Từ sau lần đó, nếu lại đến huyện Ngọa Long xem kịch, sẽ đổi người dịch dung thành Ô Hành Tuyết.
Cũng không phải bởi vì kỹ xảo của hắn cao hơn.
Dịch dung chỉ là thủ thuật nhỏ không cần bàn đến kỹ xảo gì, đương nhiên cũng khó phân cao thấp. Vốn dĩ để cho hắn, là bởi vì...
Linh Vương ra tay, chính là tương đương với tùy tiện.
Hai người họ biến thành thế nào đều do hứng thú nhất thời của người nào đó cùng với những gì họ nghe thấy hoặc nhìn thấy.
Dựa theo cách nói của Ô Hành Tuyết, gọi là "Thể nghiệm nhân gian muôn màu".
Không hề nói ngoa, đó thật sự là muôn màu.
Sau khi dịch dung, họ không nhất định sẽ là người trẻ tuổi, cũng không nhất định sẽ là hai người.
Thậm chí có đôi khi không nhất định là người.
Thế nên, ở bìa rừng hoang bên ngoài huyện Ngọa Long sẽ thường xuất hiện cảnh tượng thế này ––––
Lúc họ vừa đáp xuống, đúng lúc nhìn thấy một ông lão mặc áo tơi xách theo giỏ tre đi ngang qua.
蓑衣 soa y: áo tơi
Ô Hành Tuyết nhìn thoáng qua một cái, lập tức nói: "Tiêu Phục Huyên, ngươi nhìn vị lão bá này, dịch dung thành như vậy thấy thế nào? Hiếm khi được thể nghiệm cảm giác râu tóc bạc trắng."
Sau đó, trong hí lâu ở huyện Ngọa Long sẽ có thêm hai cụ ông uống trà.
Nếu đúng lúc họ đáp xuống đất nhìn thấy thư sinh đeo chiếc rương bằng tre đi ngang, Ô Hành Tuyết nhìn thoáng qua một cái, sẽ nói: "Ngươi nhìn vị thư sinh kia, hào hoa phong nhã..."
Sau đó, ngày ấy trong hí lâu sẽ có hai vị thư sinh thanh y phấp phới.
Cứ lặp lại như thế, lần nào cũng ổn.
Linh Vương đại nhân lại càng chơi càng vui vẻ.
Có một lần, lúc họ đáp đất không có một bóng người đi ngang, nhưng lại có một đôi yến tước đốm hoa đậu trên cành.
Ô Hành Tuyết bị hấp dẫn mà nhìn một lúc, bỗng nhiên nắm lấy tay áo Tiêu Phục Huyên, nói: "Ngươi xem đôi chim kia."
Tiêu Phục Huyên: "..."
Làm người còn chưa thỏa nguyện phải không?
Đầy mặt Thiên Túc đại nhân viết "Không", Ô Hành Tuyết nhướng mày nhìn một lúc, rồi lại nắm lấy tay áo Tiêu Phục Huyên.
Hành động căn bản có thể xem như làm nũng.
Nhưng đối với loại chuyện thế này, làm nũng hữu dụng hay không???
...
Có.
Cho nên ngày ấy bên cửa sổ hí lâu có một đôi chim tước không sợ người, đậu lại suốt cả buổi trưa.