Ám Vệ Công Lược

Chương 6



Hai đóa hoa nở, chọn lấy một cành (Ý chỉ hai sự việc cùng xảy ra một lúc, chỉ có thể chọn một nói trước, một nói sau). Lại nói về quản gia Thường Phúc đưa ám vệ Nhất đến trạch viện của Tư Đồ Nhã điểm danh.

Trạch viện của Tư Đồ Nhã ở phía Tây Bắc phủ đệ, xung quanh là rừng trúc, giữa trận tuyết lớn trông cực kỳ trống trải quạnh hiu. Nhị công tử này khác với Đại công tử và Tam công tử, quanh năm sống tại đỉnh Cống Ca trên dãy núi Thục Sơn, luyện tập võ công Điểm Giáng Phái của Ngọc Phù Dung, chỉ lễ Tết mới về thành Ích Châu đoàn tụ với cha và huynh đệ, ở lại hai tháng. Ngoại trừ địa vị lão Nhị khó tránh khỏi bị ức hiếp, chính y cũng cho rằng, thân là võ lâm chính phái mà xa hoa tráng lê như đệ tử nhà quan, sẽ dẫn tới hiềm nghi cấu kết với triều đình. Bởi vậy, bên cạnh y thậm chí chẳng có lấy một nha hoàn, trạch viện lại càng không có bóng người.

Hai bên cổng viện dán câu đối, viết rằng, ‘Nhất chúc nhất phạn đương tư lai xử bất dịch, bán ti bán lũ hằng niệm vật lực duy gian’. (Trích trong “Trị Gia Cách Ngôn” do Chu Bách Lư biên soạn, tạm hiểu: Một bát cháo, một bát cơm, phải nhớ kiếm được không dễ; nửa sợi tơ, nửa sợi gai, phải nhớ làm ra rất khó)

Ám vệ Nhất nhớ đến chuyện đêm qua. Đêm qua chủ nhân tế nhị báo tin, Nhị công tử không muốn kế thừa Tuyết Mang Kiếm và chức vị Minh chủ, ám vệ Cửu hầu hạ Nhị công tử thì không khỏi lãng phí nhân tài. Bởi vậy hắn phải đổi chỗ cho ám vệ Cửu. Sau đó huynh đệ bọn hắn còn lén lút an ủi ám vệ Cửu, không phải Đới Đao ngươi không tốt, mà là Nhị công tử sợ phiền, không dám đối chọi với Ân Vô Hận.

“Cửa không cài.” Trong nhà ngang, có người lười biếng nói.

Quản gia Thường Phúc nháy mắt với ám vệ Nhất, tự động cáo lui.

Ám vệ Nhất kính cẩn nói, “Thuộc hạ ám vệ Nhất, tham kiến tiểu chủ nhân.”

Một cánh cửa mở ra. Tư Đồ Nhã quấn trong chăn, nằm nghiêng ngủ trên giường cách đó tám thước.

Ám vệ Nhất biến sắc – Nội công của Nhị công tử cao hơn cả Tam công tử, đã tinh tiến đến bản lĩnh cách không mở cửa? Nhìn kỹ lại, trong tay Tư Đồ Nhã có một sợi dây thừng, mà dây thừng nối với then cửa.

“Ta không cần ám vệ.” Tư Đồ Nhã úp mặt vào khuỷu tay, trầm trầm nói, “Không phải các ngươi không tốt. Mà đã mặc long bào thì phải làm Hoàng đế, nhận Tịch Chiếu kiếm thì phải làm chưởng môn nhân. Khổng Tử viết ‘Bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chính’ (Không ở vị trí thích hợp, không nên toan tính làm gì). Nếu ta vì một ám vệ Cửu mà gánh lấy trách nhiệm phụ tá chính đạo thì chẳng phải lẫn lộn đầu đuôi, bụng dạ khó lường, bị người khác quản chế hay sao. Giang hồ bằng hữu sao có thể phục ta? Mà ngươi, nếu ta không cần ngươi, ngươi lại khó báo cáo; nếu ta để ngươi lại, tốt với ngươi, thì lại có vẻ ta cho rằng ám vệ Cửu không tốt; nếu ta cứ luôn nghĩ ám vệ Cửu tốt, chắc hẳn đối với ngươi sẽ không tốt. Bởi vậy, để hai chúng ta cùng tốt, thì tốt nhất ngươi chớ xuất hiện trong tầm mắt ta, thế là tốt.”

Chín ám vệ của Tư Đồ gia, thực lực đứng đầu là Cửu, ám vệ Nhất xếp thứ hai, tư chất của hắn gần với ám vệ Cửu. Trên lý thuyết, dù tiểu chủ nhân tỉa tót câu từ, hắn cũng có thể chuẩn xác hiểu rõ ý muốn của tiểu chủ nhân. Nhưng lúc này Tư Đồ Nhã một tràng “Không tốt, tốt, không tốt”, thật sự khiến hắn loạn đầu, hắn đáp lời “Thuộc hạ ngu muội”, nhảy lên xà ngang tìm một chỗ ngồi – Tóm lại, tiểu chủ nhân tế nhị bày tỏ đại ý là, đi tìm chỗ nào mát mẻ ngồi đi.

Ngồi như thế hai canh giờ, mặt trời lên cao, nắng luồn vào nhà qua ô cửa, ám vệ Nhất phát giác, tiểu chủ nhân ngủ trên giường, trước sau vẫn duy trì tư thế nằm nghiêng, không nhúc nhích.

Đã hầu hạ Tam công tử văn kê khởi vũ (chưa nghe gà gáy đã dậy luyện võ), lại đến hầu hạ Nhị công tử biếng nhác cam chịu, ám vệ Nhất cảm giác cực kỳ không quen, hắn xoa xoa đầu gối run run – Sáng sớm Tam công tử lệnh hắn cởi sạch quần áo đứng trong tuyết, xương khớp đã tổn thương vì giá lạnh, bây giờ lại nín thở ngồi lâu, hai chân sưng lên như vạn con kiến cắn, khó chịu cực kỳ.

Hắn thèm thuồng nhìn về phía giường gấm. Ích Châu nức tiếng xa gần vì gấm Tứ Xuyên, gấm thêu tất nhiên tinh xảo. Ví như chiếc chăn Tư Đồ Nhã đang đắp kia, chính là gấm Hoán Hoa thượng hạng. Gấm Hoán Hoa còn có tên Lạc Hoa Lưu Thủy (hoa rơi nước chảy), có lẽ bởi nhành hoa rủ, cánh hoa thơm trôi trên dòng suối được tỉ mỉ thêu, nên mặt gấm màu xanh ngọc càng thêm trơn bóng, mềm mại như sóng nước mênh mang, thật sự động lòng người. Mái tóc suôn dài đen như mực của Tư Đồ Nhã quyện vào hoa văn sóng nước của gấm Hoán Hoa, khoan khoái, dung tục khó nói thành lời.

Lại nhìn tư thế ngủ của Tư Đồ Nhã, tay chống đầu, nằm nghiêng quay vào trong, một đầu gối gấp lại như La Hán ngủ, nhưng vô cớ thanh tao duyên dáng hơn vài phần, nhìn từ phía sau, khung xương và dáng dấp mảnh khảnh quả thực không rõ nam nữ. Ám vệ Nhất ngẩn ngơ nhìn, đột nhiên ảo tưởng người đang nằm kia là một mỹ nhân tuyệt sắc khuynh thành, gấm hoa suối tóc ôm ấp cánh tay, vòng eo, một bên đầu gối, nơi nào cũng nhu mì. Bóng lưng xinh đẹp, mờ ảo thấp thoáng, lặng yên chờ đợi được ôm vào lòng.

“Long quy nguyên hải, Dương tiềm vu Âm. Nhân viết chập long, ngã khước chập tâm.” Chất giọng thanh tao nhẹ nhàng phát ra từ trên giường, kịp thời phá bỏ ma chướng của ám vệ Nhất. Tư Đồ Nhã nói mơ, “Mặc tàng kỳ dụng, tức chi thâm thâm. Bạch vân cao ngọa, thế vô tri âm*.”(*Là bí quyết của Trần Đoàn lão tổ, thụy công tu luyện gia trứ danh của Đạo gia Trung Hoa. Tương truyền thụy công pháp quyết (công pháp giấc ngủ) của Trần Đoàn không chỉ có một. Đoạn quyết pháp này của Trần Đoàn được hai vị chân nhân là Lã Động Tân và Trương Tam Phong khởi xướng, trở thành chân truyền Thụy công pháp quyết của Đạo gia Trung Hoa. Tạm hiểu: Rồng về với biển, Dương lặn trong Âm. Người nói rồng ngủ, tâm ta lại ngủ. Lặng lẽ thâm trầm, hơi thở sâu sâu. Mây trắng gối đầu, gạt hết âm thanh.)

Ám vệ Nhất sực tỉnh, kinh ngạc nhận thấy cả người khô nóng, vạt áo nửa mở, tư thế ngồi cũng đổi thành tư thế chuẩn bị nhảy xuống xà ngang, sắp lao về phía giường gấm bất cứ lúc nào. Hắn âm thầm hổ thẹn! Giờ mới hiểu, tiểu chủ nhân nằm nghiêng bất động mấy canh giờ là để luyện công. Mà hắn không biết sự huyền diệu trong đó, không đề phòng, xem đến mức tẩu hỏa nhập ma.

Hắn dụi dụi mắt, nghĩ mà phát sợ, cúi xuống nhìn giường. Tư Đồ Nhã vẫn chống khuỷu tay nằm nghiêng như trước, dáng vẻ ung dung tự tại, nhịp thở thanh khiết đều đặn, hoàn toàn không có cảm giác mê hoặc thấp hèn. Ảo giác lúc nãy chỉ là tâm ma của hắn. Nhưng võ công này chắc chắn không thuộc sở hữu của Tư Đồ gia, nửa chính nửa tà, dường như còn nguy hiểm hơn cả lưỡi kiếm của Tam công tử…

Lại qua nửa canh giờ, ám vệ Nhất nhàm chán ngẫm nghĩ, trên đời có loại võ công tu luyện bằng cách ngủ sao? Hắn nhớ phái Thiếu lâm có tọa khô thiền, nhưng như vậy cũng phải tinh thông Phật pháp, thiền vũ lưỡng tu (tu luyện song song cả thiền và võ), ngồi xếp bằng năm này qua tháng nọ, nội công mới đạt tới cảnh giới.

Hắn không có gì làm, học theo tư thế của Tư Đồ Nhã, tạo dáng ngủ trên xà ngang. ‘Long quy nguyên hải’, tạm giải thích là để bảo vệ khí ở đan điền, dùng nội lực dẫn chân khí quay về, còn ‘Dương tiềm vu Âm’, đốc mạch chủ Dương, nhâm mạch chủ Âm… Hắn bất giác dồn nội lực về hai mạch này, rồi phóng ngược lại, để nội lực chảy qua đốc mạch, tuôn về nhâm mạch đáy chậu giữa hai chân. Chợt cảm thấy vật tế nhị phía dưới nóng lên, cực kỳ sinh động. Võ công này hơi tà ma, khá đáng khinh, nhưng lại rất khoan khoái dễ chịu.

‘Nhân viết chập long’, hắn chợt nhớ lại, sư tổ Trương Tam Phong của phái Võ Đang có bài “Chập Long Ngâm”, bay lên mây, “Thụy thần tiên thụy thần tiên, thạch căn cao ngọa vong kỳ niên, tĩnh quan long hổ chiến tràng chiến, ám bả âm dương điên đảo điên.” (Tạm dịch: Thần tiên ngủ thần tiên ngủ, gối lên gốc đá quên tháng năm, lặng xem Long Hổ chiến trường chiến, thầm khiến Âm Dương điên đảo điên). Cả Trương Tam Phong cũng nói Âm Dương phải điên đảo, hắn không hoài nghi nữa, lại chợt tỉnh ngộ, khẩu quyết Nhị công tử vừa đọc, thực ra là nội công tâm pháp cấp cao của Võ Đang, tên gọi ‘Chập Long Thụy Công’. Nhị công tử cố ý chỉ bảo hắn, hắn bèn tập trung luyện tiếp, ‘Mặc tàng kỳ dụng, tức chi thâm thâm’, hắn nghiêm túc duy trì tư thế co chân nằm nghiêng, giấu nội lực ở đáy chậu, hít sâu rồi hít sâu, cảm nhận nội tức và nhịp tim, một như hổ một như rồng, một hồi triền miên, một hồi xoay chuyển, rất kỳ lạ, cực kỳ phấn chấn. Hắn thích thú tìm hiểu huyền cơ trong đó, hồn nhiên quên mất chuyện bên ngoài, xương khớp và hai chân sưng tấy vì giá rét cũng không còn đau đớn.

“Bỉnh Kiếm.” Có người vỗ vỗ hắn, lặng lẽ hỏi, “Ngươi đang làm gì thế?”

Ám vệ Nhất giật mình mở mắt, trông thấy ám vệ Bát hầu hạ Đại công tử ngồi xổm bên cạnh mình, vẻ mặt rất khó hiểu.

Các ám vệ ở phủ Tư Đồ được đặt tên theo sở trường. Ám vệ Cửu sở trường dùng đao, tên là Đới Đao; ám vệ Nhất sở trường dùng kiếm, tên là Bỉnh Kiếm (cầm kiếm); ám vệ Bát sở trường dùng đàn, tên là Hiểu Âm. Nhưng đa số ám vệ đều được dùng làm thích khách hoặc đối tượng luyện tập, từ nhỏ đã lấy mạng đổi mạng, nên ngoại trừ chính họ thì rất hiếm người nhớ được tên họ. Ám vệ Bát nói, “Cứ tưởng sẽ gặp Đới Đao, không ngờ là ngươi, còn khao khát dạt dào giơ chân như chó đi tè.”

Dưới xà ngang, Đại công tử Tư Đồ Tung tứ bình bát ổn đang chậm rãi tiến tới giường gấm của Tư Đồ Nhã.

“Sáng nay đổi chủ nhân.” Ám vệ Nhất quẫn bách cực kỳ, im lặng giải thích, “Hiểu Âm, vừa nãy Nhị công tử dạy ta Chập Long Thụy Công, luyện một lát mà phấn chấn hơn cả nằm ngủ ba canh giờ, tranh thủ dịp này ta dạy cho ngươi…”

Tư Đồ Tung xốc chăn gấm thêu suối lên, vén áo bào ngồi xuống. Tư Đồ Nhã mặc áo lót vẫn nằm nghiêng quay vào trong như cũ, không thấy lạnh chút nào. Tư Đồ Tung vỗ vai y, săn sóc hỏi, “Nhị đệ, mặt trời ngả về Tây rồi.”

Tư Đồ Nhã bất mãn quay lại, “Chớ lo, ngày mai nó lại về Đông.”

Tư Đồ Tung bật cười, “Ta lo cho đệ thôi. Đêm qua cha nói gì với đệ mà hôm nay đệ đổi ám vệ cho Tam đệ thế?”

Tư Đồ Nhã ngước mắt nhìn Tư Đồ Tung, đáp không cần nghĩ, “Cha nói là, Đại ca tuổi không còn nhỏ, đến lúc bàn chuyện cưới xin rồi. ‘Ý của cha là, thiên kim Đường Môn khá là mạnh mẽ, rất hợp với khẩu vị của Tung nhi, chi bằng gửi Tung nhi đến Đường Môn ở rể, hai nhà kết thông gia, đối phó Ân Vô Hận cũng dễ hơn nhiều.’.”

Tư Đồ Tung hoảng sợ, “Nha đầu Đường Thiết Kiều kia ngang ngược như thế, gửi ta đi thì ta còn cái mạng nào!”

“Thì.” Tư Đồ Nhã duỗi tứ chi, ngáp một cái, “Bởi vậy, nên tiểu đệ bèn nói, ‘Cha, Đại ca đã có người trong lòng rồi, ép uổng làm gì, thôi thì Đường Thiết Kiều cứ để con nhận vậy’. Cha thở dài, ‘Con ơi, lần này tới Đường Môn, e rằng cửu tử nhất sinh, hài cốt không còn’, đệ nói, ‘Huynh trưởng cũng như cha, nếu con không đi thì chẳng phải bất hiếu lắm sao’. Thế là đệ gửi ám vệ Cửu cho Tam đệ. Dù sao thì đường vào Đường Môn sâu tựa biển. Đệ có vào mà không có ra, không cần nữa.”

Tư Đồ Tung lộ vẻ xúc động, sau một lúc lâu mới hỏi, “Vậy thì sao Nhị đệ không tặng lại ám vệ Cửu cho ta?”

“Đại ca.” Tư Đồ Nhã rầu rĩ, “Những gì đệ tặng huynh vẫn chưa đủ hay sao?”

“Đúng, đệ tặng quá ít. Đệ biết rõ ta đã có người trong lòng.” Tư Đồ Tung thình lình cúi xuống, kéo vạt áo lót Tư Đồ Nhã, thấp giọng uy hiếp, “Thì vẫn còn một thứ đệ chưa cho ta.”

Ám vệ Nhất và ám vệ Bát nằm nghiêng luyện Chập Long Thụy Công trên xà ngang, trông thấy vậy thì chết trân nghẹn lời.

Tư Đồ Nhã hỏi, “Thứ gì?”

“Rời giường.” Tư Đồ Tung nghiêm túc nói, “Cho ta.”

Tư Đồ Nhã liếc tuyết rơi ngoài cửa sổ, “Tại sao cứ bắt đệ phải rời giường?”

“Tại vì Đường Môn có giường.” Tư Đồ Tung gỡ quần áo vắt trên lưng ghế ném cho y, “Con rể cưng, tất nhiên là có giường.”

Tư Đồ Nhã chán nản tiếp nhận, “Đại ca, đùa chút thôi mà, huynh đừng tưởng thật.”

Tư Đồ Tung tâm sự nặng nề, “Thật vô cùng, cha biết tối qua chúng ta lén đến Tàng Kiếm Các. Phạt ta và đệ hộ tống Đường gia chủ về Bích Sơn tại Du Châu. Tam đệ và ám vệ Cửu cũng đi. Bọn họ đã thu dọn đồ đạc xong rồi, đang chờ Nhị đệ ngài bên ngoài phủ đó.”

“Đột ngột như vậy… Đúng là đỉnh đầu ba thước có thần linh, tùy tiện nói dóc sẽ bị báo ứng?” Nghe tới ba chữ ‘Ám vệ Cửu’, Tư Đồ Nhã gắng gượng phấn chấn, mở tủ quần áo bằng gỗ lê, chọn mấy bộ áo bào trắng tà dài, “Mà nói, Đường gia chủ độc bá võ lâm, bằng hữu như mây mà cần đám vãn bối chúng ta hộ tống sao?”

“Cha tất có lý của cha.” Tư Đồ Tung nhìn tủ áo, bên trong xếp toàn đồ trắng ngay ngắn chỉnh tề, “Nhị đệ, đệ không có màu nào tươi tắn hơn sao, ai không biết lại tưởng đệ đang…” Hắn nuốt lại hai từ “Để tang”.

“Đại ca có điều chưa hiểu, đây là quy định của Điểm Giáng Phái.” Tư Đồ Nhã nhét tế nhuyễn (vật phẩm quý giá, nhỏ nhẹ dễ mang theo) vào túi da, quay ra thư phòng trong nhà ngang, chọn tới chọn lui, chọn được hơn mười bản “Quyện Du Lục”, “Lãng Tích Tam Đàm”, vẫn chưa cam lòng.

Tư Đồ Tung biết rất ít về Điểm Giáng Phái. Mẫu thân Ngọc Phù Dung của hắn từng là chưởng môn phái này, nhưng nơi đó núi non hiểm trở, quanh năm tuyết phủ, hung thần ác sát thường xuyên lui tới, nhiều thị phi, có đi không có về, theo hắn thì chính là vùng rừng thiêng nước độc và lũ điêu dân. Tương truyền Điểm Giáng Phái chỉ nhận nữ đệ tử, trong sáng thuần khuyết, dung mạo như thiên tiên, nghiêm trang không thể mạo phạm, đi cùng áo trắng không nhiễm bụi trần, thật sự là đẹp vô hạn. Hắn còn chưa mơ mộng xong, đã thấy Nhị đệ ngốc nghếch mặc áo trắng, nhồi chồng sách cao hai thước vào túi da, “… Nhị đệ, đệ tính vào kinh dự thi à?”

“Đi đường chán lắm Đại ca.” Tư Đồ Nhã tiếc nuối bỏ ra mấy quyển, tạm thời buộc túi lại.

“Bình thường đệ đi một mình nên mới thấy chán.” Tư Đồ Tung chưa đi đã vừa lo vừa hoảng, “Giờ ba huynh đệ chúng ta hỗ trợ lẫn nhau, còn phải khách sáo xã giao với đám người Đường Môn, làm gì có thời gian đọc sách… Đệ mang vũ khí thì hơn.”

Tư Đồ Nhã nghe vậy thì nở nụ cười, “Điểm huyệt thì cần gì vũ khí?” Y đưa túi cho ám vệ Nhất, chờ xuất phát.

Lúc này Tư Đồ Tung mới phát giác, hắn chưa thấy Nhị đệ ra tay bao giờ, dù sao hắn và Nhị đệ cũng thuộc hai môn phái khác nhau, huynh đệ không nên xung đột bạo lực. Tục truyền Điểm Giáng Phái nổi tiếng nhờ tìm cơ điểm huyệt, nhưng điểm huyệt bình thường đều phải dựa vào kim sắt dài một tấc hoặc phán quan bút để gia tăng uy lực, có thể dùng tay không điểm huyệt giết người, trong chốn giang hồ cùng lắm chỉ khoảng hai ba mươi người. Nghĩ vậy, hắn không tin Tư Đồ Nhã không có vũ khí, “Ta nhớ đệ có cây quạt.”

Tư Đồ Nhã đóng cổng viện, rút quạt trong ống tay áo, mở ra che tuyết, nói, “Đại ca anh minh.”

Nhìn mặt giấy thếp vàng, xương quạt bằng trúc mảnh mai, Tư Đồ Tung thở dài, dùng thứ này điểm huyệt thì dùng tay còn hơn. Hắn chưa bỏ cuộc, “… Nếu đệ xuất thân từ Điểm Giáng Phái thì cũng phải biết Kỳ Hoàng Chi Thuật, phải mang theo ngân châm đề phòng lúc cần.”

“Đại ca lo xa quá rồi.” Tư Đồ Nhã bất đắc dĩ nói, “Đường Môn sở trường dùng độc dùng thuốc, nào đến phiên ngu đệ thể hiện. Nếu Đường Môn âm thầm giở trò thì cần cái gì ta mua cái ấy. Đại ca cứ yên tâm, dù chưa qua lại giang hồ, nhưng huynh và Tam đệ đều có thể coi là cao thủ hạng nhất rồi, phía sau lại có Võ Lâm Minh chủ và Điểm Giáng Phái làm chỗ dựa, ngoại trừ đại ma đầu thì ai dám thất lễ với chúng ta.”

Tư Đồ Tung lại càng lo lắng. Ám vệ Nhất và ám vệ Bát im lặng nghe, im lặng nghĩ, thực ra, bất kể là ẩu đả hay chữa bệnh thì đều không cần tiểu chủ nhân bận tâm. Nhưng hai vị công tử hình như cũng quên mất ám vệ để làm gì rồi – Ám vệ để làm gì?

Ích Châu và Du Châu không xa nhau lắm, ra roi thúc ngựa vài ngày là đến. Nhưng tháng Chạp năm nay đổ tuyết mãnh liệt, sông núi đóng băng trắng xóa cả ngàn dặm, đường đi ngập tuyết, vó ngựa giẫm lên băng rất dễ trượt, nên chỉ có thể từ từ mà đi.

Tư Đồ Đại công tử, Tam công tử và đệ tử Đường Môn đều là người Thục chính gốc, chưa từng trải qua trận tuyết lớn thế này, đều không thấy khổ, ngược lại còn thích thú, khoác áo tơi đội nón, thúc ngựa chạy hai bên xe, thưởng thức khung cảnh cây khô lá úa tuyết phủ trắng trời.

Tư Đồ Nhã thì không, quanh năm y luyện võ tại núi tuyết Cống Ca, ngắm tuyết quen lắm rồi. Lúc này thấy khắp nơi đều là màu trắng nhạt nhẽo thì dứt khoát chui vào xe đọc sách giải trí. Thỉnh thoảng vén rèm lên, muốn nhìn xem ai là ám vệ Cửu trong đoàn người ngựa, nhưng ai cũng đội mũ rộng vành chắn tuyết, mặc áo tơi vừa dày vừa nặng, không ngừng thở ra sương trắng, tướng mạo và hình dáng đều khó phân biệt.

Ám vệ Cửu lẫn trong đám người, tức khắc phai mờ như cá gặp nước, không phải muốn tìm là tìm được ngay.

Nhưng có vài người lại rất dễ nhận ra, ví dụ như thiên kim của Đường gia chủ – Đường Thiết Kiều đội mũ rộng vành quây lụa đen, khoác áo gấm đỏ nhung trắng. Nha đầu kia dùng roi quất ngựa, chốc lát chạy tới phía trước đoàn người, chốc lát lại vòng về, kiêu căng như đại tướng quân kiểm duyệt quân sĩ.

Đường Thiết Kiều quay sang hỏi, “Sao ngươi nhìn ta?”

Tư Đồ Nhã mỉm cười, nhìn quanh xem cuộc vui. Nhưng đệ tử Đường Môn đều chăm chú nhìn y, như thể y chính là ngọn nguồn của cuộc vui, hơn nữa còn sắp trở thành bia luyện ám khí.

“Nhìn cái gì, nói ngươi đó!” Đường Thiết Kiều nói.

Giờ Tư Đồ Nhã mới hiểu, Đường Thiết Kiều cưỡi ngựa song song với xe của y. Giữa bao ánh mắt, y nắm lấy song cửa, thò đầu ra dịu dàng hỏi, “Sao Đường cô nương biết kẻ hèn đang nhìn cô nương?”

Đường Thiết Kiều đáp, “Ta thấy ngươi đang nhìn ta.”

“Nếu vậy,” Tư Đồ Nhã ung dung nói, “Đường cô nương nhìn ta, ta nhìn Đường cô nương. ‘Lễ Ký’ có viết, ‘Hướng mà không tới, là vô lễ, tới mà không hướng, cũng là vô lễ’. Chúng ta nhìn qua nhìn lại như vậy, vốn là rất hợp lễ. Nhưng Đường cô nương nhìn thấy mặt ta, ta lại chỉ có thể nhìn thấy mũ và màn lụa của cô nương, há chẳng phải ta có lễ, còn cô nương vô lễ sao?”

“Ngươi…” Đường Thiết Kiều rút roi quất vào mặt Tư Đồ Nhã.

Tư Đồ Nhã không né không tránh, nhưng cảm giác xa xa có một tiếng ngựa hí, ngay sau đó mui xe trĩu xuống, Đường Thiết Kiều cao tay vung roi, mũi roi như bị người trên mui xe kéo lại. Tư Đồ Nhã nhận ra đây là ám vệ Cửu, khinh công của ám vệ Cửu là Yến Tử Sao Thủy bình thường, nhưng sử dụng lại như mũi tên trên dây cung, nhanh gọn vững chãi tới cực điểm. Chỉ ám vệ Cửu mới nhanh như vậy.

“Ám vệ Cửu.” Tư Đồ Nhã gọi. Không có hồi âm.

“Thiết Kiều, không được vô lễ.” Đường gia chủ truyền âm tới, sức nặng trên mui xe tức khắc tiêu biến.

“Nghe chưa, cha cô nương cũng nói cô nương vô lễ.” Tư Đồ Nhã nén đau thương, điềm nhiên như không, tiếp tục trêu chọc Đường Thiết Kiều.

Đường Thiết Kiều ương bướng, lớn tiếng nói, “Cha, con giỡn với Tư Đồ công tử, làm thân chút thôi.” Dứt lời, nàng chống tay lên yên ngựa, nhanh gọn nhảy lên đòn ngang trước xe, tiện đà khom người chui qua rèm, động tác trôi chảy nhẹ nhàng, lưu loát liền mạch. Đệ tử Đường Môn sôi nổi khen hay.

Tư Đồ Nhã ngồi ngay ngắn trong xe ngựa, không ngẩng đầu lên, hết sức chăm chú đọc sách, vẻ mặt như sắp lên kinh dự kỳ thi mùa xuân. Đường Thiết Kiều ngồi xuống đối diện y, tự nhiên thấy lúng túng, “Này, sách thì có gì hay mà đọc?”

Tư Đồ Nhã dùng sách che mặt, “Cô nương hỏi rất hay, dùng ‘U Mộng Ảnh’ đáp lời, tức là ‘Văn chương từ cổ chí kim, đều viết nên từ huyết lệ, một chữ ‘tình’ mà duy trì thế giới, một chữ ‘tài’ mà che đậy Càn Khôn’.” (U mộng ảnh (幽夢影) là tên tập sách nổi tiếng của nhà văn Trương Trào đời Thanh. Tập sách gồm 220 câu cách ngôn nói về nghệ thuật thưởng thức đời sống, về sau rất được giới văn nhân tài tử ưa chuộng. Tham khảo thêm tại Wiki)

Đường Thiết Kiều không hiểu, “Huyết lệ viết lên cái gì?”

“Nói ra thì dài.” Tư Đồ Nhã vẫn che mặt, đáp, “Ta kể cho cô nương chuyện trong sách thôi.”

Đường Thiết Kiều rảnh rỗi nhàm chán, tiện thể nói, “Được.. Ngươi đợi đã, ta lấy ít hạt dưa.”

Tư Đồ Nhã kể sơ qua câu chuyện, chuyện rằng thuở xưa có một danh kỹ thân bất do kỷ, chuyên hầu hạ quan lại quyền quý, đem lòng thích một thư sinh nghèo túng, lo sợ thư sinh ái ngại thân thế của mình, không muốn lui tới cùng mình, nên nói dối mình là thiên kim của một gia đình nào đó. Thư sinh bán tín bán nghi, cám dỗ nàng cùng mây mưa, cầm bạc của nàng và thư tiến cử nàng dùng thân xác đổi lấy, vào kinh dự thi. Sau này, thư sinh được đề tên trên bảng vàng, muốn tìm thiên kim của gia đình nọ báo ân, lại phát hiện thiên kim và danh kỹ không phải một người…

Đường Thiết Kiều cắn hạt dưa, ngắt lời, “Sau đó thì, thư sinh chuộc thân cho danh kỹ, kết thúc hạnh phúc.”

“Không phải.” Tư Đồ Nhã bình thản, “Thực ra thư sinh mến mộ thiên kim nọ đã lâu, ghi nhớ tướng mạo của thiên kim. Hắn biết rõ danh kỹ nói dối, nhưng vẫn tương kế tựu kế, lợi dụng danh kỹ, giành được công danh. Tới khi thư sinh và thiên kim tình đầu ý hợp, dự định kết thành đôi lứa, danh kỹ mới phát hiện mình bị lừa. Nàng muốn báo thù, chẳng ngờ thư sinh cao hơn một bậc, không chỉ giết chết vài quan lại quyền quý đổ tội cho nàng, lệnh Hình Bộ xử nàng tội chết, mà còn thúc giục một đám ngụy quân tử khinh nhờn nàng.”

Đường Thiết Kiều căm giận cực kỳ, “Nực cười, thật là một kẻ tiểu nhân hèn hạ, xứng đáng chịu thiên đao vạn quả!”

“Không sai. Lúc danh kỹ sắp chết cũng đau đớn thề.” Giọng Tư Đồ Nhã thình lình trầm xuống, “Sau khi chết, ta sẽ biến thành ác quỷ, ám ngươi và thê tử cả đời!”

Đường Thiết Kiều siết chặt nắm tay, hỏi, “Sau đó thì sao?”

“Hết rồi.” Tư Đồ Nhã đáp.

Đường Thiết Kiều “Ớ” một tiếng, “Sao lại hết rồi, phải là Diêm La Vương cho nàng quay về báo thù rửa hận, không thì cũng phải có một hiệp khách hoặc thanh quan thay nàng lật lại bản án mới được chứ.”

“Nói thì dễ, oan oan tương báo tới khi nào.” Tư Đồ Nhã vẫn giơ sách, “Đường cô nương đừng cho là thật, đây là câu chuyện do Hoắc Tiểu Ngọc và Hồng Phất Nữ bịa đặt lung tung mà thành, có câu, ‘Năm ấy thật như giả, hôm nay giả như thật’. Nếu cô nương có hứng thú thì đừng ngại sưu tầm cho vui.”

“Được thôi.” Đường Thiết Kiều cái hiểu cái không, thấy y không lên tiếng nữa thì nói tiếp, “Xe xóc thế này, ngươi vẫn đọc được chữ sao?”

“Chữ xóc, người cũng xóc, vì sao không đọc được?” Tư Đồ Nhã đáp rất đương nhiên.

“Vậy ngươi hạ sách thấp xuống mà đọc, để thế này ta không thấy mặt ngươi, cảm giác là lạ.”

“Không ổn không ổn. Cô nương đội mũ quây lụa, nếu tại hạ không lấy sách che mặt, như ‘Lễ Ký’ nói, có qua có lại mới toại lòng nhau… Chẳng phải là vô lễ hay sao. Ta cũng không muốn để cô nương gánh vác tội danh vô lễ.”

Đường Thiết Kiều đuối lý, “Được, ta không vô lễ với ngươi, nhưng ngươi cũng không được chê cười ta!” Nàng tháo mũ, khuôn mặt xinh đẹp khá giống với Đường Thiết Dung, nhưng trên xương mày có một vết sẹo màu đỏ nhạt không dễ nhận ra.

Tư Đồ Nhã gấp sách, quan sát một lát, mỉm cười nói, “Thì ra là vậy.”

“Khi còn bé, ta lấy ca ca ta luyện mai hoa châm.” Đường Thiết Kiều buồn rầu nói, “Hắn tránh thoát nhanh quá, mai hoa châm bắn ngược về, đánh vào bên cạnh lông mày ta… Cha ta nói là đáng đời ta, chắc chắn không ai thèm lấy.”

Tư Đồ Nhã không ngờ thời thơ ấu của Đường Môn thiếu chủ lại thê thảm như vậy, không khỏi cảm khái, “Thiết Dung huynh cũng không dễ dàng gì.”

Đường Thiết Kiều đang định nổi giận, lại chợt nghe tuấn mã hí lên đau đớn và ngã xuống phía xa, Thiếu gia chủ Đường Thiết Dung thét lớn, “Người quang minh chính đại không làm chuyện mờ ám…”

Hướng Tây Bắc có người ầm ĩ cười to, “Đường Môn các ngươi chuyên làm chuyện mờ ám đó!”

Phía Đông Bắc có người tiếp tục chế nhạo, “Chuyên làm chuyện mờ ám, đích thị Đường Môn!”

Bốn phương tám hướng phẫn nộ nói, “Các huynh đệ, đã đến lúc báo thù cho Thiếu tiêu đầu!”

Tư Đồ Nhã lấy quạt vỗ tay, đang định bàng quan nghe ngóng, lại bị Đường Thiết Kiều lôi ra khỏi xe ngựa.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.