Ám Vệ Công Lược

Chương 37



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Ám vệ Cửu bế Tư Đồ Nhã chạy tắt qua các nóc nhà xung quanh, đến con hẻm bên ngoài phủ Tư Đồ huyên náo ồn ã, chợt cảm giác một cơn gió sắc ngọt lao tới từ phía sau, tức khắc đạp đất né tránh, hắn né nhanh, ngọn gió nọ càng nhanh hơn, sượt qua bắp tay hắn, giống con rồng bạc giương nanh múa vuốt, lắc đầu quẫy đuôi lướt qua rồi xoay vòng trở lại nhanh như chớp giật. Ám vệ Cửu chưa rõ ngọn ngành, bế Tư Đồ Nhã vịn tường nhảy lên, chờ vật nọ quay về tay một người đứng sâu trong hẻm mới nhìn rõ, đó là một thanh đao cong sáng loáng, hai đầu nhọn như lưỡi câu, mà chuôi đao nằm ngay chính giữa thân đao, khác hẳn loại đao của Trung Nguyên. Hắn cũng thường dùng đao cong, lúc này không khỏi ngẩn ngơ, cảm thấy thanh đao của đối phương đúc như vậy mới hợp lý, chắc là dùng cũng thuận tay và hiệu quả hơn nhiều.

“Ai đó?” Người cầm đao bên dưới hỏi bằng tiếng Trung Nguyên.

Ám vệ Cửu nhờ ánh lửa hắt ra từ phủ, trông thấy người này đội mũ cứng có góc bằng lụa trắng, mũi cao mắt sâu, da ngăm đen, gò má cao, áo xanh khoác ngoài áo trắng*, trong mắt người Trung Nguyên có thể gọi là ăn mặc lố lăng, nhất là lụa trắng rủ xuống quanh chiếc mũ, khá giống phiên khách đến từ Ba Tư, càng tôn lên đôi tay đen nhẻm, trông rất buồn cười.

Trang phục Ba Tư đại khái như này:

chapter content


Ám vệ Cửu đứng trên bờ tường, “Tại hạ là ám vệ phủ Tư Đồ, phiền tiền bối nhường đường.”

“Thì ra là thế.” Người đội mũ khách sáo nói, “Ta là chưởng môn phái Côn Luân, Mạc Kiến Quái*.” (Mạc Kiến Quái = Đừng thấy lạ)

“Không lạ. Phiền chưởng môn nhường đường.” Phủ Tư Đồ cháy cao tận trời, ám vệ Cửu lại đang mắc tiểu, ba cái gấp của một người đã có đủ hết.

Mạc Kiến Quái ung dung sửa lại, “Mạc Kiến Quái là tên của ta, sư phụ Hồ Bất Tư của đội ám vệ các ngươi là sư đệ của ta. Theo lý thì ngươi phải gọi ta một tiếng sư bá. Hôm nay ta đến mừng năm mới, nhưng sợ hắn mất hứng không cho ta vào. Mà nói, sao trong phủ các ngươi náo nhiệt thế?”

Trước kia Hồ Bất Tư là đệ tử phái Côn Luân, ám vệ Cửu cũng có nghe nói, huống hồ người này mũi cao mắt sâu, diện mạo của người Hồi, còn dùng cả đao cong, đúng là có nhiều điểm rất giống Hồ Bất Tư. Thế là hắn tin bảy tám phần.

Tư Đồ Nhã nằm trong lòng ám vệ Cửu nói, “Người trong phủ đi lấy nước, không biết phụ thân và Đại ca thế nào rồi. Dập lửa quan trọng hơn, ôn chuyện sau cũng không muộn.”

Ám vệ Cửu tuân lệnh, đặt Tư Đồ Nhã xuống con hẻm, định trèo tường vào trong. Tư Đồ Nhã giữ chặt hắn, nói, “Ta cũng đi.”

Ám vệ Cửu cho rằng không ổn, Tư Đồ Nhã mất hết võ công, trọng thương mới khỏi, đi vào nơi khói lửa không tốt cho tim và phổi. Huống hồ trong phủ còn tiếng chém giết… Nhưng hắn để Tư Đồ Nhã một mình bên ngoài phủ, nếu kẻ địch tấn công thì lại được cái này mất cái khác.

Mạc Kiến Quái thấy hai người dùng dằng khó quyết thì nghĩ cách, “Phủ Tư Đồ đi lấy nước, ta không tiện vào. Hay là ta ở lại đây chăm sóc vị công tử này, sư điệt cứ vào đi. Giúp ta nhắn với Bất Tư là ta chờ hắn ngoài này.”

Ám vệ Cửu gật đầu, chắp tay với Mạc Kiến Quái, không nói hai lời nhảy vào phủ Tư Đồ, thấy nơi bị cháy là sân sau phía xa xa, hắn lại nhanh chóng trèo lên đầu tường gần con hẻm, xác định Tư Đồ Nhã và Mạc Kiến Quái bình an vô sự thì mới yên tâm rời đi.

Đợi ám vệ Cửu đi xa, một thiếu nữ mặc đồ đen bất ngờ chui ra từ sâu trong hẻm. Thiếu nữ mặc trang phục của Miêu tộc, bước đến trước mặt Tư Đồ Nhã, gọi “Biểu ca”, thoăn thoắt mở chiếc túi khoác trên vai, buộc tóc cho Tư Đồ Nhã, nhẹ nhàng trang điểm khóe mắt y để trông sắc sảo hơn ngày thường, sau đó giúp y khoác thêm một chiếc áo ngoài màu đen đã ướp đàn hương.

Mạc Kiến Quái cất đao, hành lễ với Tư Đồ Nhã rồi hàn huyên với thiếu nữ, “Đã lâu không gặp Phó giáo chủ, càng trổ mã càng tươi mọng.”

Thiếu nữ cười khẩy, “Mạc lão quái lần nào gặp ta cũng nói câu này, tươi mọng, ngày càng tươi mọng, lần sau chắc là chảy nước luôn quá.”

Mạc Kiến Quái vui vẻ đáp, “Không biết nhiều câu nịnh hót của Trung Nguyên, xin đừng trách cứ. Nói thật, Linh Lung càng lớn càng giống lão giáo chủ.”

Thiếu nữ sung sướng, chuyển sang hỏi Tư Đồ Nhã, “Thật không biểu ca?”

Tư Đồ Nhã đã gạt hết men say, nhắm mắt điều chỉnh cảm xúc, đeo mặt nạ bạc, mở mắt ra, đôi mắt nham nhiểm đầy hung ác, thoạt nhìn chẳng khác nào ‘Ân Vô Hận’ vào cái đêm tại Đan Sơn trấn. Y ngắm nghía thiếu nữ một lát, khàn khàn cười nói, “Đúng là cũng khá giống.”

Thiếu nữ mở cờ trong bụng, hỏi tiếp, “Giống chỗ nào?”

“Cùng họ Du.” Tư Đồ Nhã sửa lại áo khoác, cầm hộp đàn Lục Khởi, phóng mình nhảy vào phủ Tư Đồ, đồng thời kéo dây đàn Chủy bằng tư thế kéo cung, vận sức gảy một cái, tập trung vào Hỏa, ngũ tạng chủ động biến đổi âm thanh, nháy mắt chấn động tới trời cao, ngàn vạn chiếc đèn Khổng Minh bồng bềnh trên trời tức khắc bùng nổ như từng đám lửa nhỏ, lả tả rớt xuống. Biển lửa trong phủ cũng bị nội lực chia cắt, bắn ra tứ phía, giống con rồng lửa tung hoành ngao du.

Chỉ một tiếng đàn, đất trời bừng sáng. Tất cả ám vệ trong phủ cùng giật nảy, nghĩ bụng bầu trời có dị trạng, mạch đất cũng không ổn.

Bộ hạ cũ của Hoan Hỉ Giáo dùng đèn xanh làm ám hiệu tới giết người phóng hỏa, nghe vậy thì mừng vui khôn xiết. Tuy biết rõ Cửu Như Thần Giáo đóng giả Ân Vô Hận, nhưng ‘Ân Vô Hận’ ra sân lần này khác một trời một vực với Phạm Vô Cứu cải trang khi trước. Giữa lúc kinh hãi, có người lo lắng ngờ vực hỏi, “Là ‘Lôi Đình Hào Lệnh’, đúng là Giáo chủ thật sao?”

Trương Bích Hiệp nghe tiếng đàn này, tức khắc quay lại khen ngợi với đệ tử Võ Đang, “Người này luyện đến tầng thứ ba ‘Câu Tạo Hóa’ trong Huyền Mặc cầm phổ, chính là ‘Câu tạo hóa, hóa hóa sinh sinh, lôi đình hào lệnh, yểu yểu minh chứng’* như sư phụ nói. Bày Thiên Cương Thất Tinh trận, theo ta đi bắt Ân Vô Hận!” Vừa định đuổi theo tiếng đàn thì chợt hoa mắt, một cây dù xòe tròn chặn đường hắn. Trên mặt dù viết bốn chữ lớn bằng máu, Rồi Sẽ Tới Ngươi.

“Huyền Mặc” là khúc đàn cổ nổi tiếng của Trung Hoa. “Huyền Mặc” được chia thành năm đoạn theo thứ tự là: Tiểu Thiên Địa (nhất), Ải Lục Hợp (nhị), Câu Tạo Hóa (tam), Vong Vật Ngã (tứ), Đồng Đạo Hóa (ngũ). Câu (*) trên trích từ đoạn thứ ba Câu Tạo Hóa, tạm hiểu là: Vạn vật tạo hóa, hóa hóa sinh sinh, hiệu lệnh lôi đình, rành rành tỏ tỏ.

Tại sân sau, đệ tử phái Thanh Thành bảo vệ chưởng môn Bộ Bạch Thu, bày trận sẵn sàng đón quân địch. Tư Đồ Khánh cũng phòng thủ bên cạnh Bộ Bạch Thu, thở dài nói, “Cuối cùng hắn cũng tới đây.” Bộ Bạch Thu nghe nói Gia chủ Đường Môn chết kiểu này thì tập trung tinh thần, không dám lơ là cảnh giác.

Tư Đồ Khánh vuốt ve bội kiếm bên hông, “Bộ huynh, theo ý huynh thì hắn tìm huynh hay tìm ta?”

Bộ Bạch Thu nghiến răng nghiến lợi hỏi, “Minh chủ, tóm lại ngươi là chính hay tà? Rốt cuộc ngươi có giữ Cửu Như Thần Công không?”

Tư Đồ Khánh giật mình, “Thứ bàng môn tà đạo, người trong chính đạo như ta sao có thể giữ? Tới mức này rồi mà Bộ huynh còn nghi ngờ ta thì chẳng phải trúng kế của Ma Giáo hay sao?”

Bộ Bạch Thu bỏ ngoài tai, lẩm bẩm, “Ân Vô Hận muốn tìm Cửu Như Thần Công, chỉ cần ngươi hoặc ta có Cửu Như Thần Công thì hắn sẽ cẩn trọng nương tay.”

Tư Đồ Khánh đáp, “Cửu Như Thần Công này, chớ nói là có, kẻ hèn còn chưa được nhìn thấy bao giờ.” Năm đó chính tà ác chiến, ngài đã báo thù rửa hận, xong chuyện thì vội vàng rời khỏi Hoan Hỉ Giáo, vất vả đi tìm Ngọc Phù Dung vừa mới bỏ đi, nào có tâm tư dò hỏi cái gọi là thần công của Ma Giáo lưu lạc về đâu.

“Các nghĩa sĩ thảo phạt Ma Giáo năm đó tính đến giờ chỉ còn Trương Hạc Tâm, Ngọc Phù Dung, cùng với ngươi và ta.” Bộ Bạch Thu ngờ vực, “Nếu Cửu Như Thần Công không ở trong tay ta và ngươi thì chẳng lẽ ở chỗ hai người kia?”

Tư Đồ Khánh thót bụng, thầm suy tính lại, năm đó người bỏ đi đầu tiên là Ngọc Phù Dung, nhưng ngài đuổi theo ngay lập tức, từ đó về sau vẫn như hình với bóng, ngài không có Cửu Như Thần Công thì tất nhiên Ngọc Phù Dung cũng không có. Mà chưởng môn Trương Hạc Tâm phái Võ Đang cũng sớm rời khỏi Hoan Hỉ Giáo, có thể vì truy tìm tung tích Tả hộ pháp và hai nghĩa tử của Ân Vô Hận mang theo Cửu Như Thần Công lẩn trốn. Nhưng ngài tin tưởng rằng với đức độ của Trương Hạc Tâm, dù tìm được Cửu Như Thần Công thì cũng sẽ phá hủy thứ tà công đó ngay tức khắc. So với Cửu Như Thần Công, hiện nay ngài chỉ muốn biết Ân Vô Hận trọng thương trốn thoát khỏi tay quần hùng như thế nào, vì sao phải hao tâm tổn trí quay lại báo thù. “Bộ huynh, sau trận chiến tại Phong Đô năm đó, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?”

Bộ Bạch Thu cứng đờ mặt, lúng túng nói, “Còn có chuyện gì được…” Chưa dứt lời, hai mắt lão trợn lên, hoảng sợ nhìn nóc nhà phía sau Tư Đồ Khánh. Tư Đồ Khánh quay lại nhìn theo, chỉ thấy một người khoác áo đen, ôm đàn ngồi xếp bằng, hai tay chống lên đầu gối, im lặng nghe hai người nói chuyện. Ngài muốn nhìn cho rõ mặt mũi người nọ, nhưng người nọ đẹo mặt nạ bạc, quần áo và phục sức giống hệt Ân Vô Hận năm nào.

“Ân Vô Hận?” Tư Đồ Khánh thử gọi.

Tư Đồ Nhã không lên tiếng, sâu kín nhìn Tư Đồ Khánh.

Tư Đồ Khánh phẫn nộ nói, “Oan có đầu, nợ có chủ, cớ sao phải tổn thương người vô tội!” Ngài đã giao chiến với Ân Vô Hận, biết dùng dây đàn làm ám khí có một nhược điểm trí mạng, chính là khó thi triển với kẻ địch ở gần, vì thế nhân lúc đối phương chưa ra tay phủ đầu, ngài dùng khinh công Kiếm Môn ‘Tuyết Nhiễm Thúy Vân’ nhảy tới trước mặt ‘Ân Vô Hận’, người đến kiếm đến, thẳng tắp đâm vào cổ họng ‘Ân Vô Hận’, nhưng mũi kiếm chỉ lao vào khoảng không.

Bộ Bạch Thu tập trung nhìn kỹ, chỉ thấy bóng dáng ‘Ân Vô Hận’ dần dần mỏng manh, đúng là tàn ảnh hoa trong gương, trăng trong nước.

Môn khinh công này thuộc tầng thứ năm ‘Đồng Đạo Hóa’ của Huyền Mặc Thần Công, tên gọi ‘Thái Cổ Phong Hồi’, bộ pháp hòa hợp, ngũ âm đại diện cho Ngũ Hành, cầm phổ ghi chép là, ‘Thần du trùng hư chi ngoại, phú tính thiên nhưỡng chi cai, dữ đạo đồng hóa, dữ vật vô môi, tung tích thoát trần, nhâm khứ hoàn lai’. (*Trích từ đoạn thứ năm ‘Đồng Đạo Hóa’ của Huyền Mặc, tạm hiểu: Tinh thần bên ngoài trần thế như ở cõi thần tiên, thiên phú dập dềnh giữa trời và đất. Đồng hóa cùng Đạo, cách xa vạn vật. Rời bỏ trần ai. Khoảnh sân xanh cỏ, đình đài nhỏ nhoi, mặc người đi vẫn luôn còn đó)

Hai mươi năm trước, Bộ Bạch Thu từng được chứng kiến chiêu thức này, tuy không tìm ra sự huyền diệu của nó, nhưng vẫn biết ‘Thái Cổ Phong Hồi’ sẽ giúp Ân Vô Hận xuất hiện tại phương hướng ngược lại với hướng kẻ địch tấn công — Mà phương hướng đó lúc này chính là phía sau của lão. Vã mồ hôi lạnh nghĩ tới đây, lão vội vàng vung kiếm, nào ngờ đường kiếm bừa bãi này thật sự chém vào da thịt! Lão vui mừng quay lại nhìn, chợt nhận ra người bị đâm là một đệ tử Thanh Thành còn đang bàng hoàng nhìn lão, “Sư phụ…”

Bộ Bạch Thu nhanh chóng rút kiếm về, bất chấp ngộ sát đệ tử, đảo mắt tìm kiếm tung tích ‘Ân Vô Hận’, lúc này mới phát hiện Tư Đồ Khánh đã giao chiến với ‘Ân Vô Hận’ trên một nóc nhà cách đó hơn mười trượng — Lão thật sự không ngờ Tư Đồ Khánh đâm trượt một kiếm mà vẫn có thể đuổi kịp ‘Ân Vô Hận’, tức khắc lại nghi ngờ Tư Đồ Khánh đang giữ Cửu Như Thần Công, nảy sinh ý định ngư ông đắc lợi, dứt khoát ngồi im xem trận chiến, chỉ chờ Võ Lâm Minh chủ và Ma Giáo Giáo chủ lưỡng bại câu thương thì xông lên kết liễu.

Tư Đồ Nhã vừa đánh vừa lùi, vừa đấu vừa chạy, né tránh ‘Ngũ Tử Tình Lam’ của Tư Đồ Khánh. Chiêu kiếm này vung một nhát là tung ra năm luồng ánh kiếm đại diện cho năm ngọn núi Kiếm Môn chẻ mây lao tới, tuy rất hùng vĩ, nhưng đặt trong nội lực ấm áp liền kề, quang minh chính đại khiến người ta đã mắt. Tư thế kiếm pháp được tạo nên bởi tâm tình của người dùng kiếm, tất cả đều hoàn mỹ.

Tư Đồ Khánh chất vấn, “Sao không dùng đàn?”

Tư Đồ Nhã cười nhạt một tiếng, đang định đáp lời thì chợt thấy vài mũi phi đao thoăn thoắt lao đến, biết là ám vệ Cửu chạy tới hỗ trợ Tư Đồ Khánh, tức khắc xoay mình, ‘Thái Cổ Phong Hồi’ lướt qua ám vệ Cửu chưa kịp thu thế, chẳng nói chẳng rằng chạy về hướng Tàng Kiếm Các. Ám vệ Cửu sững sờ, cảm giác khinh công của ‘Ân Vô Hận’ lần này khác hẳn ‘Ân Vô Hận’ lúc trước. Chớ nói không đuổi kịp, thậm chí hắn còn không kịp nhìn thấy chuyện gì đang xảy ra…

Tư Đồ Khánh cầm kiếm đuổi theo, lại sợ trúng kế điệu hổ ly sơn, vận nội công truyền âm ra lệnh cho ám vệ Cửu,”Bảo vệ Bộ chưởng môn!”
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.