Áng Thơ Tình Tặng Em

Chương 2: Nàng thơ thích nhạc giật



Tôi yêu em cuồng điên, tha thiếtTrang vở trắng viết đầy tên emƠi em, liệu chăng em hay biếtTôi mơ được hôn miết mắt thơ.

9.5.24.

- Thi ơi Thi có biết không Thi...

Trong phòng mình, Nam cầm cái tấm ảnh đen trắng của Thi, nghêu ngao hát. Hỏi nó ảnh ở đâu ra hả? Đương nhiên nó không có cái gan chụp trộm Thi rồi!

Nó nhớ mình đã cắt ra từ trên tờ rơi quảng cáo của một lò võ nào đó, ép nhựa rồi giữ mãi đến bây giờ. Thi trong ảnh chắc cỡ tầm lớp sáu, lớp bảy, nhìn trẻ con hơn nhiều. Em vận bộ võ phục vovinam, đứng tấn trong tư thế hoàn hảo, khuôn mặt tròn nghiêm nghị hệt một bà cụ non.

Nhưng vẫn xinh đẹp tuyệt vời! - Nam ngoác mồm nhe răng, nụ cười bảy phần đần độn, ba phần ngu si.

- Nam ơi, xuống ăn cơm con!

Tiếng má Nam vang lên, nó cất vội tấm ảnh trân quý vào trong hộc bàn rồi mới xuống nhà. Dưới bếp, ba má nó đã yên vị trên bàn ăn, mâm cơm xanh nghít màu rau, không có tí thịt cá nào cả.

- Thịt mô* vợ? - Ba nó, người theo đạo thịt, nhìn mâm cơm "chay" mà mặt mũi méo xệch. - Nay có phải Rằm hay Mồng Một chi đâu?

*phương ngữ Miền Trung, nghĩa là "đâu".

- Bữa tui đi coi thầy, thầy nói để vụ kia suôn sẻ thì kiêng thịt tới hết tuần.

Má Nam khá mê xem bói, hễ nghe nói ở đâu có thầy hay thầy giỏi là má nó khăn gói đến xin quẻ ngay. Thầy bói hành nghề trên khắp cái đất Đà Nẵng này, không ai là má nó không biết. Hôm kia má bắt Nam chở lên cái núi nào đó coi thầy, là Nam đoán ra ngay cuối tuần này ba nó có phi vụ làm ăn quan trọng.

Gia đình Nam làm đá. Ấy, không phải đá bỏ tủ lạnh hay loại "đá" mà Nhà Nước cấm đâu. Nhà nó ở Ngũ Hành Sơn, ngay khu vực làng nghề đá mỹ nghệ cực kỳ phát triển. Ba Nam mở một xưởng điêu khắc đá, tuy không đến mức giàu nứt đố đổ vách như nhiều dòng họ có truyền thống đập đá lâu đời khác trong vùng, nhưng ba nó đập mấy chục năm thì cũng gọi là có của ăn của để.

Hồi Nam đi học mẫu giáo, lên cấp một, cấp hai rồi cấp ba, mỗi năm xưởng của ba nó đều tặng cho trường một cái ghế đá, nên bọn bạn cứ hễ thấy Nam là gọi trêu "thiếu gia làng đá". Trêu mãi đến khi Nam bực mình lườm nguýt cháy má mới thôi.

- Chuyến ni ráng xong sớm sớm, để rảnh làm giỗ cho con nữa nghe ông.

Đang ăn, đột nhiên Nam nghe má nghèn nghẹn nói vậy. Nó tiếp tục vục mặt lùa cơm vào miệng, bàn ăn yên tĩnh, chỉ có tiếng ba nó rầu rầu đáp lại.

Người "con" đó là anh hai của Nam - Bùi Chí Ninh.

Nếu nói Nam là một đứa ma lanh giả bộ ngoan hiền, thì anh Ninh mới là "con nhà người ta" chính gốc. Anh đẻ trước Nam tận mười một năm, hồi nó lên lớp sáu thì anh cũng đã ra trường. Ninh học rất giỏi, cái kiểu giỏi từ trong trứng mà không cần gắng sức cày bừa ấy. Năm anh đỗ thủ khoa đầu vào Học Viện Cảnh Sát Nhân Dân, cả họ làm tiệc chúc mừng, Nam vẫn còn nhớ như in cái cảm giác tự hào lây đó. Nhưng chàng trai giỏi giang, hiền lành ấy ở trong lần làm nhiệm vụ đầu tiên đã vĩnh viễn không trở về nữa.

Người ta nói anh hy sinh, chỉ gửi về giấy báo tử, tấm bằng khen và một bộ quần áo, ngoài ra chẳng có gì hơn. Không xương cốt, không thi hài, đến một tấm ảnh cũng không nốt. Bây giờ, mộ anh là nấm mộ gió*, bức ảnh thờ cũng chỉ được scan từ ảnh thẻ năm cấp ba.

*mộ không có thi hài.

Sau cái chết của anh, ba má Nam ủ rũ đi nhiều, chính nó cũng chẳng biết từ bao giờ mà sa đà với đám bạn xấu, bỏ bê việc học rất lâu.

Nam ăn xong vội lên lầu học bài. Để giữ hình tượng lớp trưởng gương mẫu, suốt hai năm nay nó chưa từng bỏ rơi bài tập một ngày nào. Nếu nói việc nhớ Thi là việc nó làm thường xuyên nhất thì đứng thứ hai chắc chắn phải là đống sách vở chất cao như núi kia!

Mà bực thật, không hiểu sao mấy bài hóa hôm nay khó thế nhỉ?! Nam vò đầu bứt tai mãi không xong, đến khi nó giật mình nhìn lại, tờ giấy nháp đã viết đầy chữ Thi.

À, hóa ra không phải vì bài khó mà là vì lòng nó không còn chỗ cho mấy cái axit bazơ kia nữa thôi. Việc gì nó phải tìm cách phân biệt mấy lọ hóa chất mất nhãn, ai làm mất nhãn thì tự đi mà tìm đi chứ, chẳng có tí trách nhiệm nào!

Nam chống má, hếch cằm, lại lấy hình Thi ra ngắm. Đống bài tập cứ thế chính thức "thất sủng".

Còn người mà cu cậu thầm thương trộm nhớ, giờ này đang đứng trong phòng tập luyện của lò võ nhà mình, nhìn chăm chăm bao cát trước mặt. Thật ra trong giáo trình dạy võ của ba Thi không cần bao cát, cái này là "công cụ" của riêng Thi, dùng để... giải tỏa căng thẳng.

- Nhỏ Thùy đồn mình là thứ dặt dẹo yếu đuối giả nai, hai cái vả. Thằng Trung lớp bên cứ canh me giờ chào cờ kéo tóc mình, ba quả đấm. Nhỏ Hương với thằng Minh hôm kia đem rắn giả ra hù mình, mỗi đứa ba cú đá...

Mỗi một tội trạng của đứa nào đó toát ra từ mồm Thi, cái bao cát cũ kĩ đáng thương lại ăn thêm một đòn đánh mạnh. Chừng trút hết được bực dọc, Thi vớ lấy cái khăn lau mồ hôi. Khi bước ra khỏi võ đường, em lại biến thành dáng vẻ yểu điệu, hiền lành thường ngày.

Nhà Thi nằm ngay sau lưng lò võ của ba, gần biển, lại sát chân núi. Đêm khuya đứng ở ban công, gió biển thổi quật vào người Thi, mát rượi. Em vừa tắm xong, ngồi trên ghế lười, cắm tai nghe nghe nhạc, ánh đèn vàng tỏa dìu dịu, trên cặp đùi trắng muốt là cuốn sách dày đang lật một nửa. Gió hôn lên mái tóc dài, còn vầng trăng như ve vuốt lấy đôi môi em.

Thắc mắc Thi đang đọc sách gì hả? Ờm... "Sau khi ngỏm, tôi chuyển sinh thành đế quân mạnh nhất tam giới."

Tò mò Thi đang nghe bài nhạc nào à? Nhạc sàn 2016, nonstop giật cực mạnh siêu cháy.

Đúng rồi đấy, Thi không phải một đứa thục nữ ăn sương uống gió, thích đọc thơ Xuân Diệu và dễ đẫm nước mắt trước những cuộc tình bi thương của điện ảnh Hàn như mọi người vẫn tưởng đâu.

Thi giỏi Văn, thường hay viết lách mộng mơ thật, nhưng sở thích của em là đọc tiểu thuyết võ hiệp, tu tiên đánh đấm trên diễn đàn.

Thi nói chuyện nhã nhặn, đi đứng nhẹ nhàng như nàng tiểu thư chân yếu tay mềm trong bộ phim truyền hình giờ vàng nào đó, cơ mà mấy ai biết được huy chương vovinam từ khắp các giải lớn nhỏ treo đầy phòng em đâu?

Thi sẽ không bao giờ lớn tiếng với ai dù người đó có quá quắt với em thế nào đi chăng nữa. Em hiền lành và ngoan ngoãn, mà có luật nào cấm một đứa con gái hiền lành, ngoan ngoãn không được nghe nhạc sàn giật giật hay đấm bao cát để giải trí kia chớ!

Em không biết lối sống của em như thế có gọi là giả nai, dối trá như bọn con Thùy thường hay nói xấu về em không nữa. Nhưng ai mà không đeo lên vài cái mặt nạ, có thân thiết quái gì đâu bắt phải sống thật với nhau?

Trong lớp, biết rõ về gia cảnh và tính cách của Thi chỉ có đúng nhỏ Hân và nhỏ Giang, hai đứa cùng học với em suốt từ cấp một. À, còn một người nữa, đúng hơn là một sự cố... Trong đầu Thi chợt vụt qua gương mặt điển trai của Nam.

Hồi mấy năm trước, Nam đen hơn với ốm hơn bây giờ nhiều, trông cái "sờ-tai"* lại còn như chưa tiến hóa kịp với thời đại - áo kẻ sọc bó sát, quần evisu hàng nhái rách ngang rách dọc, tóc tai thì như bị chó gặm mèo cào. Nhưng Thi chắc chắn cái đứa mà năm đó mình cứu là Nam. Thi giỏi nhớ mặt người ta lắm!

*style-phong cách

Nhưng Nam không nhắc gì về chuyện cũ đó nữa. Thi nghĩ cậu chàng muốn che giấu quá khứ báo đời của mình, nên Thi cũng im lìm không nói. Ngoài nhớ lâu, Thi còn giỏi giữ bí mật nữa!

Thi là mối tình đầu của nhiều cậu chàng trong trường. Thuở niên thiếu ai mà không từng có riêng cho mình một nàng thơ? Chỉ là nàng thơ hiền lành trong suy nghĩ của mấy anh chàng ấy thích nghe nhạc giật và có thể một quật ba thôi mà...

— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.