Mặt trời mùa đông lười biếng hơn hẳn, đến giờ này vẫn chả chịu ló mặt ra. Tôi khẽ nhấc tấm chăn bông lên còn có thể cảm nhận được khí lạnh ùa vào, vội vội vàng vàng kéo chăn xuống, bao kín đến tận cổ.
Theo lẽ thường, giờ này tôi vẫn đang ngủ đấy. Chả mấy khi mới được nghỉ ngơi một ngày, tôi sẽ nằm ôm bé Củ Lạc ngủ một lèo đến mười hai giờ trưa. Quên mất không giới thiệu, Củ Lạc là em mèo lông trắng béo ục ịch của tôi, mẹ tôi thích gọi nó là Củ Lạc, bởi lẽ trước đây lúc mới nhận nuôi Củ Lạc mới chỉ đầy một tháng tuổi, thân hình thật sự rất nhỏ, vừa nhỏ vừa gầy, nhìn siêu giống một bé củ lạc đáng yêu, ngoan ngoãn nằm co cụm thành một đống trong lòng bàn tay của tôi. Kim Hoa rất thích mèo, trước đây từng mơ ước về một ngôi nhà đầy mèo là mèo để ôm cho thỏa thích. Có lẽ lúc nào đấy tôi phải cho cô ấy gặp Củ Lạc mới được.
Thế nhưng sáng nay thì không. Tôi ném Củ Lạc sang một bên, từ trong chăn thò tay tắt báo thức rồi loạng choạng tìm đường vào nhà vệ sinh rửa mặt. Củ Lạc ngoao lên một tiếng đầy giận dỗi, ờ nó dỗi thường xuyên lắm, còn bỏ nhà đi cơ. Cơ mà được hai ba hôm lại mò về, dụi dụi xin lỗi rồi cắm mặt vào bát đồ ăn đầy ụ của nó. Con mèo béo ham ăn.
Ngày hôm nay là ngày tôi hẹn với Kim Hoa.
Kim Hoa từ những năm cấp ba đã rất thích ăn, đặc biệt thích ăn bún đậu mắm tôm, suốt ngày hỏi tôi hôm nay đã qua rằm chưa mày, tao muốn đi ăn bún đậu mắm tôm, quốc hồn quốc túy làm sao mà bỏ được. Sống ở nước ngoài bao nhiêu lâu như thế, đồ ăn Việt Nam lại chả được ăn mấy, nên lần này về nước, mặc dù biết tôi lái xe hơi ẩu một chút vẫn nằng nặc đòi tôi dắt đi ăn.
“Vì đồ ăn, liều một chút cũng không sao đâu mà.”
Vẫn con nhỏ này, mười năm trước thề sống thề chết sẽ không bao giờ leo lên xe tôi. Từ cấp ba, tôi đã có tiếng trong việc lái xe bất chấp tốc độ, bất chấp luôn cả địa hình, leo vỉa hè còn thường xuyên hơn cả đi dưới mặt đường.
“Rồi rồi biết rồi, đảm bảo giúp mày ăn hết sơn hào hải vị rồi mới chết.”
Quán bún đậu mới sáng sớm cũng không đông khách lắm, lúc hai người chúng tôi tới mới chỉ có bốn người đang ngồi ăn, hai em bé gái cỡ ba bốn tuổi vừa ăn vừa đuổi nhau, mẹ hai đứa vất vả lắm mới dỗ cho chúng nó ăn được vài miếng. Cô bán bún bình thản vừa rán đậu vừa quay sang tám chuyện với chị gái bán phở bên cạnh, nghe loáng thoáng thấy cô khoe con trai cô vừa giành được học bổng đi học thạc sĩ ở Anh hay Pháp gì gì đó.
“Thề, đi khắp thế gian không mỹ vị nào bằng mỹ vị quê hương.”
Kim Hoa một tay gắp đậu, một tay gắp bún, nhồm nhoàm bảo tôi. Cái tật vừa ăn vừa nói mãi không sửa được, tôi rút lấy mấy miếng giấy ăn bên cạnh, đưa cho cô ấy.
“Ờ, ngon thì ăn nhiều một chút. Mày ở bên kia bận rộn toàn ăn đồ ăn nhanh, sức khỏe đâu mà làm việc.”
“Uầy cảm động vãi, mày quan tâm tao kìa.”
Tôi thuộc loại tsundere một tí, chính là kiểu trong nóng ngoài lạnh ấy. Mỗi lần mở miệng phun vài câu có vẻ ngôn tình đều cảm thấy rét lạnh cả người, cho nên mỗi khi tôi nói mấy lời quan tâm như thế này, chúng nó toàn phản ứng như kiểu trời sắp sập xuống vậy.
Đậu nóng vừa thơm vừa mềm, cho vào miệng một cái là tan ra ngay lập tức. Bình thường tôi không thích ăn bún lắm, nên chỉ gọi một đĩa đậu rồi chấm với mắm tôm, ăn lấy ăn để. Mẹ tôi biết tôi nghiện đậu rán, nên ở nhà bà hay rán thật nhiều đậu rồi trộn chúng với nước mắm và hành lá, tôi có thể ngồi ăn cả bát đậu to như thế mà không ngán.
“Ờ mà mày với người kia sao rồi, có nói chuyện với nhau không?”
“Thì mấy lần họp lớp cũng có gặp mặt.”
“Không định hỏi lý do à? Chúng mày cứ như thế mà lướt qua đời nhau?”
“Ăn đi, đậu nguội hết rồi ăn mất ngon.”
Cậu ấy là người suốt mười năm qua tôi không muốn nhắc đến nhất.
Tôi biết, lần này Kim Hoa quay lại, sẽ có nhiều thứ theo cô ấy trở về.
Tôi rất thích chụp ảnh ngoại cảnh, đặc biệt là khung cảnh bầu trời. Những lúc nhìn thấy bầu trời đẹp như hôm nay, tôi hận không thể túm hết những gì mình đang thấy vào chiếc máy ảnh trong tay. Kim Hoa vừa trượt cầu trượt trong công viên thiếu nhi gần nhà, vừa hỏi tôi.
“Mày có muốn về thăm trường một chút không?”
“Có chứ. Tao vẫn nhớ mấy lần thời tiết đẹp như thế này, bọn mình toàn ngồi giữa sân bóng, vừa xem bọn con trai đá bóng, vừa tám chuyện nói xấu người khác mà.”
Bọn con trai lớp tôi thật sự rất thích đá bóng. Môn thể dục bắt buộc suốt ba năm của chúng tôi cũng là đá bóng, nên cứ đến giờ thể dục chúng nó lại chia làm hai đội, vừa tranh nhau quả bóng vừa hét ầm ĩ khắp sân. Ôi thật là, có quả bóng cũng tranh nhau, mỗi đứa chúng mày một quả không phải tốt hơn à.
"Mày thì hiểu cái gì về bóng đá cơ chứ, cái con chả bao giờ xem bóng đá này. Môn thể thao vua đấy."
Đám con gái thì không như thế. Chúng tôi rất ghét nắng, vì nắng sẽ làm đen da, làm ung thư làn da xinh đẹp của chúng tôi, vì thế chúng tôi thường chọn ngồi dưới bóng cây mà làm bài tập gì đó, vừa làm vừa chọc tức một thằng bạn nào đấy vừa đá trượt gôn. Hay ngồi quây quần thành một vòng tròn vừa cắn hạt dưa vừa buôn dưa lê về chiếc phốt nào đó trong khối, tỉ dụ như bạn A vừa cắm sừng bạn B hay bạn C bóc phốt bạn D. Tú Anh là bà trùm tám chuyện của lớp tôi. Cô ấy ở trong ban tổ chức Đoàn trường, quen biết vô cùng rộng, thế nên mấy chuyện drama mới nhất bao giờ cũng đến tai cô ấy đầu tiên.
“Chúng mày biết gì chưa? Con bé E lớp X vừa quay lại với thằng F đấy.”
“Hả, tao tưởng con bé đấy cắm sừng thằng F rồi cơ mà.”
“Ờ chả hiểu thằng đấy bị mù hay gì mà lại đồng ý quay lại cơ.”
Đấy, chủ đề nói chuyện tào lao của chúng tôi thường là như thế.
Cái hay của việc khi bạn còn trẻ là bạn có thể bóc phốt thoải mái mà không cần phải để ý đến liệu người bạn đang nói xấu cùng có quay lại đâm sau lưng bạn hay không, đặc biệt là khi ngồi với những đứa bạn thân thiết và đơn thuần như thế này, còn có thể chia sẻ hết những suy nghĩ lo lắng bất an của mình nữa. Lớn lên và đi làm rồi, chúng tôi gần như chẳng bao giờ tập hợp được đủ sáu đứa con gái để ngồi tám chuyện như thế, mà đồng nghiệp thì chẳng mấy người đáng tin được, nhiều khi mệt đến mức stress cũng chả dám than thở với ai, sợ mình sẽ làm phiền đến người ta, người khác cũng mệt chứ có phải mỗi mình mình đâu. Cứ mải chạy theo nỗi lo cơm áo gạo tiền, lo bị kèn cựa, bị chèn ép, lo mất việc, đến hơi sức để quan tâm chính bản thân mình còn không có. Mỗi lần gặp lại nhau cũng chỉ có thể hỏi thăm vài câu xã giao, nhiều lần hứa hẹn rồi cũng không gặp mặt được, vì bây giờ mình có ở cạnh người ta hàng ngày nữa đâu, làm sao có thể hiểu được mọi thứ về người ta như ngày trước. Kim Hoa từng hỏi tôi, tại sao sau khi cô ấy đi, chẳng ai trong nhóm của chúng tôi nhắn tin hỏi cô ấy dạo này sống như thế nào, có mệt mỏi không, mỗi lần cô ấy nhắn tin chúng nó chỉ đùa cợt vài câu rồi lại thôi. Tôi mới bảo, quan hệ của con người chính là như thế, lúc trước hứa hẹn với nhau bao nhiêu điều, đến khi trưởng thành bận rộn với cuộc sống riêng rồi, đôi khi chỉ còn giữ liên lạc với nhau đã là điều may mắn.