Chờ đã! Xin các vị đừng chân!
Trong Huyễn Ma cung.
Văn sĩ cầm một chiếc chén lưu ly trên tay, trong đó đựng máu đặc dính lại, nó như có sinh mệnh chậm rãi nhúc nhích.
Thân xác cháy đen của Tư Mã Vĩ nằm trên bình đài.
Cách đó không xa là ba ngọn lửa đen, lấp loá hình ảnh của Trường An, Tương Dương và một ngọn núi cây cối xanh biếc.
“Kế hoạch thế nào rồi?” Trái tim Ma thần ở giữa cất giọng.
“Cực kỳ thuận lợi.” Văn sĩ kia đáp.
Trái tim cười lạnh: “Cực kỳ thuận lợi? Âm Dương giám, Tranh Cổ, trượng Lộc Minh đều rơi vào tay địch, Chu Chân mất mạng, oán khí ba nơi Diêu Quang, Khai Dương, Ngọc Hành vất vả mãi mới thu thập được đều tiêu tán, Bạt quân chỉ mất chứ không thêm, càng ngày càng ít, Bát vương hộ trận mất hai, Vương Hợi, đây là cái ngươi gọi là ‘thuận lợi’ đó à?”
Văn sĩ tên Vương Hợi kia đáp: “Ngô chủ không cần lo lắng.”
Gã nghiêng chén lưu ly trong tay, máu tươi đặc như hồ rơi xuống hài cốt Tư Mã Vĩ, ngọ nguậy thấm vào, bắt đầu chữa trị thân thể hắn.
“Chí ít đến giờ bọn chúng chưa phát hiện ra Vạn Linh Trận.” Vương Hợi đã tính trước, đáp: “Bạt quân dù giảm đi nhưng muốn bao nhiêu chúng ta có thể chuyển hoá bấy nhiêu, nơi đâu cũng có người, tạm thời thu liễm lại sẽ khiến bọn chúng không cảnh giác… Còn ba món ma khí, lựa thời cơ thu hồi lại là được, bảy Vạn Linh Trận sẽ phát động đúng lúc.”
Trái tim hừ lạnh đầy khinh thường.
Vương Hợi chăm chú nhìn thân thể Tư Mã Vĩ được chữa trị, lẩm bẩm nói: “Đám Khu ma sư tự cho mình thông minh. Vọng tưởng khống chế pháp khí được sử dụng bằng oán khí binh đao chiến trận, mà không biết gậy ông đập lưng ông, đến cuối sẽ bị oán khí phản phệ… Ngô chủ.”
Thân thể Tư Mã Vĩ bị đốt thành than dần khôi phục như cũ, Vương Hợi quay người, đi vê phía trái tim khổng lồ: “Chiến dịch phương bắc khiến ta dám phỏng đoán một việc, nếu chuyện này là thật thì mắt trận trên vùng đất Thần Châu sẽ là pháp bảo tái tạo thân thể cho ngài, là một thứ trước nay chưa từng có, không cần đến Tâm Đăng.”
Trái tim không đáp lời, dường như đang ngẫm nghĩ.
Vương Hợi nói: “Ngô chủ, ngài xem, Định Hải châu ngài tìm ba trăm năm nay có lẽ đã xuất hiện rôi.”
Vương Hợi lắc tay áo, trong tay hiện ra một chiếc chuông đồng bằng cỡ bàn tay, vang lên “đông” một tiếng, hắc hoả quanh người hiện ra, tạo nên một huyễn cảnh trước mắt.
Giữa trời đất đầy tuyết sương, bờ sông Tát Lạp Ô Tô mấy tháng trước, không ít quạ đen im lặng ở bên ngoài doanh địa tộc A Khắc Lặc, trong đó một con quạ bay đến bên trướng vải.
“Con của Hạng Ngữ Yên… đang ở đâu?”
Trái tim vẫn đâng đập đều đều, nhịp nhàng lập tức thay đổi tốc độ, khiến Huyễn Ma cung chìm trong hào quang tím đỏ.
Một luồng hắc hoả nữa dâng lên, giữa ngọn lửa hiện ra vương trướng, trong đó có thân ảnh của Hạng Thuật, Trần Tinh và A Khắc Lặc vương cùng vương phi.
“Người đến hồ Ba Lí Khôn khi nào?”
“Hai mươi năm trước, chuyện trước khi ngươi sinh ra.” Giọng A Khắc Lặc vương phi vang lên, “Lần đầu gặp nàng, nàng bảo phải đến phía bắc, tìm một người đàn ông.”
“Đưa nữ nhân này đến gặp ta.” Trái tim Ma thần nói.
Vương Hợi đáp: “Đây là vương phi tộc A Khắc Lặc, đã chết, chết trong tay Xa La Phong, thi cốt bị Khu ma sư thiêu thành tro rồi.”
“Ngu xuẩn!” Trái tim giận dữ, như hét lên: “Ba trăm năm! Tròn ba trăm năm mới có manh mối!”
“Xin Ngô chủ yên tâm.” Vương Hợi chân thành nói, “Hạng Ngữ Yên là mẫu thân Thuật Luật Không, đáp án đã rõ rành rành, sau đây ta dồn toàn lực tìm kiếm Định Hải châu. Nếu ta đoán không sai, thân thể mới của ngài sẽ cực kỳ mạnh mẽ kể cả chư thần thượng cổ cũng không cách nào địch lại, kể cả kết quả trận Phản Tuyền cũng thay đổi được.”
Trái tim bỗng nhiên cười rộ lên.
Kiến Khang tháng ba, liễu xanh tươi tốt, gió mát thổi qua, cung điện rực rỡ, đình khuyết tráng lệ.
Ý niệm đầu tiên của Trần Tinh khi lên bờ là: cuối cùng cũng về đến nhà.
Kiến Khang trước mắt, đẹp y như trong “Lưỡng đô phú” của Ban Cố miêu tả: “Lễ quan chỉnh trang, cùng cưỡi xe ra, cá kình bơi, chuông lảnh lót, lên ngọc lộ, cưỡi Thời Long, Phượng Cái san sát, Hoà Loan lả lướt, quan trời theo hầu, uy dung long trọng.”[1]
Loạn Vĩnh Gia giày xéo Trung Nguyên đã qua hơn bảy mươi năm. Dân Hán y quan nam độ, mang theo thắng cảnh hai kinh Trường An, Lạc Dương, và cả bức tranh hùng vĩ đo bách quan triều Tấn đưa theo cùng, từ từ trải dài khắp bờ nam Trường Giang, quyển tranh mở ra sức sống mãnh liệt, thế là văn hoá rực rỡ truyền thừa ngàn năm lại xuất hiện huy hoàng.
Từ thời Ngô Tôn* đến giờ, Kiến Khang là nhà đế vương, Tấn đế Tư Mã Viêm thống nhất thiên hạ, Ngô chủ Tôn Hạo hiến thành xin hàng, Kiến Khang chưa từng trải qua chiến hoả, bây giờ lại có vạn hộ cư trú. Y quan nam độ mang cả sách vở, kỹ thuật trồng trọt, thi từ thư hoạ cùng nghề rèn đúc, nhờ nước sông Hoài, thành Kiến Khang dựa vào Chung sơn đã thành trung tâm của vùng Thần Châu, cùng thành Mạt Lăng phía tây thành Tây Châu, phía nam có quận Đan Dương, Đẳng thành quận Lang Tà, phát triển thêm vạn dặm phía nam sông Trường Giang, năm giữ muối, sắt, than đá, tơ lựa, trăm bước một khu, mười dặm một chợ. Y, thuốc, thư, hoạ, nhạc, thương và đủ trăm nghề hưng thịnh đến đỉnh điểm.
*Ngô Tôn ở đây là nước Ngô do họ Tôn nắm quyền thời kỳ Tam quốc
Một vùng Tần Hán ở Giang Nam là nơi đất lành, quý thư hương mà coi thường thóc gạo, lúc ấy Phù Kiên ở phía bắc, một đấu gạo mười hai tiền, ở Kiến Khang một đấu gạo chỉ ba tiền, so với thiên khố đất Thục còn phong phú hơn. Trên đường không ai đói, mà kho gạo đủ đầy, các quận được mùa thì lương thực xấu trong kho thành đồ ăn cho chuột. Mà vì giá gạo thấp nên nuôi sống được trăm nghề. Đến năm Thái Nguyên thứ nhất, người phương nam nhiều lên, trong trăm vạn hộ, sĩ tử nam độ và sĩ tử bản địa không phải làm lụng đã đến mười vạn người, triều Tấn rảnh rỗi đành thảo luận chính sự cả ngày để giết thời gian.
Lần đầu Hạng Thuật đến thế gian của người Hán, lập tức giật mình, so với ‘phía nam’ trong miệng người Hồ kể lại còn huy hoàng hơn. Tạ An đón tiếp hai người, cố ý mở nóc xe để Trần Tinh và Hạng Thuật đi dọc sông Tần Hoài, ngắm cả nửa thành mới dừng lại.
Trần Tinh thấy ánh mắt Hạng Thuật, biết y bị khí thế Kiến Khang làm rung động, có chút đắc ý không rõ tại sao. Mặc dù lần đầu Trần Tinh đến đây, bản thân cũng kinh ngạc không kém.
“Dọc đường nhận được thư của đệ, phỏng đoán hôm nay đệ đến nơi mới mạo muội tới đón.” Tạ An cười nói.
“Không mạo muội! Không sao hết!” Trần Tinh cực kỳ hài lòng, thật sự không hề quá phận, còn quá phô trương, khiến cậu nở mày nở mặt với Hạng Thuật cũng thích lắm. Nhưng cậu đột nhiên nhận ra, ánh mắt những người tới đón nhìn cậu và Hạng Thuật dường như rất khác? Nhìn Trần Tinh là ánh mắt tán thưởng, hiếu kỳ, nhưng nhìn Hạng Thuật lại là tán thưởng nhưng sợ hãi. Lúc lên xe còn nghe thấy người nhỏ giọng bàn luận: “Sao lại có mỹ nam tử như vậy…”
“Nói lớn quá!” Trần Tinh bực bội nói, “Ta nghe thấy hết!”
“Tiểu sư đệ, Kiến Khang so với Trường An thì thế nào?” Tạ An đổi chủ đề, hờ hững nói.
“Cái này…” Trần Tinh mờ mịt, nói, “Đúng rồi, xuống thuyền đã muốn hỏi, Tạ đại nhân chúng ta là sư huynh đệ khi nào?”
Trần Tinh cố gắng nhớ lại, Tạ An theo học Hoàn Di, Hoàn Di và phụ thân Trần Triết không có quan hệ sư môn gì cả, cùng lắm cũng chỉ là người đọc sách với nhau.
“Bách Lý đại hiệp từng đồng ý nhận ta làm đồ đệ,” Tạ An cười nói, “Khi đó đệ còn nhỏ, chắc đã quên rồi.”
“Có chuyện này sao?” nghi ngờ của Trần Tinh đã vọt lên tận trời, cậu đúng là có sư huynh Vương Mãnh, nhưng không nhớ sư phụ còn thu nhận Tạ An làm đồ đệ, nhưng Tạ An đã kiên quyết thì cứ nhận đại đi, không lỗ được.
Hạng Thuật nhìn Tạ An một chút, Trần Tinh thuận miệng cười nói: “Phù Kiên quản lý Trường An cũng khá, nhưng so với Kiến Khang thì còn kém xa.”
Há chỉ kém xa từng đó? Thúc ngựa cũng không đuổi kịp ấy chứ, Phù Kiên thua thiệt nhiều, mấy đời quân chủ phương bắc như Lưu Uyên, Nhiễm Mẫn, Thạch Sùng giết quá nhiều người, đuổi toàn bộ người Hán đi, đến lúc gã lấy được Trường An thì cũng đã nghèo rớt mùng tơi, đành dựng nghiệp từ hai bàn tay trắng.
Trần Tinh giải thíh qua, ý là thân phận Tạ An không phải Khu ma sư, Hạng Thuật cũng không trả lời, chỉ dõi mắt nhìn dãy nhà bên đường phố, thấy một loạt đại trạch cỡ trăm gian, so với phủ của Thác Bạt Diễm ở Trường An còn hoành tráng hơn nhiều.
Trần Tinh cũng cảm thấy nhà cửa Kiến Khang xa hoa hơn Trường An, thế đành hỏi: “Đây là chỗ nào?”
“Không biết.” Tạ An thuận miệng đáp, “Xung quanh là nơi của Hàn tộc, ngại quá, chúng ta ở ngõ Ô Y.”
Trần Tinh: “…”
Hạng Thuật: “… … …”
Tạ An đã quá tứ tuần, nhưng vẫn điều dưỡng rất tốt, dưới cằm có mấy cọng râu, bên eo đeo một viên ngọc cổ, không như người Hồ có bao nhiêu trang sức treo hết lên người, mà chỉ vừa đủ, lúc nói chuyện còn rất vui vẻ. Nam nhân bình thường đến tuổi này mà khí chất vẫn như hai mươi, ba mươi tuổi, tuấn lãng như khi còn trẻ, chỉ đơn giản nhờ hai thứ, thứ nhất là đọc sách, thứ hai là tiền bạc.
“Vị huynh đệ này…”
“Ta bị câm điếc.” Hạng Thuật lạnh lùng nói.
Trần Tinh đang xấu hổ, bỗng nhiên Tạ An lại cười ha hả, làm vẻ định vỗ vai Hạng Thuật, nhưng cũng chú ý không đụng lên vai y, cười nói: “Tiếng to tựa sấm mà lại như không, đại trí giả ngu, đúng là chí lý.”
Trần Tinh nhìn động tác của Tạ An, biết hắn nhận ra Hạng Thuật là người Hồ, nam tử người Hồ không thích bị người khác chạm vào vai, bỗng nhiên Tạ An có suy nghĩ gì đó, liếc nhìn Trần Tinh với ánh mắt sâu xa.
“Hạng Thuật là hộ pháp của ta.” Trần Tinh giải thíchc.
“Xem ra đi đường rất thuận lợi.” Tạ An tán thưởng.
“Miễn cưỡng coi là được.” Trần Tinh dở khóc dở cười, nói: “Chuyện này nhân sinh khổ đoản, kể ra rất dài…”
Tạ An nói: “Sư huynh đoán đệ đến Kiến Khang cũng ở lại lâu, từ từ rồi nói cũng không muộn, đến đây, đón tiếp đệ cái đã!”
Xe ngựa đến ngoài ngõ Ô Y, chỉ thấy một cánh cổng nhỏ, bên cạnh là một thanh ngọc núi Côn dài nửa trượng, trên cổng có hai chữ “Tạ” viết bằng mực đỏ, bút pháp rắn rỏi, phiêu dật, Trần Tinh không khỏi tán thưởng một phen, Tạ An lại cười, nói: “Hữu Quân? Sư đệ ta khen ngươi viết chữ đẹp đó.”
Người viết chữ gọi là Vương Hi Chi* đứng sau lưng Tạ An, mới chắp tay khiêm nhường nói: “Ta về nhà thay y phục, sau sẽ đến dùng trà.”
*Vương Hi Chi: một nhà thư pháp nổi tiếng, được gọi là ‘Thư thánh’, tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là ‘Lan Đình tập tự’ còn được lưu giữ đến bây giờ.
Tạ gia đối diện Vương gia, Trần Tinh vui vẻ vào Tạ gia, Tạ An làm quan trong triều, đặt mua dinh thự này, không ở chung với đại gia tộc họ Ta. Đến đây, đám sĩ tộc ra đón tiếp cũng lần lượt vào phủ Tạ An, cửa không lớn nhưng vào trong mới thấy rộng, sơn thuỷ đình cá đầy đủ, dịnh thự rộng vài mẫu, không ngờ sau cảnh cửa nhỏ đó là không gian rộng như vậy.
Tạ An sắp xếp cho Trần Tinh và Hạng Thuật một gian phòng khách để chỉnh trang, sau đó mới đến phòng khách chính dùng trà.
Hạng Thuật nhìn bốn phía, Trần Tinh gõ cửa một cái.
“Hai người thân quen lắm?” Hạng Thuật cau mày nói.
“Không quen.” Trần Tinh thản nhiên cười nói, cậu biết Hạng Thuật đang nghĩ gì – đón tiếp nhiệt tình như vậy chắc chắn có mưu tính, liên hệ đến những chuyện ở Trường An khiến Hạng Thuật có chút đề phòng.
Trần Tinh giải thích: “Lúc ta học nghệ ở Hoa sơn, huynh ấy từng đến bái phỏng một lần, từng đề cập nếu cần thiết sẽ dốc toàn lực hỗ trợ.”
Ngày xưa Trần Tinh từng thấy Tạ An nói chuyện với sư phụ, biết được từ phía sư phụ, Tạ An tự tìm đến. Nam nhân này từ nhỏ đã thích ngao du núi rừng, đi thăm danh xuyên đại sơn, lại yêu thích mấy việc tu tiên, ngự kiếm, bắt yêu với truyền thuyết.
Đáng tiếc Tạ An không xuất thân từ thế gia Khu ma sư, sau khi Vạn Pháp Quy Tịch, thế gian chẳng còn linh lực, có nhiều sự tích khu ma từ xưa đã thành truyền thuyết. Đại nghiệp tìm kiếm những người tu tiên ẩn cư cũng như tuổi tác của hắn, ngày càng xa vời. May mắn đến một ngày, hắn tìm đến Hoa sơn.
Tạ An có nguyện vọng mãnh liệt được trở thành Khu ma sư, cố gắng thể hiện hết sức với sư phụ Trần Tinh là mình có khả năng, giúp đỡ kmt khôi phục.
Trước khi Trần Tinh rời núi, sư phụ cũng viết thư, nhanh chóng được Tạ An ủng hộ. Không chỉ như vậy, hai sư đồ tu hành ở Hoa sơn, sinh hoạt bình thường đều tốn tiền. Sư phụ Trần Tinh tên là Bách Lý Luân, là một thích khách chịu ân nghĩa của Trần gia, nhưng thích khách thì đâu có biết làm ruộng cấy cày? Chỉ đôi lúc giúp dân chúng giết tham quan, chẳng kiếm được mấy đồng, lại còn thiếu nợ không ít.
Tạ An bái phỏng một lần, biết Bách Lý Luân và Trần Tinh túng quấn, chẳng nói hai lời đã tự móc tiền trả sạch nợ cho hai sư đồ, còn dư ra không ít, về sau sư phụ khen ngợi Trần Tinh, nói Tuế Tinh nhập mệnh thật ghê gớm, còn Trần Tinh nhớ rõ như in, Tạ An đưa cho sư phụ ba ngàn lượng bạc.
Hạng Thuật: “Hắn muốn làm Khu ma sư?”
Trần Tinh nói: “Hướng về một ảo mộng đẹp thời thiếu niên, muốn hành hiệp trượng nghĩa, ngự kiếm qua lại, giữa thế tục còn có ước muốn thu yêu trừ ma, bênh vực kẻ yếu.”
Trần Tinh bị Hạng Thuật nhắc nhở, cũng cảm thấy Tạ An nhiệt tình thái quá, nhưng cậu không có gì để đáp lại tính toán của Tạ An, nếu Tạ An cùng phe Thi Hợi thì đã biết lai lịch sư phụ, biết địa điểm sư môn, muốn tính kế thì đã làm từ sớm chứ chẳng chờ đến tận bây giờ.
“Đi thôi,” Trần Tinh bị Hạng Thuật nói cũng thành ra nghi thần nghi quỷ, đành giục, “Xem huynh ấy nói thế nào.”
Văn nhân trong sảnh đã chờ Trần Tinh để dâng trà, hai người ngồi yên vị, Tạ An đầu tiên giới thiệu chất nhi Tạ Huyền, theo thứ tự là đệ tử trong tộc, sau đó đến Vương Hi Chi và con cháu Vương gia. Vừa giới thiệu nhiều người như vậy, Trần Tinh cũng không nhớ nổi ai với ai, đành phải làm đủ lễ hỏi han, chủ nhân nâng trà, đám người cũng cuống quít dùng trà, chén trà thì lớn mà bên trong được có một chút, thêm một miếng bánh nhỏ.
Trần Tinh nghĩ, chắc lúc này Hạng Thuật mắng thầm trà người Hán có mỗi một tí, không đủ cho y uống một hớp.
Đám người khen trà xong, bắt đầu thấy người sang bắt quàng làm họ, Trần Tinh kế thừa gia môn nên ánh mắt mọi người lại dừng trên người Hạng Thuật.
“Vị… mỹ nam này xưng hô thế nào?” Tạ Huyền hỏi.
Phàm trên đời, từ trước đến nay đều trông mặt mà bắt hình dong, từ khoảnh khắc Trần Tinh lên bờ, có rất nhiều người thỉnh thoảng liếc nhìn Hạng Thuật, đi dọc phố, kể cả nam nữ già trẻ, đều liếc nhìn y vài lần.
Đệ tử hai nhà Vương, Tạ thấy Hạng Thuật dáng vẻ tuấn lãng thanh tú, trên lưng đeo đại kiếm, có phong thái hành hiệp trượng nghĩa nên có ấn tượng tốt, muốn bắt chuyện vài câu, nhưng Hạng Thuật từ đầu tới giờ đi bên cạnh Tạ An, không thuận tiện. Ai cũng cố ra hiệu, nhưng Hạng Thuật lờ đi coi như không thấy, lúc này mới đợi Trần Tinh giới thiệu, mọi người vội ngồi nghiêm chỉnh, mỉm cười nhìn Hạng Thuật.
“Y là…” Trần Tinh thấy Hạng Thuật không có ý mở lời, đành giới thiệu hộ, vốn định bịa xuất thân cho y, nói là “Y là hộ pháp của ta, người Hạng gia ở Hội Kê.” Nhưng lời chưa thốt ra đã nuốt lại, nhớ đến việc Hạng Thuật để ý xuất thân, ở mặt này Trần Tinh cảm thấy mình hiểu được suy nghĩ của Hạng Thuật, thế nên tôn trọng ý của y, sửa lời: “Y là bằng hữu người Hồ của ta, họ Thuật Luật, tên chỉ có một chữ Không, ở tộc Thiết Lặc, Sắc Lặc Xuyên.”
Thoáng chốc cả sảnh im lìm, Hạng Thuật hơi bất ngờ, liếc nhìn Trần Tinh, trong ánh mắt có vài phần vui vẻ, khoé môi nhếch lên, làm khẩu hình, Trần Tinh nhìn hiểu, ý của y là “cảm ơn”.
Tạ An nghe thế biết ngay không ổn, vội vàng nháy mắt với Trần Tinh, lúc ấy hai tộc Hồ Hán thâm cừu đại hận, sĩ tử Giang Nam chỉ hận không bắt được người Hồ mà lột da xẻ thịt, vừa đến đã chọc tổ ong, ai mà chịu được?
Quả nhiên chưa im lặng được bao lâu, trong thính đường lại ồn ào như vỡ tổ.
“Cái gì? !”
“Người Hồ? !”
“Người Hồ đến bằng cách nào? Lại còn là người Thiết Lặc?”
“Báo quan! Mau báo quan!”
Hạng Thuật hơi nhíu mày, nhìn Trần Tinh, tay phải ấn lên chuôi kiếm, nhìn qua toàn bộ thính đường, có người dường như cảm thấy chịu khuất nhục rất lớn, đứng dậy định đi. Nhưng cũng có người nhíu mày, không để ý tranh đấu Hồ Hán, chỉ muốn xem Trần Tinh hoá giải cục diện nguy hiểm trước mắt thế nào.
Trần Tinh không ngờ phản ứng của mọi người còn mãnh liệt hơn trong tưởng tượng, lúc này cậu dằn chén trà trong tay xuống bàn, nói: “Chờ đã! Xin các vị đừng chân!”
Đám văn nhân đứng dậy, ý niệm Tạ An lập tức thay đổi, đang định khuyên bảo mọi người, thấy Trần Tinh chủ động mở miệng thì không nói gì nữa.
________
[1] Đoạn trích nằm trong ‘Lưỡng đô phú’ của Ban Cố.
Thời Long: ý chỉ con ngựa tốt.
Phượng Cái: một loại ô phượng dùng trong lễ nghi hoàng gia xưa
Hoà Loan: chuông gắn trên xe thời xưa.