Vương gia ở ngõ Ô Y phái người đến Đài Thành báo tang, thông báo tin Vương Duyệt đã chết.
Thái Ninh Đế Tư Mã Thiệu đã đích thân ban thưởng thụy hào (*) "Trinh", từ đó Vương Duyệt được gọi là Trinh thế tử.
Linh đường của Trinh thế tử Vương Duyệt, Thái Ninh Đế tự mình thắp hương cúng bái. Người khác đều khóc, nhưng Thái Ninh Đế ngay cả một giọt nước mắt cũng không có, nói:
"Trinh thế tử đã từng cùng trẫm đến nước Triệu đón Mẫn Hoài Nhị Đế trở về thành Kiến Khang. Xương trắng phơi ngoài đồng, tiếng gà vắng dặm trường. Trung Nguyên điêu linh, cảnh hoang tàn trước mắt. Trinh thế tử đã từng cảm thán, âm thanh dễ nghe nhất trên đời này, không phải là âm nhạc, mà là tiếng của gà trống. Có tiếng gà trống tức là có dân, có sự sống. Sau này trẫm nuôi một bầy gà ở Đông Cung. Năm nay những con gà này đã bắt đầu đẻ trứng, nhưng Trinh thế tử đã không còn trên nhân gian nữa, đã thăng thiên thành tiên rồi."
"Hôm nay trẫm muốn dùng tiếng gà gáy để tiễn Trinh thế tử."
Thái Ninh Đế ngưỡng cổ, học tiếng gà trống, kêu ba tiếng, ò ó o.
Tất cả mọi người đều kinh hãi.
Năm đó ở Lạc Dương, phò mã Vương Diễn lúc sinh thời rất thích nghe tiếng lừa hí, dùng trăm vạn tiện dựng mã trường Kim Câu. Lúc ông ta mất, có rất nhiều bằng hữu đến chia buồn, không khóc không quỳ, học tiếng lừa hí kêu ba tiếng y như đúc. Trước thì bị mọi người cười chế nhạo, nhưng sau đó thì được lưu truyền ca tụng.
Bây giờ Thái Ninh Đế hạ mình học tiếng gà gáy, không ai dám cười Hoàng đế, đều khen Hoàng thượng nhân đức, tôn sư luyến tiếc nhân tài.
Vị Hoàng đế trẻ tuổi vừa lên nắm quyền, đã diệt trừ nghịch thần Vương Đôn, không thể khinh thường. Hơn nữa Vương Đạo từ chối không nhận chức quan, tạm thời rút khỏi triều chính, vậy mà Thái Ninh Đế trở thành vị hoàng đế duy nhất của Đại Tấn nắm trong tay hoàng quyền!
Thái Ninh Đế kêu xong ba tiếng gà gáy, trở về Đài Thành thì Dữu hoàng hậu cầu kiến.
Dữu hoàng hậu nói: "Bệ hạ, năm sau thái tử sẽ phải đi học. Thần thiếp nghĩ tới nghĩ lui, ngoại trừ Trinh thế tử, không có người nào thích hợp làm thầy của thái tử. Mặc dù Trinh thế tử đã chết, nhưng Vương Duyệt vẫn ở đó, có thể mời Vương Duyệt lấy thân phận Tào Thống tiến cung, làm thầy của thái tử được không? Thần thiếp cảm thấy, dưới sự dạy dỗ của Vương Duyệt, sau này thái tử sẽ giống như hoàng thượng, là một vị quân vương nổi tiếng."
Thái Ninh Đế không chút nghĩ ngợi lắc đầu: "Không được. Trẫm đã đồng ý với Vương Duyệt, để hắn và công chúa Thanh Hà lui về ở ẩn. Hơn nữa, công chúa Thanh Hà không được khỏe. Một năm nay vì diệt trừ Vương Đôn mà hao tâm tổn lực, cần phải tĩnh dưỡng. Bọn họ là một đôi thần tiên quyến lữ, nên tránh xa những hỗn loạn thế sự, sống một cuộc sống thần tiên. Việc dạy dỗ Thái tử, giao cho..."
Thái Ninh Đế suy nghĩ một chút, rồi nói: "Giao cho Vương Đạo đi. Vương Đạo có thể dạy dỗ một thiên tài như Vương Duyệt, nhất định sẽ có thể dạy dỗ cho Thái tử."
Dữu hoàng hậu đồng ý, lại hỏi: "Trinh thế tử đi rồi, gà ở Đông Cung vẫn tiếp tục nuôi ạ?"
Thái Ninh Đế nói: "Nuôi, đương nhiên phải nuôi. Hơn nữa để cho Thái tử tự mình nuôi dưỡng, nói nguyên do đằng sau cho hắn biết, để hắn nhớ kỹ Trinh thế tử."
Thái tử Tư Mã Diễn mới bốn tuổi nên rất vui mừng khi được đảm nhận "trọng trách" này.
Dữu hoàng hậu cáo lui, đến sắp xếp mọi chuyện ở Đông Cung. Đến đêm không thấy Thái Ninh Đế đến nên sai người đi hỏi, biết được Thái Ninh Đế qua đêm chỗ Tống phi.
Tống phi chính là Tống Huy, đã từng là sủng thiếp của Vương Đôn, cũng là phi tần duy nhất của Thái Ninh Đế. Hậu cung ở niên đại này không quan tâm đến việc phụ nữ từng có người đàn ông khác, thậm chí còn lấy hành vi vinh quang biểu thị công trạng với Hoàng đế.
Ví dụ Tấn Võ Đế Tư Mã Viêm thống nhất tam quốc, hậu cung tập trung tất cả phi tử của tam quốc. Phi tử nhiều đến nỗi ngủ mãi vẫn không hết, chỉ có thể dựa vào đàn dê kéo xe để quyết định xem tối nay nên ngủ ở đâu. Dê dừng ở chỗ nào thì thì tối đó người đó thị tẩm. Dê thích ăn mặn cho nên trước cửa cung các phi tần đã dội nước muối để dẫn dụ dê tới. Lâu ngày, trước cửa thanh lâu dùng nước muối tẩy rửa trở thành phong tục được lưu truyền.
Thái Ninh Đế dẹp loạn loạn Vương Đôn, đưa Tống Huy vào cung, không có đại thần nào phản đối, đó là chuyện đương nhiên.
Vì Tống Huy xuất thân thấp kém, không sinh con nối dõi, vì vậy không thể nghiêm túc phong hào, dứt khoát xưng hô theo họ.
Tống Huy độc sủng ở Đài Thành, Dữu hoàng hậu không quan tâm. Nàng ấy sinh năm đứa con, ba nữ hai nam, lại xuất thân danh môn Dĩnh Xuyên Dữu thị. Anh em trong tộc đều giữ chức quan quan trọng. Trong lúc mơ hồ, thế lực coi như ngang ngửa với Vương Đạo. Vị trí hoàng hậu vững như núi Thái Sơn, còn cần quan tâm gì nữa?
Dữu hoàng hậu không muốn tranh sủng với Tống Huy, một lòng dưỡng con cái, trợ giúp anh em con cháu bành trướng thế lực trong triều, chiêu mộ nhân sĩ, muốn nâng Dĩnh Xuyên Dữu thị lên hàng sĩ tộc đứng đầu như Lang Gia Vương thị.
Biệt viện Lâu Hồ.
Trời đổ tuyết lớn, mặt hồ đã sớm đóng băng nhưng trong phòng lại ấm áp như mùa xuân. Thanh Hà mở cửa sổ đưa tay ra hứng tuyết rơi, nhưng bị Vương Duyệt kéo vào, "phanh" một tiếng, đóng cửa sổ lại: "Chỉ cần một cơn gió lạnh thổi qua thôi là nàng đã bị đau đầu rồi, vẫn chưa nhận được bài học hả?"
Thanh Hà cầu xin Vương Duyệt: "Ta mặc áo lông chồn và đội mũ tuyết da sóc. Ta muốn đi ra ngoài một chuyến, ở trong nhà sắp nghẹn đến điên rồi."
"Không được." Vương Duyệt tàn nhẫn từ chối: "Nàng vừa mới châm cứu trên đầu, đại phu nói trời nắng không gió thì mới có thể ra ngoài."
Vương Duyệt thấy nàng buồn chán, thì đem chuyện Thái Ninh Đế gáy ba tiếng gà trống trong tang lễ của mình ra kể. Sắc mặt Thanh Hà từ mây mù chuyển ngay sang trời quang: "Vị hoàng đế này thật sự rất thú vị. Nói hắn ngu ngốc, nhưng có lúc lại thông minh như hoán đổi thành một con người khác. Nói hắn thông minh nhưng có lúc lại làm ra những chuyện ngu ngốc dở khóc dở cười."
Hai người hàn huyên chuyện của Thái Ninh Đế và Tống Huy một lúc lâu, thì người của Chu Phủ và Tuân Hoán truyền tin tức đến: "Phu nhân của ta sinh rồi! Nhi tử mập mạp nặng bảy cân* chín lạng. Tên đã sớm định, gọi là Chu Sở."
*1 cân = 0.5kg
Chu Sở là bé trai.
Thanh Hà vui vẻ thay cho bạn của mình, gửi tặng một lễ vật: "Phu nhân các ngươi phải điều dưỡng thân thể thật tốt, trong tháng ở cữ chớ để gặp gió máy. Chờ Chu Sở đầy tháng, ta sẽ đến gặp muội ấy. "
Người đưa tin rời đi, Thanh Hà lục tung các rương, chuẩn bị lễ vật đầy tháng cho Chu Sở, hận không thể đem tất cả đồ vật tặng cho hắn.
Thanh Hà gộp lại một đống đồ, đang qua phòng bên cạnh lấy thêm một ít, lại phát hiện cửa đã bị Vương Duyệt khóa lại không biết từ lúc nào.
Thanh Hà nói: "Ban ngày ban mặt chàng khóa cửa làm gì? Chìa khóa đâu?"
Vương Duyệt không đưa chìa khóa, mà đưa một nụ hôn triền miên.
Đây không phải là ám thị mà là công khai. Thanh Hà bỗng dưng hoảng sợ: "Chúng ta còn chưa thành thân."
Vương Duyệt nói: "Ta đã đợi từ năm mười bốn tuổi. Ba năm rồi lại ba năm. Sáu năm rồi, ta không thể chờ được thêm nữa."
Chỉ có sáu năm sao? Lại giống như trải qua cả nửa cuộc đời.
Ánh mắt Thanh Hà mềm mại. Tuân Hoán đã sinh con rồi, chúng ta thì vẫn giậm chân tại chỗ, không thể chịu thua được, phải thúc ngựa đuổi kịp!
Thanh Hà vui vẻ nghênh đón, cởi đai lưng của hắn...
Vào đầu mùa xuân, một người đàn ông Trung Nguyên vượt sông đến, đến ngõ Ô Y, tự xưng là cháu trai của Tào Thục, Tào Thống. Do không chịu làm thần tử của nước Triệu, cho nên lúc xuôi về phía nam đến Kiến Khang, nương tựa vào cô ruột.
Hai cô cháu tương phùng, ôm nhau khóc. Tào Thống để râu, nhưng những người từng nhìn thấy hắn đều nói hắn giống Trinh thế tử.
Tào phu nhân giới thiệu cháu trai mất tích nhiều năm của mình là Tào Thống với chồng Vương Đạo. Tào Thống được Vương Đạo dẫn vào Đài Thành diện thánh. Thái Ninh Đế phong Tào Thống làm Tôn Chính, phụ trách quản lý hộ tịch cho hoàng tộc. Bởi vì có tướng mạo giống Trinh thế tử, được công chúa Thanh Hà nhìn trúng, cầu Thái Ninh Đế tứ hôn. Thái Ninh Đế thành toàn cho công chúa, gả công chúa Thanh Hà cho Tào Thống.
Sau khi công chúa Thanh Hà xuất giá, thì cùng Tào Thống mai danh ẩn tích, đi du ngoạn bốn phương. Vị công chúa có huyết thống thuần chủng nhất Đại Tấn rời khỏi trung tâm quyền lực, biến mất ở thành Kiến Khang.
Một năm sau, tháng tám mùa thu.
Ngõ Ô Y, Tào phu nhân đi đến căn phòng của Trinh thế tử, đóng gói tất cả những thứ mà hắn đã dùng trước đó sắp xếp vào từng rương, rồi khóa lại, ra lệnh cho hạ nhân cất vào khố phòng.
Lúc đi ngang qua hồ nước, Tào phu nhân bỗng nhiên đưa tay lên, ném tất cả chìa khóa của mấy chiếc rương kia xuống nước. Người hầu đang muốn nhảy xuống nước tìm chùm chìa khóa, nhưng bị Tào Thục ngăn lại, thở dài: "Thấy vật nhớ người. Nhi tử của ta đã thoát xác thành tiên rồi, không cần phải quấy rầy sự yên tĩnh của hắn nữa. Dù sao ta cũng sẽ không mở những cái rương kia ra nhìn đồ vật của hắn nữa, dứt khoát ném chìa khóa đi, sợ ta nhịn không được đi nhìn lại nhớ về hắn nữa."
Lời này được truyền ra, thành Kiến Khang đều cảm thán Tào phu nhân bi thương người đầu bạc tiễn người đầu xanh.
Vương Đạo từ Đông Cung ở Đài Thành dạy dỗ Thái tử trở về, theo thói quen đi đến phòng của con trai trưởng ngồi một lát, lại phát hiện nơi này đã được dọn trống rỗng, chỉ có Tào Thục phu nhân là ở đó.
Tào Thục nói: "Diễn trò thì phải diễn cho giống. Ta hầu như ngày nào cũng đến đây, giống như Vương Duyệt chưa từng rời khỏi đây vậy, tránh cho người khác nghi ngờ."
Vương Đạo thở dài: "Muộn rồi. Bà diễn trò cũng vô dụng. Hôm nay ta đến Đông Cung giảng bài, bị Hoàng thượng gọi đến điện Tử Quang. Hoàng thượng muốn ta truyền tin cho Vương Duyệt, muốn Vương Duyệt và Thanh Hà nhanh chóng trở về Đài Thành một chuyến."
Tào Thục cả kinh: "Tại sao? Đài Thành xảy ra chuyện gì?"
Vương Đạo thấp giọng: "Thân thể của Hoàng thượng.... Không tốt."
Tào Thục không thể tin được: "Hoàng thượng mới hai mươi bảy tuổi, cơ thể vẫn luôn khỏe mạnh, sao có thể bệnh thành như vậy, đến mức muốn công chúa Thanh Hà trở về? Đây là căn dặn hậu sự hả?"