Bố mẹ Đăng mất trước hôm cậu thi vào lớp 10 vài ngày.
Mang tâm lí nặng nề vào phòng thi, cậu không tài nào tập trung làm bài nổi. Cậu phải mất nhiều công sức lắm mới có thể vực dậy bản thân để hướng về phía trước, cầm bút làm bài. Nếu chỉ có một mình mình thì không sao, nhưng cậu còn có trách nhiệm với em gái. Từ lúc Trâm sinh ra cậu cũng chẳng để tâm lắm tới con bé, cảm thấy không có hứng thú, cảm thấy bé gái thật là phiền phức, cậu không muốn chăm sóc nó. Nhưng Đăng chỉ nghĩ vậy trong đầu thôi, cậu vẫn ý thức được trách nhiệm của bản thân hơn bao giờ hết. Lâu dần thì thấy sự tồn tại của con bé cũng không tồi, ít nhất giúp căn nhà này không quá trầm lặng.
Ông bà nội ngoại của Đăng đều mất cả rồi, chẳng còn ai. Mẹ Đăng là con một, trên bố Đăng thì có một chị gái nhưng trước giờ quan hệ không tốt lắm. Từ ngày bác gái qua nhà chồng cũng chẳng còn mấy liên hệ, bình thường không qua lại, cũng có tuổi rồi nên chẳng muốn quan tâm. Nói là không qua lại nhưng nhiều lần Đăng nghe bố nói gia đình bên chồng của bác gái hách dịch và nhiều yêu sách đòi hỏi lắm nên bác gái mới cố tình xa cách như vậy.
Tài sản của bố mẹ cậu để lại bao gồm căn nhà đang ở, một tài khoản tiết kiệm không quá lớn và tiền bảo hiểm nhân thọ. Do Đăng chưa đủ 18 tuổi theo quy định thụ hưởng nên bác gái thành người bảo hộ và nhận toàn bộ số tiền bảo hiểm giúp cậu. Đáng lẽ bác gái sẽ nuôi hai đứa và giữ tiền bảo hiểm cho đến khi Đăng đủ tuổi, nhưng sau ba ngày Đăng và Trâm sang ở nhà bác gái thì bác lại nhất quyết chuyển toàn bộ số tiền vào tài khoản ngân hàng của tên nhóc 16 tuổi như cậu và đuổi hai đứa về lại nhà cũ tự chăm sóc lẫn nhau.
Đăng cũng chẳng muốn ở đó cho cam, vì hai anh em cậu bị cái đại gia đình phức tạp bên nhà bác gái sai làm đủ thứ chuyện, mới ở được ba ngày nhưng hôm nào cũng bị soi mói mắng mỏ, ăn cơm cũng không yên.
Lúc đó Đăng không hiểu chuyện người lớn cho lắm, mãi sau này cậu mới mơ hồ nhận ra hoàn cảnh sự việc lúc ấy, hiểu rằng bác gái làm vậy là muốn tốt cho mình. Có lẽ bác đã mất rất nhiều công sức để giữ số tiền bảo hiểm này khỏi nanh vuốt tham lam của nhà chồng.
Ngày nhập học, khi thấy cái cổng trường không phải trường Chuyên Hạ Long, kí ức tồi tệ mãi mới dằn xuống được lại ùa về trong tiềm thức của một tên vốn kiêu ngạo đầy mình như Đăng.
Bố mẹ mất rồi. Khả năng thừa sức đỗ trường chuyên thành phố nhưng vì trạng thái tâm lí không tốt nên không làm được bài thi, phải học ở cái nơi kém xa khả năng của bản thân như vậy. Trước đó Đăng học ở trường Trọng Điểm, là trường cấp hai có tiếng trong thành phố, học sinh đều rất giỏi nên bạn bè cùng lớp cậu đều chui cả vào trường Chuyên. Càng nghĩ cậu cảm thấy thất vọng, không bố mẹ, không bạn bè thân thiết, rồi tưởng tượng đến cái tương lai mờ mịt không điểm tựa phía trước cậu lại mất hết ý chí.
Buổi sáng Đăng hết hơi hết sức mới động viên được đứa em gái vừa học xong mẫu giáo chuyển tới ngôi trường cấp một đầy lạ lẫm. Đã thế cổng trường cấp một của Trâm lại có người bật bài "Ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt tay tới trường, em vừa đi vừa khóc..." với giai điệu não nề, Trâm nghe xong còn gào lớn hơn. Trâm vừa vào lớp vừa mếu máo, dỗ mãi mới hết khóc.
Nhưng còn Đăng, ai sẽ cổ vũ tinh thần cho cậu?
Ai là người vỗ lưng động viên cậu tới một môi trường xa lạ trong thế giới vốn không còn người thân thuộc này?
Đăng vẫn tới được cổng trường, nhưng không bước vào.
Cậu thậm chí còn muốn bỏ học.
Lần đầu tiên Đăng gặp Diệp là ngày nhập học. Vì là năm học đầu tiên của cấp ba, học sinh sẽ tới trường trước lễ khai giảng vài ngày để nhận lớp, nhận thầy cô, nhận bạn bè và phân chia một số công việc cần thiết cho ngày khai giảng 5/9 sắp tới.
Cổng trường vắng tanh, học sinh đều đã vào lớp, chỉ còn Đăng ở đây. Đương lúc cậu ngồi thẫn thờ chẳng muốn làm gì thì một con bé đạp xe đạp màu xanh lá lao thẳng đến trước mặt cậu, nói: "Bạn gì ơi bạn làm sao đấy?"
Đăng không trả lời.
"Bạn gì ơi, hãy nói với mình rằng hai chúng ta là những kẻ đến sớm nhất trường."
Đăng muốn mặc kệ con bé này, nhưng lời nó nói lại làm cậu hoài nghi xem có phải mình đến sớm thật không. Cậu nhìn đồng hồ trên tay, rõ ràng là mình đi muộn 30 phút, lúc này cổng trường không có ai vì mọi người đều vào trong hết rồi.
"Chết rồi mình đi muộn mất rồi."
Thì ra con bé đó vừa lạc trôi vào ảo tưởng, giờ mới chịu quay lại thực tại.
Biết là muộn nhưng nó vẫn ghé mông ngồi trên yên xe đạp, một chân chống dưới đất một chân đặt trên bàn đạp, tay cầm lái phân vân không nên bước vào hay không, vẻ mặt ảm đạm như cả thế giới sụp đổ, mắt hơi long lanh nước như muốn khóc.
"Huhu. Không được. Vào bây giờ sẽ bị để ý mất. Mình không muốn nổi tiếng. Về thôi."
Con bé đó vừa quay xe định đi lại lẩm bẩm: "Không được, giờ mà về thì mẹ sẽ hỏi sao mình đi muộn về sớm." Tay nó sờ sờ túi, "Không mang tiền, không đi quán nước được. Thôi ngồi đây đợi vậy."
Nó dựng xe một góc sau đó tới gần ngồi cạnh, mắt nhìn Đăng lộ rõ vẻ thông cảm.
Đăng cảm thấy không ổn chút nào. Tâm trạng cậu tệ vô cùng lại thêm con bé dở hơi chẳng biết chui ở đâu ra này khiến cậu hơi khó chịu. Cậu cúi mặt, không bắt chuyện.
Khả năng giao tiếp của con bé này không tốt lắm. Có vẻ như nó định an ủi cậu vì đồng cảnh ngộ đi muộn, nào là nó nói nó hiểu cảm giác của cậu, nào là nó thấy yên tâm hơn vì có đứa đi muộn như nó, nhưng nó cứ nghĩ gì nói đấy, nghe rất vụng về.
Buổi độc thoại của Diệp kéo dài gần hai tiếng đồng hồ, phía sân trường bắt đầu truyền đến tiếng học sinh huyên náo. Đăng đứng dậy lấy xe đi về. Con bé đó cũng chào cậu một câu rồi đạp xe bay biến. Cậu nghe loáng thoáng nó kêu là "khát quá".
Nó nói nó học lớp 10A5? Hình như cậu cũng học lớp này.
Thời gian quả là thứ đáng sợ, nó đủ để bào mòn mọi thứ. Có thể Đăng cảm thấy phiền phức ở mấy phút đầu tiên, nhưng sau hai tiếng đồng hồ Đăng cảm thấy như đống suy nghĩ tiêu cực trong đầu mình bị con bé này rút ruột đem đi đâu hết.
Có lẽ Đăng đã nghe chán những lời an ủi kiểu như "tôi hiểu cảm giác của cậu", "hãy cố gắng lên", để tới lúc này bản thân lại thấy nhẹ nhõm vì những câu chuyện lạc đề, những câu chuyện tẩy não cậu theo thời gian.
Lúc đó Đăng nghĩ, có lẽ mai cậu cũng sẽ thử đi học, để xem bình thường con bé này có dở hơi thế này không.