Ai Bảo Chỉ Hoàng Tử Mới Là Chân Mệnh Thiên Tử

Chương 15: Tứ gia bắt đầu hành động



Tâm Di thấy đã đến lúc nên dạy bọn họ bài học nho nhỏ bèn nói: “Chúng ta cùng chơi một trò chơi, các ngươi đợi chút, ta đi lấy vài thứ.” Nói rồi chạy ra cửa.

Không bao lâu đã thấy Tâm Di bê vào một cái bình thân to miệng nhỏ, đặt lên bàn, nói với sáu người: “Trong bình này có sáu quả bóng nhỏ đại diện cho sáu người các ngươi, trên mỗi quả bóng ta đã buộc sẵn một sợi dây, các ngươi mỗi người cầm lấy một sợi.”

Sáu người không biết Tâm Di định làm gì, cũng không có gan hỏi, chỉ lặng lẽ làm theo.

“Giả sử chiếc bình này là một miệng giếng cạn, các ngươi đều đang ở dưới giếng, đột nhiên nước dâng lên từ đáy giếng, nhưng miệng giếng lại quá hẹp, chỉ vừa một người qua, các ngươi phải dùng cách nhanh nhất thoát thân, đợi ta ra hiệu các ngươi bắt đầu kéo dây.” Trò này vốn Tâm Di lấy từ một bộ phim thuộc hàng “đồ cổ”.

Nghe Tâm Di nói thế, sáu người nắm chặt lấy đầu dây, vẻ mặt vô cùng căng thẳng, chỉ đợi Tâm Di ra hiệu. Tâm Di vừa hét “bắt đầu”, bọn họ lập tức kéo dây, kết quả đều bị kẹt cứng ở miệng bình, không ai kéo ra được.

Kết quả này không nằm ngoài dự đoán, Tâm Di mặt mày chả biểu hiện chút xíu thái độ gì, chỉ nói: “Chết đuối hết, lại lần nữa, chuẩn bị, bắt đầu!”

Hệt như lần trước, cả sáu đồng thời kéo dây, có ai thoát ra được mới lạ.

“Chết tiếp.” Tâm Di giễu.

Nhị Hổ không khỏi sốt ruột, nói: “Cách cách để bọn thuộc hạ thương lượng chút.”

“Được!” Vốn đích ngắm của Tâm Di chỉ là mong bọn họ đoàn kết lại.

Sáu người chạy ra một góc thì thầm bàn bạc, to nhỏ một hồi, lúc sau mới quay lại bàn, Nhị Hổ nói với Tâm Di: “Cách cách, lần này nhất định thành công.”

“Tốt, chuẩn bị… bắt đầu!” Tâm Di phát lệnh.

Lần này Tiểu Trúc Tử kéo ra đầu tiên, tiếp đến là Tiểu Cát Tử, Tiểu Mai Tử, Tiểu Lam Tử, Nhị Hổ và Đại Hổ. Cả bọn nhảy cẫng lên, la hét hoan hô:

“Thành công rồi, thành công rồi!”

Tâm Di cười hỏi: “Sao lại xếp theo thứ tự này?”

Nhị Hổ chỉ vào Tiểu Trúc Tử: “Tiểu Trúc Tử nhỏ nhất nên để cậu ta lên trước.”

Tiểu Lam Tử tiếp: “Tiểu Mai Tử và Tiểu Cát Tử là con gái.”

Đại Hổ cũng góp lời: “Thuộc hạ lớn tuổi nhất nên lên sau cùng.”

“Nếu các ngươi đều đã hiểu chắc không cần ta phải giảng đạo lý nữa nhỉ!” Tâm Di quả thực rất vui vì bọn họ biết đoàn kết, nhường nhịn nhau.

Tiểu Trúc Tử lập tức quay sang xin lỗi Đại Hổ: “Xin lỗi huynh nhé, Đại Hổ, đệ không nên cắn huynh.”

Đại Hổ cũng thấy ngại, nói: “Là huynh lôi tóc đệ trước.”

Nhị Hổ bê bát bạc đến bên Tiểu Trúc Tử: “Tiểu Trúc Tử, cho cậu đấy.”

Tiểu Trúc Tử lại đưa cho Tiểu Lam Tử: “Huynh cầm đi, đệ biết huynh cũng thích nó.”

Tiểu Lam Tử khiêm nhường đáp: “Huynh có một đôi đũa bạc rồi.”

“Vừa hay thành một bộ!” Tiểu Trúc Tử nhét bằng được bát bạc vào tay Tiểu Lam Tử mới thôi.

“Thế mới phải chứ!” Tâm Di bước đến bên bọn họ, “Tu hành trăm năm mới được đồng hội đồng thuyền, chúng ta có thể gặp gỡ chính là một loại duyên phận. Đã sống dưới cùng một mái nhà, ta mong mọi người có thể hòa thuận yêu thương nhau như anh chị em ruột thịt.” Dứt lời giơ tay ra, sáu người đưa mắt nhìn nhau, lần lượt đặt tay mình lên.

Vì hầu như ngày nào cũng đi dự yến nên hơn một tháng trời nay Tâm Di không thò mặt đến chỗ Khang Hy khiến đức hoàng thượng Khang Hy vô cùng… bức xúc.

Hôm nay, tại Nam thư phòng, Khang Hy nhìn người này không thuận mắt, ngó việc kia không vừa ý, báo hại người đến bẩm việc, dâng tấu lo lắng không yên đã đành mà kẻ hầu người hạ xung quanh cũng nơm nớp run sợ. Trong bụng Lý Đức Toàn thừa biết lý do vì sao, khó khăn lắm mới ngơi ra được một lúc, liền ba chân bốn cẳng chạy đến Di Uyển kiếm Tâm Di.

“Chao, may mà cách cách vẫn còn đây!” Lý Đức Toàn như người chết đuối vớ được cọc.

“Lý công công đến vừa hay, muộn chút nữa là Tâm Di đi rồi.”

“Hôm nay cách cách đừng đi đâu hết, đến chỗ hoàng thượng ngồi một lúc đi!” Lý Đức Toàn vừa lau mồ hôi vừa nói.

Tiểu Trúc Tử dâng trà lên, nói xen vào: “Lý tổng quản, đằng sau có người rượt hay sao mà ngài chạy gấp thế.” “Chu tổng quản” ăn nói càng ngày càng vô phép vô tắc, đương nhiên Tâm Di là ngoại lệ.

“Ra chỗ khác, nhóc con, đừng làm rối thêm.”

“Hoàng thượng có chuyện gì ư?” Tâm Di hỏi thẳng.

“Hoàng thượng vẫn khỏe, chỉ có điều tâm trạng không được tốt, lâu lắm rồi cách cách không đến chỗ hoàng thượng còn gì.”

“Rõ rồi, hôm nay mà không đi chắc các ngươi gặp họa hết.” Tâm Di nói.

“Đa tạ cách cách thương xót bọn nô tài.” Lý Đức Toàn hướng về phía Tâm Di đáp tạ.

Lát sau Tâm Di đã đứng trước Nam thư phòng, cô nàng vừa nhảy vào cửa liền hét: “Hoàng thượng! Tâm Di nhớ Ngài ghê!” Đây chính là chiêu thứ nhất – Mê hồn đại pháp.

Cung nữ, thái giám đứng hầu trong Nam thư phòng thấy Tâm Di đến bèn thở phào nhẹ nhõm, rất biết điều hành lễ rút lui cả. Khang Hy nhìn thấy

Tâm Di là mừng nhưng vẫn cố tình nghiêm sắc mặt: “Bao lâu rồi ngươi không đến trò chuyện cùng trẫm?”

“Tâm Di bận mà!”

Khang Hy liếc Tâm Di một cái: “Ngươi bận? Ngươi bận hơn cả trẫm?!”

“Hoàng thượng ngày bận trăm công nghìn việc, vì quốc gia đại sự lao tâm khổ trí, Tâm Di sao dám bì với Ngài chứ?” Tâm Di khẽ kéo tay áo Kang

Hi, lắc qua lắc lại. Đây là chiêu thứ hai – Làm nũng.

“Thôi đi, quốc gia đại sự của trẫm sao bằng việc ngươi đi từng nhà dự yến, nhận quà.”

Tâm Di nhe răng cười: “Nhận hay không cũng thế cả, dại gì không nhận chứ, đều do bọn họ chủ động đến tận cửa mời, dâng quà đến tận tay, Tâm Di còn chê quà của bọn họ không hợp ý ấy!”

“Ngươi đã ăn nhà người ta lại nhận quà của người ta, dù gì cũng nên khách sáo chút, nói thế nào thì bọn họ cũng là đại thần nhất, nhị phẩm trong triều, bị ngươi chơi xỏ đến mức đó mất mặt lắm.” Khang Hy phải xấu hổ thay cho đám đại thần của mình.

Tâm Di vẫn như không có chuyện gì xảy ra: “Này gọi là ‘Chu Du đánh Hoàng Cái (1), người muốn đánh, kẻ nguyện nhận’.”

“Hình như trẫm quá cưng chiều ngươi rồi?!”

“Hoàng thượng không cưng Tâm Di, Tâm Di sẽ bị người ta bắt nạt đấy! Hoàng thượng, Ngài đành lòng ư?” Vừa nói vừa đấm lưng cho Khang Hy. Chiêu thứ ba đã ra rồi.

Nghe xong Khang Hy thật không biết nên khóc hay nên cười nhưng cũng chẳng tức giận: “Rốt cuộc thì ai bắt nạt ai, là đại thần cốt cán của trẫm bị ngươi bắt nạt mới đúng.”

“Đại thần cốt cán đích thực mới không đến nịnh bợ Tâm Di, Tâm Di đâu có nhận được thiệp của Trương Đình Ngọc.” Tâm Di nói một cách nghiêm túc,

“Phàm những ai mời cơm Tâm Di ít nhiều đều có mục đích riêng không thể để lộ với người khác, thân là thần tử, trên nên báo đáp triều đình, dưới nên vì lê dân bách tính mưu cầu no ấm, thử hỏi hiện giờ tâm tư bọn họ đều dùng vào đâu? Người nào người nấy chỉ biết toan tính chuyện thăng quan tiến chức, phát tài phát lộc.”

Khang Hy lắc đầu bất lực: “Trẫm sớm biết sẽ có người tìm ngươi cầu cạnh nhưng không ngờ lại nhiều đến vậy.”

“Hoàng thượng, Tâm Di không phải cô nhóc ngây thơ, không hiểu việc đời, con gái bọn cháu thời đại đó không như đây – chẳng được bước chân ra cửa, chỉ luẩn quẩn trong bốn bức tường. Bọn cháu hòa nhập vào xã hội, tự do giao lưu tiếp xúc, những gì đã, đang và sẽ trải nghiệm, đối mặt đều vượt quá sức tưởng tượng của các ngài, nghĩ Tâm Di là nữ nhi dễ gạt là sai sót trầm trọng.”

“Số người xem nhẹ ngươi có vẻ không ít nhỉ, ai… tất cả a ca đều mời ngươi rồi?”

“Chưa đâu, vẫn còn một người, cháu đang đợi người đó đây, chắc chỉ hai, ba ngày nữa thôi!”

Khang Hy “hứ” một tiếng: “Coi coi, trẫm sinh ra loại con cái gì, người nào người nấy cũng chỉ nhăm nhe cái ghế này của trẫm.”

Tâm Di khẽ vỗ tay ghế, an ủi: “Hoàng thượng, cũng tại chiếc ghế này quá mê hoặc lòng người.”

“Được rồi, được rồi, đừng nói bọn họ nữa, cứ nhắc đến là trẫm lại bực mình.”

“Hoàng thượng đừng cáu, Tâm Di giúp Ngài giải khuây, hoàng thượng muốn nghe Tâm Di kể chuyện gì?” Tâm Di “dỗ” Khang Hy.

“Lần trước trẫm nghe ngươi kể cái điện thoại gì ấy rất tiện lợi, Tâm Di này…” Khang Hy mới nói được một nửa Tâm Di đã hét toáng lên, “Đừng, hoàng thượng, Ngài tha cho cháu đi!”

“Làm gì thế, trẫm đã nói gì đâu mà ngươi đã hét loạn lên!”

“Tâm Di hét trước không đợi đến lúc Ngài hạ thánh chỉ, đến cơ hội phản đối cũng không có. Hoàng thượng, Ngài làm ơn làm phước đừng nảy ra ý nghĩ này! Cháu không biết! Dù có biết cháu cũng không làm ra được!” Tâm Di thật khâm phục Khang Hy, trí tưởng tượng phong phú cỡ này, lần trước mới nghe Tâm Di nói đến khái niệm “điện thoại”, lập tức muốn áp dụng vào thực tế.

“Ngươi ấy!” Khang Hy quả tình rất thích nha đầu cổ quái tinh ranh này, trò chuyện với Tâm Di là một kiểu “hưởng thụ”, không hề nghe lời răm rắp, gặp mình là run như cầy sấy hay sợ một phép nói chẳng nên lời, càng không cần tốn tâm sức giải thích hay thuyết giáo. Cảm giác thoải mái và thú vị này trước nay chưa từng có.

“Hoàng thượng, Tâm Di thật phục Ngài, Ngài lại có thể tiếp thu những tư tưởng tân tiến thế này.” Tâm Di thực lòng thốt lên.

“Con người không tiếp thu tư tưởng mới, sự vật mới thì sao tiến bộ được? Nếu cứ đứng ì một chỗ, không muốn vươn lên, quốc gia sao có thể hùng cường?! Trẫm thấy hình học và thiên văn của phương Tây rất thú vị, giải phẫu lại càng huyền diệu sâu xa!”

Câu cuối cùng khiến Tâm Di giật thót mình: “Hoàng thượng từng giải phẫu con gì rồi?”

“Gấu ngủ đông!” Khang Hy tự hào nói.

“Hoàng thượng, cháu biết Ngài tinh thông văn sử, số học, thiên văn, địa lý, nhưng không ngờ Ngài còn biết cả giải phẫu!” Tâm Di hết sức bất ngờ.

“Hihi, chuyện này rất ít người biết!” Khang Hy không khỏi đắc ý.

“Hoàng thượng, có cơ hội chúng ta thử lần nữa nhé!” Hứng thú trong lòng Tâm Di lập tức bị khơi dậy, không ngờ ở Thanh triều người có tiếng nói chung với cô lại là Khang Hy. Trước đây Tâm Di từng đến Thái y viện xem qua, cả căn phòng rặt dược thảo Đông Y khiến cô ngồi chưa ấm chỗ đã chạy mất tăm, thật không tài nào “giao lưu” được với đám thái ý bảo thủ đó.

“Có khó gì! Để trẫm kêu người chuẩn bị!” Khang Hy vui như con nít nhận được quà ấy.

Mấy ngày sau đó Tâm Di hết trò chuyện lại đi dạo cùng Khang Hy, kể với Khang Hy vô vàn sự việc lý thú trong tương lai, thi thoảng gặp Dận Chân ở Nam thư phòng bèn khách khí chào hỏi vài câu, Dận Chân cũng không đả động gì đến chuyện mời Tâm Di, cứ như chuyện tiệc tùng mời mọc này đã kết thúc rồi hoặc trước nay chưa từng tồn tại.

Nhưng việc phải đến thì vẫn cứ đến, hôm đó, Tâm Di vừa rời Nam thư phòng là Dận Chân liền theo ra ngoài.

“Cách cách dừng bước!”

Nghe Dận Chân gọi mình, Tâm Di khẽ mỉm cười, quay người lại đáp: “Vương gia!”

“Ngày mai cách cách rảnh chứ?”

“Đương nhiên! Tâm Di ngày nào cũng rảnh, dù bận nhất định sẽ xếp thời gian đến phủ vương gia.” Tâm Di chủ động nhắc.

Dận Chân mỉm cười: “Cách cách quả nhiên tinh tế, tiểu vương chưa nói cách cách đã đoán ra rồi.”

“Vương gia cũng thật nhẫn nại, đợi lâu vậy mới chịu mở lời.”

“Khiến cách cách chê cười rồi, vậy là ngày mai tiểu vương ở phủ đệ cung kính đợi cách cách giá đáo.” Dận Chân cảm thấy nói chuyện với Tâm Di thật thoải mái, không phải vòng vo tam quốc,mất công rào trước đón sau.

Tâm Di gật đầu, cũng chẳng cần nói gì thêm, quay người rời đi, Dận Chân nhìn theo bóng Tâm Di, thầm nhủ: “Nhất định phải nắm chặt lấy cô ta, khiến cô ta giúp mình đạt thành đại nghiệp.”

“Bắc Kinh” của Thanh triều không chỉ là trung tâm chính trị, đồng thời cũng là đô thành thương nghiệp mậu dịch lớn nhất nhì cả nước. Tiệm thuốc Đồng Nhân Đường, vải lụa Thụy Phù Tường, hiệu giầy Nội Liên Thăng, tạp phẩm Lục Tất Cư, sủi cảo Đô Nhất Xứ… đều danh vang bốn biển, tăm tiếng lẫy lừng, không ai không biết.

Trên cầu Thiên Kiều, các nghệ nhân tạp kỹ ra sức phô trương tài nghệ khiến đám đông vây quanh vỗ tay khen ngợi không ngớt; đường xá người qua kẻ lại tấp nập, cửa hiệu, hàng quán lớn nhỏ mọc lên san sát, nhộn nhịp khách vào ra, đến cả những người buôn bán vặt bên lề đường cũng lớn tiếng mời chào, rao bán; khung cảnh náo náo nhiệt nhiệt thực không sao kể xiết.

Lúc này, Tâm Di đang dẫn đầu đoàn người bước đi trên đường chính.

Bất luận thế nào Tâm Di cũng không chịu mặc Kì phục, nói mặc lên người khó đi lại, Khang Hy cũng chẳng ép nên thường ngày Tâm Di toàn mặc Hán phục chạy qua chạy lại trong – ngoài cung, chẳng chút kiêng dè. Được cái “cách cách” tính tình hiền hòa, dễ gần lại khiêm nhường, không đem địa vị ra đè nén người khác nên rất được “kẻ dưới” – cung nữ, thái giám và thị vệ trong cung quý mến; nhờ vậy Tâm Di ra vào hoàng cung chẳng bao giờ phải dùng đến lệnh bài, quả đúng như cô nàng nghĩ lúc ban đầu.

Hôm nay, Tâm Di mặc áo màu tím nhạt, ngoài khoác một chiếc áo cánh không tay, đậm màu hơn áo trong một chút, phần tay áo sát vai viền một vòng lông trắng, bên dưới vận váy đuôi phượng đồng mầu với áo, tóc thả tự nhiên, đằng sau búi bách hoa vấn lỏng, trên cài một chiếc trâm hoa, tai đeo khuyên dài tầm một tấc, đung đưa qua lại theo từng nhịp chuyển động, ngoài ra không còn thứ trang sức nào khác. Phục sức nhìn thì giản dị mà giá chẳng hề “giản dị” chút nào đâu nhé! Vải là lụa Hàng – Đề Hoa lụa nức tiếng, lông viền trên tay áo là lông bạch hồ hiếm gặp, trâm cài tóc làm bằng hoàng ngọc vô cùng trân quý, mỗi một chiếc khuyên tai đều do sáu hạt trân châu Quảng Tây – Hợp Phố tròn trịa, cỡ bằng hạt đậu đỏ, kích thước như nhau kết thành. Ngoài những thứ đó, trên người Tâm Di còn đeo chênh chếch một chiếc túi nhỏ thuần thủ công tinh tế, đương nhiên là hàng thêu do Tô Châu tiến cống.

Tiểu Mai Tử và Tiểu Cát Tử ăn vận như thiếu nữ người Hán, Tiểu Trúc Tử và Tiểu Lam Tử ăn mặc giống người hầu, còn Đại Hổ và Nhị Hổ thì trang phục chả khác thường ngày, trà trộn trong đám đông cũng không đến nỗi bắt mắt. Vừa ra khỏi cung là bọn họ như chim xổ lồng, không ngớt nhìn đông nhìn tây, đặc biệt là Tiểu Trúc Tử, sà vào từng sạp hàng một ngó nghiêng, xuýt xoa.

Tâm Di chốc chốc lại phải dừng lại chờ bọn họ ngắm thật đã mới đi tiếp, nhưng cái kiểu cứ bước vài bước lại dừng một lần này khiến cô nàng không nén được, lên tiếng phàn nàn: “Các ngươi không chán hay sao, gần đây ngày nào chả xuất cung dạo phố, xem vẫn còn chưa đã ư?”

“Bao nhiêu thứ hấp dẫn thế này, sao xem hết chứ! Bọn nô tài chỉ mong càng nhiều người đến mời càng tốt, ngày nào cũng có thể ra ngoài chơi.” Tiểu Trúc Tử ham vui nhất bọn.

Nhị Hổ phát cho Tiểu Trúc Tử một cái vào đầu: “Ngươi thì chỉ biết chơi thôi.”

Tiểu Trúc Tử đời nào chịu lép: “Sao lại đánh tôi?”

“Ai đánh ngươi?!” Không hiểu sao Nhị Hổ cứ khoái bắt nạt Tiểu Trúc Tử.

“Cách cách, Nhị Hổ bắt bạt nô tài.” Tiểu Trúc Tử mách ngay.

Nhị Hổ “kêu oan”: “Cách cách, thuộc hạ có bắt nạt cậu ta đâu.”

Tâm Di nhìn cặp “bảo bối” này, chỉ còn biết lắc đầu: “Ta sắp thành cô giáo vườn trẻ rồi, các ngươi ngày không cãi lộn đêm ngủ không yên hả? Cứ tưởng các ngươi sẽ thành huynh đệ tốt chứ!”

Tiểu Trúc Tử không khỏi thắc mắc: “Cách cách, vườn trẻ là nơi nào thế? Có vui không?”

Tâm Di trả lời không khách khí: “Vui. Một cô giáo chăm mười mấy đứa trẻ bốn, năm tuổi, kể chuyện cho chúng nghe, dạy chúng hát, tập vẽ, chơi trò chơi… Ngươi bảo có vui không?”

“A… nô tài…” Tiểu Trúc Tử gãi đầu gãi tai, ngượng chín mặt

Nhị Hổ đứng bên cạnh cười thầm, Tâm Di cũng không bỏ qua: “Còn ngươi, hôm nào ta phải đi hỏi xem thống lĩnh các ngươi quản cái kiểu gì mới được.”

Nhị Hổ sợ một phép: “Đừng, đừng, cách cách đừng nói với thống lĩnh.”

“Tại sao?”

Tiểu Trúc Tử được thể xúi Tâm Di: “Cách cách cứ mách cho hắn bị phạt, để hắn chạy quanh Tử Cấm Thành ba vòng, không, cách cách nói Na Lan thống lĩnh bắt hắn chạy năm vòng ấy, mệt chết thôi!”

Nhị Hổ mắm môi mắm lợi trừng mắt nhìn Tiểu Trúc Tử.

“Tiểu Trúc Tử, ngươi đừng cười trước nỗi khổ của người khác, bây giờ chúng ta đều theo hầu cách cách, là người một nhà, Nhị Hổ bị phạt ngươi được lợi gì chứ?” Tiểu Mai Tử bênh Nhị Hổ.

“Nghe chưa, thế mới là đạo lý. Nếu các ngươi hiểu biết được như Tiểu Mai Tử thì đỡ cho ta biết mấy.”

Tiểu Lam Tử sáp đến bên Tâm Di, nói: “Cách cách, đấy là Tiểu Mai Tử xót Nhị Hổ. Thực ra, Nhị Hổ rất muốn bị phạt, cậu ta nói chịu phạt xong sẽ được Na Lan thống lĩnh dạy võ cho.”

“Không phải đâu! Cách cách đừng nghe Tiểu Lam Tử nói bậy.” Tiểu Mai Tử mặt đỏ bừng bừng, lấp liếm.

Tiểu Trúc Tử nào chịu tha: “Tiểu Lam Tử đúng đấy cách cách!”

“Không đúng!”

“Đúng, đúng, đúng.” Tranh cãi bùng nổ, Tiểu Trúc Tử và Tiểu Mai Tử không ai chịu ai.

“Ngừng! Có chịu thôi hay không hả?” Tâm Di hét một tiếng, bọn họ lập tức ngoan ngoãn ngậm miệng.

Tâm Di lôi đồng hồ đeo tay từ trong chiếc túi nhỏ đeo theo người ra xem giờ: “Cứ thế này e đến tối còn chưa thấy cửa Ung vương phủ. Chúng ta dự tiệc về rồi xem tiếp, chịu không?”

—————

Chú thích:

(1) ‘Chu Du đánh Hoàng Cái, người muốn đánh, kẻ nguyện nhận’: (điển tích lấy từ Tam Quốc) trận Xích Bích, Hoàng Cái trá hàng, đưa thuyền tới hội quân với Tào Tháo, thực chát trên thuyền toàn là chất dẫn hỏa. Trước đó, để khiến Tào Tháo tin mình thực bụng xin hàng, Hoàng Cái đã chịu 50 roi đến “thịt nát, xương tan” của Chu Du, sau đó sai Tưởng Cán đi dâng biểu cho Tào.
— QUẢNG CÁO —

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.