giữ bài thơ vô duyên này!

 

Tôi cầm bài thơ, bỏ đi không thèm nói lấy một tiếng.

 

Nhưng tôi không tìm thầy Dân mà tìm thằng Đại. Tôi nhớ lần trước Đại đứng ra bênh tôi công kích bài thơ của Kiến Lửa nên tôi chắc mẩm lần này nó sẽ về phe tôi. Không dè sau khi nghe tôi kể lại sự tình và đọc xong bài thơ của tôi, nó gật gù nhận xét:

 

- Kim Liên không đăng bài thơ này là đúng. Bài thơ của mày đả kích cá nhân chớ không nhằm xây dựng.

 

- Tụi mày không công bằng! Thơ của nhỏ Kim Hà cũng đả kích cá nhân sao lại đăng được ?

 

Đại vỗ vai tôi:

 

- Hai trường hợp khác nhau xa chứ! Thơ của Kim Hà phê phán những khuyết điểm mà mày vi phạm có ý thức. Còn chuyện vấp té của nó đâu có thể coi là một khuyết điểm. Trượt chân trượt tay là chuyện bình thường, có gì là xấu đâu! Đó là chưa kể mày đòi liệng nó xuống ao cho nó chết đuối chơi. Nội chuyện đó thôi là đã thiếu tinh thần xây dựng rồi!

 

Nghe Đại thuyết một hồi, tôi thấy bùi tai, liền xếp bài thơ đút vô túi áo. Nhỏ Hiền trông thấy, vội chìa tay ra:

 

- Huy có cái gì đó cho Hiền mượn coi đi!

 

Tôi bắt chước Kim Liên, làm mặt quan trọng:

 

- Bí mật báo chí, không coi được!

 

Nếu thằng Bảy có cái tật thấy thứ gì cũng đòi mượn về nhà thì nhỏ Hiền có tật thấy gì cũng đòi "cho mượn coi đi". Thơ "đả kích cá nhân" hay ho gì mà "coi lại với coi đi!"

— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.