Mọi người đều cảm thấy phò mã Vương Đôn nói có lý, đi con đường đến thẳng Kiến Nghiệp (hiện tại là Nam Kinh) quá nguy hiểm, rất có thể đến cuối cùng sẽ không còn người sống, chi bằng đi đường vòng, cầu sinh trên đường cong. Đi Kinh Châu trước, tụ họp cùng Vương Trừng, người trong tộc Lang Gia Vương thị.
Vương Đôn nhận ra mấy người Vương Duyệt Tào Thục, người duy nhất không nhận ra chính là công chúa Hà Đông đầu bù tóc rối: “Vị phu nhân này là ——”
Trong lúc chạy nạn, công chúa Hà Đông bị sút cân, gương mặt tròn trịa trước kia, giờ đây cằm đã nhọn hoắt, ngay cả khí chất cũng thay đổi. Ngày trước cao ngạo ngang ngược, hiện giờ đã là phụ nữ chạy nạn bình thường, một người dượng như Vương Đôn tất nhiên nhìn không ra.
Mọi người đang định giải thích, công chúa Hà Đông đã hành lễ với Vương Đôn: “Dân phụ Tôn thị, bị tách khỏi gia đình trong lúc chạy nạn, được Kỷ Khâu Tử phu nhân thu nhận, cùng đến Kiến Nghiệp, hy vọng sẽ gặp lại người nhà.”
Công chúa Hà Đông không muốn nói ra thân phận thật sự, lấy thẳng họ của chồng cũ Tôn Hội. Đại Tấn diệt vong, công chúa như nàng ta vẫn nên “chết” thì tốt hơn, nàng ta không muốn làm một vị công chúa mất nước —— Sự kiêu ngạo của nàng ta không cho phép.
Thứ sử Kinh Châu Vương Trừng là em họ của phò mã Vương Đôn, là em ruột của Vương Diễn, người đã chết dưới bức tường sụp đổ, tính cách của ông ta có thể dùng hai từ để hình dung, đó là thiếu đòn.
Ông ta thiếu đòn tới mức nào?
Cha mẹ của hai anh em Vương Trừng Vương Diễn mất sớm, khi mẹ qua đời, bà đã phó thác con trai nhỏ Vương Trừng chưa hiểu chuyện cho con trưởng Vương Diễn và con dâu Quách thị, muốn bọn họ nuôi nấng em trai như con.
Diễn rải tiền chỉ biết nói chuyện học thuật, còn tán hết tài sản trợ cấp cho người trong tộc, để nhận về danh tiếng hào phóng nhân đức, ngay cả nhà ở cũng bán, cả gia đình phải dọn đến điền trang ở nông thôn sinh sống.
Chồng chỉ biết vung tiền khắp nơi, còn coi tiền tài như “A đổ vật”, chú út lại nhỏ tuổi, gánh nặng sinh hoạt của cả nhà đè nặng lên đầu bà chủ nhà Quách thị, buộc Quách thị phải sai nha hoàn hồi môn của mình ra ngoài nhặt phân bán, đổi lấy chút tiền mua dầu muối!
Vương Trừng không quen nhìn, khuyên chị dâu cả nên yêu quý nô tỳ, đừng ép nha hoàn xuất đầu lộ diện ra ngoài nhặt phân.
Quách thị là ai? “Đặc sản” ở Thái Nguyên Quách thị – nhà ngoại của bà, chính là phụ nữ đanh đá, gần như không có ai là không chua ngoa, Hoàng hậu Giả Nam Phong - con gái của chị họ Quách Hòe, thậm chí còn là một người đanh đá trong số những người đanh đá.
Nha hoàn không đi nhặt phân, cả nhà các ngươi uống gió Tây Bắc à? Chú út này quá thiếu đòn.
Quách thị tức giận, túm lấy quần áo của chú út mà đánh: “Trước khi chết, mẹ chồng yêu cầu tiểu thúc phải nghe lời ta, chứ không phải ta nghe lời tiểu thúc.”
Khi ấy Vương Trừng mới mười bốn tuổi, ra sức giãy giụa thoát khỏi tay chị dâu đanh đá, cuối cùng chạy trốn qua cửa sổ.
Huynh đệ Vương Diễn Vương Trừng thường xuyên thổi phồng lẫn nhau, Vương Trừng nói: “Diện mạo của a huynh giống như đạo sĩ, nhưng lại tuấn tú tựa Thần Phong.”
Vương Diễn nói: “Tất nhiên không thể hào hiệp tự nhiên lại lễ độ bằng đệ đệ.” (Trích “Thế Thuyết Tân Ngữ”)
Chị dâu Quách thị ngồi bên cạnh, nghe hai anh em thổi phồng lẫn nhau, cảm thấy ghê tởm, nói: “Đừng khen nhau nữa, lu gạo trong nhà đã cạn rồi, hai người mau nghĩ cách kiếm chút tiền mua gạo đi.”
Vương Diễn vừa nghe thấy chữ tiền đã không thoải mái: “Đừng nhắc đến từ đó trước mặt ta, thật dơ bẩn!”
Vương Trừng: “Đệ và đại ca đang nói chuyện, chớ có dùng những thứ th0 tục quấy rầy sự thanh tịnh của chúng ta, th0 tục!”
Quách thị nhấc cổ áo chú út lên đánh, chú em không thiếu thanh tịnh, chú em thiếu đòn.
Em trai thiếu đòn, anh cả Vương Diễn vẫn ngốc nghếch nâng niu người em trai này, không ngừng lót đường cho con đường làm quan của em, khi đánh giá em ruột và em họ phò mã Vương Đôn, còn không biết xấu hổ nói: “Vương Trừng xếp thứ nhất, Vương Đôn xếp thứ hai.”
Nếu Vương Đôn thua kém Vương Trừng, liệu ông có thể được chọn làm phò mã của công chúa Tương Thành, người được sủng ái nhất không? Đều là người trong tộc Lang Gia Vương thị, vì sao Hoàng đế Tư Mã Viêm không chọn em trai Vương Trừng của ngươi làm hiền tế, trong lòng ngươi không rõ hay sao?
Vì muốn dìu dắt em trai, nâng đỡ từng bước, Vương Diễn không hề có điểm mấu chốt. Nhưng ông cũng thành công trong việc tạo thế lót đường cho Vương Trừng, khơi thông con đường làm quan của em mình.
Sau cuộc nổi dậy của tám vị phiên vương, Vương Diễn trở thành tâm phúc của vị phiên vương chấp chính - Đông Hải vương Tư Mã Hoạt, vì ích lợi của Lang Gia Vương thị, cũng mưu tính cho em trai một công việc an toàn béo bở. Vương Diễn sắp xếp cho Vương Trừng làm Thứ sử Kinh Châu, cách xa ngàn dặm, rời xa chiến loạn.
Không thể không nói, Diễn rải tiền thực sự có tầm nhìn xa trông rộng, cả gia đình bỏ mạng, bản thân ông cũng chôn vùi dưới tường gạch, nhưng cả nhà em trai lại ở Kinh Châu xa xôi, mạch này có thể được bảo toàn.
Đám người Vương Đôn Vương Duyệt đến nhờ cậy Vương Trừng, trên đường đi, Vương Đôn phân phát toàn bộ tài sản còn lại của công chúa Tương Thành cho các cặp đôi vừa mới cử hành hôn lễ tập thể. Vương Đôn không cần gì, tất cả chia đều cho thuộc hạ.
Vương Đôn am hiểu sâu sắc về bản chất con người, trong thời thế loạn lạc, danh dự và lợi ích tập thể sẽ trở nên mong manh yếu ớt, tại thời điểm đó, có được gia đình, của cải riêng, mới có thể k1ch thích khát vọng sinh tồn, nâng cao tinh thần của bọn họ.
Về phần tiền tài, Vương Đôn và Diễn rải tiền có chung thái độ, tiền tài tiêu tán hết cũng không sao, tiền đồ và tương lai mới quan trọng.
Gia phong của Lang Gia Vương thị đại khái cũng như thế, thích làm việc thiện. Người để mắt tới tiền, giỏi quản lý tài sản giống như Nhung kẹt xỉ chỉ chiếm rất ít.
Quả nhiên đường đến Kinh Châu phải ngừng nghỉ rất nhiều, cho dù gặp phải cướp, số lượng cũng không nhiều bằng nhóm người Vương Đôn, không thành vấn đề, xem ra đi đúng đường rồi —— có vẻ thế.
Ở trên đường, cuối cùng Thanh Hà cũng tỉnh lại, tỉnh lại không nhìn thấy mẹ, cảm xúc suy sụp tức thì. Nghe nói Dương Hiến Dung được Lưu Diệu cứu đi, lúc ấy nàng mới bình tĩnh lại, ăn chút gì đó, rồi lại bắt đầu hôn mê.
Tào Thục vui mừng: “Nó vẫn còn nhớ Hoàng hậu, xem ra cũng không trở nên ngu dại.”
Ngoài miệng Tào Thục nói không thành vấn đề, kỳ thực trong lòng rất sợ hãi, dùng ngũ thạch tán có người bị điên khùng thậm chí là ngu dại, nếu một đứa con gái biến thành dáng vẻ của Huệ Đế Tư Mã Trung… không có khả năng!
Công chúa Hà Đông vẫn còn sợ hãi: “Thế là tốt rồi, phụ thân ta cả đời ngây ngốc, nhưng người ngốc có phúc của người ngốc, Đại Tấn cũng không diệt vong trong tay ông ấy. Nhưng muội muội là nữ tử, lại gặp phải thời loạn lạc, nếu nó cũng bị ngây ngốc, tương lai phải làm gì bây giờ.”
Vương Duyệt nói: “Cho dù nàng có biến bộ dạng gì, ta đều cưới nàng, chăm sóc nàng cả đời.”
Dọc theo đường đi Vương Duyệt đã tính toán cho trường hợp xấu nhất.
Trên mặt Tuân Hoán đầy vẻ khâm phục: Đây là tình yêu thần tiên gì vậy!
Nhận thức được điều gì đó, công chúa Hà Đông trừng lớn hai mắt: “Ngươi và muội muội của ta có quan hệ gì?”
Đối mặt với sự chất vấn của chị vợ, Vương Duyệt nói: “Quan hệ giống ngài và Tôn Hội.”
Công chúa Hà Đông đang định bùng nổ, thì bị Tào Thục bịt kín miệng, thì thầm nói: “Không phải như ngài nghĩ đâu, Thanh Hà còn đang để tang. Dương Hoàng hậu vốn định sau khi hiếu kỳ kết thúc sẽ tứ hôn cho bọn họ. Từ lâu ta đã coi công chúa Thanh Hà như nhi tức —— dù nàng có biến thành dáng vẻ gì, chúng ta đều không thay đổi.”
Công chúa Hà Đông nghe xong lời cam đoan của Tào Thục, lúc này mới bình tĩnh trở lại, hiếm có mẹ chồng quý nàng dâu. Bây giờ Thanh Hà rơi xuống đất, phượng hoàng không bằng gà. Tuy nhiên, Kỷ Khâu Tử Thế tử Vương Duyệt có địa vị cao tại Giang Nam, cha Vương Đạo của hắn là đệ nhất mưu sĩ của Minh chủ Giang Nam Tư Mã Duệ, tương tự như thừa tướng, nếu Thanh Hà gả cho Vương Duyệt, đây là phúc lành của nàng.
Mặc dù thế, sau đó công chúa Hà Đông gần như một tấc cũng không rời Thanh Hà đang hôn mê, chỉ sợ Vương Duyệt có ý đồ xấu, căn cứ vào kinh nghiệm của nàng ta, đàn ông ở độ tuổi này, không thể tin tưởng dễ dàng.
Cuối cùng cũng tới Kinh Châu, nơi này là một vùng đồng bằng, mặc dù cũng thuộc Đại Tấn, sử dụng chữ viết tương tự, nhưng bọn họ nghe không hiểu người ở đây đang nói gì.
Lần đầu tiên Tuân Hoán rời khỏi Trung Nguyên, đi vào lưu vực sông Trường Giang ở phía nam, mọi thứ ở đây đều mới mẻ, nàng hỏi Vương Duyệt: “Không phải huynh từng ở Giang Nam mấy tháng sao? Vì sao một chữ cũng không hiểu?”
Vương Duyệt bối rối: “Đại khái là ta có thể nghe hiểu được tiếng Kiến Nghiệp, nhưng cùng là phương nam, ngôn ngữ ở Kinh Châu và Kiến Nghiệp lại hoàn toàn khác biệt.”
Mới đầu Vương Duyệt cũng dùng chút tiếng Kiến Nghiệp sứt sẹo giao tiếp với người Kinh Châu, nhưng đối phương ríu rít một hồi, hắn căn bản không hiểu.
May mắn dọc theo đường đi cũng có dân lưu lạc từ Trung Nguyên tới, hỏi thăm vài lần, cuối cùng cũng đến được thành Kinh Châu (thành Kinh Châu những năm cuối nhà Tấn, không phải Kinh Châu của đời sau, mà là Tương Dương, độc giả không nên hình dung theo tiếng Kinh Châu hiện đại).
Từ phía nam tiến vào thành, cuối cùng nơi này cũng có dấu vết của Trung Nguyên. Trước mắt là một ngọn núi, dưới chân núi lập văn bia, ngoài ra dưới chân núi còn có miếu thờ.
“Núi Dương Hỗ? Miếu Dương Công?” Công chúa Hà Đông rất tò mò: “Đây là miếu Dương Hỗ do bá tánh Kinh Châu xây dựng cho Thái Sơn Dương thị? Lạc Dương không có miếu Dương Công, không ngờ lại thấy nó ở Giang Nam, hóa ra Dương Công lại nổi tiếng ở nơi này như vậy.”
Mẹ của Dương Hỗ - đại thần nổi tiếng triều Tấn, chính là Thái Văn Cơ, em ruột của Thái Trinh Cơ. Thực ra, vốn dĩ Dương Hỗ không được sinh ra. Vợ đầu của Dương Đạo- cha hắn, là Khổng thị ——con gái của Khổng Dung, hậu duệ của Khổng Tử. Nhưng Tào Tháo gi3t ch3t cả nhà Khổng Dung, tru di tam tộc, bao gồm cả Khổng thị đã xuất giá, Dương Đạo đau khổ cầu xin cho vợ nhưng không có kết quả, cuối cùng Khổng thị vẫn bị giết.
Dương Đạo cưới vợ kế Thái Trinh Cơ, sinh được một nam một nữ, Dương Hỗ và Dương Huy Du, sau này Dương Huy Du gả cho con trai trưởng Tư Mã Sư của Tư Mã Ý, cuối cùng được phong làm Cảnh Hiến Hoàng hậu của Đại Tấn, Dương Hỗ trở thành đại thần nổi tiếng cả một thế hệ.
Trong thời kỳ tam quốc tranh bá, Dương Hỗ đã giữ chức Thứ sử Kinh Châu suốt mười năm, để đặt nền móng cho việc bình định Đông Ngô, thống nhất giang sơn. Khi Dương Hỗ nhậm chức, ông đã lấy đức thu phục lòng người, cẩn thận cai quản Kinh Châu, dẫn tới rất nhiều người Đông Ngô nghe danh tìm đến nương nhờ vào Kinh Châu của Ngụy quốc. Để tưởng nhớ Dương Hỗ, bá tánh thành Kinh Châu thậm chí còn sửa tên ngọn núi, thành núi Dương Hỗ, xây dựng miếu thờ Dương Công dưới chân núi, hương khói thịnh vượng.
Khi tới lượt Dương Hiến Dung lên làm Hoàng hậu, Thái Sơn Dương thị không có người nối nghiệp, không có một chính trị gia tài giỏi đáng kinh ngạc nào như Dương Hỗ, địa vị của Dương gia ở thành Lạc Dương dần kém xa Lang Gia Vương thị.
Nếu không đi tới Kinh Châu, mọi người sẽ không biết được sức ảnh hưởng của Dương Hỗ ở Giang Nam thật ra đã vượt qua tất cả các quan viên nổi tiếng của Đại Tấn.
Lúc này Thanh Hà tỉnh lại, ngồi trong xe ngựa, yếu ớt dựa vào cửa sổ, tò mò quan sát thế giới mới mẻ này, núi Dương Hỗ là điểm kết nối duy nhất giữa thế giới mới ở Giang Nam và thế giới cũ ở Trung Nguyên, đó là dấu vết do mẫu tộc của nàng, Thái Sơn Dương thị lưu lại, thế giới này thật tuyệt vời.
“Muội tỉnh rồi? Cẩn thận trúng gió lại đau đầu.” Vương Duyệt cưỡi ngựa bên ngoài, đi theo xe ngựa, kéo rèm che kín trên cửa sổ xe ngựa.
Thanh Hà cách tấm rèm hỏi Vương Duyệt: “Tại sao khi ở Lạc Dương, ta lại không biết mẫu tộc của mình được tôn sùng ở Kinh Châu đến thế?”
Thực lòng mà nới, ở một địa phương xa xôi, nhìn thấy mẫu tộc Dương thị được người dân địa phương tôn kính, trái tim hư vinh của Thanh Hà vô vùng thỏa mãn, như được xoa dịu phần nào nỗi đau mất nước.
Cảm giác như mất thứ này lại được thứ khác, tựa như vài thập niên trước mẫu tộc đã gieo hạt giống, lúc con cháu quay lại nơi này, hạt giống đã trở thành bóng cây, thật tốt khi được hưởng bóng mát dưới tán cây lớn, chăm sóc thế hệ trẻ.
Vương Duyệt hơi xấu hổ: “Chuyện này có liên quan đến Lang Gia Vương thị chúng ta, hai đời tộc trưởng của gia tộc chúng ta, cả Vương Nhung và Vương Diễn đều không thích Dương Hỗ, hoặc là coi thường, hoặc là hạ thấp. Theo thời gian, người Lạc Dương rất ít khi biết đến công trạng của Dương Hỗ, cho nên mới có câu “Hai vua trị quốc, Dương Công vô đức”.”
Vương Duyệt tự bóc trần sự thật, Thanh Hà cứng họng: Hoá ra Dương Hỗ đã bị hai người nhà họ Vương hợp sức chèn ép!